Header Ads

  • Breaking News

    Eric John Hobsbawm* - Thế kỷ cực đoan

    Diễn giả: Eric John Hobsbawm

    Ghi chép tóm tắt: Tôn Thất Thông

    " Chủ nghĩa Cộng sản không thể đạt được sự kết hợp tương tự giữa nền kinh tế thị trường với sự kiểm soát và lập kế hoạch công, giữa tăng trưởng kinh tế với phúc lợi xã hội. Kể cả trường hợp Hungary cũng thế. Thật không may, chúng ta chưa rõ liệu điều này chỉ có thể thực hiện được ở phương Tây trong những điều kiện đặc biệt của thế giới thời hậu chiến hay không."

    https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2023/09/hobsbaum-vortrag-in-konstanz.jpg?w=827

    * DĐKP giới thiệu: Eric Hobsbawm là một trong những nhà sử học tiếng tăm nhất nước Anh, có lẽ cả châu Âu, nếu không nói là cả thế giới. Mặc dù bài diễn văn này đã được trình bày cách đây 25 năm ở đại học Konstanz, nhưng nội dung vẫn mang tính thời sự cho những ai muốn phân tích vài khía cạnh trong lịch sử thế kỷ 20. Eric Hobsbawm là tác giả bộ lịch sử gần 1.800 trang nói về 200 năm thời kỳ cận đại châu Âu, gồm bốn tập. Tập sau cùng có tựa đề là „The Age of Extremes. The short twentieth century 1914–1991“ mà một phần của nó là chủ đề bài diễn văn này.

    ***

    Người điều phối TV: Hôm nay, quý vị đang nghe một bài diễn văn từ năm 1998, được ghi lại tại Đại học Konstanz. Nhà sử học GS.TS. Eric John Hobsbawm đã giảng dạy tại Đại học Stanford, Viện Công nghệ Massachusetts MIT, Đại học Cornell, Đại học London, College de France và New School for Social Research ở New York. Ông qua đời năm 2012 ở tuổi 95. Trong diễn từ này, GS TS Eric John Hobsbawm phát biểu về chủ đề thế kỷ cực đoan.

    Điều gọi là thế kỷ ngắn ngủi bắt đầu từ năm 1914 với sự sụp đổ của thế giới tự do tư sản trong thế kỷ 19, tức là với thời đại thảm khốc khoảng 30 đến 40 năm vào cuối thế kỷ đó. Trong thế kỷ ngắn ngủi của chúng ta, mọi thứ đều tồi tệ đối với thế giới cũ. Các cuộc chiến tranh thế giới, các cuộc khủng hoảng toàn cầu, các cuộc cách mạng xã hội mà trước hết là cách mạng Nga, sau đó được mở rộng thành một mô hình thế giới, rồi sự sụp đổ của nhà nước pháp quyền tư sản dân chủ gần đây, vốn xét cho cùng hầu như chưa thực sự tồn tại trong thế kỷ này, nhưng người ta vẫn tiếp tục xây dựng nó. Và trên hết, thế giới của thế kỷ chúng ta đang bị hủy hoại, không chỉ về mặt chính trị và kinh tế, mà còn về mặt xã hội. Tất cả giống một điều gì đó hoàn toàn mới lạ và bất ngờ.

    Ngay cả mối quan hệ giữa nam và nữ dường như cũng thay đổi, theo một cách nhìn nào đó. Những người phụ nữ cắt tóc ngắn và chưng những kiểu tóc mới lạ tân kỳ [Bubikopf]. Lúc đó, hiện tượng này xảy ra như một trận động đất. Tất nhiên theo thời gian, chúng ta đã quen với sự thay đổi này, mặc dù tôi phải nói thêm rằng mãi đến thập niên 1960, số lượng quần tây trong ngành may đo của phụ nữ mới bắt đầu nhiều hơn số lượng váy đầm.

    Trong bối cảnh đó, có hai lựa chọn quan trọng để thay thế chủ nghĩa tự do xuất hiện trước chúng ta trong thế kỷ 20, đó là chủ nghĩa cộng sản kiểu Liên Xô và chủ nghĩa phát xít hay là chủ nghĩa quốc xã Đức. Theo quan điểm của tôi, cả hai chỉ là sản phẩm, là tiếng vọng từ thời đại của sự sụp đổ xã hội tư sản tự do vào cuối thế kỷ 19. Chí ít là tôi đã hiểu như thế.

    Sau Thế chiến thứ hai, chủ nghĩa tư bản nổi lên ở các nước được gọi là phát triển và đặc biệt là ở Tây Âu, bởi một phần tư thế kỷ sau năm 1950 chắc chắn là thời kỳ hoàng kim của nền kinh tế mới trên khắp Tây Âu. Không có điều gì tương tự như thế này đã từng tồn tại trước đây. Ví dụ, so với nền kinh tế Mỹ, nền kinh tế châu Âu đã có những bước tiến vượt bậc. Vì vậy, sau Thế chiến thứ hai, chủ nghĩa tư bản ở các nước phát triển đã tạo ra một nền tảng mới và có vẻ ổn định do sự chuyển dịch sâu sắc về địa chính trị và về kinh tế xã hội.

    Về địa chính trị, điều này dựa trên quyền bá chủ của Hoa Kỳ và sự giải quyết các xung đột giữa các cường quốc châu Âu cũ. Cả hai khối này đều được tạo điều kiện thuận lợi, thậm chí đã trở thành hiện thực, nhờ sự đối đầu lưỡng cực trong chiến tranh lạnh. Về kinh tế xã hội, nó dựa trên sự bác bỏ có hệ thống chủ nghĩa tư bản sơ khai kéo dài suốt nhiều thế hệ, để chuyển dịch nó từ một nền kinh tế thị trường tự do tuyệt đối chuyển qua nền kinh tế do nhà nước làm trung gian và hướng dẫn – dù không phải là kế hoạch trung ương – để hình thành một cuộc hôn phối thành công giữa một bên là tinh thần kinh doanh của doanh nhân và bên kia là sức mạnh của lực lượng lao động có tổ chức. Kết quả của cuộc hôn phối này là 25 năm hoàng kim từ thập niên 1950 kéo dài đến đầu thập niên 1970 ở thế giới phương Tây, đặc biệt là ở châu Âu không cộng sản, như tôi đã nói. Ngẫu nhiên thay, ngay cả ở dạng khiêm tốn nhất, thập niên 1950 và 1960 cũng là thời đại tiến bộ và hạnh phúc tương đối khiêm tốn ở các nước xã hội chủ nghĩa và ở các khu vực không bị chiến tranh tàn phá của Thế giới thứ ba.

    Sau năm 1973, một kỷ nguyên mới trong lịch sử thế giới rõ ràng đã bắt đầu, cho đến ngày nay vẫn được đặc trưng bởi sự quay trở lại nền kinh tế thị trường tự do tuyệt đối và không bị kiểm soát vốn dĩ đã biến mất trong 25 năm trước. Trong cuốn sách của tôi, thời đại này kết thúc với bước ngoặt không thể nhầm lẫn là sự sụp đổ của khối cộng sản Đông Âu từ năm 1989 đến khi Liên Xô chính thức tan rã vào năm 1991. Liệu thời đại mới này có thực sự thay đổi mọi thứ hồi đó hay liệu chúng ta vẫn còn mắc kẹt trong thời đại này cho đến ngày nay hay không thì vẫn chưa rõ ràng. Bởi vì thời đại mới kể từ năm 1973 đã mang đến một cuộc khủng hoảng kép, đó là cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản kiểu Xô Viết và cuộc khủng hoảng của giai đoạn mới và toàn cầu hóa của chủ nghĩa tư bản.

    Như chúng ta đã biết, chủ nghĩa cộng sản bên ngoài Đông Á đã không tồn tại được trong cuộc khủng hoảng này. Nhưng kết quả của kỷ nguyên tư bản chủ nghĩa mới vẫn chứa đựng đầy mâu thuẫn và đầy khủng hoảng của nền kinh tế thế giới kể từ năm 1973, chẳng hạn, tình trạng thất nghiệp hàng loạt trở thành trạng thái thường trực ở nhiều nước. Có lẽ tôi không cần phải giải thích thêm điều này.

    Chúng ta vẫn đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng này và chưa thể đoán trước được kết cục của nó ra sao. Vì vậy, thế kỷ ngắn xuất hiện trong cuốn sách của tôi như một chiếc hộp được bảo mật. Lịch sử thế giới chuyển từ thời kỳ chiến tranh và khủng hoảng, bước qua một thời kỳ ổn định tương đối ngắn như một thời gian đệm, rồi lại chuyển sang thời kỳ khủng hoảng mới.

    Tuy nhiên, người ta có thể nhìn thế kỷ 20 theo một cách khác. Cụ thể là bạn có thể chia nó thành hai phần. Khi kết thúc giai đoạn khủng hoảng đầu tiên, tức là vào giữa thế kỷ, một tốc độ thay đổi kinh tế và xã hội rất độc đáo bắt đầu, điều này sẽ quyết định lịch sử thế giới kéo dài đến thời đại của chúng ta hôm nay. Điều đánh dấu thế kỷ của chúng ta như một thời đại cực đoan là, một mặt, có nhiều người phải chịu đựng đau khổ một cách tàn nhẫn và bị tàn sát nhiều hơn bao giờ hết, thực tế là hàng trăm triệu người. Nhưng mặt khác, ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ, bao gồm những người dân không may mắn ở Liên Xô cũ và các dân tộc châu Phi, thì vào cuối thế kỷ có gấp ba lần số người trên hành tinh này đang sống trong điều kiện thể chất tốt hơn, có tuổi thọ dài hơn, khỏe mạnh hơn, vật chất tốt hơn và giàu có hơn bao giờ hết.

    Mặt khác, quyền lực của con người đối với thiên nhiên đã tăng lên nhảy vọt trong hậu bán thế kỷ này đến mức mà lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta đối mặt với nguy cơ loài người sắp phá hủy nền tảng tồn tại của chính mình trên hành tinh này.

    Khi các nhà sử học ở thiên niên kỷ thứ ba – theo cách làm lịch của chúng ta – nhìn lại thế kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai, tôi tin rằng sự tăng tốc đáng kinh ngạc của tốc độ thay đổi thế giới đối với họ dường như là một điều mới lạ thực sự trong lịch sử của thế kỷ này. Kể từ thập niên 1950, chúng ta chưa từng trải qua sự kết thúc của lịch sử, như một nhà tư tưởng Mỹ đã nhận xét vào năm 1989, nhưng sự thay đổi trong thế kỷ này quả thực chưa từng có so với mười thiên niên kỷ của lịch sử mà, kể từ thời đồ đá mới, đã gắn liền với sự vươn lên các thành thị, với kim loại, với chữ viết, với nông nghiệp.

    Nhìn từ góc độ lịch sử thế giới, thực tế là thời đại 25 năm phát triển ngắn ngủi nói trên có thể được xem là cuộc cách mạng thực sự của thế kỷ 20, sau nhiều thiên niên kỷ kéo dài từ đầu thời đại kim loại cho đến giữa thế kỷ 20.

    Tôi đã gợi ý trong cuốn sách của mình rằng, từ góc độ trong vài thế kỷ tới nhìn trở lại, chúng ta sẽ thấy các cuộc chiến tranh chính trị và ý thức hệ trong thế kỷ của chúng ta có thể được đánh giá là hết sức lỗi thời, cũng giống như khi chúng ta hôm nay nhìn lại các cuộc xung đột tôn giáo ở thế kỷ 17. Các bạn hãy nhớ lại xem, vào cuối thế kỷ 17, Vua Louis XIV của Pháp đã quyết định bắt buộc cải đạo hoặc trục xuất những người theo đạo Tin lành trong đất nước của mình, và người Anh đã làm một cuộc cách mạng chống lại Vua James II vì ông muốn tái công giáo hóa cư dân của mình. Và nhà khoa học vĩ đại Isaac Newton gần như quan tâm đến việc diễn ngôn Kinh thánh cũng nhiều như ông quan tâm đến vật lý học. Đối với chúng ta ngày nay, những điều đó tỏ ra rất lỗi thời, dù rằng những điều đó xảy ra trong một thời đại mà chúng ta coi như là bước đột phá cách mạng trong quá trình phân chia khoa học và chính trị nhà nước. Tôi nghĩ rằng, nhìn từ góc độ tương lai, những xung đột trong thế kỷ 20 dường như cũng rất lỗi thời theo ý nghĩa đó.

    Ví dụ, quan sát từ thế kỷ tiếp theo, sẽ có vẻ kỳ lạ khi diễn ngôn ý thức hệ của thế kỷ 20 chỉ đề cập đến hai hình thức trật tự kinh tế mang tính chất loại trừ lẫn nhau, đó là chủ nghĩa tư bản hoặc chủ nghĩa xã hội. Thay vì xem xét một loạt các biến thể kinh tế nằm giữa các thái cực, một bên là hệ thống thúc đẩy lợi nhuận thị trường hoàn toàn không được kiểm soát, không có kế hoạch và bên kia là hệ thống chỉ huy, hoàn toàn có kế hoạch và thực tế là phi thị trường của chủ nghĩa xã hội nhà nước.

    Đây là những sự phân cực khó hình dung có thể xảy ra. Nhưng chúng đã thực sự tồn tại. Thật không may cho những người dân bất hạnh ở Nga, cả hai thái cực này có lẽ đã được áp dụng lần đầu tiên, có lẽ là lần cuối cùng ở đất nước này. Lần đầu tiên là sau cuộc cách mạng năm 1917, hay đúng hơn là vào thời Stalin, lần thứ hai là sau năm 1989, trong số đó những con người tội nghiệp của dân tộc này vẫn còn chịu khổ đau.

    Tuy nhiên, sự đối lập lưỡng cực này đơn giản là không phù hợp với thực tế. Và dạng thức mà rất nhiều cuộc thảo luận trong thế kỷ 20 đề cập đến cũng không thực tế: cụ thể là, lập luận cho rằng thị trường tự do đồng nghĩa với chính trị dân chủ; sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế đồng nghĩa với chính phủ độc tài. Đúng như vậy hay không? Để trả lời, bạn chỉ cần nghĩ đến thể chế của Tướng Franco ở Tây Ban Nha và Tướng Pinochet ở Chile, vốn ủng hộ tự do thị trường hoàn toàn nhưng lại là những thể chế độc tài, nhưng mặt khác, bạn hãy nhìn vào khối Bắc Âu, nơi đã và đang sử dụng rất nhiều sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, nhưng họ chắc hẳn không phải là các nước độc tài thiếu dân chủ.

    Thực không may, những sự đối đầu nhị phân như vậy dường như là điều tự nhiên đối với hầu hết trí thức trong thế kỷ của chúng ta. Thế mà đối với chúng ta, những người đương thời, ngay cả đối với giới trẻ, những cuộc chiến tranh ý thức hệ của thế kỷ này xem ra vẫn quan trọng như đạo Tin lành đối với Oliver Cromwell và đạo THiên Chúa đối với Vua Louis XIV hay James II. Và đó là lý do tại sao đối với chúng ta, nó vẫn xoay quanh lịch sử chính trị của thế kỷ, cả về cuộc xung đột giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ này cũng như giai đoạn trung tâm của thế kỷ về chủ nghĩa phát xít, vốn đã làm cho cả chủ nghĩa tư bản tự do và chủ nghĩa cộng sản đoàn kết với nhau để chống lại nó.

    Ít nhất, đó là cách tôi nhìn lịch sử chính trị của thời đại cực đoan. Bản thân tôi cũng cấu trúc hóa nó xung quanh cuộc xung đột giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Mặt khác, lại có những nhà phê bình, chẳng hạn như một nhà sử học rất tiếng tăm về thời Đức Quốc xã, Mark Mazower gần đây đã viết cuốn lịch sử Châu Âu trong thế kỷ 20 với tựa đề “The Dark ContinentLục địa đen tối”. Các nhà phê bình phản đối rằng tôi đánh giá thấp sức nặng lịch sử của chủ nghĩa phát xít so với chủ nghĩa cộng sản. Bởi vì, như Mazower nói, một châu Âu cộng sản chưa bao giờ nằm trong chương trình nghị sự, dù có hay không có sự trợ giúp của Moscow. Nhưng một châu Âu phát xít dường như không chỉ có thể xảy ra mà thậm chí đôi khi còn có thể xảy ra. Và không chỉ bởi vì Đức Quốc xã đã chiếm được gần như toàn bộ lục địa châu Âu và đã thực sự có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến, nếu Hitler không phạm sai lầm đã tuyên chiến với mọi phe, làm cho cả Nga và Mỹ đoàn kết chống lại ông ta.

    Không có sai lầm đó, cuộc chiến chắc chắn sẽ không thể đảo ngược được đối với Đức, tức là Đức sẽ thắng ở châu Âu. Mặt khác, cũng bởi vì cánh hữu, nhất là cực hữu, thông qua chủ nghĩa phát xít, tức là Quốc xã, được ưa chuộng hơn cánh tả lúc bấy giờ rất nhiều. Đến mức có những cuộc bầu cử dân chủ vào thập niên 1930, chẳng hạn như ở Trung và Đông Âu, họ đã thiên về cánh hữu nhiều hơn. Ở châu Âu, chỉ có Bắc Âu là rõ ràng đi về hướng tả. Mặt khác, ở Mỹ, họ đã thể hiện rất rõ ràng dưới thời Roosevelt. Cánh tả luôn ở thế phòng thủ trong suốt thập niên 1930 và người ta không được quên rằng đối với nhiều người vào thời điểm đó, không chỉ những người nắm quyền, mà đa số người dân đã xem chủ nghĩa phát xít dường như có năng lực đưa ra một giải pháp, thậm chí một giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế.

    Vì vậy thay vì chủ nghĩa tự do, theo họ thì một châu Âu tư bản dựa trên chủ nghĩa phát xít sau chiến thắng của Đức là hoàn toàn có thể hình dung được, có thể nói là một Liên minh châu Âu dưới ngọn cờ của Joseph Goebbels chứ không phải của Jean Monet. Goebbels đã từng tuyên truyền về một châu Âu thống nhất về mặt kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế sẽ không có một châu Âu như vậy mà chỉ có chế độ độc tài của những người Đức thuần chủng đứng trên nhiều chủng tộc khác, và điều đó có lẽ sẽ gây khó khăn vô cùng cho việc duy trì sự ổn định lâu dài cho châu Âu. Tuy nhiên, đó chỉ là sự suy đoán.

    Chưa hết, trong lịch sử thế kỷ 20, không giống như chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít mặc dù có tiềm năng quân sự to lớn và không kém phần quan trọng, nhưng chỉ là một giai đoạn ngắn ngủi, dù cho ký ức về nó vẫn đè nặng lên chúng ta. Bởi vì như Kirschaw, đồng nghiệp của tôi, lưu ý trong phần giới thiệu cuốn tiểu sử mới hai tập về Hitler, sẽ được xuất bản trong vài tháng tới, “nó cho chúng ta thấy một xã hội văn hóa tiên tiến, hiện đại có thể bị nhấn chìm bởi chủ nghĩa man rợ nhanh chóng như thế nào”. Tuy nhiên, với tư cách là một hiện tượng lịch sử, giai đoạn chủ nghĩa phát xít không phải là trung tâm của lịch sử châu Âu. Ngay cả lịch sử châu Âu, chứ đừng nói đến lịch sử thế giới, khó lòng được cấu trúc xung quanh chủ nghĩa phát xít.

    Các cường quốc của phe Trục không chỉ thua trong chiến tranh mà chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quốc xã nhanh chóng và gần như biến mất hoàn toàn khỏi sân khấu chính trị sau chiến tranh. Ngày nay thật khó để nghĩ về điều đó, khi nhớ lại phong trào này nổi bật như thế nào, chứ không chỉ sức mạnh của nó, vào thập niên 1930. Họ đã tiến gần đến chiến thắng dễ dàng đến mức nào.

    Tại sao điều này lại gây tranh cãi? Nhưng điều chắc chắn là, sự thật này không có gì để tranh cãi. Ngày nay, tôi cũng chắc chắn rằng cái gọi là thử nghiệm Nga, như nó được gọi khi tôi còn trẻ, không phải là một giải pháp thay thế lâu dài khả thi cho chủ nghĩa tư bản thế giới. Ngay cả khi chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô tồn tại lâu hơn bảy lần so với mười hai năm Đệ tam Đế chế trong thực tế, vốn dĩ đã được xem như nghìn năm đế chế Đức về mặt lý thuyết.

    Nói cho cùng, Cách mạng Tháng Mười trong lịch sử thế kỷ của chúng ta có vai trò trung tâm hơn rất nhiều so với chủ nghĩa cánh hữu cực đoan. Đơn giản vì chủ nghĩa cộng sản đã đóng một vai trò trong lịch sử của mọi nơi trên thế giới kể từ năm 1918. Đây có lẽ là phong trào thế giới ngoài châu Âu đầu tiên kể từ thời đại Hồi giáo bắt đầu từ thế kỷ thứ bảy sau CN. Và nhân tiện nói thêm, ngày nay người ta vẫn dễ quên rằng gần mười năm sau cuộc đại sụp đổ năm 1991, khoảng 20% dân số thế giới vẫn sống dưới sự cai trị của các đảng cộng sản, chủ yếu là ở Trung Quốc.

    Làm thế nào để chống lại cuộc cách mạng của quần chúng lao động, điều đó đã trở thành vấn đề chính của tất cả những người nắm quyền sau năm 1917. Nếu không có cái gọi là mối nguy hiểm Bolshevik, chủ nghĩa phát xít đã không tồn tại.

    Không ai nghi ngờ rằng đây chính là bóng ma đã ám ảnh các nước tư bản giám sát và các cơ quan tình báo trên thế giới sau năm 1917, và ngay cả ở Hoa Kỳ, nơi thực sự không hề có mối hiểm họa cách mạng nào. Sau Thế chiến thứ hai, mối đe dọa đỏ nổi lên như một siêu cường chiến thắng. Mặt khác, ở các quốc gia giàu có và có vẻ ổn định về mặt xã hội ở phương Tây, mối đe dọa cách mạng xã hội đã biến mất và do đó tính hợp pháp về mặt ý thức hệ của chủ nghĩa chống Bolshevik cũng thay đổi, dẫn đến nhiều cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học chính trị về chủ nghĩa toàn trị và những vấn đề tương tự.

    Chủ đề về sự nguy hiểm của cách mạng xuyên suốt toàn bộ lịch sử của thế kỷ này, từ năm 1917 cho đến khi bức tường Bá Linh sụp đổ. Nó không bao giờ có thể được giảm bớt hoàn toàn từ xung đột quyền lực lớn hoặc từ chính trị thực dụng.

    Đây chính xác là điều khiến thập niên 1930 và 1940 trở nên vô cùng thú vị đối với các nhà sử học, bởi vì ở một khía cạnh nào đó, sự đoàn kết thống nhất giữa chủ nghĩa tư bản tự do với chủ nghĩa cộng sản là hoàn toàn bất thường, mà đó chỉ là một sự gián đoạn ngắn ngủi trong mối thù truyền kiếp sẽ xuất hiện trở lại.

    Sự thống nhất này đã được áp đặt cho cả hai. Nếu không có Hitler thì điều đó đã không xảy ra. Mặt khác, theo tôi, cả chủ nghĩa tư bản tự do và chủ nghĩa cộng sản đều thuộc về một gia đình trí thức lịch sử. Cả hai đều là con đẻ của thời đại khai sáng. Họ nói cùng một ngôn ngữ. Họ cùng quan tâm đến những xã hội giống nhau. Và nếu cả hai muốn sống sót, họ không chỉ phải hợp tác cùng nhau trong cuộc chiến chống lại Hitler mà còn phải học hỏi lẫn nhau. Nghịch lý thay, các nhà tư bản tự do đã thành công trong việc này tốt hơn nhiều so với chủ nghĩa cộng sản.

    Chủ nghĩa tư bản đã tích hợp phong trào lao động có tổ chức vào chính sách kinh tế xã hội của mình, đồng thời học hỏi nhu cầu lập kế hoạch từ Liên Xô. Theo tôi, điều này xuất phát từ nỗi sợ bị hủy hoại, không phải do sự sụp đổ kinh tế trong cuộc đại khủng hoảng, mà từ những tác động cách mạng về mặt chính trị và xã hội của nó, ở cả cánh tả và cánh hữu.

    Chủ nghĩa Cộng sản không thể đạt được sự kết hợp tương tự giữa nền kinh tế thị trường với sự kiểm soát và lập kế hoạch công, giữa tăng trưởng kinh tế với phúc lợi xã hội. Kể cả trường hợp Hungary cũng thế. Thật không may, chúng ta chưa rõ liệu điều này chỉ có thể thực hiện được ở phương Tây trong những điều kiện đặc biệt của thế giới thời hậu chiến hay không.

    Đó là, liệu nền kinh tế hỗn hợp có thể được xây dựng lại trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay hay không và bằng cách nào. Thật không may, ít nhất là ở phương Tây, chủ nghĩa tư bản đã có một thời kỳ hiệu quả trong việc quên đi nỗi sợ bị hủy diệt và do đó quên đi những bài học lịch sử của chính nó trong thế kỷ 20. Làm thế nào để chúng ta tiến về phía trước? Cảm ơn Chúa, nhà sử học không phải là một nhà tiên tri. Cùng lắm, anh ta có thể xác định được vấn đề, nhưng các giải pháp thì thuộc về tương lai.

    Đó là cái nhìn tổng quan của tôi về thế kỷ 20. Nhưng hôm nay khi tôi nói với các bạn về thế kỷ này, tôi không chỉ nói với tư cách là một nhà sử học mà còn với tư cách là một người mà dữ liệu cuộc sống gần như giống hệt với thế kỷ ngắn ngủi của chúng ta. Điều này có thể đã ảnh hưởng đến phân tích của nhà sử học. Bất cứ ai cũng có thể viết lịch sử của một thời đại, nhưng nó trông như thế nào còn tùy thuộc vào góc nhìn của nhà sử học. Và điều này phần lớn được định hình bởi kinh nghiệm sống của người đó. Tất nhiên, điều này đặc biệt quan trọng trong lịch sử đương đại, bởi vì nó xác định ranh giới giữa lịch sử sống và lịch sử được học hoặc nghiên cứu từ bên ngoài. Phải chăng điều đó có nghĩa là mọi người chỉ nhìn thấy hoặc có thể nhìn thấy thế kỷ của chính mình?

    Việc chúng ta, với tư cách là những nhà sử học, chỉ có thể nói chuyện với những người giống mình không tiết lộ điều đó, bởi vì những đánh giá của chúng ta về lịch sử là khác nhau, bộc lộ những phản ứng khác nhau trước các sự kiện. Cũng không thể tranh luận về những sự thật có thể xác định được của lịch sử một khi chúng đã được xác lập theo các quy tắc của phường hội nghề nghiệp. Đức đã thua chứ không phải thắng trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Thật khó để khẳng định ông Kohl chết năm 1999 vì có bằng chứng cho thấy ông vẫn còn sống.

    Bà giáo cũ của tôi, người đã khiến chúng tôi đắm chìm trong những niên đại thuộc chính quyền của các hoàng đế Đức, hoàng hậu và nội các Anh, có lẽ bà đã tin rằng những niên đại này quan trọng hơn những gì chúng có vẻ đối với tôi với tư cách là một nhà sử học xã hội ngày nay. Nhưng đơn giản là không thể phủ nhận lời giảng của cô giáo ấy rằng, Nữ hoàng Elizabeth I đã hành quyết Nữ hoàng Mary Stewart của Scotland vào năm 1587.

    Lịch sử theo nghĩa này cũng khách quan như một thành phố lớn. Bất kể bạn đến từ đâu, bạn tin vào điều gì, bất kể giới tính hay màu da nào, nếu bạn muốn định hướng cho mình ở thành phố này ngày nay, tất cả các bạn đều sử dụng một bản đồ thành phố giống nhau, trong đó ghi lại sự thật khách quan nhất định của thành phố. Và ngay cả khi những người lãnh đạo thành phố nghĩ đến việc đổi tên đường phố và các tòa nhà, hoặc thậm chí thay đổi tên của chính thành phố, như việc thường xảy ra đối với người Trung và Đông Âu,.

    Tất nhiên, điều này không có nghĩa là Berlin hay St. Petersburg có ý nghĩa giống nhau đối với tất cả người dân, du khách hoặc đối với tất cả những người liên quan đến những thành phố này. Làm sao điều đó có thể xảy ra được? Nhưng điều đó có nghĩa là tất cả những ai muốn đi từ Wimbledon đến Wembley đều có thể và phải sử dụng cùng một bản đồ tàu điện ngầm, bất kể động cơ, mục tiêu và cảm xúc của du khách có khác nhau đến đâu.

    Nói tóm lại, điều đó có nghĩa là chúng ta có thể biết mình đang nói về điều gì. Và trong lịch sử cũng vậy. Tuy nhiên, rõ ràng là cùng một thế kỷ, nhưng nó có vẻ khác đối với tôi, khi so sánh với một nhà sử học 30 tuổi hoặc một độc giả Hàn Quốc.

    Có ngạc nhiên không khi ba điều quyết định quan điểm của chúng ta về lịch sử? Cái cũ, mô tả địa lý theo thời điểm. Nhiệm vụ của nhà sử học đương thời là giải thoát bản thân ra khỏi chúng và, nếu có thể, suy nghĩ về con đường đi vào lịch sử của mình từ quan điểm của một thế hệ tương lai. Nhưng tất nhiên điều đó trước hết có nghĩa là nhận ra bản chất quan điểm của chính bạn.

    Thời đại cũ, tức là thời đại lịch sử trong đó chúng ta, với tư cách là những người trẻ, khám phá thế giới, không chỉ quyết định kinh nghiệm sống mà còn quyết định phần lớn thế giới quan của chúng ta.

    Ví dụ, tôi rõ ràng thuộc về thế hệ của thập niên 1930. Sau thời thơ ấu ở Vienna, tôi trải qua những năm cuối cùng của Cộng hòa Weimar ở Berlin, nơi đã định hình quan điểm chính trị của tôi và đánh thức mối quan tâm của tôi đối với lịch sử thông qua Marx và Engels. Tôi thuộc thời đại của Mặt trận Bình dân ở Paris, nhưng Mặt trận Bình dân ở Paris khác hẳn phong trào sinh viên tháng 5 năm 1968, cũng khác hẳn cuộc nội chiến Tây Ban Nha v.v.

    Thế hệ tôi thuộc về những năm xảy ra cuộc đại khủng hoảng, khi ngay cả chủ nghĩa tư bản cũng đã trực tiếp phát hiện ra rằng nền kinh tế thị trường không bị hạn chế và không được kiểm soát có thể dẫn đến không những thảm họa về kinh tế mà còn cả thảm họa chính trị và xã hội.

    Vì vậy, chẳng hạn, không giống như các biên tập viên kinh doanh của hai hoặc ba năm trước, tôi không hề ngạc nhiên rằng vào năm 1997-98, phép lạ kinh tế Đông Á đã sụp đổ và cuộc nổi dậy quần chúng của các nạn nhân đã biến chế độ độc tài kéo dài 30 năm trong một quốc gia lớn như Nam Dương có thể sụp đổ. Nói cho cùng, chúng tôi đã chứng kiến điều tương tự vào những năm từ 1930 đến 1933.

    Do đó, thế hệ của tôi ngay từ đầu đã được miễn nhiễm với những điều mê tín của lý thuyết kinh tế tân tự do đặc biệt lan tràn trong thập niên 1980. Chúng tôi thấy thật khó tin rằng sau cuộc đại khủng hoảng người ta lại có thể lý tưởng hóa nền kinh tế thị trường tự do không hạn chế. Chúng tôi nhớ rằng những người theo chủ nghĩa thị trường tự do tuyệt đối hồi đó, trước hết, về mặt lý thuyết đã phủ nhận ngay cả khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng thế giới mà tất cả chúng ta đã và đang chứng kiến. Và thứ hai, tư duy Chính thống giáo của họ đã biến mất trong vòng 30 năm, chính xác bởi vì bản thân họ hoàn toàn bất lực khi đối mặt với cuộc khủng hoảng này.

    Chúng ta nên nhớ rằng những nhà phê bình chủ nghĩa tân tự do thập niên 1980 – vốn đã trục xuất những người theo chủ nghĩa thị trường tự do cực đoan vào cuộc sống lưu vong 30 năm của họ – không phải là kẻ thù của chủ nghĩa tư bản, càng không phải là người mở đường cho chế độ độc tài.

    Họ là những người như Tổng thống Roosevelt và John Maynard Keynes, những người được nhiều người biết đến là không cộng sản, thậm chí không phải là một nhà dân chủ xã hội trong suốt cuộc đời của mình, mà Keynes là thành viên trong Đảng Tự do của Anh, đồng thời cũng là kiến trúc sư của nhà nước phúc lợi của Anh thể hiện qua chính sách xã hội được thiết kế bởi Sir William Beveridge.

    Mục tiêu mà Maynard Keynes theo đuổi một cách có ý thức là cứu giai cấp tư sản tự do và vì thế là cứu xã hội tư bản và cứu “giai cấp tư sản có học thức của tôi”, tôi xin trích dẫn Cains như thế. Ông muốn cứu chủ nghĩa tư bản khỏi việc tự sát thông qua lòng ích kỷ thiển cận của những kẻ đi săn lợi nhuận.

    Keynes và hầu hết những người cùng thời với ông đều thấy rất rõ ràng rằng có điều gì đó không ổn trong một hệ thống trong đó, và tôi tiếp tục trích dẫn lời của Keynes, “nền kinh tế là sản phẩm phụ của công việc trong sòng bạc”, đặc biệt vì bản thân Keynes cũng là một nhà đầu cơ thị trường chứng khoán thành công và ông biết rõ hoạt động kinh doanh này. Nhưng sòng bạc đang diễn ra trên thị trường ngoại hối quốc tế ngày nay vẫn chưa được ông biết đến, đơn giản vì những thứ như thế không hề tồn tại vào thời điểm đó.

    Mặt khác, theo tôi , một nhà sử học khó có linh cảm về những chuyện có thể sẽ xảy ra, như các phong trào sinh viên năm 1968 và các cuộc cách mạng văn hóa tương tự. Như tôi đã tự mình phát biểu, chúng tôi rất đồng cảm với những phong trào như vậy, nhưng thật ngạc nhiên thú vị khi những người trẻ ở Tây Âu, ở Hoa Kỳ, một lần nữa lại tuyên bố chính mình là thành viên của những cuộc cách mạng ấy, và cũng là người thuộc cánh tả phi lý hoặc hoàn toàn phi thực tế. Nhưng nói cho cùng, điều đó vẫn tốt hơn là thờ ơ không làm gì.

    Nhưng quả thực chúng tôi không hiểu động cơ của họ, ngoại trừ trường hợp những phong trào tình cờ có liên quan ít nhiều đến chính trị, chẳng hạn như những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam hoặc như một cuộc cải cách chính trị ở Đông Âu.

    ./.

    Bài diễn từ này được phát sóng lại vào ngày 22 tháng 6 năm 2015 từ 14 giờ đến 14 giờ 45 bởi kênh giáo dục của ARD ALPHA và SWR, những phân nhánh của đài truyền thông công cộng Deutsches Erstes Fernsehen (ARD).

    Diễn giả: Eric John Hobsbawm

    https://diendankhaiphong.org/the-ky-cuc-doan/


    Không có nhận xét nào