Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ ba 20 tháng 6 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Nhóm hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đang có mặt ở Biển Đông, sẽ thăm Việt Nam?

    RFA
    20/6/2023


    Nhóm hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đang có mặt ở Biển Đông, sẽ thăm Việt Nam?


    Tuần dương hạm Antietam đang tiếp cận tàu sân bay USS Ronald Reagan hôm 17/6 ở Biển Đông để tiếp nhiên liệu 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngDVIDS 

    Nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan đang hoạt động ở Biển Đông, trong khi có thông tin cho biết tàu này sẽ cập cảng Đà Nẵng vào cuối tháng 6.

    Hôm 19/6/2023, trang tin của Viện Hải quân Hoa Kỳ (USNI News) cho biết hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (CVN-76) và tuần dương hạm USS Antietam xuất hiện trong quá trình tiếp tế tại Biển Đông.

    Một tấm ảnh từ trang DVIDS của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy, tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Antietam đang kết nối và nhận nhiên liệu từ USS Ronald Reagan vào ngày 17/6.

    Một bộ hình ảnh riêng biệt khác cho thấy khu trục hạm USS Rafael Peralta cũng ở trong cùng khu vực, đây là con tàu hộ tống cho nhóm hàng không mẫu hạm USS Nimitz và nhóm tấn công này đã hoạt động trong khu vực vào tháng 4 trước khi di chuyển đến Biển Philippines vào tháng 5.

    Hai nhóm tấn công tàu sân bay đã tổ chức các cuộc tập trận bốn bên với các tàu của Nhật Bản, Pháp và Canada từ ngày 7 đến 10/6 ở Biển Philippines và Biển Hoa Đông trong khuôn khổ Cuộc tập trận toàn cầu quy mô lớn của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM) năm 2023.

    Trong khi đó, từ ngày 10/6 đến 14/6, tàu sân bay Ronald Reagan tham gia cuộc tập trận ba quốc gia mang tên Noble Typhoon diễn ra trong khu vực gần Okinawa đến Biển Đông.

    Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan sẽ thăm Việt Nam?

    Trang Fanpage Tàu Cao Tốc Greenlines DP hôm 17/6 cho biết, từ ngày 25-30/6/2023, hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Ronald Reagan sẽ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng để thực hiện chuyến đi tạm biệt khu vực Đông Á & Đông Nam Á.

    Ngày hôm sau, trang Facebook có 12 ngàn lượt thích này cũng cho hay, công ty đã tổ chức buổi Lễ ra quân của ba tàu GreenlinesDP K6, C8, C9 tại Ga tàu cao tốc Bạch Đằng, TPHCM. Hình ảnh đăng tải cho thấy các nhân viên và thủy thủ đoàn chụp ảnh với ảnh nền phía sau là thông tin ngày giờ của chuyến thăm tàu sân bay. 

    Ngày 19/6, công ty này đăng tải video ngắn trên mạng xã hội cho thấy ba tàu cao tốc có số hiệu nêu trên đang hành trình trên biển hướng về Đà Nẵng.

    Trong một bài báo hồi tháng 3/2020 khi tàu USS Theodore Roosevelt cập cảng Tiên Sa, báo Tuổi Trẻ tiết lộ cả hai lần tàu sân bay Mỹ ghé Đà Nẵng các tàu hậu cần chở người của chính công ty này được tham gia đưa rước người từ tàu sân bay vào cảng và ngược lại.

    Phóng viên gọi điện cho số điện thoại ghi trên Fanpage, một nhân viên phòng vé của công ty này xác nhận có thông tin như mạng xã hội đăng và ba tàu đang đi ra Đà Nẵng, tuy nhiên bà này cho biết muốn biết cụ thể hơn phải hỏi Phòng Kinh doanh.

    Phóng viên cũng gửi email cho Đại sứ quán Mỹ để đề nghị họ xác minh thông tin tàu sân bay của Mỹ sẽ thăm Việt Nam vào cuối tháng 6, tuy nhiên chưa lập tức nhận được câu trả lời.

    Chặt vào mắt xích liên minh Kiên Giang – Thanh Hóa. Ba Dũng – Thủ Chính gặp khó?

    20/6/2023 


    Thu Phương – Thoibao.de (Tồng hợp)



    https://thoibao.de/wp-content/uploads/2023/06/Hinh-02-TB-46-1550x872.jpg


    Kỷ luật 2 cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa 


    Hiện nay, không có liên minh nào đông và mạnh như liên minh Nghệ An – Hà Tĩnh. Tổng cộng, liên minh này có 25 ủy viên Trung ương Đảng, trong đó có 4 ủy viên Bộ Chính trị. Điều đặc biệt là, liên minh này đang được lòng ông Nguyễn Phú Trọng. Tập hợp quanh ông Trọng toàn là những gương mặt nổi tiếng của liên minh Nghệ – Tĩnh, như Vương Đình Huệ, Phan Đình Trạc, Trần Cẩm Tú và Nguyễn Xuân Thắng. Những người này rất được việc cho ông Trọng, và ngược lại, ông Trọng cũng rất có ích cho nhóm này.

    Nhóm Nghệ An cũng đầy rẫy sai phạm, đặc biệt là bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Bà này đã nâng đỡ cho em trai là ông Phạm Sỹ Quý ngồi vào những vị trí tốt dưới sự quản lý của bà. Khi bà Trà về Trung ương, bà cũng đem ông Phạm Sỹ Quý ký gửi vào Chính quyền Hà Nội để chờ thời. Những bê tối này được ông Nguyễn Phú Trọng lơ đi.

    Ngoài tiêu cực của bà Nguyễn Thị Thanh Trà, thì sự yếu kém của ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đáng phải xử lý. Vấn đề về khủng hoảng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, nhưng ông Phớc cũng như bà Trà, chẳng sao cả.

    Nhóm Hà Tĩnh cũng tương tự, trước đây, sai phạm của bà cựu Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng không hề nhỏ, nhưng rồi chẳng ai động gì tới bà cựu Bộ trưởng này. Nguyên nhân, bà Tiến là người Hà Tĩnh, một thế lực mạnh nhất Trung ương ở nhiệm kỳ trước. Ông Nguyễn Phú Trọng luôn nói chống tham nhũng không có vùng cấm, nhưng ông lại dung dưỡng cho nhóm lợi ích Nghệ An – Hà Tĩnh.

    Liên minh Nghệ An – Hà Tĩnh – Nguyễn Phú Trọng, là một liên minh hùng mạnh, tuy nhiên liên minh này chi phối bên Ban Bí thư mạnh hơn bên Chính phủ. Hiện nay, bên Chính phủ vẫn là liên minh Kiên Giang – Thanh Hóa. Kiên Giang đại diện nhà ông Ba Dũng, với con trai là Bộ Trưởng Bộ Xây dựng, Nguyễn Thanh Nghị. Có khả năng ông Ba Dũng ở hậu trường giật dây đàn em mà ông đã cài từ năm 2016 trở về trước. Liên minh này mạnh đứng nhì trong Trung ương, nhưng còn kém xa liên minh Nghệ An – hà Tĩnh – Nguyễn Phú Trọng.

    Tại kỳ họp thứ 29 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, một cánh tay đắc lực của ông Nguyễn Phú Trọng, đã xuống tay kỷ luật 4 nhân vật thuộc 2 địa phương Kiên Giang và Thanh Hóa. Trong đó, có 4 người quê Thanh Hóa, gồm ông Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Mai Văn Ninh, cựu Bí thư Thanh Hóa và ông Trịnh Văn Chiến cũng là cựu Bí thư Thanh Hóa. Trong khi đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang.

    Kỷ luật địa phương, bao gồm các bí thư và chủ tịch tỉnh, là cách phòng thủ từ xa. Ông Phạm Minh Chính được bố trí về Quảng Ninh năm 2012, được xem là hàng cài của ông Nguyễn Tấn Dũng. Nếu ngày đó, ông Nguyễn Phú Trọng sớm triệt được ông Chính, thì ngày nay, ông này không mạnh đến như vậy.

    Hội nghị Trung ương 7 vừa qua, người ta kỳ vọng phe ông Trọng hạ ông Thủ tướng, nhưng vẫn không hạ được. Vị trí Thủ tướng rất ảnh hưởng và có nhiều thế lực ủng hộ, không phải muốn loại là loại được. Nếu loại được, thì tại Đại hội 13, ông Trọng đã loại rồi.

    https://thoibao.de/wp-content/uploads/2023/06/Hinh-03-TB-13-1550x872.jpg


    Chủ tịch tỉnh Kiên Giang bị kỷ luật khiển trách 

    Tuy không loại được phe ông Chính, nhưng ông Trọng cũng đang làm khó ông Chính rất nhiều, bằng cách kỷ luật những dây mơ rễ má của phe công Chính, cũng như những người Kiên Giang nơi được xem là lãnh địa của nhà ông Ba Dũng.

    Ông Nguyễn Tấn Dũng rất tinh, thời ông làm Thủ tướng thì gia đình ông cũng tích lũy kinh tế thật hậu hĩnh. Tới giờ là thời của con trai ông, không cần phải ăn nhiều, mà tập trung vào làm chính sách để lấy tiếng. Đấy cũng là cách làm chính trị khéo léo, khiến ông Trọng muốn chặt mắt xích Nguyễn Thanh Nghị cũng khó. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể. Chỉ cần Nguyễn Thanh Nghị bất cẩn là dính án kỷ luật ngay. Lúc đó, có muốn tiến cũng không dễ.

    https://thoibao.de/blog/2023/06/20

    Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam diễn ra tại Hà Nội

    20.06.2023 5:49

    VNTB – Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam diễn ra tại Hà Nội

     19.06.2023  Hà  Nội 

    Toàn văn thông cáo báo chí chung giữa EU và Việt Nam

    Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) tổ chức Đối thoại Nhân quyền thường niên tại Hà Nội vào ngày 9 tháng Sáu vừa qua. 

    Hai phái đoàn Việt Nam và EU đều bày tỏ sự đánh giá cao về quan hệ đối tác giữa Việt Nam và EU, đặc biệt kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8/2020. Quan hệ đối tác này cũng được thể hiện qua các trao đổi thường xuyên giữa các đoàn cấp cao của EU và Việt Nam. 

    Hai bên đưa ra những cam kết với việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam và EU, cũng như với việc vượt qua các thách thức về nhân quyền. Hai phái đoàn cũng thảo luận chi tiết về các biện pháp bảo vệ và quảng bá nhân quyền ở Việt Nam và EU kể từ kỳ Đối thoại trước đó. 

    EU hoan nghênh việc Việt Nam phê chuẩn hầu hết các công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đồng thời khuyến khích Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 còn lại, cũng như thông qua nghị định về các tổ chức đại diện cho người lao động.

    Hai phái đoàn đã trao đổi quan điểm và mối quan tâm về pháp quyền và tiếp cận công lý, việc thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, sự bảo vệ các cá nhân trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương. Hai bên cũng cam kết cải thiện hơn nữa việc thụ hưởng các quyền dân sự và chính trị. EU đặc biệt nhấn mạnh đến quyền tự do ngôn luận và lập hội. Việt Nam và EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp Quốc trong việc thúc đẩy nhân quyền. Cả hai bên nhấn mạnh rằng tất cả các quyền con người đều mang tính phổ quát, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan đến nhau.

    Những tiến bộ và phát triển liên quan đến bình đẳng giới, quyền trẻ em, quyền của người LGBTI, cũng như liên quan đến việc chống nạn buôn bán người cũng được thảo luận chi tiết. Việt Nam và EU ghi nhận vai trò quan trọng của các cơ quan truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác, cũng như sự cần thiết đảm bảo môi trường thuận lợi để họ có thể tham gia hiệu quả, bao gồm trong khuôn khổ Hiệp định chung về Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa EU và Việt Nam (PCA) cũng như trong khuôn khổ EVFTA. Hai bên nhắc lại lập trường của mình về án tử hình, và nhất trí trao đổi thêm về vấn đề này.

    Nội dung thảo luận cũng đề cập đến vấn đề nhân quyền tại các diễn đàn đa phương và khả năng hợp tác giữa hai bên, bao gồm việc thực hiện các cam kết quốc tế về nhân quyền, triển khai các khuyến nghị UPR đã được chấp nhận và chuẩn bị cho chu kỳ thứ 4 của cơ chế UPR sắp tới.

    Hai bên cũng thảo luận và xem xét các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt trong thời gian Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. EU ghi nhận vai trò đi đầu của Việt Nam trong việc ra nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna, trong đó tái khẳng định cam kết của cộng đồng quốc tế đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người .

    Việt Nam và EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác và đối thoại cởi mở, thẳng thắn trong lĩnh vực này, bao gồm thông qua Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam hàng năm, góp phần vào quan hệ đối tác song phương.

    Nguồn: EEAS Press Team

    https://vietnamthoibao.org/vntb-doi-thoai-nhan-quyen-eu-viet-nam-dien-ra-tai-ha-noi/

    Tin ứng dụng kiếm tiền online, đầu tư vé phim trên app, nhiều người mất bạc tỷ

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/06/tingia.jpg

    Chị H.T.H đến Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh tố cáo hành vi lừa đảo của các đối tượng (Ảnh: congan.binhphuoc.gov.vn) 

    Thời gian gần đây, tại tỉnh Bình Phước đã xảy ra hàng chục trường hợp tin tưởng vào những lời mời gọi kiếm tiền online, làm việc tại nhà lương cao nên đã sập bẫy lừa, có người mất tới hơn 2 tỷ đồng.

    Mới đây, truyền thông trong nước đưa tin Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước ngày 4/6 đã tiếp nhận đơn trình báo của anh K.T.T. (SN 1994, trú xã Long Bình, huyện Phú Riềng) về việc bị lừa mất hàng tỷ đồng khi được mời gọi đầu tư vé phim trên app Disneys.

    Theo đơn trình báo, khoảng tháng 1/2023, anh T. làm quen và kết bạn với tài khoản Facebook có tên Huyền Trang. Giữa hai bên nhắn tin qua lại một thời gian thì Huyền Trang đề nghị anh T. đầu tư vé phim trên app Disneys với lợi nhuận cao, anh T. đồng ý.

    Qua tư vấn của Huyền Trang, anh T. thấy cũng hợp lý, anh tải app Disney, đăng ký tài khoản và thử đầu tư vài trăm ngàn đồng vào vé phim thì thấy có lợi nhuận, tiền gốc và lợi nhuận đầu tư vé phim được chuyển vào tài khoản ngân hàng của anh. Thấy vậy, anh T. tin tưởng và mạnh dạn tiếp tục đầu tư 122,5 triệu đồng vào tài khoản Huyền Trang để đặt mua 90 vé phim.

    Anh T. được nhân viên chăm sóc khách hàng thông báo vé phim VIP1 sẽ có lợi nhuận 10% và yêu cầu anh chuyển tiếp hơn 127 triệu đồng để xử lý vé phim VIP1. Nghe vậy, anh T. đã chuyển khoản theo yêu cầu. Anh tiếp tục nhận thông báo anh được tặng vé phim VIP2 với lợi nhuận 20% và yêu cầu chuyển tiếp hơn 652 triệu đồng để xử lý vé phim VIP2. Tiếp đó, nghi phạm lại thông báo cho anh là được tặng vé phim VIP3 lợi nhuận 30% và yêu cầu nạp thêm hơn 1,9 tỷ đồng để xử lý vé phim VIP3, anh T. đồng ý.

    Sau khi anh T. chuyển cho nghi phạm với tổng số tiền hơn 2,87 tỷ đồng để đầu tư đặt mua 90 vé phim, nhận thấy đã có lãi nên anh T. muốn rút tiền thì được hệ thống trên app thông báo phải đóng thuế 35%. Anh T. tiếp tục chuyển hơn 1,3 tỉ đồng tiền thuế thì lại được yêu cầu đóng thêm 40% khoản phí sử dụng kênh rút tiền là hơn 2,3 tỷ đồng.

    Sau nhiều lần bị yêu cầu chuyển tiền mà đến khi muốn rút lại không rút được, anh T. nghi bị lừa nên đã tố cáo hành vi lừa đảo của nhóm Huyền Trang đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh. Vụ việc hiện đang được cơ quan công an thụ lý.

    Một trường hợp bị lừa khác là chị H.T.H. (SN 1988, trú phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước). Khoảng tháng 3/2023, do đang thất nghiệp nên chị lên mạng tìm việc làm. Chị được một công ty môi giới giới thiệu làm nhập liệu trên ứng dụng và được hướng dẫn kết bạn Zalo với nhân viên hỗ trợ tên Cúc.

    Sau đó, nhân viên hỗ trợ giới thiệu chị H. tải ứng dụng (app) Kdata và đăng ký tạo tài khoản, rồi kết bạn Zalo với trợ lý của ứng dụng Kdata tên Trường. Trường hướng dẫn chị cần nạp tiền vào số tài khoản của hệ thống thì mới được tạo đơn hàng và nhập liệu theo lệnh của “thầy” hướng dẫn tên Vũ; làm xong thì chờ lệnh của thầy rồi rút tiền về tài khoản ngân hàng đã liên kết trên app.

    Làm theo lời “thầy” Vũ hướng dẫn, chị H. đã thử thực hiện với số tiền nhỏ vài trăm ngàn đồng. Sau khi đầu tư vào thì tôi được rút cả gốc và lãi về tài khoản ngân hàng của mình. Thấy sự việc đúng như tư vấn ban đầu, tin tưởng, chị H. tiếp tục nộp tiền để tạo đơn hàng.

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/06/tingia-2.jpg


    Bài đăng lừa đảo quảng cáo kiếm tiền online trên các nền tảng mạng xã hội. (Ảnh: congan.binhphuoc.gov.vn) 

    Cứ thế, số tiền nộp để thực hiện nhiệm vụ tạo đơn hàng của chị càng lúc càng lớn, từ vài triệu đồng/lần lên đến hơn 300 triệu đồng/lần.

    Chị H. kể lại trong nước mắt, khi nộp số tiền tạo đơn hàng trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng thì những nghi phạm này luôn lấy lý do là sai cú pháp thực hiện đơn, phải đóng thuế thu nhập cá nhân, phải tạo thêm đơn… thì mới được rút tiền gốc và lãi.

    Chị H. trong tâm trạng rất nóng lòng muốn lấy lại tiền gốc, còn “thầy” Vũ thì cố tình dẫn dắt nói chị sắp hoàn thành nhiệm vụ và sẽ được tất toán toàn bộ tiền gốc lẫn lãi. Vì cố lấy lại tiền đã nộp nên chị H. chuyển khoản tiếp 8 lần nữa với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng vào nhiều tài khoản khác nhau và đã mất hết. Chị nói: “Hiện tiền trong nhà không còn, nợ nần khắp nơi, đau xót lắm!”.

    Tương tự, khoảng tháng 2/2023, chị N.T.T (SN 1983, trú xã Tân Phước, huyện Đồng Phú) cũng bị lừa với thủ đoạn như chị H. Sau khi chị tải ứng dụng Kdata về điện thoại để tham gia nhập liệu, lúc đầu, chị tham gia nhập liệu 300 nghìn đồng với lợi nhuận 30%. Sau khi làm nhiệm vụ theo yêu cầu, chị đã được trả vào tài khoản ngân hàng cả gốc lẫn lãi 400 nghìn đồng. Chị tiếp tục chuyển tiền để tham gia nhập liệu với số tiền từ 1 triệu đồng/lần, rồi lên đến 500 triệu đồng/lần.

    Chị T. ngân ngấn nước mắt cho biết khi số tiền chị đã nộp lên đến 800 triệu đồng mà không rút được, chị thắc mắc thì được người tư vấn trả lời với lý do như phải đóng thuế thu nhập cá nhân, nạp tiền sai cú pháp, phí luân chuyển đơn vị tiền, thẻ hội viên bị thiếu điểm, bị thanh tra tài vụ, thanh tra tài khoản… lại tiếp tục yêu cầu chị chuyển tiền. Đến khi số tiền nộp lên đến gần 2 tỷ đồng, chị mới giật mình, biết mình đã bị lừa, giờ mắc nợ không biết lấy gì trả.

    Theo lãnh đạo phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước cho hay trong thời gian qua, đơn vị đã ngăn chặn, bắt giữ nhiều vụ với các nghi phạm vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Đồng thời khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác về phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao và hậu quả, hệ lụy, để người dân không bị lừa đảo.

    Thủ đoạn mà đối tượng này thường sử dụng là câu nhử bằng cách đánh vào tâm lý, nhu cầu tìm việc làm của người dân. Họ đăng tuyển người làm việc online tại nhà thu nhập từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng/ngày.

    Ban đầu, người chơi nộp tiền ít, họ sẽ trả gốc và lãi đầy đủ để nhử. Đến khi tạo được lòng tin, người chơi nộp số tiền lớn thì họ viện nhiều lý do dẫn dụ để yêu cầu người chơi nộp thêm tiền. Còn nạn nhân cố muốn lấy lại số tiền đã nộp nên cứ làm theo yêu cầu của các nghi phạm nhưng càng nộp càng mất luôn tiền.

    Qua các vụ việc nêu trên, để tránh bị lừa đảo, cơ quan công an cảnh báo người dân hãy nâng cao cảnh giác, không tin vào hình thức kiếm tiền bằng app online.

    Ngọc Mai

    Đảng cộng sản Việt Nam kêu gọi “đạo đức” để hạn chế tham nhũng

    Định Tường/VNTB

    20/6/2023


    VNTB – Đảng cộng sản Việt Nam kêu gọi “đạo đức” để hạn chế tham nhũng

    Người đứng đầu Ban chỉ đạo cấp Trung ương này, đã không đủ tự tin và cả sự dũng cảm để nhìn nhận những khiếm khuyết trong vai trò là lãnh đạo tối cao quốc gia.

    Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra ‘lệnh miệng’ là “kiên quyết không để nhân sự tham nhũng, tiêu cực lọt vào cấp ủy”…

    “Phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ khi bản thân và người thân mắc vào tham nhũng, tiêu cực”, đó là những ý được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

    Tổng bí thư khá cảm tính khi ở các phát biểu được gọi là mang tính chỉ đạo tại hội nghị, ông sử dụng cách ví von bóng bẩy, nhưng lại không chỉ rõ làm cách nào để thực thi hiệu quả nhất – như ở lập ngôn hôm 19-6 tại hội nghị kể trên: “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến hết sức khó khăn, phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, nhất định tham nhũng, tiêu cực sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, bởi “Non cao vẫn có đường trèo. Đường dẫu hiểm nghèo vẫn có lối đi”…

    Theo dõi các tường thuật của báo chí về hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (ban chỉ đạo) cấp tỉnh hôm 19-6-2023 thì thấy người đứng đầu Ban chỉ đạo cấp Trung ương này, đã không đủ tự tin và cả sự dũng cảm để nhìn nhận những khiếm khuyết trong vai trò là lãnh đạo tối cao quốc gia.

    Xin được nhắc lại để tránh bị quy chụp của điều luật hình sự 331 hay 117, đó là ở Đại hội XIII của Đảng từng đưa ra đánh giá, rằng “trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến đổi nhanh chóng, khó lường; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, hội nhập quốc tế sâu rộng cùng những biến đổi khí hậu, thiên tai bất ngờ đòi hỏi mọi quốc gia, dân tộc phải có nền quản trị quốc gia thích ứng nhanh chóng, sớm đưa ra được các quyết định phù hợp, hiệu quả”.

    Như vậy, với Hiến định tại Điều 4.2  Đảng “chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”, cho thấy trách nhiệm không thể thoái thác ở đây trong quản trị quốc gia thuộc về chính khách đang giữ cương vị Tổng bí thư.

    Cũng xin được lưu ý, trước Đại hội XIII, khái niệm “quản trị quốc gia” chưa được đề cập đến trong văn kiện nào của Đảng và Nhà nước, mà chỉ xuất hiện từ thập kỷ 90 thế kỷ XX, trong các văn bản, tài liệu, báo cáo của Liên hợp quốc, UNDP, Ngân hàng Thế giới, v.v..

    Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, hoạt động quản lý nhà nước ở Việt Nam đã liên tục có những thay đổi sâu rộng theo hướng quản trị trên nhiều phương diện.

    Thí dụ như người dân bắt đầu thấy ngày càng nhiều hơn những cụm từ như: Nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; Bảo đảm sự tham gia của người dân vào quản lý xã hội: Tăng cường bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước; Bảo đảm sự bình đẳng của các chủ thể trong xã hội và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương; Bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước và sự đồng thuận xã hội trong việc hoạch định, thực thi chính sách, pháp luật của nhà nước, v.v..

    Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã nhiều lần đề cập đến thuật ngữ “quản trị” trong các lĩnh vực khác nhau như: kinh tế, giáo dục, doanh nghiệp, công nghệ, quản trị rủi ro… Đặc biệt, lần đầu tiên, thuật ngữ “quản trị quốc gia” được nhắc đến, đánh dấu sự phát triển về nhận thức cũng như thực tiễn của Đảng trong xây dựng và phát triển đất nước.

    Thế nhưng sau Đại hội XIII, với những gì đang diễn ra lại cho thấy người đứng đầu Đảng đã không nhận ra việc cá nhân của ông đã chưa làm tốt phận sự trong công việc “quản trị quốc gia”, để rồi ông tiếp tục ‘đổ thừa’ rằng đó là vì “đạo đức công vụ” đang có vấn đề về liêm chính…

    https://vietnamthoibao.org/vntb-dang-cong-san-viet-nam-keu-goi-dao-duc-de-han-che-tham-nhung/

    Tổng thống Hàn Quốc sắp thăm Việt Nam

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/06/TThanquoc-700x480.jpg


    Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. (Ảnh: Paul Froggatt/shutterstock) 

    Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước đến Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

    Chuyến thăm nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc dự kiến diễn ra ngày 22-24/6, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

    Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Yoon Suk Yeol trên cương vị tổng thống kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5/2022.

    Trước đó vào đầu năm nay, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo thăm chính thức Việt Nam (12-18/1); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Tài chính Choo Kyung Ho cũng có chuyến thăm Việt Nam vào ngày 10/3.

    Về phía Việt Nam, trong tháng 3 và tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lần lượt có các chuyến thăm Hàn Quốc.

    Theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam và Hàn Quốc đang duy trì cơ chế đối thoại chiến lược ngoại giao – an ninh – quốc phòng cấp thứ trưởng, đối thoại an ninh Việt – Hàn cấp thứ trưởng và đối thoại quốc phòng Việt – Hàn cấp thứ trưởng.

    Hai bên cũng đã ký bản ghi nhớ về bảo mật thông tin quân sự vào năm 2014, biên bản thỏa thuận về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh năm 2016, tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2030.

    Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/1992 và trở thành “Đối tác hợp tác chiến lược” vào tháng 10/2009. Hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” vào tháng 12/2022.

    Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA, thứ ba về thương mại.

    Tính đến tháng 4/2023, Hàn Quốc có hơn 9.500 dự án đầu tư còn hiệu lực, với gần 82 tỷ USD tổng vốn đăng ký. Hàn Quốc hỗ trợ 1,2 tỷ USD vốn vay ưu đãi từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) giai đoạn 2012-2015, hai bên đã gia hạn Hiệp định tín dụng khung Việt Nam – Hàn Quốc giai đoạn 2016-2020 quy mô 1,5 tỷ USD. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 87 tỷ USD, tăng 11,4% so với năm 2021.

    Những năm gần đây, Hàn Quốc là thị trường cung cấp khách du lịch lớn thứ hai của Việt Nam. Trung bình mỗi tháng có hơn 1.000 chuyến bay thẳng Việt Nam – Hàn Quốc.

    Năm 2019, khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 4,2 triệu lượt, tăng 23,1% so với năm 2018; khách Việt Nam đến Hàn Quốc đạt 550.000 lượt người, tăng 21,9%. Lượng khách Hàn Quốc tới Việt Nam giai đoạn 2020 – 2021 giảm do tác động của dịch COVID-19 song tăng trở lại từ đầu năm 2022.

    Hàn Quốc cũng là thị trường tiếp nhận lao động lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam là nước phái cử lao động lớn thứ hai, sau Trung Quốc. Việt Nam hiện có khoảng 48.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc.

    Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, tính đến tháng 1, tổng số người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc là hơn 206.000 người.

    Minh Long


    Không có nhận xét nào