Header Ads

  • Breaking News

    Sự kiện tấn công cầu Kerch ở Crimea: Công pháp quốc tế nói gì?



    By Nguyễn Quốc Tấn Trung

    Tạp chí Luật Khoa

    24/7/2023


    https://blogger.googleusercontent.com/img/proxy/AVvXsEifFNt_wdQM71lbh7GxesFz1t5kHa8RG0HUcDJjGwpct8mYDDIfQX0lbIctt9WAZj_pjvKDxVIdTDiNB6xb3fGlX1N7BoGOrfG7TppFJsgtLN8DfgJGcL2B2z2qR7qpa5EZ8lt3gUxkLjKiWApl2wxEi2WJkPsgxEEfTUMxghlV41LxrXk=s0-d-e1-ft



    Nguồn ảnh: Molfar.com.

    Một trong những diễn biến mới nhất của cuộc chiến xâm lược Ukraine do chính quyền Nga phát động là việc cầu Kerch - một trong những tuyến vận tải huyết mạch kết nối nội địa Nga với Crimea cũng như chiến trường Tây Nam - bị phá hủy bởi quân đội Ukraine. [1]

    Hiển nhiên, như thường lệ, dù tấn công hàng loạt các công trình dân sự tại Ukraine trong một cuộc chiến đã được ghi nhận là vi phạm pháp luật quốc tế, chính quyền của ông Putin vẫn cho rằng các hoạt động quân sự của Ukraine là khủng bố. 

    Việc xác định câu chuyện cầu Kerch bị tấn công có hợp pháp hay không hoàn toàn có thể được giải thích bằng công pháp quốc tế, mà cụ thể là hệ thống pháp luật nhân đạo quốc tế (international humanitarian law). 

    Các thành tố của mục tiêu quân sự

    Khái niệm mục tiêu quân sự (military objectives) đã được phân tích và giải nghĩa trong rất nhiều các văn bản pháp lý quốc tế từ đầu thế kỷ 20. 

    Đến năm 1977, Nghị định thư thứ nhất (Protocol I - 1977) bổ sung cho Công ước Geneva về Bảo vệ nạn nhân của xung đột vũ trang quốc tế (Geneva Conventions of 12 August 1949, and Relating to the Protection of Victims of International Armed Conflict) chính thức cho thế giới một khái niệm hiện đại và cụ thể hơn khi phân tích mục tiêu quân sự. Trong đó, nghị định thư này ghi nhận: 

    “Tấn công quân sự chỉ nhằm nhắm tới các mục tiêu quân sự. Trong đó, các mục tiêu quân sự được giới hạn ở những đối tượng mà theo bản chất, vị trí, mục đích hoặc cách sử dụng của chúng, góp phần hiệu quả vào hành động quân sự; và việc phá hủy, chiếm giữ hoặc vô hiệu hóa toàn bộ hoặc một phần của chúng, trong hoàn cảnh cụ thể vào thời điểm đó, mang lại lợi thế quân sự xác định.” [2]

    Cách định nghĩa của nghị định thư có vẻ dễ hiểu, song cũng tạo ra nhiều tranh cãi. 

    Ví dụ, quyển Cẩm nang của Tư Lệnh Hải quân Hoa Kỳ về Quy phạm Hoạt động Hải quân (United States’ Commander’s Handbook on the Law of Naval Operations) đơn giản hóa các tiêu chuẩn mà nghị định thư đề ra thành: tấn công quân sự nhắm tới những đối tượng giúp ích cho năng lực thực hiện hành vi chiến tranh (war-fighting) và năng lực duy trì chiến tranh (war-sustaining capability). [3]

    Cách tiếp cận này, đặc biệt là liên quan đến khái niệm khả năng duy trì chiến tranh, được cho là quá rộng.

    Tác giả Yoram Dinstein bình luận rằng nội hàm của câu chuyện duy trì chiến tranh có thể được dùng để nói về bất kỳ đối tượng nào trong một lãnh thổ quốc gia cụ thể. [4] Dinstein ghi nhận ngay cả một cánh đồng trồng bông cotton cũng có thể được xem là một thực thể kinh tế đóng góp vào khả năng duy trì chiến tranh vì tiền xuất khẩu bông vải có thể được tái đầu tư vào các mục tiêu chiến tranh. Tuy nhiên, cách tiếp cận như vậy dễ dẫn đến cách diễn đạt tùy tiện và gán ghép cho bất kỳ công trình hay cá nhân nào tính chất quân sự. 

    Ví dụ, nếu nói rằng trung tâm thương mại tạo nguồn thu cho nhà nước, nhà nước có thể dùng nó để tài trợ cho các hoạt động bao gồm cả chiến tranh, nên trung tâm thương mại là mục tiêu quân sự, thì đây chắc chắn sẽ là cách diễn giải sai về các khái niệm nói trên. 

    Với một số cảnh báo được nghị định thư làm rõ, chúng ta có thể bắt đầu tìm hiểu các tiêu chuẩn cơ bản để một đối tượng được xem là mục tiêu quân sự hợp lý (legitimate military objective).

    Trước tiên, đối tượng phải có bản chất quân sự. Để có được tiêu chuẩn này, một sự vật hay cá nhân phải có một thuộc tính cố hữu giúp cho nó có thể đóng góp vào các hành vi chiến tranh. 

    Bạn đọc có thể nghĩ ngay đến các sự vật hiển nhiên như doanh trại quân đội, phương tiện chiến tranh, công sự và xưởng máy móc sửa chữa thiết bị quân sự.

    Tiếp đó, chúng ta cần phải bàn đến mục đích hoặc cách sử dụng của những đối tượng này, xem xét rằng liệu mục đích và cách sử dụng của một đối tượng nào đó nằm trong phạm vi hay vượt ra ngoài định nghĩa bản chất quân sự của nó. Chúng ta có thể lý giải là nếu xét về mặt bản chất, dù đối tượng được đánh giá không có bản chất quân sự nhưng mục đích và cách sử dụng thực tế của những chủ thể này lại bộc lộ rõ tính quân sự của chúng. 

    Ví dụ, một du thuyền được sử dụng cho mục đích thương mại chắc chắn không phải là một mục tiêu quân sự. Song nếu chiếc du thuyền được phía quân đội trưng dụng để chở quân nhân và các phương tiện chiến tranh, thì mục đích sử dụng thực tế của chiếc du thuyền đã biến nó trở thành một mục tiêu quân sự hợp lý. 

    Cuối cùng, vị trí của đối tượng phân tích cũng đóng góp không nhỏ vào việc đối tượng này có trở thành mục tiêu quân sự hay không. 

    Cách tiếp cận về yếu tố vị trí có nhiều diễn giải khác nhau, nhưng nhìn chung, cấu thành vị trí có thể được hiểu là ngay cả khi một đối tượng mang bản chất dân sự (civilian-by-nature) nhưng lại được đặt trong phạm vi tấn công và tầm ảnh hưởng của một mục tiêu quân sự lớn hơn và rõ ràng hơn, đối tượng đó cũng sẽ không được hưởng những bảo vệ dành cho nhóm thường dân. [5]

    Chúng ta có thể tưởng tượng đến một số tình huống như một chiếc tàu đánh cá đang neo đậu trong cảng quân sự; một cửa hàng, siêu thị mua sắm được xây dựng bên trong doanh trại quân đội. Trong bối cảnh vị trí này, những mục tiêu có bản chất dân sự này đều trở thành các mục tiêu quân sự hợp lý. 

    Khả năng tấn công cầu, đường trong công pháp quốc tế 

    Những thông tin trên chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu, nhưng cũng vừa đủ để chúng ta bắt đầu phân tích mức độ hợp lý và hợp pháp của việc tấn công cầu, đường, mà cụ thể là cầu Kerch nối nội địa Nga với Crimea. 

    Trước tiên, cầu đường nói chung thường được liệt kê như là một đối tượng tấn công hợp lý trong các chiến dịch quân sự. Trong quyển National Military Manuals on the Law of Armed Conflict của Nobuo Hayashi (tạm dịch: Cẩm nang quân sự quốc gia về Nguyên tắc xung đột vũ trang), cầu đường được mô tả như một phần của các mục tiêu quân sự hợp lý: 

    “Các huyết mạch giao thông có tầm quan trọng chiến lược, bao gồm các tuyến đường sắt chủ lực và bãi tập kết đường sắt; đường cao tốc chính (như đường cao tốc liên bang ở Hoa Kỳ hay Autobahnen ở Đức); hạ tầng của sông và kênh đào có thể đi lại được (bao gồm cả đường hầm và cầu qua sông của đường sắt và đường trục chính) [...]” [6]

    Nếu chỉ dùng ghi nhận này, có thể lý giải việc tấn công Kerch là hợp pháp một cách tương đối dễ hiểu. Cầu Kerch là tuyến giao thông huyết mạch bao gồm cả đường bộ và đường sắt dẫn từ Nga sang Crimea - một trong những chiến trường chính và cũng là vùng lãnh thổ đang bị chiếm đóng. 

    Một số tác giả, như Michael Bothe, từng bình luận rằng đường sá và cầu cống chỉ có thể trở thành mục tiêu quân sự hợp lý nếu cung ứng quân sự cho chiến trường đi qua chúng. [7] Đây được cho là cách tiếp cận hẹp trong giới nghiên cứu và thực hành luật nhân đạo quốc tế.

    Song ngay cả với cách tiếp cận hẹp này, Kerch vẫn là một mục tiêu quân sự hợp lý vì vai trò hàng đầu của nó trong chuỗi cung ứng quân sự của quân đội Nga ở chiến trường Ukraine suốt nhiều năm qua (bao gồm thời điểm trước năm 2022). [8]

    Đối với cách tiếp cận rộng của đa số các thực hành và cẩm nang khác, cầu là một yếu tố kỹ thuật không thể thiếu trong việc vận hành các con đường cao tốc hay đường sắt chủ chốt của quốc gia. Vì vậy, tương tự như những cấu trúc đường mà nó phụ trợ, cầu được xem là có bản chất quân sự và đương nhiên trở thành mục tiêu quân sự hợp lý. 

    Một số tác giả đi xa hơn nữa khi cho rằng ngay cả trường hợp đường sá, cầu cống không phải là huyết mạch, chúng vẫn có thể được xem như một phần rõ ràng của toàn bộ hệ thống vận tải có khả năng góp phần vào việc tuyển quân và chuyển tiếp vật tư quân sự ra chiến trường. Việc phá hủy hệ thống đường sá - trong khả năng của các bên tham chiến - được xem là một hoạt động đương nhiên trong các chiến dịch quấy rối hậu cần của phe đối địch.


    Không có nhận xét nào