Võ Thái Hà tổng hợp
Hoa Kỳ: Thực phẩm biến đổi gene sẽ được ghi nhãn là ‘được chế tạo bằng công nghệ sinh học’ theo quy định mới
Zachary Stieber
Cẩm An biên dịch
27/9/2023
Một bao bì được nhìn thấy tại một cửa hàng bách hóa ở California trong một bức ảnh tư liệu. (Ảnh: Robyn Beck/AFP qua Getty Images)
Các sản phẩm ở Hoa Kỳ có chứa những động-thực vật biến đổi gen (GMO) giờ đây sẽ được ghi nhãn là “được chế tạo bằng công nghệ sinh học” theo các quy tắc công bố thực phẩm mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Đây là một sự thay đổi so với việc mô tả thực phẩm có các thành phần “biến đổi gen” hoặc GMO theo các quy tắc cũ.
Các công ty được cho thời hạn đến ngày 01/01/2024 để tuân thủ các quy định mới vốn được hoàn thiện dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump. Chính phủ đã tuân theo một đạo luật được Quốc hội thông qua hồi năm 2016 để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về việc công bố các thực phẩm được chế tạo hoặc có thể được chế tạo bằng công nghệ sinh học.
Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Nông nghiệp đương thời Sonny Perdue cho biết tiêu chuẩn toàn quốc này “ngăn ngừa một hệ thống chắp vá theo từng tiểu bang vốn có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.”
Các yêu cầu ghi nhãn cập nhật này đã vấp phải sự chỉ trích, cũng như một vụ kiện từ Trung tâm An toàn Thực phẩm, nơi cho rằng những yêu cầu ghi nhãn này đang gây nhầm lẫn.
“Những quy định này không nhằm mục đích thông báo cho công chúng mà để cho phép các tập đoàn che giấu khách hàng của họ về việc sử dụng các thành phần biến đổi gene,” ông Andrew Kimbrell, giám đốc điều hành của trung tâm này, cho biết trong một tuyên bố. “Đó là một hành vi lừa đảo bằng quy định mà chúng tôi đang tìm cách bãi bỏ tại tòa án liên bang.”
Trong số những tổ chức phản đối quy định này có Hiệp hội Thương mại Hữu cơ, Viện Chính sách Nông nghiệp và Thương mại, và Dự án Không GMO.
Lúc các quy tắc nói trên được công bố, Dự án Không GMO cho biết trong một tuyên bố rằng: “Nhìn chung, nhiều sản phẩm có chứa GMO sẽ không được ghi nhãn, tức là, việc không được công bố là được chế tạo bằng công nghệ sinh học (bioengineered, hay BE) không đồng nghĩa với việc sản phẩm đó không [chứa các thành phần] GMO.”
Trong Luật Công bố Thực phẩm Công nghệ Sinh học Quốc gia, Quốc hội đã yêu cầu các nhà sản xuất thực phẩm phải đưa lên trên nhãn những dòng chữ, một biểu tượng, hoặc một liên kết kỹ thuật số như mã QR nếu sản phẩm có những thành phần được chế tạo bằng công nghệ sinh học. Các nhà lập pháp đã sử dụng thuật ngữ “được chế tạo bằng công nghệ sinh học,” nhưng lại không cho phép Bộ Nông nghiệp sử dụng các thuật ngữ tương tự. Tuy nhiên, bộ đã chọn tiếp tục dùng thuật ngữ “được chế tạo bằng công nghệ sinh học” này.
Những người ủng hộ các quy định này bao gồm các nhóm công nghiệp thực phẩm, chẳng hạn như Viện Tiếp thị Thực phẩm và Hiệp hội các Nhà sản xuất Hàng bách hóa.
Năm 2018, viện này tuyên bố: “Quy tắc này cung cấp một cách làm thống nhất để mang lại sự minh bạch về thực phẩm mà chúng tôi bán, đồng thời cung cấp cho khách hàng của chúng tôi trên toàn quốc cách thức để tìm hiểu thêm về các hàng bách hóa có chứa những thành phần được chế tạo bằng công nghệ sinh học.”
Tuy nhiên, ngay cả một số người ủng hộ cũng đã kêu gọi chính phủ Tổng thống Biden trì hoãn thời hạn tuân thủ này bởi vì các vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn còn bề bộn.
Trong một tuyên bố gần đây, Hiệp hội Thương hiệu Người tiêu dùng nói rằng chính phủ “ngay lập tức phải bảo đảm lập trường ‘không gây hại’ để cho phép các công ty tập trung vào việc phân phối cho người tiêu dùng.”
Cẩm An biên dịch
https://www.epochtimesviet.com/hoa-ky-thuc-pham-bien-doi-gene-se-duoc-ghi-nhan-la-duoc-che-tao-bang-cong-nghe-sinh-hoc-theo-quy-dinh-moi_411741.html
Chủ tịch Hạ viện Canada từ chức sau khi công khai ca ngợi Đức Quốc xã
Ông Anthony Rota (Twitter)
Chủ tịch Hạ viện Canada, ông Anthony Rota hôm thứ Ba (26/9) cho biết ông sẽ từ chức. Quyết định được đưa ra vài ngày sau khi ông công khai ca ngợi một cựu quân nhân Đức Quốc xã tại một sự kiện Quốc hội Canada. Nga cho rằng sự kiện trên giúp biện minh cho cuộc chiến của họ với Ukraine.
Ông Anthony Rota nói với các nhà lập pháp rằng ông đã phạm sai lầm khi mời cựu quân nhân Yaroslav Hunka, 98 tuổi, tham dự phiên họp nhằm vinh danh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hạ viện vào thứ Sáu tuần trước (22/9). Trong buổi họp ông Rota công khai ghi nhận và gọi ông Hunka là anh hùng.
Vị trí của chủ tịch của ông Rota nhanh chóng trở nên lung lay sau khi có thông tin cho rằng ông Hunka đã phục vụ cho một trong những đơn vị lực lượng vũ trang Waffen SS của Adolf Hitler trong Thế chiến II. Vị cựu quân nhân đã nhận được hai màn hoan nghênh nhiệt liệt từ các nhà lập pháp. Phía Nga lập tức lên tiếng, gọi vụ việc này là quá đáng.
“Sự ghi nhận đó đã gây ra nỗi đau cho các cá nhân và cộng đồng, bao gồm cả cộng đồng Do Thái ở Canada và trên toàn thế giới… Tôi nhận hoàn toàn trách nhiệm về hành động của mình”, ông Rota, một thành viên của đảng Tự do cầm quyền, nói và cho biết thêm rằng việc từ chức của ông sẽ được thực hiện có hiệu lực vào thứ Tư (27/9). Một phó chủ tịch sẽ tạm thay vị trí của ông Rota sau khi ông từ chức.
Câu chuyện về Đức quốc xã đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin dùng để lý giải cho việc gửi quân đội của mình đến Ukraine vào năm ngoái. Ông Putin khi đó tuyên bố rằng “hoạt động quân sự đặc biệt” là để “phi quân sự hóa và giải trừ phát-xít” tại Ukraine. Kyiv và các đồng minh phương Tây gọi cáo buộc đó của ông Putin là vô căn cứ.
Sự phẫn nộ của dư luận về việc ông Rota ca ngợi cựu quân nhân Đức quốc xã đã làm lu mờ chuyến thăm của ông Zelensky tới Canada. Tổng thống Ukraine khi phát biểu tại Quốc hội đã gửi lời cảm ơn Canada về hàng tỷ đô la viện trợ và vũ khí mà nước này đã cung cấp kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ vào cuối tháng 2/2022.
Ngoại trưởng Canada Melanie Joly trước đó nói rằng ông Rota nên từ chức, trong khi Thủ tướng Justin Trudeau kêu gọi chủ tịch Hạ viện cân nhắc về tương lai của mình.
Mặc dù các đảng đối lập tuyên bố sự vụ vừa rồi là thất bại của chính phủ của ông Trudeau thuộc đảng Tự do, nhưng ông Rota cho biết ông hoàn toàn chịu trách nhiệm cá nhân về những gì đã xảy ra. Cựu quân nhân Hunka hiện đang sinh sống tại khu vực mà ông Rota là dân biểu đại diện.
Anh Nguyễn (Theo Reuters)
Philippines kêu gọi ngư dân duy trì hoạt động tại bãi cạn bị Trung Quốc quản lý
27/09/2023
Ngư dân Philippines hoạt động gần bãi Scarborough có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, 21/9/2023.
Hôm thứ Tư 27/9, lực lượng tuần duyên Philippines kêu gọi ngư dân nước này tiếp tục hoạt động tại bãi cạn Scarborough đang có tranh chấp và các địa điểm khác ở Biển Đông, họ cam kết tăng cường tuần tra ở đó bất chấp sự hiện diện áp đảo của Trung Quốc.
Trước đó, hôm 25/9, tuần duyên Philippines đã cắt đứt hàng rào nổi dài 300 mét do Trung Quốc lắp đặt để chặn lối vào Bãi cạn Scarborough. Đây là phản ứng táo bạo tại khu vực bị Bắc Kinh kiểm soát trong hơn một thập kỷ qua bằng các tàu tuần duyên và một đội tàu đánh cá cỡ lớn.
Người phát ngôn của tuần duyên Philippines, Phó Đề đốc Jay Tarriela, cho biết các tàu Philippines không thể duy trì sự hiện diện thường xuyên nhưng cam kết bảo vệ quyền lợi của ngư dân trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.
Ông nói với đài phát thanh DZRH: “Chúng tôi sẽ tăng cường tuần tra ở Bajo de Masinloc và các khu vực khác có mặt ngư dân Philippines”, dùng tên của Philippines để nói về bãi cạn là một trong những thực thể trên biển gây tranh cãi nhất ở châu Á.
Philippines cho hay phản ứng của Trung Quốc tại bãi cạn mà Bắc Kinh gọi là đảo Hoàng Nham cho đến nay khá là chừng mực.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó đề nghị Philippines tránh khiêu khích và không gây rắc rối, nhưng hôm 27/9, người phát ngôn Uông Văn Bân của nước này đưa ra ý kiến mạnh mẽ hơn.
Ông nói trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Tôi cũng muốn nhắc lại một lần nữa: Đảo Hoàng Nham là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc”.
“Hành động của phía Philippines hoàn toàn chỉ là một trò hề để tự mua vui”.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro phát biểu rằng việc Philippines cắt hàng rào không phải là hành động khiêu khích.
“Chúng ta đang phản ứng với hành động của họ”, ông nói trong phiên điều trần tại Thượng viện hôm 27/9.
Bãi đá nằm giữa biển này là nơi gây ra nhiều cuộc tranh cãi ngoại giao. Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn này, cũng là một ngư trường lớn cách Philippines khoảng 200 km và cách Trung Quốc đại lục cũng như đảo Hải Nam ở miền nam 850 km.
Bãi cạn này nằm gần các tuyến đường vận chuyển hàng hóa có trị giá ước tính 3,4 nghìn tỷ đô la hàng năm và việc kiểm soát bãi cạn này là điều quan trọng chiến lược đối với Bắc Kinh, quốc gia tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông.
Tuyên bố đó làm phức tạp thêm hoạt động đánh cá và thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi của các nước láng giềng Đông Nam Á.
Trung Quốc: Hàng Châu chi 41 tỷ USD tổ chức Asian Games 19 để “tô vẽ” cảnh thịnh thế
Nhan Thuần Câu
Lễ khai mạc Đại hội thể thao châu Á (ASIAD 19) tại Hàng Châu, Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video)
Gần đây, Hàng Châu đang tổ chức Đại hội thể thao châu Á (Asian Games 19) một cách rầm rộ. Theo thông tin trên mạng, để đăng cai sự kiện quốc tế này, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chi số tiền khổng lồ 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41 tỷ USD).
Như đã thấy trong video, toàn bộ thành phố Hàng Châu đã biến thành một thành phố tương lai, với những tòa nhà độc đáo và kỳ quan đô thị công nghệ cao ở khắp mọi nơi, cùng lễ khai mạc đẹp như mơ.
Đại hội thể thao châu Á chỉ là một sự kiện khu vực, quy mô không giống với Thế vận hội Olympic. Khi ông Hồ Cẩm Đào đăng cai Thế vận hội năm 2008, ĐCSTQ đang ở thời kỳ đỉnh cao, các nhà lãnh đạo từ nhiều nước lớn như Hoa Kỳ và Nga đều tham dự Thế vận hội.
Vào thời điểm ông Tập Cận Bình tổ chức Thế vận hội Mùa đông, đất nước đang suy tàn, khung cảnh đã rất tồi tàn. Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu lần này chỉ có vài nguyên thủ của các quốc gia nhỏ bé đến góp vui, thật mất mặt. Nhưng ĐCSTQ vẫn phải bỏ ra một số tiền khổng lồ để tô vẽ vẻ bề ngoài.
Đối với Đại hội thể thao châu Á lần này, Chính phủ [Trung Quốc] đã không tiếc tiền đầu tư mạnh tay, ngay cả nhà vệ sinh cũng được trang trí bằng mặt tiền công nghệ cao.
Tại địa điểm tổ chức tiệc, các món sơn hào hải vị đều được đưa lên bàn ăn. Mục tiêu là để “những người dân quê mùa” từ khắp châu Á được trải nghiệm sự xa hoa của Trung Quốc trong thời kỳ thịnh vượng.
Đồng thời, khán phòng tại địa điểm thi đấu cũng chật kín nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước được tuyển dụng. Người dân bình thường không còn cách nào khác là phải xem truyền hình tại nhà. Ngay cả những người cổ vũ cho đội tuyển Triều Tiên cũng không phải người Triều Tiên, mà là người Trung Quốc.
Hai người đồng hương vùng Đông Bắc của tôi phải tự trả phí để đi xem Đại hội thể thao châu Á. Khi đi tàu điện ngầm, họ phát hiện ra họ là 2 hành khách duy nhất trên toàn bộ chuyến tàu điện ngầm. Lý do là người dân Hàng Châu được lệnh ở nhà. Trên tuyến đường giao thông bên ngoài, cứ vài bước lại có lính gác, xe cộ ra vào bị hạn chế.
Ông Tập Cận Bình tại lễ khai mạc Asian Games 19 ở Hàng Châu. (Ảnh: Getty Images)
Điều này hoàn toàn đảo ngược mục đích ban đầu của thể thao và làm mất đi mục tiêu thông thường là toàn dân tham dự, nâng cao khả năng cạnh tranh và thể lực của người dân.
Khi người dân Hàng Châu phải ở trong nhà, không thể xem trực tiếp các trận đấu và không thể khơi dậy niềm yêu thích tham gia thể thao, thì Đại hội thể thao châu Á tiêu tốn 300 tỷ nhân dân tệ chỉ là một ngày “tận hưởng” của ông Tập Cận Bình.
300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41 tỷ USD) chỉ nhằm phô trương sự giàu có của mình. Vẻ ngoài “mới phất” này chính là biểu hiện của sự tự ti và nông cạn.
Việc loại người dân khỏi sự kiện này chứng tỏ Đại hội thể thao châu Á chỉ là công trình thể hiện thành tích của ông Tập Cận Bình, nhằm phô trương bộ mặt quốc gia và không liên quan gì đến người dân.
Những sự kiện thể thao lớn như vậy đã đảo ngược hoàn toàn hiểu biết của chúng ta về thể thao và các cuộc thi đấu. Những tuyển thủ tham dự sự kiện chỉ là công cụ cho ĐCSTQ tô vẽ cho diện mạo của mình.
Vì sao mọi người không thể tham gia một cuộc thi thể thao tiêu tốn một số tiền khổng lồ như vậy? Chẳng lẽ cả thành phố đều nhiệt tình tham gia, bán hết vé, hàng ngàn người xuống đường vui chơi thì chính quyền lại thất vọng?
Kỳ thực không phải vậy, quan chức địa phương đề phòng người dân như quân trộm cướp. Họ chỉ lo nếu lỡ không may xảy ra chuyện, sẽ bị cấp trên trách phạt, người trên trách kẻ dưới, “chiếc mũ ô sa” khó có thể bảo toàn.
Chỉ cần toàn bộ sự kiện diễn ra an toàn và không có trường hợp tử vong hay sập nhà thì 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41 tỷ USD) đều xứng đáng.
Sự xa hoa của các ông trùm địa phương của ĐCSTQ đã trở thành xu hướng. Họ chú ý đến sự phô trương và chi tiêu kiểu “ném tiền qua cửa sổ”. Sẽ không phải là một bữa tiệc cấp nhà nước nếu không có khung cảnh giang sơn tráng lệ trên bàn ăn, như mô hình cung điện của nhà Đường ở Tây An, mô hình thủy trấn Giang Nam ở Hàng Châu, và mô hình vùng đất Hoàng Hà và sông Trường Giang ở Bắc Kinh.
Trên đời này, có ai phải ăn uống trước một bàn ăn đầy phong cảnh giả mới có được cảm giác ngon miệng hay không? Bàn ăn lớn đến nỗi những vị khách ngồi ăn cùng lúc thậm chí còn không nhìn rõ mặt nhau.
Những người phục vụ bưng bê thức ăn cho mọi người, còn thực khách mạnh ai nấy ăn. Một bữa tiệc như vậy giống với bị hình phạt nhiều hơn, hoàn toàn đảo lộn mục đích ban đầu của tiệc chiêu đãi là để thư giãn và giao lưu thân thiện.
Mục đích của bữa tiệc bị đảo ngược, mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng và các trận thi đấu đều bị đảo ngược. Cái giả được coi là thật, cái xấu được coi là đẹp, cái ác được coi là tốt, “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”. Khi lớp tô vẽ của đất nước này được trút bỏ, thì còn lại những gì?
Á vận hội chỉ kéo dài một tháng. Sau khi trận thi đấu kết thúc, tất cả địa điểm, cơ sở vật chất chỉ để làm cảnh. Những bàn ăn lớn thủy trấn Giang Nam trong nháy mắt biến thành khu vườn bỏ hoang.
Đồng thời, việc sa thải nhân viên, cắt giảm lương trên khắp cả nước vẫn sẽ diễn ra, nền kinh tế đang trong tình trạng kiệt quệ không thể phục hồi. Những lời bàn tán về sự sụp đổ đang tràn lan khắp nơi.
Gần đây, do khó khăn về tài chính, chính quyền thành phố Thiên Tân còn ngang nhiên yêu cầu trụ trì bố thí. 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41 tỷ USD) để đăng cai Á Vận Hội chi bằng phân bổ 10 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,37 tỷ USD) giải nguy cho Thiên Tân?
Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu hoành tráng và xa hoa không khỏi gợi nhớ đến cảnh lang thang cơm đường cháo chợ của các nạn nhân trong thảm họa lũ lụt ở Trác Châu, tỉnh Hà Bắc.
Trong nhà hào môn nồng mùi rượu thịt, ngoài đường tuyết lạnh chất đống xương khô. Chỉ nhắc đến thời Đường khi thịnh vượng, mà không nói đến thời Đường lúc suy vi, quy luật muôn đời của lịch sử vẫn là:
“Sơn ngoại thanh sơn, lâu ngoại lâu,
Tây Hồ ca vũ kỷ thời hưu?”
Tạm dịch:
“Núi xanh trùng điệp, lầu các tầng tầng lớp lớp,
Tiếng ca múa trên Tây Hồ có khi nào ngớt chăng?”
(Trích “Đề Lâm An để” của Lâm Thăng)
Nhan Thuần Câu
Tình hình phục hồi của kinh tế Nga
Năm ngoái kinh tế Nga đã bị đe dọa nghiêm trọng khi các chính phủ phương Tây áp trừng phạt chưa từng có để đáp trả việc nước này xâm lược Ukraine. Nhưng giá dầu khí cao và nỗ lực kiềm chế lạm phát của ngân hàng trung ương đã cứu nền kinh tế khỏi thảm họa. GDP, doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và các dữ liệu được công bố vào thứ Tư sẽ cho thấy tổng thống Vladimir Putin cũng có lý khi ông khoe vào tuần trước rằng “giai đoạn phục hồi của nền kinh tế Nga đã kết thúc.”
Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất mọi thời đại, trong khi GDP thực có thể cao hơn khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất công nghiệp đang tăng trưởng khá. Song thách thức lớn là lạm phát, hiện vẫn ở mức cao bất chấp những nỗ lực mạnh mẽ của ngân hàng trung ương. Giá dầu yếu trong những tháng gần đây đã làm mất giá đồng rúp và đẩy chi phí nhập khẩu lên cao. Nhưng so với cách đây 18 tháng, nền kinh tế Nga trông bền vững hơn hẳn.
Công ty chip Micron của Mỹ gặp khó khăn
Trong khi các nhà sản xuất chip như Nvidia thu lợi từ cơn sốt trí tuệ nhân tạo, những công ty bán dẫn kém hấp dẫn hơn lại gặp khó khăn. Micron, một công ty sản xuất chip nhớ của Mỹ, dự kiến sẽ công bố khoản lỗ hoạt động quý thứ tư liên tiếp vào thứ Tư.
Nhu cầu suy yếu khi người tiêu dùng cắt giảm mua điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác. Sự thiếu hụt thời đại dịch đã biến thành tình trạng dư cung; làm tăng hàng tồn của nhiều công ty có sản phẩm sử dụng chip. Kioxia và Western Digital, các nhà sản xuất chip đối thủ, thậm chí đang thảo luận về việc sáp nhập.
Hồi tháng 5, Trung Quốc đã gây thêm khó khăn cho Micron bằng cách cấm một số nhà khai thác cơ sở hạ tầng sử dụng chip của công ty. Micron kiếm được 11% doanh thu từ khách hàng Trung Quốc đại lục. Một nửa trong số đó hiện đang bị đe doạ, đại diện công ty cho biết. Doanh nghiệp này đang bắt đầu chuyển trọng tâm sang Ấn Độ, và vừa động thổ xây dựng một nhà máy trị giá 2,75 tỷ USD trong tuần qua.
Chính trường Tây Ban Nha nóng lên vì vấn đế ân xá những người ly khai Catalan
Vào thứ Tư, quốc hội Tây Ban Nha sẽ bỏ phiếu về việc bổ nhiệm Alberto Núñez Feijóo, lãnh đạo Đảng Nhân dân trung hữu, làm thủ tướng. Song khả năng cao là ông sẽ thất bại. Dù giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử tháng 7, Đảng Nhân dân lại thiếu đa số, ngay cả khi có sự ủng hộ của đảng cực hữu Vox.
Bài phát biểu của ông Feijóo hôm thứ Ba đã đi thẳng vào chủ đề hiện đang gây chấn động Tây Ban Nha. Ông bác bỏ ý kiến cho rằng Pedro Sánchez, thủ tướng đương nhiệm của Đảng Xã hội, đang cân nhắc lệnh ân xá cho những người theo chủ nghĩa ly khai ở Catalan, những người đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập vi hiến hồi năm 2017. Sau đó, hai đảng ly khai có thể bỏ phiếu để ông trở lại làm thủ tướng.
Ông Feijóo nhắc nhở quốc hội rằng một loạt các cựu lãnh đạo Đảng Xã hội đã phản đối lệnh ân xá. Nhưng bấy nhiêu là không đủ để thuyết phục được bất kỳ đại biểu Đảng Xã hội nào giúp ông có thêm bốn phiếu bầu còn thiếu. Sau ông Feijóo sẽ đến lượt ông Sánchez đối mặt một cuộc bỏ phiếu, cũng như cuộc tranh luận về lệnh ân xá vốn sẽ chia rẽ Tây Ban Nha một cách sâu sắc.
Anh xem lại dự án đường sắt cao tốc xuyên quốc gia
HS2, mạng lưới đường sắt cao tốc đang được quy hoạch, là dự án cơ sở hạ tầng hàng đầu của Anh. Kế hoạch được phê duyệt năm 2009 sẽ nối London với miền bắc nước Anh bằng một tuyến xe lửa mới, giúp giảm bớt tắc nghẽn trên các tuyến đường khác. Nhưng dự án đã bị đội vốn. Công trình ban đầu dự kiến tiêu tốn 37,5 tỷ bảng Anh (khi đó trị giá 62 tỷ USD) nhưng ước tính chính thức mới nhất — từ năm 2019 — là hơn 70 tỷ bảng Anh. Lạm phát cao trong hai năm qua có lẽ đã nâng con số đó lên khoảng 100 tỷ bảng.
Thủ tướng Rishi Sunak đang xem xét hủy bỏ toàn bộ chặng từ Birmingham đến Manchester hoặc trì hoãn bảy năm. Quyết định sẽ được đưa ra sớm nhất vào thứ Tư. (Hoặc cũng có thể bị trì hoãn.) Câu chuyện HS2 đang tạo ra rạn nứt trong Đảng Bảo thủ của ông Sunak. George Osborne, cựu bộ trưởng tài chính quan tâm đến chính sách thắt lưng buộc bụng, cũng như Boris Johnson, cựu thủ tướng không ngại chi tiêu, đều kêu gọi tiến hành dự án. Điều trùng hợp là vào Chủ nhật ông Sunak sẽ khai mạc hội nghị thường niên của đảng mình ở Manchester.
Mỹ-Ấn kêu gọi tự do, ổn định cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
27/9/2023
Lễ khai mạc Hội nghị Tư lệnh Lục quân Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 26/9/2023.
Tư lệnh lục quân Ấn Độ ngày 26/9 nói nước này cam kết duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và ổn định, nơi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia được tôn trọng, trong bối cảnh toàn cầu ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Tướng Manoj Pande đưa ra nhận xét này tại Hội nghị Tư lệnh Lục quân Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Ấn Độ và Mỹ tổ chức, tập trung vào việc thúc đẩy ngoại giao và hợp tác quân sự cũng như thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Các tư lệnh lục quân và các phái đoàn từ 30 quốc gia sẽ tham dự sự kiện kéo dài hai ngày, kết thúc vào 27/9.
Tướng Pande nói rằng trong khi các nước trong khu vực đang nỗ lực hướng tới một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, “chúng ta đang chứng kiến những biểu hiện của tranh chấp và cạnh tranh giữa các quốc gia” – ám chỉ Trung Quốc, quốc gia đã tăng cường các hoạt động trong khu vực.
Cả Tướng Pande lẫn Tư lệnh Lục quân Mỹ Randy George đều không đề cập rõ ràng đến Trung Quốc trong phát biểu của họ.
Khi được hỏi về sự bành trướng của Trung Quốc, tại một cuộc họp báo, Tướng George cho biết khu vực này là một ưu tiên quan trọng đối với Hoa Kỳ. “Đó là lý do tại sao chúng tôi có mặt ở đây và tại sao chúng tôi tập trận nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác ở Thái Bình Dương, để xây dựng tất cả những điều này. Điều mà hội nghị này chứng tỏ... là sự đoàn kết và cam kết của (chúng ta)”, Tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ nói.
Tại lễ khai mạc được tổ chức sau đó, Tướng Pande cho biết quan điểm của Ấn Độ là tập trung vào giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tránh sử dụng vũ lực và tuân thủ luật pháp quốc tế. Ông nói thêm rằng ngoài những thách thức về an ninh hàng hải, khu vực này còn phải đối mặt với những lo ngại về an ninh và nhân đạo trên đất liền, bao gồm tranh chấp lãnh thổ và “các hòn đảo được mở rộng nhân tạo để có được bất động sản và thiết lập căn cứ quân sự” – một ám chỉ khác đến Trung Quốc.
Các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông đối với các hòn đảo đã khiến các nước láng giềng nhỏ hơn của Bắc Kinh ở Đông Nam Á cũng như Nhật Bản lo lắng. Trong khi đó, mối quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh đã xấu đi kể từ năm 2020, khi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ dọc biên giới ở vùng Ladakh thuộc dãy Himalaya, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.
Liên Hiệp Quốc tố cáo Miến Điện « chìm trong vòng xoáy bạo lực »
Anh Vũ /RFI
27/9/2023
Từ sau cuộc đảo chính năm 2021, Miến Điện tiếp tục trong tình trạng hỗn loạn bạo lực. Quân đội chính phủ liên tục mở các cuộc tấn công các lực lượng nổi dậy chống chính quyền. Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền tố cáo Miến Điện đang « chìm trong vòng xoáy bạo lực quân sự không hồi kết » và kêu gọi cộng đồng quốc tế phải hành động ngay để chấm dứt các cuộc tàn sát mà nạn nhân chủ yếu là thường dân.
Ảnh tư liệu: Dân làng và kháng chiến quân chôn cất các nạn nhân vụ trong vụ máy bay của quân đội Miến Điện oanh kích ngoại ô thành phố Pasuang, bang Kayah, phía đông Miến Điện, ngày 25/06/2023. AP
Thông tín viên RFI Jéremy Lanche tại Genève tường trình:
Ít nhất 4000 người đã chết trong các vụ bạo lực từ sau đảo chính. Dường như các hành động bạo lực tiếp tục tăng. Từ một năm qua, số lượng các cuộc oanh kích của không quân nhắm vào thường dân đã tăng hơn gấp đôi. Các vụ giết người hàng loạt giờ xảy ra thường xuyên.
Ông Volker Türk, cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền cho biết : « Theo những nhân chứng mà chúng tôi đã thu thập được, binh lính tràn vào các làng, bao vây tất cả những người chưa chạy kịp để sau đó hành quyết họ. Quân đội sử dụng các phương pháp bỉ ổi gây thương đau không thể tả được cho dân chúng : Các nạn nhân bị đốt sống, bị chặt đầu, chân tay, bị hãm hiếp và bị đánh đập dã man. Họ còn dùng thường dân làm bia đỡ đạn để chống lại các vụ tấn công hay để phá mìn. Những hành động đê tiện không còn nhân tính ».
Chính quyền quân sự không ngại sử dụng đói ăn như là thứ vũ khí với việc cắt nguồn viện trợ nhân đạo cho dân chúng, nhất là đối với người Rohingya. Ông Volker nói, tất cả những việc như vậy không thể tiếp tục được nữa.
Ông nhấn mạnh : « Chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận tình hình tại Miến Điện. Nhân dân Miến Điện phải chịu sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế trước nỗi đau khổ của họ quá lâu rồi. »
Hội Đồng Bảo An phải đề nghị Tòa án Quốc tế thụ lý hồ sơ Miến Điện, theo vị cao ủy Liên Hiệp Quốc. Một kịch bản khó khả thi khi mà người ta biết rằng Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục bán vũ khí cho chính quyền quân sự Miến Điện.
Mỹ công nhận quần đảo Niue và Cook nhằm kiềm chế tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương
Thanh Hiếu /RFI
26/9/2023
Hội nghị thượng đỉnh các quốc đảo và quần đảo Thái Bình Dương, đã được tổ chức hôm qua 25/09/2023, tại Washington. Khi tiếp lãnh đạo các nước tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức công nhận hai quần đảo Niue và Cook. Theo giới quan sát, quyết định này nhằm khẳng định sự hiện diện của Mỹ và ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (G) nói chuyện với các lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương, tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 25/09/2023. REUTERS - LEAH MILLIS
Từ Washington thông tín viên Guillaume Naudin tường trình:
Quần đảo Cook có 17.000 cư dân và quần đảo Niue, biệt danh là tảng đá của Polynesia có 1700 cư dân, từ nay chính thức hiện diện trên bản đồ ngoại giao của Mỹ. Tổng thống Joe Biden đang tận dụng Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai này để chính thức công nhận hai quốc đảo Thái Bình Dương.
Hôm nay 26/09/2023, hội nghị thượng đỉnh tiếp tục ở cấp bộ trưởng tại Washington. Mục đích của hội nghị thượng đỉnh, trước hết là giúp các quốc gia trong khu vực chống lại hậu quả của biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến họ do mực nước biển dâng cao. Hội nghị cũng đề cập đến khía cạnh kinh tế, với các kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng, để tạo thuận lợi cho tăng trưởng và thương mại. Cuối cùng, Hoa Kỳ cũng khẳng định quyền tự do, an ninh hàng hải và đánh cá trong khu vực. Theo các quan chức cấp cao của Mỹ, tuy không nêu đích danh, nhưng Trung Quốc phần nào là nguyên nhân dẫn đến việc hội nghị tập trung vào các vấn đề này. Và rõ ràng là tham vọng cũng như ảnh hưởng của Trung quốc trong khu vực là lý do để chính quyền Mỹ tiếp tục cuộc tấn công chiến lược.
Hoa Kỳ nhận thức rất rõ tầm quan trọng của các quốc đảo này. Việc tổng thống Biden nhắc rất nhiều đến các sự kiện trong lịch sử cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương trong thời kỳ đệ nhị thế chiến hàm ý thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với các quốc đảo trong vùng.
Bắc Kinh đã có phản ứng trước các động thái của Hoa Kỳ nhân hội nghi thượng đỉnh các quốc đảo Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, hôm nay 26/09 cảnh báo : "Trung Quốc sẽ phản đối việc mở rộng liên minh quân sự một cách thiếu suy nghĩ và thu hẹp không gian an ninh của các nước khác".
Không có nhận xét nào