Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ hai 11 tháng 12 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Thủ tướng Campuchia thăm Việt Nam, ký kết các thoả thuận về thương mại và khoa học

    11/12/2023

    Thủ tướng Campuchia thăm Việt Nam, ký kết các thoả thuận về thương mại và khoa học

    Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ở Hà Nội hôm 11/12/2023 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Thủ tướng Campuchia Hun Manet vừa đến Hà Nội vào ngày 11/12 trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Hun Manet đến nước láng giềng sau khi nhậm chức Thủ tướng hồi tháng 8 vừa qua.

    Truyền thông Nhà nước cho biết, ông Hun Manet và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hội đàm thảo luận về hợp tác song phương và chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực thương mại và khoa học.

    Giới chức Campuchia cho báo chí nước này biết hai bên sẽ thảo luận các vấn đề hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, thương mại, an ninh, quốc phòng, biên giới.

    Trong cùng ngày, Thủ tướng Campuchia cũng đã có cuộc gặp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

    Theo truyền thông Nhà nước, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Campuchia đạt trên 10,57 tỷ USD năm 2022, tăng gần 11% so với năm 2021 và hơn 50% so với mức 5 tỷ USD năm 2020.

    Kim ngạch hai chiều chín tháng đầu năm 2023 đạt 6,5 tỷ USD. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN.

    Việt Nam hiện có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong nhóm năm nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia. Campuchia đứng thứ hai trong số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài.

    Quan hệ Việt Nam - Campuchia tuy vậy vẫn có những bất đồng liên quan đến vấn đề biên giới. Một số người Campuchia cho rằng Việt Nam đang tìm cách lấy thêm đất ở phần biên giới của Campuchia.

    Bố của ông Hun Manet - cựu Thủ tướng Hun Sen là người được Hà Nội hậu thuẫn thành Thủ tướng xứ Chùa Tháp sau khi đánh đổ Khmer Đỏ hồi năm 1979.

    Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam xây dựng các tuyến đường sắt, đẩy mạnh dự án Con đường tơ lụa kỹ thuật số

    11/12/2023

    Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam xây dựng các tuyến đường sắt, đẩy mạnh dự án Con đường tơ lụa kỹ thuật số

    Chủ tịch TQ Tâp Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ đón ở Hà Nội hôm 12/11/2017 (minh hoạ) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Trung Quốc và Việt Nam trong tuần này sẽ có những thoả thuận liên quan đến việc nâng cấp các tuyến đường sắt, dự án hạ tầng cơ sở và có thể là cả các dự án về kỹ thuật số trong sáng kiến Con đường tơ lụa mà Trung Quốc đề xuất. Truyền thông Nhà nước loan tin này hôm vào chiều ngày 10/12.

    Những thông báo về các thoả thuận này sẽ được đưa ra nhân chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Hà Nội từ ngày 12 đến ngày 13/1.

    Theo mạng báo Tuổi trẻ, Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba (Xiong Bo) chiều 10/12 khẳng định trước chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, "Tôi cho rằng cả hai nước chúng ta cũng cần phải tăng cường kết nối và liên thông trên đường bộ, đường biển, hàng không cũng như trên mạng Internet."

    Ông Hùng Ba cho biết Trung Quốc sẵn sàng viện trợ nâng cấp tuyến đường sắt Quảng Tây - Hà Nội.

    Ngoài tuyến đường sắt Quảng Tây đến Hà Nội, Đại sứ Hùng Ba cũng cho biết Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh quy hoạch xây dựng một số dự án đường sắt khác như Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

    Cũng theo Tuổi Trẻ, Đại sứ Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẵn sàng cung cấp các viện trợ không hoàn lại cho các dự án này.

    Theo Reuters, những đề nghị này của Trung Quốc là đối trọng với các đề nghị tài trợ trước đó mà Mỹ và Phương Tây dành cho Việt Nam trong các dự án chuyển đổi việc sử dụng năng lượng xanh, giảm thiếu sử dụng than.

    Cũng theo Reuters, tuyến đường sắt mà Trung Quốc giúp Việt Nam sẽ kết nối Côn Minh với Hải Phòng đi qua vùng đất hiếm của Việt Nam.

    Việt Nam được nói là nước có trữ lượng đất hiếm đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc nhưng hiện vẫn chưa được khai thác vì thiếu công nghệ.

    Đại sứ Trung Quốc trong bài phỏng vấn với báo Nhà nước cũng đề cập đến kết nối kỹ thuật số như là một ưu tiên trong hợp tác phát triển giữa hai nước. Ông nói hai bên cần cải thiện kết nối trên biển, đất liền và trên không trên internet.

    Các nhà ngoại giao và chuyên gia Việt Nam nhận định kết nối kỹ thuật số có nghĩa là bao gồm Việt Nam và các kế hoạch trong chương trình Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc vốn thuộc Sáng kiến Vành đai Con đường, tập trung vào cáp quang, trung tâm dữ liệu và các cơ sở hạ tầng cho viễn thông.

    Hãng Nvidia cân nhắc thiết lập cơ sở chip bán dẫn trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam

    11/12/2023

    Hãng Nvidia cân nhắc thiết lập cơ sở chip bán dẫn trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam

    Minh họa: logo hãng Nvidia 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

    Hãng sản xuất chip bán dẫn của Mỹ - Nvidia – đang cân nhắc thiết lập một trung tâm thiết kế chip bán dẫn tại Việt Nam. Truyền thông Nhà nước dẫn lời Giám đốc điều hành Nvidia – ông Jesen Huang – cho biết như vậy tại tọa đàm phát triển ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào sáng ngày 11/12 nhân chuyến thăm của ông này tới Việt Nam.

    Truyền thông Nhà nước trích lời ông Jessen Huang nói với Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Chúng tôi đã nói với Thủ tướng sẽ cam kết hết sức để biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia.  Chúng tôi sẽ lập pháp nhân ở Việt Nam”.

    Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị Nvidia nghiên cứu, triển khai dự án đầu tư về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam và cam kết Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hãng.

    Ông Dũng cũng đề nghị Nvidia xem xét xây dựng cơ sở R&D, phòng thí nghiệm về thiết kế chip bán dẫn tại khu công nghệ cao của Việt Nam, đồng thời tư vấn, hỗ trợ các cơ sở đào tạo về nguồn lực, chuyên gia xây dựng chương trình đào tạo, thực hành trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; tạo điều kiện cho kỹ sư, học viên của Việt Nam tham gia thực tập, làm việc tại Nvidia.

    Theo một tài liệu của Nhà Trắng, tại Việt Nam, Nvidia là nhà cung cấp máy chủ và AI hàng đầu, đã hợp tác với các công ty công nghệ tốp đầu của Việt Nam để triển khai AI trong các ngành công nghệ đám mây, ô tô và chăm sóc sức khỏe.

    Truyền thông Nhà nước cho biết, Nvidia cũng đã ký thỏa thuận với Viettel với mong muốn trở thành một đối tác của Việt Nam trong quá trình nâng cao năng lực nội địa về AI.

    Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đang nghiên cứu phát triển hệ thống siêu tính toán với chip A100 của Nvidia nhằm hỗ trợ triển khai các giải pháp AI mới nhất.

    Bán dẫn: Tập đoàn Mỹ Nvidia đặt nhiều kỳ vọng vào Việt Nam

    Thanh Hà /RFI

    11/12/2023

    Có mặt tại Hà Nội, tổng giám đốc tập đoàn sản xuất chip điện tử Mỹ Nvidia trong ngày làm việc hôm nay, 11/12/2023, tập trung vào các chương trình hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn với các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu của Việt Nam. 

    Le stand de l'entreprise Nvidia au Mobile World Congress de Barcelone en 2014 (image d'illustration).

    Gian triển lãm của tập đoàn Nvidia tại triển lãm Mobile World Congress, Barcelone, Tây Ban Nha, ngày 27/02/2014. TẬP TIN - Trong ảnh tập tin này ngày Thứ Năm, ngày 27 tháng 2 năm 2014, mọi người tập trung tại gian hàng Nvidia tại triển lãm thương mại điện thoại di động Mobile World Congress ở Barcelona, ​​Tây Ban Nha. Các cơ quan quản lý của Vương quốc Anh cho biết hôm thứ Tư, ngày 6 tháng 1 năm 2021, họ đang điều tra việc nhà sản xuất chip đồ họa Nvidia mua lại nhà thiết kế chip Arm Holdings trị giá 40 tỷ USD vì lo ngại về ảnh hưởng của nó đối với cạnh tranh. (Ảnh AP/Manu Fernandez, TẬP TIN) AP - Manu Fernandez 

    Hãng tin Anh Reuters đánh giá chiến tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. Lãnh đạo Nvidia, tập đoàn hàng đầu về thiết kế chip điện tử, ông Jensen Huang, thông báo « đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn Viettel, FPT, Vingroup và VNG ». Ông  kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành một « điểm đến có sức thu hút nhân tài », một « trung tâm về trí thông minh nhân tạo », một bệ phóng trong các khâu từ « thiết kế đến phát triển, sản xuất các phần mềm trong tương lai ». Bộ trưởng bộ Kế Hoạch và Đầu Tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng cho biết là đang có những bước chuẩn bị để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong hai lĩnh vực « công nghệ bán dẫn và trí thông minh nhân tạo ».

    Hội kiến thủ tướng Phạm Minh Chính chiều hôm qua,10/12/2023, tổng giám đốc Nvidia đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Việt Nam trong « ngành công nghiệp bán dẫn » và Nvidia muốn Việt Nam tham gia « sâu hơn » vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong thế giới kỹ thuật số hiện nay.

    Nvidia đã đầu tư 250 triệu đô la vào Việt Nam, theo một tài liệu của Nhà Trắng được công bố hồi tháng 9/2023, vào lúc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên mức cao nhất là « Đối tác chiến lược toàn diện ».

    Vụ học sinh bao vây cô giáo ở Tuyên Quang lên sóng truyền hình Hàn Quốc 

    11/12/2023 

    An Tôn - VOA 

    Đài Chosun TV ở Hàn Quốc đưa tin về vụ bạo lực học đường ở Tuyên Quang, Việt Nam, 9/12/2023.

    Đài Chosun TV ở Hàn Quốc đưa tin về vụ bạo lực học đường ở Tuyên Quang, Việt Nam, 9/12/2023. 

    Kênh News7 của đài Chosun TV ở Hàn Quốc đưa tin tối hôm 9/12 về vụ các học sinh bao vây và xô xát với cô giáo ở tỉnh Tuyên Quang mới xảy ra cách đây chưa lâu và gây rúng động dư luận Việt Nam. 

    Tin này mở đầu với một nữ người dẫn bản tin đứng trước hình nền gồm quốc kỳ Việt Nam nổi bật bên cạnh ảnh chụp một học sinh đang đối đầu với cô giáo, và người dẫn nói rằng đã xảy ra sự việc hàng chục học sinh bắt nạt giáo viên trong một lớp học cấp 2 ở Việt Nam được ghi lại bằng video và gây sốc. 

    Đoạn tin dài khoảng 1 phút 30 giây mô tả rằng giáo viên đã ngất xỉu sau khi bị học sinh ném các đồ vật và giày dép vào người. Trước đó, học sinh đã dồn cô giáo vào một góc tường, và sau vụ việc xảy ra hôm 29/11, hai bên đưa ra những lời kể trái ngược nhau khi trình bày về vụ này, theo tin của kênh News7 ở Hàn Quốc. 

    Đài truyền hình ở Hàn Quốc nói rằng xã hội Việt Nam đã chấn động về đoạn video được tung lên mạng xã hội ghi lại sự việc ở một trường cấp hai ở miền bắc. 

    Trích lại đoạn video, News7 tường thuật rằng khi cô giáo viên giơ điện thoại lên quay video các học sinh, một trong số họ đã nằm xuống sàn và hét lên rằng bị giáo viên đánh. 

    Tiếp theo, kênh này nói rằng các học sinh đã đóng các cửa lớp học lại và cùng nhau lên tiếng đe dọa vì giáo viên không cho nghỉ học giữa chừng. Họ đã xỉa xói, chế nhạo giáo viên và thậm chí còn ném đồ vật và giày dép vào người cô giáo. Cuối cùng, cô giáo viên đã ngã xuống sàn. 

    Trong phần cuối của tin, đài Hàn Quốc nói rằng các phụ huynh học sinh đưa ra lập luận rằng bọn trẻ hành động như vậy cốt chỉ trả đũa cho việc giáo viên đã bạo hành chúng. 

    Vẫn theo News7, đã xuất hiện một video khác cho thấy giáo viên vung giày với các học sinh. Tuy nhiên, giáo viên nói rằng các học sinh có nhiều vấn đề và cho hay đã báo cáo tình hình với hiệu trưởng nhưng sự việc không được giải quyết. 

    Các cơ quan có thẩm quyền trong ngành giáo dục Việt Nam đã mở một cuộc điều tra, đài truyền hình Hàn Quốc cho biết và không đưa ra bình luận riêng của đài. 

    Đoạn tin kể trên nằm trong phần gần cuối của chương trình thời sự dài gần 45 phút trên kênh News7, phát hồi 19h ngày 9/12, thu hút gần 123.000 lượt người xem, theo quan sát của VOA. 

    Theo tìm hiểu của VOA, các đoạn video về vụ bạo lực học đường ở Tuyên Quang được tung lên mạng xã hội hôm 4/12, cho công chúng biết về những diễn biến gây sốc đã xảy ra hôm 29/11 tại trường Trung học Cơ sở Văn Phú ở huyện Sơn Dương. 

    Truyền thông Việt Nam đưa tin rằng vào ngày hôm đó, cô giáo có tên viết tắt là P.T.H., 38 tuổi, dạy môn âm nhạc tại một lớp 7 trong trường và đã nhắc nhở một số học sinh không vào lớp nhưng họ không nghe lời mà thay vào đó đã phản ứng lại. 

    Tiếp đến, trong giờ học, một vài học sinh xin ra ngoài nhưng cô H. không cho phép. Sau đó, giữa cô và học sinh nảy sinh mâu thuẫn. 

    Hết giờ dạy tại lớp 7, cô H. sang dạy trong một lớp 6. Một số học sinh lớp 7 đã sang lớp 6 và có những hành xử gây chấn động như đã thấy trong các video, truyền thông Việt Nam tường thuật. 

    Từ 30/11 đến 2/12, chính quyền huyện Sơn Dương và một loạt cơ quan có thẩm quyền của ngành giáo dục và công an đã yêu cầu “kiểm tra, xác minh, làm rõ trách nhiệm của giáo viên, học sinh và đề xuất biện pháp xử lý”, các bản tin trong nước cho biết. 

    Hôm 7/12, Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Dương ra quyết định bị tạm đình chỉ chức vụ và công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Duy Sáng, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú, để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh, làm rõ công tác điều hành, quản lý giáo viên, học sinh trong nhà trường. 

    Theo quan sát của VOA, nhiều người bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ “vô cùng thất vọng”, “buồn bã” và cả “phẫn nộ” về vụ việc, tiếp sau nhiều vụ khác đã xảy ra ở các trường học. Những vụ này kết hợp lại với nhau cho thấy nền giáo dục và đạo đức Việt Nam xuống cấp nghiêm trọng, họ nhận xét. 

    Nhiều lời bình luận trên mạng xã hội quy trách nhiệm trước hết là cho ngành giáo dục và sau đó là các bậc cha mẹ. Họ cảnh báo rằng một khi học sinh dám đánh thầy cô thì các em sẽ chẳng chừa ai ra nữa và đó là một mối nguy lớn. Họ kêu gọi phải có một cuộc kiểm điểm và cải tổ sâu sắc ngành giáo dục. 

    VOA cố gắng liên lạc với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam để tìm hiểu quan điểm của họ nhưng không có hồi đáp.

    Nguyễn Thông - Giản dị 

    11/12/2023

      Ca ngợi ông Jensen Huang, CEO Tập đoàn Nvidia ngồi vỉa hè ăn phở, uống cà phê để nói rằng đó là người giàu có nhưng gần gũi, bình dị - điều này đúng. 

    Tất nhiên nhìn những tấm ảnh chụp, thấy xung quanh đầy hảo hán sẵn sàng ra tay bảo vệ ông ấy, cũng đúng luôn, bởi ở xứ này không ai có thể biết trước chuyện gì xảy ra.

    Vừa rồi cả chuyện ông thủ tướng Chính tiếp tay thủ tướng Belarus cũng có sự ngồi cà phê vỉa hè, các báo cũng khoái chí tương tự, nào giản dị, nào nơi an bình, đáng sống.

    Tôi nói thật, chỉ có diễn, hoặc coi điều ấy là chuyện thần kỳ thì mới thấy lạ, háo hức, chứ nơi khác, người khác thì đó là "chuyện ngày thường ở huyện". Lãnh đạo cấp cao "nhất trụ, nhị trụ" người ta hằng ngày đi xe đạp tới phủ, hết nhiệm kỳ thì tự dọn đồ đạc giường tủ sách vở để về nhà, tự mua vé đi xe lửa về quê... không cần nhờ cậy bất cứ nhân viên nào. 

    Về hưu rồi thì tự trồng trọt, chăn nuôi mà sống, vui thú bên bà vợ già. Chứ không có cái thói cấp nhà cửa, xe sang, bác sĩ, tài xế, xăng dầu, cảnh vệ... đến hết đời, rồi lại còn quốc tang quốc tiếc nữa. Càng văn hóa văn minh, càng giản dị, lão thực, tuyệt đối không lợi dụng nhân dân, dù chỉ "cây kim sợi chỉ".

    Ông Huang CEO nói trên rất đáng trọng, nhưng báo mậu dịch ơi, nếu ca tụng nhân cách thì còn có một người Đài Loan nữa hơn ông ấy một bực, là bà tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nhé. 

    Làm tổng thống, đứng đầu "quốc gia" nhưng vẫn ăn cơm căng tin với mọi người, cơm hàng cháo chợ là chuyện thường tình, trang phục giản dị, hòa đồng gần gũi thân tình với dân chúng, yêu mến kính trọng binh lính hằng ngày bảo vệ tổ quốc... nói tóm lại là vĩ nhân trong một người bình thường. Sao chỉ ca ngợi khen ông Huang mà không dám khen người đồng hương của ổng. Nhất là lúc này.

    NGUYỄN THÔNG 11.12.2023

    Việt Nam: Bệnh nhân ung thư ngày càng tăng và trẻ hóa

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/12/viet-nam-benh-nhan-ung-thu-ngay-cang-tang-va-tre-hoa-700x480.jpg


    Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đang điều trị cho một bệnh nhân ung thư. (Ảnh: bachmai.gov.vn) 

    Việt Nam hàng năm có hơn 182.000 ca mới và hơn 122.000 ca tử vong do ung thư, gây nhiều áp lực lên lĩnh vực phòng chống ung thư, gây quá tải cho các cơ sở điều trị.

    Tại Hội thảo thường niên về phòng chống ung thư TP.HCM lần thứ 26 vào hôm 7/12, TS.BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư tại Việt Nam tiếp tục tăng theo xu hướng chung của thế giới.

    Ước tính toàn cầu có khoảng 19,3 triệu ca mới và 9,9 triệu ca tử vong do ung thư vào năm 2020, trong khi năm 2012 chỉ 14 triệu ca mới và 8,2 triệu ca tử vong, theo Globocan – Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế.

    Theo bác sĩ Dũng, tại Việt Nam, hàng năm có hơn 182.000 ca mới và hơn 122.000 ca tử vong do ung thư. Hơn 350.000 bệnh nhân đang sống chung với căn bệnh này. Bình quân cứ 100.000 người Việt có 159 ca được chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 trường hợp tử vong. Tỷ suất mắc mới của Việt Nam xếp thứ 91, tỷ suất tử vong xếp 50 trên tổng cộng 185 nước, ngày càng tăng nhanh trên bảng xếp hạng toàn cầu.

    Tại TP.HCM, khuynh hướng một số bệnh nhân ung thư như vú, đại tràng có độ tuổi trẻ hơn và một số loại ung thư có tỷ lệ mắc tăng như giáp, dạ dày, tiền liệt tuyến.

    Về tác nhân gây ung thư, bác sĩ Dũng cho hay nguyên nhân là do tuổi thọ tăng, sự già hóa dân số, môi trường sống thay đổi, ô nhiễm không khí, nước, các thói quen như rượu bia, thuốc lá điện tử, ăn uống, sinh hoạt không điều độ. Ngoài ra, ngày nay y học phát triển, nhiều phương tiện chẩn đoán, phát hiện ung thư sớm, nên nhiều người được phát hiện bệnh.

    Bên cạnh đó, một trong những lý do khiến số ca mắc mới tăng là do tác động của COVID-19, khiến việc quản lý, phục vụ liên quan đến chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư giảm 50% ở tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tại châu Âu, trong hai năm đại dịch, ước tính khoảng một triệu ca thoát khỏi chẩn đoán, từ đó làm suy giảm kết quả điều trị và nhất là giảm số lượng nghiên cứu về bệnh. Mỹ cũng giảm hàng chục triệu test tầm soát và chẩn đoán ung thư.

    PGS Bùi Diệu, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nói các loại ung thư ngày càng trẻ hóa để lại những hậu quả nặng nề cho toàn xã hội.

    Theo PGS Bùi Diệu, phòng chống ung thư đang là thách thức không nhỏ đối với ngành y tế trong chăm sóc sức khỏe cho gần 100 triệu người dân trên cả nước.

    Trong số hơn 182.000 ca mắc mới hiện một số loại ung thư phổ biến đang gặp ở cả hai giới gồm ung thư gan, phổi, tiêu hóa và ung thư vú (ở nữ giới) đang gây nhiều áp lực lên lĩnh vực phòng chống ung thư, gây quá tải cho các cơ sở điều trị.

    Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị ngành y tế cần đẩy mạnh các biện pháp phòng bệnh, cung cấp thông tin về ung thư để người dân hiểu và đi khám, tầm soát, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, các cơ sở điều trị cần không ngừng tiếp nhận công nghệ cao của quốc tế trong chẩn đoán, điều trị ung thư đồng thời đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới để nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh…

    Việt Nam là quốc gia xếp thứ 36 trong tổng 177 quốc gia có mức độ ô nhiễm cao nhất trên toàn cầu. Theo thống kê của IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới), nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam vượt quá 4,9 lần so với mức độ không khí đảm bảo.

    Đáng chú ý, sáng ngày 8/12/2023, IQAir xếp thủ đô Hà Nội ô nhiễm không khí đứng đầu thế giới với chỉ số AQI trung bình 200 đơn vị.

    IQAir đánh giá bụi mịn (PM2.5) tại Hà Nội hiện cao gấp 30 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

    Ngoài bụi mịn, Việt Nam còn đang đối diện với ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường đất, ô nhiễm tiếng ồn…

    Minh Long

    TP.HCM sẽ sáp nhập 80 phường

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/12/khu-vuc-quan-4.jpg


    Khu vực quận 4, TP.HCM. (Ảnh: thanhuytphcm.vn) 

    Theo Tờ trình gửi Bộ Nội vụ, từ nay đến hết năm 2023, TP.HCM có kế hoạch sắp xếp 129 phường ở 10 quận nội thành; trong đó 80 phường thuộc diện sáp nhập.

    UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Bộ Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

    Theo đó, thành phố có 129 xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp nhưng có 49 đơn vị diện đặc thù nên không phải sáp nhập. 80 đơn vị còn lại thuộc diện phải sáp nhập.

    Cụ thể, Quận 3 có 4 phường thuộc diện này (phường 9, 10 và phường 12, 13) sau sắp xếp còn 2 phường.

    Quận 4 có 6 phường (phường 6, 9; phường 8, 10 và phường 14, 15) sau sắp xếp còn 3 phường.

    Quận 5 có 8 phường (phường 2, 3; phường 5, 6; phường 7, 8; phường 10 và 11) sau sắp xếp còn 4 phường.

    Quận 6 có 11 phường (phường 2, 6 và một phần phường 5; phường 1, 3, 4; phường 9 và một phần phường 5; phường 11, một phần phường 10; phường 14 và một phần phường 13) sau sắp xếp còn 5 phường.

    Quận 8 có 9 phường (phường 1, 2, 3; phường 8, 9, 10 và phường 11, 12, 13) sau sắp xếp thành 3 phường đặt tên là: Rạch Ông, Hưng Phú và Xóm Củi.

    Quận 10 có 6 phường (phường 6, 7; phường 5, 8 và phường 10, 11) sau sắp xếp còn 3 phường.

    Quận 11 có 11 phường (phường 1, 2; phường 4, 6, 7; phường 8, 12; phường 9, 10 và phường 11, 13) sau sắp xếp còn 5 phường.

    Quận Bình Thạnh có 13 phường (phường 1, 3; phường 5, một phần phường 6; phường 7, một phần phường 6; phường 11, một phần phường 13; phường 2, 15; phường 19, 21 và phường 14, 24) sau sắp xếp còn 7 phường.

    Quận Gò Vấp có 8 phường (phường 1, 4, 7; phường 8, 9; phường 14, một phần phường 13, phường 15, một phần phường 13) sau sắp xếp còn 4 phường.

    Quận Phú Nhuận có 4 phường (phường 3, 4 và phường 15, 17) sau sắp xếp còn 2 phường.

    Theo UBND TP, sau sắp xếp từ 80 phường thuộc 10 quận sẽ hình thành 38 phường mới, giảm 39 phường. Trong đó, đa số nhập từ hai phường thành một phường mới, có 7 trường hợp thành ba phường hoặc một phần phường cũ hình thành phường mới. Có 9 phường phải điều chỉnh ranh giới.

    Các phường mới đạt quy chuẩn về quy mô dân số, có 12/38 phường mới có quy mô dân số trên 45.000 người, đạt trên 300% so với tiêu chuẩn nhưng diện tích sau sắp xếp vẫn không đạt so với quy định.

    Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phường (thuộc quận) có dân số từ 15.000 người trở lên; diện tích 5,5 km2 trở lên; xã là 5.000 người đến 8.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2. Nếu những đơn vị không đạt hai tiêu chí này phải sắp xếp lại.

    Minh Long

    Cà Mau: Thầy giáo bị khởi tố vì hiếp dâm học sinh lớp 3

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/12/r_bo-ld-tbxh-hon-80-cac-vu-xam-hai-tre-em-la-xam-hai-tinh-duc.jpg


    Thầy giáo bị khởi tố vì hiếp dâm học sinh lớp 3. (Ảnh minh họa: Tinnakorn jorruang/shutterstock) 

    Bé N.T.M. (SN 2015, học sinh lớp 3) bị thầy giáo Nguyễn Tấn L. hiếp dâm tại thư viện trường, đồng thời đe dọa bé M. không được nói ra ngoài nếu không sẽ lấy mạng.

    Ngày 8/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định tạm giam đối với Nguyễn Tấn L. (SN 1995, ngụ xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) để điều tra về hành vi Hiếp dâm trẻ em.

    Nguyễn Tấn L. là thầy giáo, đang dạy học tại Trường tiểu học Lê Văn Tám, xã Đất Mới (huyện Năm Căn). Nạn nhân là bé N.T.M. (SN 2015, học sinh lớp 3) do Nguyễn Tấn L. dạy.

    Theo thông tin ban đầu, lúc 14h ngày 30/11, sau khi học xong môn Tiếng Việt, các em học sinh xuống thư viện của trường đọc sách. Nguyễn Tấn L. yêu cầu bé N.T.M. ở lại phòng học phụ mình dọn dẹp đồ.

    Sau đó, Nguyễn Tấn L. rủ nạn nhân chơi trò bịt mắt đoán đồ vật, đồng thời lấy khăn quàng bịt mắt nạn nhân lại. Lợi dụng nạn nhân bị bịt mắt, Nguyễn Tấn L. có hành vi xâm hại tình dục học trò của mình.

    Nguyễn Tấn L. còn đe dọa nạn nhân nếu kể lại chuyện cho người khác nghe, làm mất danh tiếng của mình thì sẽ lấy mạng bé M.

    Vụ việc sau đó được bé N.T.M. kể lại, gia đình lập tức đến trình báo đến công an địa phương.

    Phòng GD&ĐT huyện yêu cầu nhà trường ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Nguyễn Tấn L. Hiện bé M. đã đi học trở lại.

    Minh Long


    Không có nhận xét nào