Võ Thái Hà tổng hợp
Cuộc chiến Israel-Gaza: Hamas nói 241 người thiệt mạng ở Gaza chỉ trong vòng 24 giờ
BBC News
27/12/2023
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Bộ y tế do Hamas điều hành ở Gaza cho biết ít nhất 241 người đã thiệt mạng trong 24 giờ qua, trong lúc hoạt động quân sự của Israel tiếp tục diễn ra trên vùng lãnh thổ này.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gọi cuộc chiến là một "tội ác nghiêm trọng" chống lại người dân Palestine.
Tư lệnh quân đội Israel Herzi Halevi nói cuộc xung đột với Hamas sẽ tiếp tục trong "nhiều tháng nữa".
Israel cho biết họ đã tấn công hơn 100 địa điểm vào hôm thứ Ba, trong lúc có báo cáo về các hoạt động trên bộ sắp diễn ra ở miền trung Gaza.
Vào đầu ngày hôm thứ Tư, người ta nghe thấy những tiếng nổ lớn từ Dải Gaza dọc theo vành đai giáp với Israel.
Tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng, các nguồn tin y tế của Palestine cho biết sáu người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng drone của Israel trong đêm tại trại tị nạn Nur Shams ở Tulkarem.
Bộ Y tế Gaza cho biết 382 người cũng bị thương trong 24 giờ đó.
Theo Bộ này, ít nhất 20.915 người Palestine đã bị giết chết - chủ yếu là trẻ em và phụ nữ - trong hơn 11 tuần giao tranh.
Tuyên bố của các bên tham chiến chưa được kiểm chứng độc lập.
Cuộc chiến bắt đầu vào ngày 7/10 sau khi Hamas dẫn đầu một làn sóng tấn công chết người vào các cộng đồng bên trong Israel. Khoảng 1.200 người, chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng. Khoảng 240 người bị đưa trở lại Gaza làm con tin và một số người trong số họ sau đó đã được thả.
Tổng thống Abbas đã mô tả cuộc chiến ở Dải Gaza là "trên cả thảm họa" và "trên cả một cuộc chiến tranh hủy diệt".
Ông gọi đó là điều chưa từng có trong lịch sử của người dân Palestine. Phát biểu tại Ramallah với một kênh truyền hình Ai Cập trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi chiến tranh bắt đầu, ông nói rằng vùng lãnh thổ này đã trở nên không thể nhận dạng được và cảnh báo rằng khu Bờ Tây bị chiếm đóng có thể nổ tung bất cứ lúc nào.
Nhà lãnh đạo Palestine cáo buộc Washington kéo dài chiến tranh bằng cách phủ quyết các dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngừng bắn.
Trung tướng Halevi, tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), phát biểu trong một cuộc họp báo rằng cuộc chiến sẽ "tiếp tục trong nhiều tháng nữa" nhằm đảm bảo rằng "những thành tựu của Israel được bảo tồn trong thời gian dài".
“Không có con đường tắt nào để tiêu diệt triệt để một tổ chức khủng bố ngoại trừ sự cứng rắn và quyết tâm trong cuộc chiến,” ông nói. "Không có giải pháp thần kỳ nào hết."
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Khói đen bốc lên ở Gaza hôm thứ Ba
Thừa nhận địa hình phức tạp, viên tướng này nói quyết tâm bắt giữ hoặc tiễu trừ các lãnh đạo của Hamas, kể cả khi phải mất thời gian, đồng thời nói thêm rằng IDF đã gần tiêu diệt được toàn bộ các tiểu đoàn Hamas ở bắc Gaza.
Truyền thông Israel và Ả Rập cho biết Ai Cập đã đề xuất kế hoạch ngừng bắn.
Theo các tường thuật, kế hoạch này sẽ gồm việc thả theo từng giai đoạn tất cả các con tin Israel và một số lượng tù nhân Palestine không xác định bị giam trong các nhà tù của Israel, kết thúc bằng việc Israel ngưng tấn công.
Một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời trước đây do Qatar đàm phán đã dẫn đến việc đổi tù nhân Palestine lấy việc hàng chục con tin Israel được thả khỏi Gaza. Cho đến nay, cả Israel và Hamas đều phản đối lời kêu gọi ngừng bắn lâu dài.
Tập Cận Bình tái khẳng định mục tiêu sáp nhập Đài Loan
Trọng Nghĩa /RFI
27/12/2023
Nhân sinh nhật thứ 130 của Mao Trạch Đông, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày hôm qua 26/12/2023 đã nhắc lại rằng “Trung Quốc chắc chắn sẽ thống nhất Đài Loan”. Theo giới quan sát, đây lại là một thông điệp cứng rắn gửi đến Mỹ, nước thường xuyên khẳng định sẽ bảo vệ Đài Loan.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 28/09/2023. AP - Andy Wong
Theo hãng tin Anh Reuters, trong bài phát biểu tại Bắc Kinh nhân một hội nghị chuyên đề kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Mao Trạch Đông, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định rằng “việc thống nhất hoàn toàn tổ quốc” - tức là thu hồi Đài Loan về dưới trướng Trung Quốc - là “một xu hướng không thể cưỡng lại”.
Reuters trích dẫn Tân Hoa Xã cho biết thêm là ông Tập Cận Bình đồng thời tuyên bố là Trung Quốc “phải kiên quyết ngăn chặn bất kỳ ai muốn tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc”.
Theo giới quan sát, tuyên bố cứng rắn kể trên rõ ràng là ám chỉ Hoa Kỳ, nước đã nhiều lần khẳng định sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc xâm lược. Nhật báo Ấn Độ Times of India cho rằng đối mặt với tình hình kinh tế trong nước đang phục hồi chậm chạp, chủ tịch Trung Quốc đã cố gắng chuyển hướng sự chú ý bằng cách đưa ra những tuyên bố ngày càng khiêu khích liên quan đến tranh chấp Biển Đông và việc thống nhất Đài Loan.
Bắc Kinh dọa gia tăng trừng phạt thương mại Đài Loan
Các tuyên bố trên đây được ông Tập Cận Bình đưa ra trong bối cảnh Đài Loan sắp bầu lại tổng thống và nghị viện vào ngày 13/01/2024. Đảng Dân Tiến cầm quyền có nhiều triển vọng chiến thắng.
Trước tình hình đó, chính quyền Bắc Kinh vào hôm nay, 27/12/2023 đã lên tiếng đe dọa sẽ áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Đài Loan nếu đảng cầm quyền “ngoan cố” đi theo chiều hướng đòi độc lập.
Mới đây, chính quyền Đài Bắc đã cáo buộc Trung Quốc o ép Đài Loan về mặt kinh tế và can thiệp vào cuộc bầu cử trên đảo sau khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố ngừng áp dụng một số khoản ưu đãi thuế quan dành cho hàng của Đài Loan xuất khẩu sang Hoa Lục, viện cớ Đài Loan đã vi phạm thỏa thuận thương mại giữa hai bên đã ký kết vào năm 2010.
Quân đội Ukraina xác nhận rút khỏi thành phố Marinka
Thu Hằng /RFI
Nga tiếp tục dùng drone oanh kích Ukraina và gây sức ép trên chiến trường miền đông. Ngày 26/12/2023, một ngày sau khi Matxcơva khẳng định kiểm soát thành phố Marinka, nằm ở phía đông Ukraina, chính quyền Kiev xác nhận đã rút các lực lực lượng vũ trang ra « ngoại vi » thành phố chiến lược, cách tây nam Donetsk 5 km.
Binh sĩ Ukraina gần Marinka, Ukraina, ngày 26/12/2023. © VIACHESLAV RATYNSKYI / REUTERS
Theo AFP, phát biểu lần đầu tiên trong buổi họp báo hôm 26/12, tổng tư lệnh quân đội Ukraina Valery Zaloujny giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của việc rút quân ra « ngoại vi » khi nhấn mạnh Marinka « không tồn tại nữa » do mức độ tàn phá, hủy diệt. Lính Ukraina vẫn có mặt tại phía bắc thành phố, được biến thành điểm trọng yếu từ năm 2014, nhưng trước đó đã « chuẩn bị một tuyến phòng thủ bên ngoài địa phương này » (Marinka) để rút lui. Tướng Valery Zaloujny thừa nhận Nga « hiện có thể huy động lực lượng để phá hủy một thành phố như Bakhmut cách đây ba tháng ».
Song song với các trận giao tranh trên chiến trường, Nga tiếp tục các vụ tấn công bằng drone vào nhiều vùng của Ukraina. Trong đêm 26 sáng sớm 27/12, hệ thống phòng không Ukraina đã bắn hạ 32 trên tổng số 46 drone của Nga, chủ yếu nhắm vào chiến tuyến ở miền nam và miền đông Ukraina. Một nhà ga ở Kherson đã bị Nga oanh kích tối 26/12, khiến một người thiệt mạng và 4 người bị thương, vào lúc có khoảng 140 thường dân đang chờ tầu sơ tán.
Ukraina xem xét chiến lược tuyển quân mới
Để bù đắp tổn thất trên chiến trường do chiến lược phản công không mang lại hiệu quả, tổng thống Zelensky đã nhắc đến khả năng huy động khoảng nửa triệu người Ukraina nhập ngũ trong năm 2024. Tuy nhiên, tổng tư lệnh quân đội Ukraina Valery Zaloujny tỏ ra thận trọng về số liệu và nêu chiến lược tuyển quân mới :
Thông tín viên Stéphane Siohan tại Kiev giải thích :
« Tướng Zaloujny phát biểu hôm 26/12 rằng chiến tranh sẽ thay đổi trong năm 2024 và cần phải chứng tỏ hiệu quả gia tăng, đặc biệt là trong một cuộc xung đột quy mô lớn như thế này, và phải cải thiện tỉ lệ sống sót của người lính trên chiến trường.
Nhưng trước hết, vị tướng nổi tiếng tỏ ra bất bình về công việc của các văn phòng tuyển quân, vẫn bị chỉ trích mạnh, cho rằng những văn phòng này không huy động đủ quân để chiến đấu chống xâm lược Nga.
Tuy nhiên, ông Zaloujny từ chối xác nhận con số 500.000 tân binh trong năm 2024. Dường như ông muốn nhấn mạnh đến cách làm mới, đó là để thường dân gia nhập quân đội. Vấn đề nghĩa vụ quân sự trở thành một chủ đề nhạy cảm trong xã hội, vào lúc chiến tranh chắc chắn sẽ kéo dài. Tướng Zaloujny đề xuất cần khống chế thời gian nghĩa vụ quân sự tối đa ba năm. Theo ông, việc huy động sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu binh sĩ, đào tạo được những đơn vị mới, đồng thời thay thế những người lính đã ngã xuống khi chiến đấu.
Để làm được việc này, theo tướng Zaloujny, cần phải đưa ra ý tưởng về thời hạn nghĩa vụ tối đa cho lính nghĩa vụ để có thể áp dụng cách thức xoay vòng, tái nhập ngũ. Trong số những giải pháp được tính đến có việc giảm tuổi lính nghĩa vụ từ 27 xuống còn 25 và huy động cả đàn ông Ukraina đang sống ở nước ngoài. Một lần nữa, tướng Zaloujny đã khéo léo nhắc lại rằng chính tổng thống chịu trách nhiệm chính trị về những quyết định này ».
Ukraine tấn công Hạm đội Biển Đen của Nga, phá hủy tàu đổ bộ cỡ lớn
Hình ảnh cho thấy một máy bay chiến đấu MiG-29 của Ukraine chuẩn bị cất cánh từ căn cứ không quân ở Vasylkiv vào ngày 3/8/2016. (SERGEI SUPINSKY/AFP qua Getty Images)
Ukraine hôm thứ Ba (26/12) tuyên bố rằng, Lực lượng Không quân của nước này đã phá hủy một tàu chiến chủ lực của Nga. Sau đó, Moscow cũng xác nhận thông tin này, thừa nhận cuộc tấn công của Ukraine vào cảng Feodosia ở Crimea đã làm hư hại một tàu đổ bộ cỡ lớn của Nga và khiến một người thiệt mạng.
Các nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga nói với hãng tin Interfax rằng, Ukraine đã sử dụng tên lửa phóng từ trên không để tấn công Feodosia, trong đó tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk bị hư hại trong cuộc tấn công.
“Novocherkassk” được chế tạo ở Ba Lan và được đưa vào sử dụng vào cuối những năm 1980. Tàu được thiết kế để đổ bộ và có thể chở nhiều loại xe bọc thép, bao gồm cả xe tăng.
Video được nhiều hãng tin Nga đăng tải trên Telegram cho thấy một vụ nổ rất mạnh và lửa bùng cháy tại cảng.
Sergei Aksyonov, Thống đốc Crimea do Nga bổ nhiệm, cho biết trên Telegram rằng vụ tấn công đã khiến một người thiệt mạng, hai người bị thương và sáu người phải sơ tán khỏi nhà của họ.
Điện Kremlin cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thông báo chi tiết cho Tổng thống Vladimir Putin về vụ tấn công này.
Lực lượng Không quân Ukraine tuyên bố rằng các phi công của họ đã tấn công Feodosia bằng tên lửa hành trình vào khoảng 2:30 sáng giờ địa phương và phá hủy tàu đổ bộ Novocherkassk.
Trung tướng Mykola O Meatchuk, Tư lệnh Lực lượng Không quân Ukraine, viết trên Telegram: “Hạm đội của Nga đang bị thu hẹp! Cảm ơn các phi công của Lực lượng Không quân và tất cả những người tham gia vào hoạt động này!”
Một tuyên bố từ chính phủ Crimea do Nga thành lập cho biết các chuyến tàu từ Feodosia đã bị đình chỉ và khuyên người dân nên sử dụng các ga thay thế gần đó.
Cảng Feodosia nằm ở bờ biển phía nam bán đảo Crimea và có dân số khoảng 69.000 người. Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014, một động thái bị Kiev và phương Tây lên án là hành vi chiếm đóng bất hợp pháp.
Triển vọng chính trị Ấn Độ năm 2024
Mùa xuân tới, Ấn Độ sẽ tổ chức tổng tuyển cử. Thăm dò ý kiến cho thấy đảng Bharatiya Janata của thủ tướng Narendra Modi sẽ giành chiến thắng. Nhưng BJP đã gặp khó khăn ở các bang miền Nam giàu có hơn. Họ cũng phải đối mặt với một liên minh gồm 26 đảng đối lập, trong đó có cả đảng Quốc đại.
Kể từ khi ông Modi trở thành thủ tướng vào năm 2014, Ấn Độ đã từ nền kinh tế lớn thứ mười vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng ông Modi đàn áp bất đồng chính kiến và khuyến khích phân biệt đối xử người Hồi giáo.
Các nước phương Tây tỏ ra miễn cưỡng chỉ trích ông Modi. Mỹ đặc biệt coi Ấn Độ là đối trọng với Trung Quốc. Nhưng họ lo lắng về việc ông Modi không bảo vệ được các giá trị dân chủ. Mỹ và Canada đều cáo buộc Ấn Độ âm mưu ám sát những người ly khai theo đạo Sikh trên đất của họ (trong trường hợp của Canada, Hardeep Singh Nijjar thực sự đã bị giết). Ông Modi cam kết đến năm 2047, nhân kỷ niệm 100 năm ngày độc lập, Ấn Độ sẽ là nước phát triển. Vấn đề không chỉ là phát triển ra sao mà còn là dân chủ đến mức nào.
Đài Loan sẽ bầu tổng thống vào tháng 1
Ngày 13/1 Đài Loan sẽ bầu tổng thống mới. Tầm quan trọng của cuộc bầu cử này không thể xem nhẹ: người chiến thắng sẽ phải quyết định chiến lược của hòn đảo trong việc ngăn chặn Trung Quốc xâm lược. Đảng Dân Tiến cầm quyền, vốn có cương lĩnh độc lập, muốn tăng cường quan hệ với phương Tây và xây dựng khả năng răn đe quân sự. Phe đối lập, ủng hộ thống nhất một Trung Quốc với ngọn cờ đầu Quốc dân đảng hứa hẹn sẽ mở lại đối thoại với Trung Quốc trên cơ sở họ cùng thuộc một quốc gia.
Hơn 8 năm đảng Dân Tiến cầm quyền, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động “vùng xám,” vốn không tới mức gây chiến mà chủ yếu để thăm dò khả năng phòng thủ của Đài Loan. Nếu William Lại Thanh Đức, ứng viên của Dân Tiến, thắng cử, Trung Quốc có thể tăng cường gây hấn. Trái lại, một chiến thắng của Quốc Dân Đảng có thể làm giảm căng thẳng trong ngắn hạn. Nhưng việc xây dựng quân đội của Trung Quốc sẽ tiếp tục – cũng như quyết tâm chiếm Đài Loan bằng vũ lực nếu hòn đảo không đầu hàng trong hòa bình.
Tổng thống hiện tại của Đài Loan, Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến, đã đưa ra một thông điệp khác cho người dân của mình: để ngăn chặn chiến tranh, họ phải đoàn kết và chuẩn bị cho điều đó. Cuộc bầu cử sẽ cho thấy liệu người dân có sẵn sàng làm vậy hay không.
Các hướng đi địa chính trị của Trung Quốc trong năm mới
Năm tới, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tìm cách tập hợp các quốc gia đang hoài nghi về trật tự thế giới do Mỹ thống trị. Nhưng ông cũng sẽ thể hiện Trung Quốc là nước bảo vệ sự thống nhất toàn cầu. Khi tăng trưởng toàn cầu suy yếu, chính phủ Trung Quốc sẽ buộc tội phương Tây dựng lên các rào cản bảo hộ đối với thương mại tự do. Họ cũng sẽ nói rằng chính họ mới là người bảo vệ “các nguyên tắc cơ bản” của trật tự thế giới hiện tại, như được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc – trong đó nhấn mạnh quyền bất khả xâm phạm của các quốc gia có chủ quyền.
Hành động cân bằng này sẽ bị phức tạp hoá bởi cuộc chiến ở Ukraine và cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. Trung Quốc sẽ tuyên bố trung lập trong vấn đề Ukraine, nhưng đổ lỗi cho giá lương thực và năng lượng cao cho các lệnh trừng phạt của phương Tây. Họ cũng sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Nga. Trong khi đó, cuộc đua vào Nhà Trắng ẩn chứa nhiều nguy hiểm khi các ứng viên tranh cãi về vấn đề Trung Quốc. Ông Tập sẽ kỳ vọng một nền dân chủ Mỹ hiện lên thật khủng khiếp, trong khi Trung Quốc tránh không bị lên trang nhất các báo.
Sự hình thành mạng lưới năng lượng ở châu Á
Vào năm 2024, các mối liên kết năng lượng đang phát triển có thể định hình lại động lực chính trị ở châu Á. Lấy ví dụ như các nền kinh tế đang phát triển nhanh ở Đông Nam Á. Nhu cầu năng lượng của họ dự kiến sẽ tăng 1/3 từ giờ tới năm 2050; và ĐNÁ cũng đã hứa sẽ cắt giảm lượng khí thải carbon. Nhưng làm được điều này là rất khó vì năng lượng tái tạo chỉ chiếm 15% sản lượng điện của châu Á.
Một mạng lưới điện Đông Nam Á được kết nối tốt hơn, hiện chưa tồn tại, có thể giúp giảm đáng kể giá năng lượng sạch. Việc triển khai một dự án như vậy cũng có thể thúc đẩy hợp tác. Một loạt thỏa thuận kết nối đã được ký kết hồi tháng 8 tại hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Bali, Indonesia.
Các dự án năng lượng có thể tạo ra đối trọng đáng gờm cho Trung Quốc. Úc có tham vọng trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo. Nhật Bản và Hàn Quốc quan tâm đến việc sử dụng hydro và amoniac (một cách để lưu trữ hydro ở dạng dễ di chuyển). Các đồng minh của Mỹ cũng đang cố gắng làm giảm sự kiểm soát của Trung Quốc đối với đất hiếm và các khoáng sản quan trọng. Hiện tại, Trung Quốc là nước xuất khẩu tấm pin mặt trời, nhà cung cấp pin xe điện và nhà chế biến khoáng sản quan trọng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi mang lại những lựa chọn mới đáng hoan nghênh cho các nước châu Á đang muốn thoát khỏi cái bóng của Trung Quốc.
Hàn Quốc mua thêm 20 tiêm kích tàng hình F-35A của Mỹ
Minh Phương /RFI
27/12/2023
Hôm nay 27/12/2023, Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) cho biết sẽ mua 20 chiến đấu cơ tàng hình F-35A mới nhằm tăng cường khả năng đối phó với các mối đe dọa quân sự từ Bắc Triều Tiên.
Ảnh minh họa : Chiến đấu cơ F35 của Mỹ tại triển lãm hàng không Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, ngày 13/11/2023. AP - Kamran Jebreili
Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, 20 chiếc F-35A sẽ được chuyển giao cho nước này bắt đầu từ năm 2027. So với các dòng máy bay chiến đấu hiện tại, F-35A được trang bị vũ khí cải tiến, nâng cao khả năng tác chiến và an toàn. Đây cũng là vũ khí quan trọng cho phép quân đội Hàn Quốc thực hiện các cuộc tấn công chiến lược tầm xa mà không bị kẻ thù phát hiện, nhờ vào hệ thống radar hiệu suất cao và khả năng tàng hình.
Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định các vũ khí này sẽ tăng cường hệ thống phòng thủ ba mũi nhọn của quân đội, bao gồm Hệ thống trừng phạt và đáp trả hàng loạt (KMPR), hệ thống tấn công phủ đầu (Kill Chain) và hệ thống phòng không lá chắn tên lửa (KAMD).
Trước đó, hôm 8/12/2023, DAPA đã thoả thuận với Washington về việc mua máy bay chiến đấu do tập đoàn vũ khí Lockheed Martin của Mỹ chế tạo. Hiện tại, không quân Hàn Quốc đang sở hữu 39 chiếc F-35A sau khi mua 40 chiếc từ năm 2019 đến năm 2022. Một chiếc đã bị hư hỏng nghiêm trọng sau sự cố va chạm với chim vào năm ngoái và hiện đã ngừng hoạt động.
Trung Quốc những ngày cuối năm 2023: Dịch bệnh và đột tử, thiên tượng và điềm báo
Ngô Tinh Ngọc, Vision Times
27/12/2023
Dịch viêm đường hô hấp bùng phát ở Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video bệnh viện vào tháng 12/2013)
Khi năm mới 2024 ngày càng đến gần, tại Trung Quốc biến thể mới của COVID-19 là JN.1 cũng đang tăng tốc lây lan, bầu không khí những ngày chuyển năm lẽ ra tràn đầy niềm vui thì lại tràn ngập u ám vì dịch bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, chủng đột biến JN.1 tại Trung Quốc là một nhánh phụ của chủng COVID-19 đột biến Omicron BA.2.86, khả năng lây lan mạnh, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng thường phụ thuộc nhiều hơn vào khả năng miễn dịch của từng cá nhân.
Gần đây ở Trung Quốc xảy ra hàng loạt trường hợp người qua đời là đảng viên, quan chức, diễn viên, nhà khoa học hàng đầu…
Sau cái chết của cựu phó tổng biên tập Nhân dân Nhật báo Trương Hổ Sinh (Zhang Husheng), ngày 21/12 có tin ông Thẩm Mộng Bì (Shen Mengzhen – cựu thư ký của Phó Thủ tướng Vạn Lý) đã qua đời tại Bắc Kinh, cùng ngày hôm đó ông Thôi Tề Đa (Cui Jiduo – phó giám đốc thiết kế của công ty máy bay không người lái thuộc Tập đoàn Hàng không Trung Quốc) qua đời. Đối với họ, trong đó có Chu Quảng Nguyên – một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực vật liệu polymer và là nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Trung Quốc – truyền thông Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không đề cập đến căn bệnh cụ thể mà chỉ thống nhất tuyên bố họ “chết do điều trị không hiệu quả”. Trong thời gian ngắn nhiều người “đột ngột” qua đời, có người dưới 57 tuổi, khiến người dân đặt câu hỏi liệu họ đều chết vì nhiễm COVID-19 hay do di chứng của vắc xin Trung Quốc?
Những ngày cuối năm ở Trung Quốc, thực trạng “đột ngột ngã gục” đã trở thành đặc điểm mới chính của dịch bệnh COVID-19 hung hiểm. Các trường hợp nổi bật khác đều công bố tin là do “đột tử” như: Thang Hiểu Âu (Tang Xiaoou) lãnh đạo 55 tuổi lĩnh vực AI của Trung Quốc, hay trường hợp Dương Hiểu Âu (Yang Xiaoou) là cha đẻ của công nghệ nhận dạng khuôn mặt tại Trung Quốc, và trường hợp diễn viên nổi tiếng Hồng Kông Châu Hải Mi (Zhu Haimei) qua đời tuổi 57 tại biệt thự của bà ở Thuận Nghĩa – Bắc Kinh.
Mới đầu tháng này ở Trung Quốc, ít nhất 4 viện sĩ và 19 giáo sư nổi tiếng đã chết, trong đó có ít nhất 10 người là đảng viên ĐCSTQ và 4 người dưới 55 tuổi.
Xin kể thêm nhiều trường hợp khác “chết vì bệnh tật”: Vương Tử Tài (Wang Zicai) là Viện sĩ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, giáo sư Trường Hàng không và Du hành vũ trụ thuộc Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực điều khiển tự động và mô phỏng hệ thống; Lý Cường (Li Qiang) nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và giáo sư nghệ thuật tự do tại Đại học Thanh Hoa; Tang Quốc Vệ (Sang Guowei) Phó Ủy viên trưởng Ban Thường vụ Nhân đại Trung Quốc, Viện sĩ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc; Hầu Ngân Hà (Hou Yinxia) – Phó giáo sư Đại học Công nghệ Cáp Nhĩ Tân.
Điều đáng lưu ý là ĐCSTQ cố tình che giấu hiện tượng “ngã vật xuống đất” kể trên, điều đó khiến người dân không hề hay biết và không đề phòng. Từ quan chức, người nổi tiếng cho đến người dân, một khi hiện tượng xuất hiện trên diện rộng thì thực sự là vấn đề đáng báo động.
Cách đây một thời gian, vụ việc một người phụ nữ “gục ngã” khi đang vội vã bắt xe buýt ở bến xe buýt ở Trùng Khánh đã bị cơ quan chức năng cấm đăng tải và bình luận, đây là một ví dụ và rõ ràng là dấu hiệu đáng lo ngại.
Ông Mu, một cư dân ở Hà Nam mới đây nói với truyền thông nước ngoài rằng ông sắp đón Tết nhưng dịch bệnh ở Bắc Kinh nghiêm trọng đến mức ông phải quay về Hà Nam để trốn, nếu không có thể ông sẽ không thể ăn Tết. Ông cho biết ông làm vậy sau khi ông được biết một số trường hợp tự nhiên ngã gục và tử vong như nữ giáo viên 53 tuổi ở Hà Nam, một người đàn ông 49 tuổi khác…
Ông Peng, một công dân ở Hành Dương tỉnh Hồ Nam, cho biết phòng làm việc của ông có 10 người, hiện có 2 người đột tử, 3 người bị sốt xin nghỉ phép.
Ông Wang, một người dân ở Chu Châu tình Hồ Nam, tiết lộ qua điện thoại: Mùa đông năm nay, hai người trong làng bất ngờ bị ngã gục và tử vong. “Thực ra, bệnh dịch vẫn luôn tồn tại. Sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng vào năm ngoái, tôi bắt tàu đến vùng Đông Bắc và nhìn thấy những nghĩa trang mới dọc đường. Lúc đó dịch bệnh đang bùng phát. Tôi nghe nói số người xếp hàng dài bất tận tại các nhà tang lễ ở Bắc Kinh”.
Gần đây, ở miền bắc Trung Quốc đã xảy ra hiện tượng nhiều trận bão tuyết ngầm kèm theo sấm sét cuồn cuộn, được coi là “sấm sét hiếm gặp”, bao gồm Dương Thành – Sơn Tây, Tây An – Thiểm Tây, Lạc Dương – Hà Nam, thành phố Trịnh Châu, Đức Châu – Sơn Đông, Tế Nam…. ; Hà Nam còn xuất hiện mưa băng. Ở thành phố Trịnh Châu còn kèm theo những tia sét màu tím hiếm thấy và cảnh đàn quạ lớn bay điên cuồng trong trận bão tuyết, giới truyền thông và cư dân mạng cho rằng đây là điềm xấu, cho thấy sẽ có nhiều người thiệt mạng hơn. Một số người dân Trung Quốc cho rằng dịch bệnh và “sấm sét” có thể cảnh báo một thảm họa lớn hơn sắp xảy ra. Người dân đồn rằng “sấm sét và tuyết trong những tháng mùa đông sẽ làm năm tới “nổi lên những ngôi mộ”.
Khi Tết Nguyên Đán 2024 đến gần, tỉnh Hà Nam đã chứng kiến sự gia tăng mạnh số tang lễ, bao gồm nhiều người bị phổi trắng. Người ta nói rằng các lò hỏa táng hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhà xác tư nhân địa phương quá tải, nhưng hệ thống y tế thống nhất không đề cập đến nguyên nhân COVID-19.
Mới đây lại có tin vào ngày 25/12 mẹ của một nhân vật truyền thông tài chính nổi tiếng ở Trung Quốc là La Kỳ (Luo Qi) – cựu trưởng đại diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Sina Finance – đã đăng cáo phó nói rằng cô con gái yêu quý La Kỳ của bà đột ngột viêm phổi nặng, dù nỗ lực cứu chữa nhưng không thành công, đã qua đời vào ngày 24/12/2023. Cô La Kỳ năm nay mới 36 tuổi.
Không có nhận xét nào