Header Ads

  • Breaking News

    Đài Loan lược sử : Chiến tranh Triều Tiên đã cứu sống Đài Loan như thế nào?

    Trịnh Hữu Long

    Luật Khoa Tạp Chí

    Kỳ  4. Hết

     


    Nguồn ảnh: Wikimedia Commons, Taiwan News. Đồ họa: Luật Khoa.

    Không ai xa lạ với việc Đài Loan được gọi là nền kinh tế thần kỳ (economic miracle), hay một trong Tứ Hổ của châu Á (Asian Tigers).

    Biểu tượng được biết đến nhiều nhất của Đài Loan là tòa nhà Taipei 101 hình cây tre ở thủ đô Đài Bắc, một trong những tòa nhà cao nhất thế giới. Mức thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của nước này đã đạt 32.811 USD và được dự báo sẽ vượt qua Nhật vào năm 2028. [1] [2]

    Cùng lúc đó, có khoảng 100.000 phụ nữ Việt Nam đã lấy chồng Đài Loan (2017) và 238.000 người Việt Nam lao động hợp pháp tại Đài Loan (2021). [3] [4] Đất nước này được coi là một cơ hội đổi đời với vô số người Việt Nam. Và dù chỉ có hơn 23 triệu dân, tổng sản phẩm quốc nội của họ (GDP) vào năm 2022 đã lên tới gần 761,7 tỷ USD, tức là gần gấp đôi Việt Nam (409 tỷ USD). [5] [6]

    Không chỉ vậy, Đài Loan còn là nước có dự trữ ngoại hối lớn thứ sáu thế giới (548 tỷ USD) và có dự trữ vàng lớn thứ 11 thế giới (424 tấn) tính đến tháng 12/2020. [7] Họ là đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ tính tới tháng 12/2021 với tổng kim ngạch hai chiều đạt 113,9 tỷ USD cho năm 2021, lớn hơn cả Ấn Độ và Việt Nam.

    Bức tranh kinh tế của Đài Loan có thể nói là chói sáng, ngay cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

    Nhưng nếu lùi lại thời điểm năm 1949, khi Quốc Dân Đảng rút ra Đài Loan, ta sẽ thấy một khung cảnh hoàn toàn trái ngược.

    ***

    Trong những ngày cuối cùng của Quốc Dân Đảng ở Trung Quốc đại lục, Tưởng Giới Thạch đã ra lệnh vận chuyển đến Đài Loan không những kho bảo vật quốc gia (ngày nay đang được lưu trữ tại Bảo tàng Cố cung), mà còn là hàng triệu lượng vàng và ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương. [8] Cùng với hai triệu người đại lục sang Đài Loan lánh nạn, còn có rất nhiều chuyên gia kinh tế và nhà kỹ trị được đào tạo bài bản và dày dặn kinh nghiệm. Trong số đó, có Lý Quốc Đỉnh (Li Kou-ting), người sau này được mệnh danh là kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế thần kỳ Đài Loan.

    Thứ chờ đợi họ ở bên kia bờ eo biển là một nền kinh tế tan hoang.

    Sau bốn năm kể từ khi tiếp quản Đài Loan từ Nhật, nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá nặng nề của Đài Loan tiếp tục lao dốc với mô hình kinh tế chỉ huy mà Quốc Dân Đảng áp đặt tại đây. Vai trò của Đài Loan trong suốt bốn năm đó là tiếp ứng cho Quốc Dân Đảng trong cuộc Nội chiến với Đảng Cộng sản. Hậu quả là nạn siêu lạm phát, sản xuất đình trệ, thiếu thốn nhu yếu phẩm, và đồng tiền mất giá không phanh. Tình trạng nghèo đói hiển hiện khắp nơi trên hòn đảo chỉ có tám triệu người khi đó, bao gồm cả hai triệu người đại lục mới sang.

    Tưởng Giới Thạch và các nhà kỹ trị của mình sẽ phải kiến thiết lại nền kinh tế, xây dựng một nền kinh tế thời chiến, chờ ngày tái chiếm đại lục.

    Nhưng mớ hỗn độn ở Đài Loan là quá lớn. Mỹ gần như đã mất hết kiên nhẫn và bỏ mặc Quốc Dân Đảng vì nạn tham nhũng tràn lan và bộ máy rệu rã của họ. Mỹ khi đó cũng đang dần định hình một đường lối ngoại giao mới dưới thời Tổng thống Harry Truman, trong đó, Đài Loan được dự báo sẽ sớm bị quân cộng sản từ đại lục đánh chiếm và Mỹ không có lợi ích chiến lược quan trọng nào ở hòn đảo này. Các chỉ thị dừng viện trợ cho Quốc Dân Đảng đã được chính quyền Truman ban ra. [9]

    Nói cách khác, Mỹ đã sẵn sàng bỏ rơi Đài Loan và số phận của Quốc Dân Đảng đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Tưởng Giới Thạch lấy gì để vực dậy hòn đảo này?

    Ngày nay, ai cũng biết Đài Loan đã trở thành một phép lạ kinh tế. Nhưng phép lạ đó chỉ có thể xảy ra nhờ một phép lạ khác, cách Đài Loan không xa.

    ***

    Ngày 25/6/1950, quân cộng sản Bắc Hàn bất ngờ nổ súng xâm lược Nam Hàn. Nếu có một sự kiện nào đó được coi là định hình cục diện thế giới thời kỳ Chiến tranh Lạnh thì Chiến tranh Triều Tiên xứng đáng là ứng cử viên thuộc loại sáng giá nhất.

    Chính quyền Truman nhận định rằng nếu họ không can thiệp vào bán đảo Triều Tiên thì hiệu ứng domino sẽ là điều không thể tránh khỏi, đẩy phần còn lại của châu Á lẫn châu Âu vào quỹ đạo của Liên Xô và Trung Quốc. Đài Loan ngay lập tức trở lại bàn cờ chiến lược của Mỹ, mà một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất là vị tướng huyền thoại Douglas MacArthur. Mặc dù còn nhiều tranh cãi nội bộ, chính quyền Mỹ đồng thuận rằng việc để Đài Loan rơi vào tay Trung Quốc sẽ là một thảm họa chiến lược. [10]

    Vậy là chỉ vài tháng sau tuyên bố của Truman về việc chấm dứt viện trợ cho Đài Loan, đồng đô-la Mỹ lại tới tấp quay trở lại dưới hình thức viện trợ quân sự. Hạm đội Bảy của Hải quân Mỹ kéo tới eo biển Đài Loan, bảo vệ hòn đảo này trước mọi khả năng tấn công từ đại lục. Năm 1955, Mỹ và Đài Loan chính thức thông qua Hiệp ước Phòng thủ chung. Và kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, chính quyền của Tưởng Giới Thạch sẽ có được khoảng 2,5 tỷ USD Mỹ tiền viện trợ quân sự từ Washington cho tới tận năm 1965.

    Nhưng không chỉ vậy. Một khoản viện trợ khác từ Mỹ sẽ không những cứu sống nền kinh tế Đài Loan mà còn đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển thần kỳ của hòn đảo này trong hàng thập niên về sau: 1,4 tỷ USD Mỹ tiền viện trợ kinh tế từ năm 1951 tới năm 1965. Giới chuyên gia có vẻ đồng thuận rằng, nếu không có khoản viện trợ kinh tế này, nền kinh tế Đài Loan sẽ sụp đổ. Cần lưu ý rằng, trước năm 1961, gần như không có khoản đầu tư nước ngoài nào đổ vào Đài Loan.

    Viện trợ kinh tế từ Mỹ tập trung vào việc ổn định giá cả, nhập khẩu hàng tiêu dùng vốn đang thiếu thốn trầm trọng, trợ giúp nâng cao năng suất nông nghiệp, và phát triển các ngành công nghiệp cơ bản. Kết quả là trong thời kỳ nhận viện trợ (1951-1965), không những kinh tế Đài Loan dần dần ổn định, mà công nghiệp cũng thay thế nông nghiệp trở thành khu vực kinh tế lớn nhất.

    Đài Loan đã được cứu sống một cách thần kỳ cả về kinh tế lẫn quân sự như vậy, nhờ cuộc chiến Triều Tiên. Nhưng đó sẽ không phải là cuộc chiến duy nhất giúp Đài Loan hưởng lợi về kinh tế. Ta sẽ quay lại vấn đề này sau...

    Chú thích

    1. English, C. (2023, April 28). Taiwan tops South Korea in 2022 GDP per capita 1st time in nearly 2 decades - Focus Taiwan. Focus Taiwan - CNA English News; Focus Taiwan - CNA English News. https://focustaiwan.tw/business/202304280018#:~:text=Data%20released%20by%20the%20MOEA's,than%20South%20Korea's%20US%2432%2C237.

    2. NEWS, K. (2022, January 16). South Korea, Taiwan expected to top Japan in GDP per capita in 2027, 2028. Kyodo News+; KYODO NEWS+. https://english.kyodonews.net/news/2022/01/fdd2b85e6293-s-korea-taiwan-expected-to-top-japan-in-gdp-per-capita-in-2027-2028.html

    3. News, T. (2017, December 8). Vietnamese migrant brides now more integrated into Taiwan life | Taiwan News | 2017-12-08 17:24:00. Taiwan News. https://www.taiwannews.com.tw/en/news/3316084

    4. Addressing Challenges Faced by Taiwan’s Migrant Workers. (2021, December 30). Thediplomat.com. https://thediplomat.com/2021/12/addressing-challenges-faced-by-taiwans-migrant-workers

    5. Taiwan - gross domestic product (GDP) 1987-2027 | Statista. (2020). Statista; Statista. https://www.statista.com/statistics/727589/gross-domestic-product-gdp-in-taiwan

    6. Thái Quỳnh. (2023, March 20). GDP Việt Nam đứng thứ bao nhiêu thế giới năm 2022? Cafef.vn; https://cafef.vn. https://cafef.vn/gdp-viet-nam-dung-thu-bao-nhieu-the-gioi-nam-2022-20230320092746924.chn

    7. 1. (2019). Taiwan - Market Overview. International Trade Administration | Trade.gov. https://www.trade.gov/country-commercial-guides/taiwan-market-overview

    8. Kuomintang News Network. (2022). Kmt.org.tw. http://www1.kmt.org.tw/english/page.aspx?type=article&mnum=112&anum=9442

    9. Lin, C. Y. (1992). The legacy of the Korean War: impact on US-Taiwan relations. Journal of Northeast Asian Studies, 11(4), 40-57.

    10. Xem [9].

    https://www.luatkhoa.com/2023/06

     

    Không có nhận xét nào