Header Ads

  • Breaking News

    Những tích tắc của số phận Phần 10

    MỜ MỊT QUÊ HƯƠNG

    Nguyễn Ngọc Hoa/SGN

    Sau gần hai tuần lễ lênh đênh trên biển cả, chúng tôi cặp bến đảo Guam, làm thủ tục nhập trại tại bến tàu Apra, và lên xe buýt về trại tạm trú trong căn cứ Hải quân ở mũi Orote (Orote Point).

    “Thành phố Lều” (Tent City) chói nắng này là cả một thiên đường đối với những kẻ đói lủi đi đứng không vững và không có gì để trông mong như chúng tôi. Gia đình tôi được đưa tới căn lều nhà binh lớn gần bìa rừng ở cuối Khu 5 là khu lều xa nhất. Lều mới dựng lên, bên trong kê thẳng thớm khoảng ba chục cái giường bố.

    Việc đầu tiên là giải quyết vấn đề dạ dày ở lều nhà ăn gần nhất. Thức ăn ngon lành và ê hề, muốn lấy bao nhiêu thì lấy; mặc dù bụng đói, tôi ăn không thấy ngon nhưng nhớ lời mẹ dặn hôm nào, “Mi ráng ăn, không ngon miệng cũng phải ăn cho nhớ bữa.” Kế tiếp là đi lãnh vật dụng như mền ngủ, khăn tắm, và xà phòng tắm. Phòng tắm lộ thiên nam nữ riêng rẽ, vách và sàn bằng gỗ tạp còn mới toanh, và nước vòi sen phun ra mát rượi. Ôi thật hạnh phúc khi được tắm mát và gột rửa hai tuần lễ mồ hôi đất cát và bùn dơ trên tóc tai và thân hình; tắm xong người nhẹ đi cả kí-lô.

    Buổi chiều Quỳnh Châu đi tắm với Bình về than phiền,

    -“Mấy thằng lao công đổ rác Phi Luật Tân nham nhở hết chỗ nói. Tụi nó ngồi trên băng ghế cao sau xe vận tải chạy vòng vòng quanh phòng tắm phụ nữ và tỉnh queo nhìn các bà các cô tắm. Mọi người sợ quá tắm nguyên cả quần áo.”

    -“Bọn Phi hèn nhát mọi rợ như vậy đó,” tôi còn hận chính phủ Phi Luật Tân từ chối không cho chúng tôi lên đất Phi.

    -“Tụi nó hèn thì đành rồi, nhưng tại sao chịu tiếng ‘mọi rợ’?” Bình cười khúc khích.

    -“Đầu thế kỷ thứ 16, nước mình đã có vua chúa và triều đình, và xã hội đã có nề nếp kỷ cương, tụi nó còn ăn lông ở lổ và đớp thịt người như máy. Ferdinand Magellan, nhà thám hiểm đầu tiên đi vòng quanh quả đất và là người Âu châu đầu tiên đặt chân lên đảo Guam này, đi ngang qua vùng đảo Phi mắc dịch đó bị bọn cổ lỗ dã man bắt giết và xơi thịt ngon ơ.  Mày học lịch sử thế giới lớp 12 quên rồi sao?”

    Căn lều gần bìa rừng của chúng tôi không có gia đình khác ở; sáu đứa không phải chung đụng người lạ và tha hồ chọn nơi nằm ngủ. Đêm đầu tiên, tôi mệt nhoài nên đầu hôm ngủ ngon giấc. Nửa khuya, mưa đêm rơi lộp độp trên mái và gió thổi tấm bạt cửa kêu lật bật đánh thức tôi. Tôi miên man nhớ lại một ngày đầu thu hai mươi mốt năm trước, mẹ một thân một mình dắt anh Quang, tôi (lúc đó lên sáu), và thằng Sang di cư từ Quảng Bình vào Nam.

    Con “tàu há mồm” cặp bến Đà Nẵng, trại tạm cư là ngôi trường học có nhiều phòng rộng, và “nhà” của chúng tôi là chiếc chiếu trải dưới sàn xi-măng. Đêm đầu tiên ở trại tạm cư, tôi “lạ giường” và “lạ nhà,” thao thức nhưng cố nằm yên, và giữa đêm lén mở mắt nhìn mẹ. Mẹ ôm thằng Sang vào lòng khóc thút thít và lẩm bẩm, tôi nghe chữ được chữ mất, “Cầu Trời khẩn Phật… ba đứa con dại… sớm thoát khỏi cảnh đầu đường xó chợ.”

    Đi sắp hàng lấy thức ăn, tôi thấy có rất nhiều ngư dân, dễ nhận ra vì họ chen lấn ồn ào, tranh giành inh ỏi, và xem chung quanh như là chốn không người. Người ta kể rằng trong mấy ngày tàn của VNCH, dân chúng các làng chài lưới ven biển hò nhau chất tài sản lên thuyền đánh cá chạy ra hải phận quốc tế; được tàu Đệ thất Hạm đội Hoa kỳ, tàu Hải quân VNCH, và thương thuyền di tản vớt; và do đó đến đây rất đông. Đông lắm!

    Thành phố Lều do các quân nhân thuộc Sư đoàn 25 Bộ binh Hoa Kỳ đóng tại Bản doanh Schofield ở Hạ Uy Di điều hành trong chiến dịch Đời Mới, và có tên chính thức là Trại Cầu Vồng, nhưng dân tỵ nạn lấy địa danh mà đặt tên thành “trại Orote Point.” Ngoài đám “danh ca,” tức là “đánh cá” không bỏ dấu tiếng Việt, trại gồm phần lớn là công chức quân nhân làng nhàng bậc trung như tôi. Những thành phần chính phủ Hoa Kỳ dự định và mong muốn di tản ra khỏi Việt Nam là nhân viên sở Mỹ, sĩ quan cao cấp, và viên chức chính phủ quan trọng thì được ở nhà tiền chế bằng tôn mạ kẽm màu trắng nhôm có mái cong hình bán nguyệt chạm tới mặt đất bên “Thành phố Thiếc” (Tin City), tức là trại Andersen trong căn cứ Không quân Andersen mé Bắc đảo Guam.

    Tối ngày thứ hai, tôi lò mò lên “Ngã Năm Quốc tế.” Đó là khoảnh đất tráng nhựa gần bộ chỉ huy trại có trụ đèn cao sáng trưng nằm tại giao điểm của hai con đường chính là phi đạo cũ thời Đệ nhị Thế chiến. Ngả đường thứ năm là đoạn đường ngắn dẫn vào nhà để máy bay cũ nay làm nơi đặt bộ chỉ huy trại. Khoảnh đất đó là nơi bọn người tha hương tụ họp tìm người quen, trao đổi tin đồn, và cùng nhau đoán mò những gì sẽ xảy ra cho mình trong những ngày sắp tới. May quá, tôi gặp ngay Đồng, bạn đồng sự dạy ban Điện tử ở Ngành Điện của Đại học Kỹ thuật Thủ Đức ở Phú Thọ. Đồng nhỏ hơn tôi hai tuổi, là người Việt gốc Hoa quê ở Bạc Liêu, tốt nghiệp kỹ sư ở Mỹ về, và mới lập gia đình trước đây vài tuần.

    Rời Sài Gòn trên thương thuyền Việt Nam Thương Tín thuộc sở hữu Công ty Việt nam Hàng hải, chiếc tàu viễn dương đầu tiên của VNCH, Đồng sôi nổi kể lại,

    -“Sáng ngày 30, tui chạy bán sống bán chết qua bến Kho Năm Khánh Hội, leo lên tàu, và nhìn lại thấy lá cờ hai màu xanh đỏ của Việt Cộng đã trương lên trên Dinh Độc lập. Mười giờ hăm bốn phút, máy phát thanh trên tàu phát ra lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Xxxx Man, một số quân nhân hối thúc và ép buộc thủy thủ đoàn phải ra đi, mặc dù thuyền trưởng đi đón gia đình chưa trở lại. Tàu kéo neo giựt xích rời bến khiến những người đang lơ lửng đu trên dây xích và đang chơi vơi leo lên cầu thang rớt phắt xuống sông.  Vài người lóp ngóp nổi lên, nhưng phần lớn chìm mất tăm. Lúc ấy, thuyền trưởng và vợ con xuất hiện trên bến, chỉ cách tàu một hay hai thước, nhưng không thể nhảy qua nên bị bỏ lại.”

    Đồng lúc lắc đầu như muốn giũ ra những giờ phút kinh hoàng,

    -“Tàu chạy hết tốc lực, vừa qua khỏi cầu Tân Thuận thì bị Việt Cộng phục kích trên bến Thủ Thiêm bắn B40 chọc lủng một lỗ lớn bên hông tàu. Trước khi đến cửa Nhà Bè, tàu bị pháo kích lần thứ hai, nhưng không bị thiệt hại. Qua khu rừng Sát dọc theo bờ sông Lòng Tảo, tàu bị tấn công lần thứ ba, và ba quả B40 bắn thẳng vào boong chính có đông người ngồi núp khiến ông Bình Chu và một em bé tử thương và 20 người khác bị thương. Hai người tử thương phải thủy táng khi tàu ra đến biển.”

    B40 là một loại súng phóng hỏa tiễn chống xe tăng không giật được Việt Cộng sử dụng rộng rãi từ trận tấn công Tết Mậu Thân (1968), và Bình Chu là nhà văn nổi tiếng và chủ nhiệm một tờ báo lớn có uy tín ở Sài Gòn. Đồng thở phào,

    -“Ba ngày sau, tàu lết vào Vịnh Subic ở Phi Luật Tân. Lính Mỹ lên tàu bắt giao nạp võ khí, tịch thu phần lớn là súng tiểu liên M15 và M16, và đưa người bị thương xuống tàu để chữa trị. Sau đó, họ sơn chồng lên lá quốc kỳ cờ vàng ba sọc đỏ, vá lỗ lủng bên hông tàu, phát lương khô và thuốc lá, và yêu cầu tiếp tục lên đường tới đây.”

    -“Trên tàu Đồng gặp ai quen ở Phú Thọ mình không?”

    -“Đại học Kỹ thuật có năm người, và Đại học Cơ bản hai người. Hầu hết là dân du học Mỹ về, và phần lớn ra đi một mình.  Đáng nói nhất là gia đình anh Thanh…”

    -“Có phải anh Thanh dạy Yyyy bên Ngành Công chánh?”

    -“Đúng. Anh chị ấy xui xẻo quá chừng, bị lạc mất thằng con trai sáu tuổi rưỡi.”

    Tôi ngạc nhiên la lớn,

    -“Sao lạc mất, lạc trên bến hay rớt xuống nước?”

    -“Không rõ. Thấy anh chị Thanh quá rầu rĩ, không ai dám hỏi vì không nỡ khêu lại vết thương lòng của anh chị ấy. Tuy nhiên, ngày cuối cùng ở trên tàu, tui nghe một ông trung tá không quen kể lại,

    Khi tôi cố gắng đưa vợ và hai đứa con nhỏ lên tàu, một rừng người ùn ùn tiến tới. Tôi đi trước, một tay bế thằng con út ba tuổi, tay kia xách cái va-li nhỏ chứa giấy tờ và hình ảnh, và lưng đeo ba-lô đựng quần áo và các thứ cần dùng. Cầu thang dốc và trơn trợt, tôi trượt chân, và cái va-li tuột ra rơi băng xuống sông khiến tôi giật mình mất thăng bằng, liêu xiêu chực ngã ra ngoài, và tuyệt vọng quơ tay tìm chỗ bám. Trong cái tích tắc kinh khiếp đó, có một bàn tay không biết của ai vươn ra giữ chặt cánh tay tôi – nhờ vậy hai cha con không rơi xuống.  Tôi gượng lại, bò lên sàn tàu, và sau đó kéo vợ và thằng con đầu lên.

    Tôi vừa quay lưng rời cầu thang, có tiếng đàn bà hoảng hốt, “Con tôi, con tôi rớt rồi… Ôi con ơi là con!” Tôi nhìn lại, có người đang đỡ người đàn bà ngất lịm vào sàn tàu. Người chen nhau lên tàu không dứt, không ai có tinh thần hay thì giờ quan tâm đến thằng bé vừa lìa tay mẹ lọt xuống nước.

    Tôi băn khoăn về Khang Khanh vợ mới cưới của Đồng, bây giờ mới đánh bạo hỏi,

    -“Đồng đi một mình hay với gia đình? A Hín đâu?” “A Hín” là nàng Khanh hay cô Khanh trong lối gọi tên của người Triều Châu.

    -“Gia đình họ hàng nội ngoại tui đều ở dưới Bạc Liêu. Một tuần trước khi chạy, tui nghe lời tía má về quê cưới vợ, và a Hín còn dạy ở trường trung học Bạc Liêu nên chưa thể về Sài Gòn. Không dè hôm trước còn hy vọng ‘hòa giải dân tộc,’ hôm sau mất nước cái ào, tui sợ hoảng vù ra bến tàu lên tàu Việt Nam Thương Tín theo bản năng tìm đường sống của con thú bị dồn vào bước đường cùng,” nước mắt chảy dài trên má Đồng.

    -“Đồng đừng buồn. Ở hiền gặp lành, biết đâu trời sẽ cho hai người sớm tái ngộ.”

    -“Anh biết không, tuia Hín sinh ra nhà đã ở cạnh nhau, hàng ngày chơi đùa với nhau, đi học cùng đường cùng trường cùng lớp mười mấy năm, và thương nhau từ thuở chưa biết yêu. Vậy mà lấy nhau chưa được mấy ngày đã nửa đường đứt gánh.”

    Nét mặt khổ đau tột cùng của Đồng khiến tôi nhớ đến bài thơ “Tương Giang” của Lương Ý Nương đời nhà Hậu Chu (907- 955),

    Quân tại Tương giang đầu

    Thiếp tại Tương giang vĩ

    Tương tư bất tương kiến

    Đồng ẩm Tương giang thuỷ.

    _______

    Chàng ở đầu sông Tương

    Thiếp ở cuối sông Tương

    Nhớ nhau mà không gặp

    Cùng uống nước sông Tương.

    (Bản dịch của Hoàng Nguyên Chương)

    —–

    Sông Tiêu Tương tỉnh Hồ Nam bên Trung Hoa xưa kia chia cách hai kẻ yêu nhau có thấm thía gì so với Thái Bình Dương bao la, cộng thêm bức màn sắt ác nghiệt nhất thế gian mới áp đặt lên quê hương, ngày nay ngăn trở đôi uyên ương chắp cánh?

    Sáng hôm sau, tôi và Quỳnh Châu dậy sớm, nắm tay nhau đi khoảng hai cây số ra bãi biển.  Bãi còn vắng người, chúng tôi ngồi trên cát nhìn ra các hòn đảo xa xa ngắm bình minh lên.  Chúng tôi ngồi yên lặng rất lâu, Quỳnh Châu ngả đầu trên vai tôi thủ thỉ,

    -“Em biết chồng nhớ mẹ, vì em cũng nhớ ba má. Anh có biết chỗ mình ngồi đây bây giờ chính là điểm cực Tây (tính theo chiều di chuyển) của lãnh thổ Hoa Kỳ? Bốn ngàn cây số bên kia bờ đại dương là quê hương đã mất của vợ chồng mình.”

    -“Anh biết chớ.  Ra ngồi đây anh có cảm tưởng mình sống trong câu ca dao,

    Chiều chiều ra đứng ngõ sau,

    Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

    Tôi biết đôi mắt Quỳnh Châu đẫm lệ vì mặt biển xanh thẫm cũng mờ đi trong mắt tôi. Hiện tại “ngõ sau” của chúng tôi là bãi cát mũi Orote gần nhất với quê mẹ, nhưng mai đây sẽ là nơi chốn nào? Tôi dụi mắt tự nhủ, thôi thì tới đâu hay đó – lo cho lắm tắm cũng ở truồng!

    CÒN TIẾP

    https://saigonnhonews.com


    Không có nhận xét nào