Quê Hương tổng hợp
Tiêm kích Su-22 thứ hai của Việt Nam rớt khi đang bay huấn luyện chỉ trong vòng một năm
RFA
09/01/2024
Hiện trường chiếc tiêm kích Su-22 của Không quân Việt Nam rớt trong sáng ngày 9/1/2024
Chụp màn hình Tiktok/ RFA edited
Báo Nhà nước trong sáng 9/1/2024 đồng loạt thông tin về một chiếc tiêm kích Su-22 của Không quân Việt Nam không rõ số hiệu gặp nạn trong lúc bay huấn luyện ở Quảng Nam, phi công đã kịp bung dù thoát nạn.
Đây là chiếc Su-22 thứ hai của Việt Nam rơi chỉ trong vòng một năm, trước đó, ngày 31/1/2023, máy bay Su 22 số hiệu 5873 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân, do Đại úy phi công cấp 3 Trần Ngọc Duy trong lúc hạ cánh ở Yên Bái đã gặp nạn, phi công đã phóng ghế lái nhưng vẫn dẫn đến thiệt mạng.
Mạng báo Tuổi trẻ dẫn thông tin từ một lãnh đạo Quân khu 5 xác nhận, chiếc máy bay tiêm kích Su-22 vừa rơi tại Quảng Nam vào gần trưa ngày 9/1 thuộc biên chế của Sư đoàn Không quân 372, đóng tại Đà Nẵng.
Video hiện trường được người dân đăng tải lên mạng xã hội cho thấy, phần đuôi của chiếc máy bay màu xanh dương vẫn còn khá nguyên vẹn, trong khi các bộ phận máy bay khác vẫn còn bốc cháy, một số nhà dân bị đổ tường và sập mái tuy nhiên không có ai bị thương vong. Chiếc máy bay rơi cũng khiến một số hoa màu của người dân bị hư hại.
Mạng báo Người Lao động cho biết thêm, khoảng 11 giờ 30 phút trưa cùng ngày, người dân ở thị xã Điện Bàn bất ngờ nghe một tiếng nổ lớn. Sau đó, họ phát hiện một chiếc máy bay quân sự bị rơi và gãy làm đôi. Một phi công trên máy bay đã nhảy dù trước khi máy bay rơi nên không ảnh hưởng đến tính mạng.
Cơ quan quân sự, Công an thị xã Điện Bàn và các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam đã có mặt tại hiện trường để điều tra nguyên nhân.
Việt Nam cảnh báo nguy cơ sinh viên tìm việc cuối năm bị lừa bán sang Campuchia
08/01/2024
Một tổ hợp nhà hàng, khách sạn và sòng bạc ở Sihanoukville, Campuchia. Hàng ngàn người Việt đã bị lừa bán sang Campuchia để làm việc trong các sòng bài.
Một số trường đại học tại TPHCM gần đây cảnh báo sinh viên về nguy cơ bị bắt cóc bán sang Campuchia khi tìm việc làm trên mạng xã hội, Công an TPHCM cho biết hôm 8/1.
“Tìm kiếm các công việc làm thêm để có thêm thu nhập là cách thức được nhiều bạn trẻ lựa chọn vào dịp cận Tết. Tuy nhiên, cũng cần hết sức cẩn trọng với ‘bẫy’ việc làm ảo trên mạng xã hội”, công an TPHCM đưa ra cảnh báo trên trang mạng xã hội.
Cảnh báo được đưa ra sau khi một sinh viên tìm việc trên mạng, sau đó được nhận làm việc tại kho hàng của một sàn thương mại điện tử lớn ở Long An. Phía công an cho biết các đường link đăng ký việc làm, phỏng vấn và email xác nhận đều là giả danh, nhưng rất khó phân biệt thật hay giả.
Sau khi xuống tới Long An, sinh viên này bị dụ dỗ, lừa gạt và bị “bắt cóc” đưa lên xe khách cùng nhiều người khác để đưa sang Campuchia.
Sau khi qua biên giới, sinh viên này đã may mắn trốn thoát được và quay về Việt Nam.
Công an cảnh báo sinh viên cần tìm hiểu kỹ về lịch sử và hoạt động pháp lý của các công ty trước khi ứng tuyển và phỏng vấn để tránh rơi vào bẫy buôn người sang Campuchia.
Mạng lưới buôn người từ Việt Nam sang Campuchia được công luận biết đến sau khi xảy ra vụ 42 người Việt Nam tháo chạy khỏi sòng bài ở Campuchia và bơi qua sông trở về nước, trong đó có một người bị chết đuối và 1 người bị bảo vệ sòng bài giữ lại.
Sau đó, Việt Nam và Campuchia đã hợp tác và giải cứu khoảng 600 người bị lừa bán sang Campuchia để làm việc cho các sòng bạc và công ty kinh doanh trực tuyến do người nước ngoài làm chủ với các hình thức lao động cưỡng bức, lừa đảo trực tuyến và bóc lột tình dục.
Các nạn nhân thường bị dụ dỗ bằng những khoản lương hậu hĩnh cho công việc “nhẹ nhàng”. Sau đó, họ bị buộc phải lừa người chơi tham gia vào các trò chơi cá cược trên mạng. Nếu muốn về nước, họ phải trả khoản tiền chuộc từ 100 - 150 triệu đồng.
Bộ Nội vụ Campuchia trong một báo cáo vào tháng trước cho biết họ đã triệt phá 137 vụ buôn người và bóc lột tình dục trong 10 tháng đầu năm 2023, tăng so với 134 vụ cùng kỳ năm ngoái, và giải cứu được 424 nạn nhân.
Theo chính phủ Việt Nam, hiện không có số liệu chính xác số người Việt Nam đang bị lừa đảo bán sang Campuchia, nhưng tờ Khmer Times trong một bài viết cho biết hơn 2.000 người Việt Nam đã được đưa sang Campuchia làm công nhân bất hợp pháp tại một số sòng bạc.
Cựu đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc chiếm hưởng 300.000 đôla
07/01/2024
Ông Lưu Bình Nhưỡng là phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội khi bị bắt giữ vào tháng 11.
Cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trục lợi để chiếm hưởng 300.000 đôla và đã nộp lại số tiền này, nhà chức trách Việt Nam cho biết, trong khi cuộc điều tra nhắm vào ông tiếp diễn.
Ông Nhưỡng, phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, bị công an tỉnh Thái Bình khởi tố tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” hôm 25 tháng 12 trong quá trình mở rộng điều tra vụ án “cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại huyện Thái Thụy.
Khi bị bắt giữ vào tháng 11, ông bị cáo buộc có dính líu đến một cá nhân bị cho là đã dùng một số thủ đoạn phi pháp để ép buộc những doanh nghiệp khai thác cát ven biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy phải chấp nhận sự bảo kê của ông này.
Nhà chức trách nói các doanh nghiệp đã bị “chiếm đoạt” hàng tỷ đồng từ năm 2020 đến năm 2022.
Trong một bản tin cập nhật đăng hôm 6 tháng 1, công an tỉnh Thái Bình nói, ông Nhưỡng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm hưởng 7 tỉ đồng, tương đương 300.000 đôla, liên quan tới một dự án vào năm 2021.
Ông được nói đã “thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội” và đã thông qua luật sư ủy quyền cho người thân nộp lại số tiền để khắc phục hậu quả.
Cơ quan điều tra cũng kêu gọi các cá nhân, tổ chức đã từng bị ông Nhưỡng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc liên quan đến hành vi phạm tội khác của ông Nhưỡng hợp tác với cuộc điều tra. “Trường hợp che giấu thông tin sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật,” bản tin nói.
Ông Nhưỡng, người từng có những ý kiến trực ngôn khi phát biểu tại nghị trường chất vấn những hoạt động của các bộ ngành như tư pháp và công an. Ông cũng thường lên tiếng cho các dân oan ở Việt Nam.
Ông bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam trong một quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hôm 20 tháng 12 vì “vi phạm Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.” Ông cũng bị cho là đã “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa.’”
Ủy ban không nêu rõ chi tiết những cáo buộc này nhắm vào ông.
Bs. Võ Xuân Sơn - Buôn gì?
08/01/2024
Nghe mức án mà bên công tố đưa ra cho những người bị xử trong phiên tòa xét xử vụ Việt Á, không khỏi không có những suy nghĩ.
Người được đề nghị mức án thấp nhất là ông Nguyễn Thành Danh, 10 tháng 4 ngày, bằng thời gian tạm giam. Ông bị truy tố về tội ứng trước test kit và sau này hợp thức bằng việc đấu thầu thành công cho Việt Á. Hoàn cảnh ứng trước của ông ấy là sao?
Thứ nhất là yêu cầu chống dịch rất cấp bách, không thể chờ đợi. Thứ hai, cấp trên đã đề nghị và giới thiệu cụ thể công ty Việt Á, và test kit của họ. Bản thân test kit đó có sẵn, và khi ấy, nó đã được Bộ Y tế và Bộ Khoa học Công nghệ hợp thức, thậm chí còn thông tin là nó được WHO phê duyệt, và có 20 nước đặt mua.
Lẽ ra, ông Nguyễn Thành Danh phải là vô tội, vì ông vi phạm qui định trong trường hợp bất khả kháng. Thời gian vừa qua, một số bệnh viện không dám đấu thầu vì sợ bị bắt như ông Danh, và người dân đã lãnh đủ. Đó là giai đoạn không có dịch. Còn khi dịch đang căng thẳng, mà cứ khăng khăng chờ đấu thầu xong thì việc chống dịch sẽ ách tắc ra sao?
Nhưng chua chát hơn, là bản thân ông Danh cũng đã bị giam giữ ứng trước, y hệt như ông nhận test kit ứng trước. Những người giam giữ ông cũng làm việc giống ông trước đây, là hợp thức việc giam giữ ứng trước, bằng cách đề nghị mức án bằng với thời gian ông đã bị giam giữ. Và tôi tin là Hội đồng Xét xử cũng sẽ đưa ra bản án y như vậy. Ông phải có tội. Ông phải nhận tội. Để hợp thức thời gian ông bị giam giữ ứng trước, đúng như việc ông làm trước đây, nhưng với mục đích chống dịch cứu người.
Người bị đề nghị mức án cao nhất là ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế. Người bị truy tố 2 tội, với 2 mức án thấp hơn, nhưng tổng hình phạt lớn hơn ông Long, là Việt. Vậy ra, Việt là trùm cuối.
Một chủ doanh nghiệp nhỏ xíu và bỗng chốc lớn nhanh như Phù Đổng, với 80% sở hữu không biết là của ai, có thể điều hành cả bộ máy, bao gồm nhiều quan chức cấp rất cao, bộ trưởng, bí thư tỉnh, và… Lại còn có khả năng đưa hối lộ cho mấy chục giám đốc CDC của mấy chục tỉnh thành… Vậy ra hệ thống chính trị của chúng ta dễ bị tấn công, dễ bị gục ngã quá nhỉ?
Đến đây, bỗng thấy sáng tỏ. Phen này ông quyết đi buôn… Ủa, buôn gì nhỉ?
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đề nghị Bulgaria kêu gọi EU xem xét gỡ ‘thẻ vàng’ IUU
08/01/2024
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ và người đồng cấp Bulgaria Rossen Dimitrov Jeliazkov chủ trì cuộc họp báo sau hội đàm tại Hà Nội vào ngày 8/1/2024.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Vương Đình Huệ, hôm 8/1 đề nghị Bulgaria kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) xem xét gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU, một hình thức cảnh cáo nhằm kiểm soát tình trạng khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), mà Việt Nam đã bị châu Âu áp đặt lên các sản phẩm thủy sản nhiều năm qua.
Đề nghị của ông Huệ được đưa ra trong buổi tiếp đón Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Rossen Dimitrov Jeliazkov và Đoàn đại biểu cấp cao Bulgaria sang thăm Việt Nam từ ngày 5-9/1.
Việt Nam bị EC phạt “thẻ vàng” vào tháng 10/2017 và cảnh báo có thể sẽ cấm nhập thủy sản từ Việt Nam nếu Hà Nội không “làm nhiều hơn” để giải quyết tình trạng IUU. “Thẻ vàng” là một trong các bước quy định trong bộ quy tắc áp dụng cho quy trình giải quyết tình trạng đánh bắt thủy sản lậu được EU thông qua năm 2010, không đi kèm các biện pháp trừng phạt, nhằm để cho quốc gia bị cảnh cáo có thời gian “khắc phục tình hình”.
“Thẻ xanh” sẽ được ban hành nếu vấn đề được giải quyết. Ngược lại, “thẻ đỏ” sẽ được đưa ra kèm theo một loạt các biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm thương mại đối với các sản phẩm thủy sản của quốc gia đó.
Kể từ sau khi phạt “thẻ vàng”, Uỷ ban châu Âu (EC) đã đi kiểm tra thực tế tại Việt Nam 4 lần vào các năm 2017, 2019, 2022 và tháng 10 vừa qua, nhưng vẫn chưa đồng ý gỡ “thẻ vàng” mặc dù giới lãnh đạo Việt nam đã đặt rất nhiều hy vọng vào đợt thanh tra vừa qua.
Sau đợt thanh tra vào tháng 10/2023, EC khuyến nghị Việt Nam tăng cường các biện pháp để phát hiện, ngăn chặn và truy tố các hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt với các trường hợp ngắt kết nối hệ thống giám sát tàu cá (VMS) ở khu vực sát biên giới vùng đặc quyền kinh tế.
Ngoài ra, ủy ban của châu Âu cũng yêu cầu Việt Nam quản lý chặt chẽ các tàu cá và tính chính xác về thông tin dữ liệu tàu, dữ liệu truy xuất nguồn gốc, sản lượng thuỷ sản và có hình thức xử phạt nghiêm ngặt và thống nhất đối với các vi phạm.
Trong vòng một năm qua, các lãnh đạo Việt Nam, trong đó có Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã nhiều lần họp với các bộ, ngành và địa phương, yêu cầu nỗ lực tối đa cho quyết tâm gỡ “thẻ vàng”.
Thời điểm từ nay cho đến hết tháng 4/2024 được xem là “thời điểm vàng” để gỡ thẻ vàng IUU cho ngành thủy sản Việt Nam khi EC dự kiến sẽ đến Việt Nam thanh tra lần thứ 5. Nếu thất bại, Việt Nam có thể mất thêm vài năm nữa để giải quyết vấn đề này.
Trong trường hợp bị phạt “thẻ đỏ”, Việt Nam sẽ phải đối mặt với khoản thiệt hại lên tới 480 triệu USD mỗi năm trong xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu.
Việt nam và Bulgaria đang thực hiện nhiều hoạt động nhằm kỷ niệm 75 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.
Hai bên đã đạt được kim ngạch thương mại hơn 200 triệu USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học để hình thành các lĩnh vực hợp tác mới, tạo thị trường thuận lợi cho hàng hóa của nhau theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Quốc hội Bulgaria cũng đã phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) ngay trước chuyến thăm chính thức Bulgaria của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào tháng 9/2023.
Tại cuộc gặp ngày 8/1, ông Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Quốc hội Bulgaria vận động Nghị viện các nước EU khác sớm phê chuẩn để hiệp định này có hiệu lực.
Mai Bá Kiếm - Ăn trái nhớ kẻ trồng răng, ăn năn nhớ thằng cấy tóc !
Mai Bá Kiếm
07/01/2024
Sáng Chủ nhật, tôi pha ly Capuccino ngồi nhâm nhi, bên cạnh thằng cháu nội 10 tuổi đang chơi game.
Tôi xem mạng qua điện thoại, thấy tin người dân giải cứu cam sành, vì giá tại vườn chỉ 1.000 -2.000 đồng/kg. Và, tin thầy chùa Thích Thái Trúc Minh đã xin sám hối sau khi bị kỷ luật vì cắm cọng lông quắn cho Phật tử lạy và nói là Xá lợi tóc!
Tôi buột miệng kêu lên « Ăn trái nhớ kẻ trồng răng - ăn năn nhớ thằng cấy tóc ».
Cháu tôi hỏi « Sao nội không nhớ kẻ trồng cây? ». Tôi nói, mấy năm nay nội liên tiếp ăn giải cứu: thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, cam... vì Trung Quốc không nhập khẩu. Cho nên kẻ trồng cây phải nhớ nội, còn nội phải nhớ ông nha sĩ đã trồng hàm răng giả, nên nội mới cắn nổi trái cây.
Còn « ăn năn nhớ thằng cấy tóc » là do thằng đầu trọc nick « Thích Thái Trúc Minh » đã đem cọng lông quăn về chùa Ba Vàng cắm vào bát, rồi hát bài « quay đều, quay đều quay đều, thương hoài những sợi lông ». Sau khi bị Giáo hội kỷ luật, Thích Thái Trúc Minh đã sám hối. Vì vậy, ai ăn năn thì phải nhớ thằng sám hối đó.
Cháu tôi hỏi « Người ta nói "Cái răng, cái tóc là gốc con người", tại sao khi quy y người ta chỉ xuống tóc mà không nhổ răng? ». Tôi nói nếu nhổ hết răng thì không ăn được, nên họ chỉ xuống tóc tượng trưng!
Cháu tôi lại hỏi « Tại sao kẻ trồng răng giả thì được Sở Y tế cấp giấy phép hành nghề, còn thằng cấy tóc nghi giả Xá lợi thì bị kỷ luật? ». Tui ngọng, đành ca bài « Biết trả lời sao? ».
Lâm Bình Duy Nhiên - Tiền tỉ !
07/01/2024
Công nhận các quan chức, cán bộ cộng sản/đày tớ nhân dân, giờ nhiều tiền tỉ thật!
Nên mới có chuyện nộp tiền tỉ để “khắc phục hậu quả” nhằm thoát khỏi hoặc chịu những bản án nhẹ nhàng hay không bị cảnh tù tội.
Lương bổng thì có bao nhiêu nhưng cứ tiền tỉ đút túi. Từ quan chức, cán bộ, đại biểu hay công an các cấp, ai cũng tích lũy hàng tỉ, hàng chục tỉ thậm chí hàng trăm tỉ. Chưa kể mua bán bất động sản hay đất đai, những người này mau chóng trở thành những kẻ giàu có, đại gia và có cả quyền lực trong xã hội, trong mọi cấp độ của xã hội.
Hầu như ai cũng có con cái đi du học, dĩ nhiên phải là ở các nước tư bản, đứng đầu là Mỹ. Hàng ngày thì miệt thị, chê bai hay lên án bọn tư bản bóc lột nhưng vẫn không ngần ngại gởi con sang các xứ “giẫy chết” ấy để học tập. Thậm chí, không ít kẻ mua luôn nhà cửa tại các quốc gia từng một thời là kẻ thù để kinh doanh bất động sản.
Những anh cảnh sát khu vực, phường nhưng vẫn có tiền tỉ để đưa con đi du học.
Và cũng chính các anh ấy, hàng ngày theo dõi, uy hiếp và khủng bố gia đình của các “thành phần phản động”. Thử hỏi lương của các anh là bao nhiêu để có thể gởi con cái sang Mỹ, Úc, Canada hay Âu châu?
Chắc chắn cái thể chế của các anh đã ưu ái và tạo điều kiện cho các anh “kiếm thêm”.
Kiếm thêm và làm giàu trên nỗi đau của người dân!
Chống tham nhũng là chủ trương chính đáng. Nhưng trong một thể chế mà những thành phần được chế độ ưu ái lại chính là những kẻ ăn hối lộ, tham nhũng nhiều nhất thì coi như chống một cách vô tội vạ.
Chẳng lẽ bỏ tù tất cả mọi quan chức các cấp? Nếu thế thì còn mấy ai để lãnh đạo đất nước nữa?
Đâu thể nào để “bọn phản động” ra tham gia chính trường.
Cho nên, chống cho có, nhất là đánh phá và khởi tố các thế lực trong nội bộ đảng! Tranh giành quyền lực và ảnh hưởng chính trị mới chính là những cuộc đấu đá mang tên chống tham nhũng.
Cứ xem vụ đại án Việt Á chấn động dư luận với việc xét xử 2 cựu bộ trưởng và 36 bị can mới thấy, nếu không có đấu đá nội bộ thì chưa hẳn vụ án được phơi bày ra ánh sáng.
Sự khốn nạn tột cùng của cuộc đấu đá chính là nét mặt cười hớn hở, ngông nghênh của Phan Quốc Việt trong phiên tòa. Hay sự thách thức, không hề hối hận của những kẻ khác. Tất cả họ đều là những quan chức hay những kẻ được chế độ hay các thế lực chính trị nâng đỡ và ưu ái.
Họ thừa biết, có bị kết án thì chuyện đi tù của họ cũng hoàn toàn khác hẳn cuộc đời tù tội của người dân.
Hay để giảm tội, gia đình trả tiền tỉ lại cho…nhà nước.
Và tiền bẩn lại tiếp tục rơi vào tay…bẩn của những quan chức, cán bộ khác!
Đó là cái khốn nạn của chuyện chống tham nhũng, của bọn tham nhũng tại Việt Nam.
Chống thì cứ chống, mạnh ai nấy sống, cứ tiếp tục vơ vét, làm giàu và làm giàu
…mặc kệ xã hội đầy bất công và nhiễu nhương!
Ai chịu trách nhiệm về an toàn không gian mạng ở Việt Nam?
Trương Nhân Tuấn
08/01/2024
Báo chí tiếng Việt đồng loạt đưa tin, Việt Nam là nạn nhân đứng hàng đầu trên thế giới về các vụ bị lừa gạt qua mạng. Số tiền lừa đảo toàn cầu là 53 tỉ đô la, Việt Nam bị lừa mất 16 tỉ.
Chuyên gia đổ thừa rằng, “Việt Nam là vùng trũng trong khả năng nhận thức thông tin và sử dụng mạng“.
Hết “vùng trũng giáo dục” bây giờ tới “vùng trũng nhận thức”. Tôi nghĩ, cái gì cũng đổ cho dân “tại tụi bây ngu, ráng chịu” là không đúng. Cái gì cũng có nguyên nhân của cái đó.
Giáo dục Việt Nam là giáo dục theo tiêu chuẩn chọn lựa của giai cấp. Giai cấp “ngụy dân” thì không có cửa để lên đại học. Vùng đồng bằng sông Cửu long lâu nay được mệnh danh là “vùng trũng của giáo dục”, hệ quả của chính sách phân biệt giai cấp trong giáo dục.
Nhưng khi lên mạng, cũng như lên “cao tốc”, ai cũng như ai. Cái nào cũng có “an toàn giao thông” của cái đó.
Việt Nam có luật về An ninh mạng, có ý thức về “chủ quyền không gian mạng”. Đội ngũ công an Việt Nam đông hơn cả “quân Nguyên”. Họ có mặt ở mọi nơi. Có công an chìm, nổi.
Chỉ nói trên mạng, 99% tù nhân lương tâm ở Việt Nam bị bắt đều có liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội. Ngân sách của công an đứng hàng đầu, cả trăm ngàn tỉ đồng, trong khi ngân sách cho giáo dục, cho y tế… chưa bằng 1/10. Lại còn có đội ngũ AK47, lực lượng dư luận viên thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương. Củng cố thêm là đội ngũ bảo vệ không gian mạng bên quân đội.
Không biết số nhân sự này lên mạng “làm ăn cái gì” mà Việt Nam là quốc gia bị lừa đảo hàng đầu thế giới.
Theo tôi, lý do không phải vì “Việt Nam là vùng trũng trong khả năng nhận thức thông tin và sử dụng mạng“. Bên Tây, bên Mỹ… chưa chắc người dân ở đây “khôn” hơn dân Việt (về việc sử dụng không gian mạng).
Vấn đề là “lổ hổng an ninh mạng”. Ngân hàng không có dụng cụ bảo vệ người dân khi giao dịch qua mạng. Nhà nước không có bộ phận bảo hộ công dân hữu hiệu khi họ lên mạng. Nói chung là lãnh đạo CSVN không có ý thức đầy đủ về “chủ quyền không gian mạng”.
Đâu phải cho người lên mạng ngồi rình mò đọc những bài viết, coi những cái clip video vô tội vạ… của người dân rồi quy tội họ “thế lọ thế chai”, bỏ tù họ… là hoàn tất công tác “bảo vệ an ninh mạng” đâu!
Tôi nghĩ, với số ngân sách “khủng” như vậy, bên công an nên đào tạo nhân sự của mình về “an ninh mạng” một cách có bài bản. Không có thằng nào “phản động”, không có con nào “gây rối trật tự” trên mạng hết cả. Chỉ có những tên lừa đảo trên mạng mà thôi.
Bảo vệ công dân là bảo vệ công dân ở mọi nơi, mọi lãnh vực thuộc thẩm quyền của quốc gia Việt Nam. Đó là ý thức về “chủ quyền không gian mạng”. Trách nhiệm là trách nhiệm của công an chớ không phải do Việt Nam là “vùng trũng nhận thức” thế nọ, thế kia.
Bắt nữ giám đốc tự xưng phóng viên “bảo kê” xe tải
RFA
09/01/2024
Cơ quan công an đọc lệnh bắt giữ nữ giám đốc Nguyễn Kim Tiến.
LĐO/H.Đ
Một nữ giám đốc ở Nghệ An, lợi dụng danh nghĩa phóng viên báo chí, đứng ra làm 'bảo kê' cho các chủ xe tải, thu lợi hơn năm tỷ đồng, vừa bị Công an bắt tạm giam.
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 8/1 theo nguồn từ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An. Cơ quan này cho biết vừa bắt giữ Nguyễn Kim Tiến (59 tuổi, ngụ Nghệ An), Giám đốc Công ty CP thương mại dịch vụ Kim Tiến và Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Kim Tiến Đại Phát, để điều tra về hành vi lợi dụng danh nghĩa báo chí để bảo kê xe tải.
Qua điều tra, cơ quan công an xác định từ năm 2020, Tiến thông tin tới các chủ xe tải trên địa bàn thị xã Thái Hòa mình là phóng viên báo chí, có nhiều mối quan hệ với lực lượng cảnh sát giao thông. Tiến có thể tác động, can thiệp để lực lượng chức năng bỏ qua các lỗi vi phạm của phương tiện.
Nếu tài xế nào cần bảo kê, phải đóng mỗi tháng 10 triệu đồng/xe cho Tiến. Các chủ xe sau khi đóng tiền bảo kê sẽ được nhận logo mang tên công ty của bà này để được lực lượng chức năng bỏ qua lỗi vi phạm.
Theo Công an, từ năm 2020 đến nay đã có hàng chục xe tải đóng tiền hàng tháng cho Nguyễn Kim Tiến và nữ giám đốc giả danh nhà báo này đã thu lợi hơn năm tỷ đồng.
Khám xét nơi ở và trang trại của bà Tiến, cơ quan chức năng thu giữ bảy giấy giới thiệu phóng viên của các tạp chí, một thẻ cộng tác viên, một giấy chứng nhận nghiệp vụ báo chí mang tên Nguyễn Kim Tiến và nhiều vật chứng khác có liên quan.
Tuy nhiên tin không nói rõ nữ giám đốc này làm sao có được các giấy giới thiệu là phóng viên của các cơ quan báo chí trên. Hiện vụ việc vẫn đang tiếp tục được điều tra.
Cà Mau: liên tiếp xuất hiện các vụ ngư dân sử dụng vũ lực để tranh chấp ngư trường
09/01/2024
Hình ảnh tàu cá ngư dân Cà Mau bị tấn công
PLO/hình chụp từ video clip của ngư dân
Ủy ban Nhân dân tỉnh cà Mau mới đây phải lên tiếng cảnh báo tình trạng ngư dân sử dụng vũ lực để tranh chấp ngư trường đang gia tăng.
Truyền thông Nhà nước cho biết, vào ngày 9/1, UBND tỉnh Cà Mau có báo cáo khẩn gửi nhiều Bộ ngành trung ương về tình hình phức tạp trên biển Tây Cà Mau, cho biết những vụ đụng độ tranh chấp ngư trường có sự tham gia của xã hội đen và chiếm biển cho thuê.
Báo cáo được gửi cho các bộ bao gồm: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông, cùng Tỉnh uỷ và Thường trực HĐND tỉnh Cà Mau.
Báo Nhà nước trích thông tin từ báo cáo của tỉnh Cà Mau cho biết, trước đây, mâu thuẫn xảy ra giữa nghề lưới kéo (cào) và nghề ốc bẫy mực, do có sự xung đột trong đặc điểm khai thác của hai nghề này. Tuy nhiên, hiện nay, qua tin quần chúng, đã có sự thoả thuận về ngư trường giữa nghề ốc bẫy mực và nghề cào. Theo báo cáo, đã xuất hiện tình trạng nhiều đội tàu ốc bẫy mực chiếm giữ ngư trường, cho phía nghề ghe cào thuê ngư trường đánh bắt.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết: “trong quá trình chiếm giữ ngư trường trái phép, các đội tàu ốc bẫy mực cũng đã có mâu thuẫn với nhau. Cùng với đó là sự xuất hiện của các nhóm người (xã hội đen) sẵn sàng dùng vũ lực, hung khí nguy hiểm để tranh giành ngư trường".
Theo thống kê của UBND tỉnh Cà Mau,có trên một chục vụ tấn công nhau bằng tàu cá, bom xăng, chai lọ chứa chất nghi xăng... một tàu cá bị cháy hoàn toàn, một số người dân đã bị thương tích.
Từ ngày 29/12/2023 đến nay, có ít nhất năm vụ xung đột, tấn công nhau khá phức tạp. Xuất hiện các hình thức tấn công như tiếp cận tàu, dùng gậy đánh bị thương các ngư dân, dùng ná bắn đạn bi sắt gây hư hỏng tài sản và làm bị thương người, dùng bom xăng, theo báo cáo.
Không có nhận xét nào