Quê Hương tổng hợp
Hà Nội: Nhà thờ Thái Hà phản đối Bệnh viện Đống Đa sửa chữa, yêu cầu trả lại tu viện
RFA
15/11/2023
Bệnh viện Đa khoa Đống Đa- vốn là toà nhà của Tu viện DCCT Thái Hà
Fb Truyền thông Thái Hà
Các công nhân xây dựng lắp giàn giáo, lưới bao mặt trước Bệnh viện đa khoa Đống Đa và tiến hành sửa chữa, phía trên nóc vẫn còn cây thánh giá của tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội được xây dựng từ khoảng hơn 90 năm trước.
Các linh mục, tu sĩ DCCT Hà Nội và giáo dân của Giáo xứ Thái Hà, thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội có đơn khiếu nại khẩn cấp gửi Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội kèm theo hình ảnh các công nhân đang sửa chữa vào ngày 08/11, yêu cầu Bệnh viện đa khoa Đống Đa dừng việc sửa chữa một số toà nhà vốn là cơ sở vật chất của giáo xứ này.
Đơn khiếu nại ký ngày 11/11 bởi linh mục Giuse Nguyễn Văn Hội, Bề trên Tu viện kiêm Chánh xứ Giáo xứ Thái Hà cho hay, trong dịp các tu sĩ đi thường huấn hàng năm từ đầu tháng 11, bệnh viện đã cho sửa cơ sở vật chất của bệnh viện mà không có sự đồng ý của giáo xứ.
Đơn cũng cho biết giáo xứ cử đại diện của Hội đồng Mục vụ sang yêu cầu dừng việc sửa chữa, tuy nhiên các công nhân vẫn tiếp tục thi công.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Toản, Phụ trách truyền thông của Tu viện DCCT Hà Nội, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết Bệnh viện Đống Đa đã cho xây, sửa bên trong cũng như bên ngoài ngôi nhà Tu viện của cơ sở tôn giáo này từ ngày 06/11. Ông viết trong tin nhắn ngày 15/11:
“Trước đây, từ khi Nhà nước ‘mượn’ ngôi nhà này, mỗi khi muốn sửa chữa lớn hay nhỏ, có khi là chuyện chặt cây trong khu vực, sơn sửa lại cây Thánh Giá trên nóc Tu viện, Bệnh viện Đống Đa đều xin ý kiến và cho chúng tôi biết.
Khi thấy Bệnh viện cho dỡ mái tôn và dựng giàn giáo phía mặt tiền ngôi nhà vào ngày 06/11, linh mục Giuse Nguyễn Văn Hội, Bề trên Tu viện kiêm Chánh xứ Giáo xứ Thái Hà có cho quý ông bà trong Hội đồng Mục vụ của giáo xứ qua để trao đổi và yêu cầu dừng việc thi công. Tuy vậy, Bệnh viện vẫn tiếp tục cho thi công các công trình.”
Vị tu sĩ này cho biết khi bị phản đối và chất vấn, Bệnh viện Đống Đa đã đưa cho nhà thờ văn bản thông báo của Giám đốc Bệnh viện gửi các khoa, phòng trong bệnh viện nói về việc sửa chữa, xây mới nhiều hạng mục thuộc tài sản của giáo xứ.
Theo văn bản mang tính chất thông báo nội bộ, Bệnh viện Đống Đa sẽ cho sửa chữa và chống xuống cấp ba toà nhà và đường nội bộ trong thời gian từ 27/10 đến 15/12/2023.
Phóng viên trong chiều 15/11 gửi email cho UBND thành phố Hà Nội và UBND quận Đống Đa để hỏi về vụ việc, tuy nhiên chưa lập tức nhận được câu trả lời.
Linh mục Toản cho biết Bệnh viện Đống Đa hiện nay vốn là Tu viện DCCT Hà Nội được xây dựng trong thời gian 1930-1939. Năm 1959, UBND Quận Đống Đa lấy một phần tu viện làm trường học cho dù không có sự đồng ý của linh mục và giáo dân của giáo xứ cũng như bề trên của họ.
Đến năm 1972, chính quyền tiếp tục lấy phần còn lại của tu viện để “chăm sóc y tế cho các nạn nhân của trận Điện Biên Phủ trên không.” Ngoài hai tòa nhà chính, nhà nước còn mượn một số cơ sở khác (nhà nguyện, nhà ăn…) cho các hợp tác xã sử dụng sản xuất trên diện tích hơn 6 hecta đất ban đầu của Tu viện.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Toản cho biết:
“Từ những năm 1990 đến nay, nhiều lần Tu viện DCCT Hà Nội đã gửi đơn yêu cầu Nhà nước (UBND thành phố Hà Nội) trao trả lại cơ sở của Nhà Dòng mà nhà nước đã mượn.
Khi trả lời các đơn thư của chúng tôi, chính quyền Hà Nội cho rằng, vào năm 1961 linh mục Giuse Vũ Ngọc Bích [linh mục Bề trên kiêm chánh xứ Thái Hà- PV] đã ‘bàn giao qua Nhà nước thống nhất quản lý nhưng họ không chưng dẫn bằng chứng và chính linh mục Giuse Vũ Ngọc Bích trong các giấy tờ để lại và các video được quay vào năm 2002 và 2004 trước khi ngài qua đời, ngài khẳng định chưa bao giờ cho, sang nhượng, hiến bất cứ tài sản nào của Nhà Dòng tại Hà Nội cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào.”
Linh mục Toản cũng cho biết, nhiều vị lãnh đạo của Hà Nội khi đến Nhà thờ Thái Hà chúc mừng lễ Giáng sinh hay Tết Nguyên Đán trong các năm qua đã hứa giữ nguyên hiện trạng khu vực Tu viện (nay là Bệnh viện Đống Đa) trước khi thống nhất giải quyết dứt điểm.
“Trong các đơn thư gửi các cấp chính quyền, chúng tôi đều nhắc rằng, ngôi nhà Tu viện hiện đang làm Bệnh viện Đống Đa vốn được xây làm Tu viện nên không hợp để làm bệnh viện.
Hơn nữa, một bệnh viện đang chữa trị các bệnh truyền nhiễm không hợp trong khu vực đông dân cư, bên cạnh cơ sở tôn giáo đông đúc vì có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.”
Theo ông, việc giữ Bệnh viện Đống Đa hiện nay trái với chủ trương di dời các bệnh viện từ trung tâm thành phố ra khu vực ngoại thành của UBND thành phố Hà Nội.
Vị linh mục này cho biết hàng tuần có hàng chục ngàn lượt giáo dân đến Thái Hà sinh hoạt tôn giáo và cơ sở vật chất còn lại hiện nay của nhà thờ không thể đáp ứng các nhu cầu tối thiểu cho giáo dân đến đây.
Trong đơn kiến nghị khẩn cấp, Giáo xứ Thái Hà yêu cầu Bệnh viện Đống Đa dừng việc phá dỡ tài sản và trả lại nguyên trạng tu viện, và đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét trả lại để họ sử dụng vào mục đích tôn giáo.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Toản khẳng định:
“Việt Nam đang khẳng định là một đất nước có dân chủ, tự do và các quyền cơ bản của con người được tôn trọng, trong đó có quyền tự do tôn giáo. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cấp chính quyền cần lắng nghe nguyện vọng chính đáng của người dân, trong đó có các tổ chức tôn giáo để giải quyết thỏa đáng những khúc mắc. Cách riêng là những tồn đọng liên quan đến cơ sở vật chất của các tôn giáo mà trong quá khứ Nhà nước đã chiếm dụng.”
Đơn kiến nghị khẩn cấp của Giáo xứ Thái Hà cũng được chuyển tới nhiều cơ quan của trung ương và Hà Nội, trong đó có Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và Bộ Công an.
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt
15-11-2023
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt tối 14/11. Ảnh: Công an Thái Bình
LGT của Tiếng Dân: Một số người nhận định lâu nay rằng, chuyện ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt chỉ còn là vấn đề thời gian, bởi ông là cái gai của các thế lực hiện đang nắm quyền sinh sát trong tay. Những phát biểu thẳng thắn của ông như: “Không được biến Quốc hội thành căn phòng kín gom góp lợi ích nhóm, cá nhân“; hay “Chưa bao giờ niềm tin vào Tư pháp VN thấp như bây giờ!“… được nhiều người dân vỗ tay khen ngợi, nhưng ngược lại, nó làm cho nhiều kẻ nóng mặt.
Còn nhớ, năm 2019, khi còn là đại biểu Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng đã từng bị bịt miệng, khi phát biểu dậy sóng giữa nghị trường, rằng: “Cán bộ công chức, nhất là lãnh đạo cao cấp, mà không khiêm tốn, thiếu gương mẫu, sống như thái tử, hoàng tử, như là chúa rừng xanh, thái độ như tuần phủ, tri phủ, chánh tổng… Có người lợi dụng chức vụ quyền hạn, vun vén đủ thứ, từ học hàm học vị, bằng cấp, sắp xếp bộ máy toàn cánh hẩu đệ tử, sống xa hoa, thậm chí cờ bạc thâu đêm, đi nước ngoài ăn chơi bằng tiền ngân sách, thì thử hỏi, sao cử tri và nhân dân có thể yêu mến, kính trọng và ủng hộ?”
Gần đây, ông Lưu Bình Nhưỡng còn “bật đèn xanh” trong việc giúp đỡ thân nhân của các tử tù Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng… kêu oan nữa. Cho nên, rất khó để thuyết phục mọi người tin rằng ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt vì tội danh mà báo chí quốc doanh nêu ra trong các bài báo trên mạng và bản tin bên dưới đây của VnExpress.
***
Thái Bình — Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện của Quốc hội, bị cáo buộc vai trò đồng phạm của nhóm giang hồ cưỡng đoạt tiền của nhiều doanh nghiệp khai thác cát.
Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nhưỡng tối 14/11, khi ông vừa xuống sân bay Nội Bài, về hành vi Cưỡng đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 170 Bộ luật Hình sự.
Lực lượng chức năng cũng thực hiện công tác khám xét nơi làm việc của ông Nhưỡng ngay sau đó, kéo dài trong nhiều giờ.
Động thái này được đưa ra trong quá trình điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường, 37 tuổi (thường gọi là Cường “quắt”, có 3 tiền án) về tội Cưỡng đoạt tài sản. Nhà chức trách cáo buộc Cường và đồng phạm đã tự xác lập quyền sử dụng trái phép các bãi triều để cưỡng đoạt tiền của một số doanh nghiệp khai thác cát.
Theo nhà chức trách, Cường nói việc khai thác cát ảnh hưởng việc nuôi thủy hải sản tại bãi triều để gây sức ép, buộc doanh nghiệp phải miễn cưỡng trả tiền theo khối lượng cát khai thác được hoặc bán lại với giá rẻ. Với thủ đoạn trên, từ năm 2020 đến năm 2022, nhóm Cường đã chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.
Công an tỉnh Thái Bình nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường đầu tư của tỉnh…
Ông Lưu Bình Nhưỡng, 60 tuổi, quê Thái Bình; tiến sĩ Luật kinh tế. Trước đó, tháng 9/2018, ông Nhưỡng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban dân nguyện.
Nhóm phóng viên
Hà Tĩnh: Phó Chủ tịch xã nhận 8 triệu đồng để làm giấy khai sinh
Trụ sở UBND xã Xuân Liên nơi ông Phan Danh Thắng làm việc. (Ảnh: vtc.vn)
Phó Chủ tịch xã Xuân Liên yêu cầu công dân làm xét nghiệm ADN và nhận 8 triệu đồng khi đến làm giấy khai sinh cho con.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), xác nhận ông Phan Danh Thắng, Phó Chủ tịch xã này, có nhận tiền của một người dân để làm giấy khai sinh cho con họ.
Theo ông Hùng, việc ông Thắng nhận tiền của người dân xảy ra cách đây vài tháng, song cách đây 3 ngày, người dân mới tố cáo sự việc.
“Ông Thắng đã trả tiền lại cho hộ dân. Hiện chúng tôi đang họp để có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp”, ông Hùng nói.
Trước đó, tháng 8/2023, chị Đ.N.Q.T. (SN 2005, thôn Tân Trù, xã Xuân Liên) đến UBND xã và gặp ông Thắng để nhờ hướng dẫn làm giấy khai sinh cho con trai.
Tại đây, ông Thắng cho biết muốn làm giấy khai sinh cho con thì phải có giấy xét nghiệm ADN chứng minh huyết thống giữa con và chồng của chị với chi phí 8 triệu đồng.
Khi chị T. chưa đồng ý, vào ngày 12/8, ông Thắng dẫn một người lạ mặt đến nhà của chị T. để lấy máu của con và chồng đưa về làm xét nghiệm ADN.
Bố chồng của chị T. sau đó đưa cho ông Thắng 8 triệu đồng như đã được thông báo trước đó. Số tiền này, ông Thắng đưa cho người đến lấy mẫu xét nghiệm 4,5 triệu đồng và giữ lại 3,5 triệu đồng cho mình.
Đến ngày 16/8, đơn vị phân tích mẫu máu trả kết quả xét nghiệm ADN xác định chồng và con chị T. có quan hệ huyết thống. Ngày 6/11, UBND xã Xuân Liên đã làm đăng ký khai sinh cho con chị T.
Gia đình chị T. bức xúc vì cho rằng ông Thắng đã lừa gia đình làm xét nghiệm ADN để thu tiền.
Về phía ông Thắng, ông này cho biết trên báo Tuổi Trẻ rằng trong quá trình chị T. làm giấy khai sinh cho con, ông có nhận được sự nhờ vả từ mẹ chồng chị T. (đang làm việc ở nước ngoài qua tin nhắn Facebook).
Sau đó, ông Thắng hỏi một cán bộ xã Xuân Liên về thủ tục làm giấy khai sinh khi chưa có đăng ký kết hôn.
Cán bộ này nói làm thủ tục cha nhận con nên phải xét nghiệm ADN, nên ông Thắng đã liên hệ với một người lấy mẫu máu xét nghiệm tại TP. Hà Tĩnh và đưa người này đến nhà chị T. lấy máu gửi đi phân tích.
“Chi phí để phân tích ADN là 4 triệu đồng, tôi cũng thông báo số tiền này với mẹ chồng chị T., nhưng hôm đến lấy mẫu máu thì bố chồng chị T. đưa cho tôi 8 triệu đồng.
Sự việc này do tôi sơ suất, chưa hiểu hết các quy định. Được tư vấn như vậy nên tôi thông báo lại để người dân làm theo. Sai sót của tôi đã ảnh hưởng đến kinh tế của hộ gia đình. Tôi đã xin lỗi gia đình chị T. và trả lại tiền cho gia đình chị”, ông Thắng nói.
Minh Long
Hàng loạt cầu tràn ngập sâu, sạt lở liên tiếp xảy ra tại Quảng Ngãi
Cầu Sông Rin cũ chìm sâu trong nước lũ, dòng nước cuồn cuộn chảy siết. (Ảnh: dẫn qua Thành Phố Quảng Ngãi/Facebook)
Mưa lớn kéo dài liên tục từ đêm 13/11, có nơi mưa lớn đến 473mm, khiến lũ trên các sông tại Quảng Ngãi lên nhanh, hàng loạt cầu tràn ngập sâu. Cùng lúc, người dân tại các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Tây… chứng kiến nhiều vụ sạt lở đang liên tiếp xảy ra.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, do ảnh hưởng không khí lạnh, từ ngày 13/11 đến 17/11, tỉnh Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với tổng lượng mưa phổ biến 250-450mm/đợt, có nơi trên 600mm/đợt; các sông trong tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ ở mức báo động 2 đến báo động 3, có sông trên báo động 3; vùng biển gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7 – 8, biển động.
Từ đêm 12 đến chiều 13/11, lượng mưa phổ biến tại tỉnh này từ 30-70mm ở vùng đồng bằng và Lý Sơn; từ 100-170mm ở khu vực vùng núi, riêng Giá Vực (huyện Ba Tơ) 243.8 mm, theo tin từ báo Quảng Ngãi.
Mưa lớn tiếp tục kéo dài. Đến sáng 14/11, nước từ thượng nguồn đổ về khiến các cầu tràn Thạch Nham, cầu Sơn Giang – Sơn Linh, cầu Tầm Linh, xã Sơn Linh, cầu Sơn Kỳ sâu gần 1m.
Tại huyện miền núi Sơn Hà, cầu Sông Rin cũ nằm trên quốc lộ 24B, nối một số huyện ở khu vực phía đông – tây của tỉnh, bị ngập sâu; chính quyền xã đặt barie cấm đi qua, hướng dẫn người dân đi theo hướng khác. Cũng trong sáng 14/11, hơn 20.000 học sinh các bậc học trong huyện này phải nghỉ học do điều kiện thời tiết nguy hiểm.
Tại huyện miền núi Ba Tơ, rạng sáng 14/11, ngọn đồi sau nhà bà Đỗ Thị Yến Nhi (thôn Làng Mạ, xã Ba Tô) bị sạt lở, đất đá đổ vào làm sập một mảng tường nhà. May mắn, vụ sạt lở không gây thiệt hại về người. Trước nguy cơ sạt lở đất tiếp tục xảy ra, một số hộ dân ở thôn Làng Mạ được yêu cầu sơ tán đến nơi an toàn.
Tuyến đường liên xã ở huyện Sơn Tây vỡ như bánh tráng do đất sạt lở. (Ảnh do ông Phạm Hoài Đào, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Sơn Tây cung cấp/Truyền hình Quảng Ngãi)
Huyện Sơn Tây có hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ trên các tuyến giao thông. Tuyến đường Sơn Mùa đi xã Sơn Liên bị ách tắc hoàn toàn do lượng lớn đất đá từ taluy dương đổ xuống đường. Tương tự, sạt lở cũng ngăn cách cục bộ trên tuyến đường từ Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây đi thôn Gò Lã, tuyến đường từ Xóm Trường đi vào Trường Tiểu học xã Sơn Dung.
Theo thông tin cảnh báo do Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi phát trong sáng 14/11, các vùng đã xảy ra sạt lở tại các huyện miền núi Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà tiếp tục có khả năng cao bị sạt lở, cần chú ý đặc biệt chú ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân. Vùng ven sông Trà Bồng, Vệ, Trà Câu, Phước Giang nước sẽ lên nhanh, đăc biệt chú ý khu dân cư vùng trũng, thấp ở các huyện đồng bằng thường xuyên bị ngập sâu như: Bình Sơn, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, thị xã Đức Phổ.
Minh Sơn
Lũ tràn về TP Huế
Thừa Thiên – HuếTối 14/11, mưa lớn cộng với nước lũ từ thượng nguồn tràn qua Đập Đá ở trung tâm TP Huế khiến hàng loạt tuyến phố, khu dân cư bị ngập.
Hơn 22h, mưa xối xả, nước lũ lên nhanh, tràn qua Đập Đá. Cảnh sát đã rào chắn, túc trực hai đầu không cho người và phương tiện qua lại.
Hàng loạt tuyến đường trung tâm TP Huế như Bà Triệu, Trường Chinh, Tố Hữu, Nguyễn Công Trứ, Phan Chu Trinh… ngập 0,3-0,5 m. Nhiều chủ ôtô trên đường Tố Hữu và khu chung cư Xuân Phú phải gọi xe cứu hộ đến giải cứu.
Nước lũ tràn qua Đập Đá đêm 14/11. Ảnh: Võ Thạnh
Nước lũ tràn vào nhà dân dọc các sông Hương, An Cựu, Như Ý, gây ngập 0,5-0,7 m. Hơn 1.000 hộ dân ở Cồn Hền, phường Vỹ Dạ nằm giữa sông Hương cũng ngập 0,5 m. Phố cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh, đang bị nước tràn vào.Advertisement
Chị Trần Thị My Ni, 33 tuổi, ở đường Hoàng Quốc Việt, phường An Đông, cho biết đã nhận thông báo hồ Tả Trạch ở thượng nguồn sông Hương xả nước về hạ du do mưa lớn, song không nghĩ lũ lên nhanh thế, vợ chồng trở tay không kịp.
“Buổi chiều, thấy trời không mưa, nước lũ ở sông cũng lên chậm nên chủ quan không dọn hàng tránh ngập. Mới vài tiếng mà nước đã ngập đường, tràn vào cửa hàng”, chị My Ni nói.
Ôtô bị ngập do nước lũ tràn vào ở khu vực Kiểm Huệ. Ảnh: Vạn An
Đài Khí tượng Thủy văn Thừa Thiên Huế cho biết do ảnh hưởng của không khí lạnh và gió đông trên cao, trong 24 giờ qua, Thừa Thiên Huế mưa rất to. Lượng mưa tại Hương Sơn tới 910 mm, Thượng Quảng 870 mm, Thượng Lộ 815 mm, Thượng Nhật 790 mm, Bạch Mã 790 mm.
Dự báo, trời tiếp tục mưa to, lũ các sông lên nhanh, sông Hương đạt 4 m, vượt báo động 3 là 0,5 m (xấp xỉ đỉnh lũ năm 2022); sông Bồ lên 3,65 m, trên báo động 2 là 0,65 m; sông Truồi lên 3 m.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học ngày mai để tránh lũ.
Ngoài Thừa Thiên Huế, trước đó Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng mưa lớn, gây ngập cục bộ, sạt lở một số tuyến đường.
Võ Thạnh
Việt Nam ước tính năm nay tái lập kỷ lục về số người đi lao động ở các nước
14/11/2023
Một nhóm người lao động xuất khẩu của Việt Nam tại một sân bay.
Có tới gần 133 nghìn người Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngoài trong 10 tháng đầu năm 2023, với số người lao động nữ chiếm gần 30%, Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) và Tạp Chí Tài Chính đưa tin mới đây, dẫn thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Cục cho hay con số cụ thể là 132.645 người, bao gồm 44.669 phụ nữ. Với con số đó, Việt Nam vượt hơn 20% mục tiêu về xuất khẩu lao động đặt ra cho năm 2023, đó là đưa được 110 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vẫn theo các bản tin hôm 7 và 12/11 của VOV và Tạp Chí Tài Chính.
Tin cho hay Nhật Bản vẫn là nước hàng đầu về tiếp nhận người lao động Việt Nam với 67.550 người. Đứng thứ hai là Đài Loan, nơi đã nhận 50.862 người Việt. Ở vị trí số ba là Hàn Quốc, nước này tuyển dụng 5.973 người lao động Việt, trong đó có 272 lao động nữ. Trung Quốc cũng nằm trong số các thị trường lao động sử dụng nhiều người Việt khi tiếp nhận 1.669 người.
Các nước Hungaria, Singapore, Romania, Ba Lan, Ả rập Xê út và một số nước khác cũng có nhiều người Việt Nam đến làm việc, vẫn theo các bản tin.
Chỉ riêng trong tháng 10, có hơn 21,1 nghìn người đi lao động ở nước ngoài, Cục Quản lý lao động ngoài nước dẫn lại số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp và cho hai cơ quan báo chí biết.
VOV tường thuật rằng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra dự kiến là đến hết năm 2023, có thể Việt Nam sẽ lại đạt đỉnh về đưa số lượng người đi làm việc ở nước ngoài của năm 2009 là 153.000 người lao động.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý lao động ngoài nước, nói với VOV rằng “Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều quốc gia và thị trường có mong muốn tiếp nhận lao động Việt Nam với thỏa thuận mới”.
Ông nêu ra việc các nước phát triển rơi vào tình trạng dân số suy giảm và già hóa, bên cạnh đó, sau đại dịch, nhu cầu phát triển, phục hồi kinh tế của các nước cũng đang rất mạnh, vì vậy, “họ rất thiếu nhân lực”, theo lời ông.
Vị phó cục trưởng nhấn mạnh rằng “Đây là cơ hội cho chúng ta tiếp tục duy trì và ổn định thị trường lao động ngoài nước, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài”.
Trong hàng chục năm nay, Việt Nam thực hiện chính sách đưa người lao động tới các nước đối tác để giải quyết một loạt vấn đề gồm tạo công ăn việc làm, giảm sức ép về việc làm trong nước, học hỏi nâng cao tay nghề, cải thiện đời sống của người lao động và gia đình họ, và thu ngoại tệ về cho đất nước.
Một số cơ quan báo chí như Dân Trí, VietnamNet từng nêu vấn đề trong những năm gần đây rằng người Việt ra nước ngoài với vị thế “làm thuê”, “nhân công giá rẻ” và đến nay tình hình vẫn chưa có gì thay đổi.
Các báo chỉ ra rằng đến 70-80% những người đi xuất khẩu lao động để kiếm một số vốn rồi trở về nước với tâm thế là đi làm thuê tiếp, chỉ có một số ít thực hiện được khẩu hiệu truyền miệng “đi làm thuê, về làm chủ”.
Bên cạnh đó, như VOA từng làm phóng sự điều tra và một số báo trong nước đã tường thuật, trong số những người Việt đi làm thuê ở nước ngoài, không ít người có trình độ văn hóa thấp, kém ngoại ngữ nên đã bị lừa gạt, xâm hại, ngược đãi hay bị bóc lột ở xứ người.
Không có nhận xét nào