Header Ads

  • Breaking News

    Di thảo Nguyễn Trường Tộ: di thảo số 05

    Dụ tài tế cấp  bẩm từ = Lục lợi từ* *

    Tháng 5 Tự Đức 17 khoảng 20-6 đến 18-7 năm 1864 

    Thứ 5, ngày 6 Tháng Sáu năm 2013

    13/11/2023

    https://lh7-us.googleusercontent.com/yEibT3Wt_7JZ4dUhBlFazGyfH3VD-z5Abh8kt9fdoZOml8GpUCTjfPV-IAIrtP_TlnRpvzR0Yjb8miHPvwjWN25PBVwctDB540WZuwHaTxC7WTNKnCJMGXkivkiQdey_Y0tr7zI4wdalLo63KwbMNUKgTP0y4yC0

    Trộm nghĩ, trong nước có nhiều việc, dân chúng phải lo gấp việc sinh sống và ý trời giúp người lại ngoài ý muốn của người. Cho nên Mạnh Tử có thuyết: “Địch quốc ngoại hoạn”[1]; tiên nho có câu: “Thiên tâm nhân ái”[2]. Do từ việc người mà xem, các nước trong bầu trời, chưa nước nào không do có nhiều biến cố mà vượt lên xa được; từ đạo trời mà xem, lại càng kỳ diệu hơn. Tạo vật ban phúc cho con người, cái phúc đó cũng chỉ được dần dần, lớn dần dần, phải lâu ngày mới thấy. Người biết rõ lẽ trời sẽ không vì những điều lo buồn trước mắt mà oán trách trời. Vì rằng, tạo vật sinh ra muôn vật để cho con người sử dụng mà không tiếc một thứ gì. Chỉ vì con người phần đông chỉ thích nhàn không chịu ra sức sưu tầm phát hiện những của cải ẩn giấu, nên những thứ quý giá của rừng núi, biển cả, dưới đất, trên trời chưa được sử dụng hết.

    Kể từ khi có loài người, loài vật đến nay đã gần 7.000 năm, thống kê số lợi hưởng trên mặt đất của cả thiên hạ chưa đầy 4/10. Vả lại, tạo vật sinh ra loài người đều do cùng một nguồn gốc như nhau cả. Thế mà ngày nay trên địa cầu, người văn minh thì ít người dã man thì nhiều, chẳng lẽ tạo vật lại có hậu đãi, bạc đãi khác nhau? Đó chẳng qua chưa đến thời mà thôi. Ví dụ như cha mẹ đối với con cái, đứa lớn thì bảo lập nghiệp làm ăn sinh sống, đứa bé thì phải dạy cho biết số mục, ứng đối… cứ tuần tự như vậy. Do đó suy ngược lại thì mọi ý định sắp xếp của tạo vật không có cái gì là không để tâm đến. Đấy chính vì muốn cho con người được mở rộng thêm trí thức, làm sáng tỏ thêm cái tinh anh của trời đất, tức là phú cho loài người một  nguyện vọng vô cùng, khiến loài người phải tìm kiếm những điều mới lạ hay ho. Tạo vật lại sợ con người yên phận thủ thường không chịu qua lại với nhau, nên về đất đai mới sinh ra có thổ nghi khác nhau, tốt xấu khác nhau để nhân đó giao thông qua lại với nhau, để người biết trước bày kẻ biết sau, để dã man biến thành văn minh, để giúp vào những việc mà tạo hóa chưa kịp làm, để nêu rõ cái công dụng kỳ diệu của linh tính loài người.

    Nếu để cái thấy, nghe, ăn, nghỉ của con người, chỉ biết tuân theo tự nhiên như loài vật không có linh tri linh giác mà không giao cho con người quyền điều khiển vận hành thì làm sao phân biệt được con người linh hơn muôn vật? Vì vậy ở trên lục địa năm châu lại có biển lớn bao bọc bốn phía, có các sông lớn thông suốt trong các châu, nối liền các đồng bằng để xe thuyền đi lại, nhưng cũng có những hang núi cản đường, đèo ải chắn lối, khiến con người phải tự khai đường để thông đến những chỗ đất đai có của báu. Ở trên mặt đất, sự sắp xếp kỳ diệu của tạo vật như vậy rất nhiều không thể kể xiết.

    Nói tóm lại, loài người chúng ta có chung một trời che, chung một đất chở, chung một mặt trời chiếu, chung một mặt trăng soi, một không khí đầy tràn, một hơi nóng ấm áp, một thứ nước thấm nhuần, một ngọn gió mát mẻ, do một lý chi phối tất cả, do một tính chất đồng như nhau tất cả… buổi đầu do một mà sinh ra, cuối cùng lại hợp lại làm một mới thành tựu cái công dụng to lớn của cả trời đất. Xem đấy thì chúa tạo vật không nỡ để cái lý lẽ lớn lao của trời đất cuối cùng phải đến chỗ bế tắc, cũng không nỡ để cho cái dùng hằng ngày của loài người cuối cùng không phát triển được, nên đã bày ra nhiều cách để mở mang trí tuệ, dìu dắt nhau tiến lên con đường đại đồng… Trước đây 3.500 năm, phương Đông là nơi đầu tiên đã khai phá được cái phong khí thô sơ thuần phác, mà làm được hàng trăm công việc, cho đến thời trung cổ thì càng ngày càng thịnh. Lúc bấy giờ, phương Tây đang còn ở giai đoạn mông muội dã man, cho nên các rợ miền Tây Bắc phương Đông thường hay đến xâm chiếm các nước phương Tây. Do đó phương Tây đã tiêm nhiễm được văn hóa phương Đông. Rồi nhân nạn binh đao xảy ra mà hai bên có sự qua lại, do thám tình hình của nhau. Những cái gì bên này chưa có thì nghĩ cách trèo non vượt biển để cướp về, còn bên kia bị kém thua thì cũng lo học cái phương pháp mà họ đã dùng để thắng mình để đối địch lại.

    Xem như nước ta xưa bị Trung Quốc xâm chiếm tàn phá. Việc đó tưởng như tạo vật gieo họa nhưng chính cũng là làm phúc. Vì nhân đó mà nước ta trở thành một nước văn hiến. Ở miền Nam Hải có ba nước: nước ta, Miến Điện và Xiêm La. Nhưng hai nước kia còn trong tình trạng kém cỏi, còn lâu mới đuổi kịp nước ta. Thế chẳng phải do những cớ đã nói trên đó sao? Thời nhà Chu, nho sĩ nước Phất Lâm đã qua Trung Quốc, đến thời Vũ Đế nhà Hán đã từ nước Thân Độc thông sang Đại Hạ, thời Nam Bắc triều, rợ Bắc đã chiếm sang cả phương Tây. Đến thời Thế Tổ nhà Nguyên trong lúc chưa cướp đoạt xong nước Kim Nguyên mà đã lo khai thông miền Tây Bắc, miền Tây Nam của phương Đông, miền Đông Bắc của phương Tây và miền Bắc của phương Nam. Hễ nơi nào có hình thế đẹp đẽ đất đai màu mỡ, là không khỏi bị chúng tiến chiếm, làm sao cho đường bộ hai bên Đông Tây thông làm một với nhau. Đến cuối đời Nguyên, có vị phò mã Tát Mã Nhi Tứ Thiên của nước Cáp Liệt uy danh lan khắp Tây Vực, có người phương Tây đầu quân vào hàng ngũ của ông ta, nhân đấy họ đã đem theo về thuốc súng và các thứ đồ vật kỳ lạ khác. Người Tây vì loạn lạc đã lâu nay muốn trị yên nên đã bắt chước phương pháp đó chế súng điểu thương, để chống lại, và những thứ kỳ xảo khác đều lấy phương Đông làm kiểu mẫu. Về sau, việc học thuật, việc chế tạo những khí cụ ngày càng được tinh vi. Học thuật được tinh vi thì sinh ra kỹ xảo. Kỹ xảo đến cực điểm thì trở nên mạnh và đã làm thay đổi hẳn cái hèn kém mông muội trước kia. Cho đến thời Minh bước tiến Âu Tây ngày một lên cao vùn vụt, đến nỗi không có chỗ để thử cái tài dũng của họ nữa. Do đó, họ chuyển dần về phía Tây, và bỗng nhiên tìm được Tây Châu (tức Tân Thế Giới) và chiếm lấy làm đất của mình, khai thác vùng đất đai mấy ngàn năm hoang vu, cải tiến phong tục tập quán mấy ngàn năm hủ lậu. Lúc đầu người dân bản xứ còn xem họ như thù địch, dần dần đã chịu gần gũi và ngày càng trở nên thân thiết, những người dân ở đây đã học được hết những cái kỹ xảo của người phương Tây, cho nên không đầy 100 năm sau đã đuổi được người phương Tây ra khỏi đất mình. Những nước phụ thuộc phương Tây xưa kia, nay trở thành những nước thân phương Tây. Các nước ấy đã nhờ phương Tây mà thay đổi những tập quán cũ để trở thành giàu mạnh, người phương Tây cũng nhờ vào nguồn lợi ở đó để chu cấp cho mình. Xưa thì nghiến răng căm thù, nay đã thành tình nghĩa anh em tốt đẹp bền bỉ.

    Từ khi quyền lợi của người phương Tây ở các nước này giảm bớt, nhưng vì lòng tham không chấm dứt, họ bèn quay tàu trở súng hướng về các nước phương Đông. Các nước phương Đông tuy là ông tổ của trăm nghề, nhưng bản tính lại mải mê sự an nhàn vui thú không thích đổi mới. Vả lại ngày xưa đã từng xưng hùng xưng bá trong thiên hạ, tự mãn tự túc, nghĩ rằng thiên hạ không ai hơn mình. Cho nên chuyên chuộng hư văn phù phiếm, học lối xu phụ nịnh bợ để được cái phú quý mỏng manh trước mắt. Việc này đến buổi mạt vận thì lại càng quá lắm (đây là chỉ chung các nước). Khi có kẻ địch bên ngoài thoạt đến, thì coi họ như là đồ kỳ dị, trí xảo lạ đời, mà không biết rằng những cái khôn khéo của người phương Tây ngày nay chính là lượm lặt được cái dư thừa của phương Đông mình ngày xưa đó. Chúa tạo vật trước kia giúp ta cho ta thứ đó, mà ta chưa dùng hết cái hay thì tạo vật đem cái ta gây họa cho họ để giúp họ. Họ được cái dư thừa của ta thì họ rất trân trọng mỗi ngày mỗi trau chuốt ngày một đẹp thêm rồi lại đem bán cho ta để thu lợi lớn. (Nhưng muôn vật hễ đến cùng cực thì sẽ ngược trở lại, xưa kia không có cái thuật gì là không bị phá mà dù có cái thuật riêng đi nữa thì cũng có ngày phải hết. Không ngoài mấy trăm năm rồi các nước phương Đông cũng sẽ nhờ đấy mà đánh bại phương Tây. Hiện nay năm miền Ấn Độ đã gần có dấu hiệu bắt đầu rồi đấy. Cho nên tôi nói rằng người phương Tây là kẻ bán cái trí cái dũng, nếu ai biết khéo mua thì chẳng bao lâu các thứ họ có sẽ trở thành của mình. Lấy cái lợi vô cùng chưa dùng của sông núi chúng ta mà đổi lấy cái trí của họ, thì họ là kẻ vỡ hoang mà ta thì hưởng cái thành quả như các nước ở Tây Châu vậy. Vì rằng, ta đã học hết cái thuật của họ, như Bằng Mông[3] ngày xưa, rồi sau lấy cái trí tuệ vốn có sẵn của chúng ta thêm vào cái trí tuệ ta mua được của họ. Đất là đất của ta, mượn cái trí xảo của họ càng ngày càng già nua còn cái trí xảo của ta thì mới mẻ trẻ trung, đem hai trí mà địch lại một trí, lẽ nào không thắng được? Như trường hợp Tây Châu là một chứng cớ vậy)[4]

    Thiết nghĩ, tạo vật sinh ra đất đai là cốt để cho cả loài người hưởng dụng chứ không phải để cho một người chiếm lấy làm của riêng. Cho nên lúc đầu cây cỏ bụi bờ chưa khai phá thì cho loài người phân tán cư trú rải rác khắp địa cầu, ở đâu thì khai thác phát triển mà hùng cứ ở đấy. Đến lúc núi sông đã thông, hiểm trở đã hết thì lại khiến có trao đổi buôn bán, nơi có đổi cho nơi không, để việc sử dụng được thuận lợi, việc sinh sống được đầy đủ, để suy xét lai lịch mà dần dần nhận ra rằng nguyên xưa vốn là anh em, cùng chung một gốc mà biết thương yêu nhau, lấy chỗ dư thừa mà bù vào chỗ chưa đủ, thông công đổi việc, giúp đỡ lẫn nhau, rồi sau hợp cả thiên hạ làm một nhà để hưởng hết cái diệu dụng của trời đất. Nếu không như vậy thì người miền núi thiếu cá, thiếu muối, người miền biển thiếu thú, thiếu gỗ, nước ta thiếu thuốc, Trung Quốc thiếu gạo. Tạo vật là đấng nhân ái công bằng, coi mọi người như con, tại sao không để cho nước nào tự túc lấy đồ dùng của nước ấy không cần đến nước khác, người nào tự túc lấy đồ dùng của người ấy, không cần nhờ người khác giúp đỡ để khỏi qua lại cho thêm phiền phức?

    Nhưng nhân tình trước trái sau hợp, thì sự hợp ấy mới càng thân. Việc đời trước gặp khó khăn mà sau thành công, thì sự thành công đó mới bền vững. Cho nên lúc sắp hợp sắp thành tất nhiên phải có cái hại của sự nghi hoặc và khốn đốn, rồi mới có cái lợi của sự yên ổn lâu dài. Vì đã có sự nghi hoặc thì cần phải được sáng tỏ, có khốn đốn vất vả mới nghĩ đến sự nghỉ ngơi. Cho nên lúc hiểu ra được thì mới biết đó là do sự sắp xếp cất đặt của tạo vật không được làm trái khác đi. Cho nên, theo lý lẽ ở phần trên mà nói ở phần dưới thì các vật đều giúp đỡ lẫn nhau để làm đồng đều những điều mong muốn cho nhau. Nếu không như thế, thì loài người là con của tạo vật, nếu cứ để cho người lớn mạnh chuyên được phần lợi mãi, mà không giúp cho người nhỏ yếu trong đó được sống còn mãi mãi, được hưởng lợi ích to lớn lâu dài để bù vào sự thiệt hại trước, thì sao gọi là chí công được?

    Những điều nghị luận trên đây là một điều trong bài “Thiên hạ phân hợp đại thế luận”. Đó là những sự thật, lý thực của trời đất. Từ thuở khai thiên lập địa đến lúc cáo chung cũng chỉ có thế mà thôi. Dù có người giỏi biện bác đến đâu cũng chỉ bài bác được tạm thời, chứ không thể bài bác mãi mãi được.

    Nay tôi trích ra trình bày như trên, là vì các học giả nước ta ngày nay phần nhiều cứ viện xưa chống nay, nói quấy quá làm rối loạn việc chính trị, đàm luận xì xào, để chia bè lập đảng mà bài báng Triều đình. Họ có biết đâu thời thế đổi thay, có nhiều cái của đời xưa không thể áp dụng cho đời nay được[5]. Cho nên bậc tiên hiền đã từng nói: Người tuấn kiệt là người biết việc đời nay, chứ không phải là người biết việc đời xưa. Bởi vì việc còn, mất, yên, loạn nếu không trí tuệ không thể nào biết được. Còn như việc ngợi khen người xưa thì dù ngu cũng biết thừa. Cho nên kẻ trí bàn việc đời cần phải thể hiện ở việc làm, cân nhắc sự việc mà lập ra mưu trí, tuỳ thời thay đổi để cho lòng người hợp với ý trời. Như ngày nay các vị đại nhân đem các điều ra hỏi kẻ thảo dã mà không câu nệ thường tình chính là vì vậy.

    Nay tôi xin đem những điều các vị hỏi nói sơ qua vài nét trước và cuối cùng xin phụ thêm một đoạn của bài Tế cấp luận, sau đó sẽ nói rõ sự lý của năm sáu điều lợi lớn. Đó là những điều cấp thiết hiện nay, mong rằng không nên xem qua rồi thôi.[6]

    1. Xin kê ra các phương pháp làm hột nổ và đúc súng, đúc kim loại cùng các môn quang học, cơ học, hóa học, khai thác mỏ than[7]

    Điều cốt yếu để thực hiện các phương pháp trên, trước hết phải có khí cụ. Các môn ấy phải được thi hành thực sự. Việc học lý thuyết thực ra không khó, mà thực hành thì khó, hơn nữa phí tổn rất nhiều, nhưng thu lợi cũng rất lớn.

    Việc học tập và sắm khí cụ phải thực hiện đồng thời, không thể thiếu một. Nếu đã được học qua loa như tôi mà không có khí cụ khi gặp khó khăn lại không có người chỉ vẽ thì cũng chỉ biết lý thuyết[8] và công dụng mà thôi, và cũng còn khó đem ra thực hành được. Nếu đem ra thực hành cũng phải qua nhiều lần thử, để loại bỏ những cái trở ngại mới tận dụng được chỗ tinh diệu. Vả chăng việc sáng tác dùng thử cũng có cái dễ thành, có cái khó thành, mà cái khó thành nhiều lúc lại xảy ra tai hại bất trắc. Nếu hiểu được lý thuyết sẽ làm được công dụng lớn, nhưng nếu bất cẩn sơ ý, máy móc nổ vỡ thì nghìn vàng dễ được chứ người giỏi khó tìm, trăm thanh gươm báu không bằng một người thợ đúc giỏi. Những điều lợi hại là như thế đấy. Việc trong thiên hạ có cái lợi lớn, tất có cái hại lớn, nếu không tuân theo thứ tự của nó, thì chẳng những lợi bất cập hại mà còn làm hỏng cả công việc nữa.

    Nay trước hết tôi xin hãy làm cho nước nhà giàu có (như trình bày ở đoạn cuối này) để chi dụng chi phí cho việc học tập và mua sắm khí cụ. Khi mua sắm được khí cụ rồi sẽ cùng thực hành với việc học tập lý thuyết. Như thế thì sự sử dụng máy móc lẽ nào lại không thành công, tài khéo lẽ nào lại không tiến lên được?

    Nói tổng quát thì phương pháp đúc súng đạn và chế hột nổ cần nhất ở cơ học, và có cả quang học giúp vào. Còn phép đúc kim loại và khai thác mỏ than thì cần nhất về cơ học và có hóa học giúp vào. Về phép lại tàu thì cốt ở quang học và có trắc lượng học, toán học giúp vào.

    Cơ học là nghiên cứu tất cả những gì dùng sức gia thêm vào thể chất để sinh ra động lực, mà không làm biến đổi bản chất. Đó gọi là cơ học. Cơ học có hai loại khí cụ chính: khí cụ đơn giản và khí cụ phức tạp. Hai loại đó lại chia làm ba: nặng, sức và điểm tựa. Tất cả những khí cụ đều là phép tinh xảo để tạo nên trợ lực. Có khi dùng phương pháp khiến các khí cụ phát ra sức kỹ xảo, tựa hồ như chính tự nó có một sức sống.

    Khí cụ của trợ lực có ba thứ: đòn bẩy, trục quay và mặt nghiêng. Đó là những vật dụng cơ bản. Ngoài ra lại có ba thứ nữa: bánh xe, máy cắt, đinh ốc. Đó là những vật dụng thứ yếu. Tất cả mọi công dụng thực sự của cơ học đều quy về mấy điều kể trên. Nhưng việc học cũng phức tạp khó khăn, nếu không tinh thông vật lý không thể xem xét phân biệt được, mà không xem xét phân biệt được thì khi sử dụng các loại máy móc đó thường gặp tai ngạn nguy hiểm. Tất cả mặt trăng, mặt trời, các hành tinh, sự động đất và những chất lưu động nhẹ, những chất lưu động nặng, những chất cố định cùng với những việc do sức người làm ra với tất cả những sức năng động, sức nặng đều thuộc về môn học này, cho nên phân biệt cho rõ ràng là điều rất khó.

    Còn quang học thì dùng để quan sát những chỗ cao chỗ sâu. Phàm tất cả những vật ở trên đời, trên mặt đất, dưới mặt đất, những quang sai, thị sai, phân vi và các động vật, thực vật mắt thấy được hoặc không thấy được và cả những bản đồ, địa mạch, sản vật, cái thật cái giả lẫn lộn… đều phân biệt được, đó là nhờ quang học.

    Hóa học thì có thể làm cho các thể chất biến hóa. Khác với cơ học, hóa học được dùng để quan sát kim loại và chất nặng, chất nhẹ, chất cố định, điện khí, nam châm… để phân biệt những tính khác nhau của chúng, để thích hợp với công dụng của chúng, khiến cho các chất rắn, mềm, giúp nhau để làm thăng bằng sự vận động. Các ngành khai thác mỏ, thuyền máy, máy hơi nước đều thuộc về môn này.

    Còn phép làm hột nổ thì cũng như phép đúc súng, tuy có phần dễ hơn, nhưng điều cốt yếu là ở khí cụ để đúc. Vì rằng người thợ muốn cho công việc làm được tốt trước hết phải có khí cụ tốt, nếu không có khí cụ thì lấy gì mà làm?

    Nói tóm lại, những điều trên đây, những lý thuyết của nó đều không ngoài sức tự nhiên. Nếu trước hết không biết rõ cái sức đó là cơ sở, thì dù học suốt đời, cũng vẫn mù mờ không lần ra mối. Tuy cũng có thể dùng được một đôi cái nhưng chẳng qua là làm theo khuôn có sẵn mà thôi, chứ không biết biến hóa để  nhân cái này biết cái kia, để làm được tinh xảo hơn. Cho nên sức tự nhiên là điểm đầu tiên phải học, không thể không hiểu trước hết. Các điều nói trên đã có sách chuyên môn chép rõ. Việc đó không thể chép trong một lúc hết được, hơn nữa, mắt chưa nhìn thấy công dụng của nó, lại không có người đứng bên cạnh để ví dụ, giảng giải, thời cũng khó hiểu hết được nghĩa chữ, câu văn. Cho nên ở đây tôi chỉ đưa ra những điều đại cương mà thôi.

    Còn phương pháp khai thác mỏ than, trước hết phải biết rõ địa mạch, biết rõ các loại kim khoáng và các cách chuyển động của vỏ quả đất. Nếu bây giờ cho vài người như tôi đi khắp nước sưu tầm thám nghiệm khoảng 3, 4 năm mới có thể biết. Đó là vì mỏ than ở sâu hơn các mỏ khác, mà phần nhiều lại hay có ở miền đồng bằng, ít có ở nơi núi hang và nơi nước chảy. Nếu mỏ than lộ thiên thì than không tốt mà lấy cũng chóng hết. Vả lại mỏ than thường có ở xứ lạnh, ít có ở xứ nóng. Nhưng ngày nay ở xứ nóng cũng đã tìm thấy một vài chỗ có mỏ than thì tôi tưởng rằng ở nước ta cũng có. Mỏ than lại hay có nhiều ở chỗ gần mỏ sắt. Đó là do cái cách sắp xếp vận dụng rất hay của tạo hóa. Lại có những nơi đất bùn, nơi rừng núi xưa kia hình như cũng có mỏ than, nhưng than ở đây chỉ dùng để đun bếp, chứ chạy máy tàu thì không đủ sức nóng. Nghe người ta đồn ở tỉnh Hải Dương có mỏ than, tôi nghĩ đấy cũng là rừng núi xưa kia mà thôi. Tôi tuy chưa đến đó, không dám nói quả quyết, nhưng miền Hải Dương quá nửa là chỗ có tầng nước chảy. Đấy cũng là một chứng cớ để nói rằng không có mỏ than. Phương pháp tìm mỏ than có nhiều cái ẩn tích không thể nói hết được. Nhưng việc tìm mỏ không khó, chỉ có việc khai thác than mới khó, lúc đầu đang còn cạn thì dùng sức người cũng có thể lấy được, đến lúc xuống sâu mà lại phải đào xiên một hai nghìn thước nếu không dùng máy móc rút hết nước thì không thể lấy được than. Lại nữa, trong đất thường xông lên các khí độc nếu gặp lửa đèn sẽ nổ bùng làm người chết ngay. Vì vậy, phải có phương pháp khéo léo và phương pháp làm thông gió như của người Tây Âu mới tránh khỏi tai nạn. Vả lại đào xiên vào rất sâu hay dễ bị sập, nên phải làm sàn bắc ngang để đề phòng.

    Phương pháp lấy than đá nói trên đây phải dụng công rất khó, nhưng lợi lớn gấp mười mỏ bạc, mỏ vàng, cho nên phải nghĩ hết mọi cách để lấy.

    Cách làm cho nước mạnh là ở chỗ tạo được nhiều của. Của cải nhiều thì lương thực đủ, khí giới tinh, thành trì vững, công quỹ dồi dào, các việc lợi ích do đấy sinh ra, các việc tai hại do đấy giảm bớt. Một khi có biến cố lớn xảy ra, chỉ cần lấy của cải trong kho nhà nước, khỏi phải phiền luỵ đến dân. Lợi ích đó không thể kể xiết.

    Nay nước ta, của công chỉ nhờ vào thuế, mà thuế đánh có hạn, chứ không có cách gì để làm cho của cải được nhiều như phương Tây. Cái tôi gọi là làm cho có nhiều của ở đây không có nghĩa là nói bòn rút của dân để làm cho nước giàu, mà là nhân nguồn lợi tự nhiên của trời đất để sinh ra của. Do đó nước giàu mà dân cũng giàu.

    Nước ta một bề giáp bể, một bề tựa vào núi, giữa là một giải đồng bằng, lại có nhiều sông chảy ngang qua, từ bờ biển đến tận cùng rừng núi mất 5, 6 ngày mà thôi, không như các nước khác xa biển xa núi, hoặc biển ít núi nhiều, hoặc núi nhiều sông ít, hoặc nhiều cồn cát sa mạc, hoặc nhiều đất khô cằn, thật là một nơi địa thế tốt nhất trên quả địa cầu. Người các nước đã từng ngợi khen, chính cũng vì núi sông gần nhau, cận nhau, mối lợi của nó rất lớn. Hơn nữa, người nước ta tầm vóc vừa phải, đã nhiều tài trí, lại khéo bắt chước tài kỹ xảo của người khác. Người nước ta có cái tính biết học tập cái hay cái tốt của người khác, không tự kiêu tự mãn như người Trung Quốc. Cho nên các nhà thông thái các nước khi bàn về đại thế trong thiên hạ đều cho rằng nước ta đã có địa thế tốt lại có nhân tính tốt ngày sau ắt sẽ phồn vinh vô cùng. Nhưng chỉ tiếc là người mình còn chấp nên tập tục cũ, bị lối học từ chương bó buộc, nên chưa thể tung hoành nơi bốn biển (Tôi sẽ viết dâng lên một bài về địa thế nước ta vài mười trang. Xem sẽ thấy phấn khởi).

    Ngày nay nếu ta biết dần dần chỉnh đốn những thói cũ, nghĩ cách làm lợi cho công, làm lợi cho tư để ta có được phương pháp hay của mình lại có được cả những phương pháp hay trên thế giới mới sáng tạo ra nữa, hai cái cùng thực hành song song với nhau không trái ngược nhau (Những phương pháp hay này chưa kịp trình bày được). Như thế thì những cái thiên hạ mới có, ta cũng đồng thời có. Còn những cái ta vốn có thì thiên hạ không có. Như thế ai còn dám khinh nước mình nữa?

    2. Sau đây tôi xin đưa ra một khoản về việc làm sao cho nước nhà giàu có để cứu giúp lúc khẩn cấp

    Một là nguồn lợi về biển. Về biển thì không có nguồn lợi nào lớn bằng cá với muối.

    Hai là nguồn lợi về rừng. Rừng thì không có gì lớn bằng gỗ.

    Ba là nguồn lợi về đất đai. Đất đai thì không có gì lớn bằng tơ gai.

    Bốn là nguồn lợi về mỏ. Về mỏ thì không có gì lớn bằng đồng và thiếc.

    Bốn nguồn lợi ấy, ngoài việc tuỳ theo thổ nghi mà thu thuế ra, còn phải nghĩ những phương pháp hay như của Tây Âu để thu nhiều sản vật. Sau đó cho tàu bè nhà nước chở ra bán cho các nước, rồi lại chở về nước mình những hàng cần dùng mà nước mình không có. Cái lợi bán mua qua lại như thế thường được gấp ba. Trừ than đá ra, như đồng, thiếc giá ở Bắc kỳ một quan nếu đem ra nước ngoài bán có thể được tới tám quan. Ngoài ra các thứ tơ, gai, cá, muối cũng thế. Vả lại, Bắc kỳ nối liền Vân Nam, mà tơ của Vân Nam là tốt nhất thế giới. Người Pháp sở dĩ muốn từ Bắc kỳ thông thương Lương Giang, từ Nam kỳ thông đường Tiền Giang là vì thế. Việc ấy trước đây tôi đã nói rõ, nay xin thôi không nói nữa.

    Phàm thế vận càng suy thì thiên hạ không ai là không đuổi theo của cải mà tranh giành. Người đã giành lợi của ta, lẽ nào ta lại không biết lấy lợi của người? Đó là luật vay trả tự nhiên không thể tránh được. Hoặc có kẻ nói rằng bậc vua chúa cứ việc thi hành nhân nghĩa thì tự nhiên có lợi, cần gì phải khơi cái lòng ham lợi để cạnh tranh với dân! Sao không biết rằng nói như vậy là rất sai lầm về chính trị? Bậc tiên hiền có nói câu ấy thực, cốt ý để cứu vãn cái tệ hại thời bấy giờ, vì sợ rằng chỉ biết lo làm lợi mà không nghĩ đến nhân nghĩa. Những nho gia sau này vì không suy nguyên cái ý ấy nên bày đặt ra bàn luận những điều thể diện quá cao. Nhưng xem việc làm của họ thì thường lại vì điều lợi hại mà không giữ được tiết tháo trong sạch. Cho nên người ta đã bảo những kẻ ấy là lời nói đã đê tiện mà việc làm lại hèn hạ. Hãy xem Yến Vương nước Từ vì nghĩa mà bị diệt, Tử Khoái nước Yên học bắt chước vua Nghiêu mà bị mất, Ai Công nước Lỗ ham đạo Nho mà bị suy nhược, vua nước Đại ham theo đạo Mặc mà bị tàn tạ! Học theo xưa không phải là luôn luôn không hay, nhưng chỉ có bốn ông ấy bị quốc phá thân vong là vì gặp lúc thời thế đã khác xưa rồi. Ăn trộm thì không gì lớn bằng trộm nước. Thế mà thành công thì làm vua, bao nhiêu nghĩa sĩ chen chân nơi cửa chư hầu. Cho nên dùng gặp thời tức là nhân nghĩa, thất thời tức là bạo ngược. Những nhà nho câu nệ không khéo biến hóa, thường hay uốn lưỡi múa mồm, sau khi sự thành bại đã rõ như gương chiếu rồi mới bàn luận anh hùng. Giả thử bản thân họ ở vào cảnh ngộ bấy giờ thì chẳng những mơ màng không biết tính toán ra sao mà điều nhân nghìa, việc phải chăng cũng không phân biệt được. Vì sao vậy? Chẳng qua vì họ chưa làm đến địa vị ấy, mà luận bàn đến những điều cao xa ngoài sự tưởng tượng của người ta để tự tán dương lẫn nhau, để cốt cho những người có quyền lực đương thời để ý đến mà thôi. Như thế chẳng khác gì người thích vẽ ma quỷ mà ghét vẽ chó ngựa[9].

    Đại phàm sự tình trong thiên hạ mượn tiếng tốt để làm việc xấu là người ngu; chịu tiếng xấu để làm việc tốt là người khôn. Trong thiên hạ khéo biết dùng thì được tiếng hay, không khéo dùng thì mang tiếng dở. Khéo dùng hay không khéo dùng đó là gì? Chính là cái tài lợi. Về tài lợi, nếu như biết khéo thu nhập thì được nhiều mà không ai trách oán, đã thu nhập được mà không ai trách oán lại biết khéo sử dụng của thu nhập ấy, đó là nền tảng của nhân nghĩa. Cho nên tạo vật khi chưa sinh ra người đã sinh ra muôn vật trong thiên hạ trước để làm nguồn của cải. Như Kinh Dịch nói: “Có trời đất muôn vật sau mới sinh ra trai gái”. Chứng cớ về việc đó rất rõ ràng.

    Thời thượng cổ khi loài người bắt đầu phồn thịnh thì buổi trưa đã có họp chợ để tiện việc trao đổi những thức cần dùng, rồi sau việc giáo hóa mới dần dần hưng thịnh lên. Bởi vì tạo vật yêu người nên thầm dạy những việc cấp thiết trước, việc chưa cấp thiết thì dạy sau.

    Tất cả những cái tầm thường dùng thường làm hàng ngày của con người từ thượng cổ, trung cổ đến tận thế không có cái gì là không do tạo vật bày ra. Những cái mà tạo vật bày ra đó đều khiến vua nắm quyền để mở mang sắp đặt. Vua đã thay quyền tạo vật để chăn dân, làm lợi cho dân, thì những việc lợi ích nên làm trong dân gian lẽ nào vua không tự mình ra gánh vác lấy, tự mình xướng xuất ra? Thời trung cổ người ta chưa hiểu được lý ấy nên mới bậy bạ cho như thế là tranh lợi với nhân dân, nên mới có chuyện xưa kia đã làm đến quan đại phu thì không cho vợ dệt cửi nữa. Như thế là không biết rằng, có nước mà cứ để mặc cho của công tư bị thiếu hụt, đến phải yếu nhược không chấn hưng lên được, chính là vì cớ đó. Sao không suy xét xem vua muốn làm giàu có phải để cho riêng một mình không? Nếu không thế thì một mình tiêu xài cũng có hạn, dù xa hoa phung phí cùng cực cũng không hết được. Vậy của đó để làm gì nếu không phải để cho dân cho nước? Ví như cha mẹ làm ăn khó nhọc để có của cải, là muốn để lại cho con cháu. Người không biết thì cười chê cha mẹ, cho rằng làm những việc vất vả khó nhọc ấy là đê tiện, thế chẳng phải là trái với lòng thương của cha mẹ lắm sao?

    Nay nói về việc nước, khi đã có đủ của cải rồi thì lệnh trưng thu của cải trong dân chúng để cung ứng cho việc nước sẽ ngày càng giảm bớt mà sự nghiệp củng cố cho nước mạnh sẽ ngày càng tăng. Một khi nếu xảy ra giặc giã cần phải đánh dẹp để yên bờ cõi an ninh xóm làng, quân đi đánh dẹp mỗi ngày tiêu phí hàng ngàn vàng thì lấy của công mà dùng để bảo vệ tài sản của dân chúng. Như vậy là không có nhân nghĩa ơn huệ nào lớn hơn thế nữa. Chỉ nói một việc này các việc cũng như thế thôi. Như thế mà còn có người đưa ra thuyết cùng dân tranh lợi để ngăn trở phá hoại việc nước, để cho  bậc quân phụ mang tiếng này nọ, thế có phải là trung không? Thuở xưa Thái Công được phong làm vua nước Tề, chọn kẻ tài năng chuộng người có công và giết cao sĩ Đông Hải[10] là vì thế.

    Nay tôi xin hãy làm cho của cải nhiều thêm. Có nhiều lối làm giàu, nếu đem ra thực hành trăm năm cũng chưa hết. Nhưng tôi chỉ đưa ra 4 cách cấp thiết trước tiên để cấp cứu trong nhất thời. Tạo vật đã cho nước ta một địa lợi tốt để mà làm thì Triều đình phải có người đứng ra xướng xuất cho dân theo. Còn như những phương pháp nào hay ho thì Triều đình đã có ý định sắp đặt rồi tôi không dám bàn đến nữa. Nếu làm được như thế thì thật là vì chấn hưng lợi ích cho dân chứ không phải lấy của nhân dân. Ngày nay các nước trong thiên hạ đều theo phương pháp đó để làm giàu mạnh. Thiên hạ làm trước, mình là theo sau, ai dám chê trách?

    Lại xin để cho những nhà giàu ở gần cửa bể có thể mua tàu lớn vượt bể để chở những đồ vật nước mình dư không dùng đến đem bán ở các nước, rồi lại chở về những thứ thiết dụng cho nước mình và đánh thuế xuất nhập để tăng thêm những thứ cần dùng trong nước. Nếu người nào mua về được nhiều thứ có lợi cho nước thì cân nhắc mà ban thưởng để khuyến khích họ cố gắng thêm. Đấy là một điều lợi lớn. Vì rằng, những hàng hóa mình có, trừ số cần dùng ra, còn thừa đem chở bán cho họ, họ lại bán cho nước khác, như thế họ không cần phải đến nước mình làm gì. Nếu họ muốn đưa hàng hóa sản vật của họ sang thì đã có tàu của nước mình đem về để mua bán trao đổi với người cùng quê hương xứ sở, chẳng dễ làm hơn mua ở bên nước họ hay sao? Như thế tự nhiên họ không cần phải tìm đến mình nữa. Sở dĩ họ tìm đến cầu thông thương với mình là vì người mình không thể đi xa mà thôi.

    Có người nước ngoài nói rằng kế ấy rất độc. Nếu làm được thì không ngoài vài năm người Tây tự nhiên bỏ đất mà đi không cần phải đánh chác gì nữa. Vả lại họ đã dựa vào việc ta không ra khỏi cửa, nên dùng thế lực cướp lợi của ta, nay ta theo công lý để ngăn lòng tham của họ, lấy lợi của họ thì chắc rằng trong khoảng u u minh minh ấy trời sẽ thầm lặng giúp ta vậy[11]. Vì rằng, tạo vật quý trọng sự sống vô cùng, đã cho ta địa lợi tốt, lại cho ta nhân vật tốt, ắt sẽ giúp ta thịnh vượng để hợp thành ra sự đẹp tốt lớn trong vũ trụ. Vậy ta nên thuận theo chúa tạo vật đã mở đường chỉ lối mà biết lo lắng để chuyển tại họa thành phúc, chuyển thất bại thành thành công, đem hết cái trí khôn trời cho để khai thông mọi cái bí mật trên trời dưới đất. Kẻ hủ nho sao không biết thời thế biến chuyển, cứ câu nệ vào nghĩa lý sách vở, nói bừa bãi rằng: Triều đình mở cửa ngõ đón kẻ cướp vào. Sao không biết rằng: Lúc thời thế đã đến, không thể ngăn được, lúc thời thế đã đi, không thể chặn được. Tạo vật đã sắp đặt như vậy sao ta không biết liệu cách tạm thời lưu thông với họ, để tự phấn đấu cho hợp với ý của tạo vật? Cửa bể của khắp các nước phương Đông tạo vật đã khai thông cả thì tại sao một mình nước ta lại có thể đóng kín được? Huống chi, việc lợi ích của một nước, quyền lực hành vi do vua nắm, và cùng với quốc dân chia sẻ mọi sự vui buồn. Mà trên đã có tạo vật thầm sai khiến, vua chỉ cần theo ý trời để làm mọi việc. Những việc lớn như lấy đi hay là cấp cho, biết đâu chẳng phải do tạo vật ngấm ngầm sắp đặt. Tạo vật đã nhân ái đối với vua để từ đó mở rộng đến muôn dân. Thế mà trước mắt, hơi thấy việc bất bình thì kẻ hủ nho biết gì mà dám chê bai trách cứ? Tôi nói như vậy không phải để hùa với địch mà chính vì sợ bọn hủ nho không biết ý trời việc người. Trước đây bọn họ đã có những ý nghĩ sai trái, làm hỏng công việc, nay thời thế đã đến thế lại còn không biết giúp đỡ Triều đình, hợp lực đồng tâm để lo việc nước khiến Triều đình đã lo ở ngoài lại phải lo cả bên trong, thử hỏi như thế thì còn lòng dạ nào? Thử xem 5 xứ Ấn Độ năm Càn Long thứ 17 vì không chịu cho nước Anh một thành mà sau phải mất trọn cả nước, Miến Điện năm Đạo Quang thứ 4 vì không chịu cho Anh một mảnh mà sau phải mất nửa nước. Tất cả đều vì không biết người biết mình nên đến nỗi hỏng việc nước như thế. Sở dĩ, năm xưa tôi đã không sợ tội mà dâng lời bàn hòa, chính là vì cớ ấy.

    3. Hiện nay cục diện chưa biết sẽ diễn biến đến đâu, tôi xin kính dâng điều khẩn cấp nhất trong bài “Tế cấp luận”, là tìm sự trợ giúp, có sự trợ giúp sẽ được sáu điều lợi lớn. Tôn Tử nói: Dư sức đánh thì giữ, dư sức đánh mà lại có người giúp thì đã có sức mạnh. Huống chi nước ta nay đã không đủ sức đánh lẽ nào lại không cần sự giúp đỡ sao?[12]

    Trong tờ bẩm năm ngoái, tôi đã trình bày rõ ràng tình hình các nước phương Tây hiện nay giống như thời Chiến Quốc. Đó là một điều trong bài “Phân hợp luận”. Vua Đạo Quang nhà Thanh có nói: “Cái kế hay nhất để đánh địch không gì bằng lấy địch đánh địch”. Theo tôi, nhìn chung các nước trong thiên hạ từ ba trăm năm trở lại đây tuy có nhiều cách có thể làm cho kẻ địch lâm nguy, nhưng cái cách bắn một phát trúng ngay, thì phải là lấy địch đuổi địch. Đó là lý do mà trong tờ Trần tình năm trước tôi nói việc khôi phục không phải tìm ở trong nước mà phải tìm ở ngoài thiên hạ. Bởi vì từ 15 năm nay tôi đã biết rõ chắc chắn phải có mối lo như ngày hôm nay, nên tôi đã ra sức tìm tòi học hỏi trí khôn của mọi người để thêm sự hiểu biết cho mình, chứ không phải chỉ mới một ngày.

    Tóm lại, nói gộp trong một lời mà đủ ý tức là: Chỉ có lấy cái việc thiên hạ đã bị trúng quỷ kế của địch làm điều răn, để phòng dịch, rồi lại lấy cái phương pháp mà địch đã bị trúng quỷ kế của thiên hạ để mà đuổi địch, thì không thể không thắng lợi. Vì rằng kẻ địch đã từng đi khắp thiên hạ, đã đem cái kế đó thi hành ở nước này mà trúng, thì lại đưa ứng dụng sang nước khác nữa. Nhưng thường thường cái kế của địch rốt cuộc rồi cũng làm hại địch. Người hay lặn dưới nước tất phải có ngày chết chìm, đó là lý đương nhiên. Tạo vật là cha mẹ của tất cả các nước, thì không nỡ để một đứa con nào đến phải chịu khốn khó[13]. Nay tôi xin đem sáu điều lợi lớn trình bày như sau:

    Thứ nhất là nhờ kẻ khác để ngăn chặn họ. Anh và Pháp xưa nay vốn thù hằn nhau. Trước đây hai bên đã đánh nhau hàng trăm năm mãi không thôi. Cho đến nay hai bên vẫn chê cười khích bác nhau, cả nước đều như thế cả. Hiện nay vua Pháp đang ngấm ngầm tìm kế độc để báo thù việc vua Anh trước đây đã bắt đày vua bác của họ ra tận đảo xa xôi[14]. Người Anh lẽ nào không biết việc đó? Nhưng họ vẫn ẩn nhẫn cộng sự với người Pháp, vì họ còn e ngại nước Nga chực sẵn sàng sau đó. Hai con trâu không húc nhau ở bên cạnh con hổ, vì cái thế còn ngại hổ. Lại vào cuối đời Càn Long, nước Anh đánh nhau với Hợp Chủng Quốc, người Pháp đã dồn cả binh lực vượt biển sang giúp Hợp Chủng Quốc. Do đó người Anh đã không giữ được phải bỏ. Mối thù đó đã khắc thấu xương chưa tiêu. Vì vậy năm trước khi Pháp lẻn vào Quảng Nam, Anh hay tin, cả nước xôn xao kêu ầm rằng Pháp uy hiếp ta, cho như vậy là không đúng. Hơn nữa, ta từ xưa đã từng đi lại ân nghĩa với người Anh, sao không nhận thấy thông tin tức cho họ, rồi nhờ họ thông báo đến nước Nga, nước Áo nhờ các nước giải quyết giúp ta? Tuy nhất thời chưa chắc các nước làm ngay được, nhưng cũng nhân đó có thể ngấm ngầm tìm cách giúp ta hại Pháp. Pháp hại thì ta lợi. Đó là điều lợi thứ nhất.

    Thứ hai là xui kẻ khác gây sự với họ. Ở phương Tây thế lực hai nước Anh Pháp đại khái tương đương nhau. Pháp lợi về đường bộ, Anh lợi về đường thuỷ, không bên nào chịu nhường bên nào. Anh từ khi mất vùng đất Hợp Chủng Quốc, thì lại may mắn được nguồn lợi ở Ấn Độ. Nhân đó chiếm được 5 cảng của Trung Quốc, nửa nước Miến Điện và các thương cảng lớn ở biển Đông[15], tự nghĩ có thể dùng thế lực đó trấn áp được Pháp. Duy có nước ta là hòa mục với Anh. Anh không có cớ để cướp nước ta. Pháp hận vì những miếng béo bở đã bị Anh phỗng trước nên nhân lúc Ấn Độ chưa hoàn toàn thuộc về Anh, người bỏ thì mình lấy, cũng đã kiếm chác được 5 thương cảng nhỏ. Nhưng những nơi đó không phải là hang rồng ngách hổ nên cũng khó đứng vững. Một mai có việc gì xảy ra ở phương Đông thì cũng khó thắng nổi Anh. Do đó, Pháp đã bất chấp danh nghĩa, đột nhiên chiếm Gia Định và tự cho là tìm con rồng mà được ngọc. Hơn nữa, Gia Định vốn là nơi thiên nhiên hiểm trở, suốt một dải bờ biển đều là bưng biền rậm rạp, hiểm trở hơn nhiều so với các chỗ khác ở phương Đông, chiếm được chỗ này là đủ sức khống chế thiên hạ. Tóm lại, nguồn lợi ở phương Đông, đều đã nằm trong tay người Anh, chỉ vì đi sai một nước cờ mà thế lực bị phân tán. Điều đó chưa bao giờ người Anh quên được!

    Nước ta phải dùng lời lẽ thật từ tốn và tiền bạc thật hậu sang nước Anh, nói hết những điều sai trái của Pháp, như trong bài bẩm trước đây tôi đã nói rõ. Lại phải dùng những lời ngọt ngào viện dẫn các lý lẽ cứu nhược phù suy để tán dương thế lớn mạnh của Anh xem ý hướng họ thế nào. Nếu những lời nói đó được họ nghe thì sẽ nói tiếp rằng: người Pháp không nói lời lẽ gì minh bạch trước mà tự nhiên đột nhập lén đánh chúng tôi một cách bất ngờ. Nay người Anh đến giúp chúng tôi một tay khôi phục lại, chúng tôi sẽ vui lòng nhường quý quốc một thương cảng lớn, ký thác vĩnh viễn và sống như anh em với nhau, như Trung Quốc với Bồ Đào Nha trước đây vậy. May mà trời cho gặp cơ hội, Anh sẽ nhân lúc Pháp chân đứng chưa vững, đem những lý lẽ phải trái tuyên truyền sâu rộng khắp các nước làm chứng cớ, thì sẽ mau chóng ép buộc được Pháp. Thế của Anh thì mạnh, mà thế của Pháp thì yếu. May ra việc thành ta và Anh đều có lợi, còn không thành thì họa đã có chỗ chịu. Nếu bảo rằng cái kế đó cũng chỉ là cách rước sói vào cửa sau mà thôi, như thế tức không biết rằng ở đời nếu phải tai họa thì hãy chọn cái họa nhỏ. Mất dê mà được trâu thì ai không thích cái mất ấy? Người Anh tuy thích vùng vẫy xâm lược phương xa, nhưng cũng thường giữ lễ nghĩa, chứ không hay phản phúc bất thường như người Pháp. Vả lại khi họ được đước Pháp rồi họ cũng khỏi lo bị chèn ép nữa. Dù không được thương cảm nào họ cũng vui lòng, huống chi ta cam kết giữ lời hữa, lẽ nào họ lại được thế hại ta? Mà giả sử điều đó xảy ra thì biết đâu Pháp sẽ chẳng tụ họp các nước để đánh lại Anh? Như thế, Anh sẽ phải theo lời giao ước mà dừng lại, chẳng phải chỉ vì lý mà còn vì cả chính họ nữa. Hơn nữa tâm địa người Anh rộng rãi, không biết chừng còn trả lại cho ta mà không cần lấy đất nhượng, để được tiếng thơm trong thiên hạ. Như năm xưa họ đã từng làm 5, 6 việc giống như vậy. Tuy đến nay họ còn hết sức bảo hộ là vì không bỏ người ta nửa đường. Anh đã đối xử với các nước như vậy, lẽ nào lại không đối xử được với nước ta? Nhưng điều đó cũng còn tuỳ thái độ nước ta đối với họ như thế nào trước đã. Nếu việc này thành công, đó là điều lợi thứ hai.

    Thứ ba là nhờ người khác để ly gián họ. Anh và Pháp xưa nay vẫn ghen ghét nghi ngờ nhau, tuy tạm thời cộng tác với nhau, nhưng Anh vẫn giành phần hơn: về các phép dùng binh, trị dân và bất kỳ các việc lớn nhỏ hai nước đều xung khắc nhau. Hễ vì lợi mà hợp nhau thì khi lợi hết ắt phải lìa nhau. Cứ mỗi khi Pháp có mưu đồ gì khác thì Anh tìm cách ly gián (có nhiều việc không thể kể hết). Anh lại khéo giao thiệp, còn Pháp thì ít chơi thân với ai. Ít chơi thân thì đa nghi, đó là lý tất nhiên. Nay nếu ta năng đi lại với người Anh hoặc thăm viếng, hoặc mua bán, hoặc học tập những văn hóa lễ nghi với người Anh một cách nhiệt tình thân thiết hơn đối với người Pháp thì người Anh cũng sẽ đối xử với ta một cách xứng đáng. Cái kế của ta đó, chưa chắc người Anh đã nhất nhất giúp ta hoàn thành, vì còn tuỳ cơ hội khó hay dễ. Nhưng dù sao người Pháp thấy ắt sinh nghi, cho rằng người Anh đã đem hết những mưu mô quỷ quyệt, những việc làm ác độc của họ nói cho ta biết rồi và còn bày vẽ cho ta những kế thâm độc (có hai kế phương Tây đã lập minh ước với nhau là không bày vẽ cho người khác) để làm hại họ, để hả lòng căm thù. Họ còn lo sợ người Anh sẽ nhân đó dụ ta đem mối lợi của họ chia cho người Anh vì họ biết rõ người Anh khéo thu phục nhân tình họ khó bì kịp. Đó chính là lý do khiến trong tờ hòa ước năm trước có một điều nói rằng: Có bằng lòng cho cắt đất mới được cắt đất[16]. Nhưng cái kế ấy của người Pháp là quá tham lam và có chỗ không thể thi hành được. Bởi vì ở phương Tây không có cái luật ấy, không có lý gì chưa lấy hết được đất mà đã có quyền như vậy. Nay nếu ta đem điều ấy nói với người Anh chắc người Anh sẽ giúp ta phân giải. Như thế, người Pháp lại tưởng rằng ta đã đem những việc làm sai trái của họ nói hết với người Anh, như việc năm trước họ đã lái tàu vượt biên giới bắt Quản Tiến đày ra ngoài đảo xa. Quan của họ đã từng nói đó là việc làm rất sai trái, nếu nước Nam đem chuyện này nói với người Anh, người Anh sẽ không tha thứ đâu. Như nay ta đã giao thiệp mật thiết với người Anh, tuy người Anh chưa hẳn đã táo bạo gây khó cho Pháp, nhưng cái thế rồi dần dần cũng sẽ đến. Như vậy người Pháp biết ta đã có người giúp tay, lại có trinh thám dò xét mọi động tĩnh của họ; lại bị ta dùng kế bủa lưới bao vây bốn phía (có nhiều điều, nay chưa kịp nói); lại biết lực lượng của ta dần dần đủ để chống lại họ; lại biệt ta đã phá vỡ mưu kế của họ; lại biết ta phải mà họ trái thì phải sợ mà chùn không dám hành động nữa. Sau đó sẽ nhân cái tệ của họ mà ta thực hiện mưu kế thì cũng dễ dàng thôi. Nếu không thì như bài bẩm năm trước tôi đã nói đến hai con đường phía Nam thông Cao Miên, phía Bắc thông Vân Nam. Hiện nay ba tỉnh ngoài họ đã không trả[17] ba tỉnh trong lại lăm le muốn lấy, rồi tương lai sẽ gây biến động gì nữa, cứ suy việc trước ắt biết. Nay nếu thực hành cái kế đó người Pháp sẽ nghi ngờ mà xa lìa người Anh. Ta sẽ lợi dụng tình trạng đó mà xoay trở công việc. Đó là điều lợi thứ ba.

    Thứ tư là nhờ nước khác lấy danh nghĩa mà áp chế họ. Cái kế mưu sinh lớn của các nước phương Tây quá nửa là do lấy từ nước ngoài. Bồ Đào Nha là nước khởi đầu việc đó, rồi các nước khác tiếp theo sau. Phàm trên thế giới, tất cả những chỗ nào có nhiều lợi lộc chúng đều trố mắt vén tay chực mưu tính cả. Mối lợi nào chưa vào tay thì sợ người khác phỗng, khi đã lọt tay rồi thì sợ người đến sau giật lấy. Mình có thì không muốn người khác cũng có như mình. Mình không có thì không muốn người khác có. Vì sợ rằng bên này lợi thì bên kia hại, bên này thịnh thì bên kia suy, cho nên cái mưu kế tung hoành không hẹn mà gặp. Phàm nước nào hiếp ức người vô lý thì các nước sẽ hiệp lực với nhau để đánh lại. Trước hết lấy danh nghĩa ra mà trách, nếu biết trái mà dẹp thì thôi. Hiện nay các nước nhỏ ở phương Tây và các nước khác trên thế giới đã từng bị phương Tây xâm lăng ngược đãi, không nước nào không dùng kế này để cầu an. Thường thường các nước lớn hay đánh lẫn nhau mà các nước nhỏ thì ngồi xem thành bại, không hề mất một mũi tên. Những chứng cớ như thế rất nhiều không thể kể hết. Ngày nay, nếu ta biết qua lại giao thiệp với các nước lớn phương Tây, gây được mối tình cảm, rồi dùng cái xảo kế để ly nước này, hợp với nước kia. Người Pháp dù muốn thừa cơ hội nhưng nếu các nước chịu tuyên bố giúp ta một lời thì người Pháp cũng sẽ lo sợ không dám làm càn, sợ động đến sự phẫn nộ của các nước, họ còn sợ các nước sẽ nghĩ đến việc báo thù vua bác của họ trước đây đã tiến binh chinh phạt (Ông vua này đã diệt Hà Lan, phế Y Pha Nho, lấy Bồ Đào Nha, thôn tính Ý Đại Lợi, Thuỵ Sĩ, các nước Nhật Nhĩ Man (Germanie), quá nửa Phổ Lỗ Sĩ, lấy các nước Áo Đại Lợi, Ách Nhật Đa (?), Đan Mạch và xâm nhập thủ đô của người Nga. Những việc này xảy ra năm Gia Khánh thứ 10). Nếu người Pháp vì quá tham mà không nhả thì các nước sẽ dồn lực để thực hiện lời tuyên bố trên. Tiếng là làm việc nghĩa nhưng thực là để báo oán đấy. Rồi ta lại qua nước La Mã thông hiếu với Giáo hoàng. Giáo hoàng tuy không dùng binh quyền nhưng thực ra là người chiết trung mọi việc tranh chấp của các nước và vốn được các nước khâm phục chiêm ngưỡng. Nếu Giáo hoàng cũng cho việc giúp ta là phải, thì mọi người đều vui lòng thực hiện, ta không lo người Pháp không nghe. Nếu kế đó thi hành được, thì sớm muộn ta cũng thoát khỏi sự ràng buộc của người Pháp như các nước vậy. Đó là điều lợi thứ tư.

    Thứ năm là nhờ các nước để đề phòng các nước. Kế này rất là lâu dài, cũng rất thượng sách. Không đầy 10 năm sau ta lại có mối lo khác, cho nên nếu ngày nay sớm biết đề phòng, thì ngày sau mới có công việc. Bởi vì người phương Tây thường hay nhân lúc người ta có nội loạn mà cướp đoạt mối lợi ở ngoài của người ta. Cũng có khi vì xa không trông coi được mà dùng các lấy xa đổi gần. Những quyền lợi ở phương Đông hiện nay 10 phần đã thuộc về nước Anh đến 6, 7 rồi. Duy có Y Pha Nho chỉ còn Lữ Tống, Hà Lan chỉ còn Trảo Oa và linh tinh một số nhỏ nữa mà thôi. Còn người Nga thì đã bao chiếm tất cả miền Bắc của phương Đông. Nhưng sự thông thương sang phương Đông của người Nga phải theo đường bộ, nên chậm, còn người Anh thì theo đường biển nên nhanh. Hiện nay Đại Thanh đã cho người Nga phân nửa đất đai phía Bắc Cát Lâm. Các vùng thuộc Hồi giáo ở Tây Vực cũng đã nhập vào bản đồ nước Nga hết cả rồi. Ý đồ của người Nga sẽ còn muốn dòm ngó cả Ấn Độ nữa. Nói về lực lượng thì người Anh không bằng người Nga, nhưng nói về kỹ thuật thì người Nga không bằng người Anh, mà sau người Anh là đến người Pháp. Việc chiếm đoạt phương Đông, Anh Nga đến trước, Pháp đến sau. Hơn nữa, hiện nay vua Pháp đang âm mưu làm một việc mà cả phương Tây rất ghét và tạo vật cũng rất kỵ. Ở phương Tây từ trước đến nay chưa nước nào phạm việc đó, mà không bị bại loạn cả. Vì vậy hôm trước tôi đã bẩm với Phạm, Ngụy[18] hai đại nhân nên lấy kỳ hạn 10 năm để khôi phục chính là vì lẽ đó. Nhưng ta với Pháp thì xa mà Anh với Pháp thì gần, nếu xảy ra việc gì chỉ trong một ngày có thể biết ngay. Đem binh lính hùng cường của phương Đông dồn hết lực lượng ra tranh hùng với người Pháp để bù lại sự thua thiệt trước kia, đó vốn là cái ngón thường dùng của người Anh. Tất cả những nước Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Y Pha Nho, Đại Ni Á (?) có những thương cảng ở phương Đông và phương Nam xưa kia, nay đã thuộc về Anh đến 8, 9 phần 10 rồi. Ấy là do lấy cái này đổi cái kia, hoặc nhân lúc suy yếu mà nhường đất cho Anh để mong ngày sau sẽ chuộc lại, hoặc thấy người Anh có ý vậy nên không đánh nữa mà tự rút lui để giữ nhân tình. Ba trăm năm nay giữa các nước những chuyện trao cái nọ đổi cái kia, cướp đi giật lại, có khi một thị trường nhỏ mà thay đi đổi lại như thế đến mấy chục lần. Người Anh tuy thường giữ lễ nghĩa nhưng trong bụng vẫn thèm muốn cái thiên nhiên hiểm yếu Gia Định của ta, ý đó chẳng phải mới một ngày đâu. Một mai, nếu người Pháp có việc gì người Anh sẽ lấy một thương cảng nào đó ở Tây Châu gần thuộc địa của Pháp để đổi cho Pháp. Nếu không, xem ra cái thế có thể cướp được thì cướp đoạt luôn để bao chiếm hết cả những chỗ quan trọng của phương Đông. Thế nghĩa là cả miền đất đai ấy không người này chiếm thì người kia chiếm. Nếu ngày nay ta biết giao hảo với người Anh trước để đề phòng đường biển, sau sẽ thông thương với nước Nga để đề phòng đường bộ. Cho dẫu sau này thời thế biến đổi thì trước kia người Anh đã lấy cái việc người Pháp tìm cớ cướp nước ta cho là trái lẽ, mà nay lại thủ tiêu tình bạn bè để cướp nước ta mà cho là phải hay sao? Vả lại, trước kia người Anh đã có cảm tình nồng hậu đối với ta mà hết lời tán dương chính nghĩa của ta để giải thoát cho ta. Việc đó cả thiên hạ đều nghe thấy. Thế mà nay lại thấy lợi quên nghĩa. Thế thì trước kia người Nga cũng đã từng có cảm tình với ta, nay thấy việc bất bình như vậy biết đâu chẳng vì ta mà từ Tây Vực choàng ngay vào sào huyệt của Anh? Nếu sớm dùng kế này thì không những tính trước được lâu dài mà cũng do đây đạt được cái lợi gần như nói trong 4 điều trên. Nếu không, cứ sợ đuổi Tần này lại sinh một Tần khác[19], cứ nghĩ rằng một lần ngã còn được, ngã lần nữa thì bị thương. Đó mới thật là mối hại lớn. Mưu trí của người quân tử để lại chẳng riêng cho bản thân mình mà cốt để cho con cháu. Huống chi đây là việc nước vô cùng trọng đại lẽ nào không sớm lo liệu hay sao? Đó là điều lợi thứ năm.

    Thứ sáu là dùng người khác để đánh họ. Ta đã thực hành năm cách trên đây để cầu giúp từ bên ngoài, như con rết một trăm chân không ngã là do có nhiều chân vậy. Sau đó mới nhờ người ngoài để giúp đỡ bên trong. Nay nhìn sang phương Tây thì dù đứa bé con cũng hiểu được cái tâm lý là hai nước mạnh không chịu thua nhau, chứ không phải chỉ riêng nước Pháp mới như thế. Nếu ta đi lại với Anh, biết rõ tính tình của họ rồi chiêu mộ những người Anh sống lưu vong ở hải ngoại, cho họ tiền của, cư xử tốt để được lòng họ, rồi nhờ họ huấn luyện binh lính quân ngũ cho ta (Binh pháp của người Anh rất giỏi). Những người này không suy nghĩ gì viễn vông cả, hễ được thỏa thích là họ xông lên, không như quân ta sợ trước ngó sau. Huống chi đây lại đối đầu với kẻ mà họ ghét, xuống tay với kẻ tương tranh. Cho nên trước đây khi Pháp nghe đồn nước ta thu nuôi người Anh, họ rất lo ngại. Vì họ vốn có bụng sợ quân Bắc kỳ một vài phần, nếu có người Anh đốc suất điều khiển nữa thì họ càng thêm nao núng. Bởi vì họ đã biết rõ những người này có thể liều chết vì người khác, lại giỏi dụng binh, giữ thành. Các nước sở dĩ chống được với phương Tây cũng đều dùng kế đó. Như trong thời Càn Long, người Anh đã lấn dần như tằm ăn cả 4 miền Đông, Trung, Tây, Nam của Ấn Độ, duy chỉ có miền Shikhs bắc Ấn Độ dùng người Pháp làm tướng, cho nên người Anh thu giáo về bàn chuyện hòa hiếu, chưa dám manh tâm. Đợi đến khi viên tướng Pháp kia chết người Anh mới đem quân xâm nhập cắt chiếm hơn nửa phần đất. Lại như các nước Tây Châu giải thoát được bàn tay độc của phương Tây phần nhiều cũng dùng kế đó. Vả lại ngày nay ta dùng kế đó là cốt để tự cường bên trong. Con mãnh hổ có mặt trên núi thì bầy cáo không dám ngấp nghé. Nhờ đó việc dẹp giặc loạn bên trong không khó mà đề phòng hoạn nạn bên ngoài cũng dễ. Vì rằng người Pháp biết ta đủ sức phục thù tất sẽ tụ hợp các nước khác để ứng viện. Nhưng ta đã được sự đồng tình của các nước rồi, thế tất các nước cũng nhân đó mà ngăn chặn lại. Nếu người Pháp thấy phải mà không chịu nghe cứ muốn cướp nước ta, thì sẽ bị cô thế không ai chi viện, còn lực lượng của ta thì đã được củng cố, như thế cũng chẳng đáng sợ. Huống hồ người Anh đã ở với ta thì chính phủ Anh tất phải theo giúp, nếu để thua sẽ tổn hại uy danh. Hiện nay Pháp đem thêm quân lính sang và tương lai những binh thuyền sở thuộc ở phương Đông cũng sẽ dần dần tập trung về Gia Định để làm cái thế chiếm đóng chỗ trọng yếu. Thêm vào đó Y Pha Nho ngày nay đã mất hết quyền ở các nước thuộc địa Tây Châu, chỉ còn đảo Lữ Tống ở phương Đông mà thôi, đảo này lại ở gần Bắc kỳ ta. Y Pha Nho là một nước rất sùng mộ đạo giáo[20], gần đây nghe tin ở miền Bắc việc giết giáo dân chưa yên, cũng sẽ nhân cớ đó mà trách ta không giữ đúng lời hứa, để rồi sẽ giúp nghịch đảng chống ta. Còn người Pháp nhân nay nghe tin quân Bắc vào Bình Thuận, mai nghe quân Bắc vào Gia Định (tin đồn này do các thương thuyền phía Nam Quảng nam vào Gia Định tung ra) thì tất cả những ông quan muốn lập công ở hải ngoại sẽ tâu lên loạn xạ để chứng minh cho lập trường của họ. Ngoài ra còn có bọn giặc ở phía Bắc luôn luôn qua lại hai nước, dùng lời xảo quyệt để thực hiện mưu đồ của chúng. Vậy nay ta phải xử sự cho khéo, bình tĩnh đề phòng đừng để hai nước tìm đựơc chỗ hở nào của ta cả. Lại phải thông hiếu gấp đừng để chúng kết hợp lại với nhau, phải gấp rút chiêu mộ những tay vong mệnh để áp đảo khí thế của họ, trước hãy làm cách không thể thắng để chuẩn bị thắng địch. Đó là điều lợi thứ sáu.

    Đã thực hiện được sáu điều lợi rồi, dần dần có cơ hội, tôi xin đem các điều ngấm ngầm làm tổn hại địch trong bài “Tế cấp luận” ra thực hiện dần dần thì sẽ như lấy trăm kim mà chích làm cho họ nằm ngồi không yên. Sau đó bồi luôn cho một nhát dao thì thế nào cũng chết. Huống chi “Tế cấp luận” là thâu tóm trí khôn của thiên hạ 500 năm nay, đâu phải chuyện một ngày có thể làm được hết. Một nước dùng kế trong một nước cũng đủ chả cần phải mượn tài ở nước ngoài. Nhưng muốn chế ngự thiên hạ thì cũng phải dùng mưu trí của thiên hạ mới được việc. Bởi vì đại thế trong thiên hạ thường cứ 6, 7 trăm năm có một lần biến đổi lớn, thì cái trí thuật cũng theo thời thế mà tăng, việc làm cũng phải tùy theo thời mà định liệu. Nếu lợi cho dân thì không cứ phải theo xưa, nếu thích hợp thì không cứ phải chạy theo cũ, nếu học điều khôn thì không cứ là của địch hay của ta. Kinh Dịch có nói: Khi con rồng đang nằm ẩn náu thì không nên dùng nó. Câu ấy có nghĩa là không nên trái thời.

    Những điều trên đây là trình bày đại thể, nói chung là trước thuận theo sự đặt định của tạo vật, sau ra sức thực hiện để cứu vãn tình thế. Vậy muốn áp dụng kế này phải gấp rút khai thác các nguồn lợi và phải nhờ người khác giúp sức. Các mưu kế đó nếu được gấp rút ứng dụng thì dần dần sẽ thấy kết quả. Nếu chậm ứng dụng thì dù chậm đến đâu cũng không thể nào bỏ qua không dùng những kế đó, mà có thể chống lại được với địch. Còn như tự Triều đình thấy mưu kế chước thuật gì hay hơn, điều đó tôi không dám biết. Nhưng theo kiến thức của tôi thu thập được trong thiên hạ, thì nếu bỏ kế đó sẽ không có kế sách nào khác nữa. Hơn nữa dùng kế này không những chống được Pháp, mà còn đề phòng được thiên hạ. Nếu cho rằng kế này quá phiền phức mà chậm, tức không biết rằng muốn thành việc lớn phải đấu tranh hàng trăm năm, chứ đâu phải một hơi mà được. Nhà Đường mất Lưỡng Hoài[21] phải đến hàng ba chục năm mới khôi phục được huống chi đây là một kẻ địch hùng mạnh. Cho nên bắt chim, đâu phải chỉ có một mắt lưới mà được. Nay dùng một mắt lưới mà muốn bắt được chim thì làm sao được? Bờ đê có hàng vạn lỗ hang chỉ chận một lỗ mà muốn bắt được cá thì làm sao được? Trên thế giới có nhiều nước nhỏ đã thực hiện được, sao ta lại không làm được?

    Trong bài có nói về các khoản khai thác nguồn lợi dù kẻ địch có biết cũng không hại gì. Còn như các điều khoản nói về người giúp đỡ, nếu tiết lộ ra khiến họ tìm cách ngăn chặn ta sẽ khó thực hiện được ý muốn, cho nên phải hết sức cẩn thận. Còn như sẽ làm theo đường lối nào và sử dụng ngôn ngữ gì thì tôi sẽ cùng với ông Nguyễn Hoằng xin hết sức làm để giúp muôn một.

    Nay kính bẩm.


    Nguồn: dunglac.org



    * Nguyên văn chữ Hán: Hv 189/1 tờ 2-23

    Hv 634/4 tờ 78-127

    Hv 135 tờ 75-103

    NAM PHONG số 119 trang 3-11.

    Nếu so sánh các bản văn, chúng ta thấy:

    Hv 189/1 và Hv 634/4 giống nhau hầu như hoàn toàn: Cả hai cùng chép sót một đoạn khoảng 237 chữ; cả hai cùng có đầu đề Dụ tài tế cấp bẩm từ; cả hai ghi ở đầu bài “11 tháng 2 năm Tự Đức 16”.

    Có lẽ người chép Hv 189/1 và Hv 634/4 tưởng lầm bản văn này là Tế cấp luận, là bản văn được gởi cùng với Giáo môn luận (11 tháng 2 Tự Đức 16). Nhưng bản văn này không phải là Tế cấp luận, bởi vì có trích dẫn Tế cấp luận. Nói “11 tháng 2 Tự Đức 16” là quá sớm, bởi vì trong bài có nhắc đến bài Trần tình năm trước.

    Hv 135 và NAM PHONG cũng rất giống nhau, chỉ có vài chỗ do chép sai, sắp chữ sai hoặc do nhà báo tự ý sửa chữa hay cắt bỏ. Cả hai cùng có đầu đề Lục lợi từ, nhưng lại không có phần cuối nói về sáu điều lợi, cả hai cùng ghi ở cuối bài: “Ngày 23 tháng 7 năm Tự Đức 19”, có thể là do người sao lục lầm, bởi vì nói 23 tháng 7 năm Tự Đức 19 là quá muộn, bởi vì trong Khai hoang từ (tháng 1 năm Tự Đức 19) đã có nhắc tới Lục lợi từ năm trước.

    Ông Từ Ngọc Nguyễn Lân, sđd, có nhiều trích đoạn của “Lục lợi từ tháng 5 năm Tự Đức 17”. Ông Đào Duy Anh và Đào Đăng Vỹ cũng có nói tới “Lục lợi từ năm Tự Đức 17”.

    Nguyễn Trường Tộ, trong nhiều bản văn sau này, có nói nhiều đến Lục lợi từ, mà không hề nói tới Dụ tài tế cấp bẩm từ. Tuy nhiên bản văn mà chúng ta có trong Hv 189/1 và Hv 634/4 là một bản văn rất hoàn chỉnh gồm một lời mở đầu triển khai một phần bài Phân hợp đại thế luận nói về lẽ mất còn và hưng thịnh của một quốc gia cùng với ba phần rõ rệt:

    Phần một: trả lời những điều các vị trong Triều đình hỏi về đúc súng và chất nổ.

    Phần hai: nói về  những kế hoạch làm cho đất nước giàu mạnh (Dụ tài)

    Phần ba: nói về sáu điều lợi (Lục lợi) trong kế hoạch ngoại giao chống Pháp.

    Bài này có thể triển khai rộng những điều đã nói trong di thảo số 4. Trong bản văn này có nói: “Hôm trước tôi đã có bẩm với hai đại nhân Phạm, Nguỵ” (xem chú thích văn bản số 4)

    [1] Địch quốc ngoại loạn: Nước thù địch, hoạn nạn từ bên ngoài. Mạnh Tử nói: Nước ta không có địch quốc ngoại hoạn thì thường dễ bị mất.

    [2] Đổng Trọng Thư nói rằng: Lòng trời thương yêu người nên sinh ra nhiều chuyện bắt người phải suy nghĩ, tính toán.

    [3] Một nhân vật truyền thuyết, một người giỏi nghề bắn.

    [4] Đoạn giữa hai ngoặc đơn chữ xiên (“Nhưng muôn vật… chứng cớ vậy”) không có trong NAM PHONG, có thể do nhà báo cắt.

    [5] Đoạn giữa từ “Cho nên bậc tiên hiền…” cho tới “chỉ biết lý thuyết” bản Hv 189/1 chép sót.

    [6] Từ đây trở xuống, tác giả sẽ nói đến ba phần như trong câu này tác giả đã giới thiệu.

    [7] Phần I, tác giả trình bày sơ lược các phương pháp làm hột nổ v.v… để trả lời những điều được hỏi đến.

    [8] Đoạn giữa từ “Cho nên bậc tiên hiền…”[5] cho tới “chỉ biết lý thuyết” bản Hv 189/1 chép sót.

    [9] Nguyên văn: “Háo họa ly mỵ nhi tắng họa cẩu mã”, câu của Hàn Phi Tử. Nghĩa là thích vẽ ma quỷ vì ma quỷ không có chân dung, không có thực hình, muốn vẽ thế nào cũng được, ai biết đúng sai đâu mà nói. Còn ghét vẽ chó ngựa vì có hình dáng cụ thể, nếu vẽ sai là người ta biết ngay.

    [10] Đông Hải cao sĩ: Người có học có danh tiếng ẩn cư ở Đông Hải, không chịu làm việc mà chỉ nói suông, thường bày ra những luận điệu cao kỳ làm trở ngại việc nước. Thái Công nghĩ rằng để ông ta không có gì lợi mà có hại, nên đem giết đi.

    [11] Đoạn chữ xiên “Có người nước ngoài” đến “giúp ta vậy” không có trong NAM PHONG, có thể do nhà báo cắt.

    [12] Bản NAM PHONG chấm dứt ở đây với câu: Ngày 23 tháng 7 năm Tự Đức 19. Đây là phần III tác giả nói về sự lý của sáu điều lợi lớn. Đó là điều khẩn cấp nhất trong bài Tế cấp luận của tác giả.

    [13] Bản Hv 135 chấm dứt với câu ghi: Ngày 23 tháng 7 năm Tự Đức 19.

    [14] Napoléon I bị Anh đày ra đảo Elbe rồi lại đày ra đảo Saint Helène.

    [15] Tức Thái Bình Dương, chứ không phải là Đông Dương, Nam Dương ngày nay. Nguyên văn nói: “Đông Dương”, nhưng Đông Dương là biển đông, “Nam Dương”.

    [16] Hòa ước 5-6-1862 điều 4.

    [17] Khoảng tháng 6, 7-1864, tuy Aubaret tới Huế thương lượng về Hòa ước mới thay cho Hòa ước 5-6-1862, nhưng trong lúc Aubaret trên đường về Sài Gòn thì chính phủ Pháp đã điện cho Lagrandière không rả lại ba tỉnh. Ba tỉnh trong (nội tam tỉnh) tức ba tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa và ba tỉnh ngoài (ngoại tam tỉnh) tức ba tỉnh Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên.

    [18] Phạm Phú Thứ, Nguỵ Khắc Đản trong thời gian phái bộ Phan Thanh Giản ở Sài Gòn chờ tàu đi Huế (từ 18 đến 24-3-1864).

    [19] Mất Tần Thuỷ Hoàng thì lại vấp phải Hạng Võ. Câu trên ý nói Hạng Võ thì cũng ác không kém Tần Thuỷ Hoàng.

    [20] Chỉ cho đạo Công giáo.

    [21] Tức Hoài Bắc và Hoài Nam. Đời Đường gọi các miền đất phía Bắc và phía Nam sông Hoài là đạo Hoài Bắc, đạo Hoài Nam.

    http://www.triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/tu-tuong-viet-nam/di-thao-nguyen-truong-to-di-thao-so-05_156.html


    Không có nhận xét nào