Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ sáu 14 tháng 4 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    HRW kêu gọi Ngoại trưởng Blinken thúc giục Việt Nam thả tự cho Phạm Đoan Trang và hàng trăm tù nhân chính trị 

    14/4/2023 

    VOA Tiếng Việt 


    Phiên tòa xử nhà báo bất đồng chính kiến của Việt Nam Phạm Đoan Trang ở Hà Nội hôm 14/12/2021. HRW kêu gọi Ngoại trưởng Antony Blinken thúc ép Việt Nam trả tự do cho người từng giành giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ.


    Phiên tòa xử nhà báo bất đồng chính kiến của Việt Nam Phạm Đoan Trang ở Hà Nội hôm 14/12/2021. HRW kêu gọi Ngoại trưởng Antony Blinken thúc ép Việt Nam trả tự do cho người từng giành giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ. 

    Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phải thúc giục giới lãnh đạo Việt Nam chấm dứt các hành vi đàn áp nhân quyền và thả tự do cho hơn 160 tù nhân chính trị, đặc biệt là nhà báo từng được Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh Phạm Đoan Trang, trong chuyến thăm của ông tới Hà Nội cuối tuần này.

    Ông Blinken sẽ đến thăm Hà Nội từ ngày 14 đến 16, trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam với tư cách ngoại trưởng Mỹ, dự kiến gặp mặt một số lãnh đạo cao nhất của quốc gia Đông Nam Á.

    “Ông Blinken nên nhân cơ hội này để thúc giục một cách công khai và riêng tư giới lãnh đạo Việt Nam chấm dứt việc lạm dụng có hệ thống quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa, đồng thời trả tự do cho hơn 160 tù nhân chính trị đang bị giam cầm vì thực thi các quyền của họ,” ông Phil Robertson, phó giám đốc ban Á châu của HRW, có trụ sở ở New York, Mỹ, nói trong một thông cáo đưa ra hôm 12/4.

    Chỉ hai ngày trước chuyến thăm đã được lên lịch của ông Blinken, chính quyền Việt Nam kết án nhà hoạt động và blogger nổi danh Nguyễn Lân Thắng 6 năm tù với các buộc “tuyên truyền chống nhà nước” trong một phiên xử kín bất chấp những lời lên án từ các tổ chức nhân quyền quốc tế. Trước đó vài tuần, các tòa án do Đảng Cộng sản cầm quyền kiểm soát cũng đã kết án nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai Trương Văn Dũng.

    Ông Robertson cho rằng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam “đã xấu đi trong những năm gần đây, với hầu hết các blogger, nhà báo công dân và nhà hoạt động nhân quyền nổi danh bị bắt và bỏ tù vì bảy tỏ quan điểm mà chính quyền không đồng ý.”

    Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ, được Ngoại trưởng Blinken công bố hôm 20/3, cho rằng chính quyền Việt Nam vẫn “hạn chế nghiêm trọng tự do biểu đạt và tự do báo chí, bao gồm bắt và truy tố tùy tiên những người chỉ trích chính quyền” trong số nhiều vi phạm khác về nhân quyền ở quốc gia Đông Nam Á.

    Nhân quyền vẫn là một trong những khác biệt lớn nhất giữa Mỹ và Việt Nam trong mối quan hệ giữa hai nước có các thể chế hoàn toàn khác nhau.

    Nhận định về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken đến Hà Nội, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink gọi đó là “bức tranh có những mảng màu sáng tối lẫn lộn” với cả những tiến bộ và cả những quan ngại đáng kể về tự do ngôn luận, đặc biệt là trên mạng, và cả về tự do tôn giáo.

    Thông tin cho các phóng viên tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 10/4 về chuyến thăm của ông Blinken tới Việt Nam, ông Kritenbrink, từng là đại sứ Mỹ tại Hà Nội, cho biết ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ nêu vấn đề nhân quyền khi gặp các lãnh đạo Việt Nam.

    Ông Robertson cho rằng ngoại trưởng Mỹ nên “đưa ra lời kêu gọi đặc biệt đòi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho blogger Phạm Đoang Trang, người được Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế năm 2022 và cam kết bảo vệ họ.

    Bà Trang, nhà báo bất đồng chính kiến nổi danh nhất của Việt Nam và được quốc tế công nhận cho những hoạt động vì nhân quyền ở quốc gia độc đảng, đang thụ án 9 năm tù cùng với tội danh mà nhà cầm quyền dùng để kết tội ông Thắng hôm 12/4, một cáo buộc bị các tổ chức quốc tế và những người bảo vệ nhân quyền cho là được chính quyền sử dụng để đàn áp những tiếng nói bất đồng.

    Theo HRW, việc “bắt giữ tùy tiện” của nhà cầm quyền Việt Nam còn mở rộng sang các nhà hoạt động môi trường.

    Vào năm ngoái, các tòa án ở Việt Nam kết án và bỏ tù nhà báo Mai Phan Lợi, luật sư môi trường Đặng Đình Bách và nhà bảo vệ môi trường được quốc tế công nhận Ngụy Thị Khanh với cáo buộc “trốn thuế.” Các tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng những bản án này có động cơ chính trị. Các chính phủ phương Tây, trong đó có Mỹ, đã kêu gọi Việt Nam thả tự do cho họ.

    Việc kết án những nhà hoạt động môi trường này khiến giới quan sát nghi ngờ về cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với quốc tế trong các mục tiêu giảm phát thải ròng và từ bỏ nhiệt điện than.

    Mỹ và Việt Nam đang hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, từ an ninh cho đến kinh tế cho đến khí hậu. Trợ lý Ngoại trưởng Kritenbrink nói rằng Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực với những hợp tác này.

    Ông Robertson còn thúc giục Ngoại trưởng Blinken gây sức ép với các nhà lãnh đạo Việt Nam “chấm dứt các cản trở về quyền tự do đi lại” ở quốc gia Đông Nam Á. Sự hạn chế này được HRW ghi nhận trong báo cáo ra mắt vào năm ngoái, trong đó nói đến “các vụ vi phạm thường xuyên của chính quyền Việt Nam đối với quyền tự do đi lại và các quyền cơ bản khác bằng cách buộc các nhà hoạt động, những người bất đồng chính kiến, và những người bảo vệ nhân quyền phải chịu quản thúc tại gia vô thời hạn” cùng nhiều hình thức câu lưu khác.

    Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng chính quyền Việt Nam “thường xuyên áp đặt giới hạn về tự do đi lại đối với các cá nhân,” đặc biệt là những người “bày tỏ quan điểm chỉ trích chính quyền.”

    Việt Nam, tuy nhiên đã bác bỏ những vi phạm nhân quyền được nêu trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội tháng trước nói rằng “bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam”. Tuy nhiên, người phát ngôn cũng cho biết Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với Mỹ về những vấn đề còn có sự khác biệt.”

    Phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về lời kêu gọi của HRW đối với Ngoại trưởng Blinken khi đến thăm Hà Nội cuối tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/4 đề cập đến những gì ông Kritenbrink trả lời phóng viên Nike Ching của VOA hôm 10/4, rằng Ngoại trưởng Blinken “sẽ có cơ hội thảo luận thẳng thắn về những lĩnh vực đã có những phát triển tích cực liên quan đến nhân quyền và xã hội dân sự.”

    Theo ông Kritenbrink, chính phủ Mỹ đã chúc mừng Việt Nam khi Việt Nam trúng cử làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ này và rằng Mỹ mong mỏi Việt Nam xứng đáng với nghĩa vụ và những cam kết nhân quyền quốc tế khi là một thành viên có trách nhiệm của Hội đồng.

    Trong lúc chính quyền Tổng thống Biden đặt nhân quyền vào trọng tâm của chính sách đối ngoại với các quốc gia trên thế giới, ông Robertson cho rằng Ngoại trưởng Blinken không thể “cứ như vậy” với chính phủ Việt Nam chừng nào Hà Nội còn gia tăng đàn áp các nhà hoạt động trong nước.

    https://www.voatiengviet.com

    Mỹ tìm cách nâng cấp quan hệ với Việt Nam trong lúc Hà Nội trên ‘ngõ hẹp’ 

    14/04/2023 

    Reuters 


    https://gdb.voanews.com/382de314-2af7-42bc-98ce-f7bc03348ef0_w1023_r1_s.jpg

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken đến thăm Việt Nam trong tuần này với hy vọng đạt được tiến bộ trong việc nâng cấp quan hệ với một đối tác thương mại quan trọng có chung mối quan ngại với Hoa Kỳ về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

    Đối với Hà Nội, đó sẽ là một thử nghiệm tế nhị: làm thế nào để thể hiện sự cởi mở với Hoa Kỳ mà không chọc giận Trung Quốc (một nước láng giềng khổng lồ cung cấp các nguyên liệu đầu vào chủ chốt cho thương mại xuất khẩu quan trọng của Việt Nam) hoặc Nga (một đối tác truyền thống khác).

    Đó là một hành động cân bằng mà Việt Nam đã thực hiện xuất sắc nhưng ngày càng phức tạp hơn trong một thế giới dường như đang chia thành các khối đối lập, với một bên là Hoa Kỳ và các đồng minh của họ, còn bên kia là Trung Quốc và Nga.

    Ông Blinken đến Hà Nội vào ngày 14/4 và sẽ gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam vào ngày 15/4 trước khi đến Tokyo để tham dự cuộc họp của Nhóm Bảy quốc gia giàu có.

    Đây sẽ là chuyến thăm Hà Nội đầu tiên của ngoại trưởng của chính quyền Biden, người nhậm chức vào năm 2021, mặc dù Phó Tổng thống Kamala Harris đã đến thăm Việt Nam vào tháng 8 năm đó.

    Washington hy vọng đạt được tiến bộ trong việc thúc đẩy quan hệ thành đối tác “chiến lược” từ mối quan hệ mà trong thập niên qua được gọi là “toàn diện”.

    Các quan chức đã không nói những gì mối quan hệ gần gũi hơn này có thể đòi hỏi. Nhưng chuyên gia Đông Nam Á Murray Hiebert, người đã đến thăm Việt Nam vào tháng 2 và nói chuyện với các quan chức chính phủ cấp cao, cho biết điều đó có thể bao gồm việc tăng cường hợp tác quân sự và cung cấp vũ khí của Hoa Kỳ.

    Tuy nhiên, ông lưu ý rằng có những giới hạn do chính sách của Việt Nam không cho phép nước ngoài đặt căn cứ, quân đội nước ngoài hoặc liên minh chống lại các nước khác. Hà Nội cũng đã bị cản trở bởi giá vũ khí tương đối cao của Hoa Kỳ và lo ngại rằng nguồn cung có thể bị chặn bởi các nhà lập pháp Hoa Kỳ vì lý do nhân quyền.

    Ông Blinken cũng sẽ chính thức động thổ xây dựng một khu tòa đại sứ mới của Hoa Kỳ tại Hà Nội, nơi mà nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ tại Đông Á, Daniel Kritenbrink, đã gọi là “một biểu tượng mới tuyệt vời” về cam kết của Hoa Kỳ đối với một “quan hệ đối tác và tình hữu nghị lâu dài”.

    Khi ký ức về Chiến tranh Việt Nam ngày càng trở nên xa vời, Washington giờ đây coi Hà Nội, theo cách nói của ông Kritenbrink, là “một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực”.

    Cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington

    Các chuyên gia nói rằng Hoa Kỳ đã chính thức đề cập đến việc nâng cao quan hệ dưới thời chính quyền ông Trump, nhưng Hà Nội đã phản đối và dao động trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh. Trung Quốc có thể phản ứng tiêu cực với động thái này.

    Việt Nam, trong khi lo ngại trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và phản đối các tuyên bố chủ quyền của đối thủ ở Biển Đông, có mối quan hệ kinh tế quan trọng với Bắc Kinh để cân nhắc.

    Dẫu vậy, Hà Nội nay dường như thuận theo hướng nâng cấp quan hệ với Mỹ, theo ông Hiebert và các nhà phân tích khác.

    Tháng trước chứng kiến cuộc điện đàm giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và người đứng đầu đảng Cộng sản cầm quyền Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Việc này cùng với chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken có thể dẫn tới cuộc gặp giữa ông Trọng và ông Biden vào tháng 7, kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác song phương chính thức hiện có, theo các nhà phân tích.

    “Cơ hội để Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện lên tầm chiến lược sẽ cao hơn với chuyến thăm của Blinken vì nó sẽ mở đường cho một cuộc gặp cấp cao hơn”, Bích Trần từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington nhận định.

    Ông Kritenbrink nói Washington đang nỗ lực thuyết phục Việt Nam đa dạng hóa mua sắm quốc phòng tránh xa Nga, một điều “rõ ràng là vì lợi ích của Việt Nam và cũng sẽ phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ.”

    Thành tích nhân quyền của Việt Nam là một lĩnh vực nhạy cảm khác, và vài ngày trước chuyến thăm của ông Blinken, một tòa án Hà Nội đã kết án sáu năm tù ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, vì các hoạt động “chống nhà nước”.

    Ông Kritenbrink nói ông “tin tưởng” ông Blinken sẽ nêu lên những lo ngại về nhân quyền ở Hà Nội.

    Việt-Mỹ kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Toàn diện 

    14/4/2023 

    https://gdb.voanews.com/1A029FB1-AA2A-4A9D-9F6A-37D399C2A134_w1023_r1_s.jpg

    Kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện Việt-Mỹ, Hoa Kỳ mong muốn mở rộng quan hệ đối tác này trong những năm tới, theo văn bản thông tin từ Văn phòng Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13/4.

    Văn kiện này nói rằng được xây dựng trên nền tảng của sự tin tưởng và mong muốn chung vượt qua những di sản chiến tranh, quan hệ đối tác Việt-Mỹ đã phát triển nhanh chóng kể từ khi quan hệ song phương được thiết lập vào năm 1995.

    Mối quan hệ Việt-Mỹ đã phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, quan hệ con người, khoa học và công nghệ, y tế, khí hậu, năng lượng, giáo dục, nhân quyền và nhiều lĩnh vực khác.

    Vẫn theo văn kiện vừa kể, Việt-Mỹ cùng chia sẻ mục tiêu về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở, kết nối, thịnh vượng, tự cường và hòa bình.

    Giải quyết Di sản Chiến tranh

    Giải quyết các di sản chiến tranh là yếu tố nền tảng của mối quan hệ bền chặt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, văn bản thông tin nêu rõ. Hoa Kỳ và Việt Nam đã cùng nhau tìm kiếm 731 quân nhân Hoa Kỳ mất tích từ thời Chiến tranh Việt Nam và Mỹ cũng đang hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm người Việt Nam mất tích theo Sáng kiến Tìm kiếm người Việt Nam Mất tích trong chiến tranh.

    Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực như rà phá bom mìn, xử lý chất độc dioxin tại các cơ sở quân sự cũ của Hoa Kỳ và hỗ trợ người khuyết tật.

    Vào tháng 3, Giám đốc USAID Samantha Power đã công bố khoản ngân sách bổ sung 73 triệu đô la để tẩy độc dioxin tại Căn cứ Không quân Biên Hòa.

    Thịnh vượng chung

    Thương mại song phương giữa hai nước đã phát triển vượt bậc trong ba thập niên qua và đầu tư song phương lên tới hàng tỷ đô la, văn kiện thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. Trao đổi hàng hóa Việt-Mỹ vượt quá 138 tỷ đô la vào năm 2022, một sự mở rộng đáng chú ý từ chỗ gần như không có liên kết kinh tế nào khi các mối quan hệ được thiết lập 28 năm trước.

    Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử. Việt Nam mua các sản phẩm của Hoa Kỳ như bông và đậu nành, đồng thời tiếp nhận đầu tư của các công ty lớn của Hoa Kỳ.

    Là một trong 14 đối tác triển khai Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF), Việt Nam và Hoa Kỳ hiện đang đạt được tiến bộ trong việc hoàn thiện văn bản về cả bốn trụ cột của IPEF.

    Văn kiện nói trong 20 năm qua, USAID đã hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm cải thiện môi trường thuận lợi cho kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực như cải cách pháp luật và quy định, xây dựng năng lực, khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân và năng lực của lực lượng lao động.

    Hợp tác phát triển an ninh 

    An ninh là một phần thiết yếu để hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cởi mở, thịnh vượng và kiên cường, theo văn bản thông tin của Văn phòng Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ.

    Hoa Kỳ và Việt Nam là đối tác trong các chương trình bao gồm hỗ trợ cho Tuần duyên Việt Nam; chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia bao gồm buôn người, buôn ma túy, hóa chất chế tạo ma túy và động vật hoang dã; chống đánh bắt cá bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (IUU); nâng cao khả năng của Việt Nam trong việc duy trì nhận thức hàng hải để bảo vệ chủ quyền; và cải cách tư pháp. Hoa Kỳ và Việt Nam tiến hành một số cuộc đối thoại hàng năm tập trung vào quan hệ đối tác quốc phòng và thực thi pháp luật, cũng như về nhân quyền, bản thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.

    Cam kết giải quyết vấn đề khí hậu và năng lượng sạch

    Việt Nam đã ký Đối tác Chuyển dịch Năng lượng công bằng trị giá 15,5 tỷ đô la vào năm 2022 vốn sẽ mang lại khoản đầu tư đáng kể để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu đầy tham vọng là hạn chế phát thải khí nhà kính vào năm 2030, hạn chế công suất than và đẩy nhanh việc sử dụng năng lượng tái tạo để giải quyết 47% sản lượng điện vào năm 2030.

    Trong 5 năm qua, văn kiện cho biết, hỗ trợ của USAID đã giúp thúc đẩy hơn 300 triệu đô la đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời và gió tại Việt Nam. USAID tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang ngành năng lượng sạch, an toàn và dựa trên thị trường thông qua hoạt động An ninh Năng lượng Đô thị Việt Nam và Chương trình Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam II (V-LEEP II) do Phó Tổng thống Kamala Harris công bố trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8 năm 2021.

    Bộ Ngoại giao Mỹ đang cung cấp một khoản tài trợ trị giá 3 triệu đô la để xây dựng một dự án thí điểm hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin cải tiến ở Việt Nam sử dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến của Mỹ.

    Hợp tác y tế mạnh mẽ

    Văn kiện thông tin từ Văn phòng Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam tự hào kỷ niệm 25 năm hợp tác y tế với Việt Nam dựa trên lợi ích chung nhằm xây dựng hệ thống y tế bền vững chất lượng cao. Văn phòng khu vực mới của CDC Hoa Kỳ tại Hà Nội, do Phó Tổng thống Kamala Harris khai trương vào tháng 8 năm 2021, đang thay đổi cách ASEAN chống lại đại dịch. Kế hoạch Khẩn cấp của Tổng thống về Cứu trợ AIDS đang kỷ niệm 20 năm mang lại tác động chưa từng có trong cuộc chiến toàn cầu chống HIV/AIDS. Hơn 170.000 người ở Việt Nam đang được điều trị bằng thuốc kháng virus trong số khoảng 240.000 người nhiễm HIV trên toàn quốc. Trong những ngày đầu của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã cung cấp hơn 450.000 bộ quần áo bảo hộ lao động và các trang bị bảo hộ cá nhân khác cho Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ đã cung cấp miễn phí hơn 40 triệu liều vắc-xin COVID cho Việt Nam thông qua cơ sở COVAX, cũng như hơn 44 triệu đô la viện trợ kỹ thuật để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với COVID. Hỗ trợ y tế của USAID đã phát triển từ trọng tâm là trợ giúp người khuyết tật sang một danh mục đầu tư toàn diện nhằm củng cố các hệ thống bền vững nhằm giải quyết các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm hiện tại và mới nổi.

    Cam kết vì một Mekong kiên cường

    Tại tiểu vùng Mekong, văn kiện từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Hoa Kỳ ủng hộ hợp tác xuyên biên giới nhằm giải quyết kết nối kinh tế, quản lý tài nguyên thiên nhiên, an ninh phi truyền thống và phát triển nguồn nhân lực trong khuôn khổ Đối tác Mekong-Hoa Kỳ (MUSP). Kể từ năm 2009, Hoa Kỳ đã viện trợ và hỗ trợ 5,8 tỷ đô la để hỗ trợ tiểu vùng sông Mekong. MUSP hợp tác với hơn 14 cơ quan chính phủ Hoa Kỳ để cung cấp cho người dân Việt Nam và tiểu vùng sông Mekong. Ngoài ra, dưới MUSP, Đối tác Năng lượng Mekong giữa Nhật Bản với Hoa Kỳ (JUMPP) tạo điều kiện triển khai năng lượng sạch, trao đổi điện khu vực và kết nối điện, cũng như phát triển thị trường điện quốc gia và khu vực.

    Đầu tư vào thế hệ tiếp theo

    Bản thông tin từ Văn phòng Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ nói giáo dục là một liên kết quan trọng trong quan hệ Việt-Mỹ. Hơn 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ, là nhóm sinh viên nước ngoài lớn thứ năm tại Hoa Kỳ. Fulbright Việt Nam kỷ niệm 30 năm thành lập vào năm 2022, đánh dấu cột mốc quan trọng trong chương trình kết nối hơn 1.500 học giả và sinh viên Hoa Kỳ và Việt Nam. Trường Đại học Fulbright Việt Nam do Hoa Kỳ hỗ trợ tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tốt nghiệp khóa đại học đầu tiên vào tháng 6 năm 2023.

    Mùa thu năm ngoái, Việt Nam cũng chào đón nhóm Tình nguyện viên Peace Corps của Mỹ lần đầu tiên đến Hà Nội để hỗ trợ sáng kiến giáo dục tiếng Anh của Việt Nam. Hơn 8.400 người Việt Nam đã tham gia các chương trình trao đổi do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ.

    Vẫn theo văn kiện từ Bộ Ngoại giao Mỹ, chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học và đào tạo lực lượng lao động thế kỷ 21 sẵn sàng tham gia toàn cầu. Nhiều dự án của USAID đã thúc đẩy quan hệ đối tác hoặc liên minh giữa các trường đại học Việt Nam và các tổ chức giáo dục đại học hàng đầu của Hoa Kỳ như Đại học Harvard, Đại học Tiểu bang Arizona và Đại học Indiana, cũng như các công ty thuộc khu vực tư nhân như Microsoft, Google, Oracle, Intel, Amazon, và các công ty khác.

    Những quan hệ đối tác này với các tổ chức giáo dục đại học và khu vực tư nhân của Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam trong những đổi mới về dạy và học, về kiểm định, về cải cách chương trình giảng dạy, nghiên cứu và những liên kết giữa trường đại học với các ngành công nghiệp.

    Thêm nhiều tổ chức lên án Việt Nam xử tù nhà báo Nguyễn Lân Thắng 

    14/04/2023 

    VOA Tiếng Việt 

    Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng.


    Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng. 

    Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) hôm 13/4 lên án bản án sáu năm tù đối với nhà báo độc lập Nguyễn Lân Thắng về tội “tuyên truyền chống nhà nước” liên quan đến việc ông đưa tin về các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

    “Bản án nặng dành cho nhà báo Nguyễn Lân Thắng là một sự xúc phạm và phải được đảo ngược ngay lập tức và vô điều kiện,” ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ tại Đông Nam Á cho biết. “Việt Nam phải ngừng đối xử với các nhà báo độc lập như kẻ thù của nhà nước”.

    Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) hôm 14/4 kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Nguyễn Lân Thắng và “chấm dứt cuộc bức hại đang diễn ra đối với các nhà báo ở Việt Nam”.

    “IFJ lên án bản án đối với ông Nguyễn Lân Thắng và kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông và đảm bảo trả tự do ngay lập tức cho ông. Việc tiếp tục sử dụng tùy tiện các cáo buộc chống nhà nước theo Bộ luật Hình sự Việt Nam để bịt miệng báo chí độc lập và phản biện là không thể chấp nhận được và đặt ra những hạn chế nghiêm trọng đối với tự do báo chí và tự do ngôn luận”, thông cáo của IFJ viết.

    Trong một phiên tòa xử kín hôm 12/4, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên phạt ông Thắng 6 năm tù và 2 năm quản chế theo Điều 117 của Bộ luật hình sự với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.

    “Bản án này không gì khác hơn là một nỗ lực để bịt miệng ông và những người khác dũng cảm ghi lại các vi phạm nhân quyền trong nước”, Tổ chức Ân xá Quốc tế viết trên Twitter sau phiên xử. “Các hoạt động và báo cáo ôn hòa của ông ấy nên được hoan nghênh như một phần của cuộc tranh luận công khai hợp pháp ở Việt Nam, nhưng thay vào đó, ông ấy phải đối mặt với nhiều năm tù. Ông nên được thả ngay lập tức”.

    Ông Ian Seiderman, Giám đốc Chính sách và Pháp lý của Uỷ ban Luật gia Quốc tế (ICJ) cho biết: “Việc truy tố và kết án này không chỉ là một hành vi sai trái trong công lý đối với một cá nhân, mà còn là một cuộc tấn công khác vào nền pháp quyền vốn đã xuống cấp ở Việt Nam.

    “Cuộc đàn áp đang diễn ra và tăng cường nhắm vào các nhà hoạt động xã hội dân sự, luật sư, nhà báo, nhà bình luận chính trị và người bảo vệ nhân quyền vì đã tham gia vào các hoạt động được bảo vệ theo luật nhân quyền”, ông Seiderman cho biết thêm.

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 13/4 lên án bản án, đồng thời kêu gọi chính phủ Việt Nam “trả tự do ngay lập tức và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Nguyễn Lân Thắng và những cá nhân khác đang bị giam giữ vì thực hiện ôn hòa và thúc đẩy nhân quyền”.

    “Chúng tôi cam kết với Việt Nam ở cấp cao nhất để đạt được tiến bộ trong việc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp ôn hòa, tôn giáo hoặc tín ngưỡng, cũng như tôn trọng pháp quyền và tiếp cận công lý”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ viết trong email gửi VOA hôm 13/4.

    Được hỏi liệu trong chuyến thăm Hà Nội vào cuối tuần này, Ngoại trưởng Antony Blinken có nêu cụ thể trường hợp nhà hoạt động nào bị chính quyền giam cầm hay không, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Trước chuyến thăm Hà Nội của Ngài Ngoại trưởng, thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng – Việt Nam là một đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mối quan hệ đối tác đó chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nếu Chính phủ Việt Nam thực hiện các bước đồng bộ để đáp ứng các nghĩa vụ và cam kết của mình theo luật pháp quốc tế và cải thiện thành tích nhân quyền của mình”.

    Hôm 13/4, Giám đốc điều hành Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ (USAGM) Amanda Bennett ra tuyên bố về việc kết án ông Nguyễn Lân Thắng, cộng tác viên Đài Á Châu Tự Do (RFA).

    “Ông Nguyễn đã bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án sáu năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước. Cáo buộc chống lại ông được đưa ra theo Điều 117 của bộ luật hình sự Việt Nam, điều mà chính quyền thường sử dụng để đàn áp tự do ngôn luận trên mạng xã hội”, bà Bennett cho biết.

    Bản án này nâng tổng số người đóng góp cho mạng lưới USAGM bị bỏ tù tại Việt Nam lên con số sáu. Những người khác bị bắt bao gồm ông Nguyễn Tường Thụy, ông Trương Duy Nhất, và Nguyễn Văn Hòa, là các cộng tác viên của đài RFA, và ông Lê Anh Hùng và ông Phạm Chí Dũng từ Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA).

    Trước phiên xử, gần chục các tổ chức nhân quyền gửi thư ngỏ gửi Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng kêu gọi các cơ quan chức năng hủy bỏ mọi cáo buộc chống lại ông Nguyễn Lân Thắng.

    Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, 48 tuổi, bị bắt vào tháng 7/2022 và bị biệt giam hơn bảy tháng trước khi ông được gặp luật sư lần đầu tiên vào tháng 2/2023.

    Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về các lời kêu gọi trên.

    Hồi tháng 2/2023, phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về nhân quyền, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam”.

    “Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình Đổi mới và công cuộc phát triển đất nước, và luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các quyền con người và quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn”, bà Hằng cho biết thêm.

    Vài giờ trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken, Hoa Kỳ lên án Việt Nam bỏ tù nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng 

    Nguồn: Hours before Blinken visit, US condemns Vietnam’s jailing of activist – Reuters – 

    14/4/2023



    VNTB – Vài giờ trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken, Hoa Kỳ lên án Việt Nam bỏ tù nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng

    (VNTB) – Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và bãi bỏ mọi cáo buộc đối với ông Nguyễn Lân Thắng và những cá nhân khác đang bị giam giữ vì thực hiện ôn hòa và thúc đẩy nhân quyền.

     WASHINGTON, ngày 13 tháng 4 (Reuters) – Vài giờ trước chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Hoa Kỳ hôm thứ Năm đã lên án việc Việt Nam bỏ tù một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng và nói rằng quan hệ chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nếu Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền.

    Tòa án Hà Nội hôm thứ Tư đã kết án ông Nguyễn Lân Thắng sáu năm tù vì các hoạt động chống phá nhà nước, luật sư của ông cho biết, một vụ án làm dấy lên quan ngại quốc tế về việc chính quyền cộng sản Việt Nam đối với những người bất đồng chính kiến như thế nào.

    Theo các tài khoản mạng xã hội cá nhân, ông Thắng tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi trường, lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động đang bị giam giữ và viết blog về các vấn đề chính trị xã hội.

    “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và bãi bỏ mọi cáo buộc đối với ông Nguyễn Lân Thắng và những cá nhân khác đang bị giam giữ vì thực hiện ôn hòa và thúc đẩy nhân quyền,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết.

    “Trước chuyến thăm Hà Nội của Ngoại Trưởng, thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng – Việt Nam là một đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mối quan hệ đối tác đó chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nếu chính phủ Việt Nam thực hiện các bước phối hợp để đáp ứng các nghĩa vụ và cam kết của mình theo các quy định luật pháp quốc tế và cải thiện thành tích nhân quyền,” người phát ngôn nói thêm.

    Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, chính quyền Việt Nam đã kết án ít nhất 163 người kể từ năm 2018 vì thực hiện quyền tự do ngôn luận hoặc lập hội theo “luật mơ hồ hoặc quá chung chung hình sự hóa việc phản đối hoặc chỉ trích chính phủ”.

    Trong một tuyên bố hôm thứ Năm, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi ông Blinken, người sẽ có mặt tại Hà Nội vào thứ Sáu, “thúc giục công khai cũng như riêng tư giới lãnh đạo Việt Nam chấm dứt việc lạm dụng có hệ thống quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp ôn hòa.”

    Ông Blinken sẽ chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam với tư cách là ngoại trưởng, ông hy vọng đạt được tiến bộ trong việc nâng cấp quan hệ với một đối tác thương mại quan trọng có cùng mối lo ngại với Hoa Kỳ về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

    ____________

    Nguồn: Hours before Blinken visit, US condemns Vietnam’s jailing of activist – Reuters – 


    Không có nhận xét nào