Header Ads

  • Breaking News

    Đỗ Thái Nhiên - Lá Diêu Bông

    Viết tại Omaha năm 2009

     

    Xã hội là môi trường sống của con người. Ngôn ngữ là phương tiện giúp con người giao lưu với xã hội. Sống đồng nghĩa với đối thoại. Tuy nhiên ngôn ngữ là ngôn ngữ chung. Sử dụng ngôn ngữ chung để diễn tả tâm tình riêng vốn là một công việc vô cùng khó khăn và phức tạp. Dưới chế độ độc tài hà khắc, người cầm bút đã phải vừa vận dụng ngòi bút với tất cả khó khăn của ngôn ngữ chung, vừa tinh vi lách tránh công an văn hóa bằng kỹ thuật: dùng cái hư làm nổi bật cái thực, nhắc đến cái thực với ẩn ý đẩy sự suy nghĩ hướng về cái hư. Đó là lý do giải thích tại sao trong lòng của chế độ CSVN đã xuất hiện một số các tác phẩm văn học nghệ thuật mang nội dung kỳ bí gần như huyễn hoặc. Không khí kỳ bí và huyễn hoặc kia là cả một lời mời gọi, thiết tha bao nhiêu, xoáy tim óc bấy nhiêu. Trên đỉnh cao nhất của thế giới thiết tha nhưng xoáy tim óc này, chúng ta tìm thấy bài thơ Lá Diêu Bông của thi sĩ Hoàng Cầm.

    Lá Diêu Bông

    Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
    Chị thẩn thờ đi tìm
    Đồng chiều
    Cuống rạ…
    Chị bảo:
    Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
    Từ nay, ta gọi là chồng.
    Hai ngày,
    Em tìm thấy lá
    Chị chau mày:
    – Đâu phải lá Diêu Bông.
    Mùa đông sau,
    Em tìm thấy lá
    Chị lắc đầu.
    Trông nắng vãn ven sông

    Ngày cưới chị
    Em tìm thấy lá
    Chị cười
    Xe chỉ ấm trôn kim
    Chị ba con
    Em tìm thấy lá
    Xòe tay phủ mặt
    Chị không nhìn
    Từ thuở ấy…
    Em cầm chiếc lá
    Đi đầu non cuối bể
    Gió quê vi vút gọi
    Diêu Bông hời…
    Ới Diêu Bông…!

    Hoàng Cầm (1959)

    Chúng ta hãy khảo sát bài thơ Lá Diêu Bông trên cả ba mặt: bản thể nhận thức và phương pháp.

    BẢN THỂ của Bài Thơ LÁ DIÊU BÔNG

    Hình ảnh vào đề bài thơ là hình ảnh lạnh lùng của chiều đông, trên cánh đồng ngổn ngang “cuống rạ”, người chị tâm sự với em:

    “Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
    Từ nay ta gọi là chồng”

    “Hai ngày sau”, “mùa đông sau” người em khoe với chị:

    “Em tìm thấy lá”

    Mỗi lần em khoe “tìm thấy lá”, chị lại lắc đầu:

    “Đâu phải lá Diêu Bông”

    Thời gian trôi qua mà chẳng có “đứa nào tìm được lá Diêu Bông”, người chị đành phải đi lấy chồng:

    “Ngày cưới chị
    Em tìm thấy lá
    Chị cười
    Xe chỉ ấm trôn kim”

    Có một lần, sau khi chị đã lấy chồng, người em lại khoe:

    “Em tìm thấy lá”

    Lần này, người chị phủ định một cách dứt khoát:

    “Xòe tay phủ mặt
    Chị không nhìn”

    Mặc cho người chị dứt khoát không tin ở sự xuất hiện của lá Diêu Bông, người em vẫn miệt mài đi tìm Diêu bông… Thế rồi, đời sống thật là thảm sầu:

    “Em cầm chiếc lá
    Đi đầu non cuối bể
    Gió quê vi vút gọi
    Diêu Bông hời…
    Ới Diêu Bông…!”

    Đi tìm bản thể của bài thơ Lá Diêu Bông tức là đi tìm ẩn ý nằm đàng sau các câu hỏi: Chị là ai? Em là ai? Tại sao Lá Diêu Bông lai là một loài lá chỉ có trong mộng tưởng? Phần nhận thức về bài thơ Lá Diêu Bông sẽ cho chúng ta đáp số đối với các câu hỏi vừa nêu.

    NHẬN THỨC về Bài Thơ LÁ DIÊU BÔNG

    Nhận thức về bài thơ Lá Diêu Bông tức là nhận thức về mối liên hệ giữa tác giả và nội dung của tác phẩm. Đồng thời cũng là nhận thức về thái độ đón nhận tác phẩm từ phía người đọc. Trước hết, chúng ta hãy ghi nhận hai chi tiết sau đây của bài thơ:

    – Chi Tiết Một: Bài thơ được mở đầu bằng hình ảnh gợi nhớ một chiều đông, trên cánh đồng trơ “cuống rạ”. Câu chuyện trong thơ là câu chuyện diễn ra trong nhiều năm: Mùa đông này rồi lại đến “mùa đông sau”.

    – Chi Tiết Hai: Bài thơ được sáng tác vào năm 1959. Trong liên hệ giữa mùa này với mùa kia: mùa Đông đến sau mùa Thu. Trong liên hệ giữa năm này với năm kia: Năm 1959 đến sau năm 1945.

    Mang hai chi tiết nêu trên đặt cạnh nhau, chúng ta thấy ngay rằng Lá Diêu Bông là bài thơ có chủ ý diễn tả những cảm nghĩ của tác giả về một sự việc đã thực sự xảy ra và thực sự có những yếu tố hiển nhiên để đánh giá. Sự việc đã xảy ra là sự việc gì? Đối với Hoàng Cầm, một nhân vật trọng yếu của vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, sự việc đã xảy ra chẳng thể là gì khác hơn cái gọi là: Cách Mạng Mùa Thu 1945. Mùa thu là mùa của “cách mạng” thì mùa đông là mùa nhân dân bắt đầu thắc mắc về “cách mạng”. Điều này cho chúng ta thấy không phải vô tình mà vấn đề Lá Diêu Bông được đặt ra vào mùa Đông. CSVN đã trả lời hoài nghi của nhân dân đối với cách mạng bằng hai biến cố: Cải Cách Ruộng Đất và vụ án Nhân Văn Giai Phẩm (1956).

    Hoàng Cầm đã tài tình dùng hình ảnh chị và em để nói lên mối liên hệ giữa thế hệ này và các thế hệ sau. Chị là biểu tượng của thế hệ này: Thế hệ của những người Việt Nam đã thực sự đau khổ dưới ách Cộng Sản, có kinh nghiệm về Cộng Sản. Em là biểu tượng của các thế hệ sau. Các thế hệ sau bao gồm những người vẫn còn tin tưởng ở một lúc nào đó, tại một nơi nào đó “các em” sẽ tìm được lá Diêu Bông.

    Bây giờ chúng ta hãy trở về với nhân vật người chị. Đối với một thiếu nữ: ước mơ tha thiết nhất, ước mơ trang trọng nhất là ước mơ gặp được một người chồng tâm đầu ý hợp. Ước mơ này đồng dạng với ước mơ của nhân dân có được một chánh quyền thực tâm phục vụ tự do dân chủ. Ý niệm về tự do dân chủ đơn giản và rõ ràng như hình ảnh một chiếc lá. Thế nhưng đối với “ngụy quyền kiểu CSVN” thì tự do dân chủ phải là một loại lá không có thật: Lá Diêu Bông. Biết được thực chất phản dân chủ của CSVN, chị nói với em:

    “Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
    Từ nay, ta gọi là chồng”.

    Chữ “đứa” ở đây rõ ràng là cách xưng hô của chị đối với em. Văn hóa Việt Nam không cho phép vợ gọi chồng bằng “đứa”. Do đó, câu thơ vừa trích dẫn ở trên không thể bị hiểu rằng: Đứa nào tìm được lá Diêu Bông, từ nay ta gọi đứa đó là chồng. Vậy thì người chồng mà người chị để ý tìm kiếm là ai? Thưa rằng: Như đã trình bày ở trên, người chồng chỉ là hình ảnh biểu tượng cho nhà cầm quyền. Câu nói của người chị nên được hiểu như sau: Người nào chứng minh được nhà cầm quyền CSVN thực sự tôn trọng tự do dân chủ (có được lá Diêu Bông), từ nay “ta” gọi nhà cầm quyền đó là chính quyền. Và dĩ nhiên, “ta” chấp nhận làm người dân ngoan ngoãn của chính quyền. Thái độ của “ta” chẳng khác nào thái độ của bà vợ hiền bên cạnh ông chồng mẫu mực.

    Ngay sau “Cách Mạng Mùa Thu”, guồng máy tuyên truyền của CSVN làm việc rất tích cực và ồn ào. Mỗi thắc mắc của quần chúng về tự do dân chủ (Lá Diêu Bông) đều được cán bộ Cộng Sản nhanh nhẩu giải đáp. Tuy nhiên:

    “Hai ngày
    Em tìm thấy lá
    Chị chau mày
    Đâu phải lá Diêu Bông”

    Thế rồi với thời gian, thực chất phản dân chủ của CSVN càng ngày càng phơi bày trắng trợn. Và, cũng với thời gian, người dân (người chị là biểu tượng) đành phải bó tay trước bạo lực của “ngụy quyền CSVN”, đành phải miễn cưỡng chấp nhận mối quan hệ “quan chức” và nhân dân. Quan hệ này được ẩn náu dưới quan hệ vợ chồng. Trong tình huống đó, nhóm chữ “tự do, dân chủ” chỉ có ý nghĩa của một mỉa mai:

    “Ngày cưới chị,
    Em tìm thấy lá
    Chị cười
    Se chỉ ấm trôn kim”

    Điều đau đớn nhất nằm ở sự thể rằng: Không riêng gì chị, mà con cháu chị, các thế hệ sau chị vẫn phải sống, phải tiếp tục âm thầm và nhọc nhằn bước trên con đường tuyệt đối không tự do dân chủ:

    “Chị ba con
    Em tìm thấy lá
    Xòe tay phủ mặt,
    Chị không nhìn”

    “Chị không nhìn” có nghĩa là chị đã hoàn toàn nhìn ra: tất cả những gì mà CSVN gọi là tự-do dân-chủ chỉ là chiêu bài. Thế nhưng thật là xót xa cho các thế hệ đàn em. Họ vẫn miệt mài đi tìm Lá Diêu Bông. Lá Diêu Bông sẽ không bao giờ có. Có chăng chỉ là muôn vạn sinh linh trong Cải Cách Ruộng Đất đang quyện vào “gió quê” để tạo thành lời than vãn bi thiết về một tự-do dân-chủ chỉ có trong mộng tưởng:

    “Từ thuở ấy…
    Em cầm chiếc lá
    Đi đầu non cuối bể
    Gió quê vi vút gọi
    – Diêu Bông hời…
    Ới Diêu-bông…!

    Bằng bài thơ Lá Diêu Bông, thi sĩ Hoàng Cầm có chủ ý nói với thế hệ chúng ta và các thế hệ mai hậu: đi tìm tự-do dân-chủ dưới chế độ Cộng Sản, chắc hẳn chúng ta sẽ đi đến kết quả: “Em đi trăm núi, ngàn sông, nào tìm thấy Lá Diêu Bông bao giờ!” (nhạc và lời Phạm Duy).

    PHƯƠNG PHÁP LUẬN của bài thơ LÁ DIÊU BÔNG

    Theo lời của tác giả Lý Kiệt Luân, có một lần Hoàng Cầm đã tâm sự với thân hữu: “Cái cuộc đời của tôi, ngẫm nghĩ cái gì cũng thế… nó cứ bị trói gom lại như… như… cái lá Diêu Bông! Nếu có ai bắt nguồn với tôi, dù chỉ là quen biết sơ khai ban đầu thì nó cũng từ cái lá Diêu Bông mà ra… Cho nên phải nói: nó là cái lá Định Mệnh của tôi hơn là gọi nó như là tên của một bài thơ” (Việt Nam News – Xuân Ất Hợi – trang 85).

    Lời phát biểu kể trên của thi sĩ Hoàng Cầm chỉ là một kiểu nói khiêm tốn. Trong thực tế, Hoàng Cầm đã ban cho Lá Diêu Bông một sinh mệnh, chứ Lá Diêu Bông không hề tạo được định mệnh cho Hoàng Cầm. Bằng phương pháp nào Hoàng Cầm đã mang sinh mệnh đến với Lá Diêu Bông? Sinh mệnh của thi phẩm chính là sức sống của thi phẩm đó trong lòng người. Nói đến lòng người tức là nói đến sự thuận hợp với Lịch Sử quan. Cách nay hơn bốn thập niên, mặc dù bị chế độ Cộng Sản bưng mắt bịt tai, Hoàng Cầm vẫn nhìn ra Sử Quan con người: lấy tự-do dân-chủ làm hướng tiến của lịch sử. Lá Diêu Bông chuyên chở ba chủ ý:

    – Tố cáo chế độ CSVN phản dân chủ, nhân quyền.

    – Nói lên nỗi đau khổ của người dân bị “ép duyên” phải sống với chế độ độc tài.

    -Trình bày những di hại của chế độ phản dân chủ qua nhiều thế hệ.

    Điều quan trọng không là tác giả đã nghĩ gì khi sáng tác ra bài thơ. Mà điều quan trọng chính là những cảm nghĩ của người đọc trải dọc theo chiều dài sinh mệnh của bài thơ. Người nghệ sĩ không thể và không cần tiên liệu mọi phản ứng của người đọc đối với tác phẩm của mình sau một thời gian dài tác phẩm đó đã đi vào dòng đời. Người nghệ sĩ bao giờ cũng sáng tác trên lập luận rằng: Bên cạnh tiêu chuẩn về nghệ thuật, phương pháp xây dựng sinh mệnh cho tác phẩm đòi hỏi tác giả phải có khả năng tạo điều kiện cho tác phẩm sống thuận chiều với lịch sử. Nói cách khác, tác giả cần có lịch sử quan thích nghi.

    Tóm lại, bản thể của Lá Diêu Bông là ước vọng tự do dân chủ được gói ghém bên trong một câu chuyện thiết tha, trữ tình và duyên dáng. Nhận thức của Lá Diêu Bông là những nhận thức đạt mức quân bình hữu lý giữa hai nhu cầu. Bên này là nhu cầu an toàn của người cầm bút. Bên kia là nhu cầu chuyển gửi một cách trung thực những cảm nghĩ sâu sắc của tác giả đến với người đọc. Phương pháp của Lá Diêu Bông là phương pháp vận dụng lịch sử quan con người, lịch sử quan của tự-do dân-chủ nhân-quyền nhằm gầy dựng sức sống bền bĩ và hấp dẫn cho tác phẩm. Trên cả ba mặt bản thể, nhận thức và phương pháp, Hoàng Cầm quả thực là tác giả tuyệt hảo của Lá Diêu Bông.

    Đỗ Thái Nhiên


    Không có nhận xét nào