Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam: Bloomberg - Trấn áp tham nhũng khiến các quan chức sợ đến nỗi ‘không làm gì’


    Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Đại hội Đảng 13 hồi tháng 1/2021, luôn nói rằng cuộc chiến chống tham nhũng do ông dẫn dắt trong nhiều năm qua là cần thiết cho sự ổng định lâu dài của Việt Nam.

    Đảng Cộng sản Việt Nam đang ngày càng lo lắng về một câu thần chú mới lan truyền trong giới quan chức: Làm nhiều, gặp nhiều rắc rối; Làm ít, gặp ít rắc rối hơn; Không làm gì thì không gặp rắc rối, theo Bloomberg.

    Tờ báo chuyên về tài chính của Mỹ nhận định từ các cuộc phỏng vấn với các quan chức, nhà phân tích, chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp, rằng càng ngày các quan chức càng chọn phương án cuối cùng, tức 'không làm gì cả', và điều này cũng đang gây tác động đến một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.

    Các quan chức cảnh giác khi ký kết các dự án đầu tư vì sợ rằng họ có thể bị dính líu đến tham nhũng trong lúc chiến dịch chống tham nhũng trên diện rộng đã hạ bệ ba quan chức cao nhất của Việt Nam trong năm nay, theo nhiều quan chức yêu cầu không nêu danh tính vì sợ bị trừng phạt cho Bloomberg biết.

    Tháng trước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bất ngờ “từ chức” không lâu sau khi hai phó thủ tướng từng dưới quyền ông, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, phải rời chức vụ giữa nhiệm kỳ. Việc thanh trừng chưa từng có tiền lệ này ở Việt Nam diễn ra giữa lúc cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt ngày càng mở rộng tới nhiều bộ ngành của chính phủ.

    Các quan chức dấu tên nói với Bloomberg, có trụ sở ở New York, rằng việc phê duyệt theo thông lệ các dự án phát triển bất động sản hoặc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đang ngày càng bị trì hoãn.

    Một quan chức giám sát việc phê duyệt cơ sở hạ tầng cho Bloomberg biết rằng ông thà bị quở trách vì không làm gì cả còn hơn có nguy cơ bị bỏ tù vì mắc bất kỳ sai lầm nào. Một người khác cho biết các quan chức cấp địa phương là những người lo lắng nhất vì họ là những người phải ký duyệt các dự án và các văn bản pháp lý.

    “Không ai ở Việt Nam muốn được biết là đã thông qua bất cứ cái gì bởi vì họ không biết liệu điều đó sau này có trở thành bằng chứng chống lại họ trong cuộc chiến chống tham nhũng hay không,” Albert Park, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói với Bloomberg. Theo kinh tế gia này, thậm chí ngay cả bộ phận nghiên cứu của ông cũng đang phải vật lộn để có được sự chấp thuận, thường là ngay tức thì, cho một dự án.

    Đại diện từ văn phòng thủ tướng và bộ ngoại giao không đưa ra bình luận trước yêu cầu của Bloomberg.

    Chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng mở rộng từ các ngành dầu khí, công an, ngân hàng đến cả bất động sản. Chiến dịch đốt lò lần đầu tiên ‘sờ gáy’ các tỷ phú trên thị trường chứng khoán vào tháng 3 năm ngoái. Các vụ bắt giữ các quan chức cao cấp trong lĩnh vực kinh doanh và chứng khoán đã khiến các nhà đầu tư trong nước hoảng sợ nhưng không gây hoang mang vì cuộc thanh trừng được chính phủ Hà Nội quảng bá là nhắm giải quyết tình trạng thao túng thị trường chứng khoán.

    Nhưng khi các cơ quan quản lý thị trường bắt đầu hủy bỏ các đợt chào bán trái phiếu một tháng sau đó thì các nhà đầu tư tạm ngưng để đánh giá lại thiệt hại. Những lo lắng sau đó càng lớn hơn vào tháng 1 khi chiến dịch chống tham nhũng khiến ông Phúc, ông Minh và ông Đam mất chức. Theo Bloomberg, động thái thanh trừng dồn dập đã khiến các quan chức cấp thấp hơn lo sợ rằng họ có thể bị liên lụy tiếp theo trong một chiến dịch “đốt lò” đã khiến hơn 500 đảng viên Đảng Cộng sản bị bắt giữ hoặc truy tố chỉ riêng trong năm ngoái.

    Ông Trọng, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Việt Nam, đã không cho thấy dấu hiệu nào về việc liệu khi nào thì cuộc chiến chống tham nhũng sẽ thuyên giảm. Từ ngân hàng đến bất động sản, nhiều lĩnh vực kinh doanh đã phải đối mặt với những thua lỗ ngày càng lớn. Số công ty bất động sản đóng cửa trong năm 2022 đã tăng gần 40% trong khi chỉ số chứng khoán VN Index của Việt Nam tồi tệ thứ hai thế giới sau Nga. Ngân hàng ADB đã hạ giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 ở Việt Nam do việc giải ngân các quỹ công cho chăm sóc sức khỏe, công viên, cơ sở hạ tầng và các khoản chi tiêu khác đã bị đình trệ.

    Tuy nhiên một số nhà đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của Việt Nam như một giải pháp thay thế cho Trung Quốc trong chuỗi cung ứng. Chỉ số môi trường kinh doanh của Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) cho thấy các doanh nghiệp chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng lên 41% trong quý 4 năm ngoái ngay cả khi chiến dịch chống tham nhũng đang tiếp diễn.

    Ông Oliver Massmann, luật sư tại Duane Morris Vietnam LLS, người đã hỗ trợ các doanh nghiệp thiết lập cơ sở tại Việt Nam trong hơn 20 năm qua, cho Bloomberg biết rằng môi trường kinh doanh thân thiện và hấp dẫn vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư giành cho Việt Nam.

    “Việc làm trong sạch Đảng mang tính chính trị và có thể khiến những người thân thiện với đầu tư nước ngoài phải trả giá,” ông Massmann nói. “Tuy nhiên, về lâu dài, các công ty trong sạch sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ chiến dịch chống tham nhũng này trong khi các công ty/dự án liên quan đến nhà nước có thể phải đối mặt với tình trạng đình trệ hơn nữa.”

    Ngân hàng là một lĩnh vực đang đối mặt với rủi ro, đặc biệt sau vụ rút tiền tiết kiệm ào ạt của người gửi giữa lúc có tin đồn ngân hàng SCB có liên quan đến tập đoàn bất động sản của nữ tỷ phú Trương Mỹ Lan bị điều tra. Nhưng bị ảnh hưởng nặng nề nhất cho đến nay là ngành bất động sản khi chứng kiến nhiều công ty báo cáo về tình trạng khủng hoảng thanh khoản, tạm dừng hoạt động và sa thải hàng loạt, theo Bloomberg.

    “Việt dừng dự án xảy ra ở hầu hết mọi nơi và ảnh hưởng đến tất cả các công ty bất động sản,” ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nói với Bloomber. “Dự án của anh sẽ chỉ ngồi đó. Anh không thể làm bất cứ điều gì với nó.”

    Không có nhận xét nào