Header Ads

  • Breaking News

    Giáo dục lịch sử ở Mỹ hiện nay khác gì với Việt Nam?

    RFA



    Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Australia Julia Gillard tham gia một lớp học môn sử ở trường trung học Wakefield ở Virginia, gần Washington, 07/03/2011. (Ảnh minh họa) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

    Tiếp theo bài trước bàn về phương hướng giáo dục “tư duy lịch sử” cho học sinh phổ thông trong Chương trình khung của Bộ Giáo dục công bố tháng 8 năm 2022, ở phần này, RFA giới thiệu ý kiến của một số học giả ở Mỹ so sánh giáo dục lịch sử ở Mỹ và Việt Nam. Gần đây, một số bang ở Mỹ như Florida và Texas cấm dạy “lý thuyết chủng tộc phê phán” (“Critical Race theory”), một lý thuyết có liên quan đến lịch sử người nô lệ người Mỹ gốc Phi trong lịch sử Hoa Kỳ. Sự cấm đoán này ở một số bang ở Mỹ có gì giống và khác với hiện tượng kiểm duyệt lịch sử ở Việt Nam? Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù đều là cấm đoán, nhưng sự cấm đoán ở Mỹ khác với ở Việt Nam vì hệ thống chính trị khác nhau. Giáo dục tư duy lịch sử ở Mỹ khác Việt Nam ở chỗ học sinh được độc lập về tư duy, học cách sưu tập tư liệu lịch sử một cách toàn diện và đa chiều, rèn luyện khả năng sáng tạo trong quá trình học tập, và tất cả những điều này đến từ tính chất tự do và mở của hệ thống chính trị. 

    Trải nghiệm của một người Việt Nam về môn sử trong trường trung học Mỹ 

    Ở Việt Nam ngày nay, môn lịch sử trong nhà trường phổ thông được thiết kế như là một môn học độc lập, nhưng Giáo sư Sử học Nu-Anh Tran ở Đại học Connecticut cho biết ở trường trung học Mỹ, lịch sử được giảng dạy như một phần của môn nghiên cứu xã hội, một môn học kết hợp lịch sử, xã hội học, địa lý, công dân và các môn khoa học xã hội khác. 

    Theo Giáo sư Nu-Anh, giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa có những điểm giống chương trình Tú tài Quốc tế (the International Baccalaureate), một chương trình thành lập ở Châu Âu năm 1968 và tiếp tục phát triển đến ngày nay.  Trong một bài viết bằng tiếng Anh gửi cho RFA, bà cho biết chương trình Tú tài Quốc tế mà bà theo học thời nhỏ ở bang Washington chú trọng nhiều vào các kỳ thi vào cuối hai năm cuối trung học. Hệ thống giáo dục công lập thời Việt Nam Cộng Hòa cũng tương tự như vậy. Bà nói, “do đó, mặc dù tôi học trường trung học ở Mỹ, tôi cũng có một trải nghiệm hơi giống với cha mẹ tôi ở Sài Gòn những năm 1960!” 

    Hầu hết học sinh ở độ tuổi trung học có xu hướng nghĩ về lịch sử như là những sự kiện mình đọc trong sách giáo khoa, được viết bởi các tác giả dường như “biết tất cả” nhưng vô danh. Theo GS. Nu-Anh, thực ra, sử học là ngành nghiên cứu và viết về quá khứ, được thực hiện bởi các nhà sử học và học giả các ngành khác. Họ tranh luận với nhau để có được cách diễn giải quá khứ tốt nhất. Bà kể lại một trải nghiệm học sử theo kiểu “chương trình Tú tài Quốc tế” ở Mỹ. Môn lịch sử của chương trình trung học này đã đặt ra những yêu cầu về kĩ năng khá cao đối với học sinh: 

    “Vào thời điểm đó, chương trình IB yêu cầu tất cả học sinh phải viết một bài nghiên cứu dài 10 ngàn từ bên ngoài lớp học về bất kỳ chủ đề nào mà học sinh lựa chọn. Yêu cầu 10 ngàn từ là rất dài đối với tôi lúc đó! (...) Tôi muốn viết một bài luận về lịch sử Công giáo Việt Nam thời thuộc địa. Tôi cần nhiều người hướng dẫn hơn các bạn khác vì lúc đó không có nhiều nghiên cứu về Việt Nam thuộc địa hoặc Công giáo Việt Nam bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt. Nhưng kinh nghiệm đó đã giúp tôi viết một bài báo nghiên cứu hay hơn nhiều về Cuba cho lớp lịch sử của tôi.” 

    Không chỉ là vấn đề triết lý và phương pháp giảng dạy, môi trường giáo dục luôn tìm ra tiềm năng của học sinh và khuyến khích họ khám phá bản thân cũng ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh, trong đó có việc học sử. GS Nu-Anh kể rằng thời mình học trung học, bà đã được thầy cô khuyến khích và hướng dẫn thực hành khám phá những tri thức lịch sử mới, thông qua việc sưu tầm và tìm hiểu những tư liệu lịch sử. Đôi khi tương lai của một con người được quyết định bởi những khám phá của thầy cô giáo về tiềm năng của người đó từ thời trung học. 

    “Cũng trong khoảng thời gian đó, tôi nhờ những người thân lớn lên ở Đồng bằng sông Cửu Long kể cho nghe về cuộc bạo động sắc tộc giữa người Việt Nam và người Campuchia năm 1945 – điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ cuốn sách lịch sử bằng tiếng Anh nào – và họ đã viết thư cho tôi bằng tiếng Việt về kinh nghiệm cá nhân của họ về bạo lực. 

    Tôi đã dịch một số bức thư sang tiếng Anh và đưa chúng cho giáo viên lịch sử của mình. Người giáo viên đã nói về những bức thư đó với một người họ hàng của anh ấy, người có bằng thạc sĩ lịch sử, và nhận được hồi đáp rằng chủ đề đó có thể trở thành một luận án tiến sĩ trong tương lai. 

    Vào một dịp nào đó trong năm cuối cấp mà tôi không còn nhớ, giáo viên lịch sử của tôi đã gọi tôi sang một bên và hỏi tôi rằng liệu tôi đã bao giờ coi việc nghiên cứu lịch sử là một công việc chưa. Một công việc! Tôi thậm chí chưa bao giờ nghĩ rằng có ai đó sẽ trả tiền cho tôi để viết các bài nghiên cứu về lịch sử! Thầy ấy giải thích với tôi rằng đó là công việc của các nhà sử học, và để trở thành một nhà sử học, tôi sẽ phải học đại học, sau đó lấy bằng thạc sĩ và cuối cùng là tiến sĩ. Và trong khoảnh khắc đó, tôi quyết định mình sẽ trở thành một nhà sử học.”

    Môn sử ở đại học 

    Giáo sư Olga Dror ở Đại học Texas A&M và Giáo sư Nu-Anh Tran ở Đại học Connecticut cho biết giáo dục kĩ năng tư duy của môn sử ở bậc trung học tuy ở mức đơn giản hơn ở bậc ở bậc đại học nhưng không khác lắm ở các bước cơ bản. Đó là sự tập trung vào đào tạo kĩ năng sưu tầm và phân tích tư liệu lịch sử. GS Nu-Anh cho biết, nếu như ở bậc trung học, bà từng viết tiểu luận về những vấn đề của lịch sử Việt Nam còn chưa được nghiên cứu nhiều ở thời điểm đó, thì ở bậc đại học cũng vậy, “sinh viên thường được yêu cầu viết một bài báo nghiên cứu mới mẻ, dựa trên các nguồn tư liệu gốc, sao cho những bài viết như vậy đạt được vị trí nào đó trong cuộc tranh luận học thuật lớn hơn về một chủ đề.” Bà cho biết hầu hết các khóa học lịch sử ở bậc đại học nhấn mạnh vào việc phân tích nguồn tư liệu gốc. Các nguồn tư liệu gốc bao gồm các bài phát biểu, các bài viết chính trị, các bài báo, âm nhạc và văn học từ một giai đoạn lịch sử nhất định, cũng như hồi ký và các hình thức tư liệu khác của những người sống qua thời kỳ đó. Bà nói:

    “Các giáo sư thường yêu cầu sinh viên xem xét các câu hỏi như sau: 

    • Các nhà sử học có thể học được gì từ một tài liệu cụ thể? 

    • Nguồn tư liệu này phản ánh quan điểm của ai? Nguồn tư liệu này loại bỏ quan điểm của ai? 

    Tôi muốn học sinh của mình đọc nhiều nguồn tư liệu gốc từ các quan điểm khác nhau để giúp họ hiểu được sự đa dạng của các trải nghiệm lịch sử. Ví dụ, trong khóa học về lịch sử phụ nữ, tôi chỉ định các đoạn trích từ nhiều tiểu thuyết của Việt Nam, Thái Lan và Philippines được xuất bản từ những năm 1880 đến những năm 1930, để giúp sinh viên thẩm định quá trình thay đổi nhận thức về hôn nhân sắp đặt ở thời kì đó, cũng như sự đa dạng của phong tục hôn nhân trong khu vực Đông Nam Á.” 

    GS Nu-Anh cho rằng cách hiệu quả nhất để thay đổi và phát triển năng lực suy nghĩ của học sinh, sinh viên là giới thiệu cho họ các cuộc tranh luận học thuật. 

    “Một chiến lược sư phạm điển hình là chỉ định cho học sinh, sinh viên khảo sát những bài báo hoặc sách nghiên cứu có quan điểm đối lập nhau hoàn toàn, và yêu cầu học sinh sinh viên đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của cả hai lập luận đối chọi nhau đó. Họ đồng ý với lập luận nào và tại sao? Các tác giả sử dụng các loại nguồn tư liệu chính tương tự như nhau hay khác nhau? Có bất kỳ sai sót hoặc thành kiến nào trong các lập luận của cả hai bên không?” 

    “Kiểm duyệt”: Mỹ khác Việt Nam thế nào?

    Gần đây, một số bang ở Mỹ, trong đó có hai bang lớn là Texas và Florida, thông qua luật cấm dạy “lý thuyết chủng tộc phê phán” (Critical Racial theory) trong trường học. Đây là một lý thuyết xã hội có liên quan đến lịch sử người nô lệ gốc Phi ở Mỹ. Ở Việt Nam, chương trình giáo dục lịch sử cũng loại bỏ, cấm đoán hoặc hạn chế nhiều nội dung lịch sử bị gán nhãn là “nhạy cảm”. Vậy hai hiện tượng này có gì giống và khác nhau? 

    GS Olga Dror cho rằng hai hiện tượng này vẫn khác biệt nhau căn bản. Bà nói: 

    “Theo quan điểm của tôi, đó là một quyết định tồi tệ. Nhưng nó được thực hiện bởi một số tiểu bang chứ không phải quyết định ở cấp toàn quốc. Quyết định đó được thực hiện khi Đảng Cộng Hòa chiếm đa số ở các bang đó, và ví dụ, nếu trong cuộc bầu cử tiếp theo mà số đảng viên Đảng Dân chủ giành được ghế nhiều hơn, họ sẽ tiếp quản chính quyền và sửa đổi.

    Vì vậy, những quyết định đó nếu xét về lâu dài thì không tồn tại mãi mãi. Hệ thống chính trị ở đây tạo cơ hội để sửa đổi những điều đó trong những nhiệm kì tiếp theo. Khả năng thay đổi là cao trong tương lai, và Texas có tỷ lệ phiếu bầu thấp nhất cho vấn đề cấm dạy "lý thuyết chủng tộc phê phán". 

    Chúng tôi có sai lầm, nhưng hệ thống này cho phép tranh luận để sửa đổi, nếu thống nhất được có một cái gì được coi là sai lầm. Điều đó là có thể, không phải chỉ vì nó không do tổng thống Hoa Kỳ quyết định ở cấp toàn quốc, mà còn bởi vì chúng tôi có một xã hội tự do. Đã có 80 phiếu đồng ý thay đổi nó (luật cấm đó) dù chưa phải là đa số. Không phải cứ thông qua luật cấm xong là không còn tranh luận gì nữa. Ý chí cuộc sống sẽ đến với tất cả mọi người. Phải như thế mới đúng. Vì vậy, điều sai ấy bị hạn chế, bị khoanh vùng trong một phạm vi cục bộ.”

    Giáo sư Olga cho rằng phải đặt luật cấm đó ở Mỹ trong bối cảnh một xã hội dân chủ, nơi người ta tôn trọng những luật được thông qua bởi đa số. Bà nói:

    “Tôi rất phản đối việc cấm đoán như vậy, nhưng nếu mọi người chọn đại diện của họ, ai sẽ bỏ phiếu cho điều này? Đây là nền dân chủ. Dân chủ là một hệ thống cho phép người ta suy nghĩ độc lập để cùng nhau vượt qua khó khăn, và đó là lý do tại sao họ có thể vượt qua. Hướng dẫn và lãnh đạo dễ dàng hơn nhiều trong một nền dân chủ và có sự khai sáng. Một ví dụ để so sánh, chẳng hạn như bây giờ, đình công là một vấn đề, nhưng đó là nền dân chủ. Chúng ta phàn nàn về nó, và tôi không thích các chuyến tàu điện mà tôi đi làm, hay tất cả các buổi lên lớp của tôi bị hủy bỏ vì chỗ nào đó đình công. Nhưng đây là nền dân chủ. Đây là cách họ thể hiện ý kiến và quyền tự do biểu đạt của họ. Cũng giống như ngay cả trong Chiến tranh Việt Nam, chúng tôi đã chiến đấu ở Việt Nam. Nhiều người lính đã thương vong vì họ chiến đấu để bảo vệ hệ thống tự do. Nhưng nước Mỹ cũng có những người ngược lại, họ phản đối chiến tranh, họ nghĩ rằng theo ý kiến của họ, chống chiến tranh là tốt nhất cho đất nước của họ. Phải, cả những người đã chiến đấu ở Việt Nam và những người phản đối cuộc chiến đó đều đã chiến đấu vì đất nước và nền dân chủ theo cách của họ.”

    Về quan điểm của phía cấm đoán, Giáo sư Vũ Tường ở Đại học Oregon cho biết lập luận của phía cấm đoán, hiện chiếm đa số trong Quốc hội những tiểu bang ra lệnh cấm, là “lý thuyết chủng tộc phê phán” sử dụng vấn đề chủng tộc như là nguyên nhân duy nhất để giải thích cho mọi hiện tượng xã hội, văn hóa, giáo dục, chính trị, kinh tế ở Hoa Kỳ, rồi căn cứ vào đó để đưa ra các hàm ý chính sách. Theo họ thì điều này là quá đà, vì mặc dù trường phái lý thuyết nào cũng chỉ nhấn mạnh một hai yếu tố, nhưng độc tôn một yếu tố thì dẫn đến nhận lệch lạc về thực tế và những chính sách bất ổn. Cách giải thích đó, theo phía cấm đoán, chưa có cơ sở khoa học chắc chắn mà mới chỉ là một “thuyết” mà thôi, vì luật pháp Mỹ ngày nay đã khác xa với các thời kì trước đây mà đã có hệ thống luật pháp bảo vệ quyền tự do bình đẳng giữa các cá nhân, không phân biệt về mặt chủng tộc. Cả hai phía vẫn đang còn đang tranh luận với nhau nhưng phía muốn cấm đoán thì đang chiếm đa số trong Quốc Hội nên có thể thông qua luật cấm với một số lượng phiếu nhiều hơn. Ở Mỹ, người dân có thể thay đổi chính sách bằng cách đi bầu cử. Nếu người dân muốn thay đổi luật pháp, họ cần phải đi bỏ phiếu, và nếu đại diện của họ chiếm nhiều ghế hơn ở cơ quan lập pháp, họ có thể thay đổi những điều luật họ không thích. Đây là điều khác biệt cản bản với Việt Nam. 

    https://www.rfa.org


    Không có nhận xét nào