Header Ads

  • Breaking News

    Trường trung học phổ thông và tổng hợp ở Sài gòn Chợ Lớn và Gia định trước năm 1975.

    Phụ trang 104

    May 3, 2023 by Lê Thy 

    C- DANH SÁCH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC MỚI THÊM VÀO

    Danh sách này được sắp thứ tự theo địa bàn Quận của Sàigòn, tiếp theo là Gia Định và sau là mẫu tự tên trường.

    1-Trường Duy Nhất


    Ngã tư đường Công Lý-Nguyễn Đình Chiểu
    Quận 3-Sàigòn

    Theo tài liệu [1] : Trường Duy Nhất tọa lạc tại ngã tư Công Lý-Nguyễn Đình Chiểu, bên kia đường là trụ sở đạo Ba Hai.Trường này nằm sau viện Pasteur và gần trường Charles de Gaulle đã được đăng trong bài gốc.

    Trường Duy Nhất là trường trung học tư thục nhỏ chỉ là dạy luyện thi.

    Đầu năm 70, dân kỹ thuật ồ ạt đi học tiếng Đức để du học tự túc, vì vậy các thầy ở Trung tâm Văn hóa Đức (viện Goethe) mướn thêm ở đây để dạy thực hành.


    https://pvbhoamy.files.wordpress.com/2023/04/103-1-hangraotruongduynhat.jpg?w=500


    (Phụ đề : Qua ngã tư Công Lý-Yên Đỗ. Bên tay trái là xóm Lách hay xóm Chuồng Bò, bên phải là xóm Nhà Đèn tới một khoảng là trung tâm văn bút nơi nhà văn Chu Tử bị ám sát năm 1965. Đi thêm nữa là cư xá Kiến thiết trãi dài tới cầu Công Lý. Tay trái ta có chùa Vĩnh Nghiêm và trường Sao Mai ngay cạnh cầu).

    Tài liệu tham khảo :

    1-Hình xưa đường Công Lý, Sàigòn trước 75

    2-Trường Đồng Tâm


    Bến Phạm Thế Hiển
    Quận 8-Sàigòn

    Trường Đồng Tâm tọa lạc tại Bến Phạm Thế Hiển-Quận 8-Sàigòn là trường trung tiểu học công giáo thành lập bởi giáo xứ Bình An vào năm 1956.

    Sau đây là lược sử của trường Đồng Tâm theo tài liệu [1] :

    Cuối năm 1954, hàng trăm ngàn người miền Bắc di cư vào Nam sinh sống (ty nạn Cộng sản thì đúng hơn ?) . Trong đó, gần mười ngàn người đa số là giáo dân gốc Phát Diệm, dưới sự dẫn dắt của Cha Phaolô Hoàng Quỳnh và một số quí Cha gốc Phát Diệm, qui tụ và định cư trên dải đất Bình Xuyên, dọc Bến Phạm Thế Hiển, quận 8, Sàigòn, chạy dài hơn 5 cây số từ cầu chữ Y phường Rạch Ông đến Bến Đá giáp quận Bình Chánh.

    Ngày 1 tháng 5 năm 1955, giáo xứ Bình An chính thức được thành lập, nhận Đức Mẹ Mân Côi làm Quan Thầy của giáo xứ (Đức Mẹ Mân Côi cũng là Quan Thầy của Giáo Phận Phát Diệm). Đức Giám Mục Giáo Phận Sàigòn Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền bổ nhiệm Cha Phaolô Hoàng Quỳnh làm chính xứ kiêm Hạt trưởng hạt Bình An.

    Chỉ một năm sau khi thành lập giáo xứ, vào năm 1956, Cha chính xứ Phaolô Hoàng Quỳnh đã cho xây ngôi trường đầu tiên trong khuôn viên Nhà thờ để giáo dục các con em trong giáo xứ. Có 10 phòng học trong hai dãy nhà ghép gỗ, lợp tôn cũ. Cha Giuse Đoàn Phi Hùng (phó xứ) được cử làm Hiệu trưởng, tiếp nhận 200 học sinh tiểu học.

    Từ năm 1962 đến năm 1975, Cha Luca Trần Khánh Tích làm Hiệu trưởng, Thời gian này nhà trường không ngừng cải thiện cơ sở vật chất (trường sở ?), và ngôi trường trung tiểu học Đồng Tâm, khang trang, tiện nghi đã có thể tiếp nhận 2.000 học sinh trong khu vực không kể lương hay giáo đến học tập, rèn luyện. Đó cũng là ngôi trường Tư thục Công giáo duy nhất của hạt Bình An ở cả 3 cấp: tiểu học, trung học đệ Nhất, đệ Nhị cấp.

    Sau năm 1975, trường trung tiểu học Đồng Tâm sở hữu của của giáo xứ giáo xứ Bình An bị ngụy quyền Cộng sản cướp và đổi trở thành trường tiểu học Phạm Thế Hiển. Dãy trường học 4 tầng lầu đã ngưng hoạt động nhiều năm nay vì hư hại trầm trọng, không thể sử dụng được nữa.

    https://pvbhoamy.files.wordpress.com/2023/04/103-2-truongphamthehien.jpg?w=500

    Tài liệu tham khảo :


    1- Tổng Giáo phận Sàigòn-Nhà thờ Giáo xứ Bình An:  Lược sử Giáo xứ Bình An 

    2- Google: Trường Tiểu Học Phạm Thế Hiển.

    3- Trangvang.Biz: Trường Tiểu Học Phạm Thế Hiển.

    3-Trường Đắc Lộ


    Đường Phạm Hồng Thái
    Quận Tân Bình-Gia Định

    Theo tài liệu [1] : Trường Đắc Lộ là một trường trung học tư thục công giáo được xây dựng từ năm 1968 đến năm 1972 bởi tu hội Đắc Lộ.

    Từ năm 1975, trường Đắc Lộ bị ngụy quyền Cộng sản cướp và bị đổi tên thành Trường phổ thông cơ sở cấp I, II Ngô Quyền.

    Từ năm 1986,trường đổi thành Trường phổ thông cơ sở cấp II Ngô Quyền.

    Từ năm 1990 chuyển thành Trường trung học cơ sở bán công Ngô Quyền.

    Và từ 2004 đến nay trường mang tên Trường trung học cơ sở Ngô Quyền.

    Địa chỉ hiện nay của trường theo tài liệu [1,2] : : Số 97, đường Trường Chinh, phường 12, quận Tân Bình.

    (Phụ chú : Trường Chinh là một tên Cộng sản gộc đại ác ôn ở Hà Nội- Hắn ta được cử làm Trưởng ban cải cách ruộng đất Trung ương đảng Cộng sản. Nhiều người dân bị quy tội sơ sài là “địa chủ, tư sản bóc lột” và bị xử tử hình hay tù khổ sai.Tên đường này chỉ xuất hiện sau năm 1975, trước đó là đường Phạm Hồng Thái, đường này là đường Lê Văn Duyệt nối dài sau khi qua ngã tư Bảy Hiền).

    Những đoạn văn sau đây trích từ tài liệu [3] cho biết thêm vài chi tiết về trường Đắc Lộ.

    “Nhà thờ và tu hội Đắc Lộ được sáng lập năm 1957 do cha Giuse Vũ Khánh Tường (1925-1980) sau khi ông học từ Pháp trở về. Cha Tường có thời gian làm hiệu trưởng Trung học Nguyễn Bá Tòng trước khi tách ra riêng.

    Tu hội Đắc Lộ nằm tại số 31, ấp Tân Hiệp, xã Tân Sơn Nhì,quận Tân Bình, Gia Định (nay là số 97, đường Trường Chinh, phường 12, quận Tân Bình)

    Trước năm 1975, hoạt động chính của tu hội Đắc Lộ là mở trường dạy học có tên là Trường tư thục Đắc Lộ ( sau nay là trường cấp hai Ngô Quyền).

    Trường nằm trên con đường huyết mạch nối Sàigòn với Củ Chi, Hậu Nghĩa, Tây Ninh và Kampuchia, lại kế bên căn cứ không quân Tân Sơn Nhất và đối diện bộ chỉ huy sư đoàn nhảy dù của quân đội Sài Gòn trước năm 1975… nên không biết may mắn hay bất hạnh những người sáng lập Đắc Lộ và những tu sinh, học sinh của trường (các sử “da”) đã chứng kiến hàng loạt các sự kiện quan trọng của Sàigòn trong suốt thời gian khói lửa 1954-1975’’.

    Tài liệu tham khảo :

    1- timtruong.com.vn/: Trường THCS Ngô Quyền.

    2- Google:  Ngo Quyen Secondary School (Trường THCS Ngô Quyền).

    3- thuongcangthuquan.wordpress.com: Chép sử từ ngã tư Bảy Hiền

    4-Trường Đồng Công

    Thủ Đức-Gia Định

    Theo tài liệu [1] : Trường Trung Tiểu Học Đồng Công-Thủ Đức là trường công giáo được xây bởi Dòng Đức Mẹ Đồng Công hay Dòng Đồng Công (tiếng Anh: Congregation of the Mother Co-Redemptrix, viết tắt CMC)

    Trường có tất cả 17 lớp học, từ tiểu học tới đệ nhị cấp, bao gồm cả nội trú. Khu nội cho 500 em, gồm một dãy nhà 2 lầu, một dãy nhà 3 lầu để dạy học, và 3 dãy nhà trệt, mỗi dãy dài 20 căn để làm nhà chơi, nhà ăn và nhà sinh hoạt, chưa kể đến một nhà nguyện cho học sinh nội trú. Hiện nay (sau 1975) khu nội trú sở hữu của Dòng Đồng Công đã bị ngụy quyền Cộng sản cướp và đổi thành Trường Trung Học Cơ Sở Thái Văn Lung.

    Khu ngoại trú có 12 lớp học, cho 600 học sinh, hiện nay (sau 1975) khu ngoại trú này đã trở thành Trường Tiểu Học Văn Hải.

    Hiệu trưởng đầu tiên và như muôn năm là Anh Đoàn Phú Xuân, Giám đốc ký túc xá đầu tiên là Anh Phạm Nam Việt, quản lý là Anh Nguyễn Đức Khoan. Sau 13 năm phục vụ, vào tháng 6 năm 1969, vì lý do đặc biệt, trường đã tạm đóng cửa trước nỗi luyến tiếc của hầu như tất cả các phụ huynh.

    (Anh Đoàn Phú Xuân, vị hiệu trưởng Trường Trung Tiểu Học Đồng Công Thủ Đức hầu như muôn năm, vị giáo sự về Hiến Pháp và Tục Lệ của dòng của Tập Sinh Đội IXA, vị tiến sĩ lưỡng luật của dòng đầu tiên trong số anh em Đồng Công du học ở Giáo Đô Roma, và là vị Tổng Vụ đầu tiên thay thế Anh Cả để phục vụ anh em dòng trong thời gian chuyển tiếp quan trọng đầy khó khăn về mọi mặt bấygiờ).


    https://pvbhoamy.files.wordpress.com/2023/04/103-3-congtruongdongcong.jpg?w=500


    Tài liệu tham khảo :

    1- Hội Thân Hữu Đồng Công Dòng Mẹ Cứu Chuộc: Về Nguồn Đồng Công

    5-Trường Đông Nhì hay Chi Lăng 2


    Đường Chi Lăng
    Phú Nhuận-Gia Định

    Theo tài liệu [1] : Trường Đông Nhì trước năm 1975 có tên là Đông Nhì, Chi Lăng 2.

    Năm 1975,trường mang tên cấp I, II Cao Bá Quát. Cơ sở của trường lúc ấy gồm có 1 dãy nhà gỗ, 1 dãy lầu 3 tầng: gồm tất cả 15 phòng học, trong đó dãy nhà gỗ không đúng quy cách (?), mục nát, chỉ có 9 phòng kiên cố (?), trong khuôn viên trường có một hồ tắm.

    Năm 1989, trường được tách cấp học riêng, lúc đó trường mang tên trường phổ thông cấp I Cao Bá Quát. Học sinh cấp I học cả hai buổi tại trường, học sinh cấp II được chuyển sang học trường Châu Văn Liêm.

    Ngày 18 tháng 4 năm 1996, trường phổ thông cấp I Cao Bá Quát được đổi tên là trường tiểu học Cao Bá Quát.

    Địa chỉ hiện nay : 92, đường Phan Đăng Lưu, phường 5, quận Phú Nhuận, Gia Định.

    (Phụ chú : Phan Đăng Lưu là một tên Cộng sản thời Pháp. Tên đường này chỉ xuất hiện sau năm 1975, trước đó là đường Chi Lăng).

    Tài liệu tham khảo :

    1- timtruong.com.vn/: Trường tiểu học Cao Bá Quát.

    6-Trường Mai Khôi


    Đường Thánh Mẫu
    Khu ngã ba Ông Tạ
    Quận Tân Bình-Gia Định

    Theo Bổ túc của độc giả Hong Trinh, đăng trong phần Ý Kiến – Trả Lời của Bảo Vệ Cờ Vàng ngày 20/03/2023: Trường Mai Khôi là một trường trung học tư thục Công Giáo dành cho nữ sinh. Trường nằm cạnh nhà thờ Chí Hòa (hẻm Lê văn Duyệt/Trương Minh Ký). 

    (Phụ chú:

    – Nhà thờ Chí Hòa nằm gần đường Thánh Mẫu, khá xa đường Trương Minh Ký.

    – Theo tài liệu [1,2] : Trường Mai Khôi nằm trên đường Thánh Mẫu. Đường này nằm gần đường Bắc Hải-Kinh Bảo Ngạn-phường Chí Hòa-quận 10.Một đầu của đường Thánh Mẫu bắt đầu ở giao điểm của đường Lê Văn Duyệt và đường Thoại Ngọc Hầu, đầu kia chạy về hướng bệnh viện Vì Dân để trổ ra lại đường Lê Văn Duyệt.

    Advertisements

    REPORT THIS AD

    – Xin đừng lầm lẫn trường trung học Mai Khôi này với trường Mẫu Giáo tư thục Mai Khôi- số 3, đường Phạm Văn Chiêu,phường 13,quận Gò Vấp).

    Sau đây là lược sử thành lập của trường Mai Khôi, viết bởi tác giả tài liệu [1] , một cựu học sinh của trường :

    Đây là một ngôi trường vốn dành cho… nữ sinh. Giáo viên hầu hết là cô giáo, trong đó có các sơ (soeur) mà chúng tôi lúc đó gọi là dì. Trường thuộc Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi, gốc Bùi Chu, theo dòng di cư vào Nam.

    Đến 1956, nhà dòng mua khu đất 552 đường Thánh Mẫu (nay là 123 Bành Văn Trân), dựng tạm một ngôi nhà bằng gỗ mở Trường tiểu học Vũ Ngọc Hoàn (tên linh mục bề trên nhà dòng thời kỳ 1952-1953).

    https://pvbhoamy.files.wordpress.com/2023/04/103-4-tienthantruongmaikhoi.jpg?w=640&h=276

    (Phụ chú : Bành Văn Trân là một tên Việt Cộng đặc công khu Sàigòn-Chợ Lớn và Gia Định,bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bắt giữ, đày đi Côn Đảo, sau hắn chết trong tù? Sau năm 1975, bọn ngụy quyền Cộng sản lấy tên của một tên khủng bố giết người này để thay thế tên Thánh Mẫu thánh thiện).

    Năm 1958, hai năm sau, trường được xây kiên cố và đổi tên thành Trường trung tiểu học Mai Khôi (ngôi trường này tồn tại mãi đến 2020 mới phá bỏ và 2021 xây mới).

    Trường có khu ký túc xá phía sau dành cho các đệ tử (chị em dự tu) tá túc, sau cho cả học trò ở xa hoặc gần đó nhưng cha mẹ muốn gửi con nội trú. Học trò đứa nào không ngoan, bị phạt “cấm túc”, cuối tuần không được về nhà. Có lần tôi thấy một đứa bạn bị phạt như vậy, thấy bạn bè ôm tập vở, quần áo về, mắt nó đỏ hoe… Nghe nói đêm đó, thứ bảy chủ nhật cuối tuần, nó khóc cả đêm vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ, anh chị em…

    Cổng trường theo kiểu cổng tam quan, giữa là cửa chính rộng cho học sinh ra vào, hai bên là cửa nhỏ có lẽ cho các thầy cô, dì sơ, phụ huynh đi khi giờ học đã bắt đầu. Tất cả đều dùng cửa sắt kéo, lúc ấy là hiện đại lắm. Trên cổng có tên trường đặt trên bệ hình chữ V bẹt – chắc là Vân Côi; na ná cổng trại Trần Hưng Đạo- Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa xéo đầu đường Thoại Ngọc Hầu.

    https://pvbhoamy.files.wordpress.com/2023/04/103-5-congtruongmaikhoi.jpg?w=640&h=588

    Trường Mai Khôi dạy trung tiểu học, từ mẫu giáo đến Đệ Tứ (lớp Chín hiện nay). Thoạt đầu trường chỉ nhận dạy nữ sinh, sau nhận cả nam, nhưng chỉ đến lớp Nhất (lớp Năm hiện nay). Tiểu học thì nam quần sọc (short) xanh, sơ mi trắng, nữ váy xanh, áo trắng. Từ lớp Đệ Thất (nay là lớp Sáu) chỉ còn các nữ sinh, áo dài trắng,quần đen và ngoài bảng tên trường, ngực áo các chị cài thêm một cánh hoa hồng màu đỏ (logo (biểu tượng, phù hiệu) nhà trường và nhà dòng) bằng nhôm. Khi nhận thêm nam sinh, trường vẫn dạy môn nữ công, cụ thể là khâu vá. Tôi còn nhớ tới giờ mấy mũi khâu vá ấy như mũi mắt xích, mũi liên hoàn… Được đâu một, hai năm thì bỏ, thay bằng vẽ, thủ công. Lý do: đám học trò nam toàn lấy kim… đâm nhau (!).

    Vào qua cổng trường là một khu vực trống để xe. Hai bên là văn phòng và phòng giám thị. Hồi tôi học, hiệu trưởng là dì Lại Thị Hương, sau là dì Hoàng Thị Sự; giám học (phụ trách học vụ, chuyên môn) là dì Bùi Thị Nhị; giám thị là dì Vũ Thị Thúy, ít khi cười- học trò đứa nào cũng sợ cây roi mây “ác liệt” của dì Thúy. Phòng giám thị tôi chưa từng bị điệu cổ vô, chỉ thỉnh thoảng lấm lét nhìn vào trong giờ ra chơi khi dì Thúy “làm việc” với một học trò nào đó đang ngồi trên ghế dài, khoanh tay, mặt mũi tái mét. Có lúc tôi thấy mấy chị áo dài bị quỳ quay mặt vào tường trong đó nên sợ lắm.

    Văn phòng thì vui hơn. Đó là nơi đóng học phí 400 đồng/tháng (một gói xôi cụ Ngoạn ở ngã ba Ông Tạ lúc ấy là 10 đồng) và nhận sữa, bánh mì miễn phí vào giờ ra chơi. Sữa mỗi lớp có một xô ướp lạnh sẵn, uống rất thơm và béo ngậy; rót từ một chiếc xe bồn màu xanh lá, có dòng chữ Foremost đậu trong sân trước. Bánh mì từng ổ lớn, thơm phức, đặc ruột, dài năm sáu tấc (50-60 cm), cắt khúc bỏ vào từng sọt (cần xế) mang về lớp. Mỗi trò phải uống một ly sữa và ăn hết khúc bánh mì đó. Ban đầu thì ngon, một thời gian sau ngán quá, có đứa lén đổ sữa, vứt bánh vào sọt rác; tệ hơn là tạt sữa nhau… Nhiều đứa vo cục bánh mì ném nhau lung tung. Thế là ăn roi, quất nổi lươn, nhẹ thì quỳ gối.

    (Phụ chú : Đoạn văn trên đã kéo TM, tác giả bài này, về những năm 1961-62 khi học lớp Nhì, lớp Nhứt tại trường Nam Tiểu Học Tân Định,quận 3-Sàigòn.Mặc dầu đã trên 60 năm, TM còn nhớ như ngày hôm qua,các học sinh không phân biệt nhà nghèo hay giàu của trường mỗi ngày đều được trường phát một ly sữa và một khúc bánh mì. Sữa này là sữa bột được nhân viên nhà trường bỏ vào một cái chảo gang to bự,quậy với nước và đun sôi.Cũng giống như một số học sinh trường Mai Khôi, một số học sinh trường Tân Định không uống được sữa, nên lén đỗ xuống đất hay vào bồn cây.Sau việc này, các học trò phải uống hết ly sữa trước mặt thầy, cô hay nhân viên trường. Một đọc giả của Mạng [3] cũng viết tương tự như trên : Học sinh trường Thánh Tâm (có trước năm 1975 ở tỉnh Gia Định), hàng ngày cứ vào giờ ra chơi là bắt buộc mỗi em phải uống một ly sữa tươi và nửa ổ bánh mì có khi là bánh quy lạt, nhiều đứa uống riết rồi ngán nên trốn dưới gầm bàn hoặc chạy trốn phía bên ngoài sau lớp học nhưng không thể thoát. Theo sự hiểu biết đại khái của TM, chương trình cung cấp sữa và bánh mì cho các trường tiểu học miền Nam Việt Nam,hình như do viện trợ Hoa Kỳ. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh Hoa Kỳ đã thực hiện đúng như các cụ ta đã dạy : Có thực mới vực được đạo. Cũng xin ghi thêm, chính phủ tỉnh bang Québec, xứ Canada nơi TM tỵ nạn Cộng sản, cũng thực hiện đúng cái phương châm này. Từ những năm gần đây,các học sinh nhà nghèo học bậc tiểu học, được nhà trường cung cấp bữa ăn sáng, đầy đủ chất bổ dưỡng).

    Hầu hết gia đình quanh khu vực này đều đưa con vào đây học. Trường cơ bản là nữ sinh nhiều nên phong trào văn nghệ sôi đông lắm: lúc thì chiếu phim “Vua hề Sạclô” (Charlot, Charlie Chaplin), lúc thì coi diễn xiếc, ảo thuật… Có năm lại đốt lửa trại giữa sân trường và sinh hoạt băng reo, trò chơi tập thể… rất vui. Dịp lễ Tết, Giáng Sinh hay Lễ bổn mạng nhà trường, các chị nữ sinh tập suốt ngày những tiết mục văn nghệ ca múa đủ cả, từ đồng dao “Ông Ninh ông Nang”, “Ươm tơ tằm, ta kéo tơ dệt áo…” đến ca múa hoạt cảnh “Trông quân Nguyên tàn phá non sông nhà, diệt thành trì toan xéo giày lăng miếu…”.

    Trong trường không hiểu sao trồng toàn cây bã đậu, gai đầy thân, không biết có phải để… phòng chống học trò leo cây không. Góc trường có một cầu tuột, giờ ra chơi chỉ toàn học trò lớp dưới chơi. Tôi học lớp Bốn, rồi lên lớp Năm, là đàn anh đám trẻ rồi, không chơi trò ấy.

    Sáng thứ Hai, trước giờ học là lễ chào cờ. Chào cờ xong, cả trường đồng ca “Mai Khôi hành khúc”:

    ‘’Hương bay khắp trời tựa như đóa hồng rung rinh trong gió.
    Hòa ngàn câu ca vang trong mây tràn lan khắp nơi.
    Tương lai sáng ngời tựa như đóa hồng khoe tươi trong nắng,
    Đang như mong chờ ta đi lên hướng dẫn cho đời.
    Mai Khôi ơi ta là hương thơm tới muôn người.
    Mai Khôi ơi ta là hương gieo rắc cho đời,
    con đường ngày mai đẹp tươi đang đón chờ ta.
    Mai Khôi ơi đem tình yêu thương đến muôn nhà.
    Mai Khôi ơi mang tình yêu tô thắm sơn hà,
    để người Việt Nam mọi nơi biết sống an hòa”.

    Một bài hành khúc nữa gọn hơn, nhiều học trò thuộc hơn:

     “Đoàn học sinh Mai Khôi trên đường tương lai reo vui.
    Non nước tưng bừng đón chào.
    Chúng ta đi lên một lòng cùng.
    Ánh vinh quang đợi ta về tô thắm sơn hà.
    Cùng thi đua chuyên chăm trên đường tương thân cố gắng.
    Mai mốt trên con đường xa.
    Bước hiên ngang xông pha đời ta vui tươi.
    Ta thành công, ngàn năm lừng tiếng non sông…”.

    Dứt bài, dì phụ trách cầm micro hô lớn: Mai Khôi! Cả đám học trò đáp: Quyết tiến. Ba lần. Nói như bây giờ thì “khí thế” lắm.

    Sau đây là vài hình ảnh cập nhật ngày 13 tháng 9 năm 2020 của ngôi trường Mai Khôi trích từ nguồn [4].

    https://pvbhoamy.files.wordpress.com/2023/04/103-6-congtruongmaikhoimatten.jpg?w=640&h=524

    https://pvbhoamy.files.wordpress.com/2023/04/103-7-daylaubentraimaikhoibienmat.jpg?w=300

    Đứng bên này nhìn rõ bên kia là nhà nguyện HHTM và Học viện Ngôi Lời (ngày xưa là Cafe Hoàng Gia )

    Nơi đây ngày xưa mình đã ngồi lê qua từng lớp, hết bậc Trung học.

    Đầu dãy, sát cổng trường, một thời là phòng của Cố Linh Mục-Nhạc Sĩ Võ Thanh (hiệu trưởng trường Mai Khôi) và Cố Nhạc Sĩ Hải Linh (tác giả bài Hang Belem) đã từng cư trú.

    Tài liệu tham khảo :

    1- Sàigòn Nhỏ-Cù Mai Công: Đoàn học sinh Mai Khôi trên đường tương lai reo vui”… 

    2- Sàigòn Nhỏ-Cù Mai Công: Thăm nhà tướng tá VNCH

    3- bostilux – Wikimapia: Trường THCS Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) 

    4- nshaitrieu.blogspot.com/: Mai Khôi Trường Xưa.

    7-Trường Tân Sơn Hòa


    Đường Thoại Ngọc Hầu
    Khu ngã ba Ông Tạ
    Quận Tân Bình-Gia Định

    Theo tài liệu [1] : Trường Tân Sơn Hòa là một trường Tiểu và Trung học được thành lập từ năm 1954.

    Bà Đinh Thủy Yến, phu nhân của Đại Tướng và Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, qua chị ruột mình là Đinh Thủy Thanh, giám thị trường Tân Sơn Hòa đã tài trợ xây lại trường năm 1974 (tài liệu [2]).

    Từ năm 1972 đến 1975, Trường Tân Sơn Hòa được đổi tên thành trường trung học Ngô Sĩ Liên.

    Theo tài liệu [3] : Sau 1975, trường không còn cấp ba nữa, lúc đó lớp cao nhất trường là 11.

    Từ năm 1975 đến 1989 : Trường Ngô Sĩ Liên bị ngụy quyền Cộng sản đổi tên thành Trường cấp I – II Ngô Sĩ Liên.

    Sau năm 1989 , trường này thành trường THCS Ngô Sĩ Liên.

    Địa chỉ hiện nay của trường : Số 12, đường Phạm Văn Hai , phường 2-quận Tân Bình.

    (Phụ chú : Phạm Văn Hai là một tên Việt Cộng đặc công ác ôn của Đặc khu Sàigòn- Gia Định. Hắn ta đã tham dự đánh hơn 30 trận vào các mục tiêu quân sự Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trong đó có trận đặt bom rạp Kinh Đô – ngày 21 tháng 9 năm 1963. Tên đường này chỉ xuất hiện sau năm 1975, trước đó là đường Thoại Ngọc Hầu).

    Tài liệu tham khảo :

    1- timtruong.com.vn/: Trường THCS Ngô Sĩ Liên.

    2- Sàigòn Nhỏ-Cù Mai Công: Thăm nhà tướng tá VNCH 

    3- Sàigòn Nhỏ-Cù Mai Công : Một cư xá nho nhỏ, kín đáo ở Ông Tạ 

    8-Trường Thánh Tâm


    Đường Lê Văn Duyệt
    Ngã ba Ông Tạ
    Quận Tân Bình-Gia Định

    Theo tài liệu [1,2,3] : Trường Thánh Tâm nằm ngay ở ngã ba Ông Tạ-Gia Định.Đối diện trường Thánh Tâm có phở Mai Hương, sau là Hiệp Thành, cạnh trường có phở Bình.

    (Phụ chú : Xin đừng lầm lẫn trường Thánh Tâm này với trường Thánh Tâm thuộc giáo xứ Hòa Hưng, nằm trên đường Tô Hiến Thành-Quận 10, Sàigòn, đã được đăng trong bài gốc. Sau năm 1975, trường Thánh Tâm-Hòa Hưng bị ngụy quyền Cộng sản tịch thu và đổi thành trường tiểu học Tô Hiến Thành).

    Tài liệu [4] viết : Trước cổng trường Thánh-Tâm là bến xe ngựa, sau là bến xe Lam. Từ đây người ta có thể suy ra rằng trường Thánh Tâm phải hiện hữu vào khoảng đầu thập niên 60 hay trước đó.

    Mặt khác theo tài liệu [5] :Trường Thánh Tâm (sau 1975 là Trường Tân Bình ) được xây dựng từ năm 1960, gồm 1428 học sinh cả cấp I-II (Tiểu học và Trung học đệ nhất cấp ?).

    Theo tài liệu [6] : Trường Thánh Tâm có từ trước năm 1975 do các dì Sơ phụ trách. Học sinh thời ấy rất sướng, hàng ngày cứ vào giờ ra chơi là bắt buộc mỗi em phải uống một ly sữa tươi và nửa ổ bánh mì có khi là bánh quy lạt, nhiều đứa uống riết rồi ngán nên trốn dưới gầm bàn hoặc chạy trốn phía bên ngoài sau lớp học nhưng không thể thoát. Về y tế, định kỳ 3 tháng một lần, có đoàn bác sĩ Hoa Kỳ đến khám bệnh và khám răng miệng, em nào bị sâu răng tức thì gia đình sẽ nhận được một giấy báo yêu cầu đưa em đó đến ngay trung tâm y tế quân đội Mỹ chữa trị gấp. Trong vòng một tuần lễ, nếu phụ huynh vẫn chưa đưa em nhỏ ấy đến theo như yêu cầu thì sẽ có mấy nhân viên đến tại trường chở em ấy đi điều trị…. và còn nhiều chuyện thú vị khác mà không thể kể hết ra được.

    (Phụ chú : TM, tác giả bài này, vào những năm 1961-62 khi học lớp Nhì, lớp Nhứt tại trường Nam Tiểu Học Tân Định,quận 3-Sàigòn và các bạn học sinh không phân biệt nhà nghèo hay giàu của trường mỗi ngày cũng được trường phát một ly sữa và một khúc bánh mì. Sữa này là sữa bột được nhân viên nhà trường bỏ vào một cái chảo gang to bự,quậy với nước và đun sôi.Cũng giống như một số học sinh trường Thánh Tâm, một số học sinh trường Tân Định không uống được sữa, nên lén đỗ xuống đất hay vào bồn cây. Sau việc này, các học trò phải uống hết ly sữa trước mặt thầy, cô hay nhân viên trường. Theo sự hiểu biết đại khái của TM, chương trình cung cấp sữa và bánh mì cho học sinh các trường tiểu học miền Nam Việt Nam, hình như do viện trợ Hoa Kỳ. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh Hoa Kỳ đã thực hiện đúng như các cụ ta đã dạy : Có thực mới vực được đạo.

    Ngoài ra ,TM còn nhớ các học sinh trường Tân Định cũng như tất cả các trẻ em miền Nam đều được trồng trái phòng bệnh đậu mùa và được chích thuốc ngừa Lao. Chương trình y tế này chắc hẳn cũng do viện trợ Hoa Kỳ).

    Tác giả tài liệu [7] đã theo học lớp 8 và lớp 9 (đệ ngũ và đệ tứ) tại trường Thánh Tâm.Vào thời điểm năm này, Sư huynh hiệu trưởng là thầy dòng Nguyễn Văn Ngươn.

    Như vậy, trường Thánh Tâm là trường trung tiểu học công giáo.

    Theo vào tài liệu [8] : Trường Thánh Tâm đã được dùng làm nơi tổ chức các cuộc bầu cử Hạ Nghị Sĩ và Thượng Nghị Sĩ. Ngoài ra, vào tết Mậu Thân 1968, trường Thánh Tâm đã trở thành nơi đón nhận các đồng bào chạy nạn chiến tranh từ Phú Thọ, Chợ Lớn.Người người đổ dồn về đây để tạm trú cho qua khỏi cơn khói lửa. Với ba đợt tổng tấn công cũng mất cả nửa năm trời, trường Thánh Tâm mới trở lại sinh hoạt học đường bình thường. Các xứ đạo Vùng Ông Tạ cũng giúp đỡ rất nhiều về vật chất cũng như tinh thần cho trường Thánh Tâm .

    Sau năm 1975,trường trung tiểu học công giáo Thánh Tâm bị ngụy quyền Cộng sản cướp vả đổi tên thành trường Tân Bình.

    Theo tài liệu [5] : Địa chỉ hiện nay của trường Tân Bình (đúng hơn là Trường Thánh Tâm) : Số 873 , đường Cách Mạng Tháng 8 (Sic), phường 7,quận Tân Bình.

    (Phụ chú : Đường Cách Mạng Tháng 8 (Sic) chỉ xuất hiện sau năm 1975, trước đó là đường Lê Văn Duyệt).

    Tài liệu tham khảo :

    1- Sàigòn Nhỏ-Cù Mai Công: Một tấm hình lịch sử

    2- Sàigòn Nhỏ-Cù Mai Công : Tết ở Ông Tạ, một trời vui! 

    3- Cù Mai Công : Sàigòn một thuở – ‘Dân Ông Tạ đó!’- NXB Trẻ.

    4- Lê Nguyễn Hiệp: Ký ức về Ngã 3 Ông Tạ-Xóm “Nai đồng quê” trước năm 1971 

    5- timtruong.com.vn/:Trường THCS Tân Bình

    6- bostilux – Wikimapia: Trường THCS Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) 

    7- Bùi Văn Phú: Một linh hồn sắc sảo, mênh mông 

    8- Lê Nguyễn Hiệp: Ngã Ba Ông Tạ Thời 1970

    ★★★

    Sau đây là Danh sách các trường trung học không có chi tiết mặc dầu TM đã cố gắng rất nhiều để tìm kiếm trên mạng. Xin các bậc thức giả bổ túc thêm.

    1-Trường Đại Hành-Sàigòn

    Giáo sư Toán, Đàm Quang Hưng (1930-2017) làm hiệu trưởng trường trung học Đại Hành từ năm 1971 tới năm 1975. (Nguồn : Tiểu sử cố Gs Đàm Quang Hưng).

    2-Trường Tân Thạnh


    Đường Phạm Hồng Thái
    Quận 2- Sàigòn

    Trường Tân Thạnh cao 2, 3 tầng, nằm trên đường Phạm Hồng Thái, quận 2,đối diện cây xăng Shell và bến xe đò Liên Hiệp, đường Phan Văn Hùm-ngã Sáu Sàigòn.(Nguồn: Bổ túc của độc giả Hong Trinh, đăng trong phần Ý Kiến – Trả Lời của Bảo Vệ Cờ Vàng ngày 20/03/2023). 

    https://pvbhoamy.files.wordpress.com/2023/04/103-8-phanvanhum.jpg?w=411https://pvbhoamy.files.wordpress.com/2023/04/103-9-benxedophanvanhum.jpg?w=438

    3-Trường Thăng Long


    Đường Bùi Viện
    Phường Bùi Viện
    Quận 2-Sàigòn

    Trường Thăng Long,di cư từ miền Bắc 1954, nằm trong một hẻm cụt đường Bùi Viện gần đường Cống Quỳnh, quận 2. Trường bị cháy và sau chỉ dạy Anh Văn. (Nguồn: Bổ túc của độc giả Hong Trinh, đăng trong phần Ý Kiến – Trả Lời của Bảo Vệ Cờ Vàng ngày 20/03/2023)

    4-Trường Võ Tánh


    Đường Võ Tánh
    Quận 2-Sài gòn

    Sau đây là sự tích trường Võ Tánh trích từ tài liệu [1] :

    Ông Trịnh Quang Tường, sinh năm 1913, vào thập niên 1940, mở hãng sản xuất xì-gà ở Hà Nội, lấy tên Facideo, viết tắt từ Fabriquer cigares d’Extrême Orient (Xưởng/hãng xì gà Viễn Đông). Hồi đó, người Pháp và người ngoại quốc thường hút xì-gà nên hãng chỉ làm xì-gà bán toàn Đông Dương chứ không sản xuất thuốc lá. Cơ sở của hãng ở Bạch Mai, khá lớn với hàng trăm công nhân, có Tây đen gác cổng và tài xế người Pháp.

    Cuối những năm chiến tranh Việt – Pháp, có lẽ không tin lắm về chiến thắng của quân đội Pháp, nhiều nhà buôn, dân thường Pháp và nước ngoài rút dần về nước. Hà Nội hầu như toàn lính Pháp. Ông dẹp hãng, vô Sàigòn mở một trường trung học dạy chương trình Pháp lấy tên là Võ Tánh ở số 52 đường Võ Tánh,hiện là đường Nguyễn Trãi, quận 1 (Trước năm 1975, đường Võ Tánh thuộc quận 2).

    Năm 1955, quân đội của nền Đệ nhất Cộng hòa đánh nhau với lính Bình Xuyên. Súng nổ trên đường Trần Hưng Đạo, sát bên Nguyễn Trãi,ông bán nhà này (trường Võ Tánh?).

    Điều đáng tiếc là tài liệu này không có ghi thêm chi tiết về ngôi trường này sau thời ông Trịnh Quang Tường.

    Tài liệu tham khảo :

    1- Cù Mai Công: Sàigòn một thuở- Dân Ông Tạ đó (tập 2)- Một người tài hoa ở quán cà phê xưa nhất Ông Tạ

    5-Trường Minh Hưng


    Đường Hiền Vương
    Quận 3-Sàigòn

    Trường Minh Hưng nằm trên đường Hiền Vương , quận 3. Học sinh với đồng phục xanh tim tím đậm (quần), xanh lợt (áo) nom khá đẹp. (Nguồn: Bổ túc của độc giả Hong Trinh, đăng trong phần Ý Kiến – Trả Lời của Bảo Vệ Cờ Vàng ngày 20/03/2023)

    6-Trường Quốc Tuấn


    Đường Trần Quý Cáp
    Quận 3-Sàigòn

    Trường Quốc Tuấn nằm đường Trần Quý Cáp, góc Bà Huyện Thanh Quan,quận 3.

    Trường này bị đóng cửa vì lý do cấp chứng chỉ học trình trái phép (khoảng 1968-1969),sau đó là trường Tân Văn đóng đô tại đây. (Nguồn: Bổ túc của độc giả Hong Trinh, đăng trong phần Ý Kiến – Trả Lời của Bảo Vệ Cờ Vàng ngày 20/03/2023)

    7-Trường Quang Minh


    Đường Trần Quốc Toản
    Quận 10-Sàigòn

    Trường Quang Minh là trường trung học tư thục công giáo, nằm trên đường Trần Quốc Toản, quận 10 gần nhà thờ Vinh Sơn. (Nguồn: Bổ túc của độc giả Hong Trinh, đăng trong phần Ý Kiến – Trả Lời của Bảo Vệ Cờ Vàng ngày 20/03/2023)

    Theo bài “Chuyện Cũ” của ông Nguyễn Ngọc Ngạn (nhà văn và điều khiển các chương trình nhạc kịch ở hải ngoại) đăng trên Thời Báo-The Vietnamese Newspaper: Ông Nguyễn Ngọc Ngạn , sau ngày 30 tháng 4 năm 75, có dạy một ít giờ tại trường Quang Minh ở nhà thờ Vinh Sơn đường Trần Quốc Toản. Nhà thờ Vinh Sơn là nơi phát khởi vụ nổi dậy chống ngụy quyền Cộng sản đầu tiên, sau 30 tháng 4 năm 75, và linh mục Nguyễn Quang Minh bị bắt ngay sau đó.

    https://pvbhoamy.files.wordpress.com/2023/04/103-10-nhathovinhson.jpg?w=640&h=514

    8-Trường Tinh Thần


    Đường Lê Văn Duyệt
    Quận 10- Sàigòn

    Trường Tinh Thần của các cha Tuyên Uý Công Giáo, nằm giữa Biệt Khu Thủ Đô và Quân Vụ Thị Trấn trên đường Lê Văn Duyệt- quận 10. Nay ngụy quyền Cộng sản gọi là trường CMT8. (Nguồn: Bổ túc của độc giả Dung Ta, đăng trong phần Ý Kiến – Trả Lời của Bảo Vệ Cờ Vàng ngày 14/08/2023)

    Phụ đề : Biệt Khu Thủ Đô

    Theo tài liệu [1] :

    Ngày 1 tháng 6 năm 1961, Tổng thống Ngô Đình Diệm Diệm đã ra sắc lệnh cải tổ các Quân khu thành các Vùng Chiến thuật, theo đó Quân khu Thủ đô được đổi thành Biệt khu Thủ đô, mở rộng địa bàn thêm tỉnh Gia Định, trực thuộc Vùng 3 Chiến thuật.

    Ngày 21 tháng 11 năm 1962, Tổng thống Diệm đã ra Sắc lệnh số 213/QP, sửa đổi lại điều 2 do Sắc lệnh số 98/QP, chia lại các Địa bàn Quân sự thành 4 Vùng Chiến thuật và 1 Biệt khu Thủ đô. Biệt khu Thủ đô trở thành một đơn vị cấp Quân khu Độc lập.

    Ngày 2 tháng 7 năm 1965, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương Nguyễn Cao Kỳ đã ký Sắc lệnh số 124-QP “Đổi danh hiệu Biệt khu Thủ đô thành Quân khu Thủ đô”.

    Theo điều 1 của Sắc lệnh: Ranh giới Quân khu Thủ đô tạm thời là ranh giới Biệt khu Thủ đô cũ, gồm Đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn, tỉnh Gia Định. Một năm sau, ngày 18 tháng 7 năm 1966, vẫn là Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương Nguyễn Cao Kỳ, lại ký tiếp Sắc lệnh số 130/SL/QP đổi danh hiệu Quân khu Thủ đô thành Biệt khu Thủ đô và quy định: Ranh giới Biệt khu Thủ đô bao gồm Đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn, tỉnh Gia Định và Đặc khu Côn Sơn. Biệt khu Thủ đô vẫn được đặt thuộc Vùng 3 Chiến thuật, có nhiệm vụ như một Khu Chiến thuật.

    Theo tài liệu [2] : Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ Đô được đặt tại trại Lê Văn Duyệt,thuộc quận 3, Sàigòn. Mặc dầu địa bàn hoạt động của Quân khu nhỏ gọn, nằm trọn hoàn toàn trong Quân khu 3, nhưng trách nhiệm của Biệt khu Thủ Đô rất nặng nề và tối quan trọng.

    (Chú thích : Trên bản đồ Đô Thành Sàigòn và các vùng phụ cận, đường Lê Văn Duyệt là đường phân giới giữa hai quận 3 và quận 10. Biệt khu Thủ đô và Quân Vụ Thị Trấn nằm trong phường Chí Hòa thuộc quận 10, bên kia đường là phường Lê Văn Duyệt, khu Hỏa Xa).

    Lực lượng trực tiếp dưới quyền của Biệt khu Thủ Đô gồm các Đại đội phiên hiệu từ 306 đến 310 đồn trú trong nội đô và ven đô; cùng Lực lượng các Phân khu, Tiểu khu (Tỉnh), các Chi khu (Quận) và Lực lượng Quân cảnh duy trì kỷ luật, hợp thành Liên đoàn An ninh Thủ đô, ngoài ra còn có Lực lượng của các Bộ Tư lệnh, Bộ chỉ huy của các Quân, Binh chủng như Hải quân, Không quân, Sư đoàn Nhảy dù, Sư đoàn Thủy quân Lục chiến, Bộ chỉ huy Biệt động quân Trung ương, Bộ chỉ huy Thiết giáp và Liên đoàn Biệt cách Dù sẵn sàng ứng phó.

    https://pvbhoamy.files.wordpress.com/2023/05/103-11-trailevanduyet.jpg?w=493https://pvbhoamy.files.wordpress.com/2023/05/103-12-khonganhtrailevanduyet1969.jpg?w=493

    Tài liệu tham khảo :

    1- FB Sài Gòn Xưa 

    2- Bách khoa toàn thư: Biệt khu Thủ đô

    9-Trường Hoài An


    Đường Chu Mạnh Trinh
    Phú Nhuận-Gia Định

    Trường Hoài An nằm trên đường Chu Mạnh Trinh, gần đại lộ Chi Lăng.  (Nguồn: Bổ túc của độc giả Hong Trinh, đăng trong phần Ý Kiến – Trả Lời của Bảo Vệ Cờ Vàng ngày 20/03/2023)

    10-Trường Nhân Chủ


    Đại lộ Nguyễn Văn Thoại
    Quận Tân Bình- Gia Định

    Trường Nhân Chủ nằm trên đại lộ Nguyễn Văn Thoại quận Tân Bình.Trường này có thể được thành lập vào năm 1970-71 (?) (Nguồn: Bổ túc của độc giả Hong Trinh, đăng trong phần Ý Kiến – Trả Lời của Bảo Vệ Cờ Vàng ngày 20/03/2023)

    11-Trường Quốc Anh


    Đường Cách Mạng 1-11
    Quận Tân Bình-Gia Định

    Trường Quốc Anh nằm trên đường Cách Mạng 1-11,Gia Định. (Đường này là đường Công Lý bên quận 3-Sài gòn sau khi qua cầu Công Lý chạy vô tỉnh Gia Định).

    Trường này bị cháy nặng khoảng năm 65-66 ?? rồi đóng cửa luôn. (Nguồn: Bổ túc của độc giả Hong Trinh, đăng trong phần Ý Kiến – Trả Lời của Bảo Vệ Cờ Vàng ngày 20/03/2023)

    ★★★

    Tổng Kết : 

    Trong Phụ trang bổ túc số 104 này :

    – Lời Mở Đầu và 12 ngôi trường được bổ túc;

    – Tổng cộng 19 trường đã được ghi thêm (8 ngôi trường có chi tiết và 11 trường không chi tiết)

    https://baovecovang2012.wordpress.com/2023/05/03


    Không có nhận xét nào