Header Ads

  • Breaking News

    Mạng lưới đập thủy điện trên sông Sesan, Sekong, Srepok: thay đổi nhịp lũ, gây hại cho kinh tế, xã hội ở hạ lưu

    RFA


    Mời đọc thêm:


    Phát triển thủy điện trên sông Sekong, Srepok, và Sesan (3S) - Lymha (Hà Trung Liêm) tường thuật 

    Hủy diệt nguồn sống của đồng bào vùng Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. 

    Lymha (Hà Trung Liêm) tường thuật riêng cho Blog Mekong-Cửu Long

    19/5/2016


    https://mekong-cuulong.blogspot.com/2022/12/phat-trien-thuy-ien-tren-song-sekong.html





    Đập thủy điện Buôn Kuốp trên sông Srepok trên lãnh thổ Việt Nam 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBộ Công thương Việt Nam 

    Hôm nay 24 tháng 5 năm 2023, Stimson Center tổ chức hội thảo trực tuyến về tác động của các đập thủy điện trong lưu vực ba dòng sông là Sekong, Sesan, Srepok (thường được gọi tắt là lưu vực 3S) tới môi trường, xã hội và kinh tế các nước hạ lưu sông Mekong, trong đó có Việt Nam. Người điều hành hội thảo là TS. Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Stimson Center. 

    Lưu vực sông 3S (ba dòng sông Sekong, Sesan, Srepok) là một trong những lưu vực chi lưu lớn nhất của hệ thống sông Mekong. Nó đóng góp khoảng 20% dòng chảy hàng năm của cả hệ thống sông Mekong. Cả ba con sông 3S (Sekong, Sesan và Srepok) chảy xuyên qua biên giới ba nước là Việt Nam, Lào và Campuchia. 

    TS. Brian Eyler cho biết do nằm gần Biển Hồ Tonle Sap của Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nên ba dòng sông này cung cấp các nguồn lực tự nhiên quan trọng cho các ngành nông nghiệp và ngư nghiệp đang phát triển mạnh mẽ ở hạ lưu sông Mekong, trong đó có Đồng bằng Sông Cửu Long. Nhưng trong ba thập kỷ qua, hàng loạt đập thủy điện đã được xây dựng trên mỗi dòng sông 3S. Tác động của khoảng 20 con đập lớn trên các dòng sông 3S đã thay đổi nhịp lũ của sông Mekong và do đó ảnh hưởng lớn đến đời sống ngư nghiệp, nông nghiệp ở vùng hạ lưu. 

    Theo TS. Brian Eyler, đời sống nông nghiệp và ngư nghiệp dọc theo các con sông vốn từ trước đến nay phù hợp với nhịp lũ tự nhiên của các dòng sông. Từ khi hệ thống các con đập thủy điện hình thành ở đây, nhịp xả nước không còn giống như nhịp lũ tự nhiên mà xả theo nhu cầu phát điện. Vào mùa khô, các con đập xả nước để phát điện, và gây ra một lượng nước bất thường, không cho phép hai bờ sông có thể khô đi mà luôn ở tình trạng ngập nước. Do đó người ta không thể sử dụng phù sa thu được hai bên bờ sông để làm nông nghiệp. Ngoài ra, nhịp lũ thay đổi cũng tác động trực tiếp đến nguồn cá và năng sống nuôi trồng ngư nghiệp. Trong khi đó, việc xả nước này lại không nhất thiết lúc nào cũng giúp đẩy lùi nhập mặn ở hạ lưu, tức Đồng bằng Sông Cửu Long. Ông nói: 

    “Các con đập trên ba dòng sông này có thể tạo ra rất nhiều điện năng bằng cách thực hiện các loại cơ chế xả nước cực đoan. Đó là một cách tuyệt vời để sản xuất điện, nhưng nó có tác động nghiêm trọng và sâu sắc đến hạ nguồn. Chúng tôi thấy cần phải có cảnh báo sớm kiểu hoạt động này của mạng lưới thủy điện vì chúng có thể thay đổi khả năng tiếp cận nguồn nước của cộng đồng, có thể gây ra lũ lụt thực sự bất ngờ trong mùa mưa hoặc mùa khô trong năm.”

    Có một điều nghịch lý là khi các đập thủy điện này đáp ứng nhu cầu điện năng ở các đô thị, chúng cũng đồng thời rút mất nước của các đô thị đó. TS. Brian Eyler chỉ ra một hiện tượng là khi các đập trên hệ thống sông 3S xả nước để phát điện, mực nước ở các hồ chứa nước phục vụ cho các đô thị mà chúng cung cấp điện cũng đồng thời giảm xuống. Ông nói không chắc vì sao điều đó lại xảy ra nhưng đó là hiện tượng cần lưu ý. 

    Các con đập thủy điện trên hệ thống sông 3S, do Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác xây dựng. Nếu họ cùng nhau hành động để giảm những rủi ro và thiệt hại cho nhịp lũ bị biến dạng vì hoạt động xả nước phát điện. Nếu phối hợp cùng nhau một cách khoa học, người ta có thể xác định được đập nào, tổ hợp đập thủy điện nào tác động sâu sắc hơn đến môi trường tự nhiên. Dựa vào đó, người ta có thể thiết kế một cách thức hoạt động chung, sao cho khôi phục nhịp lũ và dòng chảy tự nhiên của sông Mekong một cách tương đối. TS. Brian Eyler nói: 

    “Nếu các nước phối hợp cùng nhau để khôi phục lại một số dòng chảy tự nhiên cho sông Mekong và giúp cho toàn bộ khu vực phục hồi, họ không chỉ giúp đỡ cho môi trường và cộng đồng mà còn tối ưu hóa việc sản xuất điện và vận hành các con đập một cách hợp lý hơn. Điều đó sẽ tạo ra sự cân bằng, cho phép các cộng đồng, tài nguyên thiên nhiên, nghề cá được phát triển trong khi vẫn có thể sản xuất điện từ thủy điện tốt hơn.”

    Trao đổi tại hội thảo, ông Bunthoeurn Mak, Giám đốc Chương trình và Điều phối viên Mạng lưới của “The NGO Forum on Cambodia” (Diễn đàn Các tổ chức phi chính phủ về Campuchia) nhấn mạnh vai trò của các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương đối với việc xây dựng chính sách đúng đắn:

    “Có một chút khó khăn cho tôi khi theo dõi vấn đề sông Mekong là tôi không phải dân kỹ thuật. Tuy nhiên, tôi đang làm việc với các cộng đồng địa phương, tập trung vào các tác động kinh tế xã hội đối với cộng đồng địa phương. Tôi thấy việc truyền tải các kiến thức khoa học đến với cộng đồng địa phương, chuyển nó thành kiến thức địa phương là điều rất quan trọng. Điều đó cũng sẽ giúp cho các cộng đồng địa phương cũng như các tổ chức xã hội dân sự dễ dàng hơn khi vận động chính sách với chính phủ. Các chính phủ nên tính đến các vấn đề này để cải thiện các hoạt động của các công ty thủy điện và cả hệ thống.” 

    Tại hội thảo, RFA đặt câu hỏi với TS. Brian Eyler về việc có tồn tại hay không một cơ chế hợp tác giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia khi mà hệ thống sông 3S chảy qua biên giới cả ba nước và hệ thống đập thủy điện trên ba con sông này tác động đến cả ba. TS. Brian Eyler nói:

    “Câu trả lời là có. Và có lẽ ví dụ duy nhất về hợp tác giữa ba nước ở đây là hoạt động cảnh báo sớm xuyên biên giới, đôi khi có hiệu quả hoặc đôi khi hiệu quả một phần, trong hệ thống sông Mekong. Và điều đó cho thấy mức độ trách nhiệm và sự quan tâm của người Việt Nam ở đầu nguồn đối với việc xả nước ở hạ nguồn. Nhưng còn nhiều điều nữa nên được thực hiện, và có thể được thực hiện ở đây, và tôi muốn nói thêm là việc cảnh báo sớm thường có thể được đưa ra từ cấp chính phủ đến cấp chính phủ. Nhưng hiệu quả của việc đưa thông điệp đó tới cộng đồng bằng ngôn ngữ họ có thể hiểu, hành động và thay đổi, thì mới là điểm cần cải tiến. Tôi xin nêu một ví dụ. Năm ngoái, một nhánh phía xa trên thượng nguồn của lưu vực sông Sekong đã xả nước ồ ạt do nguy cơ vỡ đập khi hồ chứa đã đầy nước và bão thì đang kéo đến. Chính phủ Việt Nam đã gửi cảnh báo sớm cho chính quyền địa phương rằng điều này sắp xảy ra. Chính quyền địa phương đã gửi thông điệp xuống các cấp trong tỉnh. Lúc đó tuy cảnh báo sớm đã được đưa ra, nhưng không ai để ý đến nó, vì người dân nghĩ con đập đó cách chỗ họ hàng trăm cây số, làm sao nó có thể ảnh hưởng đến mình. Và rồi sóng nước ập đến gây thiệt hại cho các nhà hàng, quán ăn nổi và các cơ sở kinh doanh khác dọc theo bờ sông. Vì vậy, ở đây không chỉ có vấn đề cảnh báo sớm mà còn là niềm tin của người dân. Có nhiều vấn đề cần cải thiện từ góc độ quản lý xuyên biên giới.”

    Ông Bunthoeurn Mak, Giám đốc Chương trình và Điều phối viên Mạng lưới của “The NGO Forum on Cambodia” cho rằng cơ chế phối hợp giữa Việt Nam và Campuchia chưa hiệu quả. Ông giải thích: 

    “Có một cơ chế hợp tác song phương giữa Việt Nam và Campuchia. Có một ủy ban để giải quyết việc này. Nhưng tôi cảm thấy rất khó để truyền thông tin thông suốt giữa chính phủ, một số chính quyền địa phương và cộng đồng địa phương. Việc cảnh báo sớm có thành công hay không phụ thuộc vào các nhóm cộng đồng địa phương mà chính quyền gửi thông báo, mức độ gắn kết của chính quyền cộng đồng địa phương đó. Cách hoạt động hiện nay không hiệu quả. Tôi cảm thấy rằng việc nhận được thông tin cảnh báo sớm từ một ủy ban cảnh báo liên quốc gia là không hoàn toàn hiệu quả, không mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương."

    https://www.rfa.org/vietnamese




    Không có nhận xét nào