Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ ba 06 tháng 6 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Khó hay dễ thực hiện chính sách “tinh giản biên chế”?

    RFA

    Đội ngũ tham gia phục vụ Đại hội Đảng 13 ở Hà Nội hôm 29/1/2021 (minh họa). 

    AFP PHOTO 

    Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định tinh giản biên chế mà sẽ có hiệu lực từ 20/7/2023 và được truyền thông nhà nước đăng tải hôm 4/6/2023.

    Nên làm đến nơi đến chốn

    Diện tinh giản biên chế theo Nghị định mới sẽ rộng hơn so với trước đây. Đơn cử như trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc buộc thôi việc… sẽ có thể bị tinh giản.

    Việt Nam đặt ra vấn đề tinh giản biên chế chắc cũng đã 20 năm nay, nhưng chưa lần nào thành công, thậm chí lại phình to hơn. Chính vì vậy mọi người đều có ý hoài nghi đây có khi là chỉ đặt ra mục tiêu, nhưng cách thức làm vẫn chưa đủ cơ sở để thực hiện một cách triệt để.
    -Giáo sư Đặng Hùng Võ

    Việt Nam từ lâu đã có các quy định chính sách đối với các đối tượng tinh giản biên chế, liệu lần này có thành công hay không, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, nhận định với RFA hôm 5/6:

    “Việt Nam đặt ra vấn đề tinh giản biên chế chắc cũng đã 20 năm nay, nhưng chưa lần nào thành công, thậm chí lại phình to hơn. Chính vì vậy mọi người đều có ý hoài nghi đây có khi là chỉ đặt ra mục tiêu, nhưng cách thức làm vẫn chưa đủ cơ sở để thực hiện một cách triệt để. Thậm chí những sáu tổ chức được gọi là chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Tổng liên đoàn lao động… nhà nước không nên trả lương nữa, mà phải chuyển về vai trò của Hiệp hội, tự tạo ra sức thu hút của mình, mang lại lợi ích cho cộng đồng thì cộng đồng sẽ đóng góp để hiệp hội đó phát triển.”

    Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, dù gần đây cũng đã có ý kiến chính thức yêu cầu các tổ chức chính trị xã hội như vừa nêu phải rút dần việc chi trả lương từ khu vực nhà nước, nhưng GS.Võ cho rằng, chủ trương thì có, nhưng làm như thế nào là cả vấn đề lớn. Bởi vì, theo ông, tư duy bao cấp vẫn tiếp tục chế ngự rất sâu trong nhiều người, đặc biệt trong một số lãnh đạo cấp cao. Ông Võ nói tiếp:

    “Tôi cho rằng cần đặt ra như một chương trình, có biện pháp, có cách thức làm một cách rất cụ thể, với những mục tiêu rất cụ thể thì mới có thể thành công được. Tất nhiên đến một lúc nào đó, Việt Nam buộc phải làm, chứ không thể để như thế này nữa, bởi vì chi thường xuyên trong ngân sách là cực kỳ lớn và ngân sách không chịu nổi.”