Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam: Ngân hàng vẫn đầy tiền???

    Hàn Lam/VNTB

     “Không có chuyện” hết room tín dụng

    Ngân hàng Nhà nước khẳng định không có chuyện này. ‘Room tín dụng’ tại các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào, đủ đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế.

    Room tín dụng vẫn cao hơn mức tăng trưởng

    Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định không có chuyện này. Room tín dụng (hạn mức tín dụng) tại các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào, đủ đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế.

    Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, thông tin cạn room tín dụng ở một số ngân hàng là không có cơ sở. Bởi Ngân hàng Nhà nước định hướng room tín dụng trong năm 2023 là 14-15%, trong khi đó, tăng trưởng tín dụng hiện chưa cao, chưa gây áp lực đến hạn mức tăng trưởng tín dụng. Vì vậy, hoàn toàn không có chuyện các ngân hàng thiếu nguồn vốn để cấp tín dụng cho khách hàng ở thời điểm này.

    Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết trong bốn tháng đầu năm nay, tín dụng trên địa bàn thành phố mới tăng gần 2%. Do đó, dư địa tín dụng cho doanh nghiệp thành phố thời gian tới vẫn còn rất lớn.

    Doanh nghiệp giờ đang… đứng yên

    Ghi nhận ý kiến của bà Anh Thư, giám đốc một công ty xuất khẩu thủy sản có trụ sở tại TP.HCM, từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, doanh nghiệp của bà tiếp cận vốn ngân hàng không dễ. Chưa kể hạn mức tín dụng lúc hết, lúc còn, dẫn đến lãi suất vay cứ thế tăng lên nên người đi vay rất sợ vì rủi ro cao.

    “Bây giờ các ngân hàng thương mại lớn vẫn cho vay nhưng tiếp cận được cũng không phải dễ. Ở đâu nói cho vay lãi 7 – 8%/năm và không biết có bao nhiêu doanh nghiệp vay được mức này, chứ những doanh nghiệp tôi quen biết vay rẻ lắm cũng là 9%/năm, đối với cá nhân thì từ 12 – 16%/năm. Lãi vay cao, thị trường bấp bênh nên doanh nghiệp đành đứng yên không dám làm gì”, bà Anh Thư nói.

    Ông Vũ Duy Hân, Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trường Sơn Thịnh, nhìn nhận với tình hình lãi suất cho vay cao, đơn hàng xuất khẩu nhỏ lẻ, giá trị thấp, doanh nghiệp của ông đang phải đối mặt với tình trạng thua lỗ. “Doanh nghiệp đã xác định năm nay chỉ cố gắng duy trì đủ việc làm cho hơn 700 lao động chứ không thể nghĩ đến lợi nhuận”, giám đốc doanh nghiệp này cho biết.

    Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM – cho rằng, “hiện tỷ suất lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đều dao động 11-12%, chưa trừ khấu hao và lãi ngân hàng. Nếu phải vay với lãi suất trên 10% như hiện nay thì doanh nghiệp sẽ bị lỗ và khó có thể phục hồi”.

    Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nói thẳng số lượng hội viên được vay mới từ đầu năm đến nay rất hạn chế dù cũng thuộc lĩnh vực nông nghiệp được ưu tiên.

    “Theo giải thích của ngân hàng, các chủ trại đang thua lỗ thì không được vay mới. Tuy nhiên có hợp tác xã chăn nuôi heo thịt dù có tài sản thế chấp, hoạt động có lãi với đầy đủ báo cáo tài chính, giấy tờ chứng minh nhưng nộp hồ sơ vài tháng qua vẫn chưa được phê duyệt mà cứ bảo chờ. Thiếu tiền để duy trì hoạt động, giữ chuồng trại nên họ đi vay nóng bên ngoài để mua thức ăn cho heo, gà hoặc thậm chí để đáo hạn cho ngân hàng hòng tránh bị chuyển nhóm nợ xấu, bị xử lý trang trại…”, ông Công bức xúc.

    Góc nhìn khác, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết trong khi cuối năm ngoái và đầu năm nay, doanh nghiệp còn liên tục kêu khó tiếp cận vốn vay, lãi suất cao nhưng đến hiện tại thì có phần ngược lại, tiếp cận vốn dễ hơn, nhưng doanh nghiệp không biết nên vay làm gì cho hiệu quả.

    “Hiện nay tâm trạng chung của doanh nghiệp là cố gắng cầm cự, giữ đơn hàng và trông chờ vào đơn hàng mới. Có những doanh nghiệp không cầm cự được, phải bán bớt một phần tài sản để trả nợ vì không muốn bị xếp vào nhóm nợ xấu hoặc mất uy tín trong vấn đề thanh toán”, Chủ tịch HUBA nhận xét.

    Phiên bản 2023 của “hoàng đế ở truồng”

    Tuy nhiên dường như thực trạng trên đã không được sự đồng tình của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam, khi một tuần lễ trước đây ở Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có diễn văn khai mạc hội nghị với ‘định hướng’ như sau:

    “Nhân đây, tôi xin nhắc lại và nhấn mạnh thêm một vài điều tôi nghĩ là cần thiết. Trong một số lần phát biểu trước đây, tôi đã mạnh dạn khẳng định: Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

    Những kết quả và thành tựu đạt được trong thời gian qua là sản phẩm kết tinh sự sáng tạo của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta”.

    Phát biểu đầy phấn khích trên dễ làm liên tưởng đến câu chuyện “Bộ quần áo mới của hoàng đế” của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen, về việc hai người thợ dệt hứa với vị hoàng đế là sẽ dệt cho ông một bộ y phục mà khi ông mặc vào thì những kẻ ngu ngốc, bất tài hoặc bất xứng với địa vị của họ sẽ không thể nhìn thấy.

    Khi hoàng đế mặc bộ y phục mới này đi diễu hành trước đám quần thần thì không ai dám nói rằng họ chẳng nhìn thấy bộ quần áo nào, cho tới khi một đứa bé kêu lên “Nhưng ông ấy có mặc quần áo nào đâu”…

    Truyện này đã được dịch sang hơn một trăm ngôn ngữ khác nhau và cũng được chuyển thể sang nhiều thể loại khác nhau trong đó có phim, phim hoạt hình, kịch, nhạc kịch, ballet và ca khúc.

    https://vietnamthoibao.org


    Không có nhận xét nào