Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ năm 06 tháng 4 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Khả năng hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ và vai trò của Hàn Quốc

    06/4/2023

    Ảnh tư liệu: Phó tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong buổi tiếp tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, tại bộ Ngoại Giao Mỹ, Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 07/07/2015. AP - Manuel Balce Ceneta 

    Đức Tâm /RFI

    Báo chí đưa tin, ngày 29/03/2023, tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm, nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Ngày 31/03, giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc đưa ra những nhận định về sự kiện này và vai trò của Mỹ bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội. 

    Giáo sư C. Thayer: Việc tổng thống Biden nói chuyện trực tiếp với tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng rất có ý nghĩa bởi vì nguyên thủ Mỹ đã thừa nhận vai trò trung tâm của ông Trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam. Theo thông lệ bình thường, tổng thống Mỹ nói chuyện với đồng cấp nước ngoài, tức là với tổng thống, chủ tịch nước hoặc người đứng đầu chính phủ.  

    Hai lãnh đạo đã mời nhau tới thăm nước mình và cả hai đã nhận lời. Các chuyến thăm qua lại này nhằm kỷ niệm 10 năm Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013-2023). Các chuyến thăm cấp cao như vậy chắc chắn sẽ mang lại những bước tiến vững chắc trong quan hệ.

    Đồng thời, theo báo Nhân Dân, « hai lãnh đạo sẽ giao các cơ quan chức năng của hai bên trao đổi các nội hàm cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới ». Như vậy, có thể cho rằng nếu đạt được một sự đồng thuận trong các cuộc trao đổi này thì lãnh đạo hai nước sẽ nâng quan hệ song phương lên mức cao nhất là quan hệ đối tác chiến lược. 

    Trong tháng 12/2022, Việt Nam tổ chức một cuộc triển lãm quốc tế lớn về vũ khí. Các quan chức quân sự cao cấp Việt Nam đã công khai nói tới sự cần thiết đa dạng hóa các nguồn mua của Việt Nam. Sau khi kết thúc triển lãm, các công ty quốc phòng của Mỹ như Lockheed Martin, Boeing, Raytheeon và Textron đã có các cuộc thảo luận với các nhà chức trách quốc phòng của Việt Nam về việc bán caxc thiết bị quân sự cho Việt Nam.   

    Trong cuộc điện đàm với tổng thống Biden, điều quan trọng là tổng bí thư Trọng đã nêu vấn đề hợp tác về quốc phòng và an ninh trong danh sách các lĩnh vực mà hai bên có thể mở rộng. Quốc phòng và an ninh đứng hàng thứ 7 trong 9 lĩnh vực hợp tác được nêu trong bản tuyên bố chung năm 2013 do tổng thống Barrack Obama và chủ tịch Trương Tấn Sang ký, thông báo quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước

    Vào lúc tổng thống Biden và tổng bí thư Trọng điện đàm, một phái đoàn bao gồm 52 lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ có mặt tại Hà Nội để thảo luận về những cơ hội thương mại và đầu tư. Đây là phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước tới nay. Các đại diện tập đoàn Boeing có mặt trong phái đoàn này.

    Ông đánh giá thế nào về vai trò của Hàn Quốc trong việc bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á ? Ông có nghĩ rằng Hàn Quốc sẽ có vai trò ngày càng lớn trong việc hiện đại hóa quân sự của Việt Nam nói riêng và của khu vực này nói chung hay không ?

    Giáo sư C. Thayer: Trong thập niên vừa qua, Hàn Quốc đã bán vũ khí và các thiết bị quân sự cho 6 nước Đông Nam Á : Indonesia, Malaysia, Miến Điện, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Những thiết bị lớn bao gồm tàu chiến, tàu ngầm, máy bay huấn luyện và tiêm kích, các loại pháo và tiên lửa địa đối không và chống tàu chiến.

    Trong giai đoạn 2016-2020, Hàn Quốc đứng hàng thứ 4 trong số 10 nước chủ chốt bán vũ khí và thiết bị quân sự cho Việt Nam. Tổng giá trị các vũ khí thiết bị mà Hàn Quốc bán cho Việt Nam lên tới 120 triệu, trong đó có cả việc chuyển giao hai hộ tống hạm lớp Pohang trong năm 2017 và 2018. Từ đó đến nay, không hề có một thương vụ nào nữa.

    Hàn Quốc chắc chắn nằm trong số các nước mà Việt Nam có thể trong tương lai quay sang mua vũ khí, có thể cả tiêm kích (T-50 Golden Eagle hoặc KF-21 Boramae).

    Chuyện buồn cười!

    Lâm Bình Duy Nhiên

    06/4/2023

    Đường đường là lãnh đạo cao cấp của một quốc gia mà lại lo lắng, lo ngại những cá nhân hay tổ chức đối lập với chế độ đến mức phải yêu cầu đối tác xử lý giùm!

    Quân đội trong tay, độc đảng, độc tài toàn trị. Cả trăm triệu dân không buồn bàn đến chính trị. Chỉ một số nhỏ, ít oi dám lên tiếng chỉ trích chế độ thì đã bị khủng bố, hành hung, bỏ tù hay bị trục xuất khỏi quê hương. Bên ngoài vài triệu người tị nạn cộng sản nhưng suy cho cùng cũng chẳng còn mấy ai phản kháng và tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ. Ấy vậy mà ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và cả bộ máy cầm quyền cũng lo ngại đánh tiếng yêu cầu ông David Hurley, Toàn quyền Úc, nên kiểm soát, xử lý các cá nhân, tổ chức khủng bố có thể sử dụng lãnh thổ Úc để tiến hành các hoạt động bị cho “chống phá Việt Nam”.

    Dường như trong các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo nhà nước Việt Nam và các chính khách Mỹ, Canada, Pháp, Anh hay Đức thì phía Việt Nam vẫn hay chủ động yêu cầu các quốc gia này xử lý giùm những ai dám lên tiếng chống đối họ.

    Thậm chí đội ngũ dư luận viên của Ban Tuyên giáo còn hăm doạ sẽ yêu cầu các quốc gia trên dẫn độ tất cả “bọn phản động” về Việt Nam để đảng trừng phạt!

    Chủ động trong bất lực và vô vọng vì chẳng có quốc gia tiến bộ nào đáp ứng những yêu cầu quái đản ấy.

    Giới “phản động” bên ngoài thì phần đông vẫn chỉ là những cá nhân hay tổ chức lên tiếng đấu tranh qua ngòi bút, qua các cuộc vận động ủng hộ tù nhân lương tâm, qua các cuộc biểu tình tố cáo các chính sách độc tài của nhà cầm quyền. Một thái độ tranh đấu dứt khoát nhưng ôn hoà.

    Nhưng chắc chắn chính sự ôn hoà ấy và tiếng nói của sự thật đã khiến chế độ luôn lo lắng và “quan ngại” như cách nói của chính người cộng sản!

    Ở các xứ sở dân chủ, người dân chỉ tôn trọng pháp luật và chính quyền. Không bao giờ họ có thái độ sợ hãi trước chính quyền!

    Ngay cả với các nguyên thủ quốc gia cũng thế. Họ chẳng bao giờ khúm núm hay thuần phục. Quyền công dân được họ triệt để xử dụng, chỉ có sự tôn trọng. Một khi họ không hài lòng, thì dẫu có là Tổng thống hay Thủ tướng, họ cũng không ngần ngại chỉ trích, chất vấn hay đả kích, châm biếm.

    Tất cả trong khuôn khổ luật pháp.

    Tại Mỹ, Đức, Canada, Anh, Thuỵ Sĩ hay Pháp, người dân vẫn rầm rộ biểu tình mỗi khi bất đồng ý kiến với những chính sách của nhà nước. Họ vẫn chê bai, nguyền rủa giới lãnh đạo và sử dụng lá phiếu, quyền tự do bầu cử để trừng phạt các đảng phái chính trị hay cá nhân các chính khách trong các cuộc bầu cử quan trọng. Chẳng ai bị khủng bố hay bỏ tù vì dám lên án hay chê bai chế độ hoặc giới lãnh đạo cả!

    Cho nên, thái độ kêu gọi các quốc gia dân chủ “dập tắt giùm” sự phản kháng đối với nhà nước Việt Nam là chuyện điên rồ và nực cười!

    Chỉ có sự bất lực và tự biết rằng chế độ này luôn đi ngược lại lợi ích của nhân dân và dân tộc nên họ mới nghĩ ai cũng độc tài để sẵn sàng chà đạp lên mọi giá trị nhân quyền như họ chăng?

    Có lẽ, chỉ có Trung Quốc của Tập Cận Bình, Nga của Putin hay Triều Tiên của Kim Jong-un mới chấp nhận những yêu cầu phi dân chủ và độc tài trên!

    “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” là thế!

    Phí bẩn 

    TP.Hội An, cũng như mọi vùng đất khác ở nước này, là của chung người Việt. Nó là tài sản chung do tổ tiên cha ông để lại cho con cháu truyền đời.

    Không ai, dù là kẻ cầm quyền, được lấy lý do phát triển để tùy tiện thu tiền, nhất là thu của dân chúng - chủ sở hữu.

    Thu tiền/phí vào một khu du lịch do nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân bỏ vốn đầu tư khác với việc định thu tiền tới một vùng đất do tiền nhân tạo dựng cho con cháu, mà vốn của tiền nhân là mồ hôi, nước mắt, máu.
    Muốn phát triển, có tiền, hãy tìm cách lương thiện tử tế khác, đừng nhăm nhăm nhìn vào túi dân.

    Xứ này, để có tiền, có khi kẻ có quyền bất chấp cả đạo lý.

    Chính quyền Hội An định thu phí người vào đất Hội An, cũng na ná như chuyện trung ương đã lập BOT chặn những con đường có từ bao đời để móc túi dân, mà BOT Cai Lậy là một ví dụ. Không được lấy lý do sửa đường rồi thu phí, bởi dân đã đóng thuế nộp vào ngân sách, sửa bằng tiền ấy.

    Vì vậy, không thể chỉ trách một chính quyền Hội An. Nó chỉ noi gương, bắt chước bề trên làm điều sai trái.
    Nguyễn Thông 

    Chuyến bay giải cứu: lạ lùng việc thư ký ăn mặn sếp ăn chay

    06/4/2023

    VNTB – Chuyến bay giải cứu: lạ lùng việc thư ký ăn mặn sếp ăn chay

    Ngọc Linh Lan/VNTB

    Làm gì có chuyện thuộc cấp dám ăn hỗn như kết luận điều tra nêu… 

    Bạn đọc viết

    Theo tin tức mà báo chí dẫn nguồn từ kết luận điều tra thì ông Nguyễn Quang Linh – cựu trợ lý của nguyên phó thủ tướng Phạm Bình Minh – bị cơ quan an ninh điều tra xác định đã nhận hối lộ hơn 4,2 tỷ đồng trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.

    Tuy nhiên hai quan chức cao nhất bị đề nghị truy tố trong vụ án “chuyến bay giải cứu” này là hai cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Vũ Hồng Nam. Cả hai ông nguyên Ngoại trưởng và đương kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đều… vô can.

    Ông Nguyễn Quang Linh được bổ nhiệm làm trợ lý cho Phó thủ tướng Phạm Bình Minh từ ngày 31-12-2013, lúc đó ông Phạm Bình Minh còn là Ngoại trưởng. Trước đó ông mang hàm vụ phó Vụ Thư ký – Biên tập, Văn phòng Chính phủ.

    Ông Phạm Trung Kiên – cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên – nhận hối lộ số tiền lớn nhất trong vụ án “chuyến bay giải cứu”: 42,6 tỷ đồng.

    Theo cơ quan điều tra, để thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Y tế phân công thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm nhiệm vụ xem xét, duyệt ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng khi những nơi này xin ý kiến về “chuyến bay giải cứu”, “chuyến bay combo” và xin cho khách lẻ được về nước.

    Các cơ quan chức năng thông qua Phạm Trung Kiên để trình thứ trưởng xem xét, ký duyệt văn bản trả lời. Tuy nhiên đến ‘tàn cuộc’ thì thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên… vô can.

    Trong khi đó thì cũng được Đảng phân công nhiệm vụ tương tự thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, song ông Tô Anh Dũng – thứ trưởng Bộ Ngoại giao thì được kết luận là ‘bàn tay bẩn’ trong thực thi nhiệm vụ phê duyệt tổ chức kế hoạch chuyến bay trên cơ sở đề xuất của Cục Lãnh sự để gửi thành viên trong tổ công tác năm bộ xin ý kiến.

    Cơ quan điều tra xác định ông Tô Anh Dũng nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng, chỉ đạo đưa doanh nghiệp thân quen vào danh sách “chuyến bay giải cứu”.

    Trong quá trình điều tra vụ “chuyến bay giải cứu”, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thu giữ 146 lượng vàng (hơn 5,4 kg), 670.000 USD, một tỷ đồng cùng nhiều tang vật khác trong nhà các bị can.

    Có thắc mắc: liệu khi thử làm bài toán tiêu xài số bạc mà nhà chức trách cho rằng các cán bộ đảng viên cấp cao kể trên đã “nhận hối lộ”, nó có cân bằng về các khoản “thu – chi”? Nếu số liệu lệch mà không có những giải thích phù hợp thì có quyền đặt nghi vấn, rằng phải chăng đàng sau đường đi số bạc hối lộ đó, còn chảy vào ngóc ngách khác của những nhân vật lớn hơn đàng sau hậu trường chính trị?

    Từ cụ thể vụ án trên cho thấy thể chế kiểm soát quyền lực trong cấu trúc quyền lực thống nhất ở Việt Nam là vấn đề rất cần tỉnh táo xem xét lại; và ở đây bất kỳ bàn luận nào liên quan “tam quyền phân lập” cần thiết không bị chụp mũ chính trị theo điều luật hình sự 117 hay 331 thì mới có thể tìm kiếm được những ‘trực ngôn’.

    Lý thuyết quản trị nhà nước viết rằng, quyền lực là khả năng thực hiện được ý chí của mình, bất chấp sự phản kháng của người khác. Nhờ có quyền lực mà các chủ thể sẽ có nhiều lợi thế trong cuộc cạnh tranh phân bổ nguồn lực sống, qua đó duy trì và gia tăng được địa vị của mình trong cấu trúc xã hội. Về bản chất, quyền lực công bị tha hóa khi nó được sử dụng để phục vụ cho lợi ích vị kỷ của cá nhân, nhóm, xâm phạm lợi ích chung của các thành viên trong xã hội.

    Các nhà tư tưởng, các chính trị gia phương Tây và Mỹ tin rằng phân tán quyền lực là cách tốt nhất để kiểm soát quyền lực, điển hình nhất là mô hình nước Mỹ. Theo đó, trước hết quyền lực nhà nước được tách bạch rạch ròi thành 3 nhánh là Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp. Cùng với đó, nguyên tắc “cân bằng và kiểm soát” cho phép 3 trụ cột quyền lực nhà nước có thể hoạt động riêng rẽ, giám sát và trừng phạt lẫn nhau mỗi khi xuất hiện biểu hiện lạm quyền.

    Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố không chấp nhận “tam quyền phân lập”. Hệ lụy khó phủ nhận từ tuyên bố đó chính là tình trạng quan hệ thân hữu vì các lợi ích cá nhân, nhóm đã không được ngăn chặn hữu hiệu, và khi ấy thì lợi ích công sẽ bị xâm phạm nghiêm trọng, chất lượng hoạt động của hệ thống quản trị quốc gia bị giảm sút, trở thành mối đe dọa cho sự ổn định và phát triển của cả xã hội.

    Vụ án “chuyến bay giải cứu” đã cho thấy rất rõ điều ấy, khi trên thực tế khó thể xảy ra chuyện “thư ký ăn mặn, sếp lại trường chay”…

    ‘Đổ thừa’ châu Âu đang cung cấp ma túy cho Việt Nam

    06/4/2023

    VNTB – ‘Đổ thừa’ châu Âu đang cung cấp ma túy cho Việt Nam

    Hồng Dân/VNTB

    Thời gian gần đây EU được đánh giá là nơi sản xuất quan trọng đối với một số loại ma túy tổng hợp Amphetamin (ATS) với độ tinh khiết cao.

    Ma túy tổng hợp dạng viên (MDMA) và Ketamine nguồn gốc từ châu Âu có chất lượng cao, giá rẻ hiện được giới trẻ Việt Nam rất ưa chuộng…

    Một tài liệu có tên “Phòng, chống tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không từ châu Âu về Việt Nam” được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cung cấp cho báo chí hồi cuối tháng 3-2023 đã ‘đổ thừa’ rằng “nguồn cung” ma túy từ châu Âu vào Việt Nam.

    Tài liệu có đoạn viết nhưng không viện dẫn nguồn, nội dung như sau (trích):

    “Nguồn cung ma túy vào khu vực này chủ yếu đến từ Nam Mỹ, Tây Á và Bắc Phi; ngoài ra, các chất hướng thần mới được phát hiện nhiều từ Trung Quốc và Ấn Độ. Những thay đổi trong hoạt động sản xuất, mua bán ma túy của các băng nhóm tội phạm ở châu Âu đã tạo ra nhiều tuyến ma túy mới và quan hệ giữa các mạng lưới tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

    Nguy hiểm hơn, thời gian gần đây EU được đánh giá là nơi sản xuất quan trọng đối với một số loại ma túy tổng hợp Amphetamin (ATS) với độ tinh khiết cao và đang có xu hướng gia tăng để cung cấp cho các thị trường ngoài khu vực.

    Với công nghệ hiện đại, ma túy tổng hợp dạng viên (MDMA) và Ketamine nguồn gốc từ châu Âu có chất lượng cao, giá rẻ hiện được giới trẻ Việt Nam rất ưa chuộng. Chính vì vậy, tội phạm ma túy quốc tế, chủ yếu là người Việt đang làm ăn, sinh sống tại châu Âu móc nối với đối tượng ở trong nước hình thành các đường dây tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua đường hàng không, chuyển phát nhanh từ các nước Đức, Séc, Hà Lan, Bỉ… về Việt Nam tiêu thụ.

    Đặc biệt, sau gần 02 năm gián đoạn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ đầu năm 2022, Việt Nam đã khôi phục lại toàn bộ các đường bay thường lệ đến châu Âu. Lợi dụng sự thuận lợi, nhanh chóng của vận tải hàng không, các đường dây tội phạm ma túy cũng đẩy mạnh hoạt động làm cho tình hình diễn biến ngày càng phức tạp.

    Chỉ riêng tại Hà Nội, trong những tháng đầu năm 2023, số lượng ma túy gửi qua đường hàng không, chuyển phát nhanh bị bắt giữ đã nhiều hơn 51 kg so với lượng ma túy thu giữ của 5 năm trước đó cộng lại” (dừng trích).

    Theo tài liệu trên, phía Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, đưa ra nhận định là lợi dụng những công ty vận chuyển hàng hóa quốc tế có mạng lưới bao phủ khắp các tỉnh thành trong cả nước và có chi nhánh ở nước ngoài như: Đức; Pháp; Hà Lan; Bỉ; Séc… để vận chuyển trái phép các chất ma túy về Việt Nam tiêu thụ.

    Để “qua mắt” lực lượng chức năng cùng hệ thống máy soi chiếu hiện đại, các đối tượng thường cất giấu ma túy lẫn vào các loại hàng hóa thông thường như: bánh kẹo, cà phê, dầu gội, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thức ăn cho vật nuôi… hoặc các loại máy móc như: máy pha cà phê, máy hút bụi, máy lọc không khí.

    Đối tượng cầm đầu ở nước ngoài điều hành các đối tượng không biết nhau ở trong nước đảm nhiệm các khâu giao nhận hàng, liên lạc chủ yếu qua mạng xã hội (Facebook, Instagram, Viber..). Khi giao hàng, đối tượng cầm đầu  thường xuyên chỉ đạo thay đổi địa chỉ, số điện thoại người nhận; thuê shipper giao hàng lòng vòng nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Nếu thấy nghi ngờ sẽ lập tức “bỏ của chạy lấy người” khiến nhiều kiện hàng ma túy không có người nhận, trở thành hàng vô chủ.

    Đáng lưu ý ở tài liệu này, phía Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy dường như vẫn ngờ vực chuyện “vô can” của mấy tiếp viên hàng không, khi đưa ra cách đặt vấn đề – trích:

    “Đối với các vụ vận chuyển ma túy ký gửi trong hành lý của hành khách trên các chuyến bay, đối tượng qua nhiều kênh thông tin để liên hệ, thuê người vận chuyển. Việc giao dịch chủ yếu qua các ứng dụng mạng xã hội, người gửi, người nhận không quen biết nhau. Để tạo niềm tin, đối tượng cho người nhận chuyển hàng kiểm tra hàng hóa, sau đó trộn lẫn các mặt hàng có hình dáng, kích thước tương tự nhưng bên trong giấu ma túy.

    Điển hình như vụ 4 tiếp viên hàng không mang theo các va li chứa hơn 11 kg ma túy tổng hợp từ nước ngoài về Việt Nam mà qua xác minh ban đầu, cơ quan chức năng chưa đủ căn cứ xử lý họ về hành vi ‘Vận chuyển trái phép chất ma túy’…”.


    Không có nhận xét nào