Võ Thái Hà tổng hợp
Hơn 100 máy bay chiến đấu Trung Quốc quấy rối quanh đảo Đài Loan
Thanh Hiếu /RFI
18/9/2023
Theo AFP, hôm qua 17/09/2023, bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết đã phát hiện 103 máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay quanh hòn đảo trong khoảng 24 giờ. Đây là con số cao nhất được ghi nhận gần đây.
Màn hình trong một quán ăn chiếu cảnh quân đội Trung Quốc tập trận gần Đài Loan, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 10/04/2023. REUTERS - TINGSHU WANG
Theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Đài Loan, trong số máy bay quân sự bị phát hiện, có 40 chiếc đã vượt qua đường trung tuyến - ranh giới không chính thức giữa Trung Quốc và Đài Loan và đi vào Vùng nhận dạng phòng không (Adiz) ở phía tây và đông nam. Chín tàu chiến Trung Quốc cũng tiếp cận hòn đảo.
Bộ Quốc Phòng Đài Bắc tố cáo : « Việc Trung Quốc không ngừng quấy rối quân sự có thể dễ dàng làm gia tăng căng thẳng và làm suy giảm an ninh trong khu vực ». Đài Bắc yêu cầu Bắc Kinh « chấm dứt ngay lập tức những hành động đơn phương mang tính phá hoại này ».
Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa bình luận về các hoạt động này.
Chính phủ Trung Quốc coi hòn đảo tự trị này là một phần lãnh thổ của mình và trong những năm gần đây đã thường xuyên thực hiện các cuộc tập trận quân sự quanh hòn đảo này nhằm tìm cách khẳng định các yêu sách chủ quyền và gây áp lực lên Đài Bắc.
Thủ tướng Malaysia : Kuala Lumpur và Bắc Kinh đối thoại cởi mở về vấn đề Biển Đông
Thùy Dương /RFI
18/9/2023
Để duy trì hòa bình và ổn định, Malaysia và Trung Quốc đã đồng ý đối thoại cởi mở và liên tục về vấn đề Biển Đông. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim phát biểu như trên sau cuộc gặp đồng nhiệm Trung Quốc Lý Cường tại Nam Ninh, Trung Quốc, hôm Chủ Nhật 17/09/2023.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (T) tiếp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), tại một khách sạn trên đảo Penang, Malaysia, ngày 11/08/2023. AP
Báo Singapore Straits Times hôm 17/09 trích dẫn hãng tin Bernama cho biết thủ tướng Malaysia Datuk Seri Anwar Ibrahim đã đến thành phố Nam Ninh, miền nam Trung Quốc trong chuyến thăm kéo dài 14 giờ đồng hồ hôm thứ Bảy 16/09, nhân Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20 và thượng đỉnh đầu tư và kinh doanh Trung Quốc - ASEAN.
Thủ tướng Malaysia đã dự lễ ký kết 3 bản ghi nhớ các thỏa thuận trị giá gần 5,8 tỷ đô la với Trung Quốc. Ông Anwar Ibrahim cũng có các cuộc gặp với tập đoàn công nghệ Hoa Vi và Công ty Truyền thông và Xây Dựng Trung Quốc (CCCC).
Theo Tân hoa Xã, trong cuộc gặp đồng nhiệm Malaysia, thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn với Kuala Lumpur để duy trì hòa bình ở Biển Đông, bảo vệ khuôn khổ hợp tác khu vực với ASEAN là trung tâm và thúc đẩy các cuộc đàm phán Khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc - ASEAN phiên bản 3.0 để tạo thuận lợi sự hội nhập kinh tế trong vùng. Ông Lý Cường cũng nhấn mạnh, Trung Quốc sẵn sàng triển khai các dự án hợp tác quan trọng hàng đầu với Malaysia.
Nhân dịp này, thủ tướng Ibrahim mời chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Cường sang thăm chính thức Malaysia vào năm 2024 để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, với nhiều hoạt động được tổ chức tại Malaysia và Trung Quốc.
Đại sứ Pháp bị bắt làm con tin tại Đại sứ quán Pháp ở Niger
Tổng thống Pháp Macron. (Ảnh: Frederic Legrand – COMEO/Shutterstock)
Đại sứ cùng nhân viên ngoại giao Pháp “đang bị bắt giữ làm con tin theo nghĩa đen ở chính Đại sứ quán Pháp” tại Niger, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói hôm Thứ Sáu, miêu tả “thực phẩm bị ngăn cản không cho chuyển tới” và đang phải “ăn khẩu phần quân sự.” Theo Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna, ông Đại sứ Sylvain Itte còn “rất hữu dụng” và “vẫn còn làm việc” cho Paris. Bất chấp các nỗ lực tìm cách trục xuất ông Itte, người Pháp vẫn kiên trì muốn ông cùng nhóm của mình bám trụ ở vị trí này.
Nói với các phóng viên khi thăm Semur-en-Auxois tại Burgundy ở Pháp, Tổng thống Macron cho hay: “Khi chúng ta đang nói chuyện, thì đại sứ và nhân viên ngoại giao của chúng tôi đang bị bắt giữ làm con tin theo nghĩa đen ở chính Đại sứ quán Pháp, và thực phẩm bị ngăn cản không cho chuyển tới cho họ. Họ đang phải ăn khẩu phần quân sự.”
Tổng thống Niger Mohamed Bazoum bị lật đổ hôm 26/7 bởi một nhóm tướng lãnh quân đội, những người cho rằng chính quyền Niger của ông Bazoum đang bị Pháp vận hành theo một loại thuộc địa kiểu mới.
Chính quyền quân sự mới thành lập đã cố gắng trục xuất ông Đại sứ Pháp Itte hồi cuối tháng 8, nhưng ông từ chối, không chịu rời đi, lập luận rằng chỉ có chính quyền Bazoum mới là hợp pháp.
Dân chúng Niger tổ chức nhiều cuộc biểu tình ủng hộ chính quyền quân sự mới thành lập. Hàng ngàn người dân đã biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Pháp tại Niger, phản đối chế độ thực dân mới, và yêu cầu trục xuất ông Đại sứ cùng các nhà ngoại giao Pháp và 1.500 lính Pháp đang đóng quân ở Niger.
Tổng thống Macron đã đáp lại bằng cách tuyên bố rằng chính phủ quân sự không có tính hợp pháp và việc trục xuất ông Itte là hành động “khiêu khích.” EU ủng hộ Paris, khẳng định rằng Brussels không công nhận chính phủ hiện tại ở Niamey của Niger là hợp pháp.
Khi được các phóng viên hỏi liệu ông có nỗ lực đưa Đại sứ trở về nước hay không, tổng thống Pháp Macron đã nhấn mạnh thẩm quyền của ông Bazoum: “Tôi sẽ làm bất cứ điều gì mà chúng tôi đồng ý với Tổng thống Bazoum vì ông ấy là người có thẩm quyền hợp pháp và tôi nói chuyện với ông ấy hàng ngày.”
Trong phỏng vấn trên truyền hình Pháp LCI, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nói ông Itte vẫn đang hoạt động: “Đại sứ đang làm việc, tôi có thể xác nhận điều đó và ông ấy rất hữu dụng thông qua các mối liên hệ của mình, nhóm của ông ấy, ở đó vẫn còn một nhóm nhỏ cùng với ông.”
Ngoại trưởng nói thêm rằng ông Itte “sẽ ở lại chừng nào chúng tôi muốn ông ấy ở lại” và việc ông đại sứ trở lại hay không là quyết định của Tổng thống Macron.
Một số nước láng giềng của Niger thuộc Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã đe dọa gửi quân tới khôi phục chính quyền Bazoum, nhưng vẫn chưa có hành động gì. Trong khi đó, Mali và Burkina Faso nói rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào Niger cũng sẽ là một lời tuyên chiến chống lại họ và đã ký một hiệp ước với Niamey để gửi trợ giúp quân sự trong trường hợp đó.
Nhật Tân (theo CNN, DW, và RT)
NATO: Chúng ta phải chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài ở Ukraine
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Ảnh chụp màn hình video)
“Hầu hết các cuộc chiến tranh đều diễn ra lâu hơn dự kiến,” Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền thông Đức Funke, và ông tin rằng chiến tranh Ukraine sẽ còn kéo dài, và phương Tây phải chuẩn bị cho điều này, Pravda Ukraine đưa tin hôm Chủ Nhật (17/9). Trước khi khởi động cuộc phản công vào tháng 6, phương Tây và Kiev dự kiến sẽ sớm đánh bật quân Nga, hoặc ít nhất sẽ có được thắng lợi đáng kể về quân sự để buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán.
Theo lập luận của người đứng đầu NATO, liên minh quân sự mạnh nhất thế giới hiện nay và đang không ngừng mở rộng, thì “tất cả chúng ta đều mong muốn sớm có hòa bình,” nhưng mà chính là vì Nga, cho nên chiến tranh sẽ phải kéo dài.
Ông nói, “Đồng thời chúng ta phải nhận ra rằng nếu Tổng thống [Ukraine] Zelensky và các nhóm [quân] Ukraine ngừng chiến đấu, thì quốc gia của họ sẽ không tồn tại nữa. Nếu Tổng thống [Nga] Putin và phe Nga hạ vũ khí, thì chúng ta sẽ có hòa bình.”
Theo ông Stoltenberg, hòa bình đơn độc ở Ukraine vẫn không phải là mục đích cuối cùng, mà xóa bỏ mọi “uy hiếp” của Nga mới là mục đích của chiến tranh này.
“Thỏa thuận hòa bình không phải là khoảng thời gian nghỉ ngơi để rồi Nga lại đánh nữa. Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép Nga uy hiếp nền an ninh Châu Âu,” ông khẳng định.
“Không nghi ngờ gì nữa, Ukraine cuối cùng sẽ gia nhập NATO,” ông Stoltenberg cũng tái khẳng định quan điểm của NATO về sự gia nhập của Ukraine vào khối liên minh quân sự này.
Tuy nhiên ông không đưa ra thời gian cụ thể là khi nào điều ấy xảy ra, cũng không nói rõ rằng trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi ở Ukraine rốt cuộc sẽ dự kiến diễn ra trong bao nhiêu lâu.
Gần đây, ông Stoltenberg có lần lý giải nguyên nhân của chiến tranh Ukraine, ấy là “Tổng thống Putin xâm lược một quốc gia Châu Âu là để ngăn ngừa NATO [mở rộng] thêm nữa,” ám chỉ ông đã công khai thừa nhận điều mà truyền thông Nga vẫn nói rằng chính sự mở rộng của NATO trong nhiều năm qua gây uy hiếp đến an ninh của Nga, và đó là nguyên nhân sâu xa của chiến tranh. Như trong video dưới đây:
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng từng tuyên bố vào tháng trước rằng các nước G7 nhận thức được tính chất kéo dài của chiến tranh Ukraine.
Tờ Pravda cũng đưa tin rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng cuộc chiến ở Ukraine sẽ không kéo quá lâu, bởi vì nguồn lực của Nga là có hạn, và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ nhận ra rằng điều đó không có lợi cho Nga.
Bình luận về dòng viện trợ quân sự liên miên từ phương Tây, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng đó là họ muốn Kiev phải “chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng,” nhưng điều đó tuy ảnh hưởng diễn biến của chiến tranh Ukraine, nhưng không ảnh hưởng kết quả cuối cùng mà Nga mong muốn.
Trái với quan điểm của người đứng đầu NATO Stoltenberg, Thủ tướng Viktor Orban của Hungary, một thành viên của NATO, cho rằng “tình hình kinh tế xấu đi của phương Tây sẽ cưỡng ép các quốc gia đứng lên đòi hòa bình,” khi ông nói với đài Kossuth vào hôm 15/9.
Nhật Tân
NASA thông báo bổ nhiệm người phụ trách mới nghiên cứu UFO
Ảnh Tổng giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) Bill Nelson. NASA thông báo cơ quan này đã bổ nhiệm một giám đốc nghiên cứu mới để nghiên cứu “các hiện tượng dị thường không xác định” (UAP), hay còn gọi là vật thể bay không xác định (UFO). (Ảnh: NASA/Facebook, YHN)
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gian Mỹ (NASA) hôm thứ Năm (ngày 14/9), cho biết họ đã bổ nhiệm một giám đốc nghiên cứu mới chịu trách nhiệm về cái mà chính phủ gọi là “hiện tượng dị thường không xác định” (UAP, hay UFO). Tổng giám đốc NASA cho biết, một nhóm chuyên gia đang thúc giục tìm hiểu thêm về vấn đề này. Báo cáo của họ cho thấy không tìm thấy bằng chứng “người ngoài hành tinh”.
Sau khi một hội đồng chuyên gia độc lập khuyến nghị NASA tăng cường nỗ lực thu thập thông tin UAP và giúp Lầu Năm Góc phát hiện hiện tượng UAP tốt hơn, Tổng giám đốc Bill Nelson đã thông báo bổ nhiệm giám đốc nghiên cứu mới, nhưng ông không tiết lộ danh tính của người này. UAP thường được gọi là Vật thể bay không xác định (UFO).
Sau khi tổ chức cuộc họp công khai đầu tiên vào tháng 6, một hội đồng của NASA gồm các chuyên gia về khoa học từ vật lý đến sinh học, vũ trụ đã công bố báo cáo đầu tiên vào thứ Năm (ngày 14/9).
Ông Nelson cho biết: “Nhóm nghiên cứu độc lập của NASA không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy UAP có nguồn gốc ngoài Trái đất, nhưng chúng tôi không biết những UAP này là gì”. Mục tiêu của NASA là “chuyển cuộc thảo luận về UAP từ ‘‘giật gân’ sang’ (giải thích) sang khoa học.”
NASA cho biết giám đốc nghiên cứu UAP mới sẽ chịu trách nhiệm “tập trung k
hả năng liên lạc, nguồn lực và phân tích dữ liệu để xây dựng cơ sở dữ liệu mạnh mẽ nhằm đánh giá các UAP trong tương lai”.
Tại buổi họp báo, ông Nielsen cũng bày tỏ quan điểm cá nhân của mình rằng có sự sống ngoài Trái đất.
Ông Nelson nói: “Thế giới bị mê hoặc bởi UAP. Trên đường đi, một trong những câu hỏi đầu tiên tôi thường nhận được là về những sự kiện tận mắt chứng kiến này. Phần lớn sự mê hoặc này là do bản chất chưa được biết đến của nó.”
Ông Nielsen nói thêm: “Nếu bạn hỏi tôi có tin rằng trong một vũ trụ rộng lớn – đến mức tôi khó có thể hiểu được nó lớn đến mức nào – có sự sống hay không, câu trả lời cá nhân của tôi là ‘Có.’”
Trong vài năm qua, Chính phủ Mỹ đã nhiều lần tiết lộ thông tin thu thập được về một chủ đề mà các quan chức trước đây đã im lặng. Chính phủ đã công bố một báo cáo mang tính bước ngoặt vào năm 2021. Báo cáo này do Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia cùng nhóm công tác đặc biệt do Hải quân chỉ huy, cùng viết. Trong báo cáo bao gồm nhiều trường hợp nhìn thấy UAP (chủ yếu từ quân nhân).
Ông Nelson nói: “Sứ mệnh của NASA là khám phá những điều chưa biết. Dù chúng tôi phát hiện bất cứ điều gì, chúng tôi cũng đều sẽ cho các bạn biết.” Ông hứa sẽ minh bạch về bất kỳ phát hiện nào.
“Một trong những bí ẩn lớn nhất của Trái đất”
Nhóm UAP của NASA cho biết trong báo cáo: “NASA có nhiều tài sản quan sát Trái đất cũng như không gian hiện có và đã được lên kế hoạch, cũng như một kho lưu trữ lớn các bộ dữ liệu lịch sử và hiện tại”. Các tài sản này “có thể đóng một vai trò quan trọng bằng cách xác định trực tiếp liệu các yếu tố môi trường cụ thể có liên quan đến các hành vi hoặc sự cố UAP được báo cáo hay không.”
Báo cáo mới gọi UAP là “một trong những bí ẩn lớn nhất trên Trái đất”.
“Khắp thế giới đều phát hiện các quan sát về các vật thể trong bầu trời không thể xác định là các khí cầu, máy bay hoặc hiện tượng tự nhiên đã được biết đến, nhưng kết quả quan sát chất lượng cao còn hạn chế.” Báo cáo chỉ ra, “Mặc dù có nhiều mô tả và hiệu quả thị giác, nhưng thiếu các kết quả quan sát nhất quán, chi tiết và qua chỉnh lý, điều này có nghĩa là chúng tôi chưa có dữ liệu cần thiết để đưa ra kết luận khoa học, rõ ràng về UAP. “
Báo cáo năm 2021 của Chính phủ Mỹ bao gồm một số trường hợp UAP. Các trường hợp trước đó đã được đưa ra ánh sáng trong các video do Lầu Năm Góc công bố về các trường hợp nhìn thấy UFO của các phi công Hải quân, cho thấy chiếc máy bay bí ẩn ngoài khơi bờ biển phía đông và phía tây của Mỹ, nó có tốc độ và khả năng cơ động vượt xa công nghệ hàng không đã biết, đồng thời không có bất kỳ động cơ đẩy hoặc giao diện điều khiển bay nào có thể nhìn thấy được. Báo cáo cho biết các nhà phân tích quốc phòng và tình báo thiếu đủ dữ liệu để xác định tính chất của một số vật thể.
Nhóm nghiên cứu UAP của NASA đã tổ chức cuộc họp công khai đầu tiên vào tháng 6 và bao gồm các chuyên gia về khoa học từ vật lý đến sinh học vũ trụ. Những thách thức mà các thành viên trong nhóm phải đối mặt trong công việc của họ bao gồm việc thiếu các phương pháp ghi lại UFO đáng tin cậy về mặt khoa học, cho đến cả sự lúng túng mà chủ đề này gây ra cho những người liên quan.
Nhà báo trưng bày “sinh vật không phải con người” tại phiên điều trần Mexico
Hôm thứ Ba (12/9), CBS News đưa tin, một nhà báo và nhà nghiên cứu về các UAP hay UFO đã trưng bày với các nhà lập pháp về di hài của sinh vật “không phải con người” tại phiên điều trần công khai đầu tiên của quốc hội Mexico.
Ông Jaime Maussan mang theo 2 chiếc hộp lớn chứa thi thể nhỏ bé của người ngoài hành tinh mà ông nói rằng chúng được phát hiện ra ở Peru vào năm 2017.
Ông cho biết, việc xác định niên đại bằng carbon-14 do Đại học Tự trị Quốc gia Mexico thực hiện, đã xác định hài cốt này có niên đại từ 700 – 1.800 năm tuổi.
Mỗi hài cốt chỉ có 3 ngón trên bàn tay và một cái đầu thon dài. Chí ít là bề ngoài của họ giống với hình ảnh người ngoài hành tinh trong những bộ phim khoa học viễn tưởng Hollywood “E.T the Extra-Terrestrial” (E.T Sinh vật ngoài hành tinh).
Ông Maussan kêu gọi các nhà lập pháp xem xét về chủ đề này. Ông nói đây là lần đầu tiên người ngoài hành tinh được triển lãm dưới hình thức này. Điều này cho thấy rõ ràng rằng chúng ta đang đối phó với những mẫu vật không phải con người, không có mối quan hệ nào với bất kỳ loài nào khác trên trái đất của chúng ta.
Ông nói không nên coi đây là chủ đề chính trị, mà là chủ đề liên quan đến nhân loại. Ông cho biết, bằng chứng DNA có thể chứng minh, các mẫu này không thuộc về hành tinh của chúng ta, nhưng không rõ liệu thử nghiệm này đã được thực hiện hay chưa.
Trí Đạt (t/h)
Liệu Ấn Độ có đổi tên nước trong tuần này?
Quốc hội Ấn Độ sẽ khai mạc phiên họp đặc biệt kéo dài 5 ngày vào thứ Hai. Theo lịch cuộc họp này là nhằm kỷ niệm 75 năm thành lập quốc hội và tòa nhà quốc hội mới. Nhưng các chính trị gia đối lập tin rằng sẽ có điều gì đó kịch tính hơn, nhất là khi thủ tướng Narendra Modi có thói quen bất ngờ ra các chính sách mới. Chính phủ do Đảng Bharatiya Janata của ông lãnh đạo chỉ công bố chương trình nghị sự trong ngày đầu tiên của kỳ họp, nhưng đã yêu cầu tất cả các nghị sĩ của đảng phải tham dự.
Giữa tin đồn sôi nổi có hai khả năng nổi bật hơn cả. Một là phiên này sẽ được sử dụng để đổi tên tiếng Anh của đất nước từ “Ấn Độ” thành “Bharat” (phiên âm theo tiếng Hindi). Hai là BJP sẽ tổ chức lại lịch bầu cử để các cuộc bầu cử cấp bang và liên bang của Ấn Độ diễn ra đồng thời 5 năm một lần. Nhưng dựa theo lịch sử nghị sự của ông Modi, người Ấn Độ sẽ không quá sốc nếu phiên họp này hoàn toàn nói về một chủ đề khác.
Các đồng bị cáo với Trump mong được chuyển lên toà liên bang
Vào thứ Hai, một thẩm phán Georgia sẽ nghe lập luận của một trong 19 người bị cáo buộc can thiệp bầu cử với ông Trump về nguyện vọng được chuyển từ tòa bang lên liên bang. (Ngoài ra còn ba bị cáo nữa vào thứ Tư.) Vào tháng 8, Donald Trump và các thuộc cấp đã bị cáo buộc âm mưu lật đổ cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 ở Georgia. Năm người đã yêu cầu được chuyển lên toà liên bang, bao gồm Jeffrey Clark, cựu quan chức bộ tư pháp và là đối tượng của phiên điều trần hôm nay.
Tại bang Georgia, bồi thẩm đoàn được chọn từ Quận Fulton vốn nghiêng về đảng Dân chủ. Trong khi đó, các bồi thẩm viên liên bang đến từ 10 quận, một số trong đó nghiêng về Cộng hoà hơn. Để được chuyển toà – mà theo kỳ vọng của họ cũng là một bồi thẩm đoàn thân thiện hơn – các bị cáo phải chứng minh được bản thân chỉ là quan chức chính phủ làm theo nhiệm vụ chứ không hành động vì mục tiêu chính trị tại thời điểm các sự kiện xảy ra. Nhưng điều đó tỏ ra không dễ dàng. Mark Meadows, cựu chánh văn phòng của ông Trump, đã bị từ chối yêu cầu vào tuần trước. Người ta từng cho rằng ông là người có nhiều khả năng được chuyển toà nhất.
Cuộc phản công của Ukraine chưa đáp ứng được kỳ vọng
Đã có nhiều người phấn khích hồi tháng 7 và tháng 8 khi quân đội Ukraine bắt đầu vượt qua phòng tuyến của Nga ở phía nam đất nước trong cuộc phản công được chờ đợi. Trọng tâm chiến trường bắt đầu phát triển xung quanh làng Robotyne, nơi Ukraine gây áp lực lên tuyến phòng thủ thứ hai trong ba tuyến phòng thủ của Nga.
Song tiến độ đã chậm lại sau khi Nga tái triển khai các đơn vị của sư đoàn 76 từ đông xuống nam. Hầu như không có thay đổi nào xung quanh Robotyne trong gần hai tuần qua. Ngoại trừ một số trường hợp cá biệt quân đội Nga hết đạn và phải rút lui, Nga nhìn chung vẫn có đủ quân dự bị để chống chọi với cuộc giao tranh khốc liệt mang tính tiêu hao ở mặt trận. Các quan chức Ukraine công khai nhấn mạnh rằng cạn kiệt đạn dược và thời tiết khó khăn hơn sẽ không ngăn được họ chiến đấu trong những tuần tới và thậm chí vào cuối mùa thu. Nhưng trong riêng tư, cả các quan chức Ukraine và phương Tây đều thừa nhận khó có bước đột phá lớn trước mùa đông.
Sáng kiến gây quỹ của vợ chồng Clinton
Sáng kiến Toàn cầu Clinton (CGI), khai mạc ở New York vào thứ Hai, sẽ quy tụ nhiều tên tuổi nổi bật. Những người tham dự bao gồm Ajay Banga, chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Michael J. Fox, một diễn viên, và Giáo hoàng Francis. Họ sẽ thảo luận về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và công bằng y tế. Chủ đề “tiếp tục đi” là một khái niệm mà bản thân CGI đã quen thuộc.
Ra mắt từ năm 2005, sự kiện này ngừng hoạt động trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Hillary Clinton vì có nhiều nghi vấn về các nhà tài trợ và xung đột lợi ích. Nhưng Bill Clinton đã hồi sinh nó vào năm ngoái vì các mục tiêu của CGI “chưa bao giờ cấp bách hơn thế.” Năm nay, CGI đang giải quyết vấn đề thích ứng với nhiệt độ cao ở các thành phố, bạo lực trên cơ sở giới tính và di cư cưỡng bức. Vợ chồng Clinton sẽ yêu cầu những người tham gia biến lời nói của họ thành cam kết, mà thường đi kèm với cam kết tài chính – họ tuyên bố những cam kết từ các sự kiện trước đó đã giúp ích cho 435 triệu người. “Tiếp tục đi” là lời kêu gọi các nhà tài trợ quyên góp thêm, đồng thời là một khẩu hiệu truyền động lực.
Không có nhận xét nào