Quê Hương tổng hợp
Người Việt thuộc số tìm đường vào Mỹ qua ngả Nicaragua
RFA
01/01/2024
Ảnh minh họa: Người di cư lậu từ các quốc gia bao gồm Việt Nam, Iran và Eritrea được cứu vớt ở eo biển Manche, sau khi họ rời khỏi miền Bắc nước Pháp, ở Dungeness. Hình chụp hôm 4/8/2021.
Reuters
Nicaragua trở thành điểm nóng cho dân di cư khắp nơi trên thế giới, trong đó có người Việt Nam, muốn kiếm đường vào được Hoa Kỳ không phải đi qua khu “rừng tử thần” Darien Gap.
Khu rừng Darien Gap nằm trên biên giới Panama và Columbia là tuyến đường từng được nhiều người di cư chọn để tìm đường đến Hoa Kỳ; thế nhưng vùng rừng thiêng nước độc, hoang sơ này quá nguy hiểm và nhiều người di cư đã phải bỏ mạng trước khi đặt chân được đến “miền đất hứa” ao ước.
Tuy nhiên vừa rồi họ có được một hy vọng mới do Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đem lại. Ông này là kẻ thù lâu nay của Hoa Kỳ tự nguyện giúp cho người di cư tránh khỏi khu rừng tử thần Darien Gap. Ông cho phép họ đi máy bay đến Nicaragua rồi tìm đường Bắc tiến.
AFP loan tin ngày 30/12 dẫn phát biểu của chuyên gia về di cư Manuel Orozco tại tổ chức Đối thoại Liên Mỹ ở Washington DC cho biết chính quyền của Tổng thống Ortega tạo thuận lợi cho mạng lưới chuyên về dịch vụ bay quốc tế giúp người di cư có thể đến được biên giới Mexico và Hoa Kỳ.
Ông Manuel Orozco cho AFP biết thêm tổ chức của ông thu thập dữ liệu của hơn 500 chuyến bay thuê bao giữa tháng tư và tháng sáu cho thấy giới chức cảng hàng không đã thuê những công ty tư tại Dubai huấn luyện nhân sự chuyên về làm giấy tờ cho những loại chuyến bay như thế.
Tin cho biết vào tuần qua một chiếc Airbus A340 đậu tại một phi trường ở Paris bị báo đang chở những nạn nhân có thể của bọn buôn người. Nhiều người sau đó được đưa về lại Ấn Độ, và Cảnh sát Ấn cho biết những hành khách phải trả hằng chục ngàn USD để được giúp đến được biên giới nước Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước: để thiếu điện là trách nhiệm của EVN, giá điện phải tăng để bù lỗ
RFA
02/01/2024
Công nhân Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang kiểm tra đồng hồ điện.
AFP
Ông Nguyễn Hoàng Anh- Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - cho rằng tình trạng thiếu điện thời gian qua là trách nhiệm của cá nhân ông và lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), đồng thời cho biết giá điện phải tiếp tục tăng để bù lỗ cho EVN.
Ông Nguyễn Hoàng Anh thừa nhận trách nhiệm như trên tại hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Truyền thông loan trong ngày 2/1 cho biết thêm cũng tại hội nghị, ông Hoàng Anh khẳng định nếu không tăng giá điện thì không thể giải quyết được lỗ lũy kế của EVN.
Liên quan đến đề nghị tăng giá điện để giảm lỗ cho EVN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết bộ đang rà soát chính sách, đề xuất sửa Luật Điện lực và dự kiến trình Quốc hội thông qua năm 2024.
Theo ông Tân, trong đó có các kiến nghị của EVN về cơ chế phát triển năng lượng, thị trường, giá để đảm bảo tập đoàn này hoạt động thuận lợi hơn.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch EVN Đặng Hoàng An cho rằng ngành điện và EVN trải qua một năm rất cam go, khó khăn, nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo cung ứng điện đã không hoàn thành khi để xảy ra thiếu điện. Qua đó, ông An nói: “Đây là bài học đắt giá cho EVN”.
Trước đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc EVN, thông báo khoản lỗ ước tính 17.000 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 24.595 tỷ.
Đáng chú ý trong năm 2023, giá bán lẻ điện được điều chỉnh hai lần (tăng 3% từ 4/5/2023 và tăng 4,5% từ 9/11/2023), do đó giá bán điện bình quân cả năm 2023 ước đạt 1.950 đồng/kWh, tăng 69,22 đồng/kWh so với năm 2022.
Theo đó, doanh thu của EVN năm 2023 ước đạt 488.000 tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm 2022.
Ông Tuấn cho biết, sản lượng thuỷ điện của Việt Nam đạt 35% hoặc cao hơn, nhưng trong năm 2023, do hạn hán, nhiều hồ thuỷ điện về mực nước chết, nên sản lượng của nguồn thuỷ điện chỉ đạt 28,4%.
Còn nhiệt điện than - nguồn năng lượng chiếm tỷ trọng 33,2% nhưng năm 2023 sản xuất được 46,2%; nguồn turbin khí và nhiệt điện dầu chiếm tỷ trọng 10,3% nhưng sản xuất được 9,8%; nhập khẩu điện chiếm tỷ trọng rất ít 1,46%; năng lượng tái tạo có công suất đặt chiếm 26,9%, nhưng sản xuất đạt 13%.
Hiện nay, thuỷ điện vẫn là nguồn có giá ổn định nhất, nhưng nguồn này chỉ chiếm 28,4% tổng công suất nguồn điện. Còn năng lượng tái tạo, do chính sách khuyến khích ban đầu cho nên giá của nguồn năng lượng này rất cao, nếu xét theo giá thành 9,35 cent theo Fit 1 thì vượt giá thành bán ra của EVN.
Theo ông Tuấn, hiện nay, tổng chi phí bình quân các khâu phát điện. truyền tải, phân phối là 2.092,78 đồng/kWh, trong khi đó, giá thành bán ra là 1.950 đồng/kWh.
Công an Hà Nội thông báo tạm giam ba tháng đối với cựu thành viên CHTV Phan Vân Bách
RFA
03/01/2024
Ông Phan Vân Bách và Thông báo tạm giam
Facebook Phan Vân Bách (RFA edited)
Cơ quan An ninh Điều tra của Công an thành phố Hà Nội có thông báo bắt tạm giam hơn ba tháng đối với nhà hoạt động Phan Vân Bách nhưng không nói ông bị điều tra theo cáo buộc gì.
Ông Phan Vân Bách, 49 tuổi, là cựu thành viên của kênh truyền hình độc lập CHTV trên nền tảng Youtube chuyên đưa tin về dân oan và nhiều vấn đề nổi cộm của đất nước. Ông bị công an bắt giữ vào sáng ngày 29/12/2023 mà không có sự chứng kiến của người thân.
Theo Thông báo tạm giam gửi cho gia đình ngày 03/01, thời hạn tạm giam được tính từ ngày 29/12/2023 đến ngày 04/04/2024.
Như chúng tôi đã thông tin, ông Bách bị công an bắt giữ và khám nhà trong lúc gia đình đi vắng, và khi bị đưa đi, ông đã gửi lại chìa khoá cho viên công an khu vực.
Vợ ông, tên thật là Nguyễn Thị Yêu (hay còn gọi là Nguyễn Thị Liễu) chỉ biết tin vào buổi tối hôm đó khi đi làm về. Trong mấy ngày sau, bà có lên Công an thành phố Hà Nội (trụ sở chính ở số 89, phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) để hỏi thông tin về ông nhưng phía công an không cung cấp, chỉ nói để lại số điện thoại để phía công an liên lạc sau.
Ngày 03/1, bà lại đến trụ sở trên để hỏi tung tích của chồng và nhận được Thông báo tạm giam. Bà thuật lại với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong chiều ngày 03/01:
“Sáng nay tôi lên cơ quan công an ở 89 Trần Hưng Đạo và được đồng chí (điều tra viên- PV) thụ lý việc của anh Bách đưa cho tôi giấy thông báo và nói là anh Bách sẽ bị tạm giam trong ba tháng.
Anh ý có nói là anh Bách hiện đang bị giam ở Trại tạm giam số 1 ở Phúc Diễn và mai tôi có thể gửi đồ cho anh ấy.”
Bà Yêu cho biết, người điều tra viên đưa Thông báo tạm giam và nói nhanh về nguyên nhân chồng bà bị bắt giữ nhưng do bối rối nên bà không nhớ được nội dung cụ thể. Sau đó, bà gọi điện thoại để hỏi lại nhưng điều tra viên này từ chối tiết lộ, viện lý do "không thể trao đổi qua điện thoại."
Phóng viên có gọi điện cho điều tra viên tên Tường thụ lý vụ án của ông Phan Vân Bách nhưng người này yêu cầu phóng viên đến gặp trực tiếp để được cung cấp thông tin.
Theo Điều 173 của Bộ luật Tố tụng hình sự, thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Luật sư Ngô Anh Tuấn của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết theo luật, thông báo tạm giam gửi cho gia đình phải có thông tin về cáo buộc đối với người bị bắt giữ.
Luật sư Tuấn nhận định với RFA rằng, căn cứ vào văn bản công an gửi cho gia đình ông Bách thì có nhiều khả năng ông bị bắt và điều tra theo cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, tuy không loại trừ khả năng bị cáo buộc với tội danh khác là “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của bộ luật này.
Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” có mức án từ 5 năm đến 20 năm tù giam, thậm chí là tử hình trong khi tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” có mức án cao nhất là 7 năm tù giam.
Ông Bách tham gia phong trào biểu tình ở Hà Nội chống Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông từ năm 2011, phong trào cây xanh năm 2015 và biểu tình chống Formosa gây thảm hoạ môi trường ở ven biển miền Trung năm 2016.
Ông cũng lên tiếng phản đối đàn áp người bất đồng chính kiến, và ủng hộ dân oan trên Facebook, và tham gia đòi người khi có nhà hoạt động bị câu lưu.
Từ năm 2017, ông tham gia kênh Youtube CHTV, một kênh truyền hình độc lập sáng lập bởi tù nhân lương tâm Vũ Quang Thuận chuyên đưa tin về các vấn đề kinh tế-xã hội của Việt Nam. Ba thành viên của nhóm là các ông Vũ Quang Thuận, Lê Văn Dũng (Lê Dũng Vova), và Lê Trọng Hùng bị kết án từ 5 năm đến 8 năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước.”
Cuối năm 2018, ông vào thăm một số bạn bè và người hoạt động ở Tây Nguyên, bị an ninh đánh đập và trục xuất về Hà Nội. Một thời gian ngắn sau đó, ông tuyên bố rời CHTV, nơi ông thường lên sóng để chỉ trích chế độ độc đảng ở Hà Nội và cá nhân ông Hồ Chí Minh.
Trong nhiều năm gần đây, ông tập trung làm kinh tế, có tham gia hoạt động xuất khẩu lao động theo thông tin từ Facebook cá nhân.
Việt Nam: Hai cựu bộ trưởng ra tòa trong vụ án Việt Á
Thanh Phương /RFI
03/01/2024
Tại Việt Nam, hai cựu bộ trưởng ra tòa hôm nay, 03/01/2024, trong phiên tòa xét xử 38 bị cáo liên quan đến vụ án nâng giá bộ xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.
Phiên tòa xét xử 38 bị cáo liên quan đến vụ án bộ xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, tại Hà Nội, ngày 03/01/2024. AFP - VIETNAM NEWS AGENCY
Trong phiên tòa ở Hà Nội dự kiến sẽ kéo dài khoảng 20 ngày, cựu bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thành Long bị xử với tội danh “nhận hối lộ”, cụ thể là đã nhận tổng cộng 2,25 triệu đô la. Cựu bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, nguyên chủ tịch thành phố Hà Nội, thì bị xử về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Việt Á là công ty đã sản xuất các bộ xét nghiệm Covid-19, nhưng đã hối lộ cho nhiều quan chức để được ký các hợp đồng bán cho các bệnh viện và cho người dân với giá được được nâng lên rất cao. Ngành tư pháp thẩm định là vụ nâng giá này đã mang lại số tiền khoảng 172 triệu đô la cho công ty Việt Á, trong đó tổng cộng 34 triệu dường như đã được dùng để hối lộ các quan chức.
Trước đó, vào ngày 29/12/2023, một tòa án ở Hà Nội đã kết án tổng cộng 15 năm tù đối với Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty Việt Á, bị cáo buộc “gây thiệt hại lớn cho tài sản nhà nước trong công tác phòng chống dịch”. Các bị cáo khác thì lãnh án từ 4 năm tù đến 15 năm tù.
Vào năm ngoái, hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã bị mất chức vì dường như có dính líu đến một vụ án khác liên quan đến dịch Covid, đó là vụ “chuyến bay giải cứu”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã bị buộc từ chức, do phải “chịu trách nhiệm chính trị” vì đã để xảy ra các sai phạm trong chính phủ khi ông làm thủ tướng. Trong phiên tòa xử vụ án “chuyến bay giải cứu”, năm ngoái, ba quan chức cao cấp đã lãnh án tù chung thân. Các bị cáo khác cũng lãnh án tù nhiều năm về tội “hối lộ” và “nhận hối lộ”.
RSF, HRW kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Lê Hữu Minh Tuấn
02/01/2024
Embed share
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) và Human Rights Watch (HRW) hôm 30/12 cùng lên tiếng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ký giả độc lập Lê Hữu Minh Tuấn, hiện đang thụ án 11 năm tù tại trại giam Xuyên Mộc ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, vì sức khỏe của ông “suy giảm nghiêm trọng”.
RSF dẫn lời một người thân của ông Tuấn cho biết rằng trong chuyến thăm ông hôm 26/12/2023, ông Tuấn chỉ còn “da bọc xương”, trông “nhợt nhạt” và ông nói “không chịu nổi nữa”.
Trước đó, trả lời VOA tiếng Việt hồi tháng 8 năm ngoái, bà Lê Thị Hoài Tâm, chị ông nói rằng tình trạng của ký giá độc lập này “rất là cấp bách” nhưng trại giam “không có cho Tuấn đi bệnh viện”.
Sau đó, hôm 24/8/2023, VOA đã liên lạc trại giam Xuyên Mộc, Bộ Công an, qua email để hỏi phản hồi về cáo buộc của gia đình ông Tuấn, nhưng cho tới ngày 2/1/2024 vẫn chưa nhận được hồi đáp.
Tối 2/1 (giờ Việt Nam), phóng viên VOA tiếng Việt nhiều lần gọi điện cho trại giam Xuyên Mộc nhưng không kết nối được.
Ngoài việc thúc giục Việt Nam phóng thích ông Tuấn, ông Cédric Alviani, Giám đốc Văn phòng RSF Châu Á-Thái Bình Dương còn “kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường gây áp lực” để Hà Nội thả ông Tuấn vì lý do sức khỏe và “trước khi quá muộn”.
Cùng ngày RFS lên tiếng, trên nền tảng X, trước đây là Twitter, trang tin về dân chủ ở châu Á có tên Asia Democracy Chronicles dẫn lời ông Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW khu vực châu Á, cũng kêu gọi Việt Nam “thả ngay lập tức và vô điều kiện” ông Tuấn vì sức khỏe của ông “suy giảm nghiêm trọng”.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, hồi giữa tháng 6/2022, gia đình ông Tuấn cho hay sức khỏe của ông đang trong tình trạng “nguy cấp” và đã “cầu cứu” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Hiện chưa rõ Bộ Ngoại giao Mỹ phản ứng ra sao.
Ông Tuấn hiện đang thụ án 11 năm tù và sau đó sẽ tiếp tục bị quản chế 3 năm vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Ông Tuấn là thành viên của Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam. Các thành viên khác của hội này như ông Phạm Chí Dũng, một blogger hay gửi bài đăng trênVOA Tiếng Việt; và ông Nguyễn Tường Thuỵ, Phó Chủ tịch của hội, cũng bị bắt với cùng cáo buộc. Chính quyền Việt Nam cho rằng các nhà báo này “sử dụng nhiều bút danh để đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Hai cựu lãnh đạo Thanh Hóa nộp lại 45 tỉ đồng để được nhẹ tội ‘gây thất thoát’
02/01/2024
Ông Trịnh Văn Chiến thời còn là bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa
Hai cựu quan chức hàng đầu của tỉnh Thanh Hóa đã nộp lại 45 tỷ đồng ‘để khắc phục hậu quả’ sau khi bị công an khởi tố điều tra về những sai phạm trong việc giao đất cho doanh nghiệp gây thất thoát tài sản của Nhà nước, báo chí trong nước loan tin.
Cụ thể, hôm 2/1, ông Trịnh Văn Chiến, cựu bí thư Tỉnh ủy, và ông Nguyễn Đình Xứng, cựu chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, đã nộp 22,5 tỷ đồng mỗi người vào tài khoản tạm giữ của công an, tờ Tuổi Trẻ cho biết.
Trước đó, hôm 29/12, ông Chiến đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố bị can để điều tra về tội ‘Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí’.
Trước ông Chiến hai tháng, hôm 21/10, ông Nguyễn Đình Xứng cũng bị khởi tố về cùng tội danh trên. Cả hai ông đều đã bị công an khám nhà và bị cấm rời khỏi nơi cư trú.
Việc khởi tố ông Chiến và ông Xứng nằm trong khuôn khổ cuộc điều tra của công an về dự án Hạc Thành Tower trên khu đất vàng nằm giữa trung tâm thành phố Thanh Hóa mà hai ông đã giao cho công ty Sông Mã trong thời kỳ họ lần lượt là chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh hồi năm 2013.
Ông Chiến bị cáo buộc đã quyết định mức giá ‘rẻ mạt’ là 21 triệu đồng/mét vuông cho gần 3.000 mét vuông giao cho công ty Sông Mã xây tòa tháp Hạc Thành, Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ cơ quan điều tra cho biết. Sau đó, ông Chiến đã giao cho ông Xứng ký quyết định phê duyệt mức giá đất này.
Việc làm này của hai ông bị công an cáo buộc đã gây thiệt hại gần 56 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Như vậy, với 45 tỷ đồng mà hai ông này đã nộp lại, ngân sách Nhà nước vẫn thất thoát gần 11 tỷ.
Cùng bị khởi tố trong vụ án với hai vị cựu lãnh đạo Thanh Hóa là một loạt quan chức thuộc hạ của hai ông, chủ yếu là các quan chức kinh tế-tài chính.
Hồi cuối tháng 7 năm ngoái, tại một cuộc họp Bộ Chính trị do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, hai ông Chiến và Xứng đã bị đưa ra mổ xẻ và đề nghị kỷ luật mà sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower chỉ là một phần nguyên nhân.
Bên cạnh đó, trên cương vị là lãnh đạo tỉnh trong nhiệm kỳ 2015-2020, hai ông cũng bị xác định có sai phạm trong việc giao đất cho các tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết và AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, sai phạm trong công tác cán bộ và trong lãnh đạo công tác kê khai tài sản, thu nhập của cấp dưới.
Cả hai ông đều đã bị xử lý về mặt đảng, bị cách chức hết tất cả chức vụ trong đảng và hiện giờ đang chờ đợi bị xử lý theo pháp luật.
Thu nhập bình quân của lao động Việt Nam năm 2023 tăng 6,9%
02/01/2024
Công nhân đang làm việc tại một xưởng may mặc ở Nam Định. Thị trường thu hẹp khiến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong năm 2023. [Ảnh minh họa]
Thu nhập bình quân một tháng của người lao động Việt Nam năm 2023 là 7,1 triệu đồng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459 nghìn đồng so với năm 2022.
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam (TCTK) hôm 2/1, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 8,1 triệu đồng, cao hơn 26% so với thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (6,0 triệu đồng).
Trong khi đó, thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn 29% (8,7 triệu đồng so với 6,2 triệu đồng).
Theo TCTK, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong ngành khai khoáng có mức tăng cao nhất là 11,2%, lên 10,3 triệu đồng, tức tăng khoảng 1 triệu đồng so với năm trước.
Dữ liệu mới công bố cho thấy rằng thu nhập bình quân mỗi tháng của lao động làm trong ngành nông lâm nghiệp và thủy sản là 4,1 triệu đồng, tăng 6,6%, tương ứng tăng 255 nghìn đồng, trong khi ngành dịch vụ lưu trú ăn uống là 6,8 triệu đồng, tăng 8,6%, tức tăng 540 nghìn đồng.
Liên quan tới vấn đề việc làm, trong báo cáo mới nhất này, Tổng cục Thống kê cho biết rằng cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp “đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh”, nên nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp những tháng cuối năm tăng, là “cơ hội để thị trường có thêm những việc làm mới, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp của người lao động”.
Theo TCTK, tính trung bình, năm 2023, cả nước có gần 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 14,6 nghìn người so với năm trước.
Cơ quan thống kê của nhà nước này nói rằng việc triển khai các giải pháp của chính phủ Việt Nam về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 đã “góp phần cải thiện tình hình thất nghiệp của người lao động”.
Việt Nam ghi nhận 155 vụ TNGT, làm chết 56 người trong ba ngày nghỉ lễ
RFA
02/01/2024
CSGT kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện.
Hà Nội Mới
Trong ba ngày nghỉ Tết Dương lịch (từ ngày 30/12/2023 đến ngày 01/01/2024), Việt Nam ghi nhận 155 vụ tai nạn giao thông, làm chết 56 người, bị thương 131 người.
Bộ Công an loan tin trên trong ngày 2/1, nêu cụ thể, trong số 155 vụ TNGT, có 152 vụ xảy ra trên đường bộ, làm chết 54 người, bị thương 130 người; trên đường sắt xảy ra ba vụ, làm chết hai người. Trong khi đó, trên đường thủy không xảy ra tai nạn
Cùng với đó, theo kết quả tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của cảnh sát giao thông trong ba ngày nghỉ tết Tết Dương lịch, CSGT đã kiểm tra, phát hiện xử lý 25.598 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ; phạt tiền 58 tỷ 178 triệu đồng; tạm giữ 315 xe ô tô, 9.594 xe mô tô, 105 phương tiện khác; tước 5.269 GPLX các loại.
Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 7.570 trường hợp; vi phạm về ma túy 35 trường hợp; vi phạm về tốc độ 5.103 trường hợp.
Trên đường thủy, đã kiểm tra, phát hiện xử lý 395 trường hợp vi phạm, phạt tiền 1 tỷ 189 triệu đồng, tạm giữ 02 phương tiện.
Trên đường sắt, đã phát hiện, xử lý 12 trường hợp vi phạm, phạt tiền 04 triệu đồng.
Không có nhận xét nào