Header Ads

  • Breaking News

    Nhật Bản trên đường trở thành cường quốc quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

     


    Marianne Péron-Doise[*]

    Phạm Như Hồ dịch

    Nguồn:Le Japon en pase de devenir une grande puissance militaire de l’Indo-Pacifique”, The Conversation, 20.4.2023.

    Việc tổ chức G7 tại Hiroshima vào tháng 5 tới đã chứng kiến ​​Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhân rộng các sáng kiến ​​ngoại giao kể từ đầu năm 2023: công du châu Âu và Mỹ, hội nghị thượng đỉnh lịch sử với Hàn Quốc, thăm Kiev… Những chuyến đi này – nơi vấn đề an ninh, và trên hết là cuộc chiến ở Ukraine và vấn đề Đài Loan, chiếm một phần quan trọng – đi kèm với sự thay đổi đáng kể trong thế trận chiến lược tổng thể của quần đảo này.

    Thật vậy, vào tháng 12 năm 2022, Nhật Bản đã công bố hai tài liệu mới liên quan đến nền quốc phòng của mình, bao gồm Chiến lược An ninh Quốc giaChiến lược Phòng thủ Quốc gia.

    Trong số các biện pháp được công bố, việc mua lại các phương tiện “phản công”, tức là khả năng tấn công căn cứ của kẻ thù bằng tên lửa tầm xa, được bình luận nhiều nhất. Hoa Kỳ đã đồng ý cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk cho Tokyo, một đặc quyền cho đến nay chỉ được cấp cho Vương quốc Anh. Qua đó, Washington đang tìm cách tăng cường khả năng tương tác với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (FAD) nhằm tăng cường sức mạnh răn đe của liên minh trong một vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương căng thẳng.

    Một sự phát triển chiến lược đáng chú ý

    Nếu Trung Quốc và Nga vội vàng lên án “việc quân sự hóa không kiểm soát” quần đảo này, thì, đơn giản hơn, chúng ta thực sự đang chứng kiến một bước bổ sung trong quá trình bình thường hóa bộ máy quốc phòng của Nhật Bản.

    Quả nhiên, tiến trình này đã không diễn ra suôn sẻ. Đã phải đợi cho đến khi các mối đe dọa trong khu vực tích tụ lại do các cuộc bắn tên lửa đạn đạo và sau đó là hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào năm 1998 rồi 2006 và cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng xung quanh quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) với Trung Quốc kể từ năm 2010 thì giới cầm quyền Nhật Bản mới tỏ ra tích cực hơn trong việc chuyên nghiệp hóa công cụ quân sự của họ và thu mua các khả năng mới, đặc biệt là thông qua việc phát triển hệ thống phòng thủ chống tên lửa với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.

    Hoa kỳ đã khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ Nhật Bản trong việc tìm kiếm một tư thế chiến lược quyết đoán hơn cả trong khu vực và quốc tế. Ngoài ra, Tokyo cũng đã có thể thích ứng với những ràng buộc trong Hiến pháp của mình, trong đó có Điều 9 về sự từ bỏ việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và việc duy trì lực lượng vũ trang, nhấn mạnh đến bản chất phòng thủ trong cách tiếp cận của mình.

    Các tài liệu được công bố trong những ngày gần đây cho thấy Tokyo không còn ngại thể hiện mình là một bên tham gia chiến lược lớn. Như vậy, quần đảo Nhật Bản khẳng định vai trò hàng đầu và sự cam kết của nó cùng với Hoa Kỳ trong việc bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở/Free and Open Indo-Pacific (FOIP) và hơn thế nữa, một trật tự quốc tế tự do bị hành vi hung hăng của Trung Quốc và Nga de dọa.

    Kế hoạch tăng ngân sách quân sự của Nhật Bản lên 2% GDP trong vòng 5 năm, so với mức 1% hiện nay, có thể xếp Tokyo vào nhóm 5 quốc gia có quốc phòng hàng đầu thế giới, trong khi nước này hiện đang ở vị trí thứ 8, với ngân sách quân sự là 49,3 tỷ USD.

    Khai thác di sản chiến lược của Shinzo Abe


    Shinzo Abe (1954-2022)

    Shinzo Abe, cựu Thủ tướng (2006-2007 rồi 2012-2020) bị ám sát một cách bi thảm vào tháng 7 năm 2022, đã tạo động lực đáng kể cho việc tăng cường quân sự cho quần đảo bằng cách thông qua luật an ninh quốc gia mới vào năm 2015.

    Kể từ bây giờ, FAD có thể sử dụng vũ lực và hỗ trợ các quốc gia bạn, đặc biệt là Hoa Kỳ, trong một số tình huống liên quan đến lợi ích sống còn của quốc gia (sự tồn tại của Nhật Bản, mối đe dọa đối với các quyền hiến định của người Nhật) – và không có giới hạn địa lý. Do đó, về mặt lý thuyết, Nhật Bản có thể can thiệp ở mọi nơi.

    Bên cạnh những mục tiêu khác, việc tăng cường năng lực quân sự của FAD nhằm tạo thực chất cho việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở nổi tiếng này, một khái niệm địa chính trịShinzo Abe đã thúc đẩy với niềm tin sâu sắc. Đặc biệt, ông đã tập hợp lại người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi từ năm 2015, sau đó là Donald Trump vào năm 2017 với tầm nhìn của mình.

    Làm nổi bật sự kết nối chiến lược giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, cách tiếp cận của Shinzo Abe giả định, ngoài những điều khác, sự tiếp cận tự do các vùng biển châu Á, các eo biển chính và các tuyến hàng hải thương mại, cho toàn bộ cộng đồng quốc tế. Cách tiếp cận này giải thích việc nối lại quan hệ mà Abe mong muốn với các nền dân chủ hàng hải ở châu Á – Hoa Kỳ, Ấn Độ và Úc – lo ngại về sự bành trướng và sự hung hăng của các lực lượng hải quân, các lực lượng bảo vệ bờ biển và các đội tàu đánh cá Trung Quốc.

    Mối quan hệ hợp tác này được thể hiện trong việc tổ chức Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD), một quan hệ đối tác không chính thức được thiết lập năm 2004 mà Shinzo Abe đã giúp củng cố từ năm 2007 bằng cách liên kết chặt chẽ Ấn Độ và Úc bên cạnh Hoa Kỳ. Kể từ đó, Joe Biden đã biến QUAD trở thành khuôn khổ rộng lớn hơn cho sự hợp tác đa chiều, được xác định như một giải pháp thay thế cho Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc.

    Tác động của cuộc chiến ở Ukraine

    Cú sốc do cuộc xâm lược Ukraine của Nga tạo ra là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc soạn thảo các tài liệu chiến lược mới của Nhật Bản.

    Fumio Kishida là một trong những nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên tham gia cùng các nước phương Tây trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, mặc dù quyết định này đã hủy hoại việc tiếp tục các cuộc đàm phán Nhật-Nga về tương lai của các vùng lãnh thổ phía bắc (Kouriles đối với Nga), trong đó có bốn hòn đảo còn đang bị tranh chấp giữa hai nước từ năm 1945.

    Hành động bạo lực của Nga ở châu Âu đã thuyết phục giới cầm quyền Nhật Bản rằng một cuộc tấn công vào Đài Loan của Trung Quốc có thể xảy ra và quần đảo này không thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng ở eo biển.

    Hơn nữa, chính phủ Nhật Bản đã đo lường mức độ hỗ trợ của EU và NATO dành cho Ukraine đã tăng lên như thế nào khi Kiev thể hiện quyết tâm chiến đấu. Nhật Bản kết luận rằng cách tốt nhất để đảm bảo sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và các đối tác khác nếu cuộc khủng hoảng xảy ra là đầu tư thực sự vào quốc phòng của chính mình.

    Chúng ta phải hiểu theo hướng này sự hiện diện của Kishida tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 30 tháng 6 năm 2022 tại Madrid, lần đầu tiên, cũng như những nhận xét của ông về ý tưởng rằng an ninh của Châu Âu và an ninh của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có mối liên hệ với nhau. Sự gia tăng dự kiến trong ngân sách quốc phòng của Nhật Bản theo chiến lược mới cũng tương ứng với cam kết của các quốc gia thành viên NATO dành 2% GDP của họ cho chi tiêu quân sự vào năm 2024.


    Joe Biden, cùng với cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, ngoại trưởng Anthony Blinken và bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin, nói chuyện với Fumio Kishida trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào ngày 29 tháng 6 năm 2022. Brendan Smialowski/AFP

    Những thay đổi cơ bản, nhưng một sự phân tích địa chính trị thận trọng

    Trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới, viễn cảnh các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Nhật Bản được mô tả là “mối đe dọa có thể sờ thấy được”, do đó nước này cần phải được trang bị với những hệ thống tốt hơn những hệ thống phòng thủ hiện có.

    Những giải thích này gắn với thực tế về sự suy thoái môi trường nghiêm trọng cận Nhật Bản: vào tháng 8 năm 2022, sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, Bắc Kinh đã tiến hành các hoạt động quân sự quy mô lớn, đặc biệt là việc phóng tên lửa đạn đạo, năm trong số đó đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Tình tiết này đã được cộng thêm vào nhiều cuộc xâm nhập hàng không và hàng hải của Trung Quốc vào lãnh hải và không phận của quần đảo Senkaku (Điếu Ngư đối với Trung Quốc), nằm cách quần đảo Okinawa của Nhật Bản khoảng 410 km.

    Tài liệu cho thấy các hoạt động ngoại giao và quân sự của Bắc Kinh là “rất đáng lo ngại” và là một “thách thức chiến lược lớn” chưa từng có đối với Nhật Bản và cộng đồng quốc tế. Đối với Nga, kể từ sau cuộc chiến ở Ukraine, nước này là một “mối quan ngại mạnh mẽ về an ninh”.

    Cần nhấn mạnh rằng chiến lược của Nhật Bản sẽ vẫn là “phòng thủ” và những cuộc “phản công” sẽ chỉ được sử dụng trong những điều kiện hạn chế nhất định. Các cuộc tấn công phòng ngừa không được cho phép.

    Cuối cùng, đối mặt với sự phát triển của các chiến lược hỗn hợp (can thiệp chính trị, phổ biến thông tin sai lệch, tuyên truyền), Nhật Bản dự định cải thiện khả năng không gian và các phương tiện chống lại các cuộc tấn công mạng và chiến tranh thông tin. Thành tố an ninh mạng, từ 800 người hiện tại, sẽ tăng lên 4.000 người vào năm 2027, cho phép chính phủ lấp đầy những thiếu sót quan trọng.

    Hướng tới một “JAUKUS”?

    Chính quyền Biden đã hoan nghênh các thông báo của Nhật Bản và những đường hướng chính của Chiến lược Phòng thủ Quốc gia vốn là một tiếng vọng cho chính chiến lược mà Hoa kỳ vừa công bố.

    Đối với Hoa Kỳ, đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh đa chiều với Trung Quốc, cần phải tận dụng tốt nhất sự đổi mới, cũng như mạng lưới các năng lực công nghệ và tác chiến sẵn có. Quan hệ đối tác AUKUS – A(ustralia)/U(nited) K(ingdom)/ U(nited) S(tates) được ký kết vào năm 2021 với Vương quốc Anh và Úc, ngoài việc cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, còn liên quan đến sự hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, lĩnh vực siêu thanh và khả năng hoạt động độc lập của tàu ngầm.

    Nhật Bản và Hoa Kỳ đã hợp tác chặt chẽ về công nghệ quân sự. Không quân Nhật Bản vận hành máy bay chiến đấu F-35 và sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, cả hai đều do nhà thầu Mỹ Lockheed Martin chế tạo. Liên minh với Hoa Kỳ trở nên trọng yếu hơn bao giờ hết đối với Tokyo, mà sự phụ thuộc trong lĩnh vực tình báo và khả năng phát hiện tiên tiến vốn đã rất mạnh trong khuôn khổ của hệ thống phòng thủ tên lửa. Một sự phụ thuộc sẽ tăng lên cùng với việc mua tên lửa Tomahawk, đặc biệt là khi Tokyo có kế hoạch trang bị cho các tàu khu trục được trang bị hệ thống chống tên lửa Aegis.

    Vả lại các quan chức Nhật Bản sẽ không chống đối các mối quan hệ đối tác được mở rộng, thậm chí với một “JAUKUS”. Khi cuộc cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc ngày càng gay gắt, Nhật Bản tin rằng họ có thể mang lại lợi thế quyết định cho đồng minh Mỹ lớn của mình dựa trên khả năng của Nhật trong các lĩnh vực tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, người máy, công nghệ lượng tử hoặc chất bán dẫn.

    Vào tháng 10 năm 2022, trong một chuyến thăm đáng chú ý tới Canberra, Fumio Kishida đã gia hạn một thỏa thuận cũ liên quan cụ thể đến việc chia sẻ thông tin có nguồn gốc điện tử với Úc. Việc ký kết đã làm sống lại những dự đoán về việc Nhật Bản có thể trở thành thành viên của liên minh tình báo “Five Eyes” tập hợp các đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ: Vương quốc Anh, Australia, New Zealand và Canada.

    Mọi việc đã rõ: thời kỳ mà Nhật Bản là “người khổng lồ về kinh tế nhưng lại là một chú lùn về quân sự” thật sự đã qua rồi...

    http://www.phantichkinhte123.com


    Không có nhận xét nào