Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ sáu 17 tháng 02 năm 2023

    Tổng thống Biden nói không xin lỗi vụ bắn hạ khí cầu Trung Quốc

    17/02/2023



    Tổng thống Joe Biden, ngày 16/2/2023, phát biểu về khinh khí cầu do thám của Trung Quốc và các vật thể khác không xác định bị quân đội Mỹ bắn hạ.

    Tổng thống Joe Biden ngày 16/2 loan báo Hoa Kỳ đang phát triển “các quy tắc nghiêm ngặt hơn” để theo dõi, giám sát và có khả năng bắn hạ các vật thể trên không không xác định, sau ba tuần kịch tính căng thẳng từ việc phát hiện một khinh khí cầu tình nghi gián điệp của Trung Quốc bay ngang Mỹ.

    Tổng thống Biden đã chỉ thị cho cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan lãnh đạo một “nhóm liên ngành” để xem xét các tiến trình sau khi Hoa Kỳ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc, cũng như ba vật thể khác mà ông Biden nói Hoa Kỳ hiện tin rằng rất có thể là những vật thể “vô hại” đã được các công ty tư nhân hoặc các tổ chức nghiên cứu phóng lên.

    Ông Biden nói ông hy vọng các quy tắc mới sẽ giúp “phân biệt giữa những khinh khí cầu có khả năng gây rủi ro về an toàn và an ninh cần phải hành động và những khinh khí cầu vô hại”.

    “Đừng nhầm lẫn, nếu bất kỳ đối tượng nào đe dọa đến sự an toàn và an ninh của người dân Mỹ, tôi sẽ cho bắn hạ,” ông nói thêm.

    Vụ bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc là vụ bắn hạ một vật thể bay trái phép trong không phận Hoa Kỳ trong thời bình đầu tiên được biết đến — một kỳ tích được lặp lại ba lần một tuần sau đó.

    Ông Biden chỉ trích gay gắt chương trình do thám của Trung Quốc, nói rằng “vi phạm chủ quyền của chúng tôi là không thể chấp nhận được”, nhưng cho biết ông muốn duy trì các đường dây liên lạc cởi mở với Bắc Kinh. Ngoại trưởng Anthony Blinken đã hoãn chuyến đi dự kiến đầu tiên của ông tới Trung Quốc khi khinh khí cầu đang bay qua Mỹ và một cuộc gặp mới với người đồng cấp Trung Quốc vẫn chưa được lên lịch.

    “Tôi mong được nói chuyện với Chủ tịch Tập và tôi hy vọng chúng ta có thể đi đến tận cùng vấn đề này,” ông Biden nói, đồng thời nhấn mạnh “Nhưng tôi không xin lỗi vì đã bắn hạ khinh khí cầu đó.”

    Khinh khí cầu Trung Quốc đã làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

    Ông Biden phần lớn giữ im lặng về các vật thể bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Alaska hôm 10/2, ở Canada vào ngày 11/2 và ở Hồ Huron ngày 12/2. Hôm 13/2, Tòa Bạch Ốc tuyên bố một cách nghiêm túc rằng không có dấu hiệu nào về “người ngoài hành tinh hoặc hoạt động ngoài trái đất”. Đến ngày 14/2, các quan chức Hoa Kỳ cho biết họ vẫn đang làm việc để xác định vị trí mảnh vỡ của các vật thể, nhưng họ cho rằng cả ba vật thể này đều không liên quan đến các nỗ lực do thám.

    Phát ngôn viên an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc John Kirby nói: “Cộng đồng tình báo đang xem xét lời giải thích hàng đầu rằng đây có thể chỉ là những khinh khí cầu gắn với mục đích thương mại hoặc vô hại nào đó.” Ông Kirby cho biết chưa có quốc gia hay công ty tư nhân nào đứng ra nhận bất kỳ vật thể nào. Chúng dường như không được vận hành bởi chính phủ Hoa Kỳ.

    Vẫn chưa được giải quyết là những câu hỏi về khinh khí cầu ban đầu, bao gồm khả năng do thám của nó và liệu nó có truyền tín hiệu khi bay qua các địa điểm quân sự nhạy cảm ở Hoa Kỳ hay không. Theo một quan chức Mỹ, nó được tình báo Mỹ tin rằng ban đầu đang trên đường hướng tới lãnh thổ Guam của Mỹ.

    Hoa Kỳ đã theo dõi khí cầu trong vài ngày sau khi nó rời Trung Quốc, quan chức này nói với hãng tin AP với điều kiện giấu tên để thảo luận về thông tin tình báo nhạy cảm. Quan chức này cho biết dường như nó đã bị thổi bay khỏi quỹ đạo ban đầu và cuối cùng bay qua lục địa Mỹ.

    Khinh khí cầu và các vật thể không xác định khác trước đây đã được phát hiện trên đảo Guam, một trung tâm chiến lược của Hải quân và Không quân Hoa Kỳ ở phía tây Thái Bình Dương.

    Không rõ Trung Quốc kiểm soát được khinh khí cầu bao lâu sau khi nó đi chệch khỏi quỹ đạo ban đầu. Một quan chức thứ hai của Hoa Kỳ cho biết khinh khí cầu có thể đã được điều động từ bên ngoài hoặc hướng đến một mục tiêu cụ thể, nhưng không rõ liệu lực lượng Trung Quốc có làm như vậy hay không.

    Sau khi khinh khí cầu bị bắn hạ, Tòa Bạch Ốc tiết lộ rằng những khinh khí cầu như vậy đã đi qua lãnh thổ Hoa Kỳ ít nhất ba lần dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump mà ông Trump hoặc các phụ tá của ông không biết - và những quả khinh khí cầu khác đã bay qua hàng chục quốc gia trên khắp năm châu lục. Ông Kirby nhấn mạnh hôm 13/2 rằng các khinh khí cầu chỉ bị phát hiện dưới chính quyền Biden.

    Hội nghị an ninh Munich khai mạc với trọng tâm là Ukraina và căng thẳng Mỹ - Trung

    Thanh Phương /RFI

    17/02/2023


    Thống đốc bang Bavarian Markus Soeder (P) đón phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại sân bay ngày 16/02/2023 đến tham dự Hội nghị An ninh Munich, Đức, khai mạc ngày 17/02. AP - Michael Probst

    Chiến tranh Ukraina, kéo dài gần một năm, và căng thẳng Mỹ-Trung là những hồ sơ bao trùm Hội nghị Munich về an ninh, khai mạc hôm nay, 17/02/2023.

    Năm nay, hơn 150 đại diện các chính phủ, trong đó có thủ tướng Đức Olaf Scholz và tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sẽ tham dự hội nghị thường niên tại thành phố Munich của Đức bàn về các vấn đề an ninh quốc tế. Hội nghị Munich cũng quy tụ lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, cũng như tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg. Nhưng năm nay không có đại diện nào của Nga được mời đến hội nghị.

    Theo hãng tin AFP, tại Munich, các lãnh đạo châu Âu sẽ tái khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraina cho đến khi nào vẫn còn cần để đẩy lùi quân xâm lược Nga. Cho tới nay, các nước phương Tây vẫn yểm trợ Kiev bằng việc cung cấp vũ khí và ban hành các trừng phạt để làm suy yếu Nga. Chính quyền Ukraina hiện đang hối thúc các đồng minh cấp tốc viện trợ thêm vũ khí, đạn dược trong bối cảnh Matxcơva dường như đang chuẩn bị mở một cuộc tấn công quy mô lớn trong những ngày tới.

    Yếu tố quan trọng nhất hiện nay chính là cung cấp đạn dược. Kể từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, trung bình quân Nga bắn mỗi ngày hơn 20.000 đạn pháo và phía Ukraina trung bình chỉ tiêu thụ gần 5.000 đạn. Nhưng vấn đề là lực lượng của Kiev sử dụng số lượng đạn nhiều hơn khả năng sản xuất của các nước NATO.

    Hoa Kỳ đã cấp tốc gia tăng khả năng sản xuất đạn pháo 155 ly lên 90.000/tháng, nhưng cũng chỉ đủ để đáp ứng một phần nhu cầu của quân Ukraina. Pháp thì cũng chỉ sản xuất được vài chục ngàn đạn 155 ly mỗi năm và nay chỉ mới bắt đầu đẩy nhanh sản xuất.

    Căng thẳng Mỹ - Trung

    Hội nghị Munich năm nay cũng sẽ tập trung thảo luận về căng thẳng đang gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh do vụ khinh khí cầu Trung Quốc xâm phạm không phận Hoa Kỳ và bị bắn hạ. Bắc Kinh vẫn khẳng định đó là một khinh khí cầu sử dụng vào mục đích dân sự, chứ không phải do thám như cáo buộc của Mỹ, đồng thời tố cáo các khinh khí cầu của Mỹ đã nhiều lần bay trên bầu trời Trung Quốc.

    Căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới gây khó khăn cho các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức, hiện đang cố thuyết phục Trung Quốc, vẫn là đồng minh thân cận của Nga, gây áp lực lên tổng thống Putin để ông chấm dứt chiến tranh Ukraina.

    Đài Loan phát hiện xác khinh khí cầu rơi, có thể của Trung Quốc

    17/02/2023



    Quân đội Đài Loan chuẩn bị tập trận chống Trung Quốc trước Tết Nguyên Đán tại Thành phố Cao Hùng, ngày 11/1/2023.

    Quân đội Đài Loan ngày 16/2 loan báo tìm thấy phần còn lại của một khinh khí cầu thời tiết có thể là của Trung Quốc bị rơi trên một hòn đảo xa xôi và có vị trí chiến lược gần bờ biển Trung Quốc, giữa những tranh chấp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về khinh khí cầu gián điệp.

    Đài Loan, được Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình, đã phàn nàn về việc các lực lượng vũ trang của Bắc Kinh gia tăng quấy rối trong ba năm qua, bao gồm các máy bay chiến đấu bay gần đảo và máy bay không người lái bay quanh các đảo nhỏ ngoài khơi.

    Quân đội Đài Loan cho biết vào xế trưa ngày 16/2, lực lượng của họ trên đảo Dongyin, một phần của quần đảo Matsu do Đài Loan kiểm soát ngoài khơi Phúc Châu của Trung Quốc, đã quan sát thấy một vật thể lạ rơi từ trên trời xuống, sau đó tìm thấy tàn tích của một khinh khí cầu trên một trường bắn.

    Quả cầu có đường kính khoảng 1 mét với một hộp dụng cụ được đánh dấu bằng các ký tự tiếng Trung giản thể - được sử dụng ở Trung Quốc chứ không phải ở Đài Loan - và dòng chữ “Công ty Vô tuyến Taiyuan số 1,” “Dụng cụ đo khí quyển kỹ thuật số GTS13” và “dụng cụ khí tượng,” quân đội cho biết.

    Taiyuan là một thành phố lớn ở miền bắc Trung Quốc. Chưa liên lạc được với công ty vừa kể để yêu cầu bình luận.

    “Cuộc điều tra sơ bộ xác định rằng phần còn lại là của một thiết bị thăm dò khí tượng, đã được các bộ phận liên quan thu thập để đánh giá thêm”, quân đội Đài Loan cho biết trong một tuyên bố ngắn.

    Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 14/2 cho biết họ không phát hiện bất kỳ khinh khí cầu do thám nào từ Trung Quốc trong vùng lân cận, trong lúc tranh chấp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về khinh khí cầu do thám gây ra lo ngại về căng thẳng quân sự gia tăng.

    Dongyin nằm ở đầu Eo biển Đài Loan trên một lối đi quan trọng đối với bất kỳ lực lượng nào của Trung Quốc đi về phía nam từ tỉnh Chiết Giang phía đông nếu họ tấn công Đài Loan và hòn đảo này được phòng thủ rất tốt.

    Năm ngoái, Đài Loan cho biết một máy bay nhỏ, có động cơ cánh quạt của Trung Quốc đã bay rất gần Dongyin mà chính phủ cho biết họ nghi ngờ rằng Trung Quốc triển khai một máy bay dân sự để thử phản ứng của quân đội Đài Loan.

    Trung Quốc cũng đã triển khai máy bay không người lái đến các đảo do Đài Loan kiểm soát gần bờ biển Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái khi Bắc Kinh tổ chức các cuộc tập trận gần Đài Loan, cuộc tập trận chỉ kết thúc sau khi lực lượng Đài Loan bắn hạ một chiếc.

    Nga dội mưa tên lửa vào Ukraine, nhắm chiếm Bakhmut vào tháng 4


    Người đứng đầu Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, dự báo Bakhmut sẽ thất thủ vào tháng 4, đổ lỗi cho sự chậm trễ của bộ máy quân sự Nga.

    Kyiv cho biết Nga đã bắn tên lửa vào Ukraine hôm thứ Năm và tấn công nhà máy lọc dầu lớn nhất của nước này, trong khi người đứng đầu nhóm lính đánh thuê Wagner dự đoán thành phố Bakhmut sẽ thất thủ trong vòng vài tháng.

    Lực lượng Không quân Ukraine cho biết, Nga đã phóng 36 tên lửa vào đầu giờ sáng.

    Các tên lửa đã kích hoạt còi báo động không kích và tấn công vào các địa điểm trên khắp Ukraine, bao gồm cả tại nhà máy lọc dầu Kremenchuk, nơi chưa rõ mức độ thiệt hại.

    Khoảng 16 chiếc đã bị bắn hạ, Lực lượng Không quân Ukraine cho biết thêm.

    “Một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn khác của nhà nước khủng bố đã nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine,” Bộ Quốc phòng Ukraine viết trên Twitter. Ukraine cho biết cuộc tấn công bao gồm 3 tên lửa KH-31 và 1 tên lửa hành trình chống hạm Oniks mà hệ thống phòng không của họ không thể bắn hạ.

    Trong khi đó, Belarus, quốc gia cho phép Nga sử dụng lãnh thổ của mình để đưa quân vào Ukraine khi bắt đầu chiến tranh, cho biết họ sẽ chỉ chiến đấu bên cạnh đồng minh nếu bị tấn công.

    Được hỗ trợ bởi hàng chục nghìn quân dự bị, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công trên bộ trên khắp miền nam và miền đông Ukraine, và một cuộc tấn công lớn mới dường như đang hình thành khi kỷ niệm một năm cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 đang đến gần.

    Chiến trường Bakhmut

    Trọng tâm hiện tại của Nga là thành phố nhỏ Bakhmut ở Donetsk, một trong hai khu vực tạo nên Donbass, trung tâm công nghiệp của Ukraine hiện do Nga chiếm đóng một phần.

    Trong các trận chiến do nhóm Wagner dẫn đầu với sự tham gia của các tân binh trong tù, Nga đã cố gắng bao vây Bakhmut trong nhiều tháng. Hầu hết dân số trước chiến tranh, khoảng 70.000 người, đã rời đi.

    Việc chiếm được Bakhmut sẽ tạo cho Nga một bàn đạp để tiến tới hai thành phố lớn hơn của Donetsk ở xa hơn về phía tây là Kramatorsk và Sloviansk. Tuy nhiên, Ukraine và các đồng minh nói rằng dù có chiếm giữ được Bakhmut, Nga đã phải chịu quá nhiều tổn thất.

    Trong một cuộc phỏng vấn với một blogger quân sự ủng hộ chiến tranh, Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Wagner, dự báo Bakhmut sẽ thất thủ vào tháng 4, tùy thuộc vào số lượng binh lính Ukraine tham gia cuộc chiến và binh lính của ông được trang bị tốt như thế nào.

    “Để chiếm được Bakhmut, bạn phải cắt đứt mọi tuyến đường tiếp tế. Đó là một nhiệm vụ quan trọng,” ông nói và nói thêm: “Tiến độ không diễn ra nhanh như chúng tôi mong muốn.”

    Ông cho biết: “Bakhmut có thể đã bị chiếm trước Năm mới, nếu không có bộ máy quan liêu quân sự khủng khiếp của chúng ta.”

    Ông Prigozhin trước đây đã cáo buộc quân đội Nga cố gắng “đánh cắp” các chiến thắng từ Wagner, một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng đang gia tăng của ông ta và khả năng xảy ra những rạn nứt nguy hiểm ở Moscow.

    Lê Vy (theo Al Jazeera)

    Ấn Độ bổ sung 7 tiểu đoàn tại biên giới Trung Quốc

    Tạ Linh


    Lực lượng biên phòng của Ấn Độ (ảnh: AP).

    Bộ trưởng Thông tin và Phát thanh truyền hình Ấn Độ Anurag Thakur hôm thứ Tư (14/2) tuyên bố rằng Ấn Độ sẽ bổ sung bảy tiểu đoàn cảnh sát mới dọc biên giới với Trung Quốc, một dấu hiệu cho thấy căng thẳng gia tăng tại biên giới vốn đã chứng kiến ​​nhiều vụ đụng độ bạo lực giữa hai nước.

    Theo ông Thakur, các tiểu đoàn mới sẽ được giao cho Cảnh sát Biên giới Ấn-Tây Tạng (ITBP), đóng quân dọc theo 2.000 dặm lãnh thổ bị cấm trải dài từ Đèo Karakoram ở phía bắc đến Đèo Jelep ở phía đông dãy Himalaya.

    Cuộc đụng độ khét tiếng nhất dọc theo biên giới này xảy ra ở Thung lũng Galwan vào tháng 6 năm 2020, một trận chiến tay đôi tàn khốc leo thang cho đến khi hàng chục binh sĩ của cả hai bên thiệt mạng. Lực lượng biên phòng của Ấn Độ đã được tăng cường lên mức cao kỷ lục sau trận chiến tại thung lũng Galwan, bao gồm ít nhất 50.000 quân mới.

    Các cuộc ẩu đả nhỏ hơn và ít gây thương vong hơn đã diễn ra bằng nắm đấm, gậy gộc và đá trong nhiều năm, gần đây nhất là vào tháng 12 năm 2022, khi lực lượng tuần tra của Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ nhau ở khu vực Arunachal Pradesh trên dãy Himalaya. Không có trường hợp tử vong nào được báo cáo, nhưng một số binh sĩ đã bị thương khi họ ngã khỏi sườn núi trong quá trình xảy ra cuộc chiến.

    Biên giới Đông Dương, chính thức được gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC), thường dễ xảy ra các cuộc giao tranh như vậy vì nó không được đánh dấu rõ ràng. Ấn Độ và Trung Quốc luôn cáo buộc nhau châm ngòi cho mỗi cuộc đối đầu bằng cách xâm phạm lãnh thổ của đối phương.

    Ông Thakur cho biết bảy tiểu đoàn mới của lực lượng bảo vệ ITBP sẽ được hỗ trợ bởi 47 tiền đồn biên giới mới và 12 trại tập trung. Việc tài trợ cho việc mở rộng Cảnh sát Biên giới Ấn-Tây Tạng đã được Nội các Ấn Độ phê duyệt, với mục tiêu bắt đầu triển khai vào năm 2025.

    Cảnh sát Biên giới Ấn-Tây Tạng lưu ý rằng, hầu hết các tiền đồn của họ đều “nằm ở độ cao từ 9.000 feet (2743,2 mét) đến 18.800 feet (5730,24 mét) nơi nhiệt độ giảm xuống âm 45 độ C trong mùa đông khắc nghiệt”.

    Nhật Bản triển khai chương trình thí điểm phát hành đồng yên kỹ thuật số


    Nhật Bản sẽ bắt đầu một chương trình thí điểm vào tháng 4 để thử nghiệm việc sử dụng đồng yên kỹ thuật số, ngân hàng trung ương của nước này cho biết vào thứ Sáu. Hiện tại một số quốc gia đang tìm cách bắt kịp Trung Quốc trong việc tung ra một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).

    Động thái này diễn ra sau hai năm thử nghiệm mà Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) đã tiến hành để quyết định có phát hành CBDC hay không. Nó cũng diễn ra trước sự chuyển đổi lãnh đạo của BOJ sang ông Kazuo Ueda, người được cho là sẽ kế nhiệm ông Haruhiko Kuroda đương nhiệm. Nhiệm kỳ 5 năm thứ hai của ông Kuroda đã kết thúc vào tháng Tư.

    “Hy vọng của chúng tôi là chương trình thí điểm sẽ dẫn đến các thiết kế cải tiến thông qua thảo luận với các doanh nghiệp tư nhân”, Giám đốc điều hành BOJ Shinichi Uchida cho biết trong bài phát biểu khai mạc tại cuộc họp của ngân hàng trung ương với các giám đốc điều hành khu vực tư nhân.

    Theo chương trình thử nghiệm, BOJ sẽ tiến hành các giao dịch mô phỏng với các tổ chức tài chính tư nhân trong môi trường thử nghiệm, ông Uchida cho biết. Hiện không có kế hoạch thực hiện các giao dịch thực tế giữa các nhà bán lẻ và người tiêu dùng, ông nói.

    Ngân hàng cho biết chương trình này sẽ giúp BOJ sẵn sàng trong trường hợp chính phủ quyết định phát hành đồng yên kỹ thuật số.

    “Nếu một CBDC được ban hành trong tương lai, thì việc khám phá khuôn khổ của nó theo cách thức từng bước như vậy và tham gia vào quá trình giao tiếp minh bạch cao với khu vực tư nhân là những bước cần thiết để xã hội áp dụng,” ông Uchida nói.

    Nhật Bản và các nền kinh tế tiên tiến khác đang tìm cách bắt kịp Trung Quốc, quốc gia đang dẫn đầu cuộc đua toàn cầu để phát triển CBDC và đã đẩy mạnh các kế hoạch thí điểm thanh toán bán lẻ.

    Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cũng đang cân nhắc các cách có thể để tung ra đồng đô la kỹ thuật số hoàn toàn mà một số người gọi là Fedcoin. Các nhà lãnh đạo của Fed đã nói rằng bất kỳ sự ra mắt nào của một tài sản như vậy sẽ cần sự hỗ trợ của các nhà lãnh đạo được bầu.

    Ngân Hà (theo Reuters)

    Khai mạc Hội nghị An ninh Munich

    Giai đoạn chuẩn bị cho Hội nghị An ninh Munich – một hội nghị thường niên dành cho các nhà ngoại giao, giới quân sự, và chuyên gia an ninh sẽ khai mạc vào thứ Sáu – trở nên căng thẳng không chỉ vì cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Nước chủ nhà gặp nhiều sự cố, trong đó có một cuộc đình công sẽ làm tê liệt các sân bay trên cả nước, bao gồm sân bay Munich. Ngoài ra là tai nạn đứt cáp quang hôm thứ Tư khiến hãng hàng không chính của Đức, Lufthansa, phải ngừng bay.

    Lịch trình ba ngày tới của 500 người tham dự, bao gồm các tổng thống, thủ tướng và hơn 80 bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao, sẽ rất dày đặc. Cuộc chiến của Nga dẫn đầu chương trình nghị sự khi các đồng minh phương Tây của Ukraine tìm cách tập hợp những tiếng nói từ châu Á, Mỹ Latinh, và châu Phi. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, được đồn là sẽ gặp nhau ở Munich giữa căng thẳng khinh khí cầu do thám. Nhưng một nhân vật quen mặt lâu năm ⁠— ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ⁠— không được mời tham dự.

    Vai trò lớn của Trung Quốc trong nợ công ở các nước đang phát triển

    Một nhóm các nước nghèo và mắc nhiều nợ sẽ gặp các chủ nợ vào thứ Sáu tại một cuộc họp do IMF, Ngân hàng Thế giới và Ấn Độ, chủ tịch hiện tại của G20, tổ chức. Các nhà lãnh đạo hy vọng giải quyết được những bất đồng về tái cấu trúc nợ vốn khiến một số nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình rơi vào tình trạng tê liệt vô cùng tốn kém.

    Những cú sốc trong vài năm qua đã khiến các nước nghèo, như Sri Lanka hay Ethiopia, chìm trong nợ nần không thể trả được. Trong quá khứ, các nền kinh tế như vậy chủ yếu vay từ các nước giàu hoặc các cơ quan phát triển như Ngân hàng Thế giới. Là thành viên của Câu lạc bộ Paris, họ thường xuyên hợp tác tái cơ cấu nợ.

    Nhưng trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành quốc gia cho vay lớn nhất trong các nền kinh tế mới nổi. Việc họ miễn cưỡng chấp nhận lỗ và bất tuân thông lệ của Câu lạc bộ Paris đã khiến các nền kinh tế mắc nợ khó lấy lại sức khoẻ tài khoá. Sự góp mặt của Trung Quốc trong các phiên đàm phán vào thứ Sáu khiến các nước giàu cũng như nghèo hy vọng về một giải pháp tiềm năng.

    Kosovo và Serbia có thể tiến tới thoả thuận

    Thứ Sáu này là kỷ niệm 15 năm Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia. Nhưng Serbia (cũng như Nga, Trung Quốc và năm thành viên EU) vẫn từ chối công nhận tư cách nhà nước của Kosovo. Chính phủ Serbia gây ảnh hưởng lên nền chính trị của Kosovo thông qua một nhóm thiểu số nhỏ người Serbia ở một quốc gia có người Albania chiếm đa số. Vì vậy, căng thẳng là thường trực.

    Hai nước đã đàm phán qua trung gian EU suốt một thập niên qua mà không có kết quả. Nhưng phương Tây đang thúc đẩy một thỏa thuận, vì bùng phát bạo lực ở Balkan sẽ làm sao nhãng cuộc chiến ở Ukraine và có lợi cho Điện Kremlin. Xem ra hai bên sẽ chấp nhận nhượng bộ: Serbia xem Kosovo là một quốc gia trên một số phương diện thực tế (dù không chính thức công nhận) còn người Kosovo trao quyền tự trị cho các vùng đa số người Serbia.

    Nhưng không phải mọi người đều vui vẻ. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói EU đe doạ ngăn tiến trình gia nhập của nước ông nếu ông không thỏa hiệp với Kosovo. Nhưng dù sao thì cơ hội giải quyết tranh chấp dường như đang tốt hơn bao giờ hết.

    Tình cảnh ngành thời trang toàn cầu

    Việc Trung Quốc mở cửa là tin tốt vì nước này chiếm tới một nửa mức tăng trưởng trong lĩnh vực hàng xa xỉ trong năm nay. Nhưng nhìn tổng thể thì toàn ngành đang bước vào giai đoạn thay đổi nhanh chóng.

    Ngay sau sự bùng nổ thương mại điện tử trong đại dịch là lượng lớn khách hàng quay trở lại mua sắm, buộc các công ty phải đầu tư vào cả kênh trực tuyến lẫn trực tiếp. Các thương hiệu như Shein, một nhà bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc, đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để rút ngắn thời gian chuẩn bị và giao các mặt hàng mới theo xu hướng. Ngành đang đón nhận nhiều người có ảnh hưởng và người nổi tiếng hơn. Tuần này, nhà sản xuất âm nhạc Pharrell Williams đã được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo cho trang phục nam của hãng Louis Vuitton.

    Nhưng đi cùng với thay đổi là sự không chắc chắn – đặc biệt trở nên trầm trọng bởi áp lực lạm phát, giá năng lượng tăng vọt và biến động kinh tế. Người mua hàng sẽ kén chọn hơn. Đặc biệt, các thương hiệu thị trường đại chúng cỡ trung bình phải tìm ra những cách mới để nổi bật.

    EU ngừng xét nghiệm COVID-19 đối với các du khách từ Trung Quốc


    (Ảnh minh họa: B.Zhou/Shutterstock)

    Các nước Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã đồng thuận việc loại bỏ dần các biện pháp ứng phó dịch COVID-19 đối với khách du lịch từ Trung Quốc, theo tờ Politico.

    Cụ thể, theo Thụy Điển, quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, các chuyên gia y tế từ 27 quốc gia thành viên EU hôm 16/2 đã nhất trí bắt đầu từ cuối tháng 2 sẽ chấm dứt yêu cầu có kết quả xét nghiệm COVID âm tính trước khi khởi hành đối với khách du lịch từ Trung Quốc. Và kể từ giữa tháng 3, cũng sẽ ngừng xét nghiệm ngẫu nhiên đối với khách du lịch từ Trung Quốc tới châu Âu.

    Các động thái này cũng nhận được sự đồng ý của các thành viên ngoài EU trong khu vực Schengen là Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.

    Trước đó, kể từ ngày 4/1, trước khi Trung Quốc quyết định chấm dứt chính sách “không COVID” nhằm nới lỏng các hạn chế từ ngày 8/1, các quốc gia EU đã thống nhất bắt buộc du khách đến từ Trung Quốc phải có kết quả xét nghiệm COVID âm tính cũng như tiến hành xét nghiệm ngẫu nhiên đối với các du khách từ nước này trước khi thực hiện việc nhập cảnh.

    Không có nhận xét nào