Quê Hương tổng hợp
Năm Rồng 2024 và vấn đề “hoá rồng” của Việt Nam? (phần 1)
Bình luận của PGS., TS. Phạm Quý Thọ - nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
05/02/2024
Hai người phụ nữ mặc trang phục dân tộc đi qua một hình tượng con rồng trên phố ở Hà Nội hôm 30/1/2024
AFP
Quốc gia phát triển thế nào tuỳ thuộc vào sự sẵn sàng kết nối với thế giới và vượt trội trong sự khác biệt. Phát triển là quá trình tiến hoá trong hợp tác và cạnh tranh giữa các quốc gia trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng và phức tạp. ‘Hoá rồng’ là cách mô tả quá trình phát triển thần kỳ của một số ít quốc gia châu Á, so với đa số còn lại của thế giới, với mô hình khác biệt về kinh tế và thể chế, được ví như những linh vật hổ hay rồng mang đặc trưng văn hoá Á Đông. Việt Nam là quốc gia đang phát triển với khát vọng hoá rồng nhưng bị ‘kẹt’ trong ý thức hệ chủ nghĩa xã hội ‘cải biên’ để hợp pháp hoá quyền lực toàn trị, trong quá trình cải cách dần bộc lộ sự không tương tác với thực tế thị trường.
Trong lịch pháp của nhiều nước Á Đông, gồm cả Việt Nam, mỗi năm ‘có đặc trưng riêng’ tương ứng với một con giáp (12 con giáp gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Năm 2024 được định danh là năm Giáp Thìn, năm con Rồng, theo dương lịch bắt đầu từ vào ngày 10/2/2024 và kết thúc vào 28/01/2025. Sự luân phiên các con giáp phản ánh sự thay đổi, sự vận hành của ‘đất trời’ mang triết lý truyền thống văn hoá phương Đông, và sự đối nghịch với tư duy lý tính phương Tây mang ý nghĩa khám phá trong phát triển. Rồng tượng trưng cho tham vọng và thống trị, tràn đầy năng lượng và sức mạnh, là biểu tượng của thần thánh, linh thiêng...
Một số ít nền kinh tế ở Đông Á như Hồng Kông, Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc đã có sự phát triển thần kỳ trong thời kỳ dài và được được ví von với một con giáp với biệt danh là “các con rồng nhỏ”. Các nền kinh tế này đã trải qua quá trình công nghiệp hóa thần tốc đồng thời duy trì được tốc độ tăng trưởng đặc biệt cao trong những năm từ thập niên 1960 cho đến đầu thế kỷ 21. Sự ví von này phản ánh sự chú ý của giới tinh hoa trên thế giới. Báo cáo năm 1993 của Ngân hàng Thế giới “Kỳ tích Đông Á” (Tiếng Anh: The East Asian Miracle) đã ghi nhận các chính sách tân tự do dẫn đến sự bùng nổ kinh tế, bao gồm việc duy trì chính sách định hướng xuất khẩu, thuế thấp và kiểu nhà nước phúc lợi tối thiểu. Ngoài ra, những phân tích về thể chế chính trị cho thấy rằng nhà nước có sự can thiệp ở mức độ đáng kể… Theo lô-gíc biểu thị trình độ phát triển quốc gia như trên người ta ‘kể tên’ một nhóm kém phát triển hơn được gọi là những con hổ mới châu Á (Tiếng Trung: 亞洲小虎, nghĩa là Á châu tiểu hổ; Và, tiếng Anh: Tiger Cub Economies), bao gồm các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines, sau đó bổ sung thêm Việt Nam, mặc dù Việt Nam chưa phải là quốc gia công nghiệp mới nhưng có tỷ lệ tăng trưởng hàng năm tương đối cao.
Thành công đã qua, thách thức đang phải đối diện nhưng bốn nền kinh tế nêu trên với mô hình phát triển đã “mê hoặc” thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số trong hơn một phần ba thế kỷ và, họ vẫn có ‘nhiều điều để tự hào’, một số được nghiên cứu, đúc rút thành những bài học quan trọng có giá trị cho các quốc gia có khát vọng hoá rồng, trong đó có Việt Nam. Năm 2019 tờ The Economist có Báo cáo đặc biệt (xem bản dịch tiếng Việt trên trang nghiêncứuquốctế.org: Bốn con hổ châu Á…) xem xét bản chất ‘hoá rồng”, đã khái quát một số kinh nghiệm dưới đây.
Một là, tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và việc giữ vững thị phần xuất khẩu toàn cầu là cần thiết mặc dù chi phí nhân công và đất đai vẫn tăng đều. Ngoài ra, việc nỗ lực vượt qua giới hạn công nghệ hiện có và theo đuổi các công nghệ mới, tiên tiến cần được tập trung; Hai là, trân trọng sự công bằng là điều kiện tiên quyết cho sự hài hoà và ổn định như hai yếu tố chính trong các “giá trị Châu Á”, nhưng khi một tầng lớp công dân có học thức khao khát dân chủ, hình thành tầng lớp trung lưu, thì việc kiềm chế khát vọng đó có thể là một điều “thiếu thận trọng và bất công.” Ba là, mức độ phát triển thấp của phúc lợi ở các nền kinh tế này cũng trở thành một trở ngại, thậm chí là nỗi “ám ảnh” rằng tăng trưởng kinh tế cần phải thân thiện với phúc lợi xã hội như tiền lương, chăm sóc sức khoẻ và già hoá dân số… ; Bốn là, cả bốn con rồng này đều dễ bị tổn thương bởi các chu kỳ toàn cầu về công nghệ, tài chính và địa chính trị, trong đó những thách thức địa chính trị mới khiến họ lo lắng nhất hiện nay, đặc biệt là cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ làm rung chuyển các nền tảng cho sự thịnh vượng và an ninh.
Liên quan tới khát vọng ‘hoá rồng’ của Việt Nam, một trong những vấn đề được đặt ra là liệu dân chủ có tốt cho tăng trưởng hay không? Báo cáo trên lưu ý rằng “Nền chính trị tự do hơn ở Hàn Quốc và Đài Loan không phải lúc nào cũng mang lại cho họ vinh quang…” “rằng một mức độ tự do chính trị vừa phải là tốt nhất: thực tế, ở mức như của Singapore hiện tại là phù hợp…”, nhấn mạnh “sự chậm lại của cả bốn nền kinh tế không thể bị đổ lỗi cho dân chủ…” mà, ngược lại, như các nghiên cứu mới nhất như của Daron Acemoglu của của trường MIT và các đồng tác giả chỉ ra “rằng dân chủ làm tăng thêm khoảng 20% GDP đầu người của một quốc gia trong dài hạn.”
Nghiên cứu đáng lưu ý hàm ý cho Việt Nam về ‘dân chủ và hoá rồng’ là của ông Hồ Sĩ Quý (1953-), Giáo sư tại Viện Thông tin Khoa học xã hội. Bài báo có tên “Độc tài, “hóa rồng” và dân chủ ở Đài Loan” được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 5/2015. Ông ấy nhận định rằng việc “hoá rồng” và dân chủ hoá đi đôi với nhau, tuỳ thuộc vào các nhân tố khách quan và chủ quan, chẳng hạn như “sự phát triển tư bản chủ nghĩa làm cho người dân “quen với các giá trị dân chủ, thị trường văn minh, và tiến bộ xã hội. Một tầng lớp trung lưu biết quan tâm đến đất nước, và một xã hội dân sự đủ trưởng thành để gánh lấy trách nhiệm… Sự khác biệt chính trị dẫn đến khác biệt văn hóa giữa Đài Loan với đại lục, từ các áp lực quốc tế…” Đặc biệt, quá trình chuyển hoá này “chỉ là một cuộc cải cách” ôn hoà, trong đó ở ‘thượng tầng’ với “vai trò có một không hai của các nhà lãnh đạo Đài Loan mà trước hết là Tưởng Kinh Quốc…” và, “việc tập hợp tất cả những quan điểm khác biệt, khi đối kháng, khi thoả hiệp, đã đem lại những thay đổi cần thiết cho xã hội.” Hơn thế, ông cho rằng “Nếu người đứng đầu, thủ lĩnh tối cao chưa muốn hoặc có ý định ngăn cản cải cách, thì con đường cải cách ôn hòa thật khó đi đến kết quả.”
Cùng thời gian này giáo sư Quý cũng đăng bài viết với chủ đề tương tự về Hàn Quốc. 2015 là năm trước Đại hội toàn quốc Đảng CS Việt Nam lần thứ 12 (2016-2021), trong đó sự căng thẳng phe phái trong giới chóp bu của đảng lên đến đỉnh điểm lại là cơ hội cởi mở hơn về “dân chủ”. Trước thềm Đại hội 12 đã có một bức thư ngỏ với 126 nhân sĩ trí thức ký tên được gửi đến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu dự Đại hội lần thứ 12 (2016-2021), trong đó nêu: "Thực tiễn của nước ta cũng như trải nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã cho thấy rõ sai lầm và thất bại của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác – Lênin." Cũng trong năm 2015 này đã có các hội thảo được tổ chức với nhiều ý kiến mang tính ‘phản biện’ thu hút sự chú ý của công luận. Chẳng hạn, trong một hội nghị tại Đà Nẵng cựu thành viên của Ban nghiên cứu của Thủ tướng, bà Phạm Chi Lan đã ‘chua chát’: "Một số chuyên gia WB còn nói đùa Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất thế giới. Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển! Đầu tư nhiều đến thế, ODA nhiều đến thế (20 năm qua lượng ODA đổ vào Việt Nam lên tới gần 90 tỉ USD) nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là… không chịu phát triển!”
Năm Rồng 2024 và vấn đề “hoá rồng” của Việt Nam? (phần 2)
Bình luận của PGS., TS. Phạm Quý Thọ - nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
06/02/2024
Một phụ nữ mặc trang phục dân tộc chụp hình trước hình tượng con rồng ở Hà Nội hôm 30/1/2024
AFP
Phần 1 đã trình bày rằng chìa khoá cho “hoá rồng” của bốn nền kinh tế ở châu Á: Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan là thúc đẩy tăng trưởng nhờ thị trưởng đồng thời với dân chủ hoá để thoát khỏi chế độ độc tài trong sự kết nối thành công với xu hướng toàn cầu hoá, và sự tham gia và trỗi dậy của Trung Quốc là yếu tố quan trọng. Hồ sơ của họ trong những năm bùng nổ là bài học tham khảo quan trọng cho các nước đang phát triển có khát vọng hoá rồng, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, đặc thù của mỗi quốc gia khiến việc nắm bắt cơ hội không hề đơn giản. Đặc biệt đối với Việt Nam, việc bỏ lỡ cơ hội “hoá rồng” chủ yếu là do sự khác biệt chế độ chính trị. Làm rõ nguồn gốc chế độ chính trị hiện hành ở Việt Nam cũng như việc áp dụng trong quá trình vận hành giúp hiểu rõ cơ hội bị bỏ lỡ cũng như triển vọng ‘hoá rồng’ của đất nước còn xa vời thế nào.
Theo hiến định, chế độ chính trị hiện hành là chế độ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo “toàn diện và tuyệt đối” của Đảng Cộng sản. Trong thực tế, đây là một kiểu chế độ toàn trị, một mô hình phát triển đặc thù đã hình thành nên hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Sau khi hệ thống này sụp đổ năm 1989 mô hình toàn trị được duy trì ở Trung Quốc, và Việt Nam noi theo, nhưng trong quá trình vận hành được ‘làm mới’ khi ‘thêm’ hoặc ‘bớt’ tính chất hay nội dung của một số đặc trưng toàn trị.
Khoa học chính trị xác định rằng trên thế giới ngày nay có ba loại chế độ chính trị chủ yếu: dân chủ, chế độ toàn trị và, trung gian giữa hai chế độ này là chế độ độc tài. Các chế độ toàn trị thường được đặc trưng bởi sự đàn áp chính trị và vi phạm nhân quyền ở mức độ lớn hơn so với các chế độ độc tài, đối lập với các giá trị dân chủ phổ quát, sự sùng bái cá nhân rộng rãi xung quanh cá nhân hoặc nhóm cầm quyền, kiểm soát tuyệt đối nền kinh tế, kiểm duyệt quy mô lớn và hệ thống giám sát quần chúng, hạn chế hoặc cấm đoán các quyền tự do cơ bản, sử dụng rộng rãi bạo lực và áp đặt quy tắc chuyên chế… Tuy nhiên, một đặc điểm bao trùm không thay đổi, theo nhà sử học Robert Conquest, đó là một nhà nước công nhận không có giới hạn về quyền lực của mình trong bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống công cộng hoặc riêng tư và mở rộng quyền lực đó đến bất kỳ độ dài nào mà nó cho là khả thi.
Nếu mô hình Liên – Xô đặt là 1.0, thì mô hình Trung Quốc là 2.0 và, việc ‘nâng cấp’ các phiên bản tiếp theo được dẫn dắt bởi tư tưởng thực dụng. Theo đó, cố Tổng bí thư Đảng CS Đặng Tiểu Bình (1904 – 1997) được cho là người khởi xướng đường lối “cải cách và mở cửa” đã thay đổi nền kinh tế Trung Quốc thành ‘ngôi sao’ phát triển mới. Để duy trì sự thống trị độc tôn của Đảng CS, tư tưởng thực dụng kiểu Đặng đã giúp ‘đánh tráo’ các khái niệm cơ bản về chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội khi gắn mác “bản sắc Trung Quốc.” Dưới thời Đặng, khái niệm "Thực hành là tiêu chí duy nhất cho sự thật" bị thay đổi thành việc ra quyết định biện minh cho ý thức hệ chứ không phải ngược lại. Và giới lãnh đạo ĐCS Trung Quốc tin rằng một trong những lý do cho sự tan rã của Liên Xô là hệ tư tưởng đảng trì trệ, “bị ngắt kết nối với thực tế."
Một trong những ‘nâng cấp’ quan trọng là sự thay đổi quan điểm về chủ nghĩa tư bản. ĐCSTQ kiên định với chủ nghĩa Mác khi xem thế giới được tổ chức thành hai phe đối lập: xã hội chủ nghĩa và tư bản. Và, trên cơ sở chủ nghĩa duy vật lịch sử, cuối cùng XHCN sẽ chiến thắng TBCN. Họ cho rằng toàn cầu hóa, đã được Mác dự đoán, không cố định về bản chất cũng như thị trường không có một đặc điểm giai cấp cụ thể, nên chỉ coi là phương tiện, bởi vậy theo Đặng, Trung Quốc có thể theo đuổi hiện đại hóa XHCN bằng cách sử dụng chúng. Trong mô hình toàn trị 1.0 và dưới thời Mao những thất bại kinh tế là do yếu tố này đã không được áp dụng.
Trong quá trình vận hành ý thức hệ được gọi là ‘làm mới’ này giới tinh hoa chế độ toàn trị đã ‘nâng cấp’ Lý thuyết về quyền bá chủ của Antonio Gramsci (1891-1937). Ông ấy là một trong những nhà tư tưởng Mác-xít có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20 trong sự phát triển của chủ nghĩa Mác phương Tây. Theo ông, quyền bá chủ văn hóa như một phương tiện để duy trì và hợp pháp hóa nhà nước tư bản. Nói chung đó là một quá trình mà giai cấp thống trị phổ biến ý tưởng của họ và đạt được sự đồng ý của các tầng lớp thấp hơn, nghĩa là giai cấp thống trị phải trải qua thời gian để có được sự đồng ý của các lớp thấp hơn. ‘Vận dụng’ khái niệm này, giới lãnh đạo ĐCS luôn nhấn mạnh công tác tuyên huấn, giáo dục chính trị - tư tưởng, nhưng sự độc quyền chân lý đang cản trở nhận thức đầy đủ về thế giới.
"Thực hành là tiêu chí cho sự thật" đang trở lại khái niệm đúng dưới thời Tập Cận Bình. Sau hơn 30 năm vận hành tư tưởng thực dụng kinh tế, thực tế cho thấy chế độ toàn trị Trung Quốc về bản chất đang là kiểu nhà nước tư bản thân hữu, trong đó sự suy giảm tăng trưởng kinh tế diễn ra đồng thời với suy thoái chính trị, mà một trong những đặc trưng là quốc nạn tham nhũng mang tính cấu trúc, chính trị. Ngoài ra, các nước phương Tây bừng tỉnh sau hoan hỷ cho rằng chiến tranh lạnh đã kết thúc sau khi bức tường Béc Linh sụp đổ năm 1989, tiếp đến là ảo tưởng về tăng trưởng kinh tế nhờ thị trường có thể thúc đẩy dân chủ hoá dẫn đến thay đổi chế độ. Nay, rõ ràng chiến tranh lạnh đang tiếp diễn theo phiên bản 2.0, trong đó thương chiến Trung - Mỹ đang ngày càng thẳng. Vai trò của Tập Cận Bình nên được nhìn nhận như là hiện thân, vừa là hệ quả vừa là nguyên nhân, của quá trình phát triển chế độ toàn trị 2.0 trong bối cảnh mới.
Sự tương đồng về chế độ chính trị biện minh cho ý thức hệ cũng như các chính sách đối với trường hợp Việt Nam. Quay lại với và chủ đề triển vọng “hoá rồng” nhân năm Giáp Thìn 2024. Như đã trình bày ở phần 1, có những khoảng thời gian trước Đại hội 12 Đảng CS Việt Nam sự khát khao hoá rồng đã tạo môi trường cho các hội thảo, các cuộc tranh luận học thuật khá sôi nổi về nguồn gốc dẫn tới thành công của các “con rồng”. Một số người chỉ ra vai trò của thị trường cạnh tranh trong khi những ý kiến khác cho rằng đó là nhờ sự chỉ đạo, quản lý của nhà nước, và thậm chí những “tâm thư” được gửi cho giới lãnh đạo cao nhất của ĐCS rằng đất nước cần phải thay đổi, cần có “đổi mới lần 2”, cải tổ chính trị…
Cải cách thể chế, mặc dù được Đảng xác định là “đột phá chiến lược”, nhưng do ‘vướng’ vào ý thức hệ có nguồn gốc ĐCSTQ như trình bày ở trên, nên đang gặp thách thức, và thậm chí sự quay trở lại phiên bản 1.0 ngày càng rõ rệt. Tuy nhiên, yếu tố địa chính trị là góc khuất trong thương chiến giữa Trung Quốc và phương Tây cho phép Việt Nam đang hưởng lợi trong thu hút đầu tư nước ngoài để duy trì trụ cột tăng trưởng kinh tế quan trọng, có thể đảm bảo cho tính chính danh của ĐCS và chế độ. Có lẽ “ngoại giao cây tre” là cách thực dụng thể hiện cố gắng cân bằng mối quan hệ giữa hai bên đối nghịch vì mục đích kinh tế để duy trì chế độ.
Ngoài ra, sự ‘níu kéo’ luôn có vị trí trong thay đổi. Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập ĐCSVN mồng 3/2 ông Tổng Bí thư lần nữa nhấn mạnh vai trò của ĐCS với bài viết có tựa đề “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” trong khi truyền thông Nhà nước đưa tin toàn văn thông báo của Phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rằng, tính riêng cho năm 2023, Đảng “đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, 24.162 đảng (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022); trong đó thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm…” Tuy nhiên, các giải pháp chính sách “chống” mạnh, nhưng “xây”, chẳng hạn kiểm soát quyền lực và thiết lập nền tảng thị trường như vấn đề sở hữu liệu có mang lại hiệu quả bền vững vẫn là câu hỏi lớn.
Tóm lại, liệu có thể tìm ra cách khác để Việt Nam “hoá rồng” khi chế độ toàn trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với bản chất loại trừ con đường dân chủ hoá như bốn con rồng châu Á đã từng?
______________
Tham khảo:
1. https://documents.worldbank.org/en/publication/documents-reports/documentdetail/975081468244550798/main-report
2. https://nghiencuuquocte.org/2019/12/09/bon-con-ho-chau-a-thanh-cong-da-qua-thach-thuc-dang-toi/
3. https://nghiencuuquocte.org/2019/12/09/bon-con-ho-chau-a-thanh-cong-da-qua-thach-thuc-dang-toi/
4. https://nghiencuuquocte.org/2023/04/09/doc-tai-hoa-rong-va-dan-chu-o-dai-loan-p1/;
5. https://nghiencuuquocte.org/2023/04/10/doc-tai-hoa-rong-va-dan-chu-o-dai-loan-p2/
6. https://nghiencuuquocte.org/2023/03/25/han-quoc-doc-tai-hoa-rong-va-dan-chu/
7. https://www.voatiengviet.com/a/hang-tram-nhan-si-tri-thuc-vietnam-goi-thu-ngo-doi-tu-bo-chu-nghia-maclenin/3102093.html
8. https://vids.mpi.gov.vn/vietnam2035/2/184.html
9. https://en.wikipedia.org/wiki/Totalitarianism
10. https://en.wikipedia.org/wiki/Antonio_Gramsci
11. https://en.wikipedia.org/wiki/Western_Marxism
12. https://vietnamnet.vn/bai-viet-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-ky-niem-94-nam-ngay-thanh-lap-dang-2245534.html
13. https://vietnamnet.vn/toan-van-thong-bao-phien-hop-25-cua-ban-chi-dao-trung-uong-ve-pctntc-2246305.html
TPHCM: triệt phá đường dây mua bán trái phép chất ma túy, khởi tố 16 bị can
RFA
06/02/2024
Tang vật vụ án được Công an thu giữ
CACC
Hai đường dây vận chuyển, bào chế, mua bán trái phép chất ma túy với số tang vật khủng vừa bị Công an thành phố Hồ Chí Minh triệt phá.
Đại diện Phòng Tham mưu Công an thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cho truyền thông hay tin trên trong ngày 6/2.
Theo Phòng tham mưu, trước đó, Công an Q.Bình Thạnh và Công an Quận 8 phát hiện băng nhóm tội phạm mua bán trái phép chất ma túy, tàng trữ, lưu hành tiền giả do Phạm Ngọc Đức (biệt danh "Đức khỉ", 35 tuổi) cầm đầu và Nguyễn Ngọc Tiền (30 tuổi, cùng ngụ Q.Bình Thạnh) giữ vai trò giúp sức. Mở rộng điều tra, Công an phát hiện Lê Ngọc Thành cầm đầu, là đối tượng đấu tranh Chuyên án của Công an quận 8.
Qua khám xét khẩn cấp 11 địa điểm là chỗ ở, nơi nhóm này sử dụng làm kho cất giấu ma túy, Công an phát hiện, thu giữ gần 10 kg ma túy tổng hợp các loại, hơn 200 viên thuốc lắc, 2 khẩu súng quân dụng, 1 khẩu súng thể thao, 30 viên đạn các loại cùng 4,8 kg bột hóa chất phụ gia phục vụ quá trình bào chế, đóng gói ma túy thành phẩm.
Qua chứng cứ thu được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố đối với 16 bị can, tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ về hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, lưu hành tiền giả và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Hôm đầu tháng 1/2024, Công an TP.HCM cũng đã phối hợp công an các tỉnh, thành, Bộ Công an triệt phá đường dây vận chuyển ma túy từ Lào sang Việt Nam, thu giữ 290kg ma túy các loại. Có 26 người trong đường dây này bị Công an TP.HCM bắt giữ.
Mỹ phát hiện Việt Nam xuất hàng dính tới lao động cưỡng bức ở Tân Cương nhiều hơn cả TQ
06/02/2024
Một công nhân thu sợi bông tại một nhà máy dệt may ở Aksu thuộc Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương phía tây Trung Quốc, ngày 20/4/2021.
Hải quan Hoa Kỳ mới đây tuyên bố rằng Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa dính dáng đến việc sử dụng lao động cưỡng bức người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) lớn nhất trong năm 2023, vượt qua cả Trung Quốc.
Theo công bố của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP), hàng nhập khẩu vào Mỹ từ Việt Nam bị phát hiện vi phạm Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) nhiều nhất trên thế giới trong năm ngoái, cũng như kể từ khi luật này được Quốc hội Mỹ ban hành vào năm 2021.
Đạo luật UFLPA cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức từ người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác vào Hoa Kỳ. Hành động này là câu trả lời cho các báo cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền tràn lan trong Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của Trung Quốc.
Vào cuối tháng 1/2024, CBP công bố số liệu thống kê thực thi Đạo luật UFLPA cho thấy tính đến cuối tháng 12/2023, Việt Nam có giá trị sản phẩm lớn nhất bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ, cao hơn của Malaysia và Trung Quốc kể từ khi luật này được thực thi.
Dữ liệu của CBP 2023. Photo CBP.
Theo cơ quan này, họ từ chối thông quan 1.197 lô hàng, trị giá 220,3 triệu USD từ Việt Nam từ tháng 6/2022 đến ngày 4/12/2023 do vi phạm UFLPA. Malaysia có 454 lô hàng, trị giá 164 triệu USD bị từ chối trong khi Trung Quốc có 808 lô hàng, trị giá 69 triệu USD bị từ chối.
Riêng các sản phẩm may mặc, giày dép và dệt may của Việt Nam bị phát hiện vi phạm trị giá 19,14 triệu USD, trong đó 10,22 triệu USD bị từ chối nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2023. Con số này của Trung Quốc là 17,70 triệu USD hàng hóa bị phát hiện vi phạm, trong đó 1,91 triệu USD hàng hóa bị từ chối.
Các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam bị hải quan Mỹ từ chối nhập khẩu theo Đạo luật này bao gồm điện tử (704 lô), vật liệu công nghiệp và chế biến (391 lô), dệt may-giày dép (242 lô).
VOA đã liên lạc Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về các con số thống kê trên của CBP, nhưng chưa được trả lời.
Trao đổi với VOA qua email, bà Rushan Abbas, người sáng lập và giám đốc điều hành của Chiến dịch cho người Duy Ngô Nhĩ (Campaign for Uyghurs) có trụ sở tại Virginia, cho biết rằng Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu từ Đông Turkistan, tên gọi của người Duy Ngô Nhĩ cho Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, sang các nước láng giềng, bao gồm cả Việt Nam, và đã sử dụng chiến thuật nhằm che giấu nguồn gốc tự nhiên của sản phẩm.
“Việt Nam là một trong những quốc gia bị Trung Quốc lợi dụng để che đậy tội ác của mình”, bà Abbas nhận xét. “Số liệu thống kê của CBP Hoa Kỳ cho thấy Chính phủ Việt Nam, dù cố ý hay vô tình, đã tìm cách lách luật UFLPA, từ đó tự dính líu đến sự đồng lõa với tội ác diệt chủng của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
“Báo cáo này trình bày một diễn biến rất đáng chú ý rằng hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức ở Tân Cương đang ngày càng được chuyển hướng sang Việt Nam để tái xuất khẩu sang Mỹ”, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nêu nhận định qua email với VOA.
Dữ liệu của CBP 2023. Photo CBP.
Đại diện của HRW đánh giá thêm: “Trong khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị Hoa Kỳ đã nói về việc giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng bằng cách chuyển chúng ra khỏi Trung Quốc, thì rõ ràng điều đó không đơn giản như vậy. Những chuyển hướng này là không thể chấp nhận được và Hoa Kỳ cần sử dụng mối quan hệ song phương mới được nâng cấp với Việt Nam để gây sức ép với các nhà lãnh đạo ở Hà Nội nhằm ngăn chặn những hàng hóa có sử dụng lao động cưỡng bức được vận chuyển từ cảng của họ sang Mỹ”.
Hồi tháng 4/2023, hãng tin Reuters cho hay các quy định ngày càng chặt chẽ của Mỹ trong việc cấm nhập khẩu hàng hoá từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc đang gây áp lực nặng nề lên các nhà sản xuất hàng may mặc và giày dép của Việt Nam, với gần 90.000 lao động mất việc làm kể từ tháng 10/2022 trong bối cảnh nhu cầu trên toàn cầu chậm lại.
Theo Đạo luật UFLPA, có hiệu lực từ tháng 6/2022, chính phủ Mỹ yêu cầu các công ty chứng minh rằng họ không sử dụng nguyên liệu thô hoặc linh kiện được sản xuất bằng lao động cưỡng bức ở Tân Cương.
Reuters dẫn lời ông Sheng Lu, Giám đốc Khoa Nghiên cứu Thời trang và May mặc tại Đại học Delaware, Mỹ, nói: “Sự phụ thuộc nặng nề của Việt Nam vào nguyên liệu dệt bông từ Trung Quốc đề ra nguy cơ đáng kể về khả năng sản phẩm chứa bông Tân Cương, vì tỉnh này sản xuất hơn 90% lượng bông của Trung Quốc”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Hà Nội, người theo dõi các chính sách kinh tế-xã hội ở Việt Nam, nêu nhận định cá nhân của ông với VOA:
“Có một số công ty nhập sợi, vải, nguyên liệu để làm hàng dệt may… có thể người ta không để ý đến những quy định của Mỹ. Khi Mỹ giám sát thực thi luật pháp của họ thì họ phát hiện ra nhiều nước, trong đó có Việt Nam vi phạm đạo luật UFLPA. Đây là một cảnh báo cho tất cả doanh nghiệp Việt Nam có dùng nguyên liệu thô hay bán thành phẩm liên quan đến hay có xuất xứ từ những vùng bị Mỹ cấm”.
Luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư luật bán thời gian tại Đại học Ottawa, nói với VOA rằng từ dữ liệu của hải quan Mỹ có thể cho thấy một điều là doanh nghiệp ở Việt Nam đã mua nguyên liệu thô từ Trung Quốc và sau đó sử dụng lao động giá rẻ ở Việt Nam qua hình thức gia công để sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
“Sẽ rất ngạc nhiên nếu Việt Nam không thực hiện điều này”, ông Khanh nói.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng nhận thấy điều này, nhưng nói rằng : “Tôi không nghĩ rằng đây là một âm mưu của Trung Quốc để lách quy định của Mỹ”, vì theo ông vẫn chưa thấy có thống kê đầy đủ trong số hàng bị từ chối có bao nhiêu phần trăm hàng hóa do doanh nghiệp Trung Quốc có chi nhánh ở Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Khanh cho rằng điều cần thiết là các doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ của Việt Nam phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng bông của họ khỏi nguồn cung cấp từ Trung Quốc bằng cách sử dụng nhiều hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ.
Cảnh sát biển Philippines mời Việt Nam tham gia diễn tập Marpolex vào tháng 6
06/02/2024
Thiếu tướng Lê Quang Đạo, lãnh đạo Cảnh sát Biển Việt Nam. Photo: Cảnh Sát Biển.
Cảnh sát biển Philippines sẽ mời Cảnh sát biển Việt Nam tham gia diễn tập về ô nhiễm môi trường biển ba bên (Marpolex) vào tháng 6/2024, người Phát ngôn Cảnh sát biển Philippines cho biết, theo trang The Philippine Star hôm 5/2.
Phó Đô đốc Armand Balilo, Phát ngôn Cảnh sát biển Philippines, nói rằng cuộc diễn tập Marpolex kéo dài 5 ngày sẽ được tổ chức tại thành phố Bacolod, tỉnh Negros Occidental, Philippines, trong tuần thứ ba của tháng 6/2024, theo trang The Philippine Star và đài Bombo Radyo.
Ông cho hay Cảnh sát biển Philippines cùng với lực lượng bảo vệ bờ biển Indonesia và Nhật Bản sẽ tham gia sự kiện này.
Ngoài ra, lực lượng tuần duyên Mỹ và Hàn Quốc cũng sẽ được mời tham gia hoặc quan sát, vẫn theo ông Balilo.
“Chỉ thị của Đô đốc Chỉ huy Cảnh sát biển Philippines Ronnie Gil Gavan là đưa nó thành một cuộc diễn tập về ô nhiễm hàng hải trong khu vực. Các nước khác không cần thiết phải đưa tàu của họ đến, sự tham gia của họ có thể với tư cách là quan sát viên cuộc diễn tập”, ông Balilo nói thêm.
CSB Việt Nam chưa phản hồi ngay khi VOA đề nghị họ đưa ra bình luận về lời mời của CSB Philippines. Truyền thông Việt Nam chưa đưa tin về kế hoạch diễn tập này.
Việc CSB Philippines mời CSB Việt Nam tham gia sự kiện này diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (con) tới Hà Nội vào tuần trước, trong đó hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác lực lượng bảo vệ bờ biển trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông.
Bản ghi nhớ này nhằm tăng cường “sự hiểu biết, tin cậy và tin cậy lẫn nhau” giữa cảnh sát biển hai nước thông qua thảo luận về các vấn đề và lợi ích chung cũng như thiết lập đường dây nóng.
Đô đốc Gavan, người tháp tùng ông Marcos trong chuyến thăm Hà Nội, nhận xét rằng Bản ghi nhớ này sẽ tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược giữa cảnh sát biển hai nước theo hướng “thúc đẩy, duy trì và bảo vệ lợi ích chung ở khu vực Đông Nam Á”.
Marpolex là cuộc diễn tập tổng hợp ứng phó sự cố tràn dầu được tổ chức hai năm một lần kể từ năm 1986. Philippines và Indonesia khởi xướng cuộc diễn tập này sau khi triển khai Kế hoạch Mạng lưới Tràn dầu Sulu Sulawesi năm 1981. Nhật Bản tham gia Marpolex vào năm 1995.
Không có nhận xét nào