Header Ads

  • Breaking News

    Trung Quốc còn « đu dây » trong hồ sơ Ukraina đến bao giờ ?

    Thụy My/RFI

    10/3/2023

    Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện qua video với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện Kremlin, Matxcơva, Nga, ngày 30/12/2022. AP - Mikhail Klimentyev

    Trung Quốc đang bị đòi hỏi phải có quan điểm rõ ràng về cuộc chiến do Nga khởi động ở Ukraina. Vốn là bậc thầy đánh lận con đen, chế độ Bắc Kinh ghét nhất thách thức này Tập Cận Bình cần Putin để phá rối phương Tây, nhưng nếu thế giới bất ổn hơn, Trung Quốc sẽ bị thiệt hại kinh tế nhiều hơn Nga.

    Đình công chống cải cách chế độ hưu trí tiếp diễn tại Pháp, chính sách nhập cư của Anh gây tranh cãi, phe thân châu Âu khiến chính quyền Gruzia phải nhường bước, là những hồ sơ được đề cập nhiều hôm nay, bên cạnh cuộc chiến tranh ở Ukraina.

    Các « phi công » drone tuổi đôi mươi ở Bakhmut

    Đặc phái viên Le Figaro đến với một đơn vị gồm toàn những người rất trẻ, chuyên dọ thám quân Nga ở Bakhmut. Vadim, anh thanh niên 18, tuổi cách đây một năm chuyên thực hiện những clip âm nhạc. Khi quân Nga tấn công thủ đô Kiev, anh tập bắn súng với Lực lượng phòng vệ, mơ thành chiến binh. Giờ đây Vadim chỉ huy một bộ phận trinh sát trên không của Seneca, đơn vị đặc biệt của Lữ đoàn cơ giới số 93 nổi tiếng. Họ điều khiển các drone, chuyên giám sát và nhận diện mục tiêu. Bộ phận này có các binh sĩ, cựu chiến binh và nhiều dân thường: kỹ sư, lập trình viên, chuyên gia chất nổ hoặc chuyên gia phân tích, một phần ba số thành viên chỉ khoảng 20 tuổi.

    Vadim cho biết : «Chúng tôi hoạt động trong khu vực khoảng 40 kilomet dọc theo chiến tuyến ». Đơn vị có nhiều thiết bị trinh sát, hầu hết do kiều bào và các nhà tài trợ khác mua tặng. Một số được cải biến thành drone tự hủy, chẳng hạn gắn thêm các quả lựu đạn Vog-17 thời Liên Xô để thả xuống những mục tiêu cụ thể ; camera tầm nhiệt, thiết bị cảm biến… Không hùng hậu như quân đội Nga, Ukraina phải có cách đánh thông minh, sáng tạo.

    Ivan, 18 tuổi, nói đùa : «Chúng tôi là đơn vị của những thiếu niên ! Tôi bắt đầu binh nghiệp từ năm 15 tuổi nhờ chơi game Arma III ! ». Thường chơi các trò chơi chiến tranh và đọc sách về chiến lược quân sự, khi đất nước bị xâm lăng, Ivan thay bàn phím bằng bộ điều khiển drone và học hỏi thêm trên chiến địa. Ngoài năng lực về kỹ thuật, những chàng trai trẻ này mang lại sinh khí mới cho quân đội Ukraina với sự nhiệt thành của họ.

    Wargame, những trận đánh sa bàn lợi hại

    Cũng liên quan đến những video game chiến tranh, Le Monde cho biết khoảng vài chục quân nhân Ukraina tuần rồi đã tham dự các « wargame » do quân đội Mỹ tổ chức tại căn cứ Wiesbaden (Đức), nhằm giúp hoạch định các chiến dịch sắp tới.

    Tướng Mark Milley, tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, nói rằng không ai bảo người Ukraina phải làm thế này hay thế khác, mà chỉ đặt ra những khuôn khổ và cơ chế để họ tự học hỏi cách xử lý những tình huống khác nhau. Từ nhiều tuần qua, phía Ukraina cho biết chuẩn bị phản công. Nhiều giả thiết được đưa ra : tấn công ở miền nam từ Zaporijia đến Melitopol để cắt quân Nga làm đôi, hay từ đông Lyman để tái chiếm Luhansk, hoặc vượt sông Dniepr ở Kherson…,nhưng hiện không có thông tin nào được tiết lộ.

    Điều chắc chắn duy nhất là mưa lại rơi ở Ukraina, địa hình sau « raspoutitsa » có thể sẵn sàng cho các chiến dịch. Một nguồn tin quân sự khẳng định Nga đã thất bại trong mùa đông, dù sử dụng ồ ạt hỏa tiễn, drone tấn công cơ sở hạ tầng dân sự, hay ở mặt trận Bakhmut, Vuledar. Ukraina có thể tái lập thế công ? Người Mỹ từng giúp họ tham gia các « wargame » trong mùa hè 2022, và những cuộc phản công tại Kherson, Kharkiv đã thành công rực rỡ.

    Ukraina « cần nhiều Vuledar hơn Bakhmut »

    La Croix đặt vấn đề, liệu Ukraina có thể tiếp tục giữ Bakhmut hay không? Câu hỏi này càng gay gắt hơn bao giờ hết, khi quân Nga và Wagner tuyên bố kiểm soát được phần phía đông của thành phố, đe dọa bao vây lực lượng Ukraina. Tuy một số nhà quan sát dự báo quân Ukraina sẽ sớm rút đi, những tuyên bố chính thức từ Kiev tiếp tục khẳng định mục tiêu trụ lại pháo đài này ở Donbass. Hôm thứ Hai 06/03, Ukraina loan báo tăng viện để dập tắt tin đồn là bộ tổng tham mưu chủ trương rút lui. Hôm sau, tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định với CNN là Bakhmut thất thủ có thể mở đường cho quân Nga tiến đến Sloviansk và Kramatorsk, hai thành phố chiến lược của Ukraina tại Donbass.

    Nhưng dư luận vẫn nghi ngại về việc tiếp tục mất thêm nhiều người lính để bảo vệ một thành phố được cho là không có giá trị chiến lược lớn. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho rằng một khi chiếm được Bakhmut, quân Nga sẽ không còn tấn công dồn dập, vì những mục tiêu sắp tới (Sloviansk-Kramatorsk và Kostiantynivka) không hỗ trợ được gì cho các cánh quân Nga. Hai tháng qua, Matxcơva chỉ giành được một ít đất không đáng kể, với giá là mất rất nhiều mạng lính và thiết bị - như đã mất cả trăm chiến xa ở Vuledar, ngôi làng nhỏ cách Bakhmut khoảng 100 kilomet. Bakhmut sẽ là «chiếc cúp » cho Evgueni Prigojine, ông chủ Wagner trong cuộc cạnh tranh với bộ trưởng quốc phòng Serguei Shoigu.

    Đối với Kiev, Bakhmut giúp tiêu diệt tối đa năng lực đối thủ qua sự ngoan cố của Nga, đồng thời bảo vệ được lực lượng Ukraina cho những cuộc tấn công trong tương lai. La Croix cho rằng chọn lựa này có vẻ hợp lý nếu tỉ lệ thiệt hại ít hơn, tuy nhiên chừng như cái giá về sinh mạng đang tăng lên. Trả lời Kyiv Independent, chuyên gia Mỹ Michael Kofman mô tả tình hình hiện nay bằng câu : «Ukraina cần nhiều Vuledar hơn và thật ít Bakhmut.»

    Matxcơva dùng vũ khí tư pháp đàn áp người dân chống chiến tranh

    Trong khi đó tại Nga, Matxcơva tiếp tục đàn áp những tiếng nói ít ỏi chống chiến tranh ở Ukraina. Le Figaro cho biết tuần trước,Viện Douma đã thông qua các sửa đổi, chuẩn bị nâng hình phạt từ 5 năm lên 15 năm tù đối với tội danh « làm mất uy tín» lực lượng tham gia «chiến dịch quân sự đặc biệt ».

    Những điều khoản được thêm vào nhằm trừng phạt những ai chỉ trích các «tình nguyện viên » - chữ dùng để chỉ lính đánh thuê Wagner. Trong số đó có nhiều tù nhân bị án nặng, ký hợp đồng sang chiến trường Ukraina sáu tháng để được xóa án...nếu còn sống. Giờ đây việc phê phán cách xóa án này bị cấm, trong lúc nhiều người lo ngại về hậu quả pháp lý và xã hội của tình trạng «Wagner hóa » nước Nga. Theo tổ chức phi chính phủ OVD-Info, trong năm 2022 đã có gần 20.000 người bị khởi tố, trên 210.000 trang web bị đóng cửa vì chỉ trích chiến tranh, những bản án càng về sau càng nặng.

    Hôm thứ Ba, sinh viên 23 tuổi Dimitri Ivanov học khoa Toán-Tin đại học Lomonossov ở Matxcơva (MGU) đã bị kết án 8 năm rưỡi tù giam vì đưa tin «giả » về quân đội Nga. Kênh Telegram Protestny MGU (MGU phản kháng) của anh tố cáo các vụ vi phạm quyền sinh viên, và nhất là đả kích chiến dịch Nga tại Ukraina, đăng tải những tuyên bố của tổng thống Volodymyr Zelensky. Trước đó nhà đối lập Ilia Iachine cũng bị lãnh bản án tương tự. Con gái ông Alexei Moskaleva, Masha, 13 tuổi, chỉ vì vẽ một bức tranh chống chiến tranh trong giờ học mà bị cô giáo tố cáo. Người cha gà trống nuôi con bị bắt và sau đó bị quản thúc, cô bé Masha bị đưa vào trại mồ côi.

    Hollywood bị đòi hỏi minh bạch về tài trợ Nga cho phim ảnh

    Trên lãnh vực văn hóa, cuộc chiến tranh Ukraina từng hiện diện trong lễ trao giải Oscar tháng 3/2022 bằng một phút im lặng và thông cáo ủng hộ Kiev. Còn năm nay, buổi lễ lần thứ 95 tại Los Angeles đến 12/03 mới diễn ra, nhưng vấn đề Matxcơva tài trợ cho phim ảnh đã gây chú ý vì liên quan đến những phim đình đám nhất. Với sáu đề cử, « Top Gun : Maverick » nằm trong số những phim nhiều hy vọng nhất của Oscar năm nay. Paul Grod, chủ tịch Ukrainian World Congress, tổ chức phi chính phủ tập hợp các tổ chức của kiều bào Ukraina, kêu gọi loại những phim « có đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp của tài phiệt Nga, hay những người ủng hộ cuộc chiến tranh diệt chủng của Nga ở Ukraina ».  

    Le Monde dẫn bài viết của Los Angeles Times hôm 03/01 cho biết chi tiết phía sau hợp đồng 200 triệu đô la ký kết mùa hè 2020 giữa Paramount Pictures và công ty New Republic Pictures, liên quan 10 bộ phim trong đó có « Top Gun : Maverick » và loạt phim « Mission Impossible ». Công ty này tài trợ 1/4 kinh phí, vào lúc điện ảnh đang bị khủng hoảng do đại dịch. Trong số các nhà đầu tư có tài phiệt Nga Dimitri Rybolovlev, bị nêu tên trong nhiều cuộc điều tra ở Monaco và Thụy Sĩ.

    Với « tình hữu nghị vô biên », Trung Quốc có cung cấp vũ khí cho Nga?

    Về quan hệ Nga-Trung, Le Monde phân tích sự mất cân xứng trong tình « hữu nghị » giữa Bắc Kinh và Matxcơva. Được tháo cũi sổ lồng sau zero Covid, ngành ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng trở thành trung tâm chú ý của thế giới. Họ phải đối mặt với « vùng nước xoáy », đứng trước thách thức mà Bắc Kinh ghét nhất : phải có quan điểm rõ ràng về cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraina.

    Hồi tháng Hai, Hoa Kỳ khẳng định Trung Quốc chuẩn bị giao vũ khí cho Nga. Có thực hay không ? Nếu Bắc Kinh quyết định trợ giúp Matxcơva về quân sự, cuộc chiến tranh sẽ ở một tầm vóc khác. Washington lại dùng chiến thuật đã chứng tỏ hiệu quả trước cuộc xâm lăng Ukraina : tiết lộ thông tin tình báo. Hôm thứ Ba 07/03, ngoại trưởng Tần Cương (Qin Gang) vẫn chối cãi rằng Trung Quốc không chuyển giao vũ khí cho Nga.

    Điều này không có nghĩa là Bắc Kinh, vốn luôn nhập nhằng, không ra tay trợ giúp Matxcơva. Nhưng các chuyên gia nhận thấy diễn biến của cuộc chiến không thúc đẩy Trung Quốc trao cho Nga những gì đang cần để giành phần thắng, trước nguy cơ leo thang nguy hiểm. « Tình hữu nghị vô biên » được Vladimir Putin và Tập Cận Bình tuyên bố hôm 04/02/2022 tại Bắc Kinh thực ra có giới hạn, Tần Cương khẳng định tình bạn không có nghĩa là « liên minh ».

    Thất bại về mọi mặt, Putin chịu lép vế trước Tập

    Tất nhiên không có chuyện bỏ rơi « đối tác chiến lược » Nga đang trong chiến tranh. Tập Cận Bình và Vladimir Putin, đã gặp nhau ít nhất 39 lần, có điểm chung là cùng căm ghét Hoa Kỳ, có đường biên giới chung rất dài, và lợi ích kinh tế bổ sung – dầu khí đối lấy hàng hóa và công nghệ. Cả hai hợp thành một cặp hiệu quả để phá hoại những nỗ lực của phương Tây như trong hội nghị G20 ở New Delhi hôm 02/03. Cho đến nay, ông Tập vẫn tránh lên án cuộc xâm lăng Ukraina và điện đàm với tổng thống Volodymyr Zelensky. Các nhà ngoại giao mỉa mai, Trung Quốc nói rằng không đứng về bên nào, nhưng đó là một sự « trung lập thân Nga ».

    Dù vậy Vương Nghị cũng đã gặp ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba ở Munich (München) vào giữa tháng Hai trước khi thăm Matxcơva. Và Tập Cận Bình trong chuyến công du đầu tiên sau Covid tháng 9/2022 không chọn Nga mà đến Kazakhstan - nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã không ngần ngại đưa ý kiến khác biệt với Matxcơva.

    Theo Le Monde, hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan sau đó là dịp để Tập Cận Bình chứng tỏ « con đực đầu đàn » chính là ông ta, chứ không phải một Putin đang khốn đốn trong cuộc chiến do chính mình khởi động. Một năm đầy những thất bại quân sự và chính trị của Matxcơva đã làm tăng cao sự bất đối xứng trong quan hệ Nga-Trung, mà Trung Quốc chiếm thượng phong. Hôm 01/03, tổng thống Belarus, chư hầu của Putin, đã đến Bắc Kinh phủ phục trước Tập Cận Bình.

    Bắc Kinh khó thể lập lờ mãi về Ukraina

    Với cái gọi là « kế hoạch hòa bình » 12 điểm, Trung Quốc muốn được coi là người kiến tạo hòa bình thế giới. Ảnh hưởng lớn trên thế giới chống phương Tây và quyền lực được tăng cường trong nước giúp Tập Cận Bình khởi đầu nhiệm kỳ thứ ba bằng việc đối đầu với Hoa Kỳ. Ông ta cáo buộc Mỹ « bao vây và ngăn chận » Trung Quốc. Bắc Kinh ngày càng gây lo ngại về căng thẳng với Đài Loan, tuy nhiên nếu thế giới bất ổn, Trung Quốc sẽ thiệt hại kinh tế nhiều hơn Nga.

    Thế nên các nhà lãnh đạo Bắc Kinh gần đây cố gắng ve vãn châu Âu, nhằm « nhất tiễn hạ song điêu » : tái thúc đẩy kinh tế và làm chia rẽ phương Tây. Song song đó, ngoại giao « chiến lang » từng gây vô số thiệt hại nay im tiếng. Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Châu Âu (EU), Phó Thông (Fu Cong), cho biết lấy làm tiếc vì chiến tranh Ukraina gây tổn hại cho quan hệ với EU, mà theo ông ta một phần là do diễn dịch sai chữ « không giới hạn » trong quan hệ với Nga. Nhưng Le Monde cho rằng, cách tốt nhất để biện minh là làm rõ quan điểm của Bắc Kinh về cuộc xâm lăng Ukraina.

    Trung Quốc còn « đu dây » trong hồ sơ Ukraina đến bao giờ ? (rfi.fr)


    Không có nhận xét nào