Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ tư 05 tháng 4 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Ông Pompeo đến thăm Ukraine, nhấn mạnh sự ủng hộ Kyiv

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/04/95C3BE5D-B856-4C9F-811F-313FB791C1E2_cx0_cy3_cw0_w408_r1_s.jpg

    Ngày 3/4, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã đến thăm Ukraine để nhấn mạnh sự ủng hộ của ông đối với Kyiv. Ông cũng khẳng định sẽ nỗ lực để thúc đẩy Washington cung cấp máy bay chiến đấu F-16 và tên lửa tầm xa cho cuộc chiến của nước này chống lại Nga.

    Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ việc cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu F-16 và tên lửa tầm xa hay không, ông Pompeo trả lời: “Có. Bao gồm cả việc đào tạo, cung cấp phần mềm và tất cả những thứ cần thiết để thực sự có thể bảo vệ và bảo hộ vùng đất của chính bạn.”

    Phát biểu trước cử tọa gồm các nhà lập pháp Ukraine, quan chức chính phủ, đại diện quân đội, các nhà hoạt động xã hội dân sự và sinh viên, ông Pompeo nhấn mạnh, hỗ trợ quân sự cho Ukraine là lợi ích tốt nhất của Washington.

    Bình luận của ông Pompeo cùng thời điểm với cuộc thảo luận đang diễn ra ở Hoa Kỳ về việc nên hỗ trợ thêm bao nhiêu cho Ukraine. Tính đến nay, Washington đã cung cấp khoảng 30 tỷ USD viện trợ quân sự kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine.

    Ông Pompeo còn nhận định, không nên đánh giá thấp Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời nói thêm rằng nhà lãnh đạo Điện Kremlin đã nhận ra “một điều, đó chính là quyền lực và quyết tâm nhất quán”.

    Theo cựu ngoại trưởng, cần phải có một kiến ​​trúc an ninh mới để đảm bảo chống lại chiến tranh lớn trên bộ ở châu Âu. Ông nói: “Phải có một loạt các thỏa thuận làm rõ ràng rằng ông Vladimir Putin sẽ không thể thực hiện điều đó một lần nữa.”

    Ông Pompeo cho hay, ông đã tới Ukraine cùng một phái đoàn gồm các doanh nhân Hoa Kỳ và đại diện của một số tổ chức nhân đạo, đến thăm một bệnh viện quân đội và cũng gặp các quan chức chính phủ Ukraine.

    Nhật Minh (Theo Reuters)

    Mỹ cam kết viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine trị giá 2,6 tỷ đôla 

    05/4/2023 

    Reuters 


    Vũ khí của Mỹ gửi cho Ukraine.

    Vũ khí của Mỹ gửi cho Ukraine. 

    Lầu Năm Góc công bố hôm 4/4 rằng Hoa Kỳ cung cấp thêm viện trợ quân sự trị giá 2,6 tỷ đôla, bao gồm ba radar giám sát trên không, tên lửa chống tăng và xe tải chở nhiên liệu choUkraine, giữa lúc nước này chuẩn bị một cuộc tấn công mùa xuân đánh vào các lực lượng xâm lược của Nga, theo Reuters.

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 4/4 nói với Hiệp hội Thống đốc Quốc gia Hoa Kỳ rằng Hoa Kỳ có thể bảo vệ các giá trị của mình bằng cách giúp đỡ Ukraine.

    “Sự hợp tác của chúng ta sẽ cho phép tăng cường an ninh mới cho quý vị, cho nền kinh tế của chúng tôi và của quý vị, cho việc làm ở cả hai quốc gia chúng ta,” ông Zelenskyy nói qua đường truyền video.

    “Điều quan trọng là không để mất thời gian, không để mất cơ hội mà chúng ta có. Hãy hành động ngay bây giờ, hãy giúp đỡ ngay bây giờ. Người Ukraine hành động để người Mỹ không phải chiến đấu - và chúng ta cùng nhau đạt được sức mạnh mới cho đất nước mình”, ông nói tiếp.

    Đại sứ quán Nga tại Washington phản ứng với thông báo này với lời cáo buộc là Hoa Kỳ muốn kéo dài cuộc xung đột càng lâu càng tốt, hãng thông tấn Nga TASS đưa tin.

    “Quyết định cung cấp vũ khí cho Kyiv là một bước tiến tới leo thang cuộc khủng hoảng Ukraine và làm tăng số thương vong của dân thường”, TASS trích dẫn một tuyên bố của đại sứ quán cho biết.

    Gói viện trợ vũ khí bao gồm 2,1 tỷ đôla từ quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), cho phép chính quyền của Tổng thống Joe Biden mua vũ khí từ doanh nghiệp trong ngành vũ khí thay vì từ các kho vũ khí của Hoa Kỳ.

    Gói hỗ trợ của USAI bao gồm các loại đạn bổ sung cho hệ thống phòng không NASAMS mà Hoa Kỳ và các đồng minh đã cung cấp cho Kyiv, các loại đạn chính xác trên không, rocket GRAD thời Liên Xô, tên lửa chống tăng, xe bọc thép chở cầu phao được sử dụng trong các cuộc tấn công và 105 xe kéo nhiên liệu, cùng với kinh phí tài trợ để đào tạo và bảo trì.

    500 triệu đôla còn lại đến từ các quỹ thuộc thẩm quyền sử dụng hàng lưu kho của Tổng thống (Drawdown Authority), cho phép tổng thống lấy hàng ra từ các kho dự trữ hiện tại của Hoa Kỳ trong trường hợp khẩn cấp.

    Phần này trong gói viện trợ bao gồm nửa tá các loại vũ khí, bao gồm đạn cho hệ thống phòng không Patriot, đạn xe tăng và Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS).

    Kể từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga ngày 24/2/2022 đến nay, Hoa Kỳ đã cam kết trợ giúp an ninh trị giá hơn 35,2 tỷ đôla cho Ukraine. Hôm 3/4, Đại sứ Julianne Smith, đại diện thường trực của Hoa Kỳ tại NATO, nói rằng Washington dự báo Ukraine “tiến hành hoặc bắt đầu một số hình thức tấn công mùa xuân của riêng họ trong những tuần tới”.

    Trung Quốc tập trận sát Đài Loan trước cuộc gặp giữa TT Thái Anh Văn và chủ tịch Hạ Viện Mỹ

    05/4/2023

    Ảnh Tân Hoa Xã cung cấp minh họa cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc ngày 31/01/2023. AP - Ma Yubin 

    Thu Hằng /RFI

    Trong khi tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn chuẩn bị gặp chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy ở bang California, Trung Quốc thông báo tiến hành một “cuộc tuần tra, giám sát” quân sự hỗn hợp tại nhiều vùng biển quanh Đài Loan hôm 05/04/2023. 

    Trang Taiwan News trích thông tin được đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đăng trên các mạng xã hội cho biết “chiến dịch đặc biệt” được tiến hành ở khu vực miền trung và bắc eo biển Đài Loan. Theo bản đồ được đăng kèm, hai vùng ở ngoài khơi phía đông Trung Quốc, sát Đài Loan, cũng được chọn để diễn tập hàng hải. Có thể thấy rất nhiều điểm được đánh dấu đỏ, trong đó có đảo Lan Tự (Lanyu), đảo Tiểu Lưu Cầu (Xiaoluiqiu), nhiều đảo ở quận Bành Hồ (Penghu) và quanh quần đảo Yaeyama của Nhật Bản (phía tây bắc Đài Loan).

    CCTV không cho biết chi tiết về nội dung, cũng như số lượng đơn vị, tầu chiến. Tuy nhiên, theo trang UDN, tầu hải cảnh Trung Quốc Haixun 06 cũng tham gia. Trước đó một ngày, 20 chiến đấu cơ và ba tầu chiến Trung Quốc đã hoạt động gần lãnh thổ Đài Loan.

    Trước khi rời Belize, kết thúc chuyến công du hai nước Trung Mỹ, và trước khi đến Los Angeles, California vào tối 04/04/2023, tổng thống Thái Anh Văn đã họp từ xa để cập nhật tình hình an ninh. 

    Tại Los Angeles, đông đảo người ủng hộ và phản đối đã tập trung trước khách sạn của bà. Theo dự kiến, bà Thái Anh Văn gặp chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCathy ngày 05/04 bất chấp phản đối gay gắt của Bắc Kinh.

    Ngay sau khi về Đài Bắc, bà Thái Anh Văn sẽ tiếp ông Michael McCaul, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Mỹ, vào ngày 08/04. Trang Focus Taiwan cho biết Michael McCaul dẫn đầu một phái đoàn 8 người, công du Đài Loan 3 ngày, từ ngày 06/04. Ông sẽ làm việc với các thành viên Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Hạ Viện Đài Loan để hiểu rõ hơn về những mối đe dọa và thách thức mà Đài Loan phải đối mặt. Trước đó, McCaul đến Nhật Bản và Hàn Quốc để tăng cường hợp tác ba bên trước mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên.

    Tổng thống Đài Loan thảo luận về ‘tình hình khu vực’ trước cuộc gặp với ông McCarthy 

    05/4/2023 

    Reuters 

    Người ủng hộ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn bên ngoài khách sạn ở Los Angeles, California, ngày 4/4/2023.

    Người ủng hộ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn bên ngoài khách sạn ở Los Angeles, California, ngày 4/4/2023. 

    Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vừa gặp các quan chức an ninh cấp cao vào thứ Ba 4/4 để thảo luận về “tình hình khu vực” trước cuộc gặp của bà với Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy ở California, mà Trung Quốc đã yêu cầu không diễn ra, theo Reuters.

    Ông McCarthy, đảng viên đảng Cộng hòa nắm cương vị Chủ tịch Hạ viện, do đó, đứng ở vị trí thứ ba trong hệ thống thứ bậc lãnh đạo của Hoa Kỳ, sẽ tiếp đón bà Thái Anh Văn vào buổi sáng ngày 5/4 tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở thành phố Simi Valley, bang California, gần Los Angeles.

    Đây sẽ là cuộc gặp cấp cao nhất với một tổng thống Đài Loan trên đất Mỹ kể từ khi Washington chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh vào năm 1979.

    Cuộc gặp này chắc chắn sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh, vốn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đã thề sẽ kiểm soát hòn đảo này bằng vũ lực nếu cần thiết.

    Trung Quốc đe dọa trả đũa nếu cuộc gặp mặt, dự kiến vào thứ Tư 5/4, thực sự diễn ra.

    Văn phòng tổng thống Đài Loan cho biết bà Thái tổ chức hội nghị qua video từ Belize, điểm dừng chân cuối cùng của bà trong chuyến công du Trung Mỹ trước khi đến Los Angeles.

    Trong một tuyên bố, văn phòng của bà Thái cho hay bà “đã nghe báo cáo tóm tắt về tình hình chung của khu vực”.

    “Tổng thống yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục nắm bắt tình hình xung quanh và cho phép phái đoàn đến thăm tiếp tục nắm bắt tình hình theo thời gian thực”, tuyên bố nói thêm.

    Văn phòng cho biết bà Thái “bày tỏ lòng biết ơn” đối với các đồng nghiệp đang bám trụ để đảm bảo an ninh quốc gia trong kỳ nghỉ cuối tuần dài trong tuần này”.

    Các quan chức trong cuộc gọi bao gồm Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Wellington Koo và Bộ trưởng Ngoại giao Joseph Wu, người đang đi cùng với tổng thống, cũng như Tổng Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Tsai Ming-yen, người vẫn ở Đài Bắc, tuyên bố cho biết thêm.

    Tổng thống đã đến Los Angeles vào tối 4/4 và sẽ trở lại Đài Bắc vào ngày 7/4.

    Viết trên trang Facebook của mình khi đến Los Angeles, bà Thái cho biết đoàn của bà sẽ có một số sự kiện “để tiếp tục đấu tranh cho chính sách ngoại giao của Đài Loan”. 

    Đài Loan cho đến nay không ghi nhận có bất kỳ hoạt động quân sự bất thường nào của Trung Quốc trước cuộc họp với ông McCarthy.

    Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 5/4 cho biết một con tàu do Cục An toàn Hàng hải tỉnh Phúc Kiến điều hành, đối diện với Đài Loan, đang dẫn đầu một cuộc tuần tra ở khu vực trung tâm và phía bắc của Eo biển Đài Loan, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

    Tàu Haixun 06 được thiết kế như một tàu hải giám để thực hiện các cuộc kiểm tra và hỗ trợ các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, theo các báo cáo trước đây của truyền thông nhà nước Trung Quốc.

    Mỹ : Bị truy tố, Donald Trump tố cáo “một sự sỉ nhục” đối với quốc gia

    05/4/2023

    Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) tại Mar-a-Lago, Florida hôm 04/04/2023 sau khi từ Neew York trở về. AP - Rebecca Blackwell 

    Thanh Phương /RFI

    Hôm 04/04/2023, vài giờ sau khi ra trình diện tại một tòa án ở New York để nghe thông báo các tội danh, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở về tư dinh ở Florida để lên án điều mà ông gọi là “một sự sỉ nhục” đối với quốc gia. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, một cựu tổng thống bị truy tố hình sự. 

    Từ Miami, thông tín viên David Thomson tường trình : 

    “Sau một ngày đầy cam go, với vẻ mặt căng thẳng khi ra trình diện trước tòa án Manhattan, Donald Trump đã tìm lại nụ cười khi ông về đến tư dinh ở Mar-a-Lago, bang Florida, giữa những người ủng hộ ông và phát biểu với họ ngay vào giờ cao điểm buổi tối.

    Tại New York, thẩm phán đã yêu cầu Trump không được có những lời lẽ mang tính kích động về việc ông bị truy tố, nhưng cựu tổng thống Mỹ đã phớt lờ khuyến cáo đó. Ông tuyên bố : “Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng một chuyện như vậy lại có thể xảy ra ở nước Mỹ. Tôi chỉ có một tội duy nhất, đó là đã can đảm bảo vệ đất nước chúng ta trước những kẻ chỉ muốn phá hủy nó.”

    Donald Trump, cựu tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ bị truy tố hình sự, không ngần ngại yêu cầu truy tố thẩm phán Alvin Bragg, người đã khởi động cuộc điều tra nhắm vào ông. Ông Trump nói : “ Khi hồ sơ truy tố đáng buồn cười này được thông báo, ai cũng nói đây không đáng gọi là truy tố, vì chẳng có gì trong đó cả. Tội phạm ở đây chính là công tố viên! Chính ông ta đã làm lộ những thông tin từ bồi thẩm đoàn và ông ta rất đáng bị truy tố vì chuyện đó”.

    Rõ ràng là cựu tổng thống Mỹ đang tìm cách khai thác vụ này vào mục đích chính trị. Nhóm vận động tranh cử của ông đã bắt đầu bán những chiếc áo mang dòng chữ “vô tội” và đã quyên góp được 7 triệu đôla.” 

    Trước tòa, cựu tổng thống Mỹ đã khẳng định vô tội đối với 34 tội danh trong bản cáo trạng. Cụ thể, ông Trump bị cáo buộc đã giả mạo giấy tờ kế toán khi chi trả tiền để ém nhẹm 3 vụ việc có thể gây khó khăn cho ông trước cuộc bầu cử tháng 11/2016, đặc biệt là vụ chi trả 130.000 đôla cho một ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels, để người này không tiết lộ mối quan hệ ngoài giá thú của ông vào năm 2006. Số tiền này đã không được khai báo trong ngân sách tranh cử tổng thống và đây có thể là một sự vi phạm luật bầu cử của bang New York. Theo dự kiến, phiên xử ông Donald Trump sẽ diễn ra vào tháng 01/2024.

    Từ New York, đặc phái viên Guillaume Naudin tường trình về vụ cựu tổng thống Trump ra trình diện tòa hôm qua : 

    “Mỗi bên có khoảng vài chục người, bao gồm những người chống Donald Trump, đòi phải tống giam ông và những người những người ủng hộ cựu tổng thống, đến yểm trợ tinh thần cho ông. Cảnh sát đã nhanh chóng tách rời hai bên để ngăn ngừa những vụ rối loạn trong lúc chờ ông Trump đến. 

    Cựu tổng thống Mỹ đã đến tòa bằng một con đường bên hông tòa nhà để tránh giới báo chí có mặt rất đông đảo ở cửa chính. Sau khi được lấy dấu tay, Donald Trump, gương mặt bất động, vào phòng xử để được nghe thông báo những gì mà ông bị cáo buộc: tổng cộng 34 vụ khai man nhằm che giấu một tội khác, cụ thể là nhằm gây tác động một cách bất hợp pháp lên một cuộc bầu cử.

    Bác bỏ cáo buộc của cựu tổng thống Mỹ, công tố viên Alvin Bragg khẳng định đây không phải là một phiên tòa chính trị. Ông nói: “ Văn phòng của tôi đã tiến hành hàng trăm vụ truy tố hình sự về tội giả mạo giấy tờ. Đây là công việc thường ngày của chúng tôi chống tội phạm cổ cồn trắng. Như văn phòng chúng tôi vẫn thường nói, hôm nay chúng tôi phải đảm nhận trách nhiệm long trọng của chúng tôi bảo đảm làm sao mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

    Các luật sư của Donald Trump không che giấu thái độ bất bình của cựu tổng thống, tự xem mình là nạn nhân của một sự bất công. Sau khi có những lời chỉ trích công tố viên, thẩm phán đã yêu cầu ông Donald Trump không được đăng trên các mạng xã hội những lời lẽ mang tính kích động.”

    Ông Trump được thả tự do sau khi nghe cáo trạng, không nhận tội đối với tất cả 34 cáo buộc

    Tạ Linh 

    Theo AP

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/04/anh-chup-man-hinh-2023-04-05-luc-74705-sa-700x366.jpg

    Cựu Tổng thống Trump đã phủ nhận tất cả 34 cáo buộc trong quá trình truy tố tại Tòa án Hình sự Manhattan, New York vào ngày 4/4 theo giờ địa phương. (Ảnh: Newsis/daum). 

    Theo AP, cựu Tổng thống Trump đã phủ nhận tất cả 34 cáo buộc trong quá trình truy tố tại Tòa án Hình sự Manhattan, New York vào ngày 4/4 theo giờ địa phương. Thủ tục này là thủ tục trong đó bị cáo được thông báo lý do truy tố và được hỏi có nhận tội hay không.

    Ông đã cảnh báo rằng ông sẽ phủ nhận các cáo buộc từ trước đó.

    Bản cáo trạng, vốn được giữ kín cho đến nay, đã được công bố tại tòa hôm nay, nhưng chi tiết về các cáo buộc vẫn chưa được tiết lộ.

    Một đại bồi thẩm đoàn ở Manhattan đã đưa ra quyết định truy tố cựu Tổng thống Trump vào ngày 30 tháng trước. Cựu Tổng thống Trump trở thành cựu tổng thống đầu tiên của Mỹ bị buộc tội hình sự.

    Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, Donald Trump, đã chính thức được trả tự do khỏi vụ bắt giữ chính thức vào tối thứ Ba theo giờ địa phương sau khi nghe đọc bản cáo trạng tại Tòa án Hình sự Quận Manhattan ở New York.

    Theo  The New York Times, tất cả các cáo buộc chống lại ông Trump đều là trọng tội loại E, là loại trọng tội thấp nhất ở New York và có hình phạt tối đa lên tới 4 năm tù. 

    Theo luật New York, giả mạo hồ sơ kinh doanh nói chung là một trọng tội. Nhưng các công tố viên có thể tăng cáo buộc nếu họ tin rằng một người đã làm giả hồ sơ kinh doanh để phạm một tội khác hoặc để che giấu việc phạm tội. 

    Sau khi ông Trump được trả tự do và rời khỏi phòng xử án, ông đã không đưa ra tuyên bố nào với giới truyền thông và ngay lập tức lên một chiếc ô tô sẽ đưa ông đến Sân bay trở về nơi ở của mình ở Florida.

    Các lãnh đạo EU thăm Trung Quốc

    Thứ Tư này, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ đến thăm Bắc Kinh. Chuyến thăm của họ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ và các lo ngại về quan hệ nồng thắm của chủ tịch Tập Cận Bình với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Hai nhà lãnh đạo phương Tây muốn thuyết phục Trung Quốc gây áp lực lên ông Putin về chiến tranh Ukraine.

    Tuy vậy, hai người lại phát đi các thông điệp khác nhau. Trong một bài phát biểu gần đây, bà von der Leyen tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc khi cho rằng châu Âu nên “giảm rủi ro” thương mại với nước này và sàng lọc các đề xuất đầu tư vào những ngành công nghiệp Trung Quốc có tiềm năng quân sự, chẳng hạn như AI. Còn ông Macron, người dù cũng cảnh báo châu Âu phải cảnh giác với Trung Quốc, lại mang theo hơn 50 lãnh đạo doanh nghiệp khao khát hợp đồng. Châu Âu phải có chính sách ngoại giao thật khéo léo để quản lý những khác biệt như vậy và tránh không bị Trung Quốc khai thác.

    Bà Thái Anh Văn sẽ gặp chủ tịch Hạ viện Mỹ

    Vào thứ Tư, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ gặp chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy tại Los Angeles. Hai nước không có quan hệ ngoại giao chính thức vì Mỹ công nhận Trung Quốc. Do đó, chuyến đi của bà Thái trên danh nghĩa chỉ là chuyến “quá cảnh” chứ không phải thăm chính thức. Mặc dù bà đã “quá cảnh” qua Mỹ sáu lần trước đó, nhưng hội kiến với ông McCarthy sẽ là cuộc gặp gỡ cấp cao nhất của bà cho tới nay ở Mỹ. Trung Quốc coi đây là việc Mỹ ngầm ủng hộ Đài Loan độc lập.

    Các quan chức Mỹ-Đài quyết tâm duy trì quan hệ trước căng thẳng gia tăng với Trung Quốc. Dù thế họ vẫn nói giảm đi tầm quan trọng của chuyến đi, với lý do chính đáng. Còn nhớ vào năm ngoái, Trung Quốc đã tiến hành tập trận phong tỏa và bắn tên lửa qua Đài Loan khi chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến thăm. Chính phủ Đài Loan rất muốn tránh một cuộc khủng hoảng khác. Nhưng có lẽ là không đủ, khi chính phủ Trung Quốc lớn tiếng đe dọa “các biện pháp đối phó kiên quyết” nếu bà thật sự gặp ông McCarthy.

    UBS đón CEO cũ quay lại

    Vào thứ Tư, Sergio Ermotti sẽ quay về làm CEO của UBS, tập đoàn ngân hàng Thụy Sĩ khổng lồ ông từng lãnh đạo từ năm 2011 đến 2020. Ông quay lại đúng vào một trong những thời điểm thử thách nhất trong lịch sử 161 năm của ngân hàng. Hiện UBS đang trong quá trình tiếp quản Credit Suisse sau khi ngân hàng đối thủ này gần như sụp đổ vì một loạt sai lầm và bê bối. Hôm thứ Ba, chủ tịch Axel Lehmann của Credit Suisse nói với các cổ đông rằng ông “thực sự xin lỗi” đã không khôi phục được niềm tin vào ngân hàng.

    Nhiệm vụ của ông Ermotti không hề đơn giản. Những người phản đối lo ngại việc thành lập một “ngân hàng quái vật” của Thụy Sĩ là không tốt, vì nhà nước có thể sẽ phải bảo lãnh nếu nó thất bại. Ông Ermotti cần có được chấp thuận của cổ đông khi thiết kế một chương trình tái cấu trúc cắt giảm đáng kể nhân sự. Nhưng ông không phải mẫu người ngại khó khăn: ông lên nắm quyền hồi năm 2011 khi UBS vẫn đang chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

    Nintendo bắt tay với Universal làm phim

    Mario nhảy từ màn ảnh nhỏ sang màn ảnh rộng vào thứ Tư khi “Phim Super Mario Bros.” ra rạp. Bộ phim Mario đầu tiên cách đây 30 năm từng bị giới phê bình chỉ trích gay gắt. Nhưng Nintendo đã rút kinh nghiệm: cuộc phiêu lưu hoạt hình mới được thực hiện với sự trợ giúp của Illumination, một hãng phim của Universal Pictures. Illumination từng làm các bản hit như “Minions” hay “Sing.”

    Nintendo và Universal đang hợp tác không chỉ trên phim ảnh. Super Nintendo World, một khu vực theo chủ đề trong công viên Universal Studios ở Osaka, khai trương từ năm 2021. Tháng 2 này Universal Studios ở Hollywood cũng ra mắt một khu vực theo chủ đề Nintendo. Đối với Nintendo, các bộ phim và công viên giúp làm sâu sắc thêm tình yêu của người hâm mộ đối với Mario và các thương hiệu game của họ. Còn đối với Universal, Nintendo mang lại cho họ một nguồn tài sản trí tuệ mới, nhất là khi khán giả phàn nàn về việc hãng liên tục làm đi làm lại các tựa phim cũ ( “Fast and Furious” phần 10 của Universal ra rạp vào tháng tới). Sẽ còn nhiều trò chơi hơn nữa được ra rạp.

    Úc cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/04/tiktok-1.jpg

    Chính phủ Úc hôm thứ Ba (4/4) thông báo, họ sẽ xóa TikTok khỏi tất cả các thiết bị do chính phủ liên bang sở hữu, theo sau nhiều quốc gia khác ở phương Tây cấm ứng dụng video do Trung Quốc sở hữu này vì lo ngại về bảo mật.

    Lệnh cấm nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng gia tăng về việc chính quyền Trung Quốc có thể sử dụng ứng dụng của ByteDance, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh, để thu thập dữ liệu người dùng. Dữ liệu này có thể liên quan đến chính trị, làm suy yếu lợi ích an ninh quốc gia của phương Tây.

    Bộ trưởng Tư pháp Úc Mark Dreyfus nhấn mạnh trong một tuyên bố, lệnh cấm sẽ có hiệu lực “sớm nhất có thể”. Ông cho biết thêm, việc miễn trừ sẽ chỉ được áp dụng đối với những trường hợp cá biệt nhưng cũng sẽ áp dụng biện pháp an ninh thích hợp.

    Như vậy, Úc là quốc gia cuối cùng trong Liên minh Ngũ Nhãn – bao gồm Úc, Canada, Mỹ, Anh và New Zealand, cấm ứng dụng TikTok trên các thiết bị chính phủ. Trước đó, Pháp, Bỉ và Ủy ban châu Âu cũng công bố lệnh cấm tương tự.

    Cuối ngày thứ Hai (3/4), tờ báo Úc The Age đưa tin Thủ tướng Anthony Albanese đã đồng ý với lệnh cấm sử dụng TikTok trên toàn chính phủ sau khi Bộ Nội vụ hoàn thành đánh giá.

    Hiện TikTok và văn phòng thủ tướng chưa trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận từ báo giới.

    Bang Victoria cũng sẽ cấm ứng dụng video trên điện thoại của chính phủ, tờ The Age đưa tin, trích lời một quan chức chính phủ bang.

    The Age còn dẫn lời một quan chức cho hay, bang Victoria cũng sẽ cấm ứng dụng TikTok trên điện thoại chính quyền bang.

    Tổng giám đốc Tiktok Úc Lee Hunter bày tỏ, công ty rất thất vọng khi biết lệnh cấm thông qua các phương tiện truyền thông, dù “đã nhiều lần đề nghị tham vấn mang tính xây dựng với chính phủ về chính sách này”.

    Ông nói: “Chúng tôi nhấn mạnh rằng không có bằng chứng nào cho thấy TikTok là một rủi ro bảo mật đối với người Úc theo bất kỳ cách nào. TikTok không nên bị phân biệt đối xử với các nền tảng truyền thông xã hội khác.”

    Minh Ngọc (Theo Reuters)


    Không có nhận xét nào