RFA
22/12/2023
Các nhân vật bị vi phạm nhân quyên bởi chính quyền Hà Nội năm 2023.
Facebook/ RFA edited
Tồi tệ, ảm đạm, hung hãn… là những tính từ mà một số nhà hoạt động dùng để mô tả khái quát tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2023.
Bà Đinh Thảo, một nhà hoạt động nhân quyền và cũng là nghiên cứu sinh ngành khoa học chính trị, hiện đang ở tại Hoa Kỳ, nói:
“Tình hình dân quyền năm nay rất ảm đạm. Có thể nói từ năm 2018, xu hướng nhân quyền ở Việt Nam đã đổi chiều đi xuống và cứ thế tệ dần. Đến năm 2023 có thể nói là tồi tệ nhất trong suốt cả một chuỗi dài mấy năm qua.”
Ngoài ra, RFA thực hiện phỏng vấn ba nhà hoạt động và những người này đã chọn ra năm sự kiện mà họ cho là đáng ý và mang tính bước ngoặt về nhân quyền Việt Nam trong năm 2023.
1. Nhân quyền “mất hút” trong nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ
Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện, nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam hôm 10 và 11/9/2023.
Nhận định về kết quả ngay sau chuyến thăm, thạc sỹ Nguyễn Thế Phương khi đó cho rằng vấn đề về nhân quyền luôn là một trở ngại trong mối quan hệ giữa hai bên, mặc dù hiện nay nó đã bị đặt xuống mức rất thấp rồi.
Bà Đinh Thảo nhận định, giới hoạt động xã hội dân sự có đăng ký trong nước từ trước nay phải hoạt động giữa một rừng các văn bản quy định rất mù mờ. Chính những quy định không rõ ràng đó có thể là công cụ để chính quyền ra tay đàn áp các tổ chức xã hội dân sự rất dễ dàng.
Sự chính danh và an toàn của giới hoạt động này phụ thuộc rất nhiều vào các tiếng nói ủng hộ từ quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ.
Tuy nhiên giờ đây, Hoa Kỳ đã nhượng bộ Việt Nam rất nhiều trong vấn đề nhân quyền để hai bên có thể nâng cấp được mối quan hệ. Theo bà Thảo, khi một tiếng nói quốc tế ủng hộ cho nhân quyền Việt Nam như Hoa Kỳ không còn mạnh mẽ như trước, thì chính quyền Hà có thể dễ dàng mạnh tay đàn áp hơn:
“Chính vì Mỹ nhượng bộ cho nên chính quyền Việt Nam cũng không cần phải lăn tăn, nâng lên đặt xuống mỗi khi đàn áp ai nữa mà họ hành động càng ngày càng trở nên tùy tiện hơn, hung hãn hơn.”
2. Nhà hoạt động Đường Văn Thái Bị bắt đưa về Việt Nam
Ngày 13/4, nhà hoạt động Đường Văn Thái, người đang tị nạn ở Thái Lan đột ngột mất tích ở gần nơi trọ. Một số bạn bè, trong đó có người của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch- HRW), tìm ra nhiều chứng cứ chứng minh rằng ông đã bị một nhóm người bắt cóc và đưa đi mất tích.
Ba ngày sau, Công an tỉnh Hà Tĩnh có thông báo về việc công an xã Sơn Kim 1, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ một người có tên Đường Văn Thái khi người này đang “xâm nhập bất hợp pháp” từ Lào trong ngày 14/4.
Đến giữa tháng 7/2023, Bộ Công an ra thông báo về việc bắt giam YouTuber Đường Văn Thái với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.
Bà Minh Trang, thạc sỹ chuyên ngành Quyền và Thực hành Quyền, từ Thuỵ Điển đánh giá mặc dù cho đến hiện tại vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn rằng chính quyền Hà Nội có ra tay bắt cóc ông Đường Văn Thái hay không. Tuy nhiên:
“Đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy là chuyện đó có khả năng rất cao là đã xảy ra. Bởi vì, ông Thái đã được UNHCR cấp quy chế tị nạn và chuẩn bị được tái định cư. Những bạn bè thân cận của ông Thái cũng khẳng định là ông ấy không có ý định trở về Việt Nam. Vậy thì tự nhiên hà cớ gì mà ông ấy lại xuất hiện ở Việt Nam, xong rồi lại bị truy tố?”
Cũng theo bà Trang, sự kiện này cho thấy nhà nước Việt Nam quyết tâm truy bắt những người bất đồng chính kiến, ngay cả khi họ đã rời Việt Nam sinh sống ở nước ngoài:
“Tôi nghĩ rằng họ quyết tâm tiêu diệt mọi mầm mống có thể nguy hại cho tính chính danh và quyền lực của họ.
Có thể chính quyền Việt Nam không muốn những người này được đi tị nạn ở một đất nước thứ ba. Bởi vì họ biết rằng những người này được sang một đất nước khác thì họ vẫn có thể làm được các công việc khác như vận động dân chủ nhân quyền, nói lên thực trạng của xã hội. Họ không muốn người dân Việt Nam tiếp cận được những thông tin như vậy.”
Qua sự kiện này, bà Trang cho rằng Thái Lan không còn là một nơi an toàn để những người hoạt động Việt Nam có thể tạm lánh như ngày trước nữa.
3. Tiếp tục bắt các nhà hoạt động môi trường nổi bật
Năm 2023, Việt Nam tiếp tục đàn áp, bỏ tù những nhà hoạt động môi trường nổi bật, là lãnh đạo các tổ chức được nhà nước cấp phép hoạt động một cách hợp pháp.
Điển hình là nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng. Bà bị bắt ngày 31/5 vì bị cho là chỉ đạo nhân viên của tổ chức không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không thực hiện đầy đủ thủ tục về kế toán, hóa đơn, chứng từ... cho khoản thu 69 tỷ đồng.
Đây là khoản tài trợ của các tổ chức nước ngoài cho những dự án của tổ chức CHANGE trong thời gian từ 2012 cho đến khi giải thể năm 2022. Số tiền bị cho là trốn thuế lên tới 6,7 tỷ đồng.
Sự kiện này, theo bà Trang là tiếp nối của một chuỗi các vụ bắt bớ các nhà hoạt động môi trường từ năm 2020-2021 cho đến tận bây giờ:
“Nó cho thấy là chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục gây sức ép lên không gian xã hội dân sự, kể cả những tổ chức cá nhân hoạt động có giấy phép đăng ký đàng hoàng. Và nó cho thấy là không gian xã hội dân sự ở Việt Nam càng ngày bị hẹp lại.”
Bà Định Thảo cho rằng đây là sự kiện quan trọng mang tính chất bước ngoặc. Bởi, bà Minh Hồng đã chủ động tương tác, trao đổi và đối thoại với phía chính quyền để xem liệu mình có đang làm sai hay không; và cũng sẵn sàng khôi phục nếu bị cơ quan chức năng xác định là có sai để tránh bị buộc tội trốn thuế, nhưng bên phía chính quyền hoàn toàn không tham gia đối thoại. Theo bà Thảo, sau vụ việc này, các tổ chức có đăng ký nhận ra rằng chính quyền có thể bắt bất kỳ ai, với bất kỳ tội danh gì:
“Sau khi chị Hồng bị bắt xong thì cho thấy rằng là tất cả những người hoạt động bên các tổ chức chính thống đều có thể bị cáo buộc vào các tội danh, không tội này thì tội kia.
“Trốn thuế” thực chất nó cũng chỉ là một cái cớ mà thôi. Tôi cho rằng đằng sau nó là một tham vọng muốn xóa sổ không gian dân sự.”
Ngày 15/9, thêm một nhà hoạt động môi trường khác bị bắt là bà Ngô Thị Tố Nhiên – Giám đốc điều hành Tổ chức Sáng kiến về chuyển đổi năng lượng Việt Nam (VIETSE).
Bà Nhiên "có hơn 20 năm kinh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn về năng lượng và kinh tế môi trường, mô hình năng lượng, chính sách năng lượng và đánh giá các công nghệ năng lượng carbon thấp".
4. Lê Văn Mạnh bị thi hành án tử hình
Tử tù Lê Văn Mạnh đã bị thi hành án tử hình vào sáng ngày 22/9 sau hơn 18 năm kêu oan trong một vụ án có nhiều tình tiết, bằng chứng không rõ ràng mà theo các luật sư là không đủ để kết tội.
Theo bà Minh Trang, thi hành án đối với ông Mạnh là một hành động sai trái bởi có qua nhiều sai phạm trong quá trình điều tra xét xử vụ án này:
“Nó cho thấy rằng là bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng bị tử hình ở Việt Nam ngay cả khi quá trình điều tra có dấu hiệu oan sai.
Điều này cũng cho thấy rằng quyền được xét xử công bằng và quyền không bị tước đoạt mạng sống một cách sai trái theo tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế không được đảm bảo ở Việt Nam.”
Bình luận về sự kiện này, bà Đinh Thảo cho biết khi mà cái giá phải trả cho chuyện đàn áp nhân quyền đang xuống rất thấp thì chính quyền ra một quyết định rất đáng sợ là xử tử Lê Văn Mạnh:
“Nó thể hiện thân phận “con giun cái kiến” trong xã hội Việt Nam. Dù đã cố gắng gồng hơn 18 năm, nghĩa là đã 1/4 đời người rồi, mà chính quyền đè bẹp cái là xong. Nó cho thấy sự tàn bạo của chính quyền Việt Nam.”
Lê Văn Mạnh bị kết án tử hình trong một vụ án “giết người, hiếp dâm trẻ em” xảy ra tại Thanh Hoá năm 2005. Trong các phiên toà, Mạnh liên tục kêu oan. Luật sư của Mạnh yêu cầu giám định thân thể của bị cáo để xác định liệu có bị tra tấn trong quá trình điều tra không nhưng toà bác bỏ.
Vào ngày 18/9, gia đình Lê Văn Mạnh nhận được giấy báo có chữ ký của Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh Thanh Hoá về việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đối với Lê Văn Mạnh.
Hôm 21/9, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) cùng với Đại Sứ quán của Canada, Vương quốc Anh và Vương quốc Na Uy tại Việt Nam ra tuyên bố chung kêu gọi Hà Nội dừng việc thi hành án đối với ông Lê Văn Mạnh. Tuy nhiên, ông Mạnh vẫn bị xử tử.
5. Một loạt nhà hoạt động, luật sư tị nạn nước ngoài
Năm 2023 cũng chứng kiến một loạt những người hoạt động dân chủ, nhân quyền nổi bậc tại Việt Nam phải rời bỏ quy hương sang tị ở một nước thứ ba bởi sự đàm áp, bắt bớ trong nước ngày một gia tăng.
Một nhà hoạt động nhân quyền hiện đang ở trong nước, yêu cầu được giấu tên, cho biết những người ra này có thể đi tị nạn từ Việt Nam như gia đình luật sư Võ An Đôn hoặc đi thẳng từ nhà tù đến nước Đức như trường hợp của ông Nguyễn Bắc Truyển:
“Việc này đánh dấu những nỗ lực vận động quốc tế tuyệt vời của cộng đồng người Việt tại các quốc gia tiến bộ và giới ngoại giao của các quốc gia dân chủ. Việc trả tự do này là điểm nhấn trong bối cảnh tình hình nhân quyền có diễn biến sâu sắc.”
Ngoài ra, cũng có nhiều người phải vượt biên sang Thái Lan lánh nạn rồi mới đến được đất nước thứ ba.
Những cái tên nổi bậc có thể kể đến là Nguyễn Tiến Trung vừa đến được Đức vào đầu tháng 12 vừa qua, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn đến được Canada hồi tháng 6. Ba luật sư nhân quyền bào chữa trong vụ “Tịnh thất Bồng Lai” là Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng và Đào Kim Lân cũng sang Hoa Kỳ hồi tháng 6/2023.
Những người này đều được chính phủ các nước chấp thuận cho tị nạn một cánh nhanh chóng để tránh sự truy bắt từ phía Việt Nam:
“Con đường đến tự do, như của anh Nguyễn Tiến Trung, đã lột tả gần như toàn bộ tình trạng trong nước và mối nguy hiểm mà các nhà hoạt động, tù nhân lương tâm đang phải đối mặt ngày càng gia tăng hơn nữa.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/comprehensive-of-vietnam-human-rights-situation-in-2023-12222023141018.html
Không có nhận xét nào