Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ sáu 05 tháng 01 năm 2024

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Bắc Triều Tiên nã hàng trăm quả đạn pháo, Hàn Quốc sơ tán dân ở đảo Yeonpyeong

    Trần Công /RFI

    05/01/2024

    Ngày 05/01/2024, Bắc Triều Tiên đã bắn hơn 200 đạn pháo ra biển Hoàng Hải, gần các đảo xa Yeonpyeong và Baengnyeong của Hàn Quốc. Seoul lập tức cho sơ tán thường dân và đáp trả bằng một cuộc tập trận bắn đạn thật trong cùng khu vực.  

    Ảnh minh họa : Một cuộc tập trận bắn pháo của Bắc Triều Tiên. Ảnh do KCNA công bố ngày 25/03/2016.

    Ảnh minh họa : Một cuộc tập trận bắn pháo của Bắc Triều Tiên. Ảnh do KCNA công bố ngày 25/03/2016. REUTERS/KCNA/File Photo 

    Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường thuật : 

    Theo thông tin cập nhật từ Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ-Hàn, từ khoảng 9 giờ sáng ngày hôm nay, 05/01/2024, quân đội Bắc Triều Tiên đã bắn hơn 200 quả đạn pháo trong suốt hai giờ vào khu vực Mũi Jangsan, phía bắc đảo Baengnyeong và Núi Cape, phía bắc đảo Yeonpyeong. 

    Điểm rơi của pháo được xác nhận nằm ở khu vực phía Bắc của Đường giới hạn (phân định) phía Bắc (NLL) theo thỏa thuận 19/09/2018 gần với lãnh hải của Hàn Quốc. 

    Tham mưu trưởng liên quân Mỹ-Hàn, Lee Seungoh cho biết : « Chúng tôi nghiêm khắc cảnh báo rằng Bắc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về cuộc khủng hoảng leo thang và chúng tôi đặc biệt yêu cầu chấm dứt ngay lập tức hành động này. Quân đội liên minh Mỹ-Hàn sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình ».

    Văn phòng Yeonpyeong-myeon thuộc thành phố Incheon, đã phát đi hai lệnh sơ tán cư dân thuộc đảo Yeonpyeong vào lúc 12:02 và 12:30 trưa ngày hôm nay. Theo giới chức địa phương, quân đội đã yêu cầu phát lệnh thông báo sơ tán vì lo ngại xẩy ra những tình huống khiêu khích, thậm chí một cuộc tấn công của Bắc Triều Tiên trong khu vực này. Tuy nhiên do không ghi nhận bất kỳ thương vong nào lệnh sơ tán đã được dỡ bỏ vào lúc 3 giờ 46 phút cùng ngày, theo giờ địa phương. 

    Đảo Yeonpyeong nằm rất gần đường giới hạn phía Bắc (NLL) và chỉ cách bờ biển Bắc Triều Tiên khoảng 12 km. Trong quá khứ, ngày 23/11/2010, Bắc Triều Tiên cũng đã nã hàng chục quả đạn pháo vào khu vực này làm 4 người thiệt mạng trong đó có hai quân nhân và 18 người bị thương.  

    Seoul lên án Bình Nhưỡng có hành động « khiêu khích ». Quân đội Hàn Quốc đe dọa sẽ thực hiện « các biện pháp trả đũa ngay lập tức, mạnh mẽ và dứt khoát », đồng thời tiến hành diễn tập bắn đạn thật vài giờ sau đó gần khu vực đảo Yeonpyeong.  

    Trung Quốc, đồng minh của Bắc Triều Tiên, kêu gọi « các bên kềm chế », bày tỏ hy vọng hai bên không có những hành động nào làm « trầm trọng thêm căng thẳng. » 

    Mỹ khẳng định Nga dùng tên lửa Bắc Triều Tiên tấn công Ukraina

    Anh Vũ /RFI

    05/01/2024

    Một số tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên đã được Nga sử dụng trong các đợt oanh kích ồ ạt vào Ukraina từ cuối tuần qua. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, John Kirby ngày 04/01/2024 đã khẳng định như trên. 

    Ảnh minh họa : Tổng thống Nga Putin và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thăm một xưởng lắp ráp rocket tại khu vực sân bay vũ trụ Vostochny, ngoại ô thành phố Tsiolkovsky, vùng Amur, Nga, ngày 13/09/2023.


    Ảnh minh họa : Tổng thống Nga Putin và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thăm một xưởng lắp ráp rocket tại khu vực sân bay vũ trụ Vostochny, ngoại ô thành phố Tsiolkovsky, vùng Amur, Nga, ngày 13/09/2023. AP - Artyom Geodakyan 

    Quan chức Nhà Trắng lên án sự hỗ trợ quân sự của Bình Nhưỡng với Matxcơva đang « gia tăng mạnh và đáng lo ngại ». Ông tuyên bố Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ đưa vấn đề này ra Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và việc chuyển giao tên lửa như vậy là vi phạm các trừng phạt của quốc tế đối với Bắc Triều Tiên. Ông John Kirby cho biết chi tiết :

    « Ngày 30/12/2023, quân đội Nga đã bắn ít nhất một tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên vào Ukraina. Tên lửa này dường như đã rơi vào giữa cánh đồng ở Zaporijia. Ngày 02/01, Nga lại bắn nhiều tên lửa Bắc Triều Tiên vào Ukraina, trong các cuộc tập kích đêm. Chúng tôi đang nghiên cứu các tác động. Chúng tôi đã cho công bố biểu đồ thể hiện các vụ bắn tên lửa đó vào Ukraina. Biểu đồ cho thấy các vùng mà Nga nhắm bắn. Chúng tôi cho rằng Nga và Bắc Triều Tiên đều biết các vụ bắn tên lửa này. Chúng tôi dự tính Nga còn sử dụng tên của Bắc Triều Tiên để bắn phá các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraina và giết hại những thường dân vô tội. Sự hậu thuẫn của Bắc Triều Tiên với Nga như vậy đang được gia tăng mạnh và đáng lo ngại. » 

    Những khẳng định trên của Nhà Trắng đưa ra vào lúc ngày hôm nay, 05/01, hãng tin chính thức Bắc Triều Tiên KCNA đưa tin lãnh đạo Kim Jong Un trong chuyến thị sát một nhà máy chế tạo hệ thống phóng tên lửa đạn đạo kêu gọi đẩy mạnh sản xuất các dàn phóng tên lửa. Ông xác nhận các nhà máy đã vượt mục tiêu chế tạo dàn phóng tên lửa trong năm 2023 do đã vượt chỉ tiêu sản xuất mà đảng Lao Động - đảng lãnh đạo - đề ra.

    Phát ngôn viên John Kirby cho rằng việc Bắc Triều Tiên chuyển tên lửa cho Nga càng cho thấy Quốc Hội Mỹ cần phải thông qua gói viện trợ quân sự mới cho Ukraina. Hôm qua, thống Mỹ Joe Biden đã hối thúc Quốc Hội hành động khẩn trương sau các vụ oanh kích ồ ạt của Nga vào Ukraina.

    Israel đề ra giai đoạn mới trong cuộc chiến ở Gaza 

    05/01/2024 

    Reuters 

    Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Yoav Gallant, hôm 4/1 đề ra giai đoạn mới trong cuộc chiến ở Gaza.

    Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Yoav Gallant, hôm 4/1 đề ra giai đoạn mới trong cuộc chiến ở Gaza. 

    Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Yoav Gallant, hôm 4/1 đề ra giai đoạn mới trong cuộc chiến ở Gaza: một cách tiếp cận có mục tiêu hơn ở phía bắc và tiếp tục truy đuổi các thủ lĩnh Hamas ở phía nam trong khi Israel tìm cách giải thoát những con tin còn bị Hamas giam giữ.

    Dưới áp lực quốc tế phải chuyển sang các hoạt động chiến đấu ít căng thẳng hơn và đối mặt với những thách thức kinh tế, Israel đã rút bớt lực lượng ở Gaza.

    Ông Gallant cho biết các hoạt động ở phía bắc sẽ bao gồm các cuộc đột kích, phá hủy các đường hầm, các cuộc tấn công trên không và trên bộ cũng như các hoạt động của lực lượng đặc biệt.

    Ở phía nam, nơi phần lớn 2,3 triệu dân của Gaza hiện đang sống trong lều trại và những nơi tạm trú khác, trọng tâm sẽ là tiêu diệt các thủ lĩnh Hamas và giải cứu khoảng 130 con tin Israel còn nằm trong tay Hamas trong số 240 người bị bắt cóc vào ngày 7/10 năm ngoái.

    Ông Gallant khẳng định sau chiến tranh, Hamas sẽ không còn kiểm soát Gaza nữa và nói thêm rằng vùng đất này sẽ do các tổ chức Palestine điều hành miễn là không có mối đe dọa nào đối với Israel.

    Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nhằm giúp ngăn chặn xung đột lan rộng, Ngoại trưởng Antony Blinken bay sang Trung Đông hôm 4/1 để vận động ngoại giao trong một tuần.

    Sáng ngày 4/1, cuộc pháo kích của Israel vào Dải Gaza đã giết chết hơn 20 người Palestine, trong đó có 16 người ở Khan Younis, một khu vực ven biển ở phía nam mà những người di tản từ các nơi khác đang dồn về đây để lánh nạn, các quan chức y tế Gaza cho biết.

    Họ nói trong số những người thiệt mạng có 9 trẻ em. Các quan chức y tế cho hay 5 người Palestine đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel vào một chiếc ô tô ở trại tị nạn Al-Nusseirat. Cư dân Gaza cho biết máy bay và xe tăng của Israel cũng đã bắn phá hai trại tị nạn khác, khiến nhiều người phải chạy về phía nam.

    Cuộc chiến của Israel chống lại Hamas sắp tròn ba tháng trong bối cảnh quốc tế lo ngại rằng cuộc xung đột đang lan rộng ra ngoài Gaza, kéo theo Bờ Tây do Israel chiếm đóng, lực lượng Hezbollah ở biên giới Li Băng-Israel và các tuyến đường vận chuyển trên Biển Đỏ.

    Mối lo ngại càng gia tăng sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hôm 2/1 đã giết chết phó thủ lĩnh Hamas, Saleh al-Arouri, ở thủ đô Beirut của Li Băng. Ông được an táng tại trại Shatila của người Palestine trong thành phố hôm 4/1.

    Lãnh đạo Hezbollah, Hassan Nasrallah, hôm 3/1 tuyên bố rằng lực lượng dân quân Shi'ite hùng mạnh do Iran hậu thuẫn của ông “không thể im lặng” sau cái chết của ông Arouri, nhưng không đưa ra lời đe dọa cụ thể nào về các hành động chống lại Israel để ủng hộ Hamas.

    Hezbollah pháo kích qua lại với Israel gần như hàng ngày dọc biên giới phía nam Li Băng kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu.

    Israel không xác nhận cũng không phủ nhận việc ám sát ông Arouri. Họ đã thề sẽ tiêu diệt Hamas sau cuộc tấn công của nhóm Hồi giáo này vào miền nam Israel hôm 7/10/2023, trong đó Israel cho biết 1.200 người đã thiệt mạng.

    Các cuộc tấn công trả đũa chớp nhoáng trên bộ và trên không của Israel đã tàn phá Gaza. Bộ Y tế Gaza cho biết tổng số người Palestine thiệt mạng được ghi nhận đã lên tới 22.438 người, tính tới ngày 4/1 - gần 1% trong tổng số 2,3 triệu dân của Gaza.

    Israel nói họ đã tiêu diệt 8.000 tay súng ở Gaza.

    Thêm vào tình trạng bạo lực trong khu vực là hai vụ nổ hôm 3/1 đã giết chết gần 100 người trong buổi lễ tưởng niệm cố Tướng Iran Qasem Soleimani tại nghĩa trang ở phía đông nam Iran, nơi ông được chôn cất. Nhóm Hồi giáo Sunni mang tên Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm.

    Gaza đổ máu

    Trong cuộc tấn công được báo cáo hôm 4/1 ở Al-Mawasi ở phía tây Khan Younis, đạn pháo của Israel đã rơi gần các lều trại mà dân sơ tán dựng lên trong khu vực, các quan chức Bộ Y tế Gaza cho biết.

    Đoạn phim trên truyền thông Palestine cho thấy một số thi thể được quấn chăn bên trong nhà xác bệnh viện ở Khan Younis.

    Ông Bahaa Abu Hatab, anh trai của một trong những người thiệt mạng, nói: “Không nơi nào an toàn ở Gaza.”

    Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine cho biết trụ sở của họ ở Khan Younis đã bị tấn công, khiến một người thiệt mạng và những người khác bị thương.

    Trong cuộc họp báo hàng ngày, quân đội Israel nói máy bay chiến đấu của Israel đã tiêu diệt 3 phần tử hiếu chiến Hamas, những người đã tìm cách kích nổ chất nổ bên cạnh lực lượng mặt đất, và rằng binh sĩ Israel đã hạ sát thêm 2 tay súng nữa.

    Sau đó, quân đội nói các binh sĩ đã phá hủy một khu quân sự dưới lòng đất trên bờ biển Dải Gaza với một kho vũ khí bao gồm súng cối, lựu đạn và phi đạn RPG.

    Thống khổ chồng chất 

    Các cuộc oanh tạc của Israel đã san phẳng phần lớn khu vực Gaza đông dân cư và tạo ra một thảm họa nhân đạo. Hầu hết cư dân Gaza bị mất nhà cửa, tình trạng thiếu lương thực đe dọa gây ra nạn đói.

    Ngày 4/1, người dân ùa ra từ các trại tị nạn Al-Bureij, Al-Maghazi và Al-Nusseirat sau các cuộc tấn công, trong đó một số gia đình đi trên những chiếc xe lừa chất đầy nệm, hành lý và trẻ em. Mưa đã biến đất thành bùn, làm tăng thêm nỗi thống khổ.

    Trong cuộc chiến, quân đội Israel bày tỏ sự tiếc nuối về những cái chết của thường dân nhưng họ cáo buộc Hamas hoạt động ở các khu vực đông dân cư và sử dụng dân làm lá chắn sống, một cáo buộc mà tổ chức Hamas phủ nhận.

    Mỹ: Triều Tiên cấp cho Nga phi đạn, bệ phóng để chống Ukraine 

    05/01/2024 

    Reuters 

    Phát ngôn viên an ninh quốc gia John Kirby nói Hoa Kỳ sẽ nêu vấn đề Triều Tiên cung cấp cho Nga phi đạn đạn đạo và bệ phóng với Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

    Phát ngôn viên an ninh quốc gia John Kirby nói Hoa Kỳ sẽ nêu vấn đề Triều Tiên cung cấp cho Nga phi đạn đạn đạo và bệ phóng với Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. 

    Triều Tiên gần đây đã cung cấp cho Nga phi đạn đạn đạo và bệ phóng để sử dụng trong cuộc chiến của Moscow chống lại Ukraine, một số đã được Nga bắn vào Ukraine, Tòa Bạch Ốc cho biết hôm 4/1, trích dẫn thông tin tình báo mới được giải mật.

    Phát ngôn viên an ninh quốc gia John Kirby cho báo giới biết Hoa Kỳ sẽ nêu vấn đề này với Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

    Ông Kirby gọi việc chuyển giao vũ khí của Triều Tiên cho Nga là một “sự leo thang đáng kể và đáng lo ngại” đồng thời cho biết Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với những người hỗ trợ các giao dịch vũ khí này.

    Ông Kirby nói: “Thông tin của chúng tôi chỉ ra rằng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên gần đây đã cung cấp cho Nga các bệ phóng phi đạn đạn đạo và một số phi đạn đạn đạo”.

    Ông cho biết trong những ngày gần đây, “các lực lượng Nga đã phóng ít nhất một trong số các phi đạn đạn đạo của Triều Tiên vào Ukraine” và rằng dường như đã rơi xuống một bãi đất trống.

    Ông Kirby cho biết Iran chưa giao phi đạn đạn đạo tầm gần cho Nga nhưng Washington tin rằng Nga có ý định mua hệ thống phi đạn từ Iran.

    Moscow đã phụ thuộc rất nhiều vào Iran về máy bay không người lái và các loại vũ khí khác để sử dụng chống lại Ukraine.

    Nga gần đây đã tiến hành một số cuộc tấn công dữ dội nhất vào Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu gần hai năm trước. Kyiv hôm 2/1 cho biết Nga đã phóng hơn 300 máy bay tấn công không người lái và phi đạn các loại vào các thành phố trên khắp Ukraine tính từ ngày 29/12/2023.

    Quân đội Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh khủng bố ở Iraq

    Lầu Năm Góc: Quân đội Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh khủng bố ở Iraq

    Ngũ Giác Đài  nhìn từ trên cao ở Washington, DC, vào ngày 15/5/2023. (Được phép của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ) 

    Ngũ Giác Đài  cho biết, quân đội Mỹ đã tiến hành một cuộc không kích chính xác ở Baghdad vào thứ Năm (4/1), giết chết một thủ lĩnh dân quân được Iran hậu thuẫn, ông ta đã tham gia nhiều cuộc tấn công chống lại quân đội Hoa Kỳ ở Trung Đông.

    Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Pat Ryder cho biết, quân đội Mỹ ở Iraq đã tiêu diệt Mushtaq Javad Kahar Al-Jawari, thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Harakat Hezbollah al-Nujaba do Iran hậu thuẫn, tổ chức này hoạt động ở Iraq và Syria.

    Ông Ryder cho biết Al-Jawari, còn được gọi là Abu Taqwa, đã tích cực tham gia vào việc lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công chống lại người Mỹ. Ông ta và một thành viên khác của Phong trào Hezbollah đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào khoảng trưa thứ Năm (4/1).

    Ông Ryder nói: “Điều quan trọng cần lưu ý là cuộc tấn công này nhằm mục đích tự vệ, không có dân thường nào bị tổn hại và không có cơ sở hạ tầng hay thiết bị nào bị tấn công”.

    Ông Ryder nói: “Quân đội Mỹ vào Iraq theo lời mời của chính phủ Iraq. Họ đóng quân ở đó với một mục đích duy nhất là hỗ trợ sứ mệnh đánh bại IS. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác Iraq để đảm bảo sự an toàn của quân đội Hoa Kỳ”.

    Ông Ryder nói: “Khi các lực lượng này bị đe dọa, giống như chúng tôi làm ở những nơi khác trên thế giới, chúng tôi sẽ duy trì quyền tự vệ và bảo vệ lực lượng của mình”.

    Kể từ khi chiến tranh Israel – Hamas bùng nổ vào tháng 10/2023, quân đội Mỹ đã bị tấn công ít nhất 100 lần ở Iraq và Syria, thường bằng hỗn hợp tên lửa và máy bay không người lái cảm tử.

    Hoa Kỳ có khoảng 2.500 quân đồn trú ở Iraq và khoảng 900 quân ở Syria.

    Nguồn tin cảnh sát Iraq và các nhân chứng trước đó cho biết một máy bay không người lái đã bắn ít nhất hai quả rocket vào trụ sở của nhóm dân quân Phong trào Hezbollah ở phía đông Baghdad.

    Các nguồn tin cảnh sát và dân quân cho biết tên lửa đã bắn trúng một chiếc ô tô bên trong khu nhà. Tuy nhiên, cuộc tấn công của quân đội Mỹ đã bị chính quyền Iraq lên án, cho rằng vụ tấn công này vi phạm an ninh, chủ quyền của Iraq và “phá hoại mọi thỏa thuận giữa quân đội Iraq và lực lượng liên minh ở Iraq”.

    Lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria phản đối hành động của Israel ở Gaza và cho rằng Hoa Kỳ phải chịu một phần trách nhiệm.

    Các chỉ huy dân quân ở Iraq thề sẽ trả đũa cuộc tấn công hôm thứ Năm (4/1) của quân đội Mỹ.

    Nga tăng cường giao tranh ở Ukraine

    Nga đang tăng cường hoạt động quân sự ở Ukraine. Theo một tướng cấp cao của Ukraine, giao tranh đang diễn ra nhiều gấp đôi so với vài tuần trước. Nga tiếp tục đe dọa 5 mặt trận chính ở miền Đông và miền Nam dù đang chịu tổn thất đáng kể và chưa tạo được đột phá chiến lược.

    Nga cũng đã chuyển đổi chiến thuật trên không khi chuyển sang tấn công vào các cơ sở sản xuất quốc phòng thay vì cơ sở hạ tầng năng lượng. Trong các cuộc không kích vào sáng sớm ngày 29 tháng 12 và 2 tháng 1, Nga có thể đã sử dụng toàn bộ sản lượng tên lửa của họ trong gần hai tháng. Lực lượng phòng không của Ukraine đã chặn được ít nhất 159 quả, dù nhiều quả đã vượt qua được, gây ra hậu quả tàn khốc.

    Ukraine cũng đang thay đổi chiến thuật. Hôm thứ Ba, một trạm biến áp điện ở Moscow bốc cháy, rõ ràng là do máy bay không người lái tấn công. Tình báo quân sự Ukraine công bố đoạn phim về một chiếc máy bay ném bom bốc cháy ở Chelyabinsk, cách lãnh thổ Nga hơn 1.500 km. Tin này được họ công bố sau các vụ nổ ở Belgorod, một thành phố biên giới của Nga, và Sevastopol, một cảng ở Crimea.

    Gió đổi chiều ở Sudan

    Lãnh chúa khét tiếng nhất Sudan, Muhammad Hamdan Dagalo (hay còn gọi là Hemedti), đang trên đà thắng. Trong những tuần gần đây, Lực lượng Hỗ trợ Nhanh của ông đã liên tiếp giành thắng lợi trước quân đội Sudan. Sau chín tháng nội chiến, ông Dagalo dường như sắp trở thành người chiến thắng chung cuộc.

    Những người hàng xóm của Sudan đang bắt đầu đối xử với ông theo cách tương ứng. Kể từ cuối tháng 12, ông Dagalo đã có một chuyến công du qua nhiều nước, khi Kenya, Djibouti, Ethiopia và Uganda lần lượt trải thảm đỏ. Hôm thứ Ba, lãnh chúa đã ký một thỏa thuận làm việc với các chính trị gia hàng đầu của Sudan, trong đó có một cựu thủ tướng. Tiếp theo trong chương trình nghị sự có thể là đàm phán trực tiếp với Tướng Abdel Fattah al-Burhan, tư lệnh quân đội của Sudan, điều mà một số người hy vọng sẽ dẫn đến một giải pháp cho xung đột.

    Song không nên mong đợi có hội nghị thượng đỉnh trong thời gian tới. Tướng Burhan không muốn bị xem là đàm phán với nhà lãnh đạo bán quân sự. Và bản thân ông Dagalo cảm nhận được chiến thắng hoàn toàn. Ông có thể muốn đạt được nhiều thắng lợi quân sự hơn trước khi ngồi xuống bàn đàm phán.

    Thị trường lao động Mỹ hạ nhiệt trong khi kinh tế tiếp tục tăng trưởng

    Số liệu thất nghiệp công bố vào thứ Sáu dự kiến ​​cho thấy kinh tế Mỹ đã bổ sung thêm khoảng 170.000 việc làm trong tháng 12. Con số này đủ cao để báo hiệu tăng trưởng kinh tế vững chắc vào cuối năm 2023, nhưng đủ thấp để cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt. Tương tự, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ tăng lên khoảng 3,8% trong tháng 12.

    Cú hạ cánh chậm rãi như vậy có thể sẽ giúp làm chậm tốc độ tăng lương và giảm bớt áp lực lạm phát. Điều này có thể giúp Cục Dự trữ Liên bang có cơ hội cắt giảm lãi suất mà không cần phải chờ suy thoái kinh tế. Nhưng con đường phía trước không hề êm ả. Cho đến khi hoàn toàn tin tưởng lạm phát đã thực sự được kiểm soát, Fed sẽ không cắt giảm lãi suất.

    Tình hình lạm phát ở khu vực đồng Euro

    Sau khi giảm trong nhiều tháng, lạm phát ở khu vực đồng euro đang có một số biến động. Pháp đã công bố số liệu tháng 12 tạm thời vào thứ Tư. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái (từ mức 3,9% của tháng 11) do chi phí năng lượng tăng. Số liệu giá tiêu dùng của toàn khối trong tháng 12, được công bố vào thứ Sáu, có thể sẽ cho thấy lạm phát năm gia tăng. Điều đó có thể khiến các nhà đầu tư lo sợ Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ trì hoãn cắt giảm lãi suất.

    Nhưng những con số này có thể là tin tốt hơn so với bề ngoài. Tỷ lệ lạm phát năm của Đức tăng từ 2,3% trong tháng 11 lên 3,8% trong tháng 12, nhưng lãi suất cơ bản, trong đó loại trừ giá năng lượng và lương thực, lại giảm. Lãi suất cơ bản cũng đang giảm ở Tây Ban Nha, dù lãi suất cơ bản năm vẫn ở mức khoảng 3%. Dữ liệu của khu vực đồng euro ngày nay có thể cho thấy mức tăng từ mức 2,4% trong tháng 11. Nhưng xu hướng giảm nhiều khả năng sẽ tiếp tục.

    Phân tích: Tại sao Hoa Kỳ cấm TikTok?

    Phân tích: Tại sao Hoa Kỳ cấm TikTok?

    TikTok thuộc sở hữu của ByteDance của Trung Quốc, đã liên tục dính vào các vụ bê bối và các nhà lập pháp Hoa Kỳ hy vọng sẽ chuyển ứng dụng này ra khỏi Hoa Kỳ càng sớm càng tốt. (Olivier Douliery/AFP qua Getty Images) 

    TikTok thuộc sở hữu của ByteDance của Trung Quốc tiếp tục dính bê bối, tiềm ẩn mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ, khiến các nhà lập pháp lo ngại và việc ban hành lệnh cấm sắp xảy ra.

    Hai đảng trong Quốc hội Hoa Kỳ đã làm việc cùng nhau về vấn đề này nhằm ưu tiên an ninh quốc gia.Vào tháng 3 năm nay, các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã chủ trương thông qua dự luật hạn chế, hy vọng trao cho tổng thống quyền chuyển TikTok ra khỏi Hoa Kỳ.

    Cuộc chiến Israel – Hamas một lần nữa gây ra tranh luận về TikTok, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa bà Nikki Haley cáo buộc TikTok không chỉ truyền bá nội dung ủng hộ Palestine mà còn tích cực biến giới trẻ Mỹ thành những người ủng hộ Hamas.

    Một số quốc gia đã áp đặt lệnh cấm đối với TikTok. Ấn Độ đã cấm TikTok vào năm 2020 sau xung đột biên giới với Trung Quốc. Hơn một nửa số tiểu bang ở Hoa Kỳ, cũng như Quốc hội và quân đội, cấm nhân viên chính phủ sử dụng TikTok trên thiết bị của chính phủ. Ngoài ra còn có các lệnh cấm tương tự ở Canada, Úc, New Zealand, Anh, Đài Loan và các nước EU như Đức, Pháp và Đan Mạch.

    TikTok là ‘quả bóng gián điệp xâm nhập vào điện thoại của người dùng’

    ByteDance thừa nhận nhân viên của họ đã sử dụng dữ liệu TikTok để theo dõi các nhà báo, trong đó có hai nhà báo Mỹ.

    Ông Arthur Herman, một thành viên cấp cao tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn của Mỹ, trước đây đã nói trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng ứng dụng Tiktok thu thập một lượng lớn dữ liệu, có thể cho phép đối thủ “hiểu được điểm yếu của Hoa Kỳ”.

    Ông Herman cho biết TikTok cũng biến ứng dụng này thành một “ứng dụng tẩy não” bằng cách lọc ra những nội dung mà Đảng Cộng sản Trung Quốc không thích.

    Đầu tháng 2 năm ngoái, Thượng nghị sĩ Jerry Moran và Richard Blumenthal đã gửi thư cho Bộ trưởng Tài chính và Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ về mối đe dọa mà TikTok gây ra đối với an ninh quốc gia và quyền riêng tư của người tiêu dùng Hoa Kỳ. Đồng thời kêu gọi Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ áp đặt các hạn chế mang tính cơ cấu đối với hoạt động của TikTok tại Hoa Kỳ.

    Nội dung bức thư viết: “TikTok không chỉ thu thập dữ liệu tài khoản và thu thập thông tin thông qua trình theo dõi quảng cáo mà còn giám sát video và cuộc thảo luận cá nhân của hàng chục triệu người Mỹ, đồng thời sử dụng các thuật toán mạnh mẽ để kiểm soát hệ thống được đề xuất”.

    Hai nghị sĩ cho biết: “TikTok có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trong đời sống dân sự và chính trị Mỹ, và chúng tôi lo ngại liệu các thực thể Trung Quốc đang hỗ trợ Đảng cộng sản Trung Quốc tuyên truyền hay có động cơ nào khác”, đặc biệt là vì lợi ích chính trị của chính quyền Trung Quốc.

    TikTok có hơn 100 triệu người dùng ở Hoa Kỳ và nhiều người kiếm tiền thông qua TikTok. Một số nhà lập pháp và chuyên gia bảo mật tin rằng TikTok là “quả bóng gián điệp xâm nhập vào điện thoại của người dùng”.

    Những ‘ứng dụng tẩy não’ gây ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ

    Ông Jan Jekielek, một phóng viên cấp cao của The Epoch Times tiếng Anh, đã phỏng vấn một người nổi tiếng trên mạng TikTok là Oli London trong chương trình “Các nhà lãnh đạo tư tưởng Mỹ”. Oil London nói: “Hành vi xấu sẽ được TikTok khen thưởng”.

    Oil London cho biết: “TikTok là ứng dụng có tác động lớn nhất đến tôi. Nó đã thay đổi hoàn toàn danh tính của tôi. Nó thúc đẩy tôi có những ý nghĩ khác mà trước đây tôi có thể chưa từng nghĩ đến và TikTok đã thực sự trở thành một điều quan trọng trong cuộc đời tôi. Nó khiến tôi bị cuốn hút. Họ nói rằng nó gần giống như một loại thuốc phiện kỹ thuật số vì bạn luôn muốn có lượng serotonin tăng cao, để có được cảm giác chữa lành”.

    TikTok cũng đã đưa ra hướng dẫn tiêu cực cho các hệ tư tưởng nhóm, sau khi tổ chức khủng bố Hamas thực hiện cuộc tấn công tàn bạo vào Israel vào ngày 7/10 năm ngoái, các video có hashtag #freepalestine trên nền tảng TikTok đã nhận được 946 triệu lượt xem trong vòng 30 ngày chủ yếu là những người trẻ tuổi từ 18 đến 24.

    Cùng lúc đó, bức thư ngỏ có tựa đề “Thư gửi nước Mỹ” do cố khủng bố Osama Bin Laden viết nhằm phản ứng lại vụ việc 11/9 cũng nhận được hàng triệu lượt thích trên TikTok và những ngôn luận bài Do Thái.

    Sau đó, 25 thành viên Quốc hội, do ông Buddy Carter dẫn đầu, đã cùng nhau lên án TikTok vì cổ vũ chủ nghĩa khủng bố và những ngôn luận bài Do Thái. Các nhà lập pháp đã cùng nhau gửi thư cho Giám đốc điều hành TikTok Chu Thụ Tư, yêu cầu ông cần có hành động để ngăn chặn việc lan truyền “tràn ngập” thông tin sai lệch.

    Các nhà lập pháp chỉ ra rằng TikTok đã khiến giới trẻ Mỹ hiểu lầm rằng đây là một nguồn tin tức “không được lọc” và “nhiều thế hệ trẻ đang chuyển sang TikTok thay vì các công cụ tìm kiếm và các nguồn tin tức có thể có kiểm chứng khác”.

    TikTok bị tố phát tán tin giả nhằm can thiệp bầu cử ở các nước dân chủ

    Vào ngày 13/12, một bài báo do Graphika, một công ty phân tích tài khoản mạng xã hội của Mỹ, công bố đã tiết lộ rằng ngay từ tháng 5/2022, một chiến dịch có hệ thống nhằm thao túng cuộc bầu cử ở Đài Loan đã bắt đầu. Bài báo chỉ ra rằng một số lượng lớn tài khoản giả mạo giả danh người dùng Đài Loan đã được tìm thấy trên TikTok, Facebook và YouTube, đồng thời đang lan truyền các video và meme nhằm kích động tranh luận trên Internet, nỗ lực tác động đến ý kiến ​​và hướng thảo luận của cư dân mạng.

    Vào năm 2020, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ đã công khai viết thư cho Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI), Quyền Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa (DHS) và Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI). Họ tuyên bố: “Chúng tôi rất lo lắng rằng, chính quyền Trung Quốc có thể sẽ lợi dụng TikTok để bóp méo, thao túng các xu hướng chính trị và xúi giục người dân Mỹ từ đó đạt được kết quả chính trị mà họ mong muốn”.

    Lý Ngọc biên dịch

    Tổng thống Hàn Quốc phủ quyết một cuộc điều tra nhắm vào Đệ nhất phu nhân

    Chi Phương /RFI

    05/01/2024

    Trong lúc tình hình địa chính trị căng thẳng với láng giềng phương bắc, hôm nay, 05/01/2023, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã dùng quyền phủ quyết của mình để phản đối Quốc Hội mở các điều tra đặc biệt, một trong số đó liên quan đến cáo buộc « thao túng giá cổ phiếu » của vợ tổng thống, bà Kim Keon Hee. 

    Ảnh minh họa : Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân Kim Keon Hee trong chuyến công du Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 21/11/2023.

    Ảnh minh họa : Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân Kim Keon Hee trong chuyến công du Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 21/11/2023. AP - HANNAH MCKAY 

    Trong cuộc họp báo hôm nay, đại diện văn phòng tổng thống Hàn Quốc Lee Kwan-sup cho biết, hai nghị quyết mà Quốc Hội nước này đã thông qua nhằm mở hai cuộc điều tra đặc biệt « có nhiều vấn đề », « không tôn trọng quy định của Hiến Pháp », « vi phạm nhân quyền của những người liên quan », với « mục đích làm sai lệch dư luận trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử lập pháp ».  

    Theo Yohap, cuộc điều tra đầu tiên nhắm vào Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc, cáo buộc bà Kim Keon Hee đã làm rò rỉ thông tin nội bộ, từ năm 2010-2011, để làm tăng giá cổ phiếu của công ty Deutsch Motors, nhà nhập khẩu xe hơi từ thương hiệu Đức BMW. Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho rằng vụ án này xảy ra cách nay 12 năm, trước khi ông Yoon kết hôn với bà Kim. Vụ án này kéo dài hai năm và không đưa ra cáo trạng nào chống lại bà Kim Keon Hee, và đã khép lại dưới chính quyền tổng thống Moon Jae-in. 

    Ngoài ra, Quốc Hội cũng đã yêu cầu mở một cuộc điều tra khác liên quan đến 6 người, bị cáo buộc nhận hối lộ 5 tỷ won (3,48 tỷ euro) trong khuôn khổ một dự án phát triển đô thị ở Seongnam, ngoại ô thủ đô Seoul. Theo văn phòng tổng thống, cuộc điều tra của Quốc Hội lại nhắm vào 6 người thân cận với tổng thống Yoon, trái ngược với các cuộc điều tra khác do viện Công Tố thực hiện, vốn liên quan chủ yếu đến Lee Jae-myung, chủ tịch đảng Dân Chủ. Do vậy, văn phòng tổng thống cho rằng cuộc điều tra này là để bảo vệ Lee Jae-myung, lãnh đạo đảng đối lập.  


    Không có nhận xét nào