Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ năm 18 tháng 5 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Mỹ gia hạn điều tra việc gỗ dán, pin mặt trời từ Việt Nam né thuế phòng vệ thương mại 

    17/5/2023 

    VOA Tiếng Việt 



    Pin mặt trời và gỗ dán là hai mặt hàng đang bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra về hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. 

    Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa thông báo gia hạn hoạt động điều tra về hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của một số hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, truyền thông Việt Nam dẫn thông tin từ Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết hôm 17/5.

    Đây là lần thứ 7 Bộ Thương mại Hoa Kỳ lùi thời gian công bố kết luận cuối cùng của cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt nam, theo Bộ Công Thương Việt Nam.

    Trong thông báo mới nhất, DOC cho biết sẽ gia hạn ngày ban hành kết luận cuối cùng của cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam là vào ngày 26/5/2023, và đối với sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam là vào ngày 17/8/2023.

    “Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng liên quan tiếp tục cập nhật diễn biến các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại; thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc”, cơ quan thuộc Bộ Công Thương Việt Nam đưa ra khuyến cáo.

    Trước đó, vào ngày 25/7/2022, DOC đã công bố kết luận sơ bộ của cuộc điều tra và nói rằng gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc, còn nếu dùng nguyên liệu tại Việt Nam hoặc các nước khác, sẽ không bị áp các loại thuế này.

    Về sản phẩm pin năng lượng mặt trời, DOC hôm 28/3/2022 đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, Campuchia, Malaysia và Thái lan, theo cáo buộc rằng một số nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn của Trung Quốc đang cố gắng trốn tránh thuế quan của Mỹ đối với các sản phẩm của họ bằng cách hoàn thiện chúng ở các quốc gia Đông Nam Á.

    Hiện các sản phẩm của Trung Quốc bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá từ 15,85% đến 238,95% và thuế chống trợ cấp từ 11,97% đến 15,24%.

    Vào ngày 6/6/2022, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến sự thiếu hụt nguồn cung pin đơn lẻ và mô-đun pin năng lượng mặt trời trong nước để phục vụ sản xuất điện mặt trời, nên đã yêu cầu DOC xem xét có hành động phù hợp cho phép miễn thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và thuế chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp (nếu có) đối với các sản phẩm nhập khẩu từ 4 quốc gia trên với thời hạn là 24 tháng kể từ ngày tuyên bố, hoặc đến khi tình trạng khẩn cấp được bãi bỏ, tùy theo thời điểm nào đến trước, vẫn theo Bộ Công thương Việt Nam.

    Trong một diễn biến mới nhất, hôm 16/5, Tổng thống Joe Biden cho biết ông đã phủ quyết một đạo luật được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua nhằm bãi bỏ các miễn trừ đối với thuế quan của Mỹ đối với sản phẩm tấm pin mặt trời nhập khẩu từ 4 quốc gia Đông Nam Á, Khmer Times đưa tin.

    Ông Biden nói rằng việc miễn thuế sẽ tạo ra một “cầu nối” trong khi hoạt động sản xuất của Hoa Kỳ tăng cường đủ để cung cấp cho các dự án trong nước cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

    Các nhóm thương mại năng lượng sạch hàng đầu, với các thành viên dựa vào hàng nhập khẩu giá rẻ để giữ chi phí thấp, đã ủng hộ việc miễn áp dụng thuế và ca ngợi hành động phủ quyết của ông Biden.

    Tuy nhiên, Dân biểu Dan Kildee, một đảng viên Dân chủ, nói rằng ông thất vọng về việc phủ quyết.

    “Người lao động và doanh nghiệp của chúng ta sẽ không bao giờ có thể cạnh tranh trên toàn cầu, trừ khi chúng ta buộc những kẻ vi phạm luật thương mại của Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm”, Khmer Times dẫn lời Dân biểu Kildee nói trong một tuyên bố.

    Để bác bỏ hành động phủ quyết của ông Biden, Quốc hội Hoa Kỳ cần phải đạt được thế đa số là 2/3 lượng phiếu cần thiết ở Hạ viện và Thượng viện.

    Nhà máy Nghi Sơn trước nguy cơ dừng sản xuất vì bế tắc trong giải quyết nợ vay

    RFA
    17/5/2023


    https://www.rfa.org/vietnamese/news/nsrp-shutdown-loan-stalled-05172023094035.html/@@images/image


    Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngNSRP 

    Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (NSRP) lớn nhất Việt Nam đối mặt với nguy cơ phải dừng sản xuất khi không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc tài chính cho thời hạn tháng 11 tới đây.

    Mạng báo Nikkei Asia loan tin ngày 17/5 dẫn phát biểu của Tổng Giám đốc người Nhật Hasegawa So rằng NSRP cần thêm hỗ trợ về tài chính của hai chính phủ Nhật Bản và Việt Nam.

    Cứ vào mỗi tháng 5 và tháng 11, NSRP phải thanh toán nợ vay. Khoản  thanh toán 375 triệu USD cho tháng 5 này đã có; tuy nhiên đến tháng 11, Nhà máy phải thanh toán 277 triệu USD mà khoản này đang gặp khó khăn.

    Hiện NSRP và các ngân hàng cho vay đang đàm phán kế hoạch tái cấu trúc nợ. Phía cho vay đề nghị gia hạn thêm hơn ba năm cho thời gian thanh toán khoản vay chừng 2 tỷ USD.

    Đối với đề nghị này cả bốn nhà đầu tư vào liên doanh phải đồng thuận với kế hoạch; tuy vậy hiện PetroVietnam chưa đồng ý với lý do cần có sự chuẩn thuận của cấp cao hơn là Bộ Công thương Chính phủ Hà Nội.

    Tin cho hay, các nhà đầu tư nước ngoài trong dự án liên doanh 9 tỷ USD này gồm Idemitsu Kosan, Kuwait Petroleum Europe, Mitsui Chemical đã có thư đề nghị Chính phủ Việt Nam chuẩn thuận kế hoạch vừa nêu. Hà Nội dường như hiểu rõ phía đối tác Nhật Bản không thể để cho nhà máy phải đóng cửa vì những hệ quả ngoại giao và kinh tế của biện pháp này.

    Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn bắt đầu hoạt động vào năm 2018 với công suất thiết kế lọc 200 ngàn thùng dầu thô mỗi ngày. Tuy nhiên Nhà máy đã hoạt động chừng 10% cao hơn công suất đó; và cung cứng cho thị trường trong nước từ 30-40% lượng xăng dầu tiêu thụ. Nếu Nhà máy ngưng sản xuất sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng mặt hàng này ở Việt Nam.

    Thống kê cho thấy trong bốn tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã nhập 3,26 triệu tấn xăng dầu, trị giá 2,77 tỷ USD.

    Chính phủ Việt Nam bị tố "dối trá" khi bác bỏ các cáo buộc của LHQ về đàn áp người Khmer Krom

    RFA
    17/5/2023


    Chính phủ Việt Nam bị tố "dối trá" khi bác bỏ các cáo buộc của LHQ về đàn áp người Khmer Krom


    Yoeung Kaiy- một người Khmer Krom và bản in Tuyên ngôn của LHQ về quyền của người bản địa 

    Facebook Yoeung Kaiy 

    Chính phủ Việt Nam bác bỏ toàn bộ các cáo buộc đàn áp người Khmer Krom trong văn thư phản hồi Cơ chế nhân quyền đặc biệt của Liên Hiệp quốc (LHQ), tuy nhiên người hoạt động nhân quyền nói rằng nội dung của thư không phản ánh đúng sự thực.

    Gần đây, Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ đã công bố văn bản mang số hiệu No. 75/VNM.23 đề ngày 10/5/2023 của Phái đoàn Ngoại giao của Việt Nam tại Văn phòng LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các cơ quan quốc tế khác tại Geneva (Thuỵ Sĩ). Văn bản này phản hồi chất vấn của 7 báo cáo viên đặc biệt thuộc cơ chế nhân quyền LHQ về cáo buộc đàn áp người Khmer Krom. 

    Việt Nam nói không sử dụng khái niệm “dân tộc bản địa”

    Chính phủ Việt Nam nói đã ký Tuyên bố của Liên Hiệp quốc về quyền của người bản địa (UNDRIP) năm 2008 vì tinh thần quốc tế về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nói chung nhưng cho rằng khái niệm “dân tộc bản địa” không phù hợp với đặc điểm, lịch sử hình thành và phát triển của các dân tộc ở Việt Nam.

    Chính phủ cho rằng, ở Việt Nam không có khái niệm về người bản địa mà chỉ có “người dân tộc thiểu số” và không có hàm ý phân biệt chủng tộc.

    Ngày 17/5, ông Trần Mannrinh, một thành viên của Liên minh Khmer Krom (KKF), nhóm tranh đấu cho quyền của người bản địa Khmer Krom, hiện đang ở tiểu bang Pennsylvania (Hoa Kỳ) nói qua điện thoại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:

    Việt Nam tìm cách quanh co chối quẩn, nếu Việt Nam không biết thế nào là ‘dân bản địa’ mà ký vào bản Tuyên ngôn của LHQ có tầm quan trọng quốc tế mà không biết ý nghĩa thế nào mà đặt bút ký là thế nào?”

    Hợp tác hoá để lấy đất của người bản địa Khmer Krom

    Trong giác thư số hiệu Ref.: AL VNM 5/2022 của bảy báo cáo viên thuộc cơ chế nhân quyền LHQ, Việt Nam bị cáo buộc thực hiện chính sách hợp tác hoá sau năm 1975 để lấy đất đai của người Khmer. Chính phủ Việt Nam bác bỏ cáo buộc này, viện lý do rằng đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước thống nhất quản lý theo Hiến pháp 2013.

    Hà Nội nói vùng đất của người Khmer cũng như các dân tộc khác luôn thuộc quyền sở hữu của các dân tộc nói riêng và người Việt Nam nói chung.

    Ông Trần Mannrinh, người định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1985, cho biết sau năm 1975, chính quyền tỉnh Sóc Trăng thực hiện chính sách hợp tác hoá, buộc người dân Khmer đưa đất đóng góp cho hợp tác xã rồi cùng làm để hưởng công điểm. Sau một thời gian không hiệu quả, họ giải tán hợp tác xã và đem ruộng đất ra chia đều cho người dân trong địa phương.

    Ông nói về việc này ở xã Lai Hoà, huyện Vĩnh Châu (nay là thị xã Vĩnh Châu), tỉnh Sóc Trăng, nơi ông cư trú trước khi sang định cư tại Hoa Kỳ:

    Xã Lai Hoà 75% là người dân tộc Khmer. Đất đai đa phần là của người Khmer. Khi mà họ bãi bỏ hợp tác xã, họ chia lại đất đồng đều cho tất cả mọi người. Lúc đó người Khmer ở sát người Việt (Kinh- PV) thì bị mất đất vì phải chia đồng đều cho người ta.”

    Ông còn nói ở địa phương có trường học thuộc chùa Khmer, sau này khi nhà nước quản lý các trường này, thì “đất trường học thành ra đất của nhà nước.”

    Ông còn cho biết thêm thời điểm xảy ra Chiến tranh biên giới Tây Nam với Khmer đỏ, chính quyền Việt Nam buộc người Khmer sống ở Châu Đốc gần biên giới với Campuchia phải đi các tỉnh khác. Sau khi Khmer đỏ bị sụp đổ, họ được trở về nhà nhưng phần lớn đất đai và tài sản đã bị người khác chiếm mất.

    Việc sách nhiễu, đàn áp người hoạt động

    Trong giác thư gửi Hà Nội vào tháng 5/2022, các báo cáo viên LHQ nêu quan ngại về một số vi phạm điển hình đối với thành viên trong cộng đồng Khmer Krom, trong đó có các trường hợp công an thẩm vấn hoặc đánh đập các ông Dương Khải, Danh Sết, Tăng Thủy, và Thạch Rine trong trong các năm 2021-2022 vì các hoạt động nhân quyền liên quan đến quyền của người Khmer Krom, bao gồm cả quyền tự quyết của họ.

    Trong thư phản hồi, Việt Nam nói rằng Dương Khải, Danh Sết, và Tăng Thủy là ba cá nhân từng có nhiều hoạt động phức tạp về an ninh trật tự tại địa phương.

    Những cá nhân này bị cho là có nhiều mối quan hệ với các "phần tử cực đoan các tổ chức chống phá Việt Nam," thường xuyên kích động hận thù dân tộc, đòi ly khai, tự chủ, chia cắt lãnh thổ Việt Nam.

    Chính phủ nói các cá nhân trên lan truyền thông tin sai lệch và gây hiểu lầm về chính sách của chính quyền địa phương và pháp luật, vu khống chính quyền đàn áp người Khmer, kích động người Khmer, gây ra sự đe dọa đến chủ quyền của Việt Nam, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

    Hà Nội nói vì các vi phạm trên, chính quyền địa phương đã mời họ đến trụ sở địa phương để cung cấp thông tin, xác minh làm rõ sự việc và đồng thời nhắc nhở các cá nhân không tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

    Tuy nhiên, ông Trần Mannrinh nói rằng họ bị cưỡng bức lên đồn công an: ông Tăng Thủy bị đánh và dí súng, còn ông Danh Sết cũng bị đánh và ép cung vì hành vi in Tuyên ngôn LHQ về người bản địa (UNDRIP) ra thành sách và định phân phát cho đồng bào.

    Ông Thạch Rine bị bắt vào tháng 10/2021 với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự vì đăng tải hình ảnh bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Facebook cá nhân.

    Tháng 01/2022, ông Thạch Rine bị tuyên sáu tháng tù giam và hết án vào tháng 4 cùng năm.

    Ông Trần Mannrinh nhận định rằng, đây là một cái bẫy để trả thù việc ông Thạch Rine là người đầu tiên đọc bản Tuyên ngôn của LHQ về quyền của người bản địa bằng tiếng Khmer trên Facebook. Ông nói thêm rằng ông Thạch Rine không có khả năng vẽ hình xúc phạm ông Hồ, và cũng đặt dấu hỏi tại sao công an Việt Nam không điều tra rốt ráo về tác giả của nó.

    Phía Việt Nam nói rằng việc bắt giữ và kết tội ông Thạch Rine theo đúng trình tự pháp luật Việt Nam trong khi phía LHQ có thông tin cáo buộc bắt giữ tuỳ tiện và xét xử không công bằng, kể cả việc ông không được quyền tiếp cận luật sư từ khi bị bắt đến khi được trở về nhà.

    Các quyền bị vi phạm khác

    Trong phản hồi của mình, Hà Nội cũng biện hộ về việc bảo đảm các quyền giáo dục và dạy chữ Khmer cũng như quyền tự do tôn giáo cho cộng đồng người Khmer Krom ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

    Ông Trần Mannrinh cho biết việc dạy tiếng Khmer hạn chế ở các trường dân tộc nội trú với chỉ 2-3 tiết/tuần và giáo viên không khuyến khích trẻ em người Khmer học tiếng mẹ đẻ mà khuyên học tiếng Việt, dẫn tới việc nhiều trẻ em không thạo tiếng nói của dân tộc mình.

    Việt Nam cấm sử dụng sách dạy tiếng Khmer in từ Campuchia trong khi các sách giáo khoa về tiếng Khmer có nhiều sai sót về chính tả và nội dung, vì được viết bởi người Kinh, ông nói.

    Tuy vậy, trong một bài báo năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông nói rằng nhà giáo nhân dân Lâm Es, người Khmer, là tác giả của các bộ sách giáo khoa bằng tiếng Khmer và từ năm học 2005-2006, bộ sách mới chữ Khmer của ông dành cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số được chính thức đưa vào giảng dạy. 

    Đại diện của KKF cho biết, người Khmer không được thành lập tổ chức Phật giáo của riêng mình mà các chùa Khmer theo phái Nam Tông bị đặt dưới sự chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức thành viên theo phái Bắc Tông của Mặt trận Tổ quốc. Người Khmer không có quyền bổ nhiệm các vị sư chủ trì, thậm chí người giúp việc của các chùa Khmer.

    Ông cũng nói KKF không phải là tổ chức chống phá Nhà nước Việt Nam như Hà Nội khẳng định, mà chỉ có mục tiêu đòi quyền cơ bản cho người Khmer Krom ở Việt Nam.

    Hãng xe điện BYD của Trung Quốc xác nhận kế hoạch tiếp tục mở rộng tại Việt Nam

    RFA
    17/5/2023


    Hãng xe điện BYD của Trung Quốc xác nhận kế hoạch tiếp tục mở rộng tại Việt Nam


    BYD muốn đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam (HMH) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngTNO 

    Hãng BYD của Trung Quốc xác nhận kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam. 

    Mạng báo Yicai Global loan tin ngày 17/5 cho biết BYD Electronics đã xây dựng một nhà máy tại Khu Công nghiệp Phú Hồ, tỉnh Phú Thọ với công suất hằng năm sản xuất trên 4,3 triệu máy tính bảng và 50 triệu kính quang học.

    Vào ngày 8/5 vừa qua, Reuters dẫn thông tin từ cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Việt  Nam Trần Hồng Hà và Chủ tịch kiêm Sáng lập viên hãng xe điện BYD vào tuần trước  đó ở Hà Nội.

    Cụ thể tại cuộc gặp, Chủ tịch Wang Chuanfu (Vương Truyền Phúc) của BYD bày tỏ mong muốn được Chính phủ Hà Nội hỗ trợ cho kế hoạch sản xuất và lắp ráp xe điện của hãng tại Việt Nam.

    Yicai Global dẫn nguồn thạo tin về công nghiệp xe điện rằng BYD đang tìm cách cạnh tranh với Toyota tại thị trường Việt Nam. Và đây sẽ là nơi sản xuất xe điện BYD thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan.

    Hôm 13/1/2023, Reuters đã loan tin độc quyền về kế hoạch của BYD xây dựng một nhà máy sản xuất linh kiện xe ô tô tại Việt Nam. Một trong ba nguồn tin cho Reuters biết về kế hoạch này nêu rõ nhà máy dự kiến sẽ được đặt tại miền Bắc Việt Nam với khoản đầu tư trên 250 triệu đô la Mỹ. Việc thương thảo về địa điểm nhà máy đang được tiến hành; tuy vậy, các nguồn tin cũng cho biết thêm công tác xây dựng nhà máy có thể triển khai vào giữa năm nay.

    Hãng BYD Auto có trụ sở chính tại Tây An, Trung Quốc cũng đang mở rộng sản xuất sang các nước khác gồm Singapore, Nhật Bản và Châu Âu. Hãng cũng kiểm soát đa phần dây chuyền cung ứng như Tesla đang thực hiện, trong đó có sản xuất pin cho xe.

    Thống kê cho thấy trong năm 2022, BYD bán được 1,86 triệu xe điện cho cả thị trường Hoa Lục và xuất khẩu. Con số này bằng tổng số mà BYD bán được trong vòng bốn năm trước đó.

    Nhiều doanh nghiệp tiếp tục ‘chờ thời’ vì chiến dịch ‘đốt lò’ 

    18/5/2023 

    Nguyễn Lại 

    Ảnh tư liệu - Kinh tế ảm đạm, doanh nghiệp co hẹp sản xuất khiến đời sống người lao động ngày càng khó khăn


    Ảnh tư liệu - Kinh tế ảm đạm, doanh nghiệp co hẹp sản xuất khiến đời sống người lao động ngày càng khó khăn 

    Bức tranh ‘giải ngân vốn đầu tư công’, một nguồn lực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, vẫn tiếp tục ảm đạm. Báo Chính phủ dẫn lời Bộ Tài chính nói trong bốn tháng đầu năm nay, chỉ có 3 bộ và 19 địa phương giải ngân trên 20%. Còn lại, 47/52 Bộ, cơ quan trung ương và một địa phương giải ngân dưới 5% kế hoạch. Ách tắc triển khai vốn đầu tư công đang gây ra không ít khó khăn cho hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp. Thậm chí những doanh nghiệp không dính dáng gì đến nguồn vốn đầu tư công cũng khốn đốn vì tâm lý sợ trách nhiệm, không dám ký duyệt của các cấp lãnh đạo từ những bệnh viện công cho tới các cơ quan hành chính cấp quận, tỉnh, thành.

    Anh N.H.N, giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp thiết bị y tế công nghệ cao, cho biết hiện tại công ty anh không triển khai bất kỳ dự án mới nào,chỉ hoạt động ‘cầm cự qua ngày’, cố gắng duy trì cho những dự án đã triển khai mà thôi. Anh nói giờ mà cố làm thì có ngày ‘đi tù như chơi’.

    “Đối thủ cạnh tranh của bọn tôi vừa bị công an vào hốt cả văn phòng hai mươi mấy người cả nhân viên và sếp…giám đốc trốn sang Canada rồi,” anh chia sẻ với VOA.

    Anh N cho hay hiện đang phải tìm mọi cách hợp thức hoá các khoản chi của doanh nghiệp để tránh bị cơ quan thuế ‘sờ gáy’. Anh nói đây là chuyện thường tại các doanh nghiệp Việt Nam vì các khoản lót tay vốn không thể khai vào chi phí doanh nghiệp mà lại ‘không thể không có’ cho quan chức các cấp mỗi lần muốn được phê duyệt và triển khai một dự án mới.

    “Hôm vừa rồi cũng phải làm dỏm hoá đơn đầy ra. Nếu không thì sẽ bị moi ra là trốn thuế, mà bây giờ tội nhẹ nhất của doanh nghiệp là tội trốn thuế,” anh phân trần.

    Câu chuyện của anh N không phải là hiếm và cũng không phải chỉ riêng trong lĩnh vực cung cấp thiết bị y tế công nghệ cao.

    Chị N.T.H, quản lý một doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền thông chuyên thực hiện dự án cho các tổng công ty và tập đoàn lớn của nhà nước, cho biết từ sau đại dịch, công ty của chị vẫn tiếp tục ‘nằm thở’ vì không kiếm được hợp đồng mới. Chị cũng phải cho nghỉ phần lớn trong số gần 300 nhân viên, chỉ giữ lại số lượng tối thiểu đảm bảo hoạt động cầm chừng.

    “Tư nhân muốn làm nhưng nhà nước không dám ký thì làm cái gì? Thế là nó ách hết lại. Thằng nào cũng sợ,” chị H than vãn và dự kiến tình hình ảm đạm trong hoạt động kinh doanh sẽ còn kéo dài.

    Bất chấp những khó khăn về kinh tế và tình trạng ảm đạm trong hoạt động của các doanh nghiệp vì chiến dịch ‘đốt lò’, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn khẳng định phương sách chống tham nhũng hiện nay là đúng đắn.

    Phát biểu hôm 10/5 trong cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại Hà Nội, ông Trọng nói công tác phòng chống tham nhũng và tiêu cực đã được tiến hành rất bài bản, đúng chức năng, nhiệm vụ, thận trọng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, có tác dụng răn đe và rằng việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng là rất cần thiết.

    Anh N.P.N, một phóng viên lâu năm trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, cho rằng thế bế tắc hiện nay là do sự thiếu đồng bộ trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng.

    “Vấn đề là song song với việc đánh chuột thì ông phải đổi mới thể chế…chứ bây giờ một vấn đề thì có biết bao nhiêu là luật quy định chồng chéo, luật này đá luật nọ. Riêng về bất động sản thì có mấy cái luật rồi như luật nhà ở, luật bất động sản, luật xây dựng, luật kinh doanh bất động sản, luật bán nhà…Tóm lại là nó chồng chéo lên nhau rất là khó làm,” anh N nói với VOA.

    Theo nhà báo này, luật ở Việt Nam chồng chéo như vậy là cố ý, chứ không phải do trình độ hạn chế của đội ngũ lãnh đạo.

    “Nó mập mờ như thế thì ông mới ăn được chứ, rõ ràng quá thì ông ăn cái gì,” anh nói thêm.

    Anh N nói đây chính là vấn đề trong chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Trọng: muốn chống tham nhũng nhưng lại để cho căn nguyên tạo ra tham nhũng, sự chồng chéo và mập mờ trong hệ thống luật, tồn tại.

    Theo VnExpress, hơn 77.000 doanh nghiệp đã rời thị trường trong 4 tháng qua. Một số khác thì phải bán lại doanh nghiệp để tránh vỡ nợ hoặc chọn cách co hẹp sản xuất, giảm nhân sự để cầm cự. Tình hình được dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn. Gần 50% doanh nghiệp cho rằng năm nay sẽ còn khó khăn hơn so với năm ngoái giữa bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, nguồn vốn đầu tư công tiếp tục bị tắc nghẽn do tâm lý sợ trách nhiệm và sợ bị ‘quẳng vào lò’ của các cấp lãnh đạo từ địa phương cho tới các bộ ban ngành trung ương.

    Việt Nam: Chất lượng giảm, học phí tăng

    An Vui /SGN
    17/5/2023

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/17.5.23_Anh-1.jpg


    Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông, niên khóa 2022-2023 – Ảnh: hanoitv.vn 

    Hà Nội công bố sẽ tăng học phí từ mầm non đến trung học phổ thông trong niên khóa tới, dự đoán là mở màn cho những tỉnh/thành khác. 

    Đồng thời vào niên khóa tới, học phí đại học (ĐH) cũng được phép tăng, là những thông tin khiến phụ huynh Việt Nam đau đầu.

    Học sinh mầm non, tiểu học và trung học ở Hà Nội phải đóng học phí tăng gấp 2- 4 lần

    Theo dự thảo nghị quyết về học phí năm học 2023-2024 của Hà Nội công bố ngày 15 Tháng Năm 2023, các trường mầm non, phổ thông tại Hà Nội được chia thành ba khu vực: thành thị, nông thôn, dân tộc thiểu số. Học phí một tháng của học sinh vùng thành thị là 300,000 đồng; vùng nông thôn 100,000-200,000 đồng, vùng dân tộc thiểu số 50,000-100,000 đồng. So với mức thu 19,000-217,000 đồng của năm 2021, học phí mới sẽ tăng từ 2 – 4 lần.

    Ở nội thành, học sinh mầm non và trung học cơ sở phải đóng học phí gần gấp đôi, từ 155,000 đồng lên 300,000 đồng/tháng. Ở xã miền núi, học sinh trung học phổ thông đóng 100,000 đồng một tháng, tăng hơn bốn lần so với mức cũ (24,000 đồng); bậc mầm non, trung học cơ sở đóng 50,000 – 100,000 đồng, tăng hơn 4 lần so mức cũ (từ 19,000-24,000 đồng). Bên cạnh đó, Hà Nội cũng công bố dự thảo về mức trần học phí với các trường công lập chất lượng cao, không thay đổi so với năm ngoái. Cụ thể, mức trần học phí của mầm non là 5,1 triệu đồng/tháng; tiểu học là 5,9 triệu đồng/tháng; trung học cơ sở là 5,3 triệu đồng/tháng; trung học phổ thông là 6,1 triệu đồng/tháng!

    Dựa vào mức trần và điều kiện của trường, của địa phương, các trường tự xây dựng mức học phí cụ thể, nhưng không được tăng quá 7.5%/năm. Hiện, Hà Nội có khoảng 20 trường chất lượng cao từ mầm non tới phổ thông. Những trường này có quy định riêng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sĩ số lớp và phải tự bảo đảm tài chánh (tiền lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất…). Nếu học trực tuyến, các trường thu 75% học phí theo mức đã ban hành. Nếu học trực tiếp và trực tuyến trong cùng tháng, hình thức học nào trên 14 ngày thì thu học phí theo hình thức đó.

    Hai dự thảo nghị quyết về học phí này được Hà Nội lấy ý kiến từ 15 Tháng Năm, dự định trình Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội vào Tháng Bảy 2023, theo VnExpress ngày 16 Tháng Năm 2023.

    Tiền Phong ngày 17 Tháng Năm cho biết, sau khi thành phố công bố dự thảo học phí năm học 2023-2024, Sở giáo dục Hà Nội ngày 16 Tháng Năm nêu rõ, mức thu học phí của Hà Nội được xây dựng theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ.

    Theo Nghị định này, khung học phí từ năm học 2023-2024 trở đi được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân, nhưng không quá 7.5%/năm. Như vậy, các địa phương phải xây dựng mức học phí mới (Hà Nội là “phát pháo” mở màn). Mức thu này nằm trong khung quy định của Chính phủ, cụ thể ở từng cấp học. Chẳng hạn như ở thành thị, mức thu học phí của trẻ mầm non và học sinh tiểu học từ 300,000 – 540,000 đồng/trẻ/tháng; mức thu học phí của học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông từ 300,000 – 650,000 đồng/học sinh/tháng….

    Tiền Phong biện minh cho Hà Nội: mức học phí từ mầm non đến trung học phổ thông tăng từ 2- 4 lần so giá cũ là dựa trên khung giá của Nghị định 81 và các điều kiện kinh tế xã hội hiện nay của Hà Nội. Đó là thu nhập trung bình năm 2022 của người dân tăng so với năm 2021 là 7.01%; chỉ số giá tiêu dùng năm 2022 tăng 3.4% so với năm 2021 và trung bình 4 tháng đầu năm 2023 tăng 1.81% so cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, từ 1 Tháng Bảy 2023, mức lương cơ bản tăng từ 1,490,000 đồng/tháng lên 1,800,000 đồng/tháng, tăng 20% (?) Tiền Phong cũng biện minh tiếp cho Hà Nội là các đối tượng học sinh thuộc diện nhà nghèo, cận nghèo; mồ côi cả cha lẫn mẹ; khuyết tật và các đối tượng chính sách khác…sẽ được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 81.

    Ước tính, tổng số trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí năm học 2023-2024 là 16,623 học sinh (con số quá nhỏ nhoi so với sĩ số gần 2,200,000 học sinh của Hà Nội – số liệu niên khóa 2022-2023 của VietnamPlus)

    bù vào việc nhà nước giảm ngân sách?

    VnExpress ngày 11 Tháng Năm 2023 trong bài viết “Chính phủ đồng ý tăng học phí đại học” cho biết từ niên khóa 2023-2024, học phí các trường ĐH sẽ tăng theo mức trần của Nghị định 81. Theo Nghị định này, mức trần học phí đối với các trường ĐH công lập chưa tự chủ tài chánh (vẫn phụ thuộc ngân sách) là 1,410,000 – 2,760,000 đồng/tháng, tuỳ từng khối ngành. Mức thu cũ là 980,000 – 1,430,000 đồng, tăng từ 44% – 93%!

    Những trường ĐH đã tự chủ tài chánh được thu mức tối đa bằng hai lần mức trên (2.8 triệu – 5.5 triệu đồng/tháng). Những trường tự chủ tài chánh và chi đầu tư được thu cao nhất, gấp 2.5 lần (3.5 triệu -6.9 triệu đồng/tháng). Tùy mô hình trường ĐH, tùy chương trình đào tạo, mức thu học phí sẽ khác nhau, vì một trường ĐH thường chia ra các kiểu đào tạo với mức đóng khác nhau như đại trà, chất lượng cao, liên kết….

    Chẳng hạn, với ngành y khoa chương trình đại trà, những trường Y, Dược công lập chưa tự chủ tài chánh được thu tối đa 2,760,000 đồng/tháng; trong khi trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, Y Dược thành phố (Sài Gòn) được thu tối đa 6,900,000 triệu đồng/tháng vì đã tự chủ tài chánh. Với chương trình tiên tiến, chất lượng cao, chương trình đã được kiểm định, mức thu còn cao hơn nữa. Chẳng hạn, trường ĐH Y Dược thành phố (Sài Gòn) thu học phí ngành Răng – Hàm – Mặt lên tới 7.7 triệu đồng/tháng hay trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch có chương trình Y Việt – Đức với mức thu 19 triệu đồng/tháng.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/17.5.23_Anh-3-1.jpg


    Từ niên khóa 2020 – 2021, học phí của trường ĐH Y Dược thành phố (Sài Gòn) đã tăng mạnh, niên khóa tới sẽ tiếp tục tăng, chỉ con nhà giàu mới theo nổi, nhà nghèo học giỏi đừng có mơ. (ảnh: Tuổi Trẻ) 

    Nhìn chung, so với mức trần học phí năm 2022-2023, mức mới của niên khóa 2023-2024 sẽ tăng từ 43-93%. Trong đó, khối ngành Y Dược thu mức cao nhất và cũng tăng cao nhất.

    Theo Tuổi Trẻ ngày 15 Tháng Năm 2023, khảo sát của nhóm chuyên gia ở một số trường ĐH công lập năm 2017 công bố tại hội thảo về tự chủ đại học (diễn ra tại Sài Gòn Tháng Tư 2023) cho thấy ngân sách nhà nước cấp phát chỉ chiếm 24% tổng doanh thu của các trường ĐH công lập, trong khi học phí đóng góp 57% và 19% còn lại đến từ các nguồn khác (như nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ và các dịch vụ khác).

    Đến năm 2021, phần đóng góp của phụ huynh đã tăng vọt lên 77% và nguồn ngân sách nhà nước giảm xuống chỉ còn tương đương 9%!

    Tiền Phong ngày 17 Tháng Năm 2023 cho biết, việc tăng học phí ĐH là đẩy gánh nặng về cho phụ huynh và kể nỗi lòng vài sinh viên nghèo đang lo sốt vó vì không biết lấy tiền đâu để duy trì việc học. Tiền Phong cũng đặt vấn đề là khi tăng học phí phải tăng chất lượng đào tạo, nhưng trả lời của vài hiệu trưởng trường ĐH cho biết chất lượng đào tạo của các trường chắc chắn sẽ tăng, nhưng cần thời gian để thay đổi, không có chuyện tăng đột biến (!)

    Theo Ngân hàng Thế giới, thực trạng nhà nước giảm ngân sách cho giáo dục ĐH gióng lên hồi chuông báo động về tính thiếu bền vững trong tài chánh giáo dục ĐH. Gánh nặng tài chánh đẩy về cho phụ huynh, khiến các gia đình nghèo không còn hy vọng cho con theo học ĐH.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/17.5.23_Anh-4-1.jpg


    Mức trần học phí ĐH niên khóa 2023-2024, đồ họa của Tuổi Trẻ. 

    Bàn về vấn đề này, bạn đọc Mai Anh của Tuổi Trẻ bình luận: “Hãy thẳng thắn mà đặt trách nhiệm với các trường ĐH sau khi sinh viên ra trường, chứ không phải chỉ để các trường ĐH chỉ biết “quan tâm” đến tiền và tiền, còn tiêu chuẩn giáo dục, trách nhiệm với các sinh viên sau khi ra trường thì không có, thì vô can!!!

    Tôi muốn trách nhiệm của ông bộ trưởng Bộ giáo dục và trách nhiệm của chính phủ chứ không phải a lê hấp là cứ “phất cờ lệnh” cho các trường ĐH mặc sức thu tiền, năm sau thu tiền nhiều hơn năm trước. Một nghịch cảnh hỗn loạn cho bức tranh giáo dục đại học hiện nay mà người dân ai ai cũng ngán ngẩm!!!”.

    Còn bạn đọc Sportsman Le của VnExpress thẳng thắn: “Trước khi tăng học phí, các trường nên bỏ bớt những môn học không cần thiết trước đã và chương trình giảng dạy theo thực tế chút, chứ các em ra trường không biết làm gì, lại học lại từ đầu”. Quá đúng, chẳng hạn như triết học Mác-Lê-nin và môn quân sự, đang được tính là những tín chỉ bắt buộc và phải đóng tiền học, trong khi hai môn này vô tích sự, phí thời gian!

    Bạn đọc hongocanhkt1008 đặt vấn đề: “Học phí tăng nhưng chất lượng liệu có tăng không, hệ thống đào tạo đại học chưa bám sát thực tế, sinh viên ra trường đều phải đào tạo lại hoặc phải đi làm trái ngành mình học. Cùng với đó, các gói vay vốn cho sinh viên hiện nay rất khó tiếp cận, chỉ có nhà nghèo, gia đình chính sách…, dẫn đến những sinh viên sẽ phải bỏ học giữa chừng hoặc giấc mơ đại học sẽ còn dang dở”.

    Trong khi bạn đọc phong945345 so sánh: “Học phí 1998-2002 chỉ 1.8 triệu đồng/năm, tương đương lương một tháng của sinh viên mới ra trường. Còn giờ sinh viên mới ra trường lãnh lương 8-10 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều lần mức học phí của một học kỳ (trên dưới 20 triệu – trên 50 triệu đồng) thì đủ biết gánh nặng học phí ra sao rồi!” thì bạn đọc vantung2607 “chốt” luôn: “Nhà nghèo xác định học xong lớp 12, cho con đi xuất khẩu lao động luôn, chứ học phí đóng không nổi, mà học xong cũng lương ba cọc ba đồng, không đủ trả nợ học phí, càng áp lực cho cuộc sống về sau!”.

    https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/viet-nam-chat-luong-giam-hoc-phi-tang/



     
     

    Không có nhận xét nào