Header Ads

  • Breaking News

    Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc: Mối đe dọa đối với trật tự thế giới



    Chủ tịch Mike Gallagher (Đảng Cộng Hòa-Wisconsin) chủ trì phiên điều trần đầu tiên của Ủy ban Đặc biệt Hạ viện Hoa Kỳ về Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại Tòa nhà Văn phòng Cannon House ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 28/02/2023. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)

    Nhờ có Ủy ban Đặc biệt mới của Hạ viện về Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sự chú ý mới cuối cùng cũng tập trung vào Trung Quốc cộng sản. Các thành viên của Ủy ban này đã bắt đầu sử dụng âm “t” (trong chữ ‘threat’, có nghĩa là đe dọa) vốn rất hiếm hoi được nói đến khi đề cập đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Hiếm khi được nói đến là bởi vì nhiều người trong giai tầng chính trị Hoa Kỳ ủng hộ việc giao chiến với Trung Quốc chứ không phải đối đầu, và do đó vì lợi ích thương mại, đã bỏ qua sự gây hấn và hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Quốc. Trong khi đó, hôm 28/02, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát đã thông qua bảy dự luật trực tiếp đề cập đến Trung Cộng và Đài Loan. Sẽ có nhiều dự luật nữa được đề xướng từ các ủy ban Hạ viện khác.

    Lưỡng đảng ngày càng nhận thức được rằng cuộc cạnh tranh chiến lược — cụm từ thường được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sử dụng để mô tả mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc — là một cách nói thanh tao che đậy thực tế rằng Trung Cộng là một mối đe dọa hiện hữu đối với Hoa Kỳ. Các ủy ban Hạ viện mới được tiếp nghị lực này với con mắt soi mói đang xem xét lại các sáng kiến và hoạt động chiến lược của Trung Quốc trên toàn thế giới. Giá như điều đó đúng là chính phủ ông Biden, nơi các quan chức như Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin càu nhàu về việc “giải quyết thách thức lớn nhất từ Trung Quốc,” như The Epoch Times đã đưa tin tại đây.

    ‘Thách thức lớn nhất, thực vậy! Việc Hải quân-Quân Giải phóng Nhân dân hiện có nhiều chiến hạm hơn Hải quân Hoa Kỳ, và đang sử dụng những chiến hạm này để đe dọa Đài Loan và các nước láng giềng khác mà không bị trừng phạt, không phải là một thách thức; đó là một mối đe dọa. Việc Trung Quốc tiếp tục thử nghiệm hệ thống oanh tạc quỹ đạo phân đoạn sử dụng đầu đạn lướt siêu thanh (hypersonic glide vehicle, HGV) và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, không phải là một thách thức; đó là một mối đe dọa. Sự bùng nổ phát triển hạt nhân của Trung Quốc đã dẫn đến việc họ có nhiều bệ phóng hỏa tiễn liên lục địa trên đất liền hơn Hoa Kỳ (và vẫn đang tăng lên) không phải là một thách thức; đó là một mối đe dọa.


    Ba chiến hạm Trung Quốc cập cảng tại căn cứ hải quân Garden Island ở Sydney, vào ngày 03/06/2019. (Ảnh: Peter Parks/AFP/Getty Images)

    Và như vậy, các sáng kiến chiến lược khác nhau của Trung Quốc cũng nhằm thay thế Hoa Kỳ trở thành siêu cường thế giới. Các sáng kiến này ngụy trang cho mối đe dọa kinh tế mà họ đặt ra đối với trật tự thế giới tự do hiện hữu, đối với thương mại quốc tế, và đặc biệt là đối với Hoa Kỳ. Cụ thể, điều đó bao gồm sáng kiến Con đường Tơ lụa Mới của Trung Quốc (còn được gọi là sáng kiến Một vành đai, Một con đường, OBOR), như vòi bạch tuộc, vươn tới hàng chục quốc gia trong thập niên qua.

    Sáng kiến này liên quan đến việc mở rộng toàn cầu một mạng lưới giao thông nối liền nhau, do Bắc Kinh kiểm soát, bao gồm các hải cảng, các tuyến đường sắt, đường bộ, và cơ sở hạ tầng viễn thông. Các mục tiêu là bảo đảm sự tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết để thúc đẩy ngành công nghiệp Trung Quốc, tạo thị trường ở hải ngoại cho hàng hóa và dịch vụ thành phẩm của Trung Quốc, sử dụng nhân công Trung Quốc trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở hải ngoại, và gây ảnh hưởng địa chính trị có lợi cho Trung Quốc, giữa các quốc gia tham gia sáng kiến này.

    Hãy hiểu rằng Con đường Tơ lụa Mới không phải là một tuyến đường đơn lẻ, mà được trù hoạch và xây dựng trong một số trường hợp dưới dạng một mạng lưới hoặc một hệ thống các tuyến đường bộ và đường biển trên khắp thế giới. Một Tuyến đường Địa cực xuyên qua Bắc Cực của Nga, thậm chí còn là một khả năng được dự trù, như được lưu ý ở đây. Một tuyến đường sắt từ cảng Sudan xuyên châu Phi đến Dakar, Senegal, sẽ tạo điểm tựa cho một mạng lưới khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tương đối chưa được khai thác trên khắp lục địa Phi Châu. Theo báo cáo ở đây, một khoản đầu tư trị giá 3.3 tỷ USD của Trung Quốc vào cảng El Hamdania ở Algeria, sẽ biến cảng này thành một trong những cảng lớn nhất trên Biển Địa Trung Hải. Cảng đó sẽ được kết nối với một mạng lưới đường sắt qua Sahel và Sahara, cũng như đường cao tốc Đông-Tây mới trị giá 12 tỷ USD, nối Algeria với Morocco và Tunisia. Trung Quốc cũng đang thèm muốn các cảng Địa Trung Hải ở Nam Âu, bao gồm cả ở Piraeus, Hy Lạp, và các dự án ở Tây Ban Nha và Ý.


    Một màn hình video tại sự kiện “Hữu nghị Trung Quốc-Châu Phi 2019” ở Bắc Kinh, vào ngày 09/01/2019. Có một sai sót trong chữ “khai thác” (exploitation) được sử dụng ở vị trí lẽ ra phải xuất hiện là “thăm dò” (exploration). (Ảnh chụp màn hình/internet Trung Quốc)

    Tính đến tháng 3 năm ngoái (2022), sáng kiến này đã lôi kéo được 151 quốc gia chính thức ký biên bản ghi nhớ sơ bộ với Trung Quốc với tư cách là những nước tham gia hợp pháp, trong đó có tất cả 55 quốc gia Phi Châu và cả 18 thành viên của Liên minh Âu Châu.

    Các khoản đầu tư của Trung Quốc khuyến khích các chính phủ ủng hộ các hoạt động của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế này, cũng như tán thành các quan điểm của Trung Quốc trong các tổ chức kinh tế, công nghệ, tiêu chuẩn, và luật pháp quốc tế khác nhau. Rõ ràng các khoản đầu tư OBOR của Trung Quốc có thể coi là sự mua chuộc. Hay chính xác hơn hãy gọi các khoản đầu tư này là sự kết hợp giữa chiến tranh kinh tế, tâm lý, và chính trị. Xét cho cùng, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã thúc đẩy sự trỗi dậy của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) và tiến trình hiện đại hóa nhanh chóng các khả năng của quân đội này trong vài thập niên qua. Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, năng lực của PLA trong mọi lĩnh vực quân sự chính, cũng tăng theo, cũng như khả năng và xu hướng của PLA trong việc khai triển sức mạnh và uy hiếp các nước.

    Các lĩnh vực kinh tế và quân sự của Trung Quốc gắn bó chặt chẽ với nhau, bao gồm việc phát triển và khai thác công nghệ lưỡng dụng, nhằm đẩy nhanh các chương trình hiện đại hóa PLA như một phần của chiến lược lâu dài về “sự kết hợp quân sự-dân sự.” Các nhà khoa học Trung Quốc tham gia nghiên cứu chung với các trường đại học Hoa Kỳ, có thực sự góp phần cải thiện khả năng của PLA không? Điều đó gần như là chắc chắn. Và đó không phải là một “thách thức lớn nhất” đối với Hoa Kỳ; đó là một mối đe dọa rõ ràng.

    Giả sử rằng đó là năm 2123 sau Công Nguyên và suy ngẫm xem thế giới địa chính trị sẽ như thế nào nếu mối đe dọa kinh tế và quân sự của Trung Quốc tiếp tục bị bỏ qua (như người ta có thể lập luận đã xảy ra trong hầu hết ba thập niên qua). Đến lúc đó, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, dân số thế giới sẽ đạt gần 11 tỷ người. Nếu không có một đường hướng hành động rõ ràng để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc, Mỹ sẽ bị cô lập khỏi nhiều hoạt động thương mại quốc tế bởi Trung Quốc cộng sản, kẻ sẽ hoàn thành Con đường Tơ lụa Mới và thống trị thương mại trên mọi lục địa lớn. Người Trung Quốc sẽ thống trị trật tự thế giới quốc tế. Ảnh hưởng địa chính trị của Hoa Kỳ sẽ bị thu hẹp đáng kể vì người Trung Quốc cộng sản sẽ có khả năng cố gắng gây ảnh hưởng chính trị tối đa, thông qua cưỡng bách kinh tế và mua chuộc. Hoa Kỳ sẽ có ý chí chính trị để chống lại người Trung Quốc trong tương lai tối tăm đó không?

    Ơn Trời, Hạ viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát được tiếp thêm sinh lực để đảo ngược quỹ đạo hiện tại. Hãy quên việc theo kịp với “thách thức lớn nhất” của Trung Quốc đi; hãy gọi đúng đích danh của nó. Còn rất nhiều việc phải làm để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.

    Yến Nhi biên dịch

    Tác giả Stu Cvrk


    Không có nhận xét nào