Header Ads

  • Breaking News

    Phan Bội Châu qua tài liệu lưu trữ Pháp

     Kỳ 2: Chuyến xuất dương đầu tiên của Phan Bội Châu 

    Ngọc Nhàn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia

    * Trong tài liệu lưu trữ của Pháp, tên những người liên quan được viết không dấu nên có những tên riêng người dịch chưa thể tra cứu và viết chính xác.

    29/09/2019 

    https://archives.org.vn:2001/files/ecm/source_files/2019/09/29/tac-pham-thien-ho-de-ho-ky-ten-phan-thi-han-211828-290919-59.png

    Tác phẩm “Thiên hồ Đế hồ” của tác giả Phan Thị Hán

    Phan Bội Châu xuất dương vào ngày 01/01/1905. Cùng đi với ông có Tăng Bạt Hổ. Hai người đến Thiều Châu, và ở đó gặp Tôn Thất Thuyết cùng những người đang sống lưu vong ở đây. Trong suốt thời gian dừng chân ở Kim Châu, Quảng Châu hay Hồng Kông, Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ đã gặp những người Việt Nam yêu nước lưu vong, và đặc biệt trong đó có Tán Thuật (tức Nguyễn Thiện Thuật, nguyên là tán tương quân vụ của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, người Hải Dương). 

    Ngay khi đặt chân đến Nhật Bản, Phan Bội Châu được Tăng Bạt Hổ đưa đến gặp Lương Khải Siêu, tổng biên tập tờ “Minh Báo”, “Tân Dân Thông Báo” được phát hành tại Nhật Bản và tờ tạp chí Trung Quốc “Cải cách” ở Thượng Hải. Lương Khải Siêu rất được biết đến ở Việt Nam, những tác phẩm về chính trị hay văn chương của ông được các nho sĩ Việt Nam tìm đọc và yêu thích. Cuộc gặp với Lương Khải Siêu cũng được biết đến khi chính Lương Khải Siêu là người viết lời tựa cho cuốn “Việt Nam vong quốc sử”. Lương Khải Siêu ủng hộ kế hoạch đưa Kỳ Ngoại hầu Cường Để sang Nhật Bản du học, và từ đó quy tụ những người ủng hộ sự độc lập quốc gia. Ôngcũng hứa hỗ trợ giúp Phan Bội Châu tiếp xúc với các thanh niên Trung Quốc có tư tưởng cải cách đang sống tại Nhật Bản. Phan Bội Châu từng gặp bá tước Okuma, khi đó là Bộ trưởng Bộ Học chính Nhật Bản, và tiếp sau được được nhiều lần cử làm Thủ tướng Nhật từ tháng 4/1914 đến tháng 10/1916. Ngoài ra, Phan Bội Châu còn gặp gỡ nhiều nhân vật cấp cao của Nhật Bản. Chính bá tước Okuma đã khuyên Phan Bội Châu nên đưa càng nhiều thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản càng tốt, thành lập các hiệp hội để gắn kết những thanh niên này.

    Lương Khải Siêu cũng giúp Phan Bội Châu tạo dựng niềm tin với Buntairo, nhân vật hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản, vốn được biết đến bởi tư tưởng một dân tộc Nhật Bản thượng đẳng trước các dân tộc da vàng khác. Ông Buntairo từng có thời gian lưu trú dài ở Triều Tiên trước khi nổ ra chiến tranh Nga-Nhật, trong vai trò là phái viên của Bộ Tổng Tham Mưu. Sau đó, ông ta được chỉ định làm Công sứ Nhật Bản ở Băng Cốc và có thể năm 1902, ông có chuyến đi trên một tàu phóng ngư lôi tới Trung Kỳ, dừng chân ở Đà Nẵng và có nhiệm vụ nghiên cứu độ sâu của các cảng Đông Dương. Ông ta thu thập một cách tỉ mỉ các thông tin tình báo về nội tình Việt Nam. Buntairo là người sáng lập “Đông Á Đồng Văn Hội”, là một trong những người sáng lập “Đông Á Đồng Văn thư viện” ở Tokyo nhằm thu hút các sinh viên học tiếng Hán ở Nhật Bản. Đó cũng là trường có nhiều sinh viên Việt Nam theo học. Buntairo giới thiệu Phan Bội Châu với Inukai và tướng Fukushima, người từng tạo điều kiện giúp nhiều sinh viên Việt Nam theo đường lối cách mạng ở Nhật Bản. Phan Bội Châu cũng đã tìm cách để các sinh viên Việt Nam được nhận vào học tại các trường thực hành quân sự, nhưng dự định này không thành hiện thực.

    Buổi thẩm vấn chiều ngày 31/8/1925

    Câu thẩm vấn số 84: Tại sao ông rời đất nước để đến Trung Quốc?

    Trả lời : Sau khi đỗ cử nhơn, tôi vào học trường Quốc Tử Giám với ý định chuẩn bị thi tiến sĩ, và trước hết là sau 2 hoặc 3 năm học tôi có thể ra làm Tri huyện. Trong thời gian ở Huế, tôi nhận thấy sự khác biệt không thể đong đo được về trình độ tri thức của người Âu và người Việt Nam, điều này càng được khẳng định qua chuyến đi tới Nam Kỳ của tôi. Tôi hiểu ra rằng việc làm biến mất hay chí ít là giảm sự khác biệt này có lợi cho cả người Pháp lẫn người Việt Nam. Do vậy, tôi viết “Lưu Cầu huyết lệ thư” thể hiện những hoài bão này của mình về vấn đề này và đặc biệt là đề nghị bãi bỏ việc dạy học truyền thống, một mặt bãi bỏ thi Hương mặt khác lập trường học theo mô hình các trường học phương Tây. Ý tưởng của tôi về vấn đề này càng cụ thể vì tôi từng trải qua các kỳ thi. Mặt khác, việc học chữ Hán không mang lại những mới mẻ cho người Việt. Tôi đã hỏi hai vị quan trong triều đình, Cao Xuân Dục và Đào Tiên về việc bày tỏ ý kiến của tôi về vấn đề này với chính quyền Pháp. Họ đã trả lời tôi rằng tôi nên giữ yên lặng, chính quyền Pháp biết họ phải làm gì. Tôi cũng kể cho các ngài về một sự việc nhưng lại ảnh hưởng lớn đến quyết định của tôi. Khi ngồi cùng các thí sinh khác ở lối vào triều đình để thi tiến sĩ, tôi đã nghe thấy một người Pháp điểm danh thí sinh, khi điểm danh bằng cách gọi “một con lợn”, "hai con lợn” cho đến tận chín “con lợn” (cochon). Do không hiểu nghĩa của từ này, tôi đã hỏi bạn cùng thi và anh ta đã giải thích nghĩa cho tôi, khi ấy trong tôi dâng trào sự phẫn nộ bởi tôi hiểu rằng người Pháp khinh bỉ người bản xứ. Vì tôi không thể làm cho người Pháp, các quan từ chối giúp tôi, tôi lập kế hoạch rời đất nước đi ra nước ngoài, nơi tôi có thể viết các tác phẩm để bày tỏ các ý kiến của mình cũng như trốn khỏi sự xấu hổ mà tôi phải chịu đựng khi là người dân Việt Nam bị đối xử theo cách đó. Tôi đã chọn Trung Quốc và Nhật Bản vì đó là những nơi sử dụng chữ Hán. Nếu vào thời điểm đó, tôi chứng kiến những gì người Pháp làm như thời điểm hiện tại, tôi đã không lập kế hoạch đi ra nước ngoài. Nhưng ở thời điểm đó, người Pháp không hề có chút coi trọng nào với người Việt Nam và không ai có khả năng đưa sự oán thán đến tận tai người Pháp. Tôi đã dùng toàn bộ số tiền tích cóp được từ việc dạy học vào chuyến đi này. Số tiền chừng 1100 đồng. Đó là những lý do vì sao tôi rời đất nước. Tôi cũng nói thêm rằng ý tưởng này chỉ đến sau 9-10 năm sau đó, năm 1913 hay 1914 gì đó.

    Câu thẩm vấn số 85: Không thể chấp nhận được việc ông rời đất nước, nơi mà ông đã sinh ra, nơi có vợ con, mồ mả cha ông chỉ vì ông đã nghe thấy một người Pháp khi nhìn thấy người Việt Nam đã đếm một “con lợn”, hai “con lợn”. Hãy nói lý do thực sự của sự ra đi của ông.

    Trả lời: Đó không phải là lý do thực sự khiến tôi phải ra đi, đó chỉ đơn giản là một sự vụ diễn ra trước khi tôi có dự định, nhưng lý do thực sự, đó chính là sự khinh bỉ mà người Pháp thể hiện đối với người dân bản xứ, ít có những thay đổi là chính quyền Bảo hộ mang lại cho chính quyền bản địa, nó vẫn tồn tại như trước khi người Pháp đến, đặc biệt là trong giáo dục. Khi tôi nhận ra rằng nước Pháp đã thiết lập sự bảo hộ đối với triều đình An Nam; tôi từng nghĩ rằng sự ảnh hưởng của một chính quyền cộng hòa, những nghèo đói của người dân Việt do chính quyền quân chủ cũng như việc cai trị của quan lại sẽ kết thúc. Lúc đó, với tôi, người dân Việt như một đứa trẻ bị bỏ rơi bởi chính bố mẹ đẻ, được nhận nuôi bởi những người nước ngoài, những người muốn chăm lo đến tương lai của nó về mặt vật chất cũng như trí tuệ. Nhưng sau 20 năm dưới chế độ bảo hộ, nước Pháp dường như đã bỏ rơi đứa con nuôi của họ và chỉ quan tâm đến lợi ích của họ.

    Câu thẩm vấn số 86: Ông vẫn chưa trả lời câu hỏi vì sao ông ra đi?

    Trả lời: Về điều này, lý do là đủ vì những người được học hiểu qua sách vở rằng đất nước giống như một gia đình và khi một thành viên là nạn nhân của bất công hay phải chịu bất hạnh, tất cả các thành viên khác cũng cùng chịu đựng. Khi chứng kiến đồng bào tôi bị người Pháp đối xử thậm tệ, tôi không thể thản nhiên trước hoàn cảnh ấy và vì tôi không thể làm thay đổi gì, tôi quyết định rời đất nước để tránh không phải chứng kiến cảnh tượng đó.

    Câu thẩm vấn số 87: Ông chưa từng xin ra làm quan hay một chức trong Triều đình?

    Trả lời: Tôi không phải xin vì điều đó đã có trong quy định chính trị, những ai có bằng cử nhơn có thể xin làm việc trong chính quyền. Ngoài bằng cấp đó ra, tôi từng được nhận vào thi tiến sĩ, và hai năm theo học ở trường Quốc Tử Giám. Do vậy tôi có thể ra làm Tri huyện. Tôi chỉ việc về nhà và chờ đợi bổ nhiệm nhưng làm việc trong chính quyền không hấp dẫn tôi, mà điều tôi hy vọng đó là cải thiện chính quyền của đất nước tôi.

    Câu thẩm vấn số 95: Theo các giải thích của ông, ông đã có quyết định nghiêm trọng rời khỏi đất nước vì những lý do trẻ con và tầm phào. Vì ông cố tình không trả lời rõ ràng câu hỏi tôi đã đặt ra cho ông về lý do cụ thể và thực sự của việc đi ra nước ngoài, chúng tôi sẽ liệt kê lại mọi điều dựa trên các tờ tài liệu của hồ sơ năm 1913. Theo đó, mục đích của giành độc lập chính trị cho xứ An Nam và để làm được điều đó, đó cần khai thác tình cảm dân tộc chủ nghĩa, vốn đang ngủ yên trong trái tim các chí sĩ, tăng sự thù địch với sự thống trị của Pháp, hâm nóng tâm trí và thuyết phục rằng một phong trào nổi dậy là hoàn toàn có thể diễn ra. Ông phải tạo ra một sự khuấy động địa phương bằng việc rải số lượng đáng kể thư và sách kêu gọi phản loạn, ông phải tìm kiếm sự giúp đỡ của người Nhật, khi đó đang thắng thế ở Viễn Đông. Kể từ khi chiến tranh Nga Nhật nổ ra, một tình cảm mãnh liệt trỗi dậy trong các chí sĩ Việt khi thấy cuộc chiến cân sức giữa một dân tộc da vàng và một quốc gia châu Âu. Thành công cuối cùng của người Nhật đã tạo cảm hứng cho người dân Việt. Người Pháp không phải là những người duy nhất nắm giữ bí mật chiến thắng nhờ vũ khí và người da vàng có thể chiến đấu với họ. Người dân Đông Dương đến Nhật Bản để xin họ bí mật này, họ cần đi đến đó để học nghệ thuật quân dù dù ở vương quốc An Nam vẫn có nhưng nhất quyết không thể không học nếu họ muốn đạt được mục đích cuối cùng : nước Pháp đã chiếm đất đai của tổ tiên họ bằng vũ khí và các ông sẽ lấy lại chúng từ tay họ cũng bằng vũ khí sau khi đã học được cách điều khiển của người Nhật, những người giỏi trong lĩnh vực này. Ý thức được giá trị tri thức, giá trị dòng họ của mình mà việc học đã đem lại cho ông, ông có hoài bão trở thành lãnh tụ đầy sức mạnh đứng đầu đảng nổi dậy. Đó là mục đích của ông. Ngay từ đầu và được sự đồng ý của Nam Thịnh và Sơn Tẩu, ông cho rằng cách tốt nhất để liên kết những người đi theo trong nhân dân là đưa một người trong hoàng tộc lên đứng đầu phong trào. Chính vì thế ông đã đề nghị Cường Để đứng đầu phong trào mà ông là người có quyền quyết định. Việc ông bị theo dõi và bất chấp việc ông được các quan trong triều ủng hộ, ông sẽ dễ dàng lãnh đạo phong trào hơn khi ở nước ngoài. Ngay từ đầu ông đã tính đến việc ông không thể tổ chức đảng cách mạng Đông Dương cũng như không thể đặt nó vào nền tảng trong xã hội Việt Nam. Sau khi quyết định chọn Cường Để, năm 1905, ông tới Trung Quốc và Nhật Bản để thăm dò và cầu viện giúp đỡ hành động cần thiết và để biết liệu ông và những người đi theo ông có thể được đón tiếp nồng nhiệt từ hai nước này?Mục đích của ông rõ ràng như những gì chúng tôi đã xác định trên đây và ông đã tiến hành thực hiện nó cùng với những người theo ông. Nhưng mục đích cá nhân bị che giấu, và cả ước mơ hoài bão của ông....

    Trả lời: Trước tiên tôi xin trả lời câu hỏi về mục đích cá nhân. Tôi chưa từng nghĩ đến việc trở thành người đứng đầu Việt Nam như những cáo buộc của các ông, vả lại điều đó là không thể, với những gì tôi có trong tay, một cử nhơn bình dị có trong túi vẻn vẹn 1100 đồng lại muốn lãnh đạo dân tộc Việt Nam. Tôi chưa từng có mục đích tư lợi khi mong muốn sự phát triển và tiến bộ cho đất nước tôi, lý do thực sự tôi rời Việt Nam đó là như những gì tôi đã nói với các ông là muốn viết nhưng tác phẩm đóng góp cho sự phát triển tri thức của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, có một điểm rất đúng, tôi muốn độc lập cho nước tôi. Nhưng tôi không muốn có độc lập bằng vũ lực và không phải trong một tương lai gần, nhưng tôi muốn nhận được sự độc lập cho nước tôi từ nước Pháp khi nhân dân Việt Nam đã được giáo dục đầy đủ để có thể tự mình lãnh đạo. Về vấn đề thư ký tòa nêu ra liên quan đến nổi loạn và đảng cách mạng mà tôi muốn thành lập ở Đông Dương, đó là điều không thể vì lý do tôi ít có ảnh hưởng đối với các đồng bào của tôi cũng như tôi không có đủ phương tiện. Điều đó càng khó thực hiện hơn khi ở nước ngoài bởi tôi hoàn toàn mất liên lạc với các đồng bào của tôi. Muốn được nghe thấy khi không ở ngay tại chỗ đó là một điều dường như không thể. Về chuyện tôi đã làm bên cạnh Cường Để, các thông tin tình báo của các ông không chính xác. Khi tôi rời An Nam, tôi đã nói cho Cường Để biết về các dự định của tôi, tôi đi cùng Tăng Bạt Hổ. Tới Trung Quốc, tôi nhận thấy đất nước này có những thay đổi trong dạy học, tiến gần với việc dạy học của phương Tây, tôi đã nói với Tăng Bạt Hổ :  «Khi nào ông về nước, ông cần phải tìm cách giúp các thanh niên muốn du học”. Ngay chính bản thân tôi khi ở Trung Kỳ đã viết về vấn đề này năm 1905. Tôi đến Trung Quốc năm 1905 và Cường Để đến Trung Quốc năm 1906, mục đích của tôi khi thực hiện chuyến đi này là những gì tôi đã nói với các ông. Còn về Cường Để, ông ấy có những ý định khác: ông ấy muốn có sự giúp đỡ của Nhật Bản để hành động ở Đông Dương, hành động có thể đưa ông ấy lên ngôi vua. Dù tôi cũng như đồng bào của tôi đều nhận thấy chiến thắng của Nhật Bản trước Nga, nhưng tôi chưa từng nghĩ đến việc cầu viện đến khả năng quân sự của nước này để đấu tranh chống lại nước Pháp, vả lại chúng ta đều biết lúc đó nước Pháp là không thể đánh bại.

    Trong suốt thời gian lưu trú đầu tiên ở Tokyo, Phan Bội Châu đã cho in “Hải ngoại huyết thư”, khích lệ thanh niên Việt Nam chống thực dân Pháp, đòi độc lập tự do. Ngay từ khi đặt chân đến Nhật Bản, Phan Bội Châu đã đổi tên thành Phan Thị Hán, có bút danh là Sào Nam Tử. Khi qua lại Quảng Châu, Phan Bội Châu cũng đến thăm Tổng đốc Lưỡng Quảng là Quảng Đông và Quảng Tây, và giới thiệu những tác phẩm của ông. Phan Bội Châu cũng gặp Lưu Vĩnh Phúc, thủ lĩnh của Thái Bình Thiên Quốc và những chí sĩ Việt Nam có tư tưởng chống Pháp.

    * Trong tài liệu lưu trữ của Pháp, tên những người liên quan được viết không dấu nên có những tên riêng người dịch chưa thể tra cứu và viết chính xác.

    Ngọc Nhàn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia

    https://archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/phan-boi-chau-qua-tai-lieu-luu-tru-phap-ky-5-phan-boi-chau-voi-cac-phong-trao-dau-tranh-trong-nuoc.htm



    Không có nhận xét nào