Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ tư 29 tháng 11 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chia buồn về sự ra đi của Trưởng lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

    RFA
    28/11/2023

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chia buồn về sự ra đi của Trưởng lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

    Trưởng lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ 

    Hoằng Pháp 

    Nhân danh người dân Hoa Kỳ, chúng tôi chia sẻ nỗi buồn sâu sắc cùng người dân Việt Nam và tín đồ Phật Giáo khắp nơi trên thế giới về sự ra đi của Trưởng lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ- một vị lãnh đạo nổi bật của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

    Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Matthew Miller, trong thông cáo phát đi tối ngày 27/11 bày tỏ lời chia buồn vừa nêu.

    Thông cáo nêu rõ Hòa Thượng Tích Tuệ Sỹ trong suốt nhiều thập niên là một quán quân đấu tranh không mệt mỏi cho quyền tự do tôn giáo- tín ngưỡng và những quyền con người căn bản khác; khiến cơ quan chức năng Việt Nam bỏ tù Ngài hơn một thập niên. Ngài còn là một học giả uyên thâm, một bút lực đầy sức sáng tạo, và là một triết gia.

    Âm vọng của Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ sẽ được ghi nhớ mãi mỗi khi chúng ta nghĩ đến đóng góp của Ngài cho dân tộc Việt Nam. Tâm tưởng chúng tôi luôn theo cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại nước Việt và trên thế giới với Ngài, Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi rõ.

    Trưởng lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch vào lúc 16 giờ chiều ngày 24/11/2023.

    Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ từng bị chính quyền Hà Nội bắt đi học tập cải tạo ba năm từ năm 1978. Vào tháng 9/1988, ông bị tuyên án tử hình với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Tuy nhiên, do sự vận động của quốc tế, án tử hình đối với ông được giảm xuống chung thân. Ông được trả tự do vào ngày 1/9/1998. Vào năm 2003, ông bị chính quyền Việt Nam áp lệnh quản chế hai năm.

    Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ được suy cử làm Chánh Thư ký xử lý thường vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN vào tháng 8/2022 theo di chúc của Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ, người viên tịch trước đó vào tháng 2/2020.

    Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ là một học giả uyên bác về Phật Giáo. Ông còn làm thơ và viết truyện ngắn.

    Tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Rights Watch vào năm 1998 trao cho ông giải Hellman-Hammet.

    GHPGVNTN không được chính quyền Việt Nam hiện nay thừa nhận. Lãnh đạo cùa giáo hội bị nhà cầm quyền đàn áp, sách nhiễu kể từ sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào tháng 4 năm 1975.

    Sau Mỹ, Việt Nam nâng cấp Đối tác Chiến lược toàn diện với Nhật Bản

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/11/hoi-dam-nhat-ban-viet-nam.jpg


    Ngày 27/11, Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. (Ảnh: baotintuc.vn) 

    Sau Mỹ, mới đây Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này đạt hơn 19 tỷ USD (giảm 4% so với cùng kỳ).

    Tối 27/11, ngay sau hội đàm, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã đồng chủ trì họp báo quốc tế, thông báo về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

    Truyền thông trong nước đưa tin, hai bên sẽ thống nhất những phương hướng lớn, chủ đạo của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới.

    Đối tác Chiến lược Toàn diện là cấp cao nhất trong quan hệ giữa các nước. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với khoảng 33 nước. Bốn nước Đối tác Chiến lược Toàn diện của Việt Nam trước đó gồm: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Mỹ.

    Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói: “Tôi và Ngài Thủ tướng Kishida Fumio hoan nghênh các khoản vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong năm 2023 có thể vượt mốc 100 tỷ Yen (khoảng 671 triệu USD)”, báo Tuổi Trẻ dẫn lời.

    Ông Kishida cho biết sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Nhật Bản.

    Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt hơn 19 tỷ USD (-4%), trong khi nhập khẩu từ quốc gia này đạt hơn 17,7 tỷ USD (-10%).

    Về nhóm hàng, có 5 nhóm hàng xuất khẩu đạt giá trị từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, dẫn đầu là dệt may với hơn 3,3 tỷ USD, tăng nhẹ khoảng 18 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

    Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,42 tỷ USD là nhóm hàng đứng thứ hai, đây là nhóm hàng chủ lực có tăng trưởng khá.

    Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đứng thứ ba với kim ngạch 2,27 tỷ USD giảm khoảng 30 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

    Đứng thứ tư là gỗ và sản phẩm với kim ngạch gần 1,4 tỷ USD, giảm khoảng 150 triệu USD so với cùng kỳ 2022. Đây là một trong những nhóm hàng chủ lực có mức giảm mạnh nhất (giảm gần 10%).

    Thủy sản đạt gần 1,25 tỷ USD đứng thứ năm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhóm hàng này giảm khoảng 180 triệu USD và là nhóm hàng “tỷ đô” bị giảm mạnh nhất (giảm gần 13%).

    Đức Minh

    Nguyễn Thông - Học người Nhật 

    Nhắc tới nước Nhật người Nhật, nhiều người chả riêng gì ở xứ ta cúi đầu. Khen nước này thì có mà khen cả ngày, khen giời cao, khen phò mã tốt áo, khen mèo dài đuôi…

    Tôi thích, kính nể họ ở khía cạnh này. Nước Nhật giàu nhưng người Nhật rất tiết kiệm. Họ sống thực tế chứ không se sua hình thức. Họ lấy giá trị thực tế làm chuẩn, làm thước đo chứ không trọng sự màu mè. Mọi phô bày hình thức không nằm trong mọi hoạt động của họ. Dân thế mà tầng lớp lãnh đạo quốc gia, thượng tầng cầm quyền cũng thế. Cả nhà vua, thủ tướng, các bộ trưởng đều gương mẫu về sự giản dị tiết kiệm. Khó mà săm soi tìm được những cờ kèn kèn trống, băng cờ khẩu hiệu, lễ lạt hoa hoét ở nước giàu có, văn hóa, văn minh bậc nhất này.

    Ngay cái bộ máy điều khiển nước Nhật rộng hơn Việt Nam, dân đông hơn Việt Nam nhưng ngoài thủ tướng và các bộ trưởng thì không có phó thủ nào, mà bộ cũng rất ít. Đảng rất nhiều, nhưng đảng luôn ý thức “không có gì quý hơn độc lập tự LO”, không xài tiền ngân sách, không ăn bám dân. Anh nào lạm tiền dân là anh ấy tự loại mình ra khỏi đời sống chính trị.

    Ảnh: Cách đón tiếp quốc khách của người Nhật trong 2 chuyến thủ tướng và chủ tịch nước VN sang thăm chính thức Nhật Bản (ảnh TTXVN)

    Một lực lượng cầm quyền luôn giản dị, tiết kiệm, không màu mè hình thức thì ai mà chẳng ưa. Coi cái cách họ đón quốc khách, nguyên thủ quốc gia, rồi hội đàm bàn bạc những điều trọng đại tầm quốc gia, tầm thế giới mà phục lăn. Ai không tin, cứ coi lại những ảnh do chính TTXVN chụp trong 2 lần tứ trụ xứ ta qua Nhật là rõ ngay, chuyến Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhật tháng 11.2021, và chuyến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Nhật đúng 2 năm sau đó, tháng 11.2023 này.

    Họ đón giản dị, kể từ khi khách xuống máy bay, rồi lễ đón chính thức, rồi hội đàm, rồi họp báo... Rất ít cờ quạt, hoa hoét lẵng này cụm nọ, bàn rộng ghế sang, lại càng không cần trẻ con cầm cờ vẫy vẫy. Vậy nhưng quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển, mà việc nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện là một minh chứng. Đó không phải là kết quả của hoa của cờ, mà là thực sự chơi với nhau chân thành.

    Chả biết những người sang tận nơi, nhìn tận mắt, nghe tận tai những gì của người ta có học được chút nào không, hay lại cứ phải “đất nước ta ơi, xin bắn 21 phát đại bác vang trời” mới là xôm tụ. Học thì học ở đấy chứ cần học chi đâu cho mệt.

    Nguyễn Thông

    Việt Nam sẽ áp thuế tối thiểu 15% với các công ty đa quốc gia

    Thanh Phương /RFI

    29/11/2023

    Quốc Hội Việt Nam hôm nay, 29/11/2023, đã thông qua nghị quyết về việc áp dụng mức thuế toàn cầu tối thiểu 15% đối với các công ty đa quốc gia, mà cho tới nay vẫn được hưởng mức thuế ưu đãi ở Việt Nam. Nghị quyết sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024. 

    Đăng ngày: 29/11/2023 - 11:35

    This picture taken on January 11, 2017 shows a truck leaving the main gate of the Ford automotive plant in the northern province of Hai Duong.

    Một chiếc xe tải rời khỏi nhà máy lắp ráp ô tô Ford ở Hải Dương, Việt Nam, ngày 11/01/2017. AFP - HOANG DINH NAM 

    Việc áp thuế toàn cầu tối thiểu chính là nhằm ngăn chặn tình trạng các tập đoàn đa quốc gia tập trung đầu tư vào những nước có mức thuế thấp. Trong năm 2021, hơn 130 nước đã đồng ý sẽ áp mức thuế toàn cầu tối thiểu 15%. Theo tính toán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE, việc áp thuế toàn cầu tối thiểu sẽ làm tăng thêm 200 tỷ đôla tiền thuế cho các chính phủ trên thế giới.  

    Trên nguyên tắc, mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam là 20%, nhưng để thu hút đầu tư ngoại quốc, chính phủ Hà Nội vẫn áp mức thuế ưu đãi, rất thấp, đối với các công ty đa quốc gia. Với nghị quyết vừa được Quốc Hội thông qua, như vậy là kể từ đầu năm tới, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoảng 100 tập đoàn lớn của ngoại quốc đặt cơ sở tại Việt Nam sẽ tăng mạnh. 

    Theo hãng tin AFP, mặc dù các đại biểu Quốc Hội đã thông qua mức thuế tối thiểu 15%, chủ tịch Ủy ban Tài chính của Quốc Hội báo trước là Việt Nam sẽ đưa ra những biện pháp mới để hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài, để các công ty này “cảm thấy yên tâm trong môi trường đầu tư ở Việt Nam”.

    Việt Nam nay đã trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn đối với một số tập đoàn lớn của thế giới, nhất là Samsung và Foxconn, để thay thế Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington. 

    Nguyễn Chương - Nạn chêm tiếng Anh ba rọi 

     

    Nhiều người ở ngoài Bắc, hoặc các em các cháu sinh ở miền Nam sau 1975 đã KHÔNG biết sự thật như sau: 

    Ở Miền Nam Việt Nam trước 1975, trên phần lớn báo chí đều DÙNG TIẾNG VIỆT, không chêm tiếng Anh ngang xương. Nên nhớ: miền Nam hồi đó người Mỹ, lính Mỹ đầy nhóc - NHƯNG chớ hề "hội nhập" theo kiểu lai căng, ba rọi như hiện nay! 

    Hiện nay, thấy gì? Nói, viết một câu, một đoạn tiếng Việt thể nào cũng phải "chêm" vài chữ tiếng Anh. Cái lối chêm như rứa, người miền Nam, người Sài Gòn trước 1975 gọi là "Anh ba rọi", "Mỹ bồi". 

    Và, hết thảy tên các quốc gia đều chuyển ngữ sang tiếng Việt - như: Anh, Pháp, Nga, Đức, Ấn Độ, Úc, Ý, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân, Ba Tây, Mễ Tây Cơ v.v... 

    Bây giờ, thấy gì? Loạn cào cào, không theo một thể thống nhứt quán gì hết! Một số chuyển ngữ tiếng Việt gặp may còn được sống sót, như gọi Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nga, Ba Lan, Na Uy, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Phần Lan ... Trong khi một số tiếng Việt khác thì bị BỨC TỬ như không gọi "Úc" mà thành Ốt-xtrây-li-a, không gọi "Ý" mà biến thành I-ta-li-a ...

    Quy chuẩn đã có sẵn, đó là tên gọi các quốc gia đã gọi thành tiếng Việt, sao không dùng? Tùy tiện, tùy hứng, cái thì giữ lại, cái thì dẹp loạn xạ. 

    Tôi xin phép trở lại chủ đề này trong những bài viết sau. 

    Tôi không khỏi bùi ngùi khi nhớ về phong thái GÌN GIỮ TIẾNG VIỆT của một SÀI GÒN ĐĨNH ĐẠC giữa thời giao tiếp với người Mỹ và phương Tây đầy nhóc trước 1975.

    NGUYỄN CHƯƠNG 28.11.2023 (Tựa bài do Thụy My đặt) 

    “Vì thiếu bác sĩ” – Trung tâm y tế Q.6 lý giải sai phạm trong việc khám sức khỏe học sinh

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/11/trung-tam-y-te-quan-6-0-768x576-1-700x480.jpg

    Một buổi cung cấp thông tin phòng bệnh đau mắt đỏ cho học sinh của Trung tâm y tế quận 6, ngày 11/9/2023. (Ảnh minh họa: Trạm Y tế Phường 8 Quận 6/Facebook) 

    Trong hoạt động khám sức khỏe cho học sinh đầu năm, Trung tâm Y tế quận 6 (TP.HCM) đã phân công bác sĩ dự phòng chưa có chứng chỉ hành nghề (CCHN) khám mắt và răng, phân công bác sĩ y học cổ truyền khám chuyên khoa (Nhi, Tai mũi họng).

    Sáng 28/11, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã yêu cầu Trung tâm Y tế quận 6 tạm ngưng hoạt động khám sức khỏe học sinh trong quận này để chấn chỉnh những việc làm không đúng quy định.

    Động thái trên diễn ra sau khi báo Thanh Niên ngày 27/11/2023 đưa tin nhiều y sĩ y học cổ truyền, y học dự phòng, cử nhân y tế công cộng, điều dưỡng, nữ hộ sinh của Trung tâm y tế quận 6 được bố trí khám sức khỏe cho học sinh thay cho bác sĩ đa khoa hoặc chuyên khoa có chứng chỉ hành nghề.

    Theo Sở Y tế TP.HCM, việc phân công nhân viên y tế tham gia khám sức khoẻ tại trường Bình Tiên của Trung tâm Y tế Quận 6 vào ngày 13/11 cho năm lớp 5 như sau: Cân đo do trường thực hiện; một y sĩ và một điều dưỡng đo thị lực; bác sĩ Y học cổ truyền khám (có CCHN) do khám Nhi; bác sĩ Y học dự phòng (chưa có CCHN) khám Mắt, bác sĩ Y học cổ truyền (có CCHN) khám Tai mũi họng; bác sĩ YHDP (chưa có CCHN) khám Răng hàm mặt; bác sĩ Nội khoa (có CCHN) khám Cơ xương khớp.

    Theo đó, nội dung báo chí phản ánh rằng Trung tâm Y tế Quận 6 để điều dưỡng khám thay bác sĩ là không đúng. Trung tâm Y tế quận 6 đã làm không đúng khi phân công bác sĩ dự phòng chưa có CCHN tham gia khám sức khoẻ (khám mắt và khám răng), phân công bác sĩ Y học cổ truyền khám chuyên khoa (Nhi, Tai mũi họng).

    Hoạt động kiểm tra sức khỏe đầu năm học cho học sinh được các trường ký hợp đồng với Trung tâm y tế Quận 6 để thực hiện. Hoạt động này giúp đánh giá tình trạng dinh dưỡng, theo dõi sức khỏe học sinh, giúp phát hiện các bệnh lý hay gặp như giảm thị lực, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, rối loạn sức khỏe tâm thần và các bệnh tật khác.

    Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 6 cho biết với số lượng hợn 50.000 học sinh, tiến độ kiểm tra sức khỏe học sinh là trước học kỳ 1, bên cạnh việc duy trì các hoạt động khám chữa bệnh, phòng ngừa dịch bệnh trong khu vực do Trung tâm phụ trách nên “không đảm bảo đủ nhân sự để khám, kiểm tra sức khỏe ở một số chuyên khoa”.

    Với lý do trên, Trung tâm đã tập huấn và bố trí các nhân viên y tế khác của Trung tâm tham gia khám sức khỏe học sinh, mặc dù biết rằng những nhân viên y tế này chưa có chứng chỉ hành nghề. Trung tâm Y tế còn viện dẫn việc thiếu nhân sự bác sĩ là vấn đề khó khăn không chỉ xảy ra đối với tại Trung tâm y tế quận 6 mà là vấn đề chung của một số cơ sở y tế công lập.

    Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM không đồng ý với lý do “vì thiếu bác sĩ” mà Trung tâm Y tế quận 6 đưa ra. Sở này cho hay có nhiều giải pháp khả thi, đúng quy định mà Trung tâm này chưa vận dụng, như: mời Bệnh viện Quận 6 hoặc mời các phòng khám đa khoa trong quận tham gia khám sức khoẻ học sinh, hoặc liên hệ đến các bệnh viện công lập và tư nhân trong Thành phố cử bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ và phối hợp tham gia khám sức khoẻ (nhất là loại hình bác sĩ chuyên khoa mà Trung tâm đang thiếu).

    Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục nhấn mạnh rằng khi gặp những tình huống khó khăn không chắc giải pháp đưa ra là đúng quy định thì lãnh đạo Trung tâm cần phải báo cấp quản lý trực tiếp để xin ý kiến.

    Theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường học, cơ sở giáo dục có trách nhiệm triển khai khám sức khỏe định kỳ cho học sinh ít nhất mỗi năm một lần vào đầu học kỳ và lựa chọn cơ sở y tế để ký hợp đồng thực hiện. Cơ sở kiểm tra sức khỏe học sinh phải có đủ các chuyên khoa theo nội dung khám, bao gồm nhi hoặc nội khoa, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, cơ xương khớp.

    Trung tâm Y tế quận 6 là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân quận 6. Trong năm 2023 số lượng viên chức y tế Trung tâm được giao là 178 người. Hiện tại đã sử dụng 156 chỉ tiêu viên chức y tế, còn lại 22 chỉ tiêu viên chức. Các vị trí do Trung tâm này đăng thông tin tuyển dụng là 5 bác sĩ đa khoa, trong đó, một bác sĩ về Trạm Y tế Phường 2, một bác sĩ về Trạm Y tế Phường 3; một bác sĩ về Trạm Y tế Phường 4; một bác sĩ về Trạm Y tế Phường 11; một bác sĩ về Khoa Tư vấn, điều trị nghiện chất và HIV/AIDS.

    Minh Sơn

    Bộ Xây dựng chọn kịch bản làm đường sắt cao tốc Bắc–Nam 71,6 tỷ USD

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/11/r_duong-sat-cao-toc-268.jpg

    Bộ GTVT vừa bổ sung kịch bản 3 về làm đường sắt cao tốc Bắc–Nam với tổng vốn 71,6 tỷ USD để lấy ý kiến. Bộ Xây dựng chọn kịch bản này. (Ảnh minh họa: shutterstock) 

    Bộ GTVT vừa bổ sung kịch bản 3 về làm đường sắt cao tốc Bắc–Nam với tổng vốn 71,6 tỷ USD để lấy ý kiến. Bộ Xây dựng chọn kịch bản này.

    Bộ GTVT đang lấy ý kiến về 3 kịch bản đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Trong đó, kịch bản 3 mới được bổ sung.

    Kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.

    Theo đơn vị tư vấn, ưu điểm của kịch bản này là giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư thấp hơn hai phương án khác, song không có khả năng tăng công suất nếu nhu cầu vận tải hàng hóa trên tuyến đường sắt hiện hữu quá tải. Kết nối vận tải hàng hóa liên vận quốc tế không thuận lợi vì các nước đều dùng ray 1.435 mm.

    Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.

    Ưu điểm của kịch bản 2 là vận chuyển cả hành khách và hàng hóa trên cùng tuyến. Kết nối liên vận quốc tế thuận lợi, song tốc độ lưu thông thấp.

    Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.

    Với kịch bản này, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được làm mới hoàn toàn với 60% là cầu, 10% hầm, 30% chạy trên nền đất. Toàn tuyến có 23 ga khách, 5 khu bảo dưỡng, sửa chữa, 40 cơ sở bảo trì hạ tầng, 5 ga hàng, 28 km tuyến nối ga để khai thác chạy tàu hàng khi nhu cầu hàng hóa vượt quá năng lực khai thác.

    Ưu điểm của kịch bản 3 là tàu vận tải riêng hành khách nên tốc độ cao, tiện nghi, an toàn, có khả năng cạnh tranh với phương tiện khác, thị phần vận tải trên hành lang Bắc Nam được tái cơ cấu theo hướng tối ưu hơn. Ngoài ra, phương án này có khả năng vận tải hàng hóa trong trường hợp năng lực của tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu quá tải.

    Tuy nhiên, nhược điểm của kịch bản này là chi phí đầu tư cao, chênh lệch tốc độ giữa tàu khách với tàu hàng càng lớn làm giảm năng lực thông qua.

    Trong văn bản góp ý mới đây, Bộ Xây dựng lựa chọn kịch bản 3.

    Bộ này cho rằng với xu thế hội nhập, đảm bảo yêu cầu liên vận quốc tế trong quá trình vận hành sau này, Bộ GTVT cần nghiên cứu nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện hữu theo hướng thay thế toàn bộ khổ đường 1.000mm hiện nay bằng khổ tiêu chuẩn 1.435mm.

    Bên cạnh đó, dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có chiều dài 1.545km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, trong khi các tỉnh đang lập quy hoạch tỉnh, vì thế cần phối hợp với các địa phương có dự án chạy qua để giữ nguyên thỏa thuận hướng tuyến, tránh việc phải điều chỉnh hướng tuyến làm phát sinh chi phí đầu tư.

    Bộ Xây dựng cũng lưu ý với chi phí đầu tư đường sắt Bắc – Nam lên tới hàng chục tỷ USD, Bộ GTVT cần bổ sung các căn cứ pháp lý để đề xuất sơ bộ tổng vốn đầu tư để đảm bảo tính khả thi của đề án.

    Kim Long

    Một cảnh sát giao thông tại Bình Dương cầm gạch dọa người sau va chạm

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/11/CSGTfgdg-700x480.jpg

    Hình ảnh được cho là một CSGT Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Bình Dương. (Ảnh chụp màn hình video/Facebook) 

    Xảy ra hiềm khích, cự cãi khi lái ô tô trên quốc lộ 13, một trong hai tài xế đã cầm gạch đe dọa đối phương. Người này sau đó được xác định là cảnh sát giao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Dương.

    Theo TTXVN, người đàn ông cầm gạch, mắng chửi, đe dọa người khác trong một đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội được xác định là một cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Dương.

    Đoạn video được lan truyền trên mang Facebook vào ngày 27/11, ghi lại cảnh hai người đàn ông là tài xế lái ô tô có lời qua tiếng lại. Một người đàn ông mang áo thun, quần đùi (được cho là cán bộ CSGT) cầm viên gạch đi tới, trong khi người đàn ông cầm điện thoại quay lại sự việc luôn miệng nói “ông quýnh đi, tui đứng cho ông quýnh”. Người đàn ông được cho là cán bộ CSGT liên tục hăm dọa, nói thô tục.

    Vụ việc được xác định xảy ra trên tuyến quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn thành phố Thuận An (Bình Dương), xuất phát từ hiềm khích khi lưu thông trên đường. Người cầm viên gạch được xác định là ông N.V.T.T., là cán bộ thuộc Đội Mỹ Phước – Tân Vạn, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Bình Dương.

    Tương tự, báo Tiền Phong xác minh người đàn ông trên tên T., là cán bộ thuộc Đội tuần tra quốc lộ 13, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Dương.

    Ngày 28/11, Công an tỉnh Bình Dương cho biết sẽ xác minh, làm rõ và xử lý kỷ luật, không bao che. Theo tin từ báo Tiền Phong, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Dương đề nghị xử lý kỷ luật cán bộ T., điều chuyển công tác của người này đến bộ phận khác, tuy nhiên không nói rõ là tới bộ phận nào.

    Minh Sơn

    Hà Nội sẽ cắt giảm 4.000 nhân viên phục vụ trên xe buýt

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/11/ha-noi-se-cat-giam-4-000-nhan-vien-phuc-vu-tren-xe-buyt.jpg

    Tính riêng 132 tuyến xe buýt trợ giá với 2034 xe sẽ có lộ trình tiết giảm khoảng 4.000 nhân viên phục vụ trên xe. (Ảnh: transerco.com.vn) 

    Hà Nội đang triển khai thí điểm thẻ vé điện tử liên thông là tiền đề để tiến tới không sử dụng nhân viên phục vụ trên xe.

    Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết hiện 13 tuyến buýt thường và 1 tuyến BRT hoàn thành xong các thủ tục liên quan đủ điều kiện để chính thức đưa vào khai thác vận hành thí điểm vé điện tử liên thông trong thời gian từ 6-9 tháng.

    Dự kiến tháng 12, thành phố tiếp tục đưa 10 tuyến buýt vào hệ thống.

    Theo ông Thường, việc thí điểm vé điện tử liên thông sẽ giải quyết nhiều bất cập, trong đó có tiết giảm kinh phí ngân sách nhà nước thông qua việc không sử dụng nhân viên phục vụ; cũng là tiền đề quan trọng cho việc triển khai đồng bộ hệ thống thẻ vé điện tử liên thông trên toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng.

    “Tính riêng 132 tuyến xe buýt trợ giá với 2034 xe sẽ có lộ trình tiết giảm khoảng 4.000 nhân viên phục vụ trên xe, giảm số tiền lớn cho ngân sách, theo tính toán của chúng tôi sẽ tiết kiệm được khoảng 300 tỷ đồng”, ông Thường nói.

    Hiện mạng lưới vận tải hành khách công cộng tại thành phố đang khai thác vận hành có 154 tuyến buýt, 1 tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 2A), dự kiến cuối năm 2024 sẽ tiếp tục đưa vào khai thác vận hành đoạn trên cao (8,5km) của tuyến đường sắt đô thị số 3. Theo Quy hoạch GTVT đã được duyệt thì sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417km.

    Giai đoạn 2015-2019 mỗi năm ngân sách nhà nước trợ giá cho xe buýt khoảng 1.370 tỷ đồng; giai đoạn 2020-2022 mức trợ giá tăng lên 2.230 tỷ đồng/năm, riêng năm 2022 là gần 3.000 tỷ đồng; năm 2023 dự kiến 2.750 tỷ đồng.

    Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác vẫn chủ yếu được thực hiện thông qua việc sử dụng vé giấy, thanh toán thủ công bằng tiền mặt, các tuyến đường sắt đô thị đã và đang triển khai mặc dù có hệ thống thẻ vé điện tử nhưng có các công nghệ thẻ vé khác nhau dẫn đến chưa đảm bảo tính liên thông và vẫn chỉ là vận hành độc lập, điều này sẽ gây khó khăn rất lớn trong việc tính toán, phân bổ sản lượng, doanh thu; chưa đa dạng được hình thức thanh toán; không đảm bảo tính liên thông và hạn chế khả năng tiếp cận của người dân.

    Minh Long










    Không có nhận xét nào