Header Ads

  • Breaking News

    Mỹ tiếp tục liệt Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo

    05/01/2024 

    VOA Tiếng Việt 

    " Trong thông cáo hôm 4/1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã chỉ định Myanmar, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên, Eritrea, Iran, Nicaragua, Pakistan, Nga, Ả Rập Saudi, Tajikistan và Turkmenistan vào danh sách CPC vì “đã tham gia hoặc dung túng cho những hành vi vi phạm tự do tôn giáo đặc biệt nghiêm trọng”.

    Trong khi đó danh sách SWL của bộ này gồm Algeria, Azerbaijan, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam vì “đã tham gia hoặc dung túng cho những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo”.


    Mỹ tiếp tục liệt Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo

    Embed share 

    Ngoại trưởng Mỹ hôm 4/1 tuyên bố tiếp tục liệt Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) do các vi phạm “nghiêm trọng” về tự do tôn giáo, dù chính quyền Việt Nam trong hai năm qua cố gắng vận động để thoát khỏi danh sách này.

    Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Anthony Blinken có thể khiến Việt Nam tiến gần hơn đến một danh sách đen khác nghiêm trọng hơn là Quốc gia Quan tâm Đặc biệt (CPC), dù hai nước vừa thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9. Ngoài ra, tuyên bố này cũng đánh dấu sự thất bại của Hà Nội trong việc vận động ngoại giao tại Washington.

    VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ, đề nghị họ cho ý kiến về tuyên bố trên của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, nhưng chưa được phản hồi.

    Hồi tháng 10/2023, đích thân Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, người phụ trách Ban Tôn giáo Chính phủ, đã dẫn đầu phái đoàn sang Hoa Kỳ làm việc 9 ngày, trong đó có gặp gỡ quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm vận động để bộ này đưa Việt Nam ra khỏi “danh sách theo dõi đặc biệt – SWL”, theo Cổng thông tin Bộ Nội vụ.

    Khi trao đổi với Đại sứ Hòa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper hồi đầu tháng 12/2023, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết ông đã “đề nghị” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sớm đưa Việt Nam ra khỏi “Danh sách theo dõi đặc biệt” về tự do tôn giáo và nói rằng ông có chuyến đi “thành công” đến Mỹ.

    Chuyến đi vận động của ông Thắng diễn ra sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2023, khi ấy hai bên ra tuyên bố chung, “khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phù hợp với hiến pháp của mỗi nước và các cam kết quốc tế”.

    Khi bị Washington đưa vào danh sách SWL vào tháng 12/2022, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách này là “thiếu khách quan”, nói thêm rằng “chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân”.

    Ngay hôm 4/1, Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), cơ quan do Quốc Hội Hoa Kỳ thành lập năm 1998 có nhiệm vụ tham vấn độc lập cho cả Hành pháp lẫn Lập pháp, bày tỏ thất vọng vì Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ vẫn đưa Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt - SWL, mà không đưa Việt Nam vào Danh sách Quốc gia Quan tâm Đặc biệt - CPC.

    Chủ tịch USCIRF Abraham Cooper và Phó Chủ tịch Frederick Davie cho biết trong một thông cáo: “Mặc dù Việt Nam bị đưa vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt, nhưng USCIRF tin chắc rằng Việt Nam nên bị chỉ định là CPC dựa trên báo cáo của chính Bộ Ngoại giao về các hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo của chính phủ”.

    “USCIRF chính thức yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra lời giải trình chi tiết về lý do tại sao các khuyến nghị chính sách của chúng tôi không được thực hiện đầy đủ”.

    Danh sách SWL dành cho các quốc gia mà chính phủ tham gia hoặc dung túng cho các hành vi vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng nhưng chưa đến ngưỡng CPC, theo Đạo Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế Frank Wolf, được Quốc Hội thông qua và Tổng Thống ký ban hành ngày 16/12/2016. Còn danh sách CPC dành cho các quốc gia có vi phạm “có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng”.

    Trong Báo cáo thường niên năm 2023, USCIRF đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách Quốc gia Cần quan tâm Đặc biệt (CPC) theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA). Trong suốt hơn 15 năm qua, USCIRF liên tục đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC. Hoa Kỳ đưa Việt Nam khỏi danh sách CPC vào năm 2007.

    Phản ứng của giới tranh đấu

    Các nhà hoạt động cho tự do tôn giáo Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với việc Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục chỉ định Việt Nam vào danh sách SWL.

    Từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thượng tọa Thích Vĩnh Phước, nêu ý kiến cá nhân:

    “Điều này tôi rất hoan nghênh khi chính phủ Hoa Kỳ vẫn giữ Việt Nam trong hạng Cần Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo, vì những tổ chức tôn giáo độc lập luôn bị gây khó khăn”.

    “Với Việt Nam khi tham gia sân chơi quốc tế với bộ mặt bị Hoa Kỳ chỉ định như vậy thì không sáng sủa, không có chi đẹp, vì sĩ diện nên cũng phải lo, nên họ phải vận động để sửa soạn bộ mặt của mình cho sáng sủa tí. Xưa nay, bản chất của họ là như vậy, bên ngoài thì tỏ ra lo lắng nhưng bên trong vẫn luôn tìm cách này cách khác để trấn áp”.

    Từ Thái Lan, ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập nhóm Người Thượng Vì Công lý (MSFJ), nêu ý kiến:

    “Nhà nước Việt Nam vẫn bị liệt vào danh sách SWL của Hoa Kỳ do nhà nước Việt Nam đã sách nhiễu, đàn áp các hội thánh độc lập, đã xóa sổ “thành công” những Hội thánh Tin lành Đấng Christ cũng như các hội thánh tư gia độc lập tại Việt Nam. Nhà nước Việt Nam bị liệt vào danh sách đó là rất chính xác và rất đúng”.

    Trong thông cáo hôm 4/1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã chỉ định Myanmar, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên, Eritrea, Iran, Nicaragua, Pakistan, Nga, Ả Rập Saudi, Tajikistan và Turkmenistan vào danh sách CPC vì “đã tham gia hoặc dung túng cho những hành vi vi phạm tự do tôn giáo đặc biệt nghiêm trọng”.

    Trong khi đó danh sách SWL của bộ này gồm Algeria, Azerbaijan, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam vì “đã tham gia hoặc dung túng cho những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo”.

    https://www.voatiengviet.com


    Không có nhận xét nào