Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Israel-Hamas và bài học cho chính sách ‘ngoại giao đu dây’

    Thục Quyên

    Diễn đàn BBC từ Munich, Đức

    08/11/2023

    " Những toan tính lấn chiếm biển đảo của Việt Nam hiện khó có thể đến từ các láng giềng Đông Nam Á, mà chỉ có thể đến từ quốc gia phía Bắc là Trung Quốc. Nếu bị tấn công thì nội lực của Việt Nam nằm ở chỗ nào, kinh tế, chính trị hay văn hóa xã hội? Và chắc chắn là Việt Nam không thể mong chờ bất cứ một trợ giúp nào từ một nước Nga suy sụp đang nương dựa chính Trung Quốc, nên câu hỏi là nội lực của Việt Nam có đủ để Mỹ và phương Tây thấy xứng đáng để đầu tư giúp Việt Nam đối đầu với Trung Quốc? Câu chuyện Israel là bài học lớn để Việt Nam suy nghĩ". 

    Israel victim families

    Nguồn hình ảnh, Reuters

    Chụp lại hình ảnh, 

    Hai phụ nữ Israel tại đám tang một người đàn ông bị Hamas giết hại hôm 7/10

    Tháng 2/2022, khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào Ukraina, Israel rơi vào một tình thế tế nhị về mặt ngoại giao. Giống như Mỹ và phương Tây, Israel phản đối cuộc xâm lược của Nga, nhưng lại cần sự hỗ trợ của Moscow để có thể tấn công các lực lượng tay chân của Iran tại Trung Đông. Do đó, để đáp trả sự hiếu chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Israel đã chọn lựa cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine nhưng tránh cấp viện trợ quân sự, bỏ ngoài tay những chỉ trích của Hoa Kỳ và từ chối tham gia lệnh trừng phạt Nga của phương Tây.

    Mặt khác, từ nhiều năm, bất kể những rủi ro của chính sách thực dụng, Israel cũng đã tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc và thu được những khoản đầu tư khổng lồ từ nước này Điển hình là Haifa Bayport do Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải (SIPG, Shanghai International Port Group) trúng thầu xây dựng năm 2015 và hoạt động trên bờ biển Địa Trung Hải của Israel từ năm 2021.

    Vì Israel hiện đã liên kết với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (United Arab Emirates) và Bahrain thông qua Hiệp định Abraham năm 2020, các quan chức SIPG coi Haifa là cửa ngõ hàng hải quan trọng đến Trung Đông. Tầm nhìn này phù hợp với sáng kiến “Vành đai và Con đường” toàn cầu của Trung Quốc, nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trên khắp thế giới và tạo ra Con đường Tơ lụa hiện đại, không bị gián đoạn.

    Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu còn loan báo sẽ nhận lời mời thăm Bắc Kinh trong năm nay, gián tiếp cho Hoa Kỳ thấy “thái độ thiếu thân thiện của Tổng thống Joe Biden” vì từ khi thắng cử, ông Netanyahu chưa được có lời mời tới Washington.

    Tuy nhiên, nếu chính phủ Netanyahu tính toán rằng việc tiếp cận chiến lược với Nga và Trung Quốc, bất chấp các đồng minh của Israel, sẽ mang lại kết quả ngoại giao khi Israel cần, thì phản ứng của hai nước này đối với ngày 7/10 đã là một cú giáng lạnh lùng vào Israel. 

    Các nền dân chủ có vẻ đang đứng về phía Israel còn các chế độ chuyên chế đang hỗ trợ kẻ thù của Israel?

    US candlelight vigil by members of Congress

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Các nghị sỹ Mỹ cả hai đảng dự lễ tưởng niệm các nạn nhân Israel bị Hamas giết trong cuộc tấn công hôm 7/10

    Sau cơn thịnh nộ khủng bố của Hamas ngày 7/10/2023, mà theo nguồn tin của Israel, Hamas và các đồng minh đã tra tấn và giết chết ít nhất 1.400 dân thường và binh lính, làm bị thương 4.100 người và bắt cóc khoảng 250 người khác, mối quan hệ của Tel Aviv với Bắc Kinh và Moscow trở nên tồi tệ rất nhiều.

    Ngay sau cuộc thảm sát, liên minh chặt chẽ của Israel với Mỹ và phương Tây đã chứng tỏ giá trị của nó với viện trợ của Mỹ đến Israel và hai hàng không mẫu hạm cấp tốc được đưa tới khu vực, cùng với một danh sách dài các nhà lãnh đạo phương Tây đến thăm Israel để thể hiện tình đoàn kết. Họ coi nhà nước Do Thái tương đương một Ukraine mới, biểu tượng của sự thống nhất và quyết tâm của phương Tây, đồng thời khẳng định Israel là đồng minh thân cận.

    Còn thái độ của Nga và Trung Quốc hoàn toàn khác. 

    Không một lời kết án Hamas, Putin chỉ lên tiếng để đổ lỗi cho “sự thất bại trong chính sách của Hoa Kỳ ở Trung Đông”. Trong khi Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cáo buộc phương Tây và Hoa Kỳ đã “thổi bùng ngọn lửa” và “tạo ra những trở ngại đáng kể cho việc giải quyết khủng hoảng.” Đi kèm với lập trường chống Mỹ và chống phương Tây của họ là thái độ gián tiếp buộc tội Israel bằng cách chống chế, phớt lờ và thậm chí bào chữa cho hành động của Hamas. 

    Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tuyên bố “về sự leo thang căng thẳng giữa Palestine và Israel” chỉ bày tỏ lo ngại về “sự leo thang căng thẳng và bạo lực”, kêu gọi “các bên liên quan giữ bình tĩnh… [và] bảo vệ dân thường” và thúc đẩy giải pháp hai nhà nước mà không một lần nhắc đến tên Hamas hay cuộc thảm sát, ngay cả khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao bị các phóng viên trực tiếp hỏi, người này vẫn tránh né đề cập. Trong khi đó Ngoại trưởng Vương Nghị lai lên án Israel đã “vượt quá phạm vi tự vệ”, và mô tả Israel đang “trừng phạt tập thể” người dân Gaza.

    Không những không một lần nêu tên Hamas, Trung Quốc và Nga đã phủ quyết một nghị quyết do Mỹ đề xuất tại Hội đồng Bảo an Liên hiêp quốc nhằm lên án Hamas (2). Bắc Kinh tuy kêu gọi “sớm thả con tin”, nhưng cáo buộc Israel đang “sử dụng vũ lực bừa bãi và không cân xứng” và “tấn công Bệnh viện Al-Ahli ở Gaza”.

    Rất nhiều thông điệp chống Do Thái xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, miêu tả Israel là những kẻ khát máu và người Mỹ gốc Do Thái có quá nhiều của cải và ảnh hưởng ở Mỹ, đồng thời Israel biến mất khỏi bản đồ trên các trang web lớn của Trung Quốc. Vì các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc luôn bị kiểm duyệt gắt gao nên câu hỏi được đặt ra về thông điệp mà lãnh đạo Trung Quốc đang ngầm tung ra.

    Thái độ của Nga thẳng thừng hơn. Sau cuộc tấn công đẫm máu của Hamas, Putin đã mô tả hành động trả đũa của nhà nước Do Thái phong tỏa Gaza giống như cuộc bao vây Leningrad, ý so sánh với hành động của Đức Quốc xã khi xưa. Mãi tới mười ngày sau, theo tin của điện Kremlin, Putin mới điện thoại cho Netanyahu, thông báo những điểm quan trọng trong các cuộc trao đổi trước đó giữa ông ta và với các nhà lãnh đạo Palestine, Ai Cập, Iran và Syria. 

    Theo tờ Moscow Times, Tổng thống Nga bày tỏ "lời chia buồn chân thành tới gia đình và bạn bè của những người Israel đã thiệt mạng". Ông đã thông báo cho nhà lãnh đạo Israel về các biện pháp mà Nga thực hiện nhằm "thúc đẩy bình thường hóa tình hình, ngăn chặn bạo lực leo thang thêm và ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Dải Gaza". Tổng thống Nga cũng bày tỏ“mong muốn cơ bản của đất nước ông là tiếp tục hành động có chủ đích, nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng và đạt được “một giải pháp hòa bình thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao”.

    Nhưng ngày 26/10 Nga lại đón tiếp một phái đoàn Hamas do Moussa Abu Marzouk dẫn đầu đến thăm Moscow để gặp Mikhail Bogdanov, Thứ trưởng Ngoại giao Nga phụ trách Trung Đông, và một phái đoàn Iran do Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani dẫn đầu.

    Sau cuộc gặp, Hamas ca ngợi quan điểm của Putin về cuộc chiến và ngỏ lời đánh giá cao sự hỗ trợ của Iran đối với người dân Palestine.

    Bộ Ngoại giao Israel đã chỉ trích quyết định của Nga mời đại diện Hamas tới Moscow là gửi thông điệp "hợp thức hoá khủng bố chống lại Israel”và triệu Đại sứ Nga tại Israel, Anatoly Victorov, để khiển trách: Hamas vì là một nhóm khủng bố nên không thể là đối tác đối thoại.

    Đối với một số nhà lãnh đạo cộng đồng Do Thái ở Nga, sự thay đổi địa chính trị gần đây của Điện Kremlin, tách khỏi Israel, cũng như chủ nghĩa bài Do Thái ngấm ngầm từ trước, đã đóng một vai trò trực tiếp trong các sự kiện ở Dagestan: hàng trăm người biểu tình xông vào sân bay Makhachkala truy lùng hành khách Do Thái trên chuyến bay đến từ Tel Aviv. 

    Theo truyền thông địa phương, đám đông cũng tràn vào một khách sạn ở Dagestan để tìm kiếm người Do Thái. Báo Kommersant đưa tin một trung tâm Do Thái đang được xây dựng ở Nalchik, cũng bị phóng hỏa. Người dân địa phương tìm kiếm người mang hộ chiếu Israel trong một khách sạn ở thành phố Khasavyurt.

    Rabbi Goldschmidt, cựu giáo sĩ trưởng đạo Do Thái ở Moscow, người đã rời Nga vào năm 2022 sau khi Nga phát động chiến dịch xâm lược toàn diện Ukraina nói với báo chí: 

    “Tôi nghĩ rằng ở Nga, mọi thứ đều được chính phủ kiểm soát chặt chẽ, không thể tưởng tượng được rằng những cuộc bạo loạn này không phải do cơ cấu chính phủ xúi giục hoặc chỉ đạo”. 

    Ngoài ra, giới lãnh đạo Israel cũng đang tỉnh giấc nhớ lại là các sĩ quan Nga còn đang chiến đấu bên cạnh những nhóm chiến binh ở nước láng giềng Syria. 

    Theo họ, mối quan tâm của Nga và Trung Quốc là ngầm gửi một thông điệp rõ ràng tới tất cả những người phản đối Hoa Kỳ trong khu vực: 'Chúng tôi cân bằng hơn vì chúng tôi không ngại cáo buộc Israel về tội ác chiến tranh.' 

    Mục tiêu chính của Nga và Trung Quốc có vẻ là muốn nhân đây đẩy Mỹ ra khỏi Trung Đông chứ không phải mang tính xây dựng giúp ngưng chiến và tái tạo hoà bình, là vấn đề cần thiết nóng bỏng cho Trung Đông và cho thế giới.

    Thái độ của Nga và Trung Quốc hiện nay là tiếng chuông cảnh tỉnh Việt Nam và những quốc gia đang chủ trương “đu dây” hay “cân bằng quyền lợi” giữa họ và các nước Phương Tây.

    Những điều Việt nam cần suy ngẫm

    Palestinian residents of Hanoi attend a memorial for slain Palestinians on November 04, 2023 in Hanoi,

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, 

    Người dân Palestine ở Hà Nội dự lễ tưởng niệm hôm 4/11 tưởng nhớ những người thiệt mạng do các cuộc tấn công của Israel 

    Sau Chiến tranh Lạnh, gần như tất cả các nước châu Á và châu Âu đều ít nhiều uyển chuyển đường lối ngoại giao của mình để cố gắng cân bằng các lợi ích địa chính trị mâu thuẫn nhau, tránh kẹt vào thế chọn bên rõ ràng thành bạn hay thù. Đây là hình thức mà Việt Nam gọi là chính sách ngoại giao cây tre. 

    Nhưng cuộc chiến Israel-Hamas cho thấy sự cân bằng đó rất mong manh, so sánh với những toan tính thực dụng để lãnh đạo thế giới của các nước lớn, và bất cứ lúc nào cũng có thể lật nhào. Nếu Ukraine, Israel, và xa hơn nữa là Hàn Quốc còn đang có đồng minh thân tín, phụ lực là vì chính họ có nội lực, đã theo hệ thống dân chủ và nội lực này cho các nước lớn thấy đáng đầu tư vào họ, bất chấp nguy cơ chiến tranh.

    Những toan tính lấn chiếm biển đảo của Việt Nam hiện khó có thể đến từ các láng giềng Đông Nam Á, mà chỉ có thể đến từ quốc gia phía Bắc là Trung Quốc. Nếu bị tấn công thì nội lực của Việt Nam nằm ở chỗ nào, kinh tế, chính trị hay văn hóa xã hội? Và chắc chắn là Việt Nam không thể mong chờ bất cứ một trợ giúp nào từ một nước Nga suy sụp đang nương dựa chính Trung Quốc, nên câu hỏi là nội lực của Việt Nam có đủ để Mỹ và phương Tây thấy xứng đáng để đầu tư giúp Việt Nam đối đầu với Trung Quốc? Câu chuyện Israel là bài học lớn để Việt Nam suy nghĩ. 

    https://www.bbc.com/vietnamese


    Không có nhận xét nào