Header Ads

  • Breaking News

    Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Thăm Việt Nam: Cộng đồng Chung Vận Mệnh, Đường Sắt Và Đất Hiếm

     

    Research Asssisant

    12/12/2023

    Một cộng đồng chung vận mệnh. Ảnh: Policy Forum

    Đó là một số chủ đề chính được dự báo sẽ nằm trong nghị trình các cuộc họp giữa ông Tập và các nhà lãnh đạo Việt Nam. Đáng chú ý, khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh” đã được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhắc đến trong mọi cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong chuyến đi được coi là tiền trạm cho chuyến thăm sắp tới của ông Tập. Liệu Việt Nam có đi theo sự thúc giục của phía Trung Quốc hay không? Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc trong chuyến thăm của ông Tập được dự đoán sẽ xác thực quan điểm chính thức của Việt Nam. 

    Phần tổng hợp thông tin và phân tích dưới đây được trích từ bản thảo Bản Tin Biển Đông Số 132 sắp được xuất bản tuần này. Do tính thời sự của sự kiện, chúng tôi trích đăng sớm hơn. 

    Một cộng đồng chung vận mệnh. Ảnh: Policy Forum

    I- CỘNG ĐỒNG CHUNG VẬN MỆNH TRUNG QUỐC-VIỆT NAM?

    Khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh"

    Tháng 9 năm 2023, Trung Quốc công bố Sách Trắng “Cộng đồng toàn cầu chung tương lai: Đề xuất và hành động của Trung Quốc” giới thiệu cơ sở lý thuyết, thực tiễn và sự phát triển của một cộng đồng cùng chung tương lai, hay thường được dùng ở Việt Nam là "cộng đồng chung vận mệnh". Khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh” là khái niệm ngoại giao được Chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình sử dụng. Trung Quốc nói rằng đây là một phần trong chiến lược dài hạn của Trung Quốc nhằm duy trì “giai đoạn cơ hội chiến lược” hòa bình trong 2 đến 3 thập kỷ đầu thế kỷ 21 để phát triển hơn nữa. 

    Khái niệm này được tuyên truyền là đúc kết trí tuệ Trung Quốc trong việc xử lý các mối quan hệ đương đại, có nguồn gốc sâu xa từ di sản văn hoá của Trung Quốc. Các học giả Trung Quốc phân tích nguồn gốc của khái niệm là sự kết hợp giữa lý thuyết chủ nghĩa Marx, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, và lý tưởng một xã hội loài người hài hoà của Nho giáo. Một điểm quan trọng khác, khái niệm này phản ánh cách hiểu mới về nền tảng xã hội của luật pháp quốc tế, nhấn mạnh đến sự đa dạng và phụ thuộc lẫn nhau.

    Sách trắng kêu gọi nỗ lực xây dựng một thế giới cởi mở, toàn diện, sạch sẽ và tươi đẹp, có hòa bình lâu dài, an ninh toàn cầu và thịnh vượng chung, biến mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân thành hiện thực. Như tài liệu tuyên bố, tầm nhìn xây dựng một cộng đồng toàn cầu vì tương lai chung vượt lên trên các quy tắc độc quyền của nền chính trị khối, khái niệm “quyền lực tạo nên lẽ phải” và “các giá trị phổ quát” do phương Tây xác định.

    Các sáng kiến mà Trung Quốc đưa ra nhằm hiện thực hoá khái niệm này bao gồm Sáng kiến An ninh Toàn cầu, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến Văn minh Toàn cầu, Sáng kiến Vành đai và Con đường, và bên cạnh đó Trung Quốc cũng đã đưa ra một loạt các sáng kiến có tính song phương và khu vực.

    Trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc vào ngày 22 tháng 11 năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Trung Quốc đang hành động để xây dựng “một cộng đồng Trung Quốc-ASEAN gần gũi hơn với một tương lai chung.” Cụm từ “Cộng đồng chung vận mệnh và chung tương lai” hay gọi tắt là “Cộng đồng chung vận mệnh” đã được sử dụng gần một trăm lần và biểu thị sự tự tin ngày càng tăng của Bắc Kinh trong việc định hình cấu trúc khu vực, trong đó bao gồm cấu trúc an ninh, và ràng buộc các quốc gia thành viên ASEAN vào một hệ thống khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm.

    Tuy nhiên, các nước ASEAN vẫn thận trọng với khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh" vì lo ngại ảnh hưởng đến quyền tự chủ và lý tưởng của khu vực đối với chủ nghĩa khu vực mở. Một số nhà nghiên cứu vạch ra nghịch lý giữa những lời hứa của Trung Quốc thông qua “cộng đồng chung vận mệnh" và các hành động thực tế của nước này, đặc biệt ở Biển Đông. Sự quyết đoán và tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực trái ngược với quan điểm hòa bình và không bá quyền của nước này, dẫn đến thái độ hoài nghi và mức độ tin cậy thấp từ nhiều thành viên ASEAN. Bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát huy quyền lực diễn ngôn và thúc đẩy “cộng đồng chung vận mệnh", ASEAN vẫn cam kết theo đuổi chủ nghĩa khu vực đa cực và cởi mở, tìm cách duy trì quyền tự chủ và cân bằng quyền lực giữa nhiều chủ thể, bao gồm cả Trung Quốc và các cường quốc khác ngoài khu vực.

    Song song với nỗ lực khu vực, Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh" với từng nước trong khu vực. Vào tháng 2 năm 2023, Trung Quốc và Campuchia đã đưa ra tuyên bố chung về xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Campuchia cùng chia sẻ tương lai trong thời đại mới. Vào tháng 10, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Lào đã ký kế hoạch hành động giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về xây dựng một cộng đồng chung tương lai cho hai nước dựa trên kế hoạch tương tự trước đó bốn năm trước.

    Biển Đông và vị thế của Việt Nam nằm ở đâu trong “cộng đồng chung vận mệnh"?

    Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tiền trạm cho chuyến thăm của ông Tập, Vương đã liên tục nhấn mạnh trong các cuộc họp với các nhà lãnh đạo Việt Nam, thúc giục Việt Nam áp dụng khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh" của Trung Quốc. Ông khẳng định "xác định lập trường mới và đặt ra các mục tiêu mới cho quan hệ song phương không chỉ mở ra những triển vọng mới cho sự phát triển quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước mà còn tạo ra những đóng góp mới của Trung Quốc và Việt Nam cho sự nghiệp hoà bình và tiến bộ của nhân loại."

    Tuy nhiên, khi nói về Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc vẫn tránh không nhắc đến thuật ngữ truyền thống “luật quốc tế" mà sử dụng nhiều hơn các thuật ngữ phù hợp với lý thuyết “cộng đồng chung vận mệnh" được dẫn dắt bởi Trung Quốc:

    “Trung Quốc và Việt Nam cần tích cực thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên biển, ngăn chặn sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, đẩy nhanh tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, biến Biển Đông thành một vùng biển hòa bình và hợp tác.”

    Câu hỏi được đặt ra, "lập trường mới" và "các mục tiêu mới" mà ông Vương nhắc đến cụ thể là gì? Và sẽ giúp giải quyết tranh chấp Biển Đông như thế nào? Cũng như xa hơn, liệu có thể giúp Việt Nam trở thành một nước có nền kinh tế mạnh dựa trên khoa học công nghệ tiên tiến, vươn lên bậc cao trong chuỗi giá trị toàn cầu?

    Một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng bên dưới bề mặt đẹp đẽ của khái niệm "cộng đồng chung vận mệnh" ẩn chứa nhiều lớp ý nghĩa phức tạp và trái ngược nhau, vừa mang tính bình đẳng vừa mang tính thứ bậc. Có thể dựa vào các bài viết của các học giả hàng đầu về quan hệ quốc tế Trung Quốc để nhận thấy xu hướng bộc lộ tư duy phân cấp trong hệ thống quốc tế của khái niệm này, điều khó nhận ra trong những tài liệu chính thức mang tính hùng biện của chính phủ Trung Quốc. Mặc dù khái niệm mà Tập Cận Bình muốn thúc đẩy đã được quảng bá không mệt mỏi trên trường quốc tế, với những điều chỉnh phù hợp với nhiều đối tượng khán giả khác nhau, nhưng những lời lẽ hoa mỹ về hợp tác của Trung Quốc được nhiều quốc gia coi là vỏ bọc cho những động cơ chiến lược vì tư lợi.

    Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam: Việt Nam và Trung Quốc kỳ vọng về một "định vị mới", "tầm mức mới" của quan hệ song phương

    Trả lời báo chí ngày 09 tháng 12, ông Nguyễn Minh Vũ nói rằng Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có nhiều điểm tương đồng như cùng chung biên giới, là hai nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có quan hệ hữu nghị truyền thống, có lợi ích ngày càng gắn bó.

    Hai bên "đều rất kỳ vọng" vào chuyến thăm lần này, trong đó, điều kỳ vọng thứ nhất là quan hệ song phương có một "định vị mới", "tầm mức mới" theo hướng bền vững, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần vào xu thế hoà bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.

    Tuy nhiên, ông Vũ không nói cụ thể "định vị mới" ở đây có nghĩa là gì. Không rõ báo chí có đặt câu hỏi chi tiết hơn hay không.

    Ông Vũ cũng cho biết "sẽ có thể có một số lượng lớn văn kiện trên nhiều lĩnh vực được ký kết, tạo cơ sở quan trọng để các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp triển khai hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới."

    Xem thêm:

    Báo Tuổi Trẻ ngày 09/12/2023: Việt Nam, Trung Quốc sẽ ký một loạt văn kiện trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình

    Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/9/2023: Full Text: A Global Community of Shared Future: China's Proposals and Actions

    Gov.cn ngày 26/9/2023: China issues white paper on global community of shared future 

    Gov.cn ngày 11/02/2023: 人民共和国和柬埔寨王国关于构建新代中柬命运共同体的合声明(全文)

    Chen Liu (2019) The Logical Starting Point and Value of the Conception of a Community of Shared Future for Mankind

    Zhang Hui (2019) A Community of Shared Future for Mankind—The Contemporary Development of the Social Foundations Theory of International Law 

    Shijie Wei (2023) Harmony in Confucian thought and building a community of shared future for mankind 

    Andrew J. Nathan & Bo Zhang (2021) ‘A Shared Future for Mankind’- Rhetoric and Reality in Chinese Foreign Policy under Xi Jinping 

    Hoang Thi Ha (2019) Understanding China’s Proposal for an ASEAN-China Community of Common Destiny and ASEAN’s Ambivalent Response

    Hoang Thi Ha (2022) Southeast Asian Perspectives of the United States and China - A SWOT analysis

    Antoine Roth (2023) A Hierarchical Vision of Order: Understanding Chinese Foreign Policy in Asia (Một bản sách điện tử được lưu giữ tại thư viện điện tử của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Chúng tôi sẽ giới thiệu và tóm tắt cuốn sách khi có điều kiện.)

    ----------

    II- ĐẤT HIẾM VÀ CƠ SỞ HẠ TẦNG

    Trung Quốc có thể bổ sung những điểm yếu của Việt Nam?

    Trong một động thái có thể định hình chuyển động của chuỗi cung ứng, Trung Quốc và Việt Nam đang thảo luận để nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có của hai nước. Việc nâng cấp được đề xuất sẽ cải thiện tuyến đường sắt đi qua khu vực giàu đất hiếm của Việt Nam, kết nối với Hải Phòng, cảng chính phía bắc của Việt Nam.

    Việc nâng cấp hệ thống đường sắt được Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính chủ trương. Mục đích là để cải thiện tuyến đường sắt lỗi thời và năng lực hạn chế giữa Côn Minh, Trung Quốc và Hải Phòng, Việt Nam. Tuyến đường sắt được nâng cấp có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển đất hiếm của Việt Nam tham gia hợp tác trong lĩnh vực chế biến đất hiếm mà Trung Quốc đang thống trị. Hiện tại Việt Nam đang thiếu chuyên môn kỹ thuật và cơ sở hạ tầng để xử lý đất hiếm. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), Việt Nam vẫn chưa làm chủ được công nghệ chế biến đất hiếm và chưa có khả năng chế biến các sản phẩm thuỷ luyện kim hoặc tách riêng oxit đất hiếm để phục vụ nhu cầu trong và ngoài nước. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang thống trị về chuyên môn kỹ thuật của lĩnh vực công nghệ này, với 39 trường đại học luyện kim và khoảng 200 nhà luyện kim tốt nghiệp hàng tuần. Hai bên đã tổ chức thảo luận giữa chuyên gia hai nước về hợp tác chế biến đất hiếm. Mới đây, Phó Tổng giám đốc Hồ Cốc Hoa của Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc đã có cuộc họp với ông Anh về khả năng hợp tác giữa phía Trung Quốc và tập đoàn khai thác mỏ Vinacomin thuộc giám sát của CMSC.

    Tuy nhiên, chi tiết về đóng góp tài chính của Trung Quốc cho việc nâng cấp đường sắt và việc Việt Nam sẵn sàng chấp nhận nguồn tài chính đó vẫn chưa rõ ràng. Mặc dù dự án có thể liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc nhưng nó vẫn chưa được chỉ định chính thức vào thời điểm này. Tuyến đường sắt được cải thiện cũng có thể làm tăng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, thúc đẩy du lịch Trung Quốc tới miền bắc Việt Nam và hội nhập hơn nữa các ngành công nghiệp sản xuất của cả hai nước.

    Về phía Hoa Kỳ, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký thỏa thuận giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư khai thác trữ lượng đất hiếm. Hoa Kỳ đồng ý giúp Việt Nam lập bản đồ tài nguyên đất hiếm tốt hơn và “thu hút đầu tư chất lượng”, giúp Việt Nam xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm. Chuyên gia kinh tế trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Emily Blanchard cũng cho biết, Hoa Kỳ sẵn sàng giúp Việt Nam chuẩn bị đấu giá các mỏ đất hiếm. Sự hỗ trợ này được cho là có khả năng giúp Việt Nam trở thành một nước đóng vai trò quan trọng trong ngành đất hiếm toàn cầu. Tập đoàn bán dẫn Nvidia của Hoa Kỳ dự kiến sẽ có cuộc họp với Bộ Kế hoạch Đầu tư và các công ty công nghệ Việt Nam trước thềm chuyến thăm của ông Tập Cận Bình để bàn về cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ. Thông tin chi tiết về công nghệ được chuyển giao chưa được tiết lộ.

    Xem thêm:

    BNN ngày 01/12/2023: China-Vietnam Railway Upgrade: Reshaping Global Supply Chains

    Vietnam Briefing ngày 13/4/2023: Vietnam’s Rare Earth Mining Industry: An Overview 

    VOA News ngày 30/11/2023: Vietnam's Rare Earth Sector on the Rise 

    Institute for Energy Research ngày 29/9/2023: Biden Encourages Rare Earth Investment in Vietnam  

    Channel News Asia ngày 25/10/2023: US says ready to help Vietnam with rare earth auctions 

    The Investor ngày 24/11/2023: China Rare Earth Group seeks cooperation opportunities in Vietnam

    Reuters ngày 08/12/2023: Nvidia set to discuss chip deals in Vietnam next week

    Quan điểm của các quan chức Việt Nam về Sáng kiến Vành đai và Con đường

    Theo nghiên cứu viên từ Học viện Ngoại giao viết trên trang của Quỹ Carnegie vì Hoà bình Quốc tế, ở Việt Nam đã có một số dự án BRI, hay có những dự án được Trung Quốc công bố trước đây và sau đó đưa vào BRI, bao gồm dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông và nhà máy điện Vĩnh Tân (cùng có sự đồng đầu tư của Việt Nam). Số lượng dự án đã tăng lên trong 10 năm qua.

    Một cách chính thức, Việt Nam hoan nghênh BRI và các lãnh đạo cấp cao nêu bật tiềm năng của sáng kiến này. Gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hợp tác để đảm bảo BRI có chất lượng cao và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng coi hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong khuôn khổ BRI là “chất xúc tác” cho sự phát triển khu vực. Cũng cần lưu ý những điểm khác biệt sau trong các tuyên bố chính thức của Việt Nam: (i) BRI thường được đề cập cùng với khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” (TCOB) do Việt Nam đề xuất năm 2004 (trước BRI) và TCOB đã được trích dẫn trong Biên bản ghi nhớ 2017 như một sáng kiến độc lập; (ii) một số sử dụng thuật ngữ “ODA của Trung Quốc” hoặc “các khoản vay của Trung Quốc” thay vì BRI; (iii) nhiều tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng BRI có chất lượng cao, ít rủi ro, phục vụ lợi ích chung của khu vực và tuân thủ luật pháp quốc tế.

    Các quan chức của Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn BRI minh bạch hơn, đôi bên cùng có lợi và xanh hơn cũng như góp phần thúc đẩy thương mại cân bằng hơn. Họ muốn Việt Nam là trung tâm kết nối. Chuyển giao công nghệ nhiều hơn và mức đầu tư cao hơn cũng rất quan trọng. Bên cạnh đường sắt trên cao và nhà máy điện, các lĩnh vực đầu tư tiềm năng khác ở Việt Nam có thể là khoáng sản quan trọng và liên kết biên giới.

    Xem thêm:

    Carnegie Endowment for International Peace ngày 05/12/2023: How Has China’s Belt and Road Initiative Impacted Southeast Asian Countries? 

    Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam: Trung Quốc sẵn sàng cung cấp viện trợ không hoàn lại để kết nối đường sắt

    Trả lời báo chí, Đại sứ Hùng Ba đề xuất "hai nước chúng ta cũng cần phải tăng cường kết nối và liên thông trên đường bộ, đường biển, hàng không cũng như trên mạng Internet."

    Theo đại sứ Trung Quốc, ưu tiên nhất và quan trọng nhất chính là hai bên cần phải mở rộng và tăng cường hợp tác về cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, ví dụ như đường sắt và đường bộ cao tốc. Hiện nay Trung Quốc đang thúc đẩy xây dựng ba tuyến đường sắt xuyên Á, gồm các tuyến phía tây, trung tâm và phía đông. Trong đó tuyến phía đông sẽ đi qua Việt Nam sẽ là tuyến có nhu cầu lớn nhất và điều kiện xây dựng tốt nhất.

    Ông khẳng định Trung Quốc sẵn sàng cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để Việt Nam nâng cấp và cải tạo tuyến đường từ Quảng Tây đến Hà Nội và đẩy nhanh quy hoạch xây dựng một số dự án đường sắt khác như Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

    Xem thêm:

    Báo Tuổi Trẻ ngày 10/12/2023: Đại sứ Hùng Ba: Tổng bí thư Tập Cận Bình rất nhớ, mong gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

    ----------

    III- THƯƠNG MẠI, CHUỖI CUNG ỨNG

    Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh Hoa Kỳ giảm chi tiêu

    Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Trung Quốc đã đăng ký 8,2 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Sự bùng nổ đầu tư của Trung Quốc trái ngược với sự suy giảm trong chi tiêu và thương mại của Hoa Kỳ trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tranh giành ảnh hưởng tại quốc gia chiến lược Đông Nam Á này. Khoản đầu tư đăng ký của Hoa Kỳ đã giảm xuống 0,5 tỷ USD trong năm nay từ mức 0,7 tỷ USD vào năm 2022, khiến nước này trở thành nhà đầu tư lớn thứ 10 sau Samoa và Hà Lan. Thương mại song phương cũng giảm sút do người tiêu dùng Mỹ phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong năm nay và không có thỏa thuận cắt giảm thuế quan nào trong chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam.

    Dữ liệu của Việt Nam cho thấy xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm 15% xuống còn 79,25 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm và nhập khẩu của Hoa Kỳ cũng giảm. Trong cùng thời kỳ, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 5% lên gần 50 tỷ USD, mặc dù nhập khẩu giảm do Việt Nam chủ yếu mua linh kiện từ Bắc Kinh được lắp ráp để xuất khẩu sang các nước phương Tây.

    Cuối tháng 11, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Tạo nói với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính rằng các nước láng giềng nên hợp tác về “kết nối”, trong khi ông Chính chủ trương thúc đẩy kết nối đường sắt.

    Trong khi đó, một số nhà tư vấn kinh doanh tại Việt Nam tiết lộ sự quan tâm của các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam đang ngày càng tăng và lưu ý rằng các quyết định đầu tư cần có thời gian.

    Xem thêm:

    South China Morning Post ngày 02/12/2023: Supply chains headline China-Vietnam talks as US vies for influence

    Reuters ngày 08/12/2023: China's investments to Vietnam boom as Xi visits Hanoi, US spending down

    Nikkei Asia ngày 15/9/2023: Vietnam's factory doldrums show limits of shift out of China. Một bản PDF được lưu ở đây.

    https://mail.google.com/mail/u/1/#inbox/FMfcgzGwHzDnsHBpQgBLcXLnjMmGfBKr


    Không có nhận xét nào