Tác giả Andrew Moran
Một siêu thị ở New York vào ngày 14/12/2022. (Ảnh: Yuki Iwamura/AFP/Getty Images)
Trong tuần này, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào báo cáo lạm phát tháng Tư. Lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng giảm hay chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tiếp tục bướng bỉnh và dai dẳng?
Dự báo Lạm phát của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland dự báo tỷ lệ lạm phát hàng năm là 5.2%, tăng từ mức 5% hồi tháng Ba. Tỷ lệ lạm phát căn bản, loại bỏ các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, dự kiến sẽ tăng trở lại mức 5.6%.
CPI và CPI cơ bản trên cơ sở hàng tháng được dự đoán sẽ tăng lần lượt là 0.6% và 0.5%.
Ước tính đồng thuận thấp hơn một chút, với lạm phát hàng năm dự kiến sẽ không thay đổi ở mức 5%.
Ông Mark Hamrick, nhà phân tích kinh tế cao cấp tại Bankrate, cho biết: “Mặc dù giảm xuống từ phạm vi rất cao đó, nhưng mức tăng hàng năm trong tháng Tư vẫn được dự kiến là khoảng 5%.”
Nếu các dự đoán này là chính xác, thì đây sẽ là lần đầu tiên tỷ lệ lạm phát của Mỹ không giảm kể từ khi chạm mức cao nhất 9.1% hồi tháng 06/2022.
Gần đây, Tổng thống Joe Biden đã ca ngợi việc lạm phát giảm đều đặn tại một cuộc họp với Nội các Đầu tư vào Hoa Kỳ của Tòa Bạch Ốc.
Ông Biden cho biết hôm 08/05: “Lạm phát hiện đã giảm 40% kể từ mùa hè năm ngoái (2022), lạm phát đã giảm liên tiếp trong 9 tháng qua. Rõ ràng là chúng ta còn nhiều việc phải làm, nhưng chúng ta đang đi đúng hướng, và tôi nghĩ chúng ta đang đạt được tiến triển thực sự.”
Giới quan sát thị trường sẽ chú ý điều gì khi hướng đến dữ liệu CPI ngày 10/05?
Điều gì đang làm tăng thêm áp lực lạm phát?
Các kinh tế gia của RBC Economics cho rằng yếu tố đóng góp lớn nhất vào CPI có thể là do giá năng lượng cao hơn, do giá xăng tăng 3% trong tháng trước. Ngoài ra, giá dầu thô giao ngay West Texas Middle (WTI) trung bình cũng tăng 8.4%. Do đó, các kinh tế gia của ngân hàng cho rằng chỉ số năng lượng sẽ tăng nhẹ từ mức âm 6.4% trong tháng Ba lên mức âm 4.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái vào tháng Tư.
Ông Hamrick đồng ý với ý kiến của các kinh tế gia ngân hàng, mặc dù ông cho rằng đợt giảm mới nhất có thể là tin tốt cho CPI tháng Năm.
“Về các thước đo CPI hàng tháng, các kinh tế gia đồng thuận tuyên bố mức tăng 0.4% của thước đo chính sau khi giá xăng tăng hồi tháng Tư. Bỏ qua thông tin cụ thể trước mắt, thì tin tốt cho tháng Năm (báo cáo của tháng tiếp theo) là áp lực giảm giá dầu và xăng gần đây.”
Các nhà kinh tế của RBC lưu ý rằng lạm phát lương thực được dự đoán sẽ giảm nhẹ nhưng có thể vẫn tăng ở mức 8%, giảm từ mức 8.5% trong tháng Ba.
Tuần trước, chỉ số giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã tăng lần đầu tiên trong một năm trong tháng Tư, phản ánh sự gia tăng của giá thịt, gạo, và đường cao hơn. Thị trường lương thực quốc tế đang phải đối mặt với vô số thách thức, chẳng hạn như giá cam tăng chóng mặt, thâm hụt gạo toàn cầu, và giá đường ở mức cao nhất trong hơn một thập niên.
Một vấn đề khác về mặt lạm phát là các dịch vụ, bao gồm mọi thứ từ ngân hàng đến sửa chữa xe hơi đến chăm sóc y tế. Hồi tháng Ba, lạm phát dịch vụ ở mức 7.3%, mức thấp nhất trong 4 tháng.
Chỉ số Quản lý Mua hàng (PMI) của Viện Quản lý Cung ứng — một xu hướng chung của ngành — cho thấy giá cả đã tăng một chút trong tháng Tư.
Ông Anthony Nieves, chủ tịch Ủy ban Khảo sát Kinh doanh Dịch vụ của ISM, cho biết trong báo cáo: “Phần lớn những người được hỏi chủ yếu là thấy tích cực về các điều kiện kinh doanh; tuy nhiên, một số người được hỏi cảnh giác với những khó khăn tiềm ẩn liên quan đến lạm phát và một cuộc suy thoái kinh tế.”
Để xác định quỹ đạo lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ trong tương lai, các kinh tế gia của BlackRock muốn theo dõi giá dịch vụ được quy định, như bảo hiểm, và các dịch vụ không thường xuyên đặt lại giá, trong đó có dịch vụ y tế và ghi danh.
Ông Tom Becker, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại BlackRock, viết trong một lưu ý gần đây: “Chúng tôi nhận thấy những rủi ro tăng giá trong cả hai lĩnh vực này, vốn góp phần vào quan điểm của chúng tôi rằng lạm phát căn bản có khả năng duy trì ở mức đủ cao trong suốt năm 2023 khiến chính sách tiền tệ không còn chỗ để nới lỏng trong nửa cuối năm nay.”
Chính sách tiền tệ thì sao?
Báo cáo lạm phát tháng Tư có thể có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách tiền tệ.
RBC cho biết trong một báo cáo: “Lạm phát vẫn là một mối lo ngại đối với các quan chức Cục Dự trữ Liên bang và áp lực về giá của Mỹ, trong khi đang giảm bớt, thì vẫn rất dai dẳng.”