09/10/2023
Theo tôi hiểu, tổng sản phẩm quốc nội tính tất cả sản lượng được tạo ra trong biên giới của một nước. Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người lấy tất cả sản lượng nầy chia cho tổng số dân. Bảng 1 ghi lại tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của vài nước tiêu biểu và mức độ phát triển từ 1990 đến 2021 (đô Mỹ). [1]
Về tăng trưởng, VN (tăng gấp 4 lần từ 1990 đến 2021) và TQ (gấp 11 lần) tăng nhanh hơn Thái Lan (gấp 1,3 lần) và Hàn Quốc (2,5 lần) nhưng mức bình quân đầu người của VN thấp hơn Thái, TQ và Hàn.
Nhiều quan sát viên nước ngoài cho rằng VN là câu chuyện thành công về tăng trưởng nhanh, liên tục và có thành tích giảm nghèo ấn tượng. Ví dụ như theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, 43 triệu người đã thoát nghèo trong giai đoạn 1993-2008.
Những quan sát viên nầy có thể quên rằng, đảng là nguyên nhân của nghèo đói qua chính sách kinh tế bao cấp và chia rẽ xã hội có hệ thống trong từ 1975 đến những năm đầu 1980.
Thêm nữa, nghèo đói vẫn là một vấn đề nghiêm trọng và dễ nhìn thấy ở cả khu vực thành thị và nông thôn, đặc biệt là ở các nhóm dân tộc thiểu số.
Thế thì tương quan giữa không-chịu-phát-triển nghèo đói và sự lãnh đạo của ông Trọng là gì?
Đây là câu hỏi rất to. Tôi băn khoăn mãi về câu hỏi nầy. Những suy nghĩ bên dưới là những thiển nghĩ ban đầu, chia xẽ ở đây để gợi ý cho những bàn luận và suy nghĩ sâu hơn.
Ngoại trừ một số nguồn độc lập như Tiếng Dân hay VNTB, Trọng kiểm soát gần như toàn bộ phương tiện truyền thông với một mục đích duy nhất là độc quyền về định hình dư luận và duy trì quyền lực của đảng. Điều này cản trở sự phát triển vì nó cản trở việc phổ biến thông tin về các chính sách thay thế về giáo dục, kinh tế, khoa học và xã hội, cũng như nhiều khía cạnh khác trong đời sống hằng ngay.
Chính những chính sách và khía cạnh thay thế và trao đổi mở trong xã hội đã khiến cho các nước như Hàn Quốc và Đài Loan thành công trong việc xây dựng một xã hội mà người dân sống một đời sống có giá trị cao, đầy đủ, sức khỏe, và an toàn. Ngược lại, dân mình phải trả một cái giá rất đắc về việc Trọng khăng khăng trong việc kiểm soát truyền thông.
Trọng thao túng hệ thống pháp luật một cách trắng trợn chỉ để duy trì quyền lực của đảng. Điều này cản trở sự phát triển vì nó cản trở việc áp dụng pháp quyền một cách công bằng và khách quan.
Lấy ví dụ, nhà nước của Trọng cam kết trong các thảo luận quốc tế về việc VN sẽ thực hiện các sáng kiến thân thiện với khí hậu. Trong nước, Trọng bắt giữ các nhà bảo vệ môi trường một cách tùy tiện dùng luật “trốn thuế”. Có phải chăng Trọng duy trì quyền kiểm soát chính sách năng lượng cho lợi ích nhóm bằng cách dùng luật lệ một cách tùy tiện?
Trọng đàn áp mọi phản biện trong xã hội. Bằng cách đàn áp các tiếng nói đối lập, Trọng duy trì quyền lực của đảng. Điều này cản trở sự phát triển vì nó cản trở sự đa dạng trong tư duy và ngăn cản những ý tưởng mới được đưa ra.
Lấy ví dụ, có bao nhiêu phản biện rộng rãi về “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” trong dân? Tại sao phải làm kinh tế kiểu ấy? Có phải chăng kiểu làm nầy dẫn đến bế tắc to lớn và đa dạng cho Tập bên Tàu? Một nền kinh tế và công nghiệp tập trung ở VN có đi vào lối bế tắc như bên Tàu không? Chỉ có là điên mới không cân nhắc những câu hỏi như thế.
Trọng phá hoại sự phân chia quyền lực trong cách vận hành các cơ chế cầm quyền, đặc biệt là làm suy yếu sự tách biệt giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế. Điều này giữ sự độc quyền của đảng, nhưng lại tạo khó khăn trầm kha cho dân, vì nó cho phép tập trung quyền lực và nguồn lực vào tay một thiểu số chóp bu.
Lấy ví dụ về khu vực kinh doanh trong nước. Trong khu vực nầy, các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm ưu thế về khả năng tiếp cận các nguồn lực thiết yếu như tín dụng và đất đai. Bởi vậy doanh nghiệp nhà nước chiếm gần 30% tổng sản lượng quốc nội. Trong 10 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất VN thì 8 doanh nghiệp là doanh nghiệp nhà nước (ngoại trừ Vingroup and Mobile World JSC vào năm 2020), và các doanh nghiệp nhà nước khống chế ngay cả khu vực tư nhân. [2]
Hơn nữa, trong khu vực tư nhân, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân lớn đều trở thành sân sau của đảng viên và cán bộ. Trong khi dân thì nghèo kiết, tài sản mà các cựu lãnh đạo hàng đầu của đất nước chiếm đoạt, mỗi người lên tới hàng tỷ đô la. [2]
Ngày nào Trọng còn cầm quyền, ngày ấy đất nước vẫn thiếu sự phát triển toàn diện và thiếu sự chia xẽ thịnh vượng chung, đặc biệt là sự thiệt hại về phúc lợi xã hội của những người thiệt thòi nhất trong xã hội.
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long sẽ không vương đầu lên nỗi vì đảng gần như hoàn toàn bất lực để đảo ngược những tác hại môi trường và hậu quả của biến đổi khí hậu. Ngư dân trên biển Đông sẽ vẫn phải đối mặc với việc TQ đe dọa đánh đắm thuyền của họ.
Ngày nào Trọng còn cầm quyền, ngày ấy đảng vẫn thao túng chính trị của hệ thống giáo dục, cản trở sự phát triển của các thế hệ tương lai.
Giáo sư Mạc Văn Trang tuần trước đã chỉ ra rằng giáo dục đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng, đang gây hoang mang cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và dư luận xã hội. [3] Theo đó, những bất cập của giáo dục đã tích tụ từ lâu, nhiều ý kiến đã nêu rõ vấn đề, nhưng không được giải quyết, nay bùng phát ra.
Ngoài các chuyện ở trên, đất nước còn phải gánh chịu những chính sách gây nghèo đói mãn tính, bao gồm chính sách hộ khẩu, các quy định trấn áp mức lương tối thiểu của công nhân và duy trì quyền cướp đất tùy tiện của đảng viên, cán bộ và tùy tùng của chúng.
Đất nước phải đối mặt với những vấn đề cơ bản và cấp bách, nhưng kinh nghiệm Việt Á và các chuyến bay giải cứu chỉ ra rằng guồng máy hiện tại không có khả năng giải quyết những vấn đề như thế.
Bên trên, tôi nạp ngôn nói trắng ra những ý nghĩ về tương quan giữa không-chịu-phát-triển nghèo đói và Trọng. Tôi đọc báo bên nhà và hiểu rằng có nhiều người trong nước muốn nói như thế nhưng họ không thể nói vậy vì sợ bị chụp mũ “phản động”.
Nhưng phải chăng đã đến lúc chúng ta nghĩ sâu về nguồn gốc tại sao giới lãnh đạo hiện nay khư khư cầm quyền và hệ quả của độc quyền lên tương lai đất nước.
Nguồn:
1. Our world in data. GDP per capita - Data compiled from multiple sources by World Bank. Accessed 08/10/2023; Available from: https://ourworldindata.org/grapher/gdp-per-capita-worldbank.
2. Ishizuka, F., Political Elite in Contemporary Vietnam: The Origin and Evolution of the Dominant Stratum. The Developing Economies, 2020. 58(4): p. 276-300.
3. Tiếng Dân. Mạc Văn Trang. Mấy suy nghĩ về giáo dục phổ thông hiện nay. 1-10-2023; Available from: https://baotiengdan.com/2023/10/01/may-suy-nghi-ve-giao-duc-pho-thong-hien-nay/.
Không có nhận xét nào