Nguồn: Joe Buccino, “Hamas’s Tunnel Warfare Harks Back to the Viet Cong,” Foreign Policy, 01/11/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
09/11/2023
" Cuộc chiến trên bộ ở Gaza sẽ kéo dài nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm. Trong thời gian tới, cam kết của Israel đối với luật pháp quốc tế, nhân quyền, và xây dựng hòa bình sẽ rất quan trọng trong việc định hình quan điểm của Mỹ và châu Âu. IDF phải dựa vào bộ máy quan hệ công chúng của mình, biện minh cho từng cuộc tấn công và từng hành động trên trường quốc tế, ứng phó với từng sai lầm một cách trung thực và minh bạch. Các địa đạo chạy bên dưới các khu vực đông dân cư ở Gaza sẽ khiến cả hai nhiệm vụ – hạn chế thương vong cho dân thường và chiến thắng trên mặt trận quan điểm – trở nên khó khăn gấp bội. Chúng đòi hỏi phải giám sát kỹ càng cuộc giao tranh trong địa đạo, đẩy nhiều binh sĩ của IDF vào nguy hiểm hơn, nhằm giảm khả năng gây thương vong dân thường ở Gaza".
Khi lực lượng Israel bước xuống những địa đạo ở Gaza, mọi cuộc tấn công dưới lòng đất đều có tác động ở trên mặt đất.
Israel đang bắt đầu tiến hành các chiến dịch trên bộ ở Gaza. Khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiếp cận Thành phố Gaza từ phía bắc và phía đông, nhiều nhà phân tích quân sự Mỹ dự báo sẽ có giao tranh đô thị khủng khiếp, đồng thời nhắc đến những bài học cay đắng của Quân đội và Thủy quân Lục chiến Mỹ ở Iraq, bao gồm cả cuộc chiến đi đến từng nhà ở Fallujah hồi tháng 11/2004, và cuộc bao vây kéo dài 9 tháng để giải phóng Mosul khỏi Nhà nước Hồi giáo vào năm 2016 và 2017. Dù những so sánh này có thể đem lại một số hiểu biết về mức độ phức tạp của chiến tranh đô thị, nhưng chúng không tính đến những phức tạp gia tăng mà Israel đang phải đối mặt ở Gaza. Cuộc chiến của IDF sẽ khó khăn và kéo dài hơn Trận Fallujah lần thứ hai và bạo lực hơn chiến dịch Mosul.
Mê cung địa đạo rộng lớn ở Gaza là một khía cạnh mà quân đội Mỹ không phải đối mặt trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Thật vậy, cuộc giao tranh dưới lòng đất đã bắt đầu: Hôm thứ Ba, Israel nói rằng lực lượng của họ đã tiến vào mạng lưới địa đạo rộng lớn của Hamas và tấn công các chiến binh ở đó. Để tìm ra phép so sánh phù hợp hơn trong lịch sử chiến đấu của Mỹ đối với loại chiến tranh này, chúng ta cần đi xa hơn về quá khứ – đến Chiến tranh Việt Nam.
Xuyên suốt Chiến tranh Việt Nam, hệ thống địa đạo của Việt Cộng, đặc biệt là ở huyện Củ Chi của Thành phố Hồ Chí Minh (khi đó là Sài Gòn), đã đóng một vai trò quan trọng trong bi kịch khủng khiếp của cuộc xung đột. Nằm ở vùng ngoại ô nông thôn của thủ đô Việt Nam Cộng hòa, địa đạo Củ Chi dài hơn 400 km là một mê cung với những lối đi chật hẹp và những cạm bẫy được che giấu khéo léo, thường hoàn toàn chìm trong bóng tối.
Ưu thế của Mỹ về máy bay ném bom, pháo binh, súng cối, và các khả năng khác đã trở nên vô ích vì các mê cung dưới lòng đất, cho phép quân du kích có thể phục kích quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hoà đang hoang mang trên mặt đất rồi nhanh chóng biến mất. Các địa đạo, được xây dựng thủ công từ thời Chiến tranh Đông Dương vào cuối những năm 1940, đã được dùng làm nơi ở, kho tiếp tế, và căn cứ chỉ huy. Chúng trở thành một môi trường chiến đấu vô hình, và quan trọng là không có sẵn đối với lính Mỹ và lính miền Nam. Chúng đã làm cho cuộc chiến trên mặt đất trở nên khó khăn hơn gấp nhiều lần. Đến năm 1968, hệ thống địa đạo của Việt Cộng đã trở thành biểu tượng cho trải nghiệm nghiệt ngã của Mỹ ở Việt Nam: Dưới lòng đất, lợi thế kỹ thuật của quân đội Mỹ dần biến mất, thay vào đó, họ phải chiến đấu trong không gian chật hẹp, xa lạ, bằng dao và đèn pin. Những hệ thống địa đạo này đã dẫn đến việc tuyển chọn một nhóm lính Mỹ, Australia, New Zealand và Việt Nam Cộng hoà, gọi là “chuột địa đạo” (tunnel rats), những người được huấn luyện để chiến đấu ở khu vực cực kỳ nguy hiểm dưới lòng đất. Chỉ một phần rất nhỏ quân đội Mỹ ở Việt Nam – khoảng 700 người – phục vụ trong đơn vị này.
Địa đạo ở Gaza có sự tương đồng về mặt chiến lược và chiến thuật với Củ Chi. Giống như ở Việt Nam, những công trình ngầm này đã được xây dựng từ rất lâu trước khi Hamas giành quyền kiểm soát khu vực vào năm 2007, và được dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Sự tinh vi và tính đa dụng của chúng sẽ khiến IDF phải vất vả. Có những địa đạo được Hamas dùng để tuồn vũ khí khuất khỏi tầm nhìn của máy bay không người lái của Israel. Những địa đạo khác là tuyến đường thương mại tạo ra doanh thu từ hàng hóa buôn lậu qua biên giới Gaza với Ai Cập. Có các trung tâm chỉ huy và kiểm soát, kho đạn dược, và cả khu nhà ở. Nhưng điều đáng lo ngại nhất đối với Israel là các địa đạo chiến đấu. Chúng đóng vai trò then chốt trong các chiến dịch như vụ bắt giữ binh sĩ Israel Gilad Shalit vào năm 2006, khi phiến quân sử dụng một địa đạo để tiến vào Israel, gần cửa khẩu biên giới Kerem Shalom. Sau khi bị bắt cóc, Shalit đã mất hút trong những địa đạo này và bị giam giữ hơn 5 năm – một bằng chứng khác cho thấy địa đạo mang lại lợi thế phòng thủ lớn đến mức nào, và có thể làm thất bại những nỗ lực của Israel nhằm tiêu diệt các chiến binh Hamas và giải cứu con tin còn sống. (Tuy nhiên, hôm thứ Hai, IDF thông báo rằng họ đã giải thoát được một binh sĩ Israel trong cuộc tấn công vào phía bắc Gaza, một trong khoảng 240 con tin mà Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10.)
2,2 triệu cư dân Palestine ở Gaza, hầu hết là dân thường, từ lâu đã phải sống trong cảnh khó khăn do các cuộc phong tỏa, thách thức kinh tế, và bạo lực thường xuyên bùng phát. Phần lớn là người thất nghiệp và nghèo khó, họ, giống như tất cả mọi người, khao khát chủ quyền, quyền tự quyết, và một cuộc sống không xung đột. Mạng lưới địa đạo, dù mang tính chiến lược về mặt quân sự đối với Hamas, nhưng cũng là biểu tượng cho những điều mà một số người Palestine sẵn sàng làm để đảm bảo an ninh và khả năng kháng cự của mình.
Địa đạo ở Gaza có từ cuối những năm 1990. Sang đầu những năm 2000, chúng đóng vai trò là con đường buôn lậu hàng hóa và vũ khí giữa Gaza và Ai Cập, bên dưới một đường biên giới kém kiên cố hơn ngày nay. Khoản đầu tư của Hamas vào những địa đạo này – phần lớn do Iran tài trợ – là minh chứng cho giá trị của chúng. Một địa đạo được phát hiện cách đây một thập niên, đi sâu vào Israel tận 2.4 km, và cần 10 triệu USD cùng 800 tấn bê tông để xây dựng. Sau cuộc xung đột Gaza năm 2014, khi IDF phát hiện ra nhiều địa đạo kiểu này trong Chiến dịch Protective Edge, Israel đã triển khai các biện pháp nhằm hạn chế việc sử dụng vật liệu xây dựng sản xuất bởi Israel để xây dựng địa đạo. Bất chấp những biện pháp này, nền kinh tế dưới lòng đất vẫn phát triển mạnh, với nhiều loại vật liệu sẵn có để xây dựng thêm địa đạo mới.
Trong khi các địa đạo của Việt Nam nằm trải dài trên một khu vực rộng lớn, thì địa đạo ở Gaza lại tập trung thành một khu vực nhỏ hơn nhiều, dẫn đến một mật độ cao hơn và phức tạp hơn. Chưa kể, phần lớn đất ở ven biển Gaza mềm hơn đất ở miền đông nam bộ Việt Nam. Như nhiều nhà phân tích đã chỉ ra, cuộc chiến ở Fallujah và Mosul có giới hạn. Nhưng giao tranh trong các địa đạo ở Gaza sẽ rất ngột ngạt. Hamas sẽ có mọi lợi thế, đặc biệt là vì IDF vẫn chưa xác định được tổng chiều sâu và chiều rộng của mạng lưới địa đạo. Một số ước tính cho thấy có hơn 480 km địa đạo bên dưới Gaza. Với những địa đạo đủ sâu và rộng để xe máy có thể di chuyển, nằm cách mặt đất tận 35 m, năng lực kỹ thuật và khả năng đầu tư chiến lược của Hamas trong nhiều thập niên đã được chứng minh rõ ràng. Thách thức ở đây là cả về thể chất và tâm lý. Giống như lính du kích trong địa đạo của Việt Cộng, một kẻ thù có khả năng lao ra khỏi mặt đất rồi nhanh chóng biến mất dưới lòng đất sẽ giành được lợi thế tâm lý bằng cách gây ra nhầm lẫn và hoang tưởng.
Mạng lưới địa đạo càng trở nên quan trọng nếu xét đến bối cảnh dân sự của Gaza. Sự hiện diện của dân thường – đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, và người già – cũng như nhân viên cứu trợ và máy quay tin tức khiến bất kỳ chiến dịch quân sự quy mô lớn nào cũng chứa đầy rủi ro về mặt đạo đức và chính trị. Không rõ có bao nhiêu người Palestine ở Gaza là chiến binh Hamas. Số phận của các chiến binh và thường dân gắn liền với nhau, khiến cái giá phải trả cho mỗi quyết định tác chiến của Israel cao hơn đáng kể. Cuộc đấu tranh trên mặt trận quan điểm cũng đầy thách thức như các trận đánh trên chiến trường, bởi mọi giao tranh và mỗi ngày chiến đấu đều sẽ được các nhà phân tích, các nhân vật quốc tế, và các nhóm nhân quyền mổ xẻ một cách tỉ mỉ. Như những gì đã được chứng minh từ bản tin sai lệch của các phương tiện tin tức quốc tế lớn về vụ nổ ngày 17/10 tại Bệnh viện Ả Rập Al-Ahli – dựa trên các tuyên bố của cơ quan y tế do Hamas kiểm soát, vốn đổ lỗi cho Israel – giờ đây thật dễ dàng để lan truyền và sửa đổi các sự kiện, số liệu thống kê, và hình ảnh để gây nhầm lẫn hoặc đánh lừa phần lớn khán giả. Các phân tích quan trọng từ New York Times và BBC cho thấy tình huống xoay quanh vụ nổ vẫn chưa rõ ràng, dù bằng chứng hiện có cho thấy nguyên nhân là do tên lửa bắn nhầm từ Gaza.
Khi họ bước vào một chiến dịch trên bộ ở Gaza vốn sẽ có ảnh hưởng lan rộng khắp khu vực, Israel cần học cách điều hướng một cuộc xung đột vốn đã phức tạp với những cân nhắc cho tương lai. Trong những tuần tới, các nhà lãnh đạo ở Cairo, Amman, Riyadh, Abu Dhabi, và Doha sẽ lên án Israel một cách mạnh mẽ. Khi những video khủng khiếp về thương vong dân sự xuất hiện từ Gaza, người dân Ả Rập sẽ yêu cầu các nhà lãnh đạo của họ công khai đưa ra phán quyết và trừng phạt đối với Israel. Vì vậy, Israel nhất định phải duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước ủng hộ chính, là Mỹ và Liên minh châu Âu.
Cuộc chiến trên bộ ở Gaza sẽ kéo dài nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm. Trong thời gian tới, cam kết của Israel đối với luật pháp quốc tế, nhân quyền, và xây dựng hòa bình sẽ rất quan trọng trong việc định hình quan điểm của Mỹ và châu Âu. IDF phải dựa vào bộ máy quan hệ công chúng của mình, biện minh cho từng cuộc tấn công và từng hành động trên trường quốc tế, ứng phó với từng sai lầm một cách trung thực và minh bạch. Các địa đạo chạy bên dưới các khu vực đông dân cư ở Gaza sẽ khiến cả hai nhiệm vụ – hạn chế thương vong cho dân thường và chiến thắng trên mặt trận quan điểm – trở nên khó khăn gấp bội. Chúng đòi hỏi phải giám sát kỹ càng cuộc giao tranh trong địa đạo, đẩy nhiều binh sĩ của IDF vào nguy hiểm hơn, nhằm giảm khả năng gây thương vong dân thường ở Gaza.
Chiến dịch trên bộ sẽ là một chiến dịch khó khăn. Ngoài các địa đạo, IDF sẽ phải đối mặt với những điều kiện chiến đấu tồi tệ nhất: những ngôi nhà vốn là bẫy nổ, những trường học thực chất là cơ sở quân sự, và những nhà thờ Hồi giáo kiêm kho trữ vũ khí. Hamas đang sử dụng dân thường làm lá chắn sống và bệnh viện làm trung tâm chỉ huy. Ngoài ra, những kẻ thù cố thủ dưới lòng đất còn đang giam giữ con tin – một yếu tố phức tạp khác trong một tập hợp các điều kiện khó chịu đến mức không thể tưởng tượng được.
Những điểm tương đồng về mặt lịch sử như Chiến tranh Việt Nam và giao tranh đô thị ở Fallujah và Mosul mang lại những hiểu biết quan trọng nhưng chúng vẫn không thể phản ánh đầy đủ những gì đang chờ phía trước. IDF phải đối mặt với một kẻ thù hùng mạnh ẩn sâu trong lòng đất, đồng thời phải vượt qua bài kiểm tra về đạo đức và vị thế của Israel trên trường thế giới. Các địa đạo ở Gaza tượng trưng cho một mô hình chiến tranh mới, nơi mọi cuộc tấn công dưới mặt đất đều có tác động ở trên mặt đất. Trong những tháng tới, khi thế giới theo dõi sát sao, Israel sẽ phải đối mặt với hai trận chiến: một chống lại kẻ thù cố thủ trong địa đạo và một trong không gian thông tin toàn cầu.
Joe Buccino là nhà phân tích tại Ủy ban Đổi mới Quốc phòng, cựu giám đốc truyền thông tại Bộ Tư lệnh Trung Đông Mỹ, và là đại tá Quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, với 5 lần được điều động tới Trung Đông trong sự nghiệp quân sự.
https://nghiencuuquocte.org/2023/11/09
Không có nhận xét nào