Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ năm 09 tháng 11 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Vừa tuyên bố không mở rộng đầu tư tại Việt Nam, Inter nhanh tay đổ vào Malaysia $7 tỷ

    Lê Thiệt /SGN


    08/11/2023


    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/02-Intel-1.jpg

    Công nhân làm việc trong nhà máy Intel tại Việt Nam – Ảnh: Tuổi Trẻ 

    Ngày 8 Tháng Mười Một, Báo Tuổi Trẻ đưa tin “Tại Việt Nam, Intel luôn cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư trong tương lai”, thì trang mạng VOV (của Đài Tiếng nói Việt Nam) lại cho biết “Intel “gác” kế hoạch mở rộng sản xuất chip tại Việt Nam”!

    Thế là thế nào? “Có nghĩa là khi bạn đọc báo Việt Nam bạn phải động não một chút, đừng tin những lời khen ‘có cánh’”. Đó là một lời khuyên trên mạng xã hội.

    Báo Tuổi Trẻ dẫn lời một quan chức (giấu tên) từ cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài cho biết: Tại Việt Nam, Intel luôn cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư trong tương lai. Còn việc họ mở rộng đầu tư ở nước khác phụ thuộc vào chiến lược của tập đoàn trong từng giai đoạn.

    Ông giấu tên này còn nhận định chắc nịch rằng, không có chuyện Intel không mở rộng đầu tư ở Việt Nam và chuyển vốn sang nước khác để mở rộng đầu tư.

    Vẫn câu chuyện về Intel, trong cùng ngày ông quan chức giấu tên phát biểu, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết ông cũng mới tiếp nhận thông tin Intel “gác” kế hoạch đầu tư thêm $1 tỷ mở rộng nhà máy tại Việt Nam. Theo ông Dũng, lý do đơn giản mà Intel không tiếp tục “xuống tiền” là vì “họ nói chúng ta thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà”.

    Hãng thông tấn Reuters cũng đã đề cập đến vấn đề này từ hồi Tháng Bảy. Theo nguồn tin từ Reuters, trong một số cuộc họp gần đây giữa các công ty Mỹ và các quan chức hàng đầu của Việt Nam, Intel đã bày tỏ lo ngại về sự ổn định của nguồn cung cấp điện và thủ tục hành chính.

    Vẫn theo bản tin VOV, ông Dũng nói lý do thiếu điện có thể chỉ là một lý do phụ, vì trước đó Việt Nam đã từng để xảy ra thiếu điện ở một số nơi, nên họ đem vấn đề đó vào để “gác” kế hoạch mở rộng sản xuất chip. Ông Dũng khẳng định rằng “Chính phủ cam kết bảo đảm đủ điện cho các doanh nghiệp không chỉ riêng doanh nghiệp nào”.

    Có vẻ như Intel không tin vào lời cam kết chính thức của chính phủ Việt Nam (qua lời ông Dũng). Sự kinh doanh độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không chỉ là rào cản lớn nhất, mà còn là một thế lực biến tất cả các nhà đầu tư nước ngoài trở thành “con tin” với chiêu trò “tắt mở” điện (?!)

    Mở rộng hơn, một số nhà phân tích cho rằng do chính phủ Việt Nam chưa tạo được môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, hơn nữa, cho dù Việt Nam có “khua chiêng gõ trống” diệt tham nhũng, nhưng xem ra “càng đánh tham nhũng, tham nhũng càng… ổn định”.

    TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đồng ý với ý kiến trên, khi cho rằng thủ tục đầu tư phức tạp, quy trình thực hiện thủ tục không rõ ràng,… đã khiến Việt Nam bỏ lỡ rất nhiều cơ hội.

    Tài khoản Một Góc Nhìn Khác trên Facebook, dẫn lời ông Han Jae Jin, Trưởng ban Quan hệ đối ngoại của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (Kocham) cho biết tại Việt Nam, thủ tục cấp phép bị nhiều doanh nghiệp FDI “kêu” nhất. Ông Han Jae Jin than phiền về tình trạng cấp giấy phép đầu tư mà có khi đến 6 tháng mới có kết quả. Khi nộp hồ sơ cấp giấy phép thì được hẹn 30-45 ngày. Khi đến ngày hẹn thì lại tiếp tục đề nghị các thủ tục bổ sung và thời gian lại đến 30-45 ngày nữa. Cứ như thế doanh nghiệp phải đi lại rất nhiều lần, tốn nhiều thời gian, công sức và có khi mất luôn cơ hội làm ăn.

    Nhiều người khác trên Facebook cùng đồng quan điểm khi cho rằng với chính sách ngoại giao “đu dây”, một tay chìa ra cho Mỹ, tay còn lại giấu sau lưng nắm chặt “lưng quần” Trung Cộng, thì chẳng ai tin được những bí mật kinh doanh hay bí mật công nghệ của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được an toàn.

    Ông Quân Vũ còn có cái nhìn “bi quan” hơn cho Việt Nam: “Rồi sẽ còn nhiều công ty nối gót Intel, Mỹ và châu Âu đang áp dụng tiêu chuẩn kép kinh tế đi với chính trị, sẽ đầu tư vào những nước có lập trường giống Mỹ, Nato, EU trong các vấn đề quốc tế ví như chiến tranh Ukraine-Nga, Do Thái- Hamas, Trung Cộng-Đài Loan…”

    Tại Đông Nam Á, tính đến thời điểm hiện tại, Intel đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với $1.5 tỷ. Tuy nhiên, từ Tháng Mười Hai 2021, Intel đã “rót” $7 tỷ đầu tư xây dựng một nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip mới tại Malaysia, dự kiến, nhà máy này sẽ hoạt động sản xuất vào năm 2024.

    Chính phủ Malaysia cho biết, khoản đầu tư $7.1 tỷ (30 tỷ ringgit) dự kiến sẽ tạo ra hơn 4,000 việc làm cho Intel và hơn 5,000 việc làm trong lĩnh vực xây dựng.

    “Thế Malaysia có gì hơn Việt Nam?” Nhiều người đặt câu hỏi như thế.

    Thực tế, Malaysia thua Việt Nam rất nhiều, kể cả tham nhũng, và họ chỉ hơn Việt Nam có một vài thứ thôi, trong đó có sự minh bạch, và không bị tập đoàn độc quyền nào xem họ như một thứ “con tin kinh tế” cả.

    Lê Xuân Nghĩa - Cần gì bơ thừa, sữa cặn của bọn Mỹ ! 


    Reuters vừa đăng tải thông tin, Intel đã hủy bỏ kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam. 

    Kế hoạch có giá trị lên đến 1 tỉ đô la Mỹ, được giới lãnh Việt Nam rất kỳ vọng. Nó không chỉ ở tiền bạc, mà đó là uy tín và bộ mặt của Việt Nam trong thu hút đầu tư công nghệ cao, và mong muốn đóng vai trò quan trọng hơn trong ngành bán dẫn toàn cầu.

     Lý do Intel hủy bỏ:

    - Tình trạng cung cấp điện thiếu ổn định.

    - Tình trạng quan liêu quá mức.

    Cá nhân tôi thì thấy đây là điều may mắn. Bởi lẽ, Việt Nam chúng ta là “cô gái đẹp” mà ai cũng thèm muốn. Chúng ta có lợi thế địa chính trị mà quốc gia nào cũng cần. Chúng ta có sự ổn định chính trị tốt nhất thế giới. Người dân Việt Nam chúng ta cần cù, thông minh, sáng tạo. Chúng ta có dân chủ “đến thế là cùng”… 

    Vì vậy, tuyệt đối không thể vì chút “bơ thừa, sữa cặn” của bọn Mỹ mà để chúng lợi dụng chúng ta nhằm thực hiện các mưu đồ thâm độc và diễn biến hoà bình được

    Không có bọn Mỹ, bọn tư bản bóc lột thì chúng ta có Nga, có Trung Quốc, có Cuba, có Triều Tiên, Lào, Campuchia, Palestine… anh em. Không thể tin vào Mỹ và chư hầu của nó. Bởi chúng “không cho không ai cái gì bao giờ”. Trong khi chúng ta có các nước anh em, bè bạn của chúng ta như Nga, Trung, Lào, Cam, Cuba … luôn “nhường cơm xẻ áo. Chia ngọt xẻ bùi”, luôn giúp đỡ chúng ta một cách vô tư và luôn kề vai, sát cánh cùng chúng ta

    Vì vậy, đây là điều tốt và đáng mừng cho chúng ta hơn là thất vọng !

    LÊ XUÂN NGHĨA 08.11.2023

    Intel dừng kế hoạch mở rộng sản xuất chip ở Việt Nam?

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/11/intel-dung-ke-hoach-mo-rong-san-xuat-chip-o-viet-nam.jpg


    Nhà máy tại Việt Nam là một trong những cơ sở lớn nhất thế giới của Intel về lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip. (Ảnh minh họa: Ireshetnikov54/shutterstock) 

    Hãng Intel của Mỹ quyết định gác lại khoản đầu tư đã được lên kế hoạch ở Việt Nam, Reuters đưa tin hôm 7/11.

    Theo Reuters, kế hoạch đầu tư đó lẽ ra có thể tăng gần gấp đôi hoạt động của Intel ở Việt Nam, nhưng việc nó bị dẹp sang một bên giờ đây giáng một đòn mạnh vào tham vọng ngày càng lớn của Việt Nam trong ngành công nghiệp chip.

    Đất nước được gọi là một trung tâm sản xuất điện tử ở Đông Nam Á cũng là nơi đặt nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới của Intel. Việt Nam đã và đang trông chờ vào việc hãng này sẽ mở rộng hơn nữa, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố các thỏa thuận trợ giúp cho ngành công nghiệp chip ở Việt Nam khi ông đến thăm hồi tháng 9, vẫn bản tin của Reuters viết.

    Việt Nam muốn khẳng định họ là một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc và Đài Loan, trong bối cảnh hai nơi đó có những rủi ro chính trị và căng thẳng thương mại với Mỹ.

    Nhưng ngay sau chuyến thăm của ông Biden, các quan chức Mỹ đã thông báo với một nhóm doanh nhân và chuyên gia chọn lọc của Mỹ rằng Intel đã gác lại kế hoạch mở rộng, một trong những người tham gia cuộc họp nói với Reuters.

    Nguồn tin đề nghị giấu tên vì nói về thông tin mật, cho biết Intel đã đi đến quyết định đó vào khoảng tháng 7.

    Người này nói rằng hãng của Mỹ không cho biết lý do vì sao lại dừng kế hoạch mở rộng, nhưng một nguồn tin thứ hai tham dự hai cuộc họp riêng rẽ trong những tuần gần đây giữa các công ty Mỹ và các quan chức hàng đầu của Việt Nam cho hay rằng Intel đã nêu lên mối lo ngại về mức độ ổn định của nguồn cấp điện và tình trạng quan liêu quá đáng.

    Trước thông tin trên, báo Thanh Niên cho biết đại diện truyền thông của Intel từ chối bình luận nội dung từ Reuters, thay vào đó khẳng định: “Việt Nam tiếp tục là một phần quan trọng trong hoạt động sản xuất toàn cầu của Intel. Chúng tôi rất vui được hỗ trợ sự phát triển hệ sinh thái ngành công nghệ rộng lớn và lực lượng lao động của Việt Nam trong gần hai thập kỷ hoạt động tại đây và chúng tôi rất mong muốn tiếp tục thực hiện việc này trong thời gian tới”.

    Còn báo Tuổi Trẻ dẫn lời từ ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, khẳng định cho đến thời điểm này, phía Intel Việt Nam chưa có thông tin chính thức với phía Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM về những thay đổi trong kế hoạch mở rộng nhà máy.

    Hiện Intel Việt Nam vẫn đang đầu tư, sản xuất bình thường tại nhà máy của Intel đặt bên trong Khu công nghệ cao TP.HCM tại TP. Thủ Đức.

    Ông Thi nói đến nay, phía Intel đã giải ngân vốn đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM với số vốn gần 2 tỷ USD và đây vẫn là nhà máy đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đóng gói của Intel toàn cầu. Ngoài ra, ông Thi cho biết nhà máy này cũng đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 3.000 lao động và tạo việc làm gián tiếp khoảng 4.000 lao động.

    Minh Long

    Lao động Việt Nam tìm cơ hội việc làm ‘ngoài biên giới’ ngày càng tăng

    Lao động Việt Nam tìm cơ hội việc làm 'ngoài biên giới' ngày càng tăng


    Ảnh minh hoạ (Ảnh: NTD VN/ Hoàng Anh) 

    Thông tin từ Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội cho hay tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 10 năm 2023 là 21.145 người.

    Kết quả là 101,37% trong năm 2023 (110.000 lao động) và bằng 108,23% so với cùng kỳ năm ngoái (103.026 lao động).

    Ước tính cả năm đưa khoảng 125.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 104% kế hoạch. Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực.

    Các thị trường thu hút đông lao động đứng đầu là Nhật Bản với 11.860 lao động, Đài Loan với 4.696 lao động, Hàn Quốc với 3.524 lao động, Trung Quốc, Singapore, Hungari và các thị trường khác.

    Các công ty xuất khẩu lao động tại TP. HCM cho biết, những tháng cuối năm nhu cầu tuyển dụng từ các nghiệp đoàn Nhật Bản vẫn tiếp tục mở rộng trong nhiều lĩnh vực.

    Nhân viên an ninh làm việc tại sân bay cho biết bình quân mỗi tối có khoảng 5-7 công ty tiễn lao động sang các nước làm việc.

    Chị Trà My (33 tuổi, Hà Tĩnh) cho biết, chị chấp nhận xa gia đình của mình để ra nước ngoài làm việc vì cơ hội nhiều hơn, lương cao hơn so với trong nước.

    Hoàng Anh

    Chánh thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau bị bắt

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/11/chanh-thanh-tra-so-nn-ptnt-tinh-ca-mau-bi-bat-700x480.jpg


    Trụ sở Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau. (Ảnh: sggp.org.vn) 

    Thông tin ban đầu cho biết, ông Tăng Gia Phong bị bắt liên quan đến những sai phạm trong thời gian công tác ở Công ty Cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex.

    Báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng đã bắt tạm giam ông Tăng Gia Phong (SN 1966, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau) vào sáng ngày 8/11.

    Đến chiều cùng ngày, cơ quan nơi ông Phong công tác chưa nhận thông báo của Cục Điều tra hình sự nên chưa biết cụ thể ông Phong bị bắt tạm giam về hành vi sai phạm gì, chỉ biết có liên quan đến đơn vị cũ, nơi ông Phong từng công tác, không liên quan đến cơ quan hiện tại ông công tác, theo báo Thanh Niên.

    “Ông Phong bị bắt liên quan đến những sai phạm trong thời gian ông còn công tác ở Công ty Cổ phần chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex (CDV); liên quan đến hồ sơ vay vốn của CDV với một ngân hàng quân đội và mất khả năng chi trả. Cùng bị bắt với ông Phong còn có 1 nữ nguyên lãnh đạo của CDV”, báo nhà nước dẫn từ một nguồn tin cho biết.

    Được biết, từ năm 2005 đến tháng 7/2008, ông Phong làm Kế toán trưởng CDV. Tháng 8/2008, ông Phong giữ chức Phó Tổng giám đốc CDV.

    Sau đó, ông Phong về làm cán bộ của Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau và một thời gian sau, ông Phong được bổ nhiệm làm Chánh thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho đến nay.

    Phạm Toàn

    Nợ tiền thuế, Bamboo Airways bị phong tỏa tài khoản ngân hàng

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/11/CXCTLEUCDBKO7AQBSQK2UXGDTI.jpg


    Nợ thuế hơn 102 tỷ đồng và vượt quá 90 ngày, Bamboo Airways vừa bị Cục Thuế tỉnh Bình Định ra quyết định cưỡng chế, yêu cầu phong tỏa tài khoản ngân hàng. (Ảnh: Bamboo Airways/Facebook) 

    Nợ thuế hơn 102 tỷ đồng và vượt quá 90 ngày, Bamboo Airways vừa bị Cục Thuế tỉnh Bình Định ra quyết định cưỡng chế, yêu cầu phong tỏa tài khoản ngân hàng.

    Sáng ngày 8/11, ông Nguyễn Đẩu, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định, cho biết vừa ra quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways, mã chứng khoán: BAV) có địa chỉ trụ sở tại khu số 4 (khu du lịch biển Nhơn Lý – Cát Tiến, xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn).

    Lý do, Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế là 102,5 tỷ đồng.

    Theo ông Đẩu, các tài khoản của Bamboo Airways sẽ bị phong tỏa tại 3 ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Quy Nhơn, Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Bình Định và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam.

    Cục thuế cũng yêu cầu các ngân hàng trên trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của Hãng hàng không Bamboo Airways để nộp vào tài khoản của Cục Thuế tỉnh Bình Định mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Định.

    Ông Đẩu nói trường hợp số tiền trên tài khoản của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt nhỏ hơn số tiền quyết định cưỡng chế thì ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của công ty này trong thời gian quyết định có hiệu lực.

    “Khi nào Bamboo Airways trả xong nợ thuế, Cục Thuế tỉnh Bình Định sẽ đề nghị các ngân hàng gỡ bỏ phong tỏa tài khoản ngân hàng của Bamboo Airways”, ông Đẩu nói thêm.

    Trước đó, toàn bộ 5 thành viên HĐQT Công ty cổ phần hàng không Tre Việt có đơn xin từ chức gồm các ông: Nguyễn Ngọc Trọng, Doãn Hữu Đoàn, Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm và Nguyễn Mạnh Quân. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Trọng là Chủ tịch HĐQT.

    Bên cạnh đó, 3 thành viên ban kiểm soát của hãng hàng không này cũng có đơn xin từ chức gồm các ông Trần Anh Tuấn, Phạm Văn Hùng và Nguyễn Đăng Khoa.

    Trong năm 2022, Bamboo Airways đã đạt doanh thu thuần hơn 11.730 tỷ đồng, gấp 3,3 lần doanh thu năm 2021.

    Tuy nhiên, với tình trạng kinh doanh dưới giá vốn, Bamboo Airways lỗ gộp hơn 3.200 tỷ đồng trong năm 2022, doanh thu tài chính giảm mạnh chỉ còn hơn 120 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ.

    Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng lên hơn 1.400 tỷ đồng, gấp 4,7 lần cùng kỳ.

    Đáng chú ý, khoản lỗ của hãng bay này đến chủ yếu từ chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến lên tới 12.750 tỷ đồng, trong khi năm 2021 chỉ hơn 158 tỷ đồng.

    Minh Long

    Trung Quốc ngừng nhập khẩu tôm hùm bông khiến giá rớt mạnh

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/11/r_tom-hum-trung-quoc-ngung-nhap-tom-hum.jpg


    Trung Quốc ngừng nhập tôm hùm Việt Nam nhưng chưa nói nguyên nhân khiến giá nhập rớt thê thảm. (Ảnh minh họa: baokhanhhoa.vn) 

    Trung Quốc ngừng nhập khẩu tôm hùm bông khoảng 4 tháng nay khiến giá mặt hàng này rớt thê thảm ở thị trường Việt Nam, nguồn tin của doanh nghiệp cho biết. Còn phía Trung Quốc hiện chưa công bố rõ nguyên nhân.

    Truyền thông trong nước đưa tin, phía Trung Quốc (thị trường lớn nhất của tôm hùm Việt Nam) ngừng nhập sản phẩm này từ Việt Nam và đến nay chưa công bố rõ nguyên nhân.

    Trong văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Hội nghề cá các tỉnh, thành, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết một số cơ sở xuất khẩu và Hội Nghề cá tỉnh Phú Yên phản ánh Trung Quốc dừng nhập khẩu tôm hùm bông (Panulirus ornatus).

    Tương tự, các hộ nuôi trồng tôm hùm bông ở Khánh Hòa cũng cho biết Trung Quốc ngưng mua từ tháng 10 đến nay.

    “Trung Quốc đã ngưng nhập tôm hùm bông 4 tháng nay rồi. Đẩy giá tôm hùm bông rớt thê thảm, rẻ chưa từng có”, chị Nguyễn Thị Anh Thư – Giám đốc Công ty TNHH thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP.HCM), một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm hùm lớn nhất Việt Nam cho biết, báo Thanh Niên đưa tin.

    Trung Quốc là thị trường lớn nhất của tôm hùm Việt Nam. Tính đến hết tháng 8 năm 2023, xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 76 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022.

    Mỗi kg tôm hùm bông đang được các hộ nuôi bán với giá 1-1,3 triệu đồng, giảm một nửa so với cách đây hai tháng. Mức này giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là sức tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu đều giảm mạnh.

    Theo ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình, từ giữa năm đến nay, Việt Nam chỉ xuất được tôm hùm xanh sang Trung Quốc. Riêng tôm hùm bông, số lượng bán ra tại Cam Bình rất hạn chế vì nước bạn ngừng mua.

    Để xác minh và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, trong tháng 9, Bộ đã có văn bản gửi Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc và Cục Hải quan Nam Ninh (Tổng cục Hải quan Trung Quốc).

    Theo thông tin từ Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Tổng cục Hải quan nước này đã nhận được đề nghị của phía Việt Nam nhưng chưa thu xếp làm việc theo đề xuất của Bộ.

    Đức Minh

    Bệnh nhân không tự mua vật tư y tế, không được chữa bệnh

    An Vui /SGN
    8 tháng 11, 2023

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/8.11.23_Anh-5.jpg

    Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương buộc bệnh nhân phải tự đi mua vật tư y tế khi họ cần phẫu thuật – Ảnh: Tuổi Trẻ 

    Có bảo hiểm y tế để làm gì, khi bệnh nhân đi bệnh viện công phải tự mua vật tư y tế như băng gạc, kim chích, thuốc, găng tay, thậm chí drap trải giường?

    Chuyện bất thường này đang trở thành bình thường ở nhiều bệnh viện công Việt Nam.

    Tuổi Trẻ ngày 8 Tháng Mười Một 2023 phản ảnh nỗi khổ của bệnh nhân Việt Nam khi đi bệnh viện công tỉnh Bình Dương và Bình Phước.

    Một bệnh nhân là ông T.P. (ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) bị gãy xương đòn, khi vào bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước để phẫu thuật, bác sĩ đã đưa giấy ghi hàng loạt vật tư y tế mà ông phải đi mua để phục vụ cho việc phẫu thuật như băng gạc, ống bơm, kim chích, chỉ, dao mổ, bộ nẹp…

    Dù có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký chữa trị ở bệnh viện Bình Phước, ông P. đành phải nhờ người nhà lùng kiếm cho đủ ở các cửa hàng thuốc Tây gần bệnh viện với tổng số tiền 12 triệu đồng. Số tiền này không được bảo hiểm y tế trả lại.

    Bệnh nhân khác là ông C. cũng mất 8 triệu đồng mua vật tư y tế ở các cửa hàng thuốc Tây bên ngoài bệnh viện, theo chỉ định của bác sĩ, khi ông vào bệnh viện Bình Phước vì bị rạn xương bánh chè! Dù những loại vật tư này đã được tính trong bảo hiểm y tế thì ông C. cũng không nhận lại được đồng nào.

    Tệ hơn, trong ba lần vào bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương để nội soi tán sỏi thận, ông N.V.N. (59 tuổi) phải bỏ tiền mua găng tay, băng gạc, kim chích, ống hút phẫu thuật, drap trải giường… với tổng số tiền hơn 12 triệu đồng, mặc dù bảo hiểm y tế của ông thuộc diện được chi trả 100%.

    Về trường hợp ông N., Dân Trí ngày 6 Tháng Mười Một đưa tin chi tiết, theo lời kể của con gái bệnh nhân là bà M. (hiện ngụ quận Tân Bình, Sài Gòn).

    Bà M. bức bối kể: Trước ngày cha bà được phẫu thuật,  bà phải ra ngoài mua găng tay phẫu thuật, gạc vô khuẩn, ống bơm, kim chích, băng keo, dây truyền dịch, ống hút phẫu thuật, bông gòn, ống sonde JJ niệu quản, ống nội khí quản, drap trải giường phẫu thuật… theo chỉ định của bác sĩ.

    Khi đến nhà thuốc K.C. trước cổng bệnh viện theo chỉ dẫn của bác sĩ, bà mua được đủ các thứ cần dùng, nhưng không có hóa đơn, chủ nhà thuốc chỉ đưa bà tờ giấy viết tổng số tiền.

    Khốn khổ là ông N. phải trở lại bệnh viện đó ba lần. Sau lần mổ thứ nhất, vì sỏi thận chưa lấy ra hết hoàn toàn nên đã rớt xuống niệu đạo, ông N. phải mổ lần hai với phương pháp tán sỏi thận bằng ống soi mềm.

    Rồi đến ngày 27 Tháng Chín, ông N. đến bệnh viện lần ba để thực hiện mổ rút ống sonde JJ niệu quản. Hai lần sau bà M.cũng vẫn phải ra ngoài mua drap trải giường phẫu thuật và nhiều thứ khác theo yêu cầu của bác sĩ.

    Thay vì được điều trị miễn phí 100% như giá trị của thẻ bảo hiểm y tế mà ông N. có, gia đình ông N. phải bỏ tiền mua thêm vật tư y tế hơn 12 triệu đồng và không thể đòi bảo hiểm y tế trả lại.

    Trao đổi với Dân Trí, bác sĩ Lê Ngọc Long, phó Giám đốc bệnh viện đa khoa Bình Dương xác nhận, có việc bệnh nhân N.V.N. phải tự ra ngoài mua vật tư y tế trong quá trình điều trị sỏi thận tại đây. Thế nhưng, các vật tư y tế tự mua đó không có trong bảng kê viện phí của bệnh viện!?

    Ông Long khẳng định bác sĩ điều trị đã trao đổi với người nhà về tình trạng khó khăn của bệnh viện và họ tình nguyện tự mua để phục vụ điều trị. Nếu họ không đồng ý mua thì bệnh viện sẽ chuyển bệnh nhân theo diện bảo hiểm y tế lên tuyến trên điều trị.

    Chia sẻ với phóng viên, bà M. cho rằng, cả mình và người cha đều không được bác sĩ cho biết bệnh viện thiếu vật tư y tế khi nhập viện. Họ cũng không rõ việc có thể chuyển lên tuyến trên điều trị theo diện bảo hiểm y tế.

    Dưới bài viết này, độc giả Dân Trí ở các tỉnh thành Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Nghệ An, Tây Ninh, Vĩnh Long… cũng bức bối cho biết bệnh viện công nơi họ ở cũng hành xử y vậy với bệnh nhân.

    Độc giả Phúc Vũ cho biết: “Ở tỉnh Nam Định cũng vậy, chúng tôi cũng phải mua từ bơm kim tiêm, băng gạc, chai nước muối truyền, trong khi gia đình có bảo hiểm 100%”.

    Tồi tệ hơn, ở Hà Đông (Hà Nội), độc giả Nguyễn Văn Tuân chia sẻ khi cha của anh phải phẫu thuật, anh phải chạy đi kiếm… dao mổ cho bác sĩ! Còn tại bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, độc giả Nga Tran tố cáo nửa đêm sản phụ được yêu cầu tự đi mua kim luồn, dây nối, ống thở… dùng cho việc điều trị của con, trong khi trẻ em tiếng là được bảo hiểm y tế chi trả 100%!

    Còn độc giả Võ Công Tâm ở Vĩnh Long phản ảnh cha anh đi khám gout và tiểu đường thì được bệnh viện tỉnh thông báo đã hết dung môi xét nghiệm, chỉ dẫn ra phòng khám tư nhân bên ngoài thực hiện.

    Một độc giả là Trần Nam Văn đặt nghi vấn, khi bác sĩ kê đơn vật tư y tế và thuốc bên ngoài cho bệnh nhân tự đi mua thường chỉ định luôn nhà thuốc, với lời “dọa” đến chỗ khác sẽ không mua được, như vậy có thể bác sĩ đã có thỏa thuận trước với nhà thuốc để được tiền hoa hồng?

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/8.11.23_Anh-4-640x427.jpg

    Số vật tư y tế mà người nhà bệnh nhân phải đi mua khi vào các bệnh viện công hiện nay, dù họ có bảo hiểm y tế thì cũng không được hoàn trả số tiền này – Ảnh: Dân Trí 

    Khi Dân Trí đặt câu hỏi về chính sách bảo hiểm y tế cho bệnh nhân thế nào khi họ phải tự ra ngoài bệnh viện mua vật tư y tế, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố trả lời:

    Hiện nay, thông tư của Bộ Y tế chưa có hướng dẫn thanh toán lại tiền thuốc và vật tư y tế mà bệnh nhân phải tự mua trong quá trình điều trị, bởi vì các vật tư như drap trải giường phẫu thuật, bông băng gòn gạc, ống bơm, kim chích, găng phẫu thuật, dao phẫu thuật, dây truyền dịch… đã được bảo hiểm y tế chi trả.

    Cuối cùng, bà Hằng bảo trong trường hợp bệnh nhân phải tự ra ngoài mua các vật tư nói trên, có thể yêu cầu bệnh viện điều trị trả lại tiền!

    Bệnh viện nào trả lại tiền cho bệnh nhân phải tự mua vật tư y tế ? Mơ đi.

    Còn khi trao đổi với Tuổi Trẻ về tình trạng thiếu vật tư y tế ở bệnh viện, đại diện ngành y tế Bình Phước và Bình Dương đều biện minh chính sách của Bộ Y tế ngăn trở họ đấu thầu mua sắm.

    Không cần biết lý do là gì, người dân có bảo hiểm y tế thì cũng phải bỏ tiền ra để mua, chả ai cho không (trừ cán bộ không kể), thế nên việc họ đến bệnh viện chữa trị thì ngành y tế phải bảo đảm điều kiện chữa trị cơ bản cho họ.

    Bần cùng tới mức buộc bệnh nhân có bảo hiểm phải đi mua bông băng, kim chích, drap trải giường phẫu thuật… thì đúng là chỉ có ngành y tế vô nhân của Việt Nam!


    Không có nhận xét nào