Header Ads

  • Breaking News

    VNCS: Vì sao Orsted dừng phát triển điện gió tại Việt Nam?

    Nguyễn Cảnh/TheLEADER 

    Tháng 11/2023

    Ghi chú: Tháng 9/2021. Ngày 9/9, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại EU và Vương quốc Bỉ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tập đoàn T&T Group của doanh nhân Đỗ Quang Hiển và Orsted – tập đoàn năng lượng bền vững hàng đầu thế giới đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

    Tháng  11 năm 2023, Orsted đã quyết định dừng toàn bộ kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Theo đó, liên danh Orsted - Tập đoàn T&T lên kế hoạch rót khoảng 30 tỷ USD phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với tổng công suất lên tới 21GW.


    " Tại thị trường Việt Nam hiện tại, những nhà đầu tư như Orsted sẽ chưa am tường đầy đủ về các rủi ro của thị trường – những rủi ro này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá dự án.

    Ông Sebastian Hald Buhl".

    Giám đốc quốc gia của Orsted tại Việt Nam

    Tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới Orsted đã quyết định dừng toàn bộ kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

    Vì sao Orsted dừng phát triển điện gió tại Việt Nam?

    Mục tiêu điện gió ngoài khơi của Việt Nam tiếp tục gặp thách thức. Ảnh minh họa: Hoàng Anh


    Tập đoàn Orsted bắt đầu phát triển các trang trại điện gió ngoài khơi từ năm 1991 với dự án đầu tiên Vindeby ở Đan Mạch và là công ty năng lượng gió ngoài khơi lớn nhất toàn cầu.

    Orsted hiện đầu tư tại 7 quốc gia với hơn 7,6GW công suất điện gió đang hoạt động và 2,3GW đang được xây dựng.

    Với tâm thế của một tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới, Orsted đã nhắm Việt Nam như một đại bản doanh mới và thể hiện rõ tham vọng chiếm lĩnh sân chơi điện gió ngoài khơi tại đây.

    3 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, với những đề xuất táo bạo, nhiều hoạt động nghiên cứu có giá trị và một kế hoạch đầu tư đầy tham vọng cùng với  Tập đoàn T&T khiến cho những ai quan tâm đến lĩnh vực này không khỏi chờ đợi.

    Theo đó, liên danh Orsted - Tập đoàn T&T lên kế hoạch rót khoảng 30 tỷ USD phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với tổng công suất lên tới 21GW.

    Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, Orsted đã quyết định dừng toàn bộ hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK) tại Việt Nam.

    Liên quan tới việc hợp tác cùng Tập đoàn T&T trong phát triển dự án ĐGNK tại một số địa phương, Orsted Việt Nam cho biết không có kế hoạch nộp lại hồ sơ xin chấp thuận các hoạt động khảo sát đánh giá tài nguyên biển đến Bộ Tài nguyên và môi trường, cũng như sẽ không tiến hành bất kỳ hoạt động phát triển nào cho các dự án ĐGNK chung của 2 bên.

    Tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới này cũng sẽ không gia hạn biên bản ghi nhớ (MoU) với T&T Group và tôn trọng việc tập đoàn này tiếp tục phát triển các dự án ĐGNK một mình hoặc với bất kỳ đối tác phù hợp nào. 

    Đặc biệt, Orsted sẽ rà soát đánh giá lại MoU ba bên ký với Trung tâm đổi mới sáng tạo (thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư) để xem xét các phạm vi công việc khả thi mà Orsted có thể tiếp tục triển khai.

    Gần hơn, trung tuần tháng 10 vừa qua liên danh Orsted – T&T Group cũng đã thông báo tới UBND tỉnh Hải Phòng và Thái Bình về quyết định chiến lược của Orsted đối với hai siêu dự án ĐGNK có công suất lần lượt 3.900MW và 3.000MW.

    Cụ thể, Orsted xác nhận dừng các hoạt động phát triển dự án tại Việt Nam và không tiếp tục phát triển, đầu tư cho 2 dự án ĐGNK mà liên danh đang chung tay thời gian qua. 

    Đâu là nguyên nhân?

    Việc Orsted dừng đầu tư tại một thị trường nhiều tiềm năng phát triển ĐGNK như Việt Nam thực sự gây bất ngờ cho nhiều người.

    Đặc biệt, Orsted quyết tâm “bỏ cuộc chơi” ngay trước khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, bất chấp rất nhiều thời gian, chi phí cơ hội mà tập đoàn này đã bỏ ra từ năm 2020 tới nay.

    Theo đó, ngay trước thềm năm 2023, người đại diện phát ngôn của Orsted đã đưa ra thông điệp rõ ràng về yếu tố quyết định then chốt cho kế hoạch đầu tư của họ đó là chính sách, hướng dẫn từ Nhà nước để khuyến khích và thúc đẩy các nhà đầu tư.

    Do chưa có chính sách rõ ràng, thống nhất như nêu trên nên nhà đầu tư chưa mạnh dạn rót hàng tỷ USD vào các dự án.

    Orsted cho biết, các chính sách chủ chốt liên quan đến triển khai và mua điện từ dự án ĐGNK bị chậm trễ và không rõ ràng. Orsted đánh giá, ngay cả sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, thị trường vẫn phải chờ kế hoạch triển khai nhằm xác định phân bổ mục tiêu công suất cho từng thời kỳ cũng như quy định hướng dẫn về cơ chế lựa chọn nhà đầu tư.

    Nghị định sửa đổi Nghị định 11 về khảo sát đánh giá tài nguyên khu vực biển đang trong quá trình phê duyệt và việc độc quyền vị trí khảo sát cũng như yêu cầu về nộp dữ liệu thu thập hiện đang là các nội dung gây quan ngại lớn cho nhà phát triển dự án.

    Khi chờ đợi Nghị định 11 về giao biển để tiến hành khảo sát ngoài khơi, Orsted nhận thấy có rủi ro về tiến độ. Trong trường hợp Nghị định 11 về giao biển được ban hành giữa năm 2023, thời gian này lại rơi vào “cửa sổ thời tiết”, khi đó, dù nhà đầu tư đã có đầy đủ giấy phép thì công việc khảo sát sẽ chỉ được tiến hành vào đầu năm 2024. 

    Cộng với việc phải mất 6-8 năm triển khai, hoàn thiện dự án, sẽ rất khó đạt được mục tiêu về phát triển ĐGNK trước năm 2030. Đây là điều lo lắng nhất của Orsted ở thời điểm cuối năm 2022.

    Vấn đề tiếp theo, là cơ chế lựa chọn nhà đầu tư và cơ chế bán điện vẫn chưa rõ ràng. Việc đánh giá, dự báo được nguồn doanh thu ổn định từ dự án rất quan trọng trong phân tích kinh tế tài chính. 

    Đồng thời, cơ chế mua điện của Chính phủ từ các dự án ĐGNK vẫn chưa rõ ràng, liệu sẽ là cơ chế thông qua đàm phán thương mại trực tiếp dựa trên giá trần hay cơ chế đấu thầu cạnh tranh về giá hay một mức giá mua điện cố định trong một thời gian có lợi cho nhà đầu tư.

    Một yếu tố khác, là thiếu hợp đồng mua bán điện có tính vay vốn ngân hàng hay các định chế tài chính. Các dự án ĐGNK cần hàng tỷ USD vốn đầu tư, do đó việc có sự tham gia của các bên cho vay lớn có uy tín và hợp đồng mua bán điện đảm bảo đầy đủ các yêu cầu của bên cho vay là rất quan trọng. 

    "Hiện vẫn chưa rõ là các rủi ro lớn của dự án như tỷ lệ cắt giảm sản lượng hay điều khoản dừng hủy hợp đồng liệu có được thể hiện ở mức đáp ứng được các yêu cầu của các bên cho vay tiềm năng trong ngành ĐGNK hay không", Orsted đặt câu hỏi.

    Có thể thấy, sự kiện Orsted rút chân khỏi hoạt động phát triển các dự án ĐGNK Việt Nam có sự ảnh hưởng nhất định từ độ trễ của khung chính sách hướng dẫn, phát triển dành cho lĩnh vực này.

    Đồng thời, với việc dẫn ra các thách thức từ thị trường quốc tế như đứt gãy chuỗi cung ứng, tỷ lệ lạm phát tăng cao, chi phí đầu tư tăng trong khi lợi nhuận đã cố định như một phần nguyên nhân giải thích cho hành động của Orsted tại Việt Nam.

    Việc giữ chân các "đại bàng" là cần thiết nhưng phải làm sao để hài hòa với sự phát triển bền vững nền kinh tế và lợi ích quốc gia.

    Đây cũng là một bài toán khó với Chính phủ và các cơ quan quản lý trước nguy cơ các tập đoàn đa quốc gia có thể "tháo chạy" khỏi thị trường Việt Nam bất cứ lúc nào nếu gặp trở ngại.

    Tập đoàn diện lực EVN có thể là nguyên nhân khiến Orsted ra đi

    Chu Vĩnh Hải

    26/11/2023 

    Những người có lương tri ở Việt Nam đang sục sôi lên vì một thông tin bình thường như “cân đường hộp sữa” ở nước ngoài nhưng trở thành nóng bỏng ở Việt Nam có giá điện tiêu dùng vào loại cao nhất thế giới: Trang trại điện mặt trời Al Dhafra có công suất 2 Gigawatt (GW) nằm cách Abu Dhabi 35km do công ty năng lượng sạch Masdar, công ty năng lượng quốc gia Abu Dhabi (TAQA), EDF Renewables ở Pháp, JinkoPower ở Trung Quốc và công ty điện nước Emirates (EWEC) đồng sở hữu, vừa đi vào phát điện thương mại.

    Dự án cũng phá kỷ lục về chi phí đối với cơ sở điện mặt trời quy mô lớn. Ban đầu, trang trại có giá bán điện mặt trời thuộc hàng cạnh tranh nhất với mức 0,0135 USD/kWh, sau đó giảm xuống 0,0132 USD/kWh khi hoạt động thương mại. Dự án cũng bắt đầu cung cấp điện cho lưới điện quốc gia.

    Việt Nam có tiềm năng khủng khiếp về điện mặt trời, điên gió, và điện gió ngoài khơi. Doanh nghiệp PTSC M& C của Việt Nam cũng có phẩm chất cực lớn về thi công điện gió ngoài khơi. Thế nhưng không hiểu tại sao cách đây mấy ngày tập đoàn năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới Orsted quyết tâm bỏ “cuộc chơi” ngay trước khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, bất chấp rất nhiều thời gian, chi phí cơ hội mà tập đoàn này đã bỏ ra từ năm 2020 tới nay.

    Tập đoàn diện lực EVN có thể là nguyên nhân đã khiến Orsted ra đi. Vào năm 2000, tập đoàn dầu khí khổng lồ BP đã dọa rút khỏi dự án khí Nam Côn Sơn Pipelines nếu EVN không chốt được giá mua- bán khí. Dự án khí Cá Voi Xanh do hãng dầu khí khổng lồ Exxon-Mobil đầu tư cũng đang ì ạch, và có thể đổ bể cũng đang vướng mắc do giữa EVN và hãng dầu này cũng vướng mắc về giá mua bán khí.

    Có lẽ, dù quá muộn nhưng Chính phủ cần xem xét cấu trúc của EVN khi siêu doanh nghiệp này một mình một chợ. Muộn còn hơn không.

    T&T Group bắt tay tập đoàn Châu Âu đầu tư 30 tỷ USD phát triển điện gió ngoài khơi

    Lam Giang/TheLEADER

    10/09/2021

    T&T Group là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Việt Nam, hoạt động đa ngành, và đang ghi dấu ấn với lĩnh vực phát triển năng lượng với gần chục dự án đã và sắp đưa vào vận hành.

    T&T Group bắt tay tập đoàn Châu Âu đầu tư 30 tỷ USD phát triển điện gió ngoài khơi


    Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group và ông Martin Neubert, Phó Chủ tịch Tập đoàn Ørsted ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) 

    Ngày 9/9, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại EU và Vương quốc Bỉ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tập đoàn T&T Group của doanh nhân Đỗ Quang Hiển và Orsted – tập đoàn năng lượng bền vững hàng đầu thế giới đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

    Theo đó, hai tập đoàn sẽ sử dụng kinh nghiệm,năng lực, phát huy hết thế mạnh và khả năng của mỗi bên nhằm đem lại hiệu quảtích cực cho các dự án, đồng thời góp phần thúc đẩy, hỗ trợ việc hình thành và phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, khung pháp lý hiệu quả cho điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. 

    Ngay sau lễ ký kết, hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu, lập quy hoạch các dự án điện gió ngoài khơi phù hợp với quy hoạch điện quốc gia, trình các cấp có thẩm quyền của Việt Nam xem xét phê duyệt.

    Với hơn 3.200 km bờ biển và tốc độ gió ổn định ở mức cao, Việt Nam được đánh giá là có một số điều kiện tốt nhất để phát triển điện gió ngoài khơi ở châu Á. Theo Ngân hàng Thế giới, ước tính tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam là khoảng gần 500 GW. Bên cạnh tiềm năng mang đẳng cấp thế giới này, nhu cầu điện năng ngày càng tăng nhanh của Việt Nam đem đến nhu cầu cấp bách về các nguồn điện mới đáng tin cậy, có quy mô lớn trong những thập kỷ tới. 

    Những yếu tố này, kết hợp với tiềm năng chuỗi cung ứng mạnh mẽ của Việt Nam, đã thuyết phục Orsted và T&T Group tin rằng điện gió ngoài khơi có vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn điện tương lai của Việt Nam.

    Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group chia sẻ: “Từ 10 năm trước, chúng tôi đã bắt tay vào nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo để sẵn sàng đón đầu cơ hội. Đến nay, bên cạnh một số dự án điện mặt trời, điện gió lớn đã và sắp hoàn thành"

    T&T Group hiện đang hoạch định chiến lược phát triển các dự án năng lượng tái tạo, điện khí, cảng và trung tâm khí LNG đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, phù hợp với chiến lược và quy hoạch năng lượng quốc gia. 

    "Việc hợp tác với một tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi như Tập đoàn Ørsted sẽ giúp T&T Group đẩy nhanh tiến độ triển khai hoạch định trên, cũng như đem lại cho chúng tôi những kinh nghiệm và nguồn tài chính quốc tế quý báu trong việc thực hiện các dự án tại Việt Nam”, thông báo của T&T dẫn lời Chủ tịch Tập đoàn cho biết.

    Chủ tịch Ørsted Châu Á - Thái Bình Dương, ông Matthias Bausenwein cho biết, tập đoàn đặt mục tiêu đạt 30 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. “Để hỗ trợ việc phát triển đầy tham vọng này, chúng tôi cần hợp tác chặt chẽ với các đối tác như T&T Group - doanh nghiệp với những thành tích ấn tượng trong phát triển các dự án năng lượng lớn tại Việt Nam và giúp chúng tôi hiểu biết sâu sắc về thị trường này", ông nói

    Theo ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc Quốc gia của Orsted Việt Nam, biên bản ghi nhớ này là bước tiến quan trọng của Orsted trong việc thiết lập chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam và thể hiện khát vọng trong việc trở thành đối tác lâu dài đáng tin cậy tại đây.

    “Thông qua các dự án chung, chúng tôi sẽ cùng T&T Group xây dựng ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đang sôi động và đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường điện gió ngoài khơi hàng đầu tại Châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi tin rằng điện gió ngoài khơi là một trong những cách tốt nhất để Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện đang tăng nhanh. Nếu được triển khai ở quy mô lớn cùng với khuôn khổ pháp lý phù hợp, điện gió ngoài khơi có thể cạnh tranh với các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và khí đốt” - ông Sebastian Hald Buhl nói.

    Tầm nhìn của Ørsted là tạo ra một thế giới vận hành hoàn toàn bằng năng lượng xanh, thông qua phát triển, xây dựng và vận hành các trang trại điện gió ngoài khơi, trên bờ, trang trại điện mặt trời, nhà máy lưu trữ năng lượng, nhà máy năng lượng sinh học và cung cấp các sản phẩm năng lượng cho khách hàng. 

    Đặt trụ sở chính tại Đan Mạch và Chính phủ Đan Mạch sở hữu cổ phần chi phối, Orsted là tập đoàn hàng đầu thế giới về điện gió ngoài khơi với hơn 6.000 nhân viên. Đến nay Orsted đã phát triển và xây dựng 28 trang trại điện gió ngoài khơi với tổng công suất lắp đặt gộp là 7.6 GW công suất gió ngoài khơi và 2,3GW đang được xây dựng. Mục tiêu của Ørsted là lắp đặt 30GW tổng công suất điện gió ngoài khơi trên toàn thế giới vào năm 2030.

    Trong khi đó, T&T Group là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Việt Nam, hoạt động đa ngành, và đang ghi dấu ấn với lĩnh vực phát triển năng lượng. Riêng trong năm 2020, T&T Group đã đưa vào vận hành 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 245 MWp. Trong năm 2021, T&T Group dự kiến đưa vào vận hành 5 nhà máy điện gió tại các địa phương giàu tiềm năng trong cả nước với tổng công suất 530 MW. 

    Theo kế hoạch, trong 10 năm tới, năng lực cung cấp điện của T&T Group (LNG và năng lượng tái tạo) dự kiến sẽ đạt khoảng 10.000 – 11.000 MW, chiếm khoảng 8% tổng công suất lắp đặt các nguồn điện của hệ thống điện Việt Nam.

    T&T Group bắt tay tập đoàn Châu Âu đầu tư 30 tỷ USD phát triển điện gió ngoài khơi 1


    Hợp tác với tập đoàn năng lượng bền vững hàng đầu thế giới, T&T Group sẽ đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam trong thời gian tới

    Cùng ngày 9/9, Tập đoàn T&T Group của Việt Nam và Smart Universal Logistics N.V (SUL) – tập đoàn hàng đầu Vương quốc Bỉ về phát triển năng lượng bền vững và hạ tầng môi trường cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển các nhà máy khử mặn bằng năng lượng gió để sản xuất nước ngọt cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam. 

    Theo đó, T&T Group và SUL sẽ phối hợp với Viện Quy hoạch và dự báo nông nghiệp quốc gia (Bộ NN-PTNT) xây dựng một hệ thống thí điểm khử mặn nước sông bằng năng lượng gió có tên gọi "WATER-BY-WIND" (WBW) tại tỉnh Ninh Thuận. 

    Sau thử nghiệm thành công, hai bên sẽ tiến hành khảo sát về khả năng thiết lập một mạng lưới các hệ thống WBW tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự xâm nhập mặn và ngập úng; đồng thời hướng đến mục tiêu xây dựng một nhà máy sản xuất hệ thống WBW tại Việt Nam để giảm chi phí sản xuất và chủ động về công nghệ.

    Công nghệ khử mặn được sử dụng trong dự án dùng gió làm ra nước này là công nghệ tiên tiến được vận hành nhờ năng lượng tái tạo như gió và mặt trời, vận dụng lợi thế tự nhiên, thân thiện với môi trường. 

    Từ đó, sẽ tạo ra giải pháp hiệu quả, thích ứng với tình trạng hạn, mặn, giúp sử dụng tài nguyên nước tốt hơn. Tại châu Âu, SUL có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển các trang trại gió và phát triển khử mặn nước. SUL đã phát minh và được cấp bằng sáng chế cho mô hình của một hệ thống khử mặn nước sông bằng năng lượng gió.

    https://theleader.vn/tt-group-bat-tay-tap-doan-chau-au-dau-tu-30-ty-usd-phat-trien-dien-gio-ngoai-khoi-1631201806705.htm


    Không có nhận xét nào