Header Ads

  • Breaking News

    Đài Loan lược sử : Chính phủ kiến tạo và nền kinh tế thần kỳ

    Trịnh Hữu Long 

    Tạp Chí Luật Khoa

    19/6/2023

    https://ci5.googleusercontent.com/proxy/eHKivwyD0uP9Hvo21UDkCqaiz1MgW4F2zxL-4elveTxjK5Xuiz9lR1uzKq4YRByPxHwHENQ9yk4IUwT0V6e6qxwtU8OB_yN1IlbNw0pC0GfB4PxEz_pX0ZX25A8=s0-d-e1-ft#https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1200/2023/06/--i-Loan-6.jpg

    Lý Quốc Đỉnh (Li Kou-ting), người được mệnh danh là kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế thần kỳ Đài Loan. Nguồn ảnh nền: Dawgflight.com. Nguồn ảnh nhân vật: KTLI.org.tw. Đồ họa: Thiên Tân/ Luật Khoa.

    Cho đến cuối thập niên 1950, Đài Loan vẫn là một nền kinh tế thời chiến, hoàn toàn chú trọng vào nhập khẩu. Mọi thứ được thiết kế để phục vụ cho sứ mệnh tối cao của Quốc Dân Đảng: tái chiếm đại lục. 

    Tuy vậy, đến thời điểm này, Tưởng Giới Thạch đã dần hiểu rõ rằng ông không thể dựa vào Mỹ cho sứ mệnh này. Thứ Mỹ có thể giúp chỉ là phòng thủ. Muốn hiện thực hóa tham vọng bá chủ toàn cõi Trung Hoa, ông buộc phải tự cường về quân sự và kinh tế. Một chiến lược mới về kinh tế được ban hành, chuyển hướng sang xuất khẩu để mang ngoại tệ về. Cũng vào cuối thập niên 1950, viện trợ Mỹ chuyển hướng từ gia cường quân sự và ổn định tài chính sang phát triển bền vững, hướng tới một nền kinh tế tự chủ cho Đài Loan.

    Kể từ năm 1958, Đài Loan bắt đầu cải cách theo hướng công nghiệp hóa và xuất khẩu, dỡ bỏ dần các hàng rào thuế quan, điều chỉnh lại chính sách quản lý tiền tệ, giảm thiểu chi phí chuyển đổi ngoại tệ, v.v. 

    Để khuyến khích xuất khẩu, chính phủ lập ra ba khu chế xuất vào năm 1965 với các ưu đãi đặc biệt về thuế. Các khu chế xuất này về sau thành công vang dội, thúc đẩy Đài Loan nhanh chóng kết nối với nền kinh tế toàn cầu. Kết quả là kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan tăng từ 160 triệu đô năm 1960 lên 3 tỷ đô vào năm 1972, tốc độ tăng trưởng trung bình là 27,4%/năm.

    kỳ 4 ta có nói rằng Chiến tranh Triều Tiên không phải là cuộc chiến duy nhất mà Đài Loan được hưởng lợi. [1] Chắc bạn cũng đã đoán ra cuộc chiến tiếp theo là gì. Thật vậy, trong cuốn “Rethinking Asia's economic miracle”, học giả Richard Stubbs nhận định rằng, “đúng vào cái lúc Đài Loan bắt đầu công nghiệp hóa và nền sản xuất sơ khai định hướng xuất khẩu của họ cần một thị trường thì Chiến tranh Việt Nam bùng nổ và tạo ra một thị trường ngay đầu ngõ”. [2]

    Thị trường ngay đầu ngõ đó chính là Việt Nam Cộng hòa. [3] Trong khoảng thời gian từ năm 1962 đến năm 1967, hàng nhập khẩu Đài Loan luôn chiếm tỷ trọng từ 20-25% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam Cộng hòa, chỉ đứng thứ hai sau Nhật với khoảng 40-45%. Riêng năm 1967, kim ngạch xuất khẩu vào miền Nam Việt Nam chiếm tới 13,44% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan.

    Nhưng không chỉ có vậy. Vào năm 1966 và năm 1967, 85% hàng xi măng xuất khẩu của Đài Loan đã cập bến miền Nam, tiếp theo đó là 75% phân bón hóa học, và 72% sắt, thép. Với các mặt hàng khác như giấy, cao su, máy cơ khí, thiết bị vận tải, v.v. tỷ trọng cũng từ 30-45% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan. Những con số này phản ánh vai trò quan trọng của Việt Nam Cộng hòa trong thời kỳ đầu của nền xuất khẩu Đài Loan.

    Để hình dung cụ thể hơn về quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Đài Loan, ta có thể tham khảo bảng số liệu sau đây:


    1952

    1960

    1972

    1980

    Cấu trúc nền kinh tế (% GDP)

    Nông nghiệp

    33,2

    28,5

    12,2

    7,7

    Công nghiệp

    19,7

    26,9

    41,6

    45,7

    Dịch vụ

    48,1

    44,6

    46,2

    46,6

    Cấu trúc lực lượng lao động (% tổng số lao động)

    Nông nghiệp

    56,0

    50,2

    33

    19,5

    Công nghiệp

    16,9

    20,5

    31,8

    42,5

    Dịch vụ

    27

    29,3

    35,2

    38

    Cấu trúc ngành sản xuất (% tổng sản phẩm)

    Công nghiệp nặng và hóa chất


    24

    34,3

    46,2

    Công nghiệp nhẹ


    76

    65,7

    53,8

    Tư nhân

    43,8

    56,2

    86

    85,5

    Quốc doanh

    56,2

    43,8

    14

    14,5

    Cấu trúc ngành xuất khẩu (% tổng xuất khẩu)

    Nông nghiệp và nông nghiệp chế biến

    91,9

    67,7

    16,7

    9,2

    Công nghiệp

    8,1

    32,3

    83,3

    90,8

    Công nghiệp nặng và hóa chất

    4,7

    10,2

    26,6

    35,6

    Hàng công nghiệp khác

    95,3

    89,8

    73,4

    64,4

    Nguồn số liệu: Hội đồng Kế hoạch và Phát triển Kinh tế Đài Loan. [4]

    Đến năm 1980, khu vực công nghiệp đã hoàn toàn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế Đài Loan cả về sản xuất lẫn tuyển dụng lao động, với con số trên 40%. Như vậy, quá trình công nghiệp hóa của Đài Loan đã hoàn tất trong vòng chưa đến 30 năm, ngắn hơn nhiều so với các nước công nghiệp đi trước như Anh (80 năm), Pháp (127 năm), Mỹ (95 năm), Đức (104 năm), Ý (85 năm), hay Nhật (64 năm).

    Đến cuối những năm 1970, Đài Loan chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới. Nền kinh tế vốn đã chuyển từ mô hình thâm dụng lao động sang thâm dụng năng lượng nay không còn phù hợp. Chính phủ quyết định đề ra kế hoạch phát triển kinh tế 10 năm (1980-1989), chuyển đổi sang mô hình kinh tế có giá trị thặng dư cao và tiết kiệm năng lượng, tập trung vào máy móc, công nghệ thông tin, hàng điện tử, điện máy, và thiết bị vận tải; đồng thời với đó là tự do hóa nền kinh tế, đẩy mạnh tư nhân hoá, giảm thiểu các chính sách bảo hộ.

    Bạn còn nhớ nhân vật Lý Quốc Đỉnh (Li Kou-ting) mà chúng ta đã nhắc đến ở kỳ 4? [5] Sau nhiều năm đóng vai trò chủ chốt trong các chính sách phát triển của nội các với vai trò bộ trưởng kinh tế (1965-1969), bộ trưởng tài chính (1969-1976), ông trở thành bộ trưởng cố vấn và một lần nữa giúp biến Đài Loan thành một trong những thủ phủ công nghệ của thế giới. Ông đã kiến thiết nên những thiết chế đặc biệt để hiện thực hóa điều này, trong đó có Công viên Khoa học Tân Trúc vào năm 1980. Ông cũng đã thúc giục chính phủ mời gọi Đài kiều trở về nước để mang tri thức công nghệ về. Một trong những người đã đi theo lời kêu gọi đó là Morris Chang, người sau này sẽ lập ra hãng sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới - TSMC - với sự hỗ trợ của chính phủ. Còn thành phố Tân Trúc ngày nay được mệnh danh là Thung lũng Silicon của châu Á. [6]

    ***

    Xuyên suốt quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Đài Loan, ta thấy bàn tay can thiệp rất lớn của chính phủ. Mô hình của họ, về sau, sẽ được gọi là mô hình nhà nước phát triển (developmental state), hay mô hình nhà nước phát triển tư bản (capitalist developmental state), thứ mà ở Việt Nam ngày nay hay gọi là mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. [7]

    Mô hình này có mấy đặc điểm:

    chính phủ mạnh, ít chịu tác động từ áp lực xã hội;

    sự đồng thuận trong giới tinh hoa về việc ưu tiên phát triển kinh tế;

    bộ máy hành chính kinh tế có năng lực; và

    chính sách công nghiệp định hướng tới thị trường thế giới.

    Như vậy, trước khi bước vào quá trình dân chủ hóa từ cuối thập niên 1980, Đài Loan đã là “Con hổ châu Á” (Asian Tiger), “Nền kinh tế thần kỳ” (Economic Miracle), với thu nhập đầu người tăng từ 213 đô-la năm 1952 lên xấp xỉ 3.300 đô-la vào năm 1985. [8]

    Chú thích

    1. Trịnh Hữu Long. (2023, June 7). Đài Loan lược sử - Kỳ 4: Chiến tranh Triều Tiên đã cứu sống Đài Loan như thế nào? Luật Khoa Tạp Chí; Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2023/06/dai-loan-luoc-su-ky-4-chien-tranh-trieu-tien-da-cuu-song-dai-loan-nhu-the-nao 

    2. Stubbs, R. (2005, November 5). Rethinking Asia’s Economic Miracle: The Political Economy of War, Prosperity and Crisis (Rethinking World Politics) (2005th ed.). Palgrave.

    3. Naya, S. (1971) The Vietnam War and Some Aspects of Its Economic Impact on Asian

    4. Mai, C., & Shih, C. (2001, October 31). Taiwan’s Economic Success since 1980 (In Association With the Chung-Hua Institution for Economic Research). Edward Elgar Publishing. pp.16-17.

    5. Xem [1].

    6. Baron, J. (2017, March 8). Li Kuo-Ting: The Adaptable Strategist Behind Taiwan’s Success. The News Lens International Edition; The News Lens International Edition. https://international.thenewslens.com/article/63138 

    7. Wu, Y.-S. (2007). Taiwan’s Developmental State: After the Economic and Political Turmoil. Asian Survey, 47(6), 977–1001. https://doi.org/10.1525/as.2007.47.6.977 

    8. Taiwan: per capita GDP 2026 | Statista. (2020). Statista; Statista. https://www.statista.com/statistics/727592/gross-domestic-product-gdp-per-capita-in-taiwan 

    https://www.luatkhoa.com/2023/06


    Không có nhận xét nào