Header Ads

  • Breaking News

    Khảo sát ý kiến của các nước Đông Nam Á về sáng kiến vành đai và con đường sau 10 năm triển khai

    Nghiên Cúu Biển Đông

    18/12/2023

    Ngày 5/12/2023, Carnegie đăng bài tổng hợp khảo sát ý kiến một số học giả 8 nước Đông Nam Á về Sáng kiến Vành đai và Con Đường (BRI) sau 10 năm triển khai. https://carnegieendowment.org/.../how-has-china-s-belt... 

    Qua khảo sát của Carnegie, ta có thể thấy: 

    1/ Ý kiến của các nước ĐNÁ về BRI sau 10 năm không đồng đều, chia làm 4 nhóm: rất tích cực (Lào & Campuchia); tích cực (Malaysia, Thái Lan & Indonesia); trung lập (Việt Nam & Myanmar) và tiêu cực (Philippines). Nhóm trung lập – tích cực có thể tìm kiếm nguồn đầu tư từ BRI mạnh mẽ hơn trong tương lai gần.

    2/ Đánh giá về triển vọng của BRI cũng khác nhau. Một số cho rằng BRI sẽ phải cạnh tranh với các sáng kiến mới của Trung Quốc như GDI và GSI, một số lại cho rằng BRI có thể được tích hợp với các sáng kiến mới.

    3/ Hiện nay, TQ đã tuyên bố xây dựng BRI “chất lượng cao”, có thể hướng tới một BRI 2.0 với tiêu chuẩn cao hơn, phù hợp với nhu cầu của các nước ĐNÁ hơn. Tuy nhiên, các nước ĐNÁ cũng có thêm các lựa chọn khác về đầu tư cơ sở hạ tầng từ Mỹ và đồng minh, bao gồm Mạng lưới Điểm Xanh (Blue Dot Network), Đối tác về Cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII), Chiến lược Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway), Các dự án đầu tư từ Chiến lược Ấn-Thái của Canada,… Các sáng kiến này đã và đang triển khai một số dự án tại các nước ASEAN, ví dụ như Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) tại Indonesia và Việt Nam, Cửa ngõ Thương mại Canada tại ĐNÁ,...

    Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu thêm kết quả khảo sát. 

    1/ Nhóm “rất tích cực” gồm có Campuchia và Lào. 

    • Về Campuchia, BRI đem lại kết quả tích cực ở nước này (phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối các khu vực trong nước, thúc đẩy kinh tế trong nước và thương mại xuyên quốc gia thông qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế bằng QR). Hiện nay, các dự án BRI quan tâm nhiều đến tiêu chuẩn lao động cao, dịch chuyển xanh và nâng cao trình độ lao động… Do đó, Campuchia kì vọng sẽ có thêm nhiều dự án BRI ở nước này. 

    • Đối với Lào, BRI giúp Lào trở thành một trung tâm kết nối đường bộ cùng với nhiều lợi ích kinh tế trực tiếp và gián tiếp khác (không chỉ đối với Lào mà còn với nhiều nước láng giềng).

    2/ Nhóm “tích cực” gồm Malaysia, Thái Lan và Indonesia. 

    • Thái Lan nhìn chung ủng hộ BRI do quan hệ Thái – TQ sau đảo chính năm 2014 bền chặt hơn. Tuy nhiên, Thái Lan có những lo ngại về BRI (liên quan đến bẫy nợ, môi trường và cộng đồng) và BRI có thể suy yếu vì Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) mới tập trung vào các vấn đề mà Thái Lan quan tâm hơn. 

    • Malaysia nhìn chung cũng đánh giá BRI tích cực nhưng vẫn có những lo ngại về quyền sử dụng đất, khung pháp lý, tính minh bạch, khung pháp lý cho doanh nghiệp liên doanh và tính bền vững,…

    • BRI mang lại tác động tích cực cho Indonesia sau 10 năm triển khai ở nước này (BRI giúp kết nối Java với vùng phía Đông, Indo có tổng cộng 71 chương trình liên quan đến BRI). Tuy nhiên, Indonesia cũng có những lo ngại liên quan đến các vấn đề xã hội (mâu thuẫn giữa người dân địa phương với công nhân TQ và chính quyền Indonesia, xung đột sắc tộc, phúc lợi xã hội và an toàn lao động) và các rủi ro (bẫy nợ, phụ thuộc kinh tế). Do đó liên quan đến tương lai BRI, Indonesia cho biết cần minh bạch hóa các dự án, nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân để tránh thông tin sai lệch và cải thiện năng lực quản lý các rủi ro nêu trên.

    3/ Nhóm “trung lập” gồm Việt Nam và Myanmar. 

    • Lãnh đạo Việt Nam hoan nghênh BRI nhưng các giới khác có nhiều quan ngại từ kinh nghiệm với một số dự án nhận đầu tư của Trung Quốc (ví dụ như tiến độ triển khai chậm trễ, quy trình đấu thấu không minh bạch, chi phí tài chính cao hay bẫy nợ,…). BRI dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng dù phải cạnh tranh với GDI và GSI, thậm chí có thể được tích hợp vào GSI và GDI.

    • Các chính quyền của Myanmar nhìn chung ủng hộ BRI với cấp độ khác nhau nhưng người dân có thái độ tiêu cực (Chính quyền 2012-2016 không phản đối BRI nhưng tập trung vào đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế hơn; Chính quyền 2016-2021 ủng hộ BRI hơn nhưng người dân có nhiều lo ngại; Chính quyền quân sự của Myanmar sau đảo chính thúc đẩy BRI còn người dân lại lo ngại về ảnh hưởng kinh tế-chính trị của TQ). Tình hình chính trị trong nước của Myanmar hiện nay có thể giảm lợi nhuận và cản trở hiệu quả của BRI.

    4/ Nhóm “tiêu cực” chỉ có Philippines. 

    • Tổng thống Marcos Jr đã hủy 3 dự án BRI thời Duterte và vẫn chưa ký thêm dự án BRI nào. BRI được cho là có lợi cho giới tinh hoa, không giúp kinh tế Philippines phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn và có thể đe dọa an ninh Philippines vì có liên quan đến các hoạt động tài chính không minh bạch và các tệ nạn xã hội.

    Bạn đọc đánh giá thế nào về triển vọng của BRI trong thời gian tới?

    Đỗ Ngân H

    Tham khảo: 

    https://thediplomat.com/.../chinas-belt-and-road.../ 

    https://international-partnerships.ec.europa.eu/.../globa... 

    https://www.canada.ca/.../canadas-indo-pacific-strategy... 

    https://carnegieendowment.org/.../how-has-china-s-belt... 

    http://www.beltandroadforum.org/.../2023/1018/c124-1175.html


    Không có nhận xét nào