Lawrence Wilson
Quốc kỳ Hoa Kỳ trên mái vòm của tòa nhà Điện Capitol ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 12/05/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)
Hạ viện Hoa Kỳ đã đưa đất nước thoát khỏi tình trạng vỡ nợ tài chính bằng cách thông qua một dự luật đình chỉ tạm thời đối với mức mức trần nợ quốc gia.
Các thành viên đã thông qua một thỏa hiệp cho sự bế tắc về mức trần nợ do Tổng thống (TT) Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) thương lượng trong một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng với tỷ lệ 314 phiếu thuận – 117 phiếu chống hôm 31/05. 71 thành viên Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu phản đối dự luật này.
Dự luật này được thông qua với tỷ lệ 314-117. 46 thành viên Đảng Dân Chủ và 71 thành viên Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu phản đối dự luật này.
Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa này đình chỉ mức trần nợ cho đến ngày 01/01/2025, cắt giảm nhẹ chi tiêu tùy ý phi quốc phòng trong năm 2024, và giới hạn tăng chi tiêu tùy ý ở mức 1% trong năm 2025.
Thỏa thuận này cũng bao gồm các cải tổ cho phép khoan dầu khí, thay đổi những yêu cầu công việc đối với một số chương trình phúc lợi xã hội, và thu hồi 20 tỷ USD tài trợ cho IRS và 30 tỷ USD trong quỹ cứu trợ COVID-19 chưa được chi.
Theo Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen, trong trường hợp Quốc hội không có hành động cho phép vay thêm, thì Hoa Kỳ sẽ thiếu tiền mặt có sẵn để chi trả cho tất cả các hóa đơn của mình vào ngày 05/06.
TT Biden, trong một tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu này, đã tán thưởng việc Hạ viện thông qua dự luật và thúc giục Thượng viện thông qua càng nhanh càng tốt.
Một giải pháp không hoàn hảo
Các nhà lãnh đạo ở cả hai đảng miêu tả thỏa thuận này là một chiến thắng, trong khi nhiều thành viên bình thường xem đó là một giải pháp không hoàn hảo.
(Từ trái qua phải) thành viên cao cấp của Ủy ban Quy tắc Hạ viện Dân biểu Jim McGovern (Dân Chủ-Massachusetts) bắt tay với Chủ tịch Ủy ban Tom Cole (Cộng Hòa-Oklahoma) tại Hoa Thịnh Đốn, hôm 09/05/2023. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)
“Tôi tin đây là một thỏa thuận về nguyên tắc xứng đáng với người dân Mỹ,” ông McCarthy nói với các phóng viên hôm 29/05. “Đó là những khoản cắt giảm chi tiêu mang tính lịch sử, những cải tổ có ảnh hưởng lớn mà sẽ giúp người dân thoát khỏi nghèo đói để tham gia vào lực lượng nhân công, đồng thời kiềm chế sự can thiệp quá mức của chính phủ.”
Ông gọi thỏa thuận này là mức giảm chi tiêu đơn lẻ lớn nhất trong lịch sử quốc gia.
“Tôi sẽ ủng hộ dự luật được đưa ra ngày hôm nay, và tôi đã ủng hộ mà không do dự, e dè, hay lo lắng,” Lãnh đạo Thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York) nói với các phóng viên trước cuộc bỏ phiếu hôm 31/05. “Không phải vì dự luật này hoàn hảo. Nhưng trong một chính phủ phân quyền, chúng ta không thể cho phép sự hoàn hảo trở thành kẻ thù của cái tốt.”
Chủ đề đó đã được các thành viên của cả hai đảng lặp lại trong suốt cả ngày hôm đó.
“Đó không phải là một dự luật hoàn hảo, nhưng nó thể hiện một sự thỏa hiệp giữa chính phủ và Quốc hội. Điều đó là cần thiết trong một chính phủ phân quyền. Không ai có được mọi thứ họ muốn. Nhưng kết quả cuối cùng là một dự luật mang tính lịch sử một cách thiết thực,” Dân biểu Tom Cole (Cộng Hòa-Oklahoma) cho biết.
Ông Cole, người đã bỏ phiếu đồng thuận cho dự luật, nói với The Epoch Times sau khi dự luật được thông qua rằng gói dự luật này cho thấy “thỏa thuận tốt nhất mà chúng ta có thể đạt được” và ca ngợi ông McCarthy vì đã đạt được thỏa thuận thỏa hiệp này, gọi Chủ tịch Hạ viện là một “bậc thầy về nghệ thuật của những điều có thể xảy ra.”
Bên kia hành lang, Dân biểu Teresa Leger Fernandez (Dân Chủ-New Mexico) đã mô tả dự luật này bằng những lời tương tự nhưng ít lạc quan hơn.
“Dự luật này đã cứu chúng ta khỏi thảm họa kinh tế và bác bỏ các đề xướng quy tắc và cực đoan nhất có trong … trong Đạo luật [Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng] của Đảng Cộng Hòa,” bà Fernandez nói. “Dự luật này có hoàn hảo không? Hoàn toàn không. Tôi không ủng hộ nhiều thay đổi trong đó đối với các luật về môi trường của chúng ta và các chương trình mạng lưới an sinh xã hội của chúng ta.”