Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam: Dân chật vật, doanh nghiệp ngưng sản xuất vì mất điện trong nắng nóng

    BBC News

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Người bán hàng rong đổ mồ hôi trong thời tiết nắng nóng ở Hà Nội đầu tháng 6/2023

    Sáng thứ hai đầu tuần này, một công ty sản xuất các linh kiện cơ khí thuộc Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh vắng lặng như tờ. Toàn bộ 300 công nhân nhận được thông báo nghỉ vì công ty mất điện nguyên ngày.

    Anh Hưng (đã đổi tên), nhân viên của công ty này nói với BBC đây là lần đầu tiên tất cả công nhân được nghỉ trong 24 tiếng và chờ thông báo làm bù vì điện bị cắt từ 8:00 ngày 5/6 đến 8:00 ngày 6/6.

    Gần đó, hàng loạt khu công nghiệp ở các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đang phải đối mặt với tình trạng mất điện toàn bộ, Reuters dẫn lời của hai giới chức đầu tư địa phương giấu tên cho biết.

    Tình trạng cắt điện luân phiên kéo dài nhiều giờ đồng hồ đang diễn ra ở rất nhiều khu công nghiệp lẫn các khu dân cư trong thời tiết nắng nóng cao điểm. 

    Chị Trâm, ở thành phố Thanh Hoá cho biết gần đây, các hộ dân tại khu phố của chị bị cắt điện liên tục trong nhiều giờ, bất kể cả ngày lẫn đêm. 

    “Ngày 6/6 là mất điện từ 0:00 đến 20:00, ba hôm trước là từ 14:00 đến 4:00 sáng hôm sau, chưa kể là những hôm lác đác mất vài tiếng”, chị trao đổi với BBC.

    Trong thời tiết mùa hè có khi lên tới 40 độ, ban đêm con nhỏ của chị Trâm không ngủ được vì nóng bức, chị đành ôm con ra xe ô tô điện bật máy lạnh mặc dù rất lo lắng khi ngủ qua đêm trên xe. 

    “Dù có nghe tin có những tai nạn khi ngủ trên xe ô tô, nhưng bé nhỏ vị viêm da cơ địa, bác sĩ chỉ định ở phòng điều hoà 22 độ, nếu bị nóng là cháu không ngủ được mà quấy khóc, nên tôi không còn cách nào khác”, chị chia sẻ.

    Chị cho biết dù đây là ô tô điện, không có khí thải nhưng chị vẫn mở hé kính, đặt xe ở ngoài sân đề phòng rủi ro. Cả đêm chồng và mẹ chồng chị liên tục dậy kiểm tra xem hai mẹ con có ổn không.

    “May mắn là hôm trước tôi đã sạc đầy pin cho xe điện. Ban đêm tôi mở máy lạnh trên xe từ 00:30 đến 6:30, pin rút từ 86% xuống 70%, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời.”

    Chị Trâm phải mang con lên ô tô ngủ vì mất điện


    Chụp lại hình ảnh, 

    Chị Trâm phải mang con lên ô tô ngủ vì mất điện 

    Thiếu điện do đâu?

    Cuối tháng 4/2023, EVN dự báo miền Bắc có thể thiếu 1.600 - 4.900 MW trong mùa khô. 

    Hơn một tháng sau, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 4/6, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận điều này "không còn là nguy cơ" khi một số nơi đã thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt.

    Từ Pháp, Tiến sĩ Đỗ Minh Thắng, trưởng phòng Năng lượng và Khoa học dữ liệu của công ty Meteodyn, phó chủ tịch Hội Kỹ thuật Điện và Năng lượng AEEE bình luận rằng tình trạng thiếu điện dẫn đến cắt điện luân phiên hiện nay do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. 

    “Khách quan thì do diễn biến thời tiết nắng nóng bất thường, thủy điện thiếu nước… Nhưng tôi sẽ tập trung vào nguyên nhân chủ quan”, ông Thắng trả lời phỏng vấn của BBC ngày 6/6.

    Theo ông Thắng, nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng thiếu điện là việc quy hoạch, hay nói chính xác hơn là việc không thực hiện được quy hoạch.

    Trong những năm gần đây, Việt Nam không xây dựng hay đưa thêm nhà máy điện mới nào có công suất đáng kể vào hệ thống, trừ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời)… 

    “Sự chậm trễ này không bộc lộ sớm do tác động của Covid dẫn đến nhu cầu phụ tải thấp hơn thông thường. Giờ dịch bệnh đã qua, sinh hoạt dần khôi phục trở lại nên nhu cầu tiêu thụ điện lại tăng dẫn đến thiếu”, ông Thắng nhận định.

    Chuyên gia năng lượng cho biết về cơ cấu nguồn điện truyền thống, cơ bản chỉ có hai lựa chọn là thuỷ điện hoặc nhiệt điện. Trong nhiệt điện thì lại chia nhỏ ra là than, khí, dầu, hạt nhân… 

    “Trước đây cơ cấu nguồn của Việt Nam chủ yếu là thủy điện ở miền Bắc, điện khí ở miền Nam. Giai đoạn gần đây, khi tiềm năng thủy điện ở miền Bắc đã hết, tổng sơ đồ 7 đưa vào cơ cấu nguồn khá nhiều nhiệt điện than, nhưng gặp phản đối vì nguy cơ ô nhiễm môi trường, các dự án này không khởi công được, hoặc một vài dự án khởi công được nhưng cũng bị chậm tiến độ rất nhiều”, ông nói.

    “Điều này dẫn đến hậu quả là phân bố nguồn điện bị mất cân bằng, miền Bắc thiếu điện và phải truyền tải từ phía Nam ra thông qua các đường dây 500kV, hiện nay dù đã hoàn thành mạch 3 năm vào năm 2022 nhưng rõ ràng là vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phụ tải”, chuyên gia này lý giải.

    Thủ đô Hà Nội chìm trong bóng tối

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Thủ đô Hà Nội chìm trong bóng tối 

    “Khó giải quyết trong ngắn hạn”

    Mất điện diện rộng, có lúc đột ngột không thông báo, đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân và hoạt động ở các khu công nghiệp. 

    Tiến sĩ Đỗ Minh Thắng cho rằng giải pháp ngắn hạn để giải quyết vấn đề trước mắt là rất khó vì điện là ngành cần có quy hoạch dài hạn.

    Theo ông, hiện tại có lẽ chỉ có cách là điều tiết phụ tải thông qua tăng cường kêu gọi ý thức của người dân hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm, bố trí lại lịch lao động của các nhà máy, xí nghiệp… 

    Còn về trung và dài hạn thì cần tập trung vào việc thúc đẩy tiến độ của các nhà máy điện, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các nhà máy trọng điểm.

    Ngoài ra, ông cho rằng dự án mạng lưới điện tiểu vùng sông Mekong cũng là một giải pháp tốt để các nước có thể chia sẻ công suất phát điện dư thừa, đồng thời nêu ví dụ ở châu Âu, chính nhờ lưới điện chung UCTE trải dài trên lãnh thổ của 24 quốc gia mà các nước mua bán trao đổi công suất rất dễ dàng, việc Đan Mạch hay Tây Ban Nha đẩy được tỷ trọng năng lượng tái tạo lên rất cao cũng là nhờ có lưới điện này.

    “Để làm được điều này thì cần có một lượng vốn đầu tư rất lớn. Thiết kế chính sách phù hợp là điều kiện tiền đề để có thể thu hút vốn đầu tư, tối ưu hóa các nguồn lực xã hội”, ông nói với BBC.

    Theo tiến sĩ Thắng, việc tăng giá bán lẻ điện cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp để lành mạnh hóa quan hệ sản xuất và mua bán điện năng, tránh việc lợi dụng giá điện thấp để đầu tư phát triển các ngành sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu, có lượng tiêu hao điện lớn gây lãng phí, thất thoát ngân sách quốc gia. 

    Ông đánh giá dù điện gió và điện mặt trời không phải là giải pháp cho tình trạng thiếu điện do công suất phát của các loại nguồn này không ổn định và không chủ động được. Tuy nhiên việc ưu tiên sử dụng năng lượng từ gió và mặt trời lại là điều nên làm để giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch hạn chế phát thải CO2.

    Người dân tại Hà Nội vạ vật tại trung tâm thương mại để tránh nóng

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Người dân tại Hà Nội vạ vật tại trung tâm thương mại để tránh nóng

    Trong khi chờ đợi…

    Trong tháng 6, EVN dự báo miền Bắc tiếp tục đối mặt với nắng nóng kéo dài trong gần 2 tuần liên tục, dự kiến phụ tải miền Bắc và hệ thống điện Quốc gia sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các ngày tới.

    Trong lúc chờ các giải pháp căn cơ dài hạn, người dân và các doanh nghiệp sẽ phải xoay sở trong những ngày thời tiết oi bức.

    Từ cố gắng tiết kiệm điện cho đến vạ vật tại các trung tâm thương mại để tránh nóng, cho đến mua máy phát điện hoặc tìm hiểu về việc lắp điện mặt trời… 

    “Nghe nói trước kia dân tự lắp điện năng lượng, thừa thì hoà điện lưới và được trả tiền, thiếu thì dùng điện lưới, nhưng nay không mua nữa. Tôi hi vọng tình trạng này sớm được khắc phục, chứ dân phải tự đầu tư bộ lưu điện, chi phí lắp đặt tốn kém và lãng phí hơn”, chị Trâm nói.

    Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng lên tiếng vì khó khăn khi phải ngưng trệ sản xuất.

    Ngày 5/6, Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) - đại diện cho các công ty Châu Âu tại Việt Nam - đã gửi thư đến Bộ Công thương nhằm thúc giục bộ này tìm giải pháp nhanh chóng để giải quyết tình hình.

    Ông Jean-jacques Bouflet, Phó chủ tịch EuroCham Vietnam nói với Reuters: “Bộ Công thương Việt Nam nên có biện pháp khẩn cấp trước khi danh tiếng của Việt Nam là một trung tâm sản xuất toàn cầu đáng tin cậy bị ảnh hưởng”.

    https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cqqkdldq96no


    Không có nhận xét nào