Thứ 4, ngày 1 Tháng Năm năm 2013 " Với cái ý thức hệ khá đầy đủ trên đây của một nhân bản toàn diện giải đáp cho con người về cả ba phương diện: người với thiên nhiên, người với người trong xã hội, người với mình trong tâm lý cá nhân. Xã hội chính trị Việt Nam đã lấy xã thôn làm cơ sở cho tổ chức dân chủ xã hội nguyên thuỷ mà Đình làng là tiêu biểu nhất vừa là nơi thờ tự Thần hoàng, vừa là nơi hội họp hội đồng kỳ mục để bàn bạc việc kinh tế, hành chánh của làng. Đấy là bằng chứng cụ thể cho cái tinh thần văn hóa, chính trị hợp nhất cả Đạo và Đời, siêu nhiên với hiện thực". Hàng năm, đến ngày mồng 10 tháng 3, nhân dân Việt Nam trước đây từ cấp lãnh đạo cho đến nông dân các cấp xã hội, kéo nhau đến trước đền thờ vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh tỉnh Phú Thọ làm lễ Quốc tế, nơi cố đô Phong Châu của nòi giống Việt. Đấy thật là một vị trí hùng vĩ của giang sơn khi mới mở, phía đông là núi Tam Đảo, phía nam là núi Tản Viên, ở giữa nhìn xuống hai giòng Lô giang và Thao giang, gặp nhau ở Bạch Hạc. Giữa đền trên, một bức hoành phi với bốn chữ đại tự: VIỆT NAM TRIỆU TỔ (Việt Nam thuỷ tổ dựng nước). Trên bàn thờ có mười ba chữ bài vị: ĐỘT NGỘT CAO SƠN CỔ VIỆT HÙNG THỊ THẬP BÁT THÁNH VƯƠNG VỊ: Vòi vọi núi cao họ Hùng nước Việt xưa 18 bài vị vua thánh. Thật là phong cảnh vĩ đại, dấu địa linh con Lạc cháu Hùng. “Mấy tầng vây bọc, chọc trời muôn trượng lâu đài. Bốn vách điểm tô, khắp đất một bầu phong nguyệt”. Quốc sử diễn ca rằng: “Kể từ trời mở Viêm bang, Sử đầu có họ Hồng Bàng mới ra. Cháu đời Viêm Đế thứ ba, Nối dòng hỏa đức gọi là Đế Minh. Quan phong khi giá Nam hành, Hay đâu Mai Lĩnh duyên sinh Lam kiều, Vụ Tiên vừa thủa đào yêu, Xe loan nối gót tơ điều kết duyên. Dòng thần sánh với người Tiên. Tinh anh nhóm lại thánh hiền nối ra.” Đấy là tín ngưỡng nòi giống Rồng Tiên của dân tộc Việt trải bốn ngàn năm một nước “Văn hiến chi bang”. Chúng ta không biết Việt Nam là một nước Văn hiến kể từ bao giờ, chỉ biết trên đất Giao Chỉ gồm Quảng Đông, Bắc Việt và phía bắc Trung Việt ngày nay vốn là nơi gặp gỡ của hai chủng tộc, một thuộc về văn minh Đông Sơn mà di tích tiêu biểu trống đồng hiện thấy rải rác từ phía nam Dương Tử cho đến Nam Dương quần đảo, và một thuộc về văn minh Lạch Trường mà di tích tiêu biểu là Cổ mộ thiên động rải rác từ Tứ Xuyên xuống đến Thanh Hóa. Có lẽ vì sự gặp gỡ hai chủng tộc thuộc hai tinh thần văn hóa, một chủng tộc từ lục địa phương Bắc xuống với một chủng tộc từ hải đảo phương Nam lên, cho nên dân Việt ta đã lý tưởng hóa thành dòng dõi Rồng Tiên. Nhưng đấy là tín ngưỡng truyền thống dân tộc và đã là tín ngưỡng thì nó có một giá trị thiêng liêng ở đức tin tập thể. Một hôm, học trò Khổng Tử là Tử Cống hỏi thầy về chính trị phải làm thế nào? Khổng Tử đáp: “Phải đủ ăn cho dân, phải đủ binh để bảo vệ cho nước, phải cho dân tín ngưỡng”. Tử Cống lại hỏi: “Nếu bất đắc dĩ mà phải bỏ một trong ba điều kiện: thực, binh và tín thì nên bỏ cái nào trước”? Khổng Tử đáp: “Nên bỏ binh đi trước!” Tử Cống lại hỏi: “Nếu bất đắc dĩ trong hai điều kiện còn lại là thực và tín thì nên bỏ điều gì trước?” Khổng Tử đáp: “Bỏ sự ăn đi, bỏ ăn mà chết thì xưa nay người ta vẫn chết, nhưng nhân dân mất tín ngưỡng thì không tự lập được”. (Luận ngữ) Đấy là tín ngưỡng đối với chánh trị của một dân tộc trọng đại là nhường nào. Nguyễn Trãi am hiểu cái sức mạnh ấy lắm đối với nhân dân nên đã cảnh cáo Lê Lợi: “Dân như nước, có thể chở được thuyền có thể đánh đắm thuyền”. “Dân như thuỷ, năng tái chu, năng phúc chu”. Đấy là do sức mạnh của tín ngưỡng cho nên dân ngu mới có sức mạnh như thần lực. Và Swami Vivekananda trong bài nói về sự thiết yếu của tín ngưỡng tôn giáo đã tuyên bố: “Trong tất cả các sức mạnh đã hành động và còn đang hành động để uốn nắn vận mệnh của loài người, thì hẳn rằng không một sức mạnh nào mạnh hơn là cái sức biểu hiện ra gọi là tín ngưỡng tôn giáo. Tất cả những tổ chức xã hội đều xây dựng trên nền tảng của cái sức mạnh đặc biệt ấy, và cái động cơ cấu kết vĩ đại nhất giữa các phần tử nhân loại với nhau cũng do cái năng lực tôn giáo tạo ra cả. Một điều rất hiển nhiên cho tất cả chúng ta là ở rất nhiều trường hợp sự đoàn kết của tôn giáo đã chứng minh mạnh hơn cả sự đoàn kết của chủng tộc hay thuỷ thổ, mạnh hơn cả thân tộc nữa. Ai cũng biết rằng những người cùng tôn thờ một Thượng Đế, tín ngưỡng cùng một tôn giáo, đoàn kết với nhau chặt chẽ và bền bỉ hơn cả những người cùng một họ, hơn cả anh em ruột nữa”. (Lectures on Jnana Yoga by Swami Vivekananda) Sự thực trong lịch sử thế giới từ xưa đến nay, từ Đông chí Tây chúng ta thấy biết bao nhiêu đế quốc xây dựng trên sức mạnh của võ lực, của kinh tế, hay của pháp chế hết sức vĩ đại như đế quốc La Mã, đế quốc Tần Thuỷ Hoàng, đế quốc Mông Cổ chẳng mấy chốc đã sớm tiêu tan so với các đạo thống của Phật giáo, của Thiên Chúa giáo, của Khổng giáo, của Ấn Độ giáo, của Hồi giáo. Cho hay sức mạnh của tín ngưỡng là một liên hệ đoàn thể thống nhất bền bĩ, thâm sâu và bền bĩ hơn cả liên hệ kinh tế, chính trị hay là binh bị, gọi chung là pháp thống vậy. Sở dĩ dân tộc Việt Nam chúng ta, sau sự thất bại của Trưng Nữ Vương với đế quốc nhà Hán phương Bắc trải suốt hơn một ngàn năm Bắc thuộc mà không bị đồng hóa là nhờ có cái tín ngưỡng dân tộc kiên cố bền bĩ vào Tổ quốc. Đấy là đạo thống của Việt tộc, tín ngưỡng vào cái Hồn chung của đoàn thể tức là Hồn nước, Quốc tuý, Quốc hồn vậy. Chứa chan máu quốc, nước vẩn vơ hồn. (Phan Bội Châu) Vậy hồn nước là gì? Theo Nhân loại học về lịch sử, tâm lý xã hội hiện đại thì ở thời tiền sử, kỹ thuật chưa có loài người sinh sống theo sông ngoài để bắt cá hay là vào rừng núi để rình mồi. Đấy là thời ăn lông ở lỗ, ăn sống nuốt tươi, ý thức chưa phát triển, chắc hẳn bấy giờ chưa có cái chi gọi là Hồn nước. Xã hội là xã hội mẫu hệ mà cổ sử Tàu gọi là thời kỳ “tri mẫu bất tri phụ, dã xử huyệt cứ” (Hàn Phi Tử). Xã hội ấy là xã hội cộng sản nguyên thuỷ, chưa có phân công còn sống chung đụng. Nhưng cái đoàn thể ấy sớm ý thức cái liên hệ của mình để phân biệt với đoàn thể mẫu hệ khác vì cái lệ “dị tộc hôn nhân” (exogamie) và mỗi đoàn thể tôn sùng một vật tổ (totem) khác nhau, như Rồng, Tiên, Mặt trời, Gà trống v.v… Giữa Vật tổ với các phần tử người trong đoàn thể phảng phất một mối quan hệ thần bí như nhà xã hội học Pháp đã nhận thấy: “Nếu Vật tổ là con sói thì tất cả các phần tử của một bộ lạc đều tin rằng tổ tiên mình là sói và đều có tính tình của loài sói. Cho nên họ ứng dụng vào chính bản thân họ cái tên là ‘Bộ lạc Sói’”. Vậy một bộ lạc là một Lang như người trên thượng du Bắc Việt, và một Lang là một xã hội gia tộc, một đại gia đình, trong đó tất cả phần tử tự coi nhau như là bà con thân thuộc với nhau, đồng bào, đồng chủng: Bầu ơi thương lấy bí cùng Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Tình đồng bào ấy thật ra không phải cùng một huyết thống cha mẹ đẻ ra mà là cái mối quan hệ có tính chất thần bí tín ngưỡng, chính cái tín ngưỡng Vật tổ, vì ở các dân tộc bán khai xa cách nhau hết sức mà cũng có tính chất giống nhau tương tự với nhau. Phải chăng đấy là nguyên lai đầu tiên của tôn giáo mà Vật tổ là biểu tượng cho Tổ quốc? Theo nhà xã hội học Durkheim thì trong xã hội mẫu hệ thờ chung một Vật tổ có những giới điều cấm đoán rất nghiêm như cấm đoán loạn luân chẳng hạn. Sở dĩ người ta lấy hệ thống của Mẹ là vì người đàn ông khi lấy vợ phải đến ở nhà vợ cho nên cái vật linh của đoàn thể chỉ truyền lại cho con cháu theo mẫu hệ. Trong một gia tộc Vật linh ấy, không phải người Mẹ cầm quyền mà quyền bính lại thuộc về toàn thể gia tộc, có chủ quyền về tài sản công cộng. Như thế thì ở xã hội gia tộc Vật tổ ấy người ta đã có một ý thức tập thể, một cái hồn chung cho cả đoàn thể, có tính cách thần bí thiêng liêng, choán mất hết cả ý thức cá nhân. Cái Hồn chung ấy là lý tưởng, là lẽ sống của mọi phần tử trong một đoàn thể. Đây là nguyên lai ý niệm Tổ quốc vì Vật tổ là Tổ tiên thần bí của đoàn thể vậy. Trước khi các bộ tộc tìm định cư vào một lãnh thổ nhất định, hay còn du mục, lang thang nay đây mai đó thì cái ý thức Vật tổ đã có rồi. vật cơ bản thống nhất xã hội riêng biệt khởi kỳ thuỷ thuộc về loại tín ngưỡng tinh thần chứ không phải cơ bản lãnh thổ địa lý. Đấy là Hồn nước, đấy là Tổ quốc. (Một dân tộc, như Ernest renan tuyên bố ở Đại học Sorbonn ngày 2 tháng 3 năm 1882, là một linh hồn, một nguyên lý tâm linh. Hai vật mà thật sự chỉ là một, đã cấu tạo ra cái linh hồn ấy, cái nguyên lý tâm linh ấy. Một vật thuộc về cái gia bảo chung, đầy những di tích kỷ niệm. Một vật là sự đồng tâm nhất trí hiện tại nguyện vọng sống chung, ý chí kế nghiệp làm vẻ vang các gia bảo đã thừa hưởng bất phân của tiền nhân. Ở quá khứ một gia tài những vinh quang và tiếc nhớ để san sẻ. Ở tương lai một chương trình tương tự để thực hiện. Đã cùng nhau đau khổ, sung sướng, hy vọng, đấy còn hơn là những biên giới thương chính chung và những biên giới theo kế hoạch chiến lược, chiến thuật. Đấy là cái gì để cho người ta thông cảm với nhau mặc dù có những phức tạp về chủng tộc và ngôn ngữ khác nhau. Đã từng cùng nhau đau khổ. Đau khổ đoàn kết người ta thân mật chặt chẽ hơn là sung sướng. Để kỷ niệm một dân tộc thì quốc tang có giá trị hơn là vinh quang, bởi vì chúng đặt cho chúng ta những phận sự trách nhiệm chúng đòi hỏi một sự cố gắng chung. Một dân tộc là một đại đoàn kết tạo nên bởi cái ý thức về những hy sinh đã làm và sẵn sàng hưởng ứng. Một đại đoàn thể người nhiệt tâm và sáng suốt tạo nên một ý thức luân lý, một lương tâm gọi là Tổ quốc. Chừng nào cái ý thức lương tâm ấy tỏ ra sức mạnh của nó bằng những hy sinh của cá nhân phải đem phụng sự cho đoàn thể, thì cái ý thức lương tâm ấy là chính đáng. Nó có quyền được có thật.) Cái quan niệm một dân tộc là một linh hồn trên đây chính là tín ngưỡng truyền thống của nhân dân Việt Nam vào Tổ quốc, vào Hồn nước như cụ Phan Bội Châu đã kêu gọi: “Thương ơi! Công nghiệp tổ tông, Nước tanh máu chảy, non chồng thịt cao. Non nước ấy biết bao máu mủ, Nở nào đem nuôi lũ sài lang, Cờ ba sắc xứ Đông Dương, Trông càng thêm nhục nói càng thêm đau. Nhục vì nước mà đau người trước, Nông nỗi này non nước cũng oan. Hồn ơi, về với giang san”. (Ái quốc ca – Phan Bội Châu) Và Lê Thái Tổ sau mười năm đánh đuổi quân Minh, khôi phục giang san cũng dâng cống lên Tổ quốc như một linh hồn: “Vật gốc tự Trời, người gốc tự Tổ, ví như cây có gốc nước có nguồn. Gốc tốt thì lá tươi, nguồn sâu thì dòng dài. Nếu không nhờ ân nhân của Tiên Tổ bồi đắp sâu dầy, phúc đức kết tinh lớn lao thì đâu được thế”. “Ta gặp buổi nhiễu nhương hoạn nạn, mở nước dựng nền càng khó khăn. May Trời tựa dân theo, làm nên công nghiệp thực do Tổ tông tích đức luỹ nhân thì mới tới được” (Lam Sơn thực lục). Người Việt tin rằng Tiên Tổ của mình khác với người Tàu, thuộc nòi giống Bách Việt ở phía nam Lục địa Trung Hoa như chính sử gia Tàu Lã Sĩ Bằng gần đây đã nhận định rằng: (Ông Aurousseau ở “Bác Cổ học viện” đã suy đoán dân tộc Việt Nam nguyên xuất phát từ nhóm Bách Việt. Thuyết ấy rất chính xác. Gần đây những sự nghiên cứu và phát hiện về các phương diện khảo cổ học, nhân loại học, ngữ học, dân tộc học, đủ chứng minh cho thuyết ấy. Trong nhóm Bách Việt, một ngành đi xuống phương Nam, khiến cho dân tộc ấy trở nên một dân tộc có thể bảo tồn được chủng tính nguyên thuỷ, chưa hóa thành di dân bị Hán tộc đồng hóa, do điều kiện thuận tiện của địa lý. Cho nên trong khoảng bốn năm từ 221 đến 214 trước công nguyên nó có thể chống cự với quân nhà Tần. Từ Hán Vũ Đế diệt họ Triệu (III tr.cn) về sau, Việt Nam tuy thuộc vào Trung Hoa hơn một ngàn năm, thấm nhuần văn hóa Hán tộc nhưng không bị đồng hóa và thu hút, kết cục vào thế kỷ X nó đã thoát ly khỏi Trung Hoa, đứng độc lập. Còn như Âu Việt phía Đông, Mãn Việt, Triều Đà các chi Việt tộc khác từ thời nhà Hán đến nay đã bị hút vào trung tâm Hán tộc để bị đồng hóa mà trở nên dân Tàu ở các tỉnh Triết, Mãn Việt, Quế ngày nay vậy” (Đông Nam Á nghiên cứu chuyên san, t.3). Sở dĩ Việt Nam là ngành Việt tộc cuối cùng không bị như các chi ngành khác sát nhập vào Trung Quốc để bảo tồn lấy dân tộc tính cho tới ngày nay chính là nhờ ở cái sức mạnh mẽ của tín ngưỡng Địa linh, Nhân kiệt, tức là Hồn nước, vì trong cái tín ngưỡng cổ truyền Việt Nam là di tích Cổ mộ ở Lạch Trường đã xác chứng tín ngưỡng Tổ tiên với tín ngưỡng thiên nhiên hợp làm một ở Thiên động, người chết quàng trong hang động. Và ngược dòng lịch sử cái Hồn nước Việt tộc bắt đầu từ Hùng Vương dòng dõi Tiên Rồng, như nhà ái quốc Phan Bội Châu đã khóc nhà ái quốc Phan Châu Trinh… “Đấu Địa linh con Lạc cháu Hồng, người sao trước có sau không, kinh sấm sét hỡi đau lòng hậu bối!” Sử chép: “Một hôm Lạc Long Quân bảo với Âu Cơ rằng: “Ta là loài Rồng, nàng là loài Tiên, thủy hỏa tương khắc khó chung sống với nhau được”. Vợ chồng từ đấy phân ly, chia con làm đôi năm mươi con theo mẹ về núi năm mươi con theo cha xuống bể, cắt con trưởng làm vua Hùng nối ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang đóng đô ở Phong Châu nay là Bạch Hạc truyền mười tám đời đều gọi là Hùng Vương”. Từ đấy nàng ở lại phương Bắc với đàn con, chàng đi xuống phương Nam với đàn con. Ở bộ lạc du mục thì còn nhiều tính chất của xã hội cộng sản nguyên thuỷ. Đến khi chuyển sang định cư ở đồng bằng Bắc Việt ngày nay theo chế độ nông nghiệp, thì Lang biến thành Làng, tinh thần bái vật biến dần sang tín ngưỡng Tổ tiên, Vật tổ biến thành Tổ quốc lấy sơn hà xã tắc làm cơ sở, chế độ phụ hệ thay thế cho chế độ mẫu hệ để thích ứng với điều kiện kinh tế sinh hoạt mới từ thiên hạ vì công “biên sang” thiên hạ vì gia “cần phải có thừa tự cha truyền con nối”. Trong khi ấy thì Hán tộc ở phía Bắc tại lưu vực Hoàng hà đã dựng cơ nghiệp xong đang sửa soạn bành trướng xuống phương Nam… vì luôn luôn bị Bắc địch xâm lăng, Hán tộc mới ngó xuống miền Nam sông Dương tử của dân Bách Việt, sách Giao Châu Vực ký là sách sử cổ nhất Trung Hoa có viết: “Đời xưa, khi nước Giao Chỉ chưa chia làm quận, huyện, nghĩa là chưa bị Hán tộc đô hộ, thì lãnh thổ chia ra thành những cánh đồng gọi là Lạc điền. Trong những cánh đồng ấy, nước lên xuống theo thuỷ triều, dân cư cầy bừa những ruộng ấy để sinh nhai”. Giáo sư Maspero trường Viễn Đông bác cổ kết luận về nước Văn Lang của giống Lạc Hồng: “Xã hội có trật tự trên dưới và phong kiến tương tự với dân Thái, dân Mường ở miền Đà giang và các vùng giáp giới Bắc Việt với Ai Lao ngày nay. Người Bắc Việt bình dân không hay di chuyển và lập thành các đoàn thể nhỏ gồm các làng đặt dưới quyền cai trị của Lạc tướng thể lập. Những Lạc tướng giữ quyền tôn giáo, chính trị và binh bị. Về phương diện vật chất thì cũng khá tiến bộ. Dân ở Bắc Việt xưa kia cày ruộng không dùng cày và trâu mà dùng cuốc bằng đá chuốt. Họ đã biết cấy một năm hai mùa, và nếu thật họ biết lợi dụng được mực nước sông lên xuống để cho nước vào ruộng, thì họ cũng đã là những nhà nông giỏi. Còn về binh khí họ có những chiếc cung lớn độ vài thước cao để dùng bắn những mũi tên có tẩm thuốc độc, họ đã biết đúc đồng để làm mũi tên. Họ hay ưa vẽ mình, búi tóc đàng sau gáy và chít khăn cũng như bây giờ con cháu họ còn theo. Tuy rằng Triệu Đà gọi nước họ là “nước của dân lõa lồ” nhưng không nên hiểu theo nghĩa đen của lời ấy.” Xem như thế thì những truyện cổ tích thần thoại Việt Nam không hẳn là hoang đường mà còn hàm xúc ý nghĩa sâu rộng thâm trầm linh động, phản chiếu cái tiềm thức tập thể của dân tộc từ ngàn xưa về đời Hùng vậy. Đấy là ý nghĩa dân chủ và lõa lồ của Chử Đồng Tử, ngụ cả một triết lý hay tôn giáo thiên nhiên hay tự nhiên: “Lõa lồ cam phận khố nhường cha. No ấm tuỳ may chẳng quản mà, Bến nước một cần buông có lúc, Giang san riêng một bãi phù sa. Thuyền tiên đôi lứa duyên tiền định, Đạo Phật viên thành thắng nghiệp qua. Đạo Tổ trời Nam Đồng Tử trước, Thông thần một niệm Đạo không xa”. (Hội Châu Biên) Nhưng phản chiếu đầy đủ và trung thực cái tiềm thức xã hội nông nghiệp Việt Nam hơn hết là truyện cổ “Bánh chưng bánh dầy” một cặp bánh hình vuông, hình tròn dâng cúng Tổ tiên ngày Tết đầu năm Âm lịch. Đấy còn ngụ cả một ý thức hệ luân lý chính trị của dân tộc nông nghiệp thời tối cổ lấy Hùng vương làm khởi thuỷ, tượng trưng cho Quốc hồn, Quốc tuý vậy. Trước hết cái ý thức hệ ấy bắt đầu bằng cái ý nghĩa thiêng liêng của ba ngày Tết còn chi phối tư tưởng và hành động của chúng ta, người Việt từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến đô thị mãi tới nay chưa chút phai mờ, đúng như câu nói trứ danh của Tây phương: “Les traditions des morts pèsent d’un poids sur le cerveau des vivants” nghĩa là “truyền thống của người chết đè nặng trên đầu người sống”. Vua Hùng muốn chọn người thay thế mình để lãnh đạo quốc gia dân tộc mới gọi con cháu lại bảo: “Năm hết Tết đến phải nhớ sắm sửa lễ vật để cúng Tổ tiên”. Lời dạy ấy rất tự nhiên vì làm người ai mà chẳng có cái lương tâm biết ơn tiền nhân, trước hết là nhớ ơn người thân yêu đã quá cố, nhờ công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ: “Công cha như núi thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” Các người mất đi, chúng ta tin như còn phảng phất đâu đây: “Chồng nhớ vợ lòng tơ bối rối, Con thương mẹ luỵ ngọc tuôn dầm. Có linh chín suối đừng xao lãng, Thỉnh thoảng về thăm lúc tối tăm.” (Bùi Hữu Nghĩa) Chúng ta tín ngưỡng nơi người thân yêu của chúng ta không chết với xác thịt. Đấy là tín ngưỡng linh hồn bất tử của sự thờ phụng Tổ tiên, như cụ Phan Bội Châu đã khóc cụ Phan Châu Trinh: “Vẫn biết tinh thần di tạo hóa Sống là còn mà chết cũng như còn.” Và đại chúng nông dân Việt vẫn có cái tín ngưỡng chất phác rằng người ta “sống về mồ về mả, không phải sống về cả bát cơm”. Có như thế chúng ta mới có lúc vươn lên những lý tưởng cao cả của đoàn thể, vượt lên trên kinh tế riêng tư: “Ở đời muôn sự của chung, Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.” Do tín ngưỡng ấy mới có tinh thần đoàn kết ái quốc ái quần của dân tộc, cùng nhau sinh tử cộng tồn trên lãnh thổ của Tổ tiên để lại, từng tưới bằng máu nóng, bón bằng xương khô. Vậy tôn giáo Tổ tiên chính là tôn giáo cổ truyền nhất của Việt Nam, khiến chúng ta ngày nay còn nhớ đến ngày giỗ Tổ. Nhà tôn giáo học danh tiếng, linh mục L.Cadière đã nhận thức: “Tín ngưỡng Tổ tiên chi phối toàn thể gia đình cũng như tín ngưỡng Thần linh chi phối đới sống hằng ngày của người dân Việt” (Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens) Đấy là hai nguồn tôn giáo tối cổ của nhân loại, tôn giáo linh hồn Tổ tiên với tôn giáo Thần linh thiên nhiên đã hợp nhất trong tâm hồn truyền thống Việt Nam. Và ngày lễ Tổ tiên quan trọng nhất ở xã hội nông nghiệp là ngày Tết đầu năm, đánh dấu một vòng thời tiết bốn mùa xuân, hạ, thu, đông ở khí hậu Bắc Việt. Để tỏ lòng biết ơn Tiên Tổ, người ta dâng cúng tất cả công lao một năm của nông dân ở cặp bánh chưng, bánh dầy làm bằng gạo, dò, lá xanh, thịt heo v.v.. sản phẩm nông nghiệp. Nhưng ăn Tết đối với nông dân không phải chỉ là nghĩ đến Tổ Tiên mà thôi. “Năm hết tết đến” trong tâm hồn nông dân còn là cụ thể hóa cái tín ngưỡng “nguồn sống” tuần hoàn đại đồng bất tuyệt của thời tiết. Đấy là điểm thứ hai của cái ý thức hệ Lạc Việt. Nếu các tôn giáo lớn trên thế giới tin Thượng Đế, Thực tại tối cao là ánh sáng thì dân nông nghiệp Lạc Việt sớm tín ngưỡng vào Thực tại tối cao là nguồn sống vĩnh cửu tràn ngập vũ trụ Thời Không, luân lưu trong trời đất một ý chí sinh hóa như Cao Bá Quát đã nói: “Kiền Khôn Nhất sinh ý”. Một ý chí sinh hóa duy nhất của Trời đất coi như cha mẹ. Với tín ngưỡng lạc quan yêu đời ấy nông dân nhẫn nại cần cù trên mảnh đất ruộng vuông tuỳ theo thời tiết bốn mùa tuần hoàn hàng năm mà trồng trọt gặt hái. Nhà nhân loại học René de Hetrelon đã biện biệt sự khác nhau giữa tính tình Đông Tây căn cứ vào cách thức sinh hoạt như sau: “Người trồng cây lúa hành động theo cách thức giống như pháp thuật hay tôn giáo. Hành động của nó không thấy ngay hiệu quả trước mắt. Gặp thời tiết nhất định trong một năm, tuỳ với vị trí của ngôi sao đã định ra, nó bắt đầu làm đất, một công việc kỳ lạ không có hiệu quả tức thì. Trong đống đất đã vun xới ấy, nó vùi những củ hay rắc những hạt giống ăn được cầu để nuôi thân. Sau đấy, khi đã làm xong những công tác tập truyền, nó bèn đợi chờ. Nó bảo vệ giữ gìn các mảnh đất đã trồng trọt hay gieo cấy bằng cách ngăn ngừa không cho các giống vật khác đến quấy phá sự nảy nở. Nó bảo vệ một cách thụ động tiêu cực, một vài tháng sau nó thu hoạch được gấp bội kết quả của những vật nó đã đặt xuống dưới đất.” Sinh hoạt có tính cách thần bị thì tín ngưỡng cũng đượm màu huyền bí. Nhà nông không phải chỉ tham gia vào phạm vi thiêng liêng có tính cách không gian, ruộng đất màu mỡ, động lực trong hạt giống, nhưng công việc của họ còn được hợp hóa và bị điều khiển bởi cả một thời gian, bởi cả một vòng thời tiết. Sự liên kết nông nghiệp với vòng tròn thời tiết tuần hoàn giải thích được nhiều nghi lễ có quan hệ đến sự “tống cựu nghinh tân”. Có lẽ vì thế mà ở Á Đông hai phạm trù thời gian và không gian đã đi liền với nhau thành vũ trụ như định nghĩa là “xưa đi nay lại gọi là Trụ, bốn phương trên dưới gọi là Vũ”. Và nông dân Việt Nam đã giàu tưởng tượng để sớm cụ thể hóa hết súc linh động ra cái hình vuông, hình tròn của cặp bánh chưng, bánh dầy chồng lên nhau, mà thực chất là tất cả sản phẩm hoạt động căn bản của nhà nông. Đấy là cả một vũ trụ quan không do suy luận mà ra, nó là vũ trụ quan thiêng liêng của cả một xã hội sinh hoạt về tình cảm, lý trí và ý chí đầy đủ đã kết tinh thành một Tượng trưng ví như hình Bát quái của Trung Hoa hay hình chữ svasika: “Vạn” của Ấn Độ. Trong cái khuôn thiêng vũ trụ, trời tròn đất vuông thời không ấy…. Khuôn thiêng biết có Vuông Tròn cho chăng? (Nguyễn Du) thì người lãnh đạo quốc gia phải ý thức làm sao cho thích hợp với cuộc sống cộng đồng của Việt tộc cùng cuộc sống riêng của cá nhân, như nhà cách mệnh quốc gia Việt Nam cận đại, cụ Phan Bội Châu, khi mới bước chân khỏi nhà tù Hà Nội đã nhắn nhủ đồng bào toàn quốc: “Trăm năm tính cuộc vuông tròn Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.” (Truyện Kiều) Ở trường hợp vua Hùng, nhà vua đang lo lắng băn khoăn, đang dò “ngọn nguồn lạch sông” để tìm người nối nghiệp có khả năng đức độ “tính cuộc vuông tròn” cho sơn hà xã tắc, cho Quốc gia dân tộc của nòi giống Lạc Hồng. Nhà vua đã không nghĩ đến tư lợi, từ chối “Trân cam mỹ vị, của báu vật lạ” mà trao ngôi lãnh đạo nhân dân cho Lang Liêu chỉ có cặp bánh vuông bánh tròn là vì đấy là người hiểu biết điều kiện sinh tồn của đoàn thể nông nghiêp thì mới có tài kinh bang tái thế. Lang Liêu đã có được cái sáng kiến bánh chưng, bánh dầy như thế là đã có được cái ý thức của xã hội nông nghiệp, tức là ý thức hệ dân tộc để quan niệm trước khi hành động thì mới sắp đặt và bảo vệ trật tự, biết người và khéo dùng “tri nhân thiên nhiệm” của người chỉ huy lãnh đạo, ra lệnh hợp thời “sử dân dĩ thời”. Như thế mới được người ta tâm phục. Có chinh phục được lòng người thì mới điều khiển được nhất trí cái guồng máy chính trị của một nước. Vì thiếu cái ý thức hệ ấy mà giới kẻ sĩ lãnh đạo thời Tự Đức mới để cho nước mất nhà tan, cho nên Phan Thanh Giản phải thở dài trước khi tuẫn tiết: Trời thời, Đất lợi là người hòa. Đấy cũng để nhắc lại cái ý thức hệ Vuông Tròn hay Tam Tài của Lang Liêu được vua Hùng trao cho ngôi báu, không kể con trưởng con thứ, chỉ cốt được người hiền năng có thể thông cảm nguyện vọng âm thầm của tầng lớp nông dân để trị vì, vì dân và cho dân vậy. Điểm thứ ba của cái ý thức hệ Lạc Việt, Vuông Tròn ngụ ở cặp “bánh chưng bánh dầy” cổ kính là sự kiện Lang Liêu đã được Thần linh báo mộng cho cái ý thức hệ ấy. Trong lúc bơ vơ, tứ cố vô thân chẳng biết nương tựa vào ai, lòng tuyệt vọng chỉ còn biết cầu khẩn Tổ tiên ngầm giúp cho phép lạ. Phép lạ ấy đã đến cho Y qua giấc mộng giữa tinh thần với tinh thần, không qua ý thức cảm giác và lý trí. Đấy là cái biết trực giác tâm linh như trường hợp Thần Đồng Cổ đã báo mộng cho vua Lý Thánh Tông sau này để đề phòng quốc biến vậy. Chắc hẳn Lang Liêu nhờ có đức tin mạnh mẽ vào Thần linh Tiên Tổ hay vào Phật Trời mới có được cái trực giác tâm linh: “Nghiêng vai ngửa vái Phật trời Đương cơn hoạn nạn độ người trầm luân.” Vì cô liêu, mất mẹ từ sớm Lang Liêu thật ở trong cảnh ngộ bơ vơ một mình chỉ còn nội hướng vào lòng mình mà cầu nguyện, đem hết tinh thần chú ý vào lời cầu nguyện. “Duyên lai nhất niệm khả thông Thần.” nghĩa là: “cơ duyên đến thì một niệm thành tâm có thể thông cảm với Thần minh”. Lang Liêu hết sức tin tưởng vào sự phù hộ của Tổ tiên, Thần linh hay âm phù kẻ xấu số khốn cùng như tầng lớp nông dân xấu số đất Việt xưa, chỉ trông vào sức phù hộ của Trời Phật mầu nhiệm thông cứu khổ cứu nạn. “Phúc thay cho tâm hồn chất phát, Thiên đường dành cả cho người. Phúc thay cho tâm hồn hiền lành, người sẽ được cả trên mặt đất. Phúc thay cho tâm hồn trong sạch, người sẽ thấy Chúa Trời.” (Thánh kinh Tân Ước) Chính tâm hồn ấy là tâm hồn của Lang Liêu đại diện cho nông dân chất phác hiền lành sống gần gũi với thiên nhiên bởi thế nên Trời Phật, Tổ Tiên đã báo mộng cho cái ý thức hệ “bánh chưng bánh dầy” để dâng lên bàn thờ Tổ. Và nghĩ đến ngày Tết, năm mới đến năm cũ đi trong lòng Lang Liêu lại phấn khởi với niềm tin tái tạo cuộc đời, trút hết không may về quá khứ để sẵn sàng đón lấy tất cả sự tốt lành trong ý nghĩ, trong lời nói cũng như trong việc làm. Đấy là hình ảnh của cặp bánh tượng trưng đã gợi lên ngày Tết của toàn thể dân Việt nhớ đến Tổ (10-3), nhớ đến nguồn gốc con Rồng cháu Tiên vậy. Với cái ý thức hệ khá đầy đủ trên đây của một nhân bản toàn diện giải đáp cho con người về cả ba phương diện: người với thiên nhiên, người với người trong xã hội, người với mình trong tâm lý cá nhân. Xã hội chính trị Việt Nam đã lấy xã thôn làm cơ sở cho tổ chức dân chủ xã hội nguyên thuỷ mà Đình làng là tiêu biểu nhất vừa là nơi thờ tự Thần hoàng, vừa là nơi hội họp hội đồng kỳ mục để bàn bạc việc kinh tế, hành chánh của làng. Đấy là bằng chứng cụ thể cho cái tinh thần văn hóa, chính trị hợp nhất cả Đạo và Đời, siêu nhiên với hiện thực. |
http://www.triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/tu-tuong-viet-nam/hung-vuong-voi-y-thuc-dan-toc_76.html
Không có nhận xét nào