Header Ads

  • Breaking News

    Đấu tố và Cải cách ruộng đất – hồ sơ của một nhân chứng . Phần 1

    Hoàng Tuấn Phổ /SGN

    LTS: Tác giả Hoàng Tuấn Phổ (1934-2021) là nhà nghiên cứu với các tác phẩm và công trình nghiên cứu “Núi rồng sông Mã”, “Chúa Trịnh”, “Thanh Hóa nghìn xưa lưu dấu”, “Vua Lê Đại Hành”, “Bà chúa Liễu”… Ông là nhân chứng của một giai đoạn miền Bắc sống trong không khí nghẹt thở với những cuộc đấu tố và cải cách ruộng đất kinh hoàng. Trong suốt nhiều thập niên, ông và gia đình bị quy chụp là thành phần phản động, “ba đời chống đảng”, và bị trù dập tàn bạo. 

    Hồ sơ này là một phần trích từ hồi ký chưa xuất bản thành sách của ông, được đăng tải với sự đồng ý của gia đình…

    ___________

    Năm 1953, đói vừa,

    Năm 1954, đói lắm!

    Cánh đồng Phần Tiền bên cạnh làng tôi có lịch sử 600 năm, do cụ tổ thứ hai của làng khai phá, khi Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật được vua cha là Trần Thái Tông phân phong Thanh Hoá làm thái ấp, và vùng này – hương Ngọc Sơn – là điền trang. Chưa bao giờ như vài năm nay, đồng Phần Tiền đất bùn khô nẻ toác, sâu hoắm, đút lọt bàn chân. Thử đào một hòn lên, to bằng cối đá giã gạo, thấy chú cá rô đã khô cứng trong bùn đất từ bao giờ. Người ta thả vào chậu nước để xem còn ăn thịt được không. Thật kỳ lạ! Chú cá rô khe khẽ động đậy thân mình, mấy bọt tăm từ miệng phun lên, rồi đôi vây phe phẩy, cái đuôi ve vẩy như vẫy chào sự sống!

    Trong khi ấy, trên bờ ruộng Phần Tiền, những cái lá rau má tròn tựa đồng tiền đã hết trụi sạch trơn từ đời nào! Nghe các cụ nói Phần Tiền là mả chôn tiền từ thời “loạn Văn Thân” (1885). Vì sợ Tây đốt phá, cướp của, giết người nên nhà giàu đem tiền ra đây cất giấu. Chẳng ai nghĩ chuyện đào những cồn, những mả ấy lên để tìm tiền, vì Nhà nước đã cho dùng bạc giấy được đến dăm năm rồi!

    Nguyên nhân đồng Phần Tiền bị khô hạn, “cổ lai” chưa từng thấy, vì giặc Pháp ném bom phá đập Bái Thượng (Thọ Xuân) – một con đập quy mô đầu tiên ở Trung Kỳ do chính người Pháp xây dựng từ 1920 để khai thác đồn điền – khiến cả hệ thống nông giang tưới nước bị tê liệt! Lại thêm nỗi ông trời bỗng dở hơi trái chứng, cứ một niềm nắng mãi, nắng hoài, cóc kêu, lợn hộc khan cổ họng cũng chẳng thấy một giọt mưa! Hoá ra ông Trời cũng “làm phản động” mất rồi! Trị bọn phản động đã có cuộc đấu tranh chính trị long trời lở đất, “bắt nhầm hơn bỏ sót”! Còn để trị ông Trời, người ta chưa nghĩ ra cách đấu tranh thế nào.

    Gia đình tôi chỉ còn ba người: Bố, mẹ và tôi (anh Nậu đã ở riêng). Tôi thôi học từ cuối năm 1951. Bố tôi mới ra tù sau Hiệp định đình chiến Geneve. Mẹ tôi chỉ quen với sào ruộng thước nương, bây giờ chẳng biết làm gì, rau không còn để hái, củ chuối không có để đào! Chính phủ phát gạo cứu tế cho nhân dân Thanh Hoá, cả làng đều được chia phần, riêng gia đình tôi là phú nông phản động thì gạch tên!

    Chúng tôi nhìn những hạt gạo trắng ngần trong thúng mủng của dân làng, kẻ khiêng người gánh, mà ứa trào nước mắt! Mẹ tôi, không biết mua ở đâu được hai bò cám thô, chia đôi nấu hai bữa. Không phải cám thô thật mà trộn đến một phần ba trấu cành (tức trấu giã nát)! Thứ cám “xưa nay hiếm” này, cho lợn, lợn đủn máng sùng sục; cho chó, chó ngoảnh mõm quay đi; cho gà, gà xoạc cẳng bới tung toé; chỉ có cho người, loại người phản động như gia đình tôi, “ăn cám vào mồm hay sao mà chỉ điểm cho tàu bay giặc Pháp ném bom phá hoại Bara Bàn Thạch để giết dân hại nước!” Người ta chửi rủa chúng tôi kể cũng đáng! Ai bảo bố tôi, chú tôi thời Tây học tiếng Tây, để bây giờ biết tiếng Tây, viết thư cho Tây, đề nghị Tây phá đập nước Bái Thượng?

    Bố tôi thế mà cũng nuốt trôi những hai nắm cám. Có lẽ nhờ thời gian ở trong tù, ông được rèn luyện, cải tạo! Mẹ tôi cứ từ từ, nhỏ nhẹ, nhai dần dần, rồi giướng cổ lên mà nuốt. Còn tôi, bụng đang đói veo đói vắt, xơi ngay một miếng to, nuốt đánh ực, mắc ngay ở cổ họng. Nuốt không vào, nôn cũng khó ra. Tiếng nôn oẹ khiến bên hàng xóm giật mình, tưởng có ai bị đau ốm, nhưng không ai dám bận tâm. Mình là phú nông phản động, ra đường phải cúi mặt chào quần chúng từ đứa trẻ trở lên. Không ai thèm chào hỏi lại mình, đến cái gật đầu cũng không. Đó là lập trường quan điểm cách mạng.

    Nếu quần chúng cơ bản trung, bần, cố nông chào hỏi, chuyện trò với thành phần bóc lột lớp trên, là mất quan điểm lập trường, sẽ bị đưa ra kiểm thảo trong cuộc họp. Huống hồ gia đình chúng tôi là “phú nông phản động”! Phú nông chỉ có tội bóc lột, cho vay nặng lãi. Phản động tội to hơn gấp bội, ngang tội địa chủ cường hào, gian ác, có nợ máu với nhân dân. Nếu phú nông cường hào, gian ác, có nợ máu, phải đưa lên thành phần địa chủ để xử tội, nhẹ thì tù, nặng thì bắn! Cái tư tưởng từ Tàu truyền bá sang ta. Việt Nam đã trải qua ngàn năm đấu tranh chống Trung Quốc để thoát vòng nô lệ, đến nay lại mất cảnh giác. Một số cán bộ chức quyền “rước voi giày mồ” từ Giảm tô đến Cải cách, khiến Đảng phải “sửa sai”!

    Gia đình tôi giàu có cỡ nào mà thành phần phú nông? Chưa được ba mẫu ruộng, một con bò, ngôi nhà trên ba gian cột gỗ, mái kè, đằng sau phên nứa, đằng trước cửa bướm, “hương án giữ mặt tiền”! Gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên bốn đời, gian bên kê giường khách, bàn học của chú tôi, và giường ngủ của ông nội tôi. Lại nối ra hai chái, chái Nam thờ Phật và các Thánh sư của đạo phù thuỷ (đạo Ngoại), chái Bắc là buồng ngủ của bà nội tôi, kê bồ thóc, các loại chum, vại đựng khoai,… Nối vào chái Bắc là ba gian nhà dưới (nhà ngang) gồm một gian chuồng bò, hai gian của bố mẹ tôi và tôi. Từ lúc lọt lòng đến năm 12 tuổi, tôi đều ngủ chung với mẹ, vì tôi là con hiếm, ngoài tôi, không có anh chị em nào cả.

    Cụ Tổ họ Hoàng tôi, vốn quê tỉnh Hưng Yên. Năm 13 tuổi, cụ mồ côi cha mẹ, không có chỗ nương tựa, phải ở nhờ người cô ruột (họ Hoàng) lấy ông Bùi Quảng, làm quản tượng trong đội Tượng binh nhà Tây Sơn, đóng ở phủ Hiến Nam (nay là thành phố Hưng Yên). Cụ Tổ ở với cô được hai năm, lệnh triều đình nhà Tây Sơn điều đội Tượng binh vào Thuận Hoá để bảo vệ kinh thành Phú Xuân. Không thể mang theo cụ Tổ tôi, bà cô gửi lại con trai là Bùi Nam làm thủ kho Trấn thành tỉnh Thanh Hoá.

    Thời gian sau, nhà Tây Sơn bị chúa Nguyễn Ánh đánh bại, vua Quang Toản, Tổng trấn Bắc thành Quang Thuỳ, Tổng trấn Thanh Hoá Quang Bàn đều bị bắt giết. Thủ kho Bùi Nam khiếp sợ trốn chạy về làng Văn Đoài, xã Văn Trinh, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá). Nhờ tiền của đút lót lý hương, gia đình ông Bùi Nam được giúp đỡ cho cư trú, nhưng phải đổi họ. Bấy giờ, họ Lê Văn chiếm số đông nhất làng.

    Cụ Tổ tôi sinh hạ năm con trai, tất cả đều làm con ăn đứa ở nhà ông trưởng họ Lê, tất cả đều lập gia đình riêng trong cảnh tôi tớ bần hàn. Do bị đói khát, ốm đau, bệnh tật, năm người con chết hai còn ba. “Của đau con xót”, cụ Tổ tôi buồn thêm cảnh ngụ cư, bị cả làng khinh bỉ, 60 tuổi vẫn phải đầu đội vai vác việc quan, việc làng, ai cũng gọi mình là “thằng”. Cứ một “thằng ngụ cư” hai “thằng ngụ cư”, mặc dù mình có tên có họ hẳn hoi! Cụ Tổ nghĩ cách tìm cho con cái một nghề, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Con Cả, cụ cho hầu ông phó mộc; thứ Hai cho theo ông phó may; thứ Ba cho ở với bác thợ sơn.

    Riêng người con Cả được cụ Tổ tôi đặc biệt ưu tiên cho học chữ Nho với thầy đồ trong làng, dẫu đã cao lớn sừng sững mới bắt đầu ê a Tam Tự Kinh. Nhờ thời gian xách cưa đục hầu điếu đóm ông phó mộc, chú “phó nhỏ” con trai đầu cụ Tổ tôi, bản tính thông minh chăm chỉ, cũng đã học mót thêm được chút ít ở ông Phó cả già vui tính, có cái “sách” gọi là “Tứ tự kinh giắt lưng”. Ông thường ngâm nga: “Xuống sác mò cua-chữ nhi là mà, Trèo lên mái nhà-là con ve vecon ve kêu gia ấy mà!”.

    Gia đình tôi bị quy thành phần phú nông với một mẫu năm sào ruộng, trong đó mất hai sào Cồn Hỏng bên rìa đồng Bèo, bông lúa xấu như bông may (cỏ may)! Ruộng này thuộc loại chân chua. Nhìn gốc lúa đám nào cũng vàng khè, nước đóng màu gạch cua, đủ biết nó bị chua phèn nặng. Mẹ tôi đi tìm mua mãi mới được mấy chục cân vôi, ném tung ra ruộng. Thế mà chất chua cũng đỡ ít nhiều, chỉ có cỏ cứt nhán (gián) chết sắp lượt. Cần nhiều vôi hơn nữa nhưng lò vôi trên Nhồi không dám đốt lò, vì sợ tàu bay Pháp bắn đạn “rốc kết”, hoặc ném bom. Ngày nào cũng thấy “bà già” của nó bay ù ù trên đầu, không thám thính thì làm gì?

    Nói ruộng nhiều, nhưng thu hoạch kém, phải chắt chiu lắm mới tạm đủ ăn, sao gọi là giàu được? Ừ, mình không “phú” nhưng chính quyền bảo mình “phú” là mong điều tốt lành cho mình cũng chẳng sao. Nào ngờ sau cái việc “nâng lên thành phần phú nông”, là cái vụ “đánh thuế nông nghiệp theo khả năng”, rồi đến cuộc “Đấu tranh chính trị” trời sầu đất thảm!

    “Đánh thuế theo khả năng” là thế nào? Những nhà có ruộng, ai cũng nghĩ tùy theo khả năng, mà mình có nhiều đóng nhiều, có ít đóng ít. Nhưng bất ngờ như bị một búa ông thiên lôi giáng xuống giữa đình đầu: Trong nhà tôi chỉ còn ba tạ thóc mà mức thuế phải đóng “Mười lăm tạ!”. Một con số giết người, ghê gớm, kinh khủng! Không thấy nhân dân được họp hành gì. Mức thuế từ trên trời giáng xuống này căn cứ vào đâu gọi là “khả năng”?

    Thì ra chỉ do Lê Quang Lời, Lê Quang Cán lúc bấy giờ làm cán bộ xã thôn, nắm quyền sinh sát “dựng lên” “bộ thuế” theo ý muốn riêng mình! Gia đình tôi biết kêu ai, kêu ai, ai biết mà kêu? Đành cúi đầu nhận bản án chết đói! Trong lúc ấy, bố tôi làm gì? Ông chỉ biết nhìn vào hai bồ thuốc, kiếm đủ mỗi ngày hai cút rượu, mượn “tửu binh giải phá thành sầu”! Nửa đêm tỉnh dậy, ông hát vang nhà! Bố tôi có giọng hát rất hay, cũng yêu thơ ca. Tính ông thích giao du, khi xuống Cầu Nhân giải thơ tiên do ông tiên Xa Thư giáng bút, lúc lên phủ Thanh Lâm (Thanh Hoá) làm cung văn. Đêm khuya thanh vắng trong cảnh nhà khốn khổ, nghe tiếng hát chầu văn của người chồng, người cha bất lực, lại cảm thấy đời mình còn le lói hy vọng:

    “Gió thổi rung cây

    Trên đồi ngàn gió thổi rung cây

    Dưới khe con cá lặn, đàn chim bay về ngàn

    Chim bay về đến đền Hàn,

    Sòng Sơn, Phố Cát lại sang Phủ Giầy…”

    Mẹ tôi dốc ngược đít bồ, vét nhẵn như chùi cả chum lẫn vại. Con bò để đi cày, đi bừa cũng phải bán, nộp tiền thay thóc, theo quy định của hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu hay Diêm vương ở làng tôi. Tiếp đến là những đồ đạc: Mâm, nồi, giường, tủ,… đều phải đội nón ra đi để cứu giúp chủ nhà! Cuối cùng vẫn bị thiếu năm tạ thóc!

    Có “trát quan” đòi! Mẹ tôi đến nhà ông Lê Quang Cán, gặp cả ông Lê Quang Lời đang ở đó, tay lăm lăm cái bút như đang cầm con dao nhọn, xem lại những con số thuế của các gia đình. Mẹ tôi ngồi bệt xuống đất, chắp tay vái lấy vái để rồi bật lên khóc nức nở… Bà mẹ Quang Cán ở dưới bếp nghe tiếng khóc, chạy lên mắng: “Nhà mợ định ăn vạ ở nhà tôi chắc?” Quang Cán liền bảo mẹ: “Thôi, việc của cách mạng, bà biết chi mà bàn vô?” (Mẹ Cán có anh em xa với nhà tôi, nên gọi mẹ tôi là mợ, và chính Cán cũng là “con bán khoán” ở Tĩnh thờ nhà tôi).

    Trong khi mẹ Cán trở xuống bếp, Quang Lời nói: “Cách mạng khoan hồng tạm tha cho nhà chị. Chúng tôi đáng lý phải gõ vô đầu chồng nhà chị…”. Mẹ tôi gạt nước mắt, khom lưng cúi gục đầu lạy chào hai ông ra về, bên tai như còn vẳng nghe mấy tiếng “khoan hồng tạm tha”! Muôn vàn đội ơn hai vị “quan làng”! Mẹ tôi tấm tức kể lại chuyện xin giảm bớt thuế, rồi vội vàng cắp mủng chạy về bên ngoại…

    CÒN TIẾP

    https://saigonnhonews.com


    Không có nhận xét nào