Võ Thái Hà tổng hợp
Đài Loan phát hiện thêm 4 khinh khí cầu của Trung Quốc
Thanh Phương /RFI
03/01/2024
Trong khi chỉ còn 10 ngày nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Đài Loan, hôm nay, 03/01/2024, bộ Quốc Phòng Đài Loan thông báo hôm qua đã phát hiện thêm 4 khinh khí cầu của Trung Quốc bay bên trên đường trung tuyến giữa hòn đảo với Hoa lục, trong đó có 3 khinh khí cầu bay ngay bên trên Đài Loan.
Ảnh minh họa : Khu vực cảng Cơ Long, phía bắc đảo Đài Loan ( chụp ngày 04/08/2022), nơi phát hiện nhiều lần khinh khí cầu do thám của Trung Quốc xâm nhập trong những ngày qua. AP - Johnson Lai
Hãng tin AFP cho biết, theo biểu đồ mà bộ Quốc Phòng Đài Loan công bố, ba khinh khí cầu đã bay bên trên khu vực gần căn cứ không quân Thanh Tuyền Cương (Ching Chuan Kang) ở thành phố Đài Trung, miền tây Đài Loan. Một trong số các khinh khí cầu này bay ở độ cao khoảng 3,6 km.
Đây là ngày thứ hai liên tiếp mà các khinh khí cầu Trung Quốc được phát hiện bên trên lãnh thổ Đài Loan. Bộ Quốc Phòng Đài Loan cũng cho biết trong tháng 12 vừa qua đã 6 lần quan sát các khinh khí cầu bay bên trên hòn đảo.
Trả lời hãng tin AFP, một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh Đài Loan nhận định: “ Sắp đến ngày bầu cử tổng thống, những khinh khí cầu này chính là một công cụ quân sự để hù dọa”.
Bầu cử tổng thống và Quốc Hội Đài Loan sẽ diễn ra vào ngày thứ Bảy 13/01/2024. Theo hãng tin Reuters, một quan chức cao cấp của Trung Quốc hôm nay đã kêu gọi người dân Đài Loan nên có “một sự lựa chọn đúng đắn” trong cuộc bỏ phiếu sắp tới. Ông Trương Chí Quân (Zhang Zhijun) Chủ tịch Hiệp hội Quan hệ hai bờ Eo biển Đài Loan, cho rằng trong cuộc bầu cử ngày 13/01, cử tri Đài Loan sẽ phải chọn lựa giữa “hòa bình với chiến tranh”, giữa “ thịnh vượng và suy tàn”.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã gia tăng áp lực quân sự và chính trị lên Đài Loan, hòn đảo mà họ vẫn xem là một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc. Bắc Kinh đã từ chối đối thoại với tổng thống Thái Anh Văn vì bà không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan.
Cập nhật động đất ở Nhật Bản: Nhiều vùng còn bị cô lập do đường sá bị hư hại nặng
Liên Thành
Những vết nứt lớn được nhìn thấy trên mặt đất ở Wajima, tỉnh Ishikawa, vào ngày 1 tháng 1 năm 2024. (Ảnh: Kyodo).
Sau trận động đất mạnh 7,6 độ richter xảy ra hôm qua, nhiều vùng ở Nhật Bản gần tâm chấn hiện vẫn còn bị cô lập, do đường xá bị hư hại nặng.
Sở cảnh sát tỉnh Ishikawa của Nhật Bản hôm nay (ngày 2 tháng 1) thông báo ít nhất 6 người đã thiệt mạng trong trận động đất. Giới chức các địa phương cũng ghi nhận nhiều người bị thương và nhà cửa sập đổ tại 5 tỉnh gồm Ishikawa, Niigata, Fukui, Toyama và Gifu.
Con số thương vong và mức độ thiệt hại chưa được xác định rõ ràng, do nhiều tuyến đường chính dẫn đến các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất đã bị hư hại. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thông báo lực lượng tìm kiếm cứu hộ đang phải chật vật tìm cách tiếp cận những địa điểm này.
Đài truyền hình Nhật Bản NHK nói rằng các bác sĩ không thể đến bệnh viện ở thành phố Suzu trên bán đảo Noto, địa điểm gần tâm chấn nhất. Cơ sở này cũng đang phải vận hành bằng máy phát điện dự phòng, do nguồn điện bị cắt trong trận động đất.
Đám cháy bùng phát tại trung tâm thành phố Wajima thuộc tỉnh Ishikawa đã hoành hành hơn 14 tiếng, và phá hủy hơn 100 công trình. Lực lượng cứu hỏa vẫn tiếp tục nỗ lực dập lửa và đánh giá thương vong trong khu vực.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã điều động nhiều binh sĩ tham gia chiến dịch tìm kiếm cứu hộ, đồng thời khai triển tiêm kích F-15 và trực thăng để đánh giá thiệt hại từ trên không.
Chính phủ Nhật Bản đã ra lệnh sơ tán với hơn 97.000 người ở 9 tỉnh dọc bờ biển phía đông đảo Honshu. Họ đang trú trong các nhà thi đấu trường học và trung tâm thể thao, các địa điểm được chỉ định là trung tâm sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Khoảng 33.000 hộ gia đình tại tỉnh Ishikawa đang bị mất điện.
Động đất mạnh 7,6 độ xảy ra tại vùng Noto thuộc tỉnh Ishikawa của Nhật Bản chiều 1/1, khiến nước này và nhiều quốc gia lân cận phát cảnh báo sóng thần. Các đợt sóng cao khoảng một mét đã ập vào nhiều vùng bờ biển phía tây Nhật Bản và miền đông Hàn Quốc, giới chức cảnh báo vẫn có khả năng xảy ra những đợt sóng cao hơn trong vòng 24 giờ sau động đất.
Nhân vật số 2 của Hamas bị tiêu diệt, quân đội Israel chuẩn bị đối phó « mọi tình huống »
(AFP & Reuters 02/01/2024) - Nhân vật số hai của Hamas đã bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công do Israel tiến hành gần Beirut hôm thứ Ba 02/01/2024, gần ba tháng sau khi bắt đầu cuộc chiến. Phong trào Hồi giáo Palestine và các viên chức Liban cho biết như trên. Quân đội Israel được đặt trong tình trạng báo động và sẵn sàng cho « mọi kịch bản ».
Sống lưu vong ở Liban từ nhiều năm qua, Saleh al-Arouri đã bị giết cùng với các cận vệ sĩ trong một cuộc tấn công được cho là do quân đội Israel thực hiện, nhắm vào trụ sở Hamas ở ngoại ô phía nam thủ đô Liban, thành trì của Hezbollah thân Iran. Đây là nhân vật cấp cao nhất của Hamas bị trừ khử, kể từ khi Israel thề sẽ tiêu diệt tổ chức khủng bố này. Có ít nhất một thủ lãnh Hamas khác, Samir Fandi, cũng thiệt mạng.
Đài truyền hình Hamas xác nhận cái chết của Saleh al-Arouri trong « một cuộc tấn công của quân ‘’sionist’’ ». Một thủ lãnh cấp cao của Hamas, Ezzat al-Rishq, khẳng định cái chết của Saleh al-Arouri sẽ không cản trở « cuộc kháng chiến dũng cảm » của nhân dân Palestine. Khi AFP đặt câu hỏi, quân đội Israel nói rằng « không bình luận về thông tin từ truyền thông nước ngoài ».
Thông báo về cái chết của Saleh al-Arouri đã làm dấy lên một đợt lên án trong khu vực. Thủ tướng Liban tố cáo một « tội ác mới của Israel nhằm mục đích kéo Liban vào một giai đoạn đối đầu mới » với Israel, cơ quan quyền lực Palestine cảnh báo « hậu quả », tương tự đối với nhóm Thánh chiến Hồi giáo.
Biên giới Israel-Liban vốn là nơi xảy ra các cuộc đọ súng gần như hàng ngày giữa quân đội Israel và Hezbollah, nhưng chưa bao giờ có cuộc tấn công nào vào vùng ngoại ô thủ đô Liban kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Tối thứ Ba, nhiều cư dân đổ xô đến khu vực xung quanh tòa nhà bị tấn công, mặt tiền hai tầng lầu bị hư hỏng nặng. Theo hãng thông tấn Liban, có 6 người thiệt mạng. Nhiều người Palestine cũng tụ tập trên đường phố Ramallah ở Bờ Tây.
Sau gần 20 năm ngồi tù ở Israel, Saleh al-Arouri được trả tự do vào năm 2010 với điều kiện phải sống lưu vong. Căn nhà bỏ trống của ông ta ở Cisjordanie đã bị quân đội Israel phá hủy bằng chất nổ vào cuối tháng 10.
Phe Hezbollah cảnh báo vụ sát hại Al-Arouri là một bước dấn tới « nguy hiểm ». Phát ngôn viên quân đội Israel tuyên bố đã chuẩn bị cho mọi kịch bản.
Hiệu trưởng trường Harvard từ chức sau những tranh cãi về nạn diệt chủng người Do thái
Minh Phương /RFI
03/01/2024
Hôm qua 02/01/2024, hiệu trưởng trường đại học Harvard, bà Claudine Gay đã thông báo từ chức sau những cáo buộc đạo văn và câu trả lời gây nhiều tranh cãi về tư tưởng bài Do thái trong môi trường đại học. 53 tuổi, nữ giảng viên môn Khoa học chính trị đã giữ chức hiệu trưởng trường Harvard từ tháng 7 năm ngoái, đánh dấu lần đầu tiên một người phụ nữ da màu giữ cương vị này sau gần 390 năm thành lập trường.
Bà Claudine Gay, hiệu trưởng trường Harvard tront buổi điều trần trước nghị viện Hoa Kỳ, Washington, ngày 05/12/2023. AP - Mark Schiefelbein
Từ New York, thông tín viên RFI Loubna Anaki cho biết cụ thể :
Việc từ chức diễn ra chưa đầy một tháng sau phiên điều trần của hiệu trưởng Harvard trước một tiểu ban của nghị viện Mỹ. Trước đó, vào ngày 05/12/2023, khi được hỏi: “Liệu lời kêu gọi diệt chủng người Do Thái có cấu thành hành vi vi phạm quy định của trường đại học không?”, bà Claudine Gay đã trả lời “điều này còn tùy thuộc vào hoàn cảnh”. Câu trả lời của bà dù hoàn toàn dựa trên quan điểm pháp lý nhưng cũng không kém phần vụng về.
Hiệu trưởng trường Đại học Pennsylvania cũng từng đưa ra câu trả lời tương tự và sau đó đã phải từ chức. Dù bà Claudine Gay đã xin lỗi và nhận được sự ủng hộ từ hội đồng quản trị trường Harvard, nhưng các nhà tài trợ cho trường cũng như nhiều chính trị gia bảo thủ vẫn tiếp tục yêu cầu bà từ chức.
Thêm vào đó, một trang web cánh hữu cũng đã dẫn lại những cáo buộc đạo văn liên quan đến công trình nghiên cứu của bà. Trong lá thư từ chức của mình, bà Claudine Gay viết “Tôi từ chức vì lợi ích của Havard”. Đây là lần đầu tiên một phụ nữ da đen giữ chức hiệu trưởng trường đại học danh tiếng này, nhưng đồng thời cũng đánh dấu nhiệm kỳ hiệu trưởng ngắn nhất trong lịch sử Harvard, chưa đầy 6 tháng.
Nhật Bản khởi đầu năm mới với nhiều thảm kịch
Nhật Bản đang bị sốc sau khởi đầu năm mới tồi tệ. Hôm 1 tháng 1, một trận động đất mạnh 7,6 độ đã tấn công đảo Noto ở phía bắc Honshu, hòn đảo chính của đất nước, khiến ít nhất 48 người thiệt mạng. Ngay hôm sau, một máy bay tuần duyên đang chở hàng tiếp tế đến vùng thảm họa đã va chạm với máy bay chở khách tại sân bay Haneda ở Tokyo. Tất cả 379 người trên máy bay dân dụng đều sống sót, nhưng 5 trong số 6 thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay của lực lượng tuần duyên đã thiệt mạng.
Trận động đất không gây ra sóng thần lớn như lo ngại ban đầu, nhưng gây thiệt hại nghiêm trọng. Quá trình phục hồi sẽ kéo dài. Trận động đất làm sống lại ký ức về thảm hoạ năm 2011, vốn gây ra sóng thần lớn và sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Không có nhà máy hạt nhân nào bị tổn hại trong trận động đất 2024, nhưng những nỗ lực của chính phủ nhằm khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân bị đóng cửa sau năm 2011 có thể sẽ gặp nhiều phản kháng hơn. Các quan chức cũng sẽ đối mặt với nhiều câu hỏi về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay.
Khi nào Fed mới giảm lãi suất?
Nước Mỹ đã đạt được thành tích kinh tế đáng chú ý trong năm 2023: lạm phát giảm mạnh trong khi tăng trưởng vẫn mạnh mẽ. Tuy nhiên, một số dữ liệu sớm được công bố trong năm 2024 có thể cho thấy sẽ rất khó để lặp lại thành tích này. Các số liệu công bố vào thứ Tư nhiều khả năng sẽ cho thấy lĩnh vực sản xuất đã kết năm một cách khập khiễng. Trong khi đó, thị trường lao động dự kiến tiếp tục nóng, gây áp lực lên lạm phát.
Ngoài ra, vào thứ Tư này Cục Dự trữ Liên bang cũng sẽ công bố biên bản cuộc họp giữa tháng 12, khi Fed công bố ý định cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay, làm thị trường chứng khoán tăng điểm. Điều chưa được trả lời vào thời điểm đó là việc cắt giảm sẽ diễn ra sớm hay muộn. Nếu biên bản tiết lộ Fed sẽ đợi đến nửa cuối năm 2024 mới giảm lãi suất, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm hơn kỳ vọng trong những tháng tới. Năm mới có lẽ sẽ không vui vẻ như năm vừa qua.
Ethiopia và Somaliland đạt thoả thuận thuê cảng
Một thông báo bất ngờ từ Ethiopia và Somaliland, một nước không được quốc tế công nhận, đã khiến tình hình địa chính trị đầy biến động ở vùng Sừng châu Phi càng trở nên trầm trọng hơn. Hôm thứ Hai, thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed tiết lộ ông đã đồng ý một thỏa thuận cho nước ông, vốn không giáp biển, thuê một cảng và 20 km bờ biển Biển Đỏ từ tỉnh ly khai của Somali. Đổi lại, chính phủ Ethiopia có thể sẽ công nhận Somaliland – trở thành nước đầu tiên làm như vậy kể từ khi tỉnh này tuyên bố độc lập khỏi Somalia vào năm 1991.
Các nhà lãnh đạo ở Mogadishu, thủ đô Somalia, rất tức giận. Hôm thứ Ba, họ đã triệu hồi đại sứ Somalia từ Ethiopia về. Hiện họ đang yêu cầu Liên minh châu Phi (AU), vốn đang do dự trong việc vẽ lại bản đồ lục địa, can thiệp. Nhưng AU, cũng như chính Somalia, không có nhiều công cụ để giải quyết vấn đề này.
Bước sang năm mới, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có kiểm soát được lạm phát?
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lãi suất thêm 34 điểm phần trăm kể từ tháng 6. Tuy vậy, lạm phát – hậu quả của các chính sách trước đây của tổng thống Recep Tayyip Erdogan – đang tỏ ra cứng đầu. Giá tiêu dùng trong tháng 11 vẫn cao hơn 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Và dữ liệu công bố vào thứ Tư sẽ cho thấy chúng tiếp tục tăng trong tháng 12.
Như để đổ thêm dầu vào lửa, quyết định tăng lương do chính phủ Erdogan công bố vào tuần trước sẽ góp phần đẩy lạm phát lên cao hơn nữa. Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra mức lương tối thiểu khoảng 17.000 lira (572 USD), gấp đôi so với lương tối thiểu của tháng 1 năm ngoái. Ông Erdogan kỳ vọng ngân hàng trung ương kiềm chế được lạm phát trước cuối tháng 3, khi người dân Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu bầu thị trưởng và hội đồng thành phố. Nhưng ngân hàng đang mất niềm tin. Hồi tháng 11, họ cho biết lạm phát giá tiêu dùng được dự đoán sẽ đạt đỉnh 75% vào tháng 5, sau đó giảm mạnh.
Không có nhận xét nào