Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam CS: Người dân băn khoăn khi đọc tin nhắn của chính quyền để nhắc nhở và xin tiền

    Tác giả, Song May

    Gửi đến BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn

    16/8/2023

    Người dân Sài Gòn


    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Từ lúc có đại dịch Covid xuất hiện, dân Việt Nam bắt đầu nhận được những dòng tin nhắn của chính quyền. Trong khoảng thời gian ấy, tin nhắn của chính quyền kể ra cũng có ích, dù chỉ là “cấm”. 

    Nhưng hiện nay, không ít những dòng tin ấy thường vô bổ khi dân chúng đang mong chờ tin nhắn khác, như nhận lương từ ngân hàng chẳng hạn. 

    Giúp đỡ hay dạy dỗ?

    Năm 2023, chính quyền không còn những tin nhắn cấm tụ tập đông người nữa, mà chỉ là thông báo. 

    Dân Sài Gòn lúc thì nhận thông báo từ UBND TP.HCM rằng cần liên hệ công an địa phương để thực hiện thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip, hướng dẫn cấp và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 (22/5), loại tin mà công an khu phố đã thúc giục khiến dân phát mệt! 

    Lúc khác, dân chúng được nhắc nhở đi mua sắm vì “Ủy ban… triển khai chương trình khuyến mại tập trung – mùa mua sắm “Shopping Season” trên địa bàn TP.HCM…” (15/6 và 25/6). 

    Tự hỏi, có bao nhiêu người nhận tin nhắn này đổ xô đến các điểm mua sắm? 

    Gần đây nhất, đầu tháng 8/2023, UBND TP.HCM có hai tin nhắn giống hệt nhau là “đề phòng bệnh tay chân miệng” (2/8 và 9/8). Nhà ai không có trẻ em thì chép miệng… thật tào lao. Có vẻ việc phát tán tin nhắn này không chuyên nghiệp, không nhắm đúng đối tượng mà làm kiểu đại trà.

    Bộ Công an thường nhắn về an toàn giao thông: “tuyệt đối không điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia” vào mỗi dịp lễ, tết. Điều này thì đúng chức năng của ngành công an. Nhưng ngày 26/6, khi Bộ Công an nhắc nhở “toàn dân phòng, chống ma túy”, cho rằng đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội (?) thì có vẻ chưa đúng. Người bình thường có thấy con nghiện mua bán trước mắt cũng làm ngơ lánh đi chỗ khác chứ dám tố cáo đâu? 

    Có lúc tin nhắn của Bộ Công an là “khuyến cáo các cơ sở, hộ gia đình chấp hành nghiêm quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy…” (26/5) thì đúng, nhưng khi nhắn: “Để phòng ngừa đuối nước cho trẻ em, Bộ Công an khuyến cáo…” (21/7)… có vẻ ngoài chức năng của họ. 

    Việc này được một bộ khác nhắn tin. Ngày 10/8, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội nhắn: “Trẻ em cần được học bơi và học kỹ năng an toàn để phòng, chống đuối nước”.

    Tự hỏi: Sao không có khóa học bơi miễn phí nào do Bộ Lao động – Thương binh- Xã hội tổ chức cho trẻ em? Các trường học làm gì, nhất là ở vùng quê? Vì người khá giả ở các đô thị đều trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ từ sớm nhưng nếu người nghèo nhận được tin nhắn này thì họ biết làm gì, khi việc kiếm miếng ăn mỗi ngày còn chật vật. 

    Do không có chương trình quốc gia trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ em, mỗi ngày Việt Nam có hơn năm đứa trẻ bị chết đuối (khoảng 2.000 trẻ mỗi năm), theo thống kê của Bộ này.

    Có vẻ hữu ích nhất là tin nhắn là của Bộ TT&TT: “Trân trọng đề nghị người dân cảnh giác với thông tin giả mạo, lừa đảo trên internet. Trước khi sử dụng dịch vụ, giao dịch trên internet, hãy tra cứu website mà mình truy cập bằng cách nhắn tin miễn phí theo cú pháp...” (5/5).

    Tin nhắn làm lộ ra vấn đề minh bạch chi tiêu của các hội đoàn

    Trụ sở MTTQ Việt Nam TP HCM

    Nguồn hình ảnh, SONG MAY

    Chụp lại hình ảnh, 

    Trụ sở MTTQ Việt Nam TP HCM, số 55 Mạc Đỉnh Chi, phường Đa Kao, Quận 1, Sài Gòn

    Tôi thấy máy điện thoại của mình nhận được ba tin nhắn kêu gọi ủng hộ tiền từ Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (28/6, 3/7 và 12/7), với nội dung: “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, MTTQ Việt Nam kêu gọi ủng hộ làm nhà cho người nghèo của tỉnh Điện Biên, bằng cách chuyển khoản tới Quỹ vì người nghèo trung ương, số tài khoản… tại Vietinbank”. 

    Quyên góp đại trà toàn dân thế này cho cái gọi là “ủng hộ làm nhà cho người nghèo của tỉnh Điện Biên”, một tỉnh phía Bắc xa xôi, lại còn nhân danh “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”, thật là lạ, vì 70 năm chiến thắng mà mảnh đất ấy vẫn còn người nghèo? 

    Dân chúng Sài Gòn nếu làm việc trong các công ty nhà nước hằng năm đều phải góp một ngày lương cho mỗi cuộc vận động kiểu này, chưa kể về nhà vẫn phải ủng hộ cho quỹ đoàn thể ở địa phương, nay trung ương còn vận động quyên góp qua tin nhắn (nhắn đến ba lần), đính kèm số tài khoản, thì đúng là thời buổi khó khăn, MTTQ phải đi xin tiền lẻ.

    Cộng đồng mạng đã đem tin nhắn này ra giễu cợt. 

    Facebook Doan Khac Xuyen, một nhà báo, ngày 12/7/2023 đặt vấn đề: “Tại sao không bắt bọn tổ chức “chuyến bay giải cứu” nhả ra vài trăm tỉ là có thể giải cứu đồng bào nghèo ĐB ngay thôi mà. Sao không làm?”. 

    Tài khoản ChiThanh Nguyen góp ý: “Chuyển kinh phí xây tượng đài hoặc chuyển kinh phí làm các bảng hiệu khu phố văn hóa trên toàn quốc sang kinh phí xây nhà cho dân nghèo và xây trường học là thiết thực hơn”. 

    Trời mưa

    Nguồn hình ảnh, Getty image

    Chụp lại hình ảnh, 

    Đường phố Sài Gòn

    Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện có số nhân sự khổng lồ, từ trung ương đến 63 tỉnh/thành, xuống tận quận/huyện/phường/xã và chia nhánh thành lập nhiều đoàn thể chính trị khác, nào đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, hội sinh viên, liên đoàn lao động, hội cựu chiến binh, hội Chữ Thập đỏ.

    Ngân sách nhà nước nuôi bộ máy nhân sự MTTQ hằng năm phải tiêu tốn bao nhiêu? 

    Thạc sĩ Nguyễn Khắc Giang thuộc nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) qua công trình nghiên cứu "Ước lượng chi phí kinh tế cho các tổ chức QCC ở Việt Nam" cho biết, Mặt trận Tổ quốc được hưởng nhiều ưu đãi từ nhà nước và xã hội, được phân bổ ngân sách hoạt động, tuy vậy, chi phí kinh tế và hiệu quả hoạt động của tổ chức này vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp.

    Khi tìm hiểu về công trình nghiên cứu của vị thạc sĩ này thì bài viết trên Viettimes ngày 13/6/2016 cho biết: “Tính cộng gộp thì tổng chi phí cho các tổ chức quần chúng công (QCC) hàng năm dao động từ 45,6 đến 68,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 1 – 1,7% GDP của cả nước. … nhưng hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức trong số này vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp”. 

    Cũng trên bài viết này, ông Nguyễn Khắc Giang giải thích: “Ở Việt Nam chúng ta có Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), 5 tổ chức chính trị- xã hội (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu Chiến binh) và 28 hội đặc thù, gọi chung là các tổ chức quần chúng công (QCC); trong đó, đa số các tổ chức này đều có 4 cấp (trung ương, tỉnh (thành phố), huyện (quận) và xã (phường)”.

    Vì thế, không dưng mà nhiều tài khoản Facebook cùng có chung thắc mắc: Tại sao dân chưa bao giờ được xem sao kê của hội chữ thập đỏ, MTTQ, Quỹ vaccine? Tại sao đòi các cá nhân và quỹ từ thiện tư nhân khi quyên góp từ thiện phải minh bạch mà nhà nước không có sao kê?

    Khi vào trang web chính thức của MTTQ Việt Nam, xem mục “Vận động-Phong trào” thì thấy từ giữa tháng 5/2023 đến nay có bốn bài viết nói về dự án “làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”, có nêu cụ thể toàn tỉnh Điện Biên có gần 7.450 gia đình chính sách, gia đình nghèo, cận nghèo đang ở trong những ngôi nhà dột nát, hư hỏng. Trong đó, gia đình nghèo, cận nghèo muốn làm nhà mới là 5.479, muốn sửa chữa là 1.916; còn gia đình chính sách muốn làm mới là 28 và muốn sửa chữa 24. 

    Tóm lại, bất kỳ cuộc quyên góp nào cũng dành phần cho các gia đình chính sách, tức thương binh/liệt sĩ/cán bộ có công với Đảng Cộng sản.

    Mức hỗ trợ ra sao? MTTQ cho mỗi gia đình 50 triệu đồng để xây mới, còn lại gia đình tự chịu, nhưng lại đòi hỏi nhà mới phải bảo đảm “ba cứng”, có đủ diện tích sử dụng và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.

    Trong bốn bài viết có nhắc tên của vài gia đình được nhận hỗ trợ xây mới 50 triệu đồng, nhưng đọc hết bài cũng như tìm hết các mục trên trang web, chẳng thấy mục nào công khai tài chánh, tức kê khai mức thu – chi của từng dự án. 

    Như vậy, minh bạch thu – chi các khoản quyên góp từ thiện chỉ là điều khoản bắt buộc với dân mà thôi. Xưa nay chỉ có những doanh nghiệp muốn củng cố mối quan hệ với chính quyền, cốt “làm được việc” mới ủng hộ vào cái quỹ của MTTQ mà không cần biết họ dùng tiền đó để làm gì. 

    Có điều, kinh tế suy thoái, giờ doanh nghiệp nào cũng nghèo, nên đến lượt dân thường như chúng tôi được Mặt trận nhắn tin... xin tiền.

    https://www.bbc.com


    Không có nhận xét nào