Header Ads

  • Breaking News

    Biến cố Cao Nguyên – CIDG nổi loạn 1964

    Kontum Kieu Hung

    26/6/2023



    Năm 1961 Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV) khởi sự thành lập một lực lượng bán quân sự người sắc tộc để trấn giữ vùng Cao nguyên hiểm yếu chống lại các cuộc tấn công của Cộng quân xuất phát từ bên kia biên giới Việt - Lào, Việt - Miên.

    Từ lúc đó Lực lượng Dân sự Chiến đấu - CIDG - Civilian Irregular Defense Group ra đời.

    Được các Cố vấn Mỹ trực tiếp tuyển chọn huấn luyện, lương bổng do MACV chi trả, những người Thượng thuộc lực lượng này chiến đấu hiệu quả, gặt hái được nhiều thành quả trong nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ an ninh buôn làng.

    Trở lại lịch sử, người Thượng vùng Cao nguyên luôn nghĩ rằng họ sở hữu toàn bộ khu vực đó, không ai có quyền xâm phạm.

    Khi Hoàng đế Bảo Đại tấn phong cho Cao nguyên cái danh xưng Hoàng Triều Cương Thổ tức lãnh thổ cương vực của Hoàng tộc đồng thời dành nhiều đặc ân quyền lợi cho người sắc tộc bản địa thì họ lại càng củng cố thêm ý niệm này.

    Năm 1954 với một triệu đồng bào miền Bắc chạy trốn Cộng Sản di cư vào Nam, Chính phủ rất chật vật khó khăn về vấn đề bố trí nơi định cư cho ngần ấy con người. Các khu vực chung quanh Thủ đô Sài Gòn và miền Tây đã đầy người Bắc di cư, chỉ còn Cao nguyên là khu vực đất rộng người thưa, rất phù hợp để đưa người tỵ nạn Cộng Sản đến cư trú lâu dài, canh tác trồng trọt phát triển kinh tế.

    Để tiến hành kế hoạch đưa người dân đến định cư, năm 1958 Tổng thống Ngô Đình Diệm ký ban hành Nghị định xác định người Thượng vùng Cao nguyên được hưởng tất cả lợi tức từ thành quả canh tác nhưng đất đai thì phải do Chính phủ phân chia cấp phát theo từng trường hợp, không ai được mặc nhiên chiếm hữu.

    Theo các điều khoản của Nghị định này, nhiều khu Dinh điền của người Kinh lần lượt được xây dựng trên khắp các Tỉnh Cao nguyên và đã xảy ra những sự vụ va chạm loạn đả, gây cho người Thượng sự tức giận, căm phẫn.

    Họ bắt đầu thành lập phong trào Bajaraka, viết tắt từ chữ đầu của bốn sắc tộc chính là Bahnar, Jarai, Rhadé và Kaho với mục tiêu chống Chính phủ, đòi quyền tự trị. Tại cuộc họp đầu tiên, một số lãnh đạo Phong trào đã bị Cảnh sát bắt giam, số còn lại trốn thoát.

    Tình hình tạm lắng dịu nhưng sự căm ghét thù hằn người Kinh vẫn ngấm ngầm trong tư tưởng những người Thượng cực đoan từ thuở đó.

    Đến khi thành lập các Trại Lực lượng Đặc biệt trấn đóng toàn bộ tuyến biên giới, do nhu cầu phối hợp tác chiến nên mỗi Trại đều có một vài Sĩ quan Cố vấn Mỹ, một đơn vị Lực lượng Đặc biệt VNCH và nhiều Dân sự Chiến đấu.

    Sĩ quan Mỹ xem Quân nhân VNCH là đồng minh ngang hàng nhưng họ nghĩ Dân sự Chiến đấu là thuộc cấp.

    Dân sự Chiến đấu tuân lệnh, tin tưởng và trung thành với Sĩ quan Mỹ nhưng họ không dành thái độ như vậy với Quân nhân VNCH.

    Và như vậy, Quân nhân Lực lượng Đặc biệt VNCH phải thi hành nhiệm vụ trong hoàn cảnh chung quanh là đồng minh nhưng không phải là đồng đội !

    Sự thù hận ngấm ngầm đã bùng lên thành cơn bão dữ vào lúc 1g sáng Chủ nhật 20/9/1964. Theo sự liên kết tổ chức sắp xếp từ trước, tất cả Dân sự Chiến đấu tại 5 Trại Lực lượng Đặc biệt gồm Sarpa, Bu Prang, Mi Ga, Ban Don và Buon Brieng đồng loạt nổi loạn. Họ bắt giữ khống chế Sĩ quan Cố vấn Mỹ, lùng giết Quân nhân VNCH.

    Bước đầu theo báo cáo, một Toán Biệt kích Mike Force người Thượng đã bắn chết 15 Quân nhân VNCH, sau đó tấn công vào một Tiền đồn giết 17 lính Nghĩa quân và 2 nhân viên dân sự.

    Biệt kích Mike Force và Dân sự Chiến đấu tại Trại Sarpa đã hạ sát 11 Quân nhân Lực lượng Đặc biệt VNCH, nhiều thi thể nạn nhân đã bị bắn hàng trăm viên đạn.

    Có 200 thân nhân của những nạn nhân này bị giam giữ tại Trại, sau đó quân nổi loạn tiến chiếm Quận đường Đức Lập bắt giữ Thiếu tá Quận trưởng Nguyễn Văn Thanh rồi dùng xe GMC của Chi khu tiến về Thị xã Ban Mê Thuột.

    Đại úy Charles Darnell - Trưởng Toán A311A Sĩ quan Cố vấn tại Trại Sarpa bị khống chế đưa lên xe Jeep dẫn đầu đoàn xe GMC chạy thẳng đến Đài Phát thanh.

    Lính gác vành đai thấy có Sĩ quan Mỹ thì kéo rào chắn cho đoàn xe đi qua và quân nổi loạn dễ dàng chiếm giữ mục tiêu.

    Theo kế hoạch, quân Sarpa sẽ loan báo trên Đài Phát thanh tuyên cáo của Lực lượng FULRO về việc chống Chính phủ VNCH, thành lập quyền tự trị toàn bộ Cao nguyên. Khi nghe lời tuyên cáo đó, 4 Trại còn lại đang áp sát sẽ xuất phát tiến vào chiếm giữ toàn bộ Thị xã Ban Mê Thuột, truy đuổi giết hết binh lính VNCH.

    Thế nhưng trong lúc hiểm nghèo, vị Trưởng Đài đã kịp gỡ hai bộ phận Quartz quan trọng trong máy phát rồi chạy thoát về Tòa Hành chánh Tỉnh, quân nổi loạn không có cách nào mở máy để đọc cái bản tuyên cáo ấy. Vì việc này mà 4 cánh quân còn lại không hiểu sự tình thế nào, phải án binh bất động.

    Trong lúc đó, một toán Dân sự Chiến đấu đi trên vài chiếc xe Low boy tiến đến trước Trại Mai Hắc Đế thường được gọi là Kho đạn Ban Mê Thuột với ý định di chuyển đến trung tâm Thị xã.

    Đã được cấp báo từ trước, Thiếu tá Dương Thượng Tứ - Chỉ huy trưởng đã bố trí hỏa lực mạnh trước Cổng Trại, kiên quyết không cho đoàn xe đi ngang, quân nổi loạn phải rút lui.

    Sáng ngày 20/9/1964, lệnh Thiết quân luật được ban bố thi hành trên toàn Tỉnh. Trung đoàn 43 Sư đoàn 23BB bao vây toàn Thị xã, Trung đoàn 47 di chuyển bao vây bản doanh Trại Sarpa trong khi một Đơn vị Biệt Động Quân khóa chặt Đài Phát Thanh.

    Tình hình vô cùng nghiêm trọng, đường phố không một bóng người lai vãng, mọi ngôi nhà đều cửa đóng then cài trong bầu không khí ngột ngạt sợ hãi.

    Nhận tin dữ, ngay buổi chiều hôm đó Trung tướng - Thủ tướng Nguyễn Khánh từ Sài Gòn lập tức bay lên Ban Mê Thuột. Là người vừa mới đây còn giữ chức Tư lệnh Quân đoàn II, đã quá am hiểu những vấn đề nội tại của người Thượng nên ông vô cùng lo lắng. Một cuộc họp gấp với vài nhân vật chủ chốt để nghe báo cáo tình trạng hiện tại được tiến hành. Sau đó Thủ tướng ra lệnh sáng hôm sau tổ chức cuộc họp toàn thể.

    Đúng 8g sáng ngày 21/9/1964, cuộc họp về vấn đề quan trọng nhất của vùng Cao nguyên bắt đầu. Tham dự có những vị:

    Trung tướng - Thủ tướng Nguyễn Khánh.

    Trung tướng Nguyễn Hữu Có - Tư lệnh Quân đoàn II.

    Thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm - Tư lệnh Sư đoàn 23BB.

    Đại tá Đoàn Văn Quảng - Tư lệnh Binh chủng Lực lượng Đặc biệt.

    Trung tá Lâm Quang Phòng - Chỉ huy trưởng Lực lượng Đặc biệt Quân khu 2.

    Trung tá Giá - Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột.

    Một số Cố vấn Mỹ đang tùng sự tại Quân khu 2.

    Đặc biệt có sự hiện diện của hai nhân vật cũ: Trung tướng Lê Văn Kim - nguyên Phụ trách Chương trình Dinh điền thời Đệ nhất Cộng hòa và Trung tướng Tôn Thất Đính - nguyên Tư lệnh Quân khu 4 thời 1956 - 1957 (tiền thân Quân khu 2). Cả hai nhân vật này đều bị Tướng Nguyễn Khánh giam lỏng trong cuộc Chỉnh lý hồi đầu năm, họ được triệu tập đến đó để đóng góp ý kiến vì đã có nhiều kinh nghiệm khi từng đứng đầu vùng Cao nguyên.

    Trong cuộc họp, một số Tướng lãnh Sĩ quan Quân đoàn II cho rằng cần phải ra lệnh cho các lực lượng Quân đội đập tan cuộc bạo loạn bằng sức mạnh hỏa lực, qua đó răn đe tất cả những Dân sự Chiến đấu đang trú đóng tại các Trại khác trong khu vực. Việc này cũng nhằm mục đích làm cho người Thượng thấy rằng họ không thể có khả năng đối đầu với Chính phủ.

    Tuy nhiên Thủ tướng Nguyễn Khánh không đồng ý với sách lược quân sự mà muốn thương lượng thuyết phục để tránh gây đổ máu giữa những người cùng chung chiến tuyến, không để Cộng Sản nhân cơ hội để lợi dụng chia rẽ thêm tình đoàn kết chiến đấu bảo vệ đất nước giữa các sắc tộc.

    Cuối cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Khánh giao cho Đại úy Nguyễn Văn Nghiêm - Trưởng phòng Thượng vụ Quân đoàn II (chức trách giao tế dân sự với người Thượng) là người đã gắn bó thân thiết với đồng bào địa phương từ lâu và rành rẽ tiếng Rhadé nhiệm vụ tổ chức những cuộc gặp gỡ nói chuyện thuyết phục để quân nổi loạn buông súng quy hàng Chính phủ, trở về hàng ngũ chống Cộng, gìn giữ buôn làng.

    Thủ tướng cũng cắt cử hai ông Lê Văn Kim và Tôn Thất Đính đến cư trú tại Tòa Đại biểu Trung phần cũ trong Thị xã Ban Mê Thuột để thay mặt ông giám sát mọi việc. Hàng ngày họ nhận tin tức từ các nơi rồi báo cáo về Sài Gòn cho Thủ tướng biết về tình hình thực tế.

    Sau vài ngày nỗ lực, Đại úy Nguyễn Văn Nghiêm và các đồng sự đã xuất sắc hoàn thành sứ mệnh, các Dân sự Chiến đấu chấp nhận buông súng với các điều kiện của Chính phủ đã đưa ra như sau:

    - Thay đổi chính sách với người Thượng vùng Cao nguyên.

    - Không truy cứu giam giữ xét xử những người tổ chức tham gia bạo loạn, phạm tội sát nhân.

    - Không truy đuổi sát hại những người quyết định rời bỏ đơn vị để vượt qua biên giới Việt - Miên về Căn cứ FULRO.

    - Những người ở lại vẫn tiếp tục được đứng trong hàng ngũ Dân sự Chiến đấu như cũ.

    Ngày 28/9/1964, sự kiện người Thượng nổi loạn vùng Cao nguyên kết thúc trong hòa hoãn êm đẹp, không diễn ra cảnh đổ máu như nhiều người đã hình dung.

    Có được điều tốt đẹp này là nhờ quyết định sáng suốt hợp tình hợp lý của Thủ tướng Nguyễn Khánh.

    Cũng cần nói thêm rằng rất nhiều những vị Sĩ quan Cố vấn Hoa Kỳ đã rất can đảm khéo léo khi thể hiện sự quyết liệt hoặc khuyên nhủ mềm mỏng nhẹ nhàng để những Trại Lực lượng Đặc biệt khác không ngã theo quân nổi loạn làm những điều manh động. Nhờ có họ mà nhiều tính mạng Quân nhân VNCH được an toàn.

    Sau đó, tình báo Quân đoàn II biết rằng biến cố này diễn ra là do sự tổ chức giật dây của Trung tá Les Kosem - Cố vấn Văn phòng Quốc trưởng của Sihanouk, tên vua Miên thân Cộng và Um Savuth - Chỉ huy bộ phận tình báo Quân đội Miên.

    Thời điểm cuộc nổi loạn diễn ra, hai tên này có mặt tại Camp Rolland tức Đồn Bốt Chà thuộc Tỉnh Moldolkiri, cách biên giới Việt - Miên 15km.

    Dự tính của chúng là sau khi dấy loạn thành công, toàn bộ Cao nguyên Việt Nam sẽ trở thành vùng tự trị của lực lượng FULRO với biểu tượng là lá cờ có 3 ngôi sao trắng và 3 vạch ngang tượng trưng cho 3 dân tộc liên kết Miên - Thượng - Chăm.

    Mưu đồ chia cắt chiếm hữu lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa của bọn chúng đã thất bại và bị dập tắt chỉ trong chưa đến mười ngày.

    Sau biến cố này, tất cả 5 Trại Lực lượng Đặc biệt gây bạo loạn đều bị phá hủy, một hai địa điểm được xây dựng lại khác biệt hoàn toàn.

    Lực lượng Dân sự Chiến đấu được tái tổ chức, không cho phép chỉ có một sắc tộc cùng chung một Đơn vị mà phải trộn lẫn người từ nhiều sắc tộc khác để tránh âm mưu thông đồng như thảm kịch đã diễn ra ngày ấy...

    Chuyện bên lề: Ngay sau khi được đặc cách vinh thăng cấp bậc Thiếu tá và huy chương Anh dũng Bội tinh với ngôi sao vàng vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Thiếu tá Nguyễn Văn Nghiêm bị An ninh Quân đội bắt giữ vì có người gửi thư tố cáo rằng ông là Việt Cộng nằm vùng.

    Lý do có nghi vấn như vậy là do việc thương thuyết với lực lượng vũ trang người Thượng trong bối cảnh đó là vô cùng khó khăn trở ngại nhưng một Sĩ quan cấp thấp và vài đồng sự lại có thể thực hiện một cách quá suôn sẻ làm nhiều người liên tưởng có âm mưu sắp đặt của Việt Cộng.

    Sau mấy tuần bị giam giữ thẩm vấn tại Trụ sở An ninh Quân đội tại Sài Gòn, Thiếu tá Nguyễn Văn Nghiêm mới được giải oan, phóng thích.

    Sau đó ông về làm Tham mưu phó Chiến tranh Chính trị Sư đoàn 7BB, nơi người bạn đồng Khóa 1951 Sĩ quan Trừ bị đang làm Tư lệnh, Tướng Nguyễn Bảo Trị.

    Khi Đại úy Charles Darnell cùng mấy trăm Dân sự Chiến đấu đến chiếm giữ Đài Phát thanh, nhiều người đã nhìn thấy. Vì không rõ thực hư việc ông bị khống chế thật sự hay cố ý tiếp tay cho quân nổi loạn nên Thủ tướng Nguyễn Khánh rất tức giận.

    Ông đã nói với Đại sứ Mỹ Maxwell Davenport Taylor: Tôi không muốn tên Đại úy này hiện diện tại miền Nam Việt Nam thêm một ngày nào nữa !

    Ngày hôm sau, ông Đại sứ đã thông báo với Thủ tướng rằng Đại úy Charles Darnell đã lên chuyến phi cơ rời khỏi Việt Nam về Guam, kết thúc đời binh nghiệp.

    Diễn tiến cuộc dấy loạn vào cái thời đầy rẫy những biến động tại miền Nam là như thế...


    Facebook  Kontum Kieu Hung


    Không có nhận xét nào